Giới thiệu một số khái niệm mới trong biên mục hiện đại
Bạn đang xem tài liệu "Giới thiệu một số khái niệm mới trong biên mục hiện đại", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- gioi_thieu_mot_so_khai_niem_moi_trong_bien_muc_hien_dai.pdf
Nội dung text: Giới thiệu một số khái niệm mới trong biên mục hiện đại
- Giới thiệu một số khái niệm mới trong biên mục hiện đại
- Công tác biên mục tài liệu đã được cộng đồng thư viện thực hiện từ hàng trăm năm nay [1]. Một số chuyên gia đã nhận định rằng kiểm soát thư mục truyền thống gần như đã đạt mức hoàn thiện với tài liệu truyền thống thể hiện thông qua việc ban hành Nguyên tắc biên mục quốc tế năm 1961 (thường gọi là Nguyên tắc Pari), tiêu chuẩn trao đổi dữ liệu thư mục được thống nhất toàn cầu (tiêu chuẩn ISO 2709), khổ mẫu lưu giữ dữ liệu thư mục được sử dụng rộng rãi (như MARC21, UNIMARC) và quy tắc biên mục được chấp nhận ( như AACR2, ISBD) (Gorman M., 2001). Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học và công nghệ nói chung và của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) nói riêng đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong hoạt động quản lý thư mục. Một số nghiên cứu đã phát hiện những yêu cầu mới đối với biểu ghi thư mục, là cơ sở cho việc hình thành nguyên tắc biên mục quốc tế mới và quy tắc biên mục mới. Năm 2009, IFLA đã công bố "Tuyên bố về nguyên tắc biên mục quốc tế" thay thế Nguyên tắc Pari [5]. Bên cạnh nhiều vấn đề khác như mục tiêu và chức năng của mục lục, bản mô tả thư mục, các điểm truy cập, cơ sở cho khả năng tìm kiếm, Nguyên tắc biên mục quốc tế đã nêu: "Một quy tắc biên mục cần xem xét các thực thể, thuộc tính và quan hệ như định nghĩa trong các mô hình khái niệm của thế giới thư mục". Những khái niệm thực thể, quan hệ và thuộc tính này đã được đề cập đến trong một báo cáo của IFLA về Yêu cầu chức năng của biểu ghi thư mục, viết tắt là FRBR (từ thuật ngữ tiếng AnhFunctional Requirements of Bibliographic Records) [6]. Trong dự thảo quy tắc biên mục mới “Mô tả và truy cập tài nguyên” (RDA) cũng sử dụng những khái niệm này của FRBR [7]. Đây là những khái niệm rất mới đối với biên mục truyền thống. Bài này giới thiệu một số khái niệm mới liên quan đến công tác biên mục hiện đại được đề cập đến trong "Yêu cầu chức năng của biểu ghi thư mục" (FRBR) và Nguyên tắc biên mục quốc tế mới như thực thể, thuộc tính và quan hệ. 1. Yêu cầu chức năng của biểu ghi thư mục (FRBR)
- Như chúng ta đã biết, cách đây hơn 40 năm, IFLA đã khởi xướng những nghiên cứu về lý luận và thực tiễn biên mục và trên cơ sở kết quả của những nghiên cứu đó, tại Hội nghị Quốc tế về Nguyên tắc Biên mục năm 1961 ở Pari, cộng đồng thư viện đã thông qua một tuyên bố về nguyên tắc biên mục quốc tế, thường được gọi là "Nguyên tắc Pari" [3]. Kết quả của việc triển khai áp dụng Nguyên tắc Pari là việc xây dựng và ban hành "Mô tả thư mục chuẩn quốc tế " ISBD [4]. Trong thời gian này, Nguyên tắc Pari và ISBD đã là cơ sở quan trọng để chỉnh lý, xây dựng những quy tắc biên mục quốc tế và quốc gia (như AACR2). Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT-TT đã làm thay đổi thế giới thư mục, môi trường hoạt động thư viện cũng như yêu cầu của người sử dụng mục lục. Việc ứng dụng máy tính điện tử trong biên mục, sự phát triển của các hệ thống thư viện tích hợp đã làm cho việc tạo lập và xử lý dữ liệu thư mục trở nên đơn giản, góp phần tạo ra những cơ sở dữ liệu (CSDL) thư mục lớn, những mục lục công cộng truy cập trực tuyến hay OPAC (Online Public Access Catalogues). Những CSDL hay OPAC này đã dần thay thế các mục lục truyền thống. Khái niệm biểu ghi thư mục đã trở nên quen thuộc. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet, sự xuất hiện của nhiều loại hình nguồn tin mới, đặc biệt nguồn tin điện tử, kể cả nguồn tin trực tuyến đã làm thế giới thư mục thay đổi mạnh mẽ. Thế giới thư mục ngày nay không chỉ bao gồm chủ yếu tài liệu văn bản (sách, tạp chí trên giấy, ) mà đã bao quát nhiều loại hình hơn, đặc biệt là tài liệu điện tử (hoặc tài liệu số). Đồng thời, cộng đồng thư viện cũng nhận thức được rằng việc đáp ứng đòi hỏi của người sử dụng mục lục đối với tìm tin, định danh được, chọn được thông tin phù hợp với yêu cầu của họ là một vấn đề rất quan trọng. Những điều này đã làm cho những nguyên tắc được nêu trong Nguyên tắc Pari năm 1961 trở nên lạc hậu và không còn phù hợp. Xuất phát nhận thức phải xem xét lại những vấn đề liên quan đến biên mục trong mối quan hệ với thời đại kỹ thuật số, từ những năm 1992- 1995, IFLA đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện với mục tiêu là xác định một cách rõ ràng và đầy đủ về “chức năng mà biểu ghi thư mục cần phải thực hiện trong mối quan hệ với các loại hình tài liệu khác nhau, những ứng dụng khác nhau và nhu cầu khác nhau của người sử dụng mục lục.
- Nghiên cứu cần phải bao quát mọi chức năng cho biểu ghi thư mục trong nghĩa rộng nhất, nghĩa là biểu ghi không chỉ bao gồm những yếu tố mô tả, mà cả những điểm truy cập (như tên, nhan đề, chủ đề, v.v ), những yếu tố tổ chức khác (như ký hiệu phân loại, v.v )" (IFLA Study Group on the functional Requirements for bibliographic records, 1998). Kết quả của nghiên cứu đã đề xuất ra được Yêu cầu chức năng của biểu ghi thư mục, được gọi tắt theo tiếng Anh là FRBR (Functional Requirements of Bibliographic Records). FRBR là một mô hình khái niệm về chức năng của biểu ghi thư mục trong tình hình mới với những khái niệm hoàn toàn mới so với những quan niệm truyền thống trong biên mục. Những khái niệm đó là: - Thực thể; - Thuộc tính; - Quan hệ. 2. Thực thể 2.1. Thực thể là gì? Theo FRBR, Thực thể (Entity) được hiểu là những đối tượng quan tâm chủ yếu đối với người dùng tin thư mục, thí dụ tác phẩm, những biểu hiện khác nhau của tác phẩm, tác giả, những người chịu trách nhiệm về nội dung trí tuệ hay nghệ thuật; cơ quan, những vấn đề, nội dung,v.v Theo Bảng thuật ngữ trong Nguyên tắc biên mục quốc tế, thực thể được định nghĩa là cái gì đó có đặc tính đơn vị và độc lập, cái tồn tại độc lập hoặc riêng biệt, một thứ được trừu tượng hoá, khái niệm ý tưởng, đối tượng tư duy hoặc đối tượng mơ hồ (IFLA, 2009). Thực thể chính là những đối tượng được mô tả, đề cập trong biểu ghi thư mục. Thực thể trong biểu ghi thư mục bao gồm: - Sản phẩm của sáng tạo trí tuệ và nghệ thuật (như tác phẩm, biểu hiện, biểu thị, tài liệu);
- - Chủ thể (cá nhân, dòng họ, tập thể) chịu trách nhiệm về sáng tạo ra nội dung trí tuệ hoặc nghệ thuật, về sản xuất và phổ biến nội dung ở dạng thức vật lý hoặc về duy trì sự lưu giữ sản phẩm; - Chủ đề của tác phẩm (tác phẩm, biểu hiện, biểu thị, tài liệu, cá nhân, gia đình, tập thể, khái niệm, đối tượng, sự kiện, địa điểm). Trong những quy tắc biên mục truyền thống chưa sử dụng khái niệm thực thể. Những thuật ngữ "tác phẩm", "tài liệu", "xuất bản phẩm" trong những quy tắc truyền thống có thể được coi như là giống nhau với tư cách là đơn vị thư mục để mô tả. Trong ngôn ngữ thường ngày, khi chúng ta nói "sách", có thể chúng ta đang đề cập đến tất cả những khái niệm nói trên (tài liệu, ấn phẩm, tác phẩm, ). Khi ta nói "tài liệu", cũng có thể là chúng ta nói đến một bản (một cuốn) của một tên tài liệu mà ta mua từ hiệu sách, cũng có thể là nói chung về một lần xuất bản của tài liệu đó. Trong FRBR, những đối tượng này được phân biệt một cách rõ ràng. 2.2. Các nhóm thực thể FRBR nhóm các thực thể thành 3 nhóm: thực thể nhóm 1, thực thể nhóm 2 và thực thể nhóm 3. a. Thực thể nhóm 1 Thực thể nhóm 1 bao gồm những thực thể liên quan đến sản phẩm của hoạt động trí tuệ và nghệ thuật được kể tên hoặc mô tả trong biểu ghi thư mục. Những thực thể của nhóm này gồm: - Tác phẩm, - Biểu hiện, - Biểu thị, - Tài liệu. Tác phẩm (Work) được định nghĩa là một sáng tạo trí tuệ hoặc nghệ thuật riêng biệt. Đây là một dạng thực thể trừu tượng, được khái quát hoá.
- Biểu hiện (Expression) là sự hiện thực hóa trí tuệ hoặc nghệ thuật của một tác phẩm dưới dạng ký tự (số, chữ cái), âm nhạc, ký hiệu vũ đạo, âm thanh, hình ảnh, đối tượng, vận động hoặc bất cứ sự phối hợp nào giữa chúng. Nói cách khác, một tác phẩm (có tính trừu tượng), phải được hiện thực hoá dưới hình thức biểu hiện (cụ thể hơn, nhưng vẫn trừu tượng, có tính khái quát). Biểu thị (Manifestation) là hiện thân vật lý (vật chất) của một biểu hiện của một tác phẩm. Biểu thị bao gồm đa dạng loại hình tài liệu như bản thảo, sách, xuất bản phẩm kế tiếp, bản đồ, tài liệu ghi âm, âm nhạc, v.v Một biểu thị bao gồm tất cả các đối tượng cùng mang những đặc tính giống nhau về cả khía cạnh trí tuệ và hình thức vật lý. Thí dụ, tất cả các bản in của một lần xuất bản của một tài liệu. Nếu liên hệ với biên mục truyền thống, biểu thị tương đương đối tượng mà chúng ta mô tả trong phiếu mục lục hoặc trong cơ sở dữ liệu. Tài liệu (Item) là một bản đơn lẻ của một biểu thị. Đó là một đối tượng vật lý đơn lẻ, cụ thể, thí dụ một bản sách cụ thể của một lần xuất bản được lưu trong thư viện. Bằng sơ đồ, có thể thể hiện quan hệ giữa các thực thể nhóm 1 như trong hình 1. Hình 1. Các thực thể nhóm 1
- Chúng ta có thể sử dụng thí dụ tác phẩm "Gone with the wind" (Cuốn theo chiều gió) để minh họa khái niệm Tác phẩm (w), Biểu hiện (e), Biểu thị (m) vàTài liệu (i). "Gone with the wind" của Margret Mitchell với tư cách là thực thể tác phẩm, được hiểu sẽ bao gồm tổng thể các hình thức biểu hiện khác nhau của tác phẩm như bản gốc tiếng Anh, những lần xuất bản khác nhau của tác phẩm, những bản dịch sang ngôn ngữ khác của tác phẩm, phim "Gone with the wind", v.v Tác phẩm này được hiện thực hóa thông qua những biểu hiện như: bản tiếng Anh, bản dịch, phim, v.v Trong số những biểu hiện, tác phẩm“Gone with the wind” của Michael Michell (w) có những biểu hiện là các bản dịch tiếng Việt. Một trong những bản dịch đó là bản dịch của Vũ Kim Thư. Bản dịch này là một biểu hiện (e1) của tác phẩm "Gone with the wind". Biểu hiện này của tác phẩm được hiện thân bằng bộ tiểu thuyết hai tập “Cuốn theo chiều gió” của Michael Michell do Vũ Kim Thư dịch và được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2002[1]. Lần xuất bản này là biểu thị (m1 và m2) của biểu hiện tiếng Việt (e1) của tác phẩm "Gone with the wind". Thư viện Quốc gia Việt Nam lưu giữ một số bản của lần xuất bản đó. Mỗi bản này được coi là một Tài liệu. Biểu thị m1 có 3 tài liệu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam với số đăng ký cá biệt là: VN02.07121 (i1), VN02.07122 (i2) và VN02.07123 (i3) và biểu thị m2 có 3 tài liệu với số đăng ký cá biệt tương ứng là VN02.07124 (i1), VN02.07125 (i2) và VN02.07126 (i3). Nếu thể hiện quan hệ Tác phẩm-Biểu hiện-Biểu thị-Tài liệu nói trên theo dạng thứ bậc, chúng ta có thể thấy như sau: w : “Gone with the wind" của Margaret Mitchell e1 : Bản dịch tiếng Việt của Vũ Kim Thư m1 : Cuốn theo chiều gió : Tập 1 / Margaret Mitchell ; Vũ Kim Thư dịch. - H. : Văn học, 2002.- 759 tr. i1 : VN02.07121 i2 : VN02.07122 i3 : VN02.07123
- m2 : Cuốn theo chiều gió : Tập 2 / Margaret Mitchell ; Vũ Kim Thư dịch. - H. : Văn học, 2002.- 691 tr. i1 : VN02.07124 i2 : VN02.07125 i3 : VN02.07126 Bản dịch "Cuốn theo chiều gió" của Vũ Kim Thư cũng còn được Nhà xuất bản Văn hóa Sài gòn xuất bản năm 2006[2]. Lần xuất bản này được coi là một Biểu hiện khác của Tác phẩm. b. Thực thể nhóm 2 Thực thể nhóm 2 gồm các thực thể liên quan đến trách nhiệm về nội dung trí tuệ hoặc nghệ thuật, về sản xuất và phổ biến nội dung, lưu giữ những thực thể thuộc nhóm 1. Theo FRBR, thực thể nhóm 2 gồm hai loại: Cá nhân và Tập thể. Cá nhân (Person) là một cá thể người hoặc một nhân dạng đơn lẻ được lập hoặc được áp dụng cho một cá thể hoặc một nhóm người (thí dụ Margaret Mitchell, Tố Hữu, Trần Hoàn, Nữ hoàng Victoria, ). Cá nhân có thể bao gồm cả người đã mất hoặc còn sống, người chịu trách nhiệm về nội dung trí tuệ (tác giả, nhạc sỹ, biên tập, ) hoặc là người được đề cập trong tác phẩm (chủ thể của tác phẩm tiểu sử, tự truyện, ). Tập thể (Corporate body) là một tổ chức hoặc nhóm cá nhân và/hoặc tổ chức được định danh bằng một tên cụ thể và hoạt động hoặc có thể hoạt động như một đơn vị. Tập thể được xác định bằng tên cơ quan, tổ chức, bằng các nhóm không thường xuyên (Hội nghị, triển lãm, ) hoặc bằng tên lãnh thổ, chính quyền, (liên bang, nước, vùng lãnh thổ ). Trong Nguyên tắc biên mục quốc tế 2009, IFLA còn đưa thêm thực thể "Dòng họ". Dòng họ (Family) được hiểu là từ hai hoặc nhiều cá nhân liên quan với nhau bởi việc sinh sản, hôn nhân, nhận con nuôi hoặc những tình trạng pháp lý tương tự hoặc những hình thức khác thể hiện đây là dòng họ. Quan hệ thực thể nhóm 2 và nhóm 1 được thể hiện trong hình 2.
- Hình 2. Quan hệ giữa thực thể nhóm 1 và nhóm 2 c. Thực thể nhóm 3 Thực thể nhóm 3 bao gồm các thực thể liên quan đến chủ đề hoặc nội dung trí tuệ hoặc nghệ thuật của tác phẩm. Thực thể nhóm này gồm 4 loại: Khái niệm, Đối tượng, Sự kiện và Địa điểm. Ngoài ra, nhóm này còn bao gồm cả thực thể của các nhóm 1 và 2 (như trường hợp tác phẩm nói về tác phẩm khác, tác phẩm nói về tác giả, tập thể khác). Khái niệm (Concept) là sự trình bày trừu tượng hoặc ý tưởng; một tuyên bố hoặc ý tưởng trừu tượng. Khái niệm có thể là chủ đề của tác phẩm như: lĩnh vực nghiên cứu, lý thuyết, quá trình, kỹ thuật, v.v Đối tượng (Object) là vật thể vật chất hoặc một thứ có tính chất vật chất[3] . Đối tượng có thể chỉ những vật tồn tại thực trong thế giới (như toà nhà, con vật, cây cối, thiết bị, ), những thứ thấy được do con người tạo nên (như Tháp Eiffel, Cung điện Buckinghan, Tầu vũ trụ Appolo, ) hoặc do thiên nhiên tạo ra, tồn tại trong tự nhiên (như sông, núi, thiên thạch, ). Đối tượng có thể bao gồm cả những vật đã không còn tồn tại.
- Sự kiện (Event) là một hoạt động hoặc sự việc xẩy ra. Khái niệm Sự kiện bao gồm nhiều loại hình hoạt động và những sự xuất hiện có thể là chủ đề của tác phẩm như sự kiện (ASEAN Games; Đại chiến II; Trận Điện Biên Phủ, v.v ), thời đại (Thời kỳ trung cổ, Thời kỳ cận đại, v.v ) hay giai đoạn (Thế kỷ 20, Kháng chiến chống Pháp, v.v ). Địa điểm (Place) được định nghĩa là một nơi chốn. Thực thể này có thể bao gồm các địa điểm trên mặt đất, địa điểm ngoài trái đất, địa điểm lịch sử, địa điểm đương đại, các địa điểm địa lý, địa chính trị, v.v Thực thể Địa điểm được sử dụng trong mô tả chủ đề liên quan (như trong bản đồ, atlas, tài liệu hướng dẫn du lịch, hướng dẫn hàng hải, v.v ). Hình 3 thể hiện quan hệ thực thể nhóm 3 và những thực thể khác. Hình 3. Thực thể nhóm 3 3. Thuộc tính Trong biên mục truyền thống, chúng ta đã quen với khái niệm yếu tố mô tả (Elements). Nguyên tắc biên mục quốc tế đã xác định rằng cùng với thực thể, biểu ghi thư mục phải đề cập đến thuộc tính của thực thể. Thuộc tính là một khái niệm mới trong biên mục hiện đại.
- Thuộc tính (Attributes) được định nghĩa là những đặc trưng của một thực thể. Thuộc tính cũng có thể được hiểu là tập hợp những đặc tính làm cơ sở cho việc hình thành yêu cầu tin và phân tích kết quả. Thuộc tính cũng là công cụ để người sử dụng hình thành câu hỏi (tìm theo yếu tố gì, ), diễn giải kết quả tìm kiếm (đối tượng tìm được có những đặc trưng gì, ). Một số thuộc tính có thể là: - Nhan đề tác phẩm; Thể loại tác phẩm; Năm của tác phẩm; Nhạc cụ trình diễn (tác phẩm âm nhạc), Số định danh (tác phẩm âm nhạc), v.v - Nhan đề của biểu hiện; Thể loại của biểu hiện; Ngày của biểu hiện; Ngôn ngữ của biểu hiện; Đặc trưng khối lượng của biểu hiện; Kiểu kế tiếp (xuất bản phẩm nhiều kỳ); Đều kỳ mong đợi (xuất bản phẩm nhiều kỳ); Định kỳ mong đợi của số (xuất bản phẩm nhiều kỳ); Loại tổng phổ (bản nhạc),v.v - Nhan đề của biểu thị; Thông tin trách nhiệm; Định danh lần xuất bản; Nơi xuất bản/phát hành; Nhà xuất bản/phát hành; Ngày xuất bản/phát hành; Nhà sản xuất; Thông tin tùng thư; Loại vật đựng; Đặc trưng khối lượng của vật đựng; Vật mang vật lý, v.v - Dấu hiệu nhận dạng (dấu vân tay); Nguồn gốc tài liệu; dấu hiệu/câu viết/đề tặng; Lịch sử trưng bày; Tình trạng tài liệu; Lịch sử xử lý; Xử lý theo định kỳ; Hạn chế truy cập đến tài liệu, - Tên cá nhân; Thời gian liên quan đến cá nhân (như ngày sinh, ngày mất); Tước hiệu của cá nhân; Những danh hiệu liên quan đến cá nhân; Các thuộc tính được định nghĩa trong mô hình FRBR có thể chia thành 2 loại: thuộc tính vốn có (inherent attributes) bên trong thực thể và thuộc tính được gán cho từ bên ngoài (assigned attributes). Thuộc tính vốn có gồm những thuộc tính sẵn có ngay trên tác phẩm như: - Các đặc trưng vật lý (vật mang tin, kích thước, số trang, v.v ) - Các thông tin ghi nhãn (như Nhan đề tác phẩm, Nhan đề biểu hiện, tác giả, )
- Thuộc tính được gán là những thuộc tính không có sẵn trên tác phẩm và được người hoặc cơ quan xử lý thông tin gán cho: - Chỉ số phân loại; - Số định danh (như số đăng ký cá biệt, ); - Khái niệm. 4. Quan hệ Một khái niệm nữa được nêu trong mô hình FRBR và Nguyên tắc biên mục quốc tế mới đề xuất cần xem xét trong biên mục là quan hệ giữa các thực thể.Quan hệ (Relationship) được định nghĩa là mối liên kết đặc thù giữa các thực thể hoặc đại diện của chúng. Trong mô hình FRBR, các tác giả đã nêu ra nhiều loại quan hệ. Thí dụ, quan hệ giữa các thực thể nhóm 1, quan hệ giữa các các nhóm thực thể, quan hệ về nội dung, Quan hệ giữa các thực thể nhóm 1 đã được giới thiệu khái quát trong hình 1. Mối quan hệ đó có thể nêu như sau: - Tác phẩm được hiện thực hoá bởi Biểu hiện; - Biểu hiện được hiện thân trong Biểu thị; - Biểu thị được cụ thể hóa bằng Tài liệu. Mối quan hệ giữa thực thể nhóm 1 và nhóm 2 được thể hiện trong hình 2 có thể diễn giải như sau: - Một tác phẩm có thể được sáng tạo bởi một hay nhiều người hoặc một hay nhiều tập thể; - Một hay nhiều người hoặc một hay nhiều tập thể có thể sáng tạo một hoặc nhiều tác phẩm; - Một biểu hiện có thể được hiện thực hóa bởi một hay nhiều người hoặc một hay nhiều tập thể; - Một người hay một tập thể có thể hiện thực hóa một hay nhiều biểu hiện;
- - Một biểu thị có thể được sản xuất bởi một hay nhiều người hoặc một hay nhiều tập thể; - Một tài liệu có thể được sở hữu bởi một hay nhiều người hoặc một hay nhiều tập thể; - Một người hoặc một tập thể có thể sở hữu một hoặc nhiều tài liệu Mối quan hệ giữa các thực thể nhóm 3 với thực thể nhóm 1 và nhóm 2 được thể hiện trong hình 3 và có thể nêu như sau: - Một tác phẩm có thể có một hoặc nhiều khái niệm, đối tượng, sự kiện hay địa điểm; - Một khái niệm, đối tượng, sự kiện hay nơi chốn có thể là chủ đề của một hay nhiều tác phẩm. 5. Kết luận Những khái niệm được đề cập trong FRBR như thực thể, thuộc tính và quan hệ đã được sử dụng trong Nguyên tắc biên mục quốc tế và trong dự thảo quy tắc RDA sắp ban hành. Thực thể là những đối tượng mà người sử dụng mục lục quan tâm. Những thuật ngữ thể hiện các thực thể như Tác phẩm, Biểu hiện, Biểu thị, Tài liệu, Cá nhân, Dòng họ, Khái niệm, Đối tượng, Sự kiện, Địa điểm là mới trong lý luận về biên mục truyền thống. Những khái niệm này đã cho phép chúng ta xem xét lại quy tắc biên mục truyền thống với cách nhìn mới. Những khái niệm và nguyên tắc mới cũng là cơ sở để nghiên cứu xây dựng những quy tắc biên mục đáp ứng yêu cầu của thời đại kỹ thuật số. IFLA đang tiếp tục khuyến khích cộng đồng thư viện trên thế giới tìm hiểu và để áp dụng những vấn đề mới này trong hoạt động nghiệp vụ biên mục. Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu những vấn đề mới để theo kịp được sự phát triển của công tác biên mục trong tương lai. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Denton, W. FRBR and the History of Cataloging. - 2007 dspace/handle/10315/1250
- 2. Gorman, Michael. Bibliographic control or chaos: an Agenda for national bibliographic services in the XXI century. 67th IFLA Council and General Conference, August 16-25, 2001. 3. IFLA. International Conference on Cataloguing Principles. Report.– London: International Federation of Library Associations, 1963, p. 91-96. 4. IFLA. International Standard Bibliographic Description (ISBD): preliminary consolidated edition. - 2007 URL 5. IFLA. Statement of International Cataloguing Principles 2009. URL: 6. IFLA Study Group on the functional Requirements for bibliographic records (1998). Functional Requirements for Bibliographic Records: Final report. – Munich: Saur, 1998. (IFLA UBCIM publications new series; v. 19). Có trên Website của IFLA: 7. Joint Steering Committee for Development of RDA (2008). RDA : Resource Description and Access. ___ Ths. Cao Minh Kiểm Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3(23) – 2010 (tr.6-12)
- Cuốntheochiềugió:Haitập/MargaretMitchell;VũKimThưdịch.-H.:Vănhọc,2002.- 2tập;19cm. Cuốntheochiềugió:Tiểuthuyết/MargaretMitchell;VũKimThưdịch.- Tp.HồChíMinh:Nxb.VănhoáSàiGòn,2006.-2 tập; 19cm Cótácgiảgọilàvậtthể