Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp dạy trẻ Mẫu giáo lớn biết yêu thương, chia sẻ - Vũ Thị Bình

pdf 23 trang hapham 3010
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp dạy trẻ Mẫu giáo lớn biết yêu thương, chia sẻ - Vũ Thị Bình", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfsang_kien_kinh_nghiem_mot_so_bien_phap_day_tre_mau_giao_lon.pdf

Nội dung text: Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp dạy trẻ Mẫu giáo lớn biết yêu thương, chia sẻ - Vũ Thị Bình

  1. PHÒNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO CẦU GIẤY TRƯỜNG MẦM NON HOA HỒNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM Một số biện pháp dạy trẻ Mẫu giáo lớn biết yêu thương, chia sẻ Lĩnh vực/ Môn: Giáo dục mẫu giáo Tên tác giả: Vũ Thị Bình Chức vụ: Tổ trưởng chuyên môn Năm học 2012-2013
  2. I. ĐẶT VẤN ĐỀ: “Là người ai cũng cần có tình yêu thương, trao yêu thương và nhận lại yêu thương đó như một nhu cầu hạnh phúc mà mọi người ai cũng tìm kiếm trên suốt hành trình sống của mình. Tình yêu thương không phải bỗng dưng mà có được, nó phải được nuôi nấng dạy dỗ từ khi còn bé thơ. Để hiểu yêu thương là gì cũng cần một chặng đường dài học hỏi, trải nghiệm mới thấy được giá trị của nó” Tình yêu thương là mặt trời, là thi ca của cuộc sống. Nó bắt nguồn từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người. Yêu thương là tìm thấy hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người khác. Tình cảm yêu thương, lòng nhân hậu của con người dành cho con người nó được biểu hiện bằng sự cảm thông, chia sẻ, hi sinh, mà cội nguồn của nó là lòng trắc ẩn yêu thương. Trong xã hội công nghiệp hoá hiện đại hoá hiện nay, cùng với nhịp đập hối hả của cuộc sống, con người cũng bận rộn hơn, gấp gáp hơn. Trong sự bận rộn và gấp gáp ấy, đôi khi vô tình chúng ta bỏ lại phía sau sự yêu thương, chia sẻ của mình đối với những người khác trong gia đình, xã hội. Hay nói cách khác, đây chính là sự vô tâm không để ý đến những người xung quanh. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần hiểu rằng cho dù ở thời đại nào thì yêu thương và chia sẻ vẫn là điều cần thiết để giúp con người vượt qua nỗi đau của cuộc sống là sợi dây nhân ái gắn bó người với người, nhà với nhà và quan trọng hơn nó gắn kết toàn xã hội. Thật xúc động biết bao khi tôi đọc được trên báo 24h câu chuyện về cậu bé tên Trường mới 5 tuổi đã biết chăm sóc mẹ “Đôi bàn tay bé xíu, vừa xúc cơm vừa đỡ đầu mẹ, bé Trường nhẹ nhàng đút từng thìa cho mẹ rất thuần thục. Một năm nay, mọi việc chăm sóc người mẹ bị bệnh nan y đang lay lắt những ngày cuối đời đều do cậu bé chưa tròn 5 tuổi này lo hết. Hàng ngày cậu tự tắm rửa, tự ăn, tự chơi, tự học. Nhìn chúng bạn được ba mẹ đón đưa, được chơi đủ trò trong trưa nắng, thèm lắm nhưng cu cậu không dám đi chơi xa, chỉ quẩn quanh bên mẹ, “ở nhà còn xoa dầu, bóp tay cho mẹ đỡ đau”. Còn đang ở tuổi “ăn chưa biết no nghĩ chưa tới” cậu bé lấy đâu ra sức lực để làm những việc mà ngay cả với người lớn cũng cảm thấy vô cùng vất vả? Phải chăng đó chính là sức mạnh của tình yêu thương vô bờ mà em dành cho mẹ, tình yêu thương đã cho em đôi cánh cánh của thiên thần để em làm nên điều kì diệu trong những việc làm vô cùng giản dị ấy. Mỗi đứa trẻ được sinh ra mang theo bao ước mơ và hy vọng của cha mẹ. Một trong những ước mơ lớn nhất mà bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng mong chờ ở đứa con của mình trong tương lai đó là bé sẽ trở thành một người tốt, có đạo đức, và trước hết là có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, biết yêu thương mọi người như bé Trường. Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ lớn lên đều tuyệt vời như mơ ước của cha mẹ. Không ít trong số đó trở thành những kẻ lệch lạc về chuẩn mực đạo đức và khi đó cha mẹ lại là những nạn nhân đầu tiên, tiếp theo là cộng đồng, xã hội.
  3. Cũng như ước mơ của các bậc phụ huynh, chúng tôi - những giáo viên mầm non cũng luôn mong muốn những học trò thân yêu của mình lớn lên sẽ trở thành một người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Do đó ngay từ tuổi mầm non không chỉ trau dồi cho trẻ những kiến thức cơ bản về cuộc sống xung quanh mà điều quan trọng nhất đó là giáo dục trẻ về đạo đức làm người. Vì vậy dạy cho trẻ biết cách yêu thương từ nhỏ sẽ là những bước nền tảng để trẻ trở thành người có nhân cách tốt trong tương lai. Có rất nhiều khó khăn để chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của mình, nếu không tìm ra các giải pháp phù hợp thì sẽ tạo ra sự phát triển không đồng đều về nhận thức và với nhiều tính cách khác nhau trẻ khó có thể hoà nhập với môi trường mới với cô giáo và các bạn ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Trong thực tế ở trường mầm non việc dạy trẻ một số kỹ năng sống như biết yêu thương thực sự chưa được chú trọng phần lớn chỉ tích hợp nội dung này trong tiết học kể chuyện, thơ (với những câu chuyện bài thơ có nội dung phù hợp) hoặc xử lí một vài tình huống xảy ra khi trẻ tranh giành đồ chơi, đánh bạn. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của phụ huynh. Phụ huynh quan tâm nhiều đến việc con đến trường học được bài hát, bài thơ, chữ gì hay số mấy chứ chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục kĩ năng cho trẻ. Người giáo viên đôi khi bị cuốn theo đòi hỏi, nhu cầu của phụ huynh, bên cạnh đó cũng có nhiều cô giáo chưa thấy được việc dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ sẽ góp phần quan trọng trong giáo dục hình thành nhân cách trẻ, hơn nữa việc dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ là một lĩnh vực rất mới không có nhiều tài liệu để tham khảo đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian công sức để nghiên cứu tìm ra các biện pháp phù hợp và phải có sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh và nhà trường. Vậy làm thế nào để có thể định hướng và giáo dục các bé biết yêu thương, chia sẻ với bạn bè và người thân? Để trả lời câu hỏi này, tôi luôn mày mò, ứng dụng các biện pháp, hình thức, tổ chức các hoạt động giúp trẻ trong lớp tôi có cơ hội được thể hiện sự yêu thương, chia sẻ tới cô giáo, bạn bè và mọi người xung quanh và tập hợp ‘‘Một số biện pháp dạy trẻ mẫu giáo lớn biết yêu thương chia sẻ” tôi đã ứng dụng hiệu quả để chia sẻ cùng bạn bè đồng nghiệp. II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1. Cơ sở lí luận Theo ThS. Trần Chí Vĩnh Long - Giảng viên tâm lý học, trường Đại học Tài chính – Marketing thì trẻ lứa tuổi mẫu giáo lớn hành vi của chúng tương đối dễ xác định. Nếu động cơ vì xã hội chiếm ưu thế thì trẻ sẽ thực hiện những hành vi mang tính đạo đức tốt đẹp. Ngược lại nếu động cơ nhằm thoả mãn quyền lợi riêng chiếm ưu thế thì trong nhiều trường hợp trẻ sẽ hành động nhằm tìm kiếm những quyền lợi cá nhân ích kỷ, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng về quy tắc đạo đức xã hội. Đối với những đứa trẻ này cần áp dụng những biện pháp giáo dục thích hợp, có hiệu quả nhằm thay đổi những cơ sở của nhân cách đã được hình thành một cách bất lợi này, trước hết phải cảm hoá trẻ bằng tình yêu
  4. thương, đồng thời lại đòi hỏi ở chúng sự yêu thương và quan tâm đến những người xung quanh, tạo ra những tình huống để gợi lên ở trẻ những hành vi đạo đức tốt đẹp. Tuy nhiên, mỗi một đứa trẻ ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của riêng mình. Bất kể là cô giáo hay bố mẹ đều không có đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng, vì vậy việc áp dụng các biện pháp giáo dục phù hợp với mục tiêu giảng dạy đòi hỏi phải có sự linh hoạt và mềm dẻo phù hợp với khả năng cũng như hứng thú của trẻ. Đó là cốt lõi trong giáo dục cho trẻ có được nền tảng đạo đức của nhân cách con người tương lai. 2.Cơ sở thực tiễn Trường mầm non Hoa Hồng của chúng tôi có thể nói là một ngôi trường thân thiện với không gian tràn ngập màu xanh của cây lá, của tiếng chim hót véo von mỗi buổi sớm mai, đội ngũ cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường là những người có tâm huyết yêu nghề mến trẻ, chúng tôi luôn mong được cống hiến tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người. Việc giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ với người thân bạn bè, những người xung quanh bé, các con vật nuôi và cây trồng từ nhiều năm nay đã được nhà trường chú trọng và coi đây là nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục trẻ. Song, do khả năng, nhận thức của giáo viên cũng như yêu cầu của phụ huynh và điều kiện cơ sở vật chất cũng như tài liệu tham khảo để định hướng cho giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục còn ít nên kết quả thực hiện nội dung này chưa thực sự hiệu quả và không đồng đều nhất quán ở các lớp. Lớp tôi là một trong 6 lớp mẫu giáo của trường thực hiện mô hình lớp cung ứng dịch vụ, chính vì vậy tôi luôn mong muốn mang lại cho các con một môi trường giáo dục tốt nhất, mong muốn dạy các con biết yêu thương chia sẻ với mọi người để hình thành cho các con nhân cách tốt đẹp. Để thực hiện mục tiêu đó đầu năm tôi đã tiến hành khảo sát thực trạng của lớp mình tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn sau: 2.1. Thuận lợi Đa số trẻ trong lớp tôi đều đã học qua lớp mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ nên có nền nếp học tập. Biết quan tâm, chia sẻ giúp đỡ cô giáo và bạn bè Phụ huynh lớp tôi rất quan tâm đến con. Ban phụ huynh lớp tích cực phối hợp với giáo viên lớp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan dã ngoại, các hoạt động xã hội từ thiện. Bản thân tôi và 2 giáo viên ở lớp đều đã được tham gia các lớp bồi dưỡng kĩ năng sống; Giá trị sống nên tích lũy được một số kiến thức cũng như kinh nghiệm dạy trẻ các kĩ năng, các giá trị sống trong đó có kĩ năng biết chia sẻ, yêu thương. 2.2. Khó khăn Lớp có một số bé quá hiếu động như bé: Khôi Nguyên, Hải Đăng, Đức Minh, Trần Lâm, Tiến Anh B khả năng tập trung chú ý chưa cao hay quậy phá.
  5. Bên cạnh đó, lớp lại có một số bé khá nhút nhát, thể trạng yếu không thích tham gia các hoạt động tập thể như bé Thanh Thư, Trần Thành Lớp có số trẻ nam đông hơn trẻ nữ: 38/18 Lên 5 tuổi ý thức về bản ngã (cái tôi) của các bé đã bắt đầu xuất hiện, trẻ biết phân biệt một cách rõ ràng giữa bản thân và những người xung quanh. Khả năng phân biệt về nhận thức, về những giới hạn của quyền sở hữu ở một số cháu của lớp tôi rất kém, trẻ chỉ biết ích lợi của bản thân mà không để ý đến quyền lợi của những người xung quanh. Các bé lớp tôi phần lớn được sinh ra trong những gia đình có điều kiện, lại là bé đầu lòng nên rất được ông bà bố mẹ nâng niu chiều chuộng, mọi ý thích của bé đều được đáp ứng nên sự chia sẻ và thể hiện tình cảm yêu thương của trẻ với mọi người mọi vật xung quanh còn hạn chế. Mặc dù rất quan tâm đến con nhưng đa số phụ huynh là công chức nhà nước nên ít có thời gian dành cho con, phần lớn đều nhờ cậy ông bà và người giúp việc, vì vậy việc thống nhất quan điểm, biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ giữa giáo viên và phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều phụ huynh còn nhầm lẫn giữa sự yêu thương và bao bọc. Đôi khi yêu con quá mà ‘‘che chắn” con quá kĩ. 3. Một số biện pháp dạy trẻ mẫu giáo lớn biết yêu thương chia sẻ 3.1. Biện pháp 1: Tự học, tự bồi dưỡng Để có thể thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục đã đề ra thì trước tiên mỗi giáo viên phải trang bị cho mình hệ thống kiến thức phong phú chính xác, và trải nghiệm các kỹ năng giáo dục thực tế. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi có đặc thù tâm lý tính cách riêng nên để thấu hiểu và tiếp cận với trẻ tôi đã dành nhiều thời gian đọc các tài liệu về tâm lý học trẻ em, đặc biệt là tâm lý lứa tuổi của nhà xuất bản đại học sư phạm, và tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu trên các kênh giáo dục khác, trên mạng enternet. Để thiết kế các bài dạy, hoạt động sinh động hiệu quả tôi đã đăng ký tham gia các lớp học về giá trị sống do viện nghiên cứu chiến lược trẻ em tổ chức. Tham gia dạy kĩ năng sống cho trẻ 4-6 tuổi tại các trung tâm Eveil, Smile’house Qua một thời gian tự học, tự bồ dưỡng tôi cảm thấy mình đã trang bị được những kiến thức cơ bản về giáo dục kĩ năng sống cho trẻ lứa tuổi mầm non, tôi đã “hiểu” trẻ hơn và có thể thiết kế các hoạt động nhằm giúp các con biết yêu thương chia sẻ với mọi người mọi vật xung quanh. Tôi hiểu rằng: Để dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ cô giáo phải luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu trẻ, cô cần: Tạo cơ hội cho trẻ chia sẻ đồ chơi hay món ăn mà trẻ ưa thích với bạn bè. Lắng nghe trẻ, giúp chúng bày tỏ thái độ Dạy trẻ cách giải quyết vấn đề Tôn trọng đồ đạc của trẻ Dạy trẻ ở mọi lúc mọi lúc mọi nơi, tận dụng mọi tình huống và hoạt động có thể tích hợp 3.2. Biện pháp 2. Phối hợp với phụ huynh
  6. Tôi rất tâm đắc với câu nói của cô Tường Lan giáo viên dạy tâm lý “Con cái chúng ta như một thân cây, chúng hút nước hằng ngày để lớn lên. Nhưng câu hỏi đặt ra là chúng hút nước từ đâu? Chính là từ cha mẹ. Cha mẹ phải là biển hồ cho con trẻ, phải là biển yêu thương để con trẻ có thể dựa vào nó mà lớn lên từng ngày. Chúng cần phải được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu và được an toàn trong vòng tay của mẹ cha.” Đúng vậy, yêu thương trước hết phải bắt nguồn từ gia đình. Cha mẹ có yêu thương con cái thì con cái mới khôn lớn, thành người và con cái cũng phải biết ơn, biết yêu thương cha mẹ để khi trưởng thành sẽ vững vàng hơn trong cuộc sống, trong học tập và công việc để trở thành điểm tựa của gia đình, của cha mẹ. Trẻ biết yêu thương sẽ giúp định hình nhân cách. Nhân cách của trẻ không phải ngẫu nhiên mà có, nó được hình thành trên cơ sở của giáo dục, mà trong đó giáo dục gia đình là những bước đi đầu tiên, quan trọng. Cha mẹ phải biết rằng, trước khi trẻ theo học ở bất kỳ môi trường giáo dục ngoài xã hội nào thì môi trường giáo dục đầu tiên mà trẻ tiếp xúc đó là môi trường giáo dục gia đình. Trong môi trường đó cha mẹ là những người thầy người cô. Tuy nhiên, có không ít phụ huynh khi gửi con đến trường mầm non là yên tâm giao trọng trách giáo dục trẻ cho nhà trường mà quên rằng vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng, ngay cả khi giao bé cho những cô giáo mầm non vai trò của cha mẹ cũng không hề mờ nhạt đi. Cha mẹ cần đi cùng với con suốt quãng đường đời mà những năm tháng tuổi thơ sẽ tạo một nền tảng giáo dục chắc chắn cho bé khi trưởng thành. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần là người bạn đồng hành cùng chí hướng để việc chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả. Giáo viên cần phối hợp với phụ huynh, giúp phụ huynh nắm được phương pháp giáo dục của nhà trường, thông qua đó phụ huynh sẽ hiểu rõ những hoạt động của trẻ ở lớp và có thể tham gia đánh giá sự phát triển của trẻ. Mặt khác, phụ huynh cũng đánh giá được cách giáo dục của mình có phù hợp với nhà trường không. Và quan trọng hơn là phụ huynh có điều kiện tiếp xúc với môi trường học tập sinh hoạt của trẻ, có điều kiện gần gũi với các cô giáo từ đó tạo sợi dây liên kết giữa gia đình và nhà trường, giúp trẻ được sống trong một môi trường giáo dục tốt, qua đó còn dạy cho trẻ bài học cần phải có mối quan hệ tích cực với những người xung quanh. Xác định được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường ngay từ đầu năm học khi mới đón trẻ vào lớp chúng tôi luôn tiếp xúc phụ huynh với một thái độ tích cực thân thiện và chia sẻ, trao đổi cụ thể với phụ huynh về chế độ sinh hoạt của trẻ ở trường, nắm bắt kịp thời những thông tin về đặc điểm tâm lý tính cách của cá nhân trẻ, mời phụ huynh vào lớp làm quen với một số sinh hoạt của các con. Bên cạnh đó chúng tôi cũng liên lạc thường xuyên với gia đình trẻ (qua trao đổi trực tiếp, bảng thông báo, điện thoại) để tìm hiểu sinh hoạt của trẻ ở gia đình, thông tin cho cha mẹ biết tình hình của trẻ ở lớp, những thay đổi của trẻ để kịp thời có biện pháp giáo dục phù hợp.
  7. Và trong buổi họp đầu năm chúng tôi đã tạo cho phụ huynh một bất ngờ thú vị, đó không phải một buổi họp với những văn bản và yêu cầu như lệ thường mà là buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy trẻ thật sự, phụ huynh được tiếp đón trong một không gian thân mật, ấm cúng và trang trọng, cô giáo cùng phụ huynh ngồi xung quanh các dãy bàn phủ khăn, có hoa, quả và nước uống. Phụ huynh là những người đầu tiên chia sẻ những mong muốn nguyện vọng của mình khi gửi con ở trường mầm non, còn chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc giáo dục trẻ, giải đáp những băn khoăn thắc mắc của phụ huynh. Trong buổi tọa đàm chúng tôi đã chia sẻ với phụ huynh: có được tình yêu thương trong gia đình, khi ra ngoài xã hội trẻ cũng sẽ học được cách yêu thương những người xung quanh, biết quan tâm và chia sẻ. Một con người trưởng thành nếu biết yêu thương người thân, bạn bè thì cũng sẽ nhận lại được nhiều yêu thương, đồng cảm. Yêu thương chính là động lực để các con vững vàng hơn trên bước đường đời, có yêu thương để mọi sai lầm được sữa chữa, có yêu thương để có được điểm tựa tinh thần vững chắc. Hãy yêu thương để con cái chúng ta cũng biết yêu thương. Tôi đã đặt câu hỏi với phụ huynh: Làm thế nào để dạy con cái chúng ta biết yêu thương đúng cách? Câu hỏi này đã nhận được rất nhiều đóng góp quý báu của các bậc phụ huynh về cách ứng xử với con cái, cách dạy con biết yêu thương chia sẻ với anh chị em và cha mẹ của mình. Chúng tôi cũng chia sẻ với phụ huynh những kiến thức về tâm lí lứa tuổi trẻ lên 5: Trẻ ở độ tuổi này khá nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Chính vì thế, cha mẹ hãy cho trẻ xem những chương trình tivi hoặc đọc cho trẻ nghe những câu chuyện ca ngợi sự quan tâm và yêu thương người khác. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy thể hiện tình yêu thương của mình bằng lời nói và cử chỉ trước mặt trẻ. Đây cũng là độ tuổi mà trẻ bắt đầu tự lập hơn và khả năng thấu cảm cũng bắt đầu phát triển. Các con đã đủ lớn để nhận biết cảm xúc của người khác và có thể rất quan tâm đến những rắc rối của mọi người xung quanh. Chính vì thế, cha mẹ cần phải giúp con hiểu được điều con cần làm. Thế giới của một đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo khá nhỏ bé. Chính vì thế, tốt nhất là cha mẹ nên khuyến khích con giúp đỡ những người xung quanh mà con biết, ví dụ như sang thăm và tặng quà cho một người hàng xóm bị ốm hoặc giúp quét lá trong sân cho một ông, bà già sống cạnh nhà. Khi bé tập vẽ, cha mẹ có thể khuyến khích bé tặng các tác phẩm của mình cho những người xung quanh Sau thành công của buổi tọa đàm đó tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt từ phía các bậc phụ huynh đó chính là sự quan tâm chia sẻ thật sự với lớp, với giáo viên. Mỗi buổi chiều một số phụ huynh lại nán lại trong lớp chơi cùng các con, giúp các cô dọn dẹp phòng nhóm. Tất cả các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm đến các hoạt động của lớp, ủng hộ rất nhiều nguyên vật liệu, những giáo cụ trực quan. Chỉ cần giáo viên thông báo hoặc quan sát thấy các cô và các con bận rộn với việc chuẩn bị cho lễ hội là nhiệt tình giúp đỡ. Trong mỗi bước trưởng thành của các con, trong mỗi thành công của lớp đều chứa đựng tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ của tất cả các bậc phụ huynh.
  8. Để phụ huynh có thể phối hợp tốt với chúng tôi trong việc giáo dục trẻ tôi đã sưu tầm rất nhiều tư liệu quí về dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ để phụ huynh tham khảo (Phần phụ lục). Trẻ em lứa tuổi mẫu giáo cơ thể còn non yếu và cũng rất hiếu động nên các bé thường hay ốm và có thể bị ngã dẫn đến tổn thương cơ thể. Với mỗi trường hợp trẻ bị ốm, bị chấn thương dài ngày phải đi viện chúng tôi đều cùng với ban phụ huynh lớp đến tận nhà hỏi thăm động viên tinh thần cha mẹ và các bé. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng cũng để lại trong lòng các phụ huynh những tình cảm tốt đẹp, góp phần thắt chặt sợi dây tình cảm giữa phụ huynh và nhà trường. 3.3. Biện pháp 3. Tạo môi trường lớp học thân thiện cởi mở để thu hút trẻ Môi trường thân thiện và thẩm mĩ sẽ gây hứng thú cho trẻ và bản thân giáo viên góp phần hình thành và nâng cao mối quan hệ thân thiện, tự tin giữa giáo viên với trẻ và giữa trẻ với trẻ. Nhận thức được điều đó tôi đã trao đổi và cùng thống nhất với giáo viên trong lớp về kế hoạch, biện pháp trang trí xắp xếp tạo môi trường, các góc hoạt động trong lớp phù hợp với diện tích lớp cũng như các đồ dùng đồ chơi trong lớp phù hợp với tâm sinh lý trẻ, có tính thẩm mỹ và tích cực đối với trẻ. Với quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, chúng tôi tận dụng tối đa các sản phẩm của trẻ để trang trí lớp, trẻ được vẽ, xé nặn các sản phẩm để trang trí các góc. Không những thế dưới mỗi sản phẩm chúng tôi đều ghi lại cảm xúc của trẻ. Có thể nói đến bây giờ các bé của lớp tôi đã có một bộ sưu tập các sản phẩm và cảm xúc của mình đây sẽ là món quà có ý nghĩa để bé dành tặng cha mẹ, những câu nói lời chúc ngộ nghĩnh đáng yêu thể hiện trong mỗi sản phẩm đã ghi dấu lại sự trưởng thành lớn khôn hàng ngày của các bé. Để lưu giữ những thông điệp yêu thương, để nhắc nhở các bé biết thường xuyên phấn đấu tu dưỡng trở thành những em bé ngoan, những con người nhân hậu sống có ích chúng tôi cùng trẻ làm “ Cây yêu thương” của lớp. Trên đó, từng cặp rễ cây và quả sẽ mang một thông điệp: Ví dụ: Gieo lòng tốt, gặt thân thiện. Gieo khiêm tốn, gặt cao thượng. Gieo kiên nhẫn, gặt chiến thắng. Gieo chăm chỉ, gặt thành công. Gieo cởi mở, gặt thân mật. Gieo niềm tin, gặt phép mầu. Để trẻ hiểu chúng tôi đã giải thích rất cặn kẽ những thông điệp đó và thường xuyên hỏi trẻ: Hôm nay chúng mình đã gieo được gì? Chúng mình gieo chăm chỉ (khiêm tốn ) như thế nào? Trên thân cây chúng tôi gắn hình ảnh những hoạt động đi làm từ thiện, hay giao lưu của lớp như một hình thức ghi dấu lại những việc có ích trẻ đã làm giúp trẻ cảm thấy tự hào, hứng thú hơn khi tham gia những hoạt động tiếp theo.
  9. Để kích thích những việc làm tốt của trẻ có tính liên tục bên cạnh “cây yêu thương” chúng tôi cùng trẻ tạo ra một vườn hoa với tiêu đề “những bông hoa việc tốt”, mỗi bông hoa gắn với một việc làm. Ví dụ: Thích giúp đỡ cô giáo và các bạn cuối tuần trẻ nào đạt được tiêu chí trên bông hoa sẽ được gắn ảnh. “Cây yêu thương”, “những bông hoa việc tốt” không chỉ giúp cho các bé của lớp tôi trở nên thân thiện, tích cực, thích làm việc tốt hơn mà còn thu hút được sự quan tâm ủng hộ của các bậc phụ huynh. Không chỉ tạo môi trường thân thiện cho trẻ hoạt động, giao tiếp, âm nhạc cũng là một trợ thủ đắc lực để chúng tôi mang đến cho các bé một cảm giác bình yên thoải mái khi đến lớp, làm giảm bớt những căng thẳng bực bội và tính hiếu động nghịch ngợm của các bé . Vào buổi sáng sau giờ điểm danh hay trước giờ đi ngủ, buổi chiều trước giờ phụ huynh đón chúng tôi thường cho các bé nhắm mắt thư giãn lắng nghe nhạc không lời Song from A Secret garden cùng theo đó là những lời bình rất dịu dàng trên nền nhạc “Các con hãy nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể và thấy mình đang đứng giữa một khu vườn đầy hoa, những bông hoa đủ màu sắc tỏa hương thơm ngát, tiếng chim hót líu lo, phía xa xa là cô giáo và những người bạn thân thiết của con, mọi người đang nhìn con mỉm cười, đến bên con, thì thầm nói với con tôi yêu bạn lắm, bạn là người bạn tuyệt vời con cùng cô giáo và các bạn bước vào một khinh khí cầu, khinh khí cầu nhẹ nhàng bay lên đưa con và các bạn đi qua những cánh đồng xanh mướt, những dòng sông êm đềm rồi khinh khí cầu từ từ hạ xuống bây giờ các con hãy mở mắt ra và trở về với lớp học của mình nào”. Sau đó tôi hỏi cảm giác của trẻ sau khi thư giãn và cho trẻ tập nói lời yêu thương với người bạn bên cạnh của mình. Có thể nói những phút giây thư giãn đã mang lại những hiệu quả tích cực, các bé của lớp tôi trở nên thân thiết với nhau hơn, bớt nghịch ngợm và thật giàu cảm xúc. Đã có những giọt nước mắt của bé rơi xuống khi tôi nói và cho trẻ tưởng tượng về mẹ, về những người bạn thân của mình Bé Đức Minh một bé trai rất hiếu động đã nói với tôi rằng “ con ước gì bạn Hà Trang đừng chuyển đi, con sẽ chơi thân với bạn ấy hơn, con sẽ nhường hết đồ chơi cho bạn”. Vì lớp tôi số lượng trẻ trai rất đông, các bé tương đối hiếu động nghịch ngợm nhưng cũng rất giàu tình cảm nên ngay từ đầu năm chúng tôi đã trò chuyện với trẻ cùng trẻ đề ra các nội qui của lớp, nội qui đầu tiên là: Phải đoàn kết yêu thương bạn bè tôi cũng qui định với các bé nếu cả tuần đều ngoan không vi phạm nội qui của lớp thì cuối tuần bé sẽ được đeo huy hiệu bé ngoan và có cơ hội được các bạn bầu làm tổ trưởng và được ghi tên ngoài bảng cho bố mẹ xem, được cắm cờ. Những nội qui đó do trẻ tự đề ra nên trẻ cố gắng thực hiện rất nghiêm túc, bé nào cũng cố gắng để được đeo huy hiệu để được cô giáo và các bạn tôn vinh. Lớp tôi cũng có một số bé mới chuyển đến, sức khỏe yếu, hay nghỉ dài như bé: Thanh Thư, Trần Thành vì vậy mỗi khi đi học đến lớp các bé rất nhút nhát, thường chơi một mình. Để giúp các bé mạnh dạn, thích đi học đến lớp, chúng tôi lôi cuốn bé vào các hoạt động tập thể, khéo léo gợi ý để những bé mạnh dạn tự tin như: Phương Linh, Tiến Anh, Gia Linh, đến kết bạn, tạo cho các bé nhiều cơ hội hợp tác chia sẻ như cùng vẽ tranh, nặn quả, làm đồ
  10. chơi dần dần các bé đã quen hơn với môi trường mới và thích đi học. Bây giờ bé Thanh Thư, Trần Thành được cô giáo và các bạn rất yêu quí vì bé rất ngoan, biết nhường nhịn bạn và hòa đồng với tập thể. Chúng tôi còn thống nhất mang đến cho trẻ một không khí lớp học thật ấm áp tràn ngập yêu thương, cô giáo cũng giống như một người bạn lớn để trẻ có thể an tâm chia sẻ những thắc mắc, băn khoăn cũng như những “bức xúc” rất trẻ con của mình. Trẻ ở lớp gọi chúng tôi là mẹ xưng con, các bé cũng nũng nịu vòi vĩnh thể hiện tình cảm với chúng tôi giống như mẹ của mình. Không còn khoảng cách giữa cô và trò mà là tình cảm mẹ con thật sự, cũng có những phút giây yêu thương hờn giận những khi trẻ mắc lỗi chỉ cần chúng tôi nói các mẹ buồn quá sắp già và xấu đi rồi là trẻ rất sợ, rối rít xin lỗi và hứa sửa chữa khuyết điểm. Chúng tôi cũng cảm thấy tình thương của mình dành cho các con nhân lên mỗi ngày. Các nhà giáo dục cho rằng, trẻ học nhanh nhất từ bắt chước, thế nên nếu muốn dạy bé thành người biết yêu thương chia sẻ thì cô giáo và bố mẹ phải là tấm gương để các bé noi theo và học tập. Chính vì vậy, trước mặt trẻ các cô giáo ở lớp tôi luôn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ cũng như thể hiện tình cảm theo hướng tích cực với chị em đồng nghiệp, với phụ huynh. 3.4. Biện pháp 4. Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ thông qua các hoạt động ngoại khóa Có thể nói các hoạt động ngoại khóa đặc biệt là việc tổ chức hiệu quả các ngày hội ngày lễ cho trẻ là một hình thức giáo dục hiệu quả và sinh động nhất, giúp trẻ được trải nghiệm các cảm xúc tích cực .Thông qua đó trẻ được học và chia sẻ các kĩ năng sống với cô giáo, bạn bè và cha mẹ . Với quan điểm như vậy nên tôi thống nhất với hai cô giáo và ban phụ huynh lớp từ đầu năm học các kế hoạch hoạt động ngoại khóa cho các con. Tôi đặc biệt chú ý đến các ngày lễ hội: Ngày 20/10, ngày Tết Trung Thu, Noel, Tết Nguyên Đán, ngày 8/3, sinh nhật tháng của trẻ, với mỗi ngày hội chúng tôi cố gắng sử dụng một hình thức tổ chức riêng nhằm lôi cuốn hấp dẫn trẻ tích cực tham gia hoạt động. 3.4.1. Dạy trẻ biết yêu thương những người thân trong gia đình Nuôi dưỡng lòng yêu thương cho trẻ là một công việc hết sức thú vị và đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết. Cũng tương tự như khi ta xin được một hạt giống quý nào đó rồi mang về trồng trên mảnh đất trước nhà. Mỗi ngày, ta tưới nước giữ ẩm cho chỗ đất gieo hạt, rồi một ngày nào đó hạt sẽ nảy mầm phát triển thành cây cho ta trái ngọt lành. Cùng với việc dạy trẻ trên những tiết học, tích hợp trong các hoạt động của chủ đề gia đình chúng tôi rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các ngày lễ hội như tổng kết chủ đề: “Ngày hội gia đình”, tổ chức “ngày hội yêu thương 20-10” bởi thông qua các hoạt động chuẩn bị, chia sẻ trẻ sẽ hiểu sâu sắc hơn tình cảm yêu thương của cha mẹ dành cho mình, biết cách chia sẻ cảm xúc với những người thân yêu. Ví dụ 1: Ngày hội gia đình
  11. Ngày hội gia đình năm nay của lớp A1 thật ấn tượng, mặc dù rất bận rộn nhưng tất cả bố mẹ của các bé đều có mặt từ rất sớm cùng các con nặn bánh dẻo chay, bên các con trong những trò chơi bố mẹ hiểu con- con hiểu bố mẹ và các trò chơi chung sức không gian lớp học khi thì tràn ngập tiếng cười khi thì sâu lắng dạt dào cảm xúc khi nghe bố bé Minh Khuê nói chuyện với con gái qua lời ghi âm điện thoại “Ba xin lỗi con gái vì ba thường xuyên phải đi công tác xa không được mỗi ngày cùng mẹ đưa con đến lớp, không cho con đi chơi công viên cuối tuần, con thiệt thòi hơn các bạn ba biết con rất buồn, cho ba xin lỗi nhé con gái yêu, nhưng ba chắc con sẽ sẵn sàng giúp đỡ ba một việc vì con là con gái ngoan của ba mà con hãy đi học thật ngoan, ăn cơm nhanh và chịu khó uống sữa vào buổi tối nhé, con hãy thay ba chăm sóc mẹ cảm ơn con gái nhiều, ba sẽ sớm về bên hai mẹ con”. Không chỉ chúng tôi và các bậc phụ huynh xúc động nghẹn ngào khi nghe lời tâm sự, các bé cũng vậy, rất nhiều bé đã chạy đến ôm lấy Minh Khuê và thể hiện tình cảm yêu thương với bé. Sau ngày hôm đó tôi thấy bé Minh Khuê như chững chạc hơn, chịu khó ăn thức ăn và bé cũng được các bạn quan tâm hơn, thân hơn trong các hoạt động của lớp. Ví dụ 2: Ngày 20/10- ngày phụ nữ Việt Nam Trước ngày tổ chức lễ hội chúng tôi cùng trẻ trò chuyện về ý nghĩa ngày hội, đưa ra ý định, hình thức tổ chức và thăm dò ý kiến của trẻ về món quà tặng mẹ. Các bé đã cùng nhau làm những bông hoa hồng bằng giấy kết thành một lẵng hoa thật đẹp để tặng mẹ và cắt dán hoa trang trí phông, cùng tô màu dòng chữ ‘ Riêng mặt trời chỉ có một và thôi và mẹ em chỉ có một trên đời” để treo trước cửa lớp. Các bé còn được ‘‘bí mật” tập luyện những bài hát, bài thơ hay về mẹ. Không thể miêu tả hết cảm xúc của các bé lúc ấy, niềm vui niềm tự hào lấp lánh trên những khuôn mặt ngây thơ. Dường như các bé cũng hiểu mình đang làm một việc tốt, ý nghĩa dành tặng cho những người thân yêu. Chúng tôi cũng chọn chủ đề về mẹ với lời đề từ ấn tượng trên phông sân khấu: ‘‘Mẹ trong trái tim con”. Ngày hôm ấy, giữa ngập tràn bóng và hoa những thiên thần nhỏ của lớp tôi xếp hàng hai bên cửa lớp chào đón các mẹ. Vào chương trình từng tốp các bé lên hát múa và đọc những bài thơ thật hay và ý nghĩa về mẹ, cả hội trường như nghẹn lại khi xem cô giáo phương Quỳnh cùng các con hát múa bài ‘‘Nhật kí của mẹ” và nghe các bé trai nói lời chúc mừng mẹ. Cuối chương trình các phụ huynh rất bất ngờ khi tôi yêu cầu các chị nhắm mắt lại và thư giãn trong tiếng nhạc: ‘‘Các chị hãy nhắm mắt lại, thả lỏng cơ thể, lắng nghe tiếng nhạc và thấy mình đang đứng giữa một cánh đồng đầy hoa, nắng vàng rực rỡ, tiếng chim hót líu lo, có một thiên thần đang chạy đến bên chị, mỉm cười với chị và cất tiếng gọi ” đúng lúc ấy các bé chạy đến bên mẹ và cất tiếng gọi ‘‘mẹ ơi con yêu mẹ nhất trên đời!” rồi xà vào lòng mẹ, ôm hôn mẹ tặng mẹ những lẵng hoa do chính tay bé tự làm. Cảm xúc như vỡ òa, tất cả các mẹ đều bật khóc, những giọt nước mắt xúc động và tràn đầy hạnh phúc cứ lăn dài trên má. Mẹ bé Đức Huy cứ cầm tay chúng tôi nghẹn ngào mãi mới nói lên lởi ‘‘Em cảm ơn các chị, hôm nay là ngày mà em cảm thấy hạnh phúc nhất, cảm ơn
  12. các chị đã dạy các con biết yêu thương quan tâm tới mẹ, đây cũng là món quà đầu tiên mà bé Huy làm tặng mẹ, em vui lắm” Còn nhiều nữa những hoạt động gắn kết yêu thương giữa cha mẹ và bé của lớp tôi như : ‘‘Ngày hội hóa trang với ông già Noel” mà trong đó các bộ trang phục hóa trang của bé do cả gia đình lên ý tưởng và hợp tác thiết kế. ‘‘Ngày hội trăng rằm” cũng vậy những giỏ quả ngon lành, những con giống ngộ nghĩnh bé mang đến lớp đều có được từ tình yêu thương sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ bé. 3.4.2. Dạy trẻ biết yêu thương quan tâm đến bạn bè Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, bạn bè là một trong những người quan trọng nhất trong cuộc sống của một đứa trẻ. Nhiều tính cách trẻ em được hình thành bởi tình bạn mà trẻ có được trong suốt cuộc đời mình. Trên thực tế, trẻ em cũng có thể hình thành tình bạn cả tích cực và tiêu cực. Vì vậy, trẻ phải học hỏi không chỉ làm thế nào để có bạn bè trong suốt thời thơ ấu mà còn làm thế nào để hình thành tình bạn tích cực với các bạn đồng trang lứa của mình. Là cô giáo những người gần gũi trẻ nhất, có một số cách để chúng ta có thể giúp các bé yêu của mình có được tình bạn tích cực, biết yêu thương chia sẻ với bạn bè. Bên cạnh việc khuyến khích trẻ chơi thân ái đoàn kết với các bạn trong lớp, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động đòi hỏi trẻ phải thể hiện cảm xúc, sự quan tâm chia sẻ và hợp tác với nhau như tổ chức sinh nhật tháng, giao lưu giữa các lớp, “viết” thư thăm bạn ốm, phát động thi đua “đôi bạn tốt” để trẻ tự học hỏi những ưu điểm của bạn và phát huy thế mạnh của mình. Đặc biệt, ngày 8/3 năm nay để giúp trẻ biết yêu thương chia sẻ và thể hiện tình cảm với các bạn của mình chúng tôi đã phối hợp cùng các giáo viên trong khối tổ chức hoạt động giao lưu cho trẻ với chủ đề “ Hoa tình bạn” tại công viên Nghĩa Đô. Ngày hôm ấy các bé gái không chỉ nhận được sự quan tâm giúp đỡ chia sẻ của các bạn trai trong lớp mà các bé còn có “một ngày trọn niềm vui” với rất nhiều bất ngờ mà các cô giáo và các bạn trai trong khối mang lại. Tại công viên các bé được các cô giáo chuẩn bị sân khấu, bàn tiệc và rất nhiều các trò chơi giao lưu vui nhộn như: di chuyển bóng bằng má, đút bim bim cho bạn các bé đã rất tự tin múa hát và thể hiện tình cảm với các bạn nam nữ trong khối. Buổi chiều hôm ấy, trong không khí ấm áp yêu thương của lớp học, trong tiếng nhạc rộn ràng từng bé trai tự tin dắt một người bạn gái ra cúi chào khán giả. Giống như một cuộc thi sắc đẹp các bé gái cũng được các cô giới thiệu tên, sở thích và cả năng khiếu riêng nữa, rồi các bé được nghe các bạn trai hát tặng những bài hát mà cả lớp yêu thích. Hồi hộp và thích thú nhất khi từng bạn trai lên tiết lộ ‘‘bí mật” mình quí bạn gái nào nhất và tự tin dắt tay bạn lên tặng cho bạn những món quà xinh xinh do chính mình lựa chọn, phải nói rằng các bé trai của lớp tôi rất ‘tâm lí „ khi biết chọn cho các bạn của mình những chiếc nhẫn và nơ cặp tóc màu hồng đáng yêu. Tôi tin rằng các bé gái sẽ không bao giờ quên được giây phút các bạn trai lên tặng hoa, quà và nói lời chúc mừng bởi vì tôi đọc được trong ánh mắt các con niềm vui, tự hào vì được các bạn yêu thương
  13. chia sẻ, một số phụ huynh còn phản hồi lại rằng chưa có bao giờ mà bé nhà mình lại vui như thế kể chuyện ở lớp mãi không chịu ngủ, và giữ mãi chiếc nhẫn trong tay như báu vật. Lớp tôi số lượng trẻ trai rất đông, các bé tương đối hiếu động nghịch ngợm nhưng cũng rất giàu tình cảm nên ngay từ đầu năm chúng tôi đã trò chuyện với trẻ cùng trẻ đề ra các nội qui của lớp, nội qui đầu tiên là: Phải đoàn kết yêu thương bạn bè tôi cũng qui định với các bé nếu cả tuần đều ngoan không vi phạm nội qui của lớp thì cuối tuần bé sẽ được đeo huy hiệu bé ngoan và có cơ hội được các bạn bầu làm tổ trưởng và được ghi tên ngoài bảng cho bố mẹ xem, được cắm cờ. Những nội qui đó do trẻ tự đề ra nên trẻ cố gắng thực hiện rất nghiêm túc, bé nào cũng cố gắng để được đeo huy hiệu để được cô giáo và các bạn tôn vinh. Lớp tôi cũng có một số bé mới chuyển đến, sức khỏe yếu, hay nghỉ dài như bé: Thanh Thư, Trần Thành vì vậy mỗi khi đi học đến lớp các bé rất nhút nhát, thường chơi một mình. Để giúp các bé mạnh dạn, thích đi học đến lớp, chúng tôi lôi cuốn bé vào các hoạt động tập thể, khéo léo gợi ý để những bé mạnh dạn tự tin như: Phương Linh, Tiến Anh, Gia Linh, đến kết bạn, tạo cho các bé nhiều cơ hội hợp tác chia sẻ như cùng vẽ tranh, nặn quả, làm đồ chơi dần dần các bé đã quen hơn với môi trường mới và thích đi học. Bây giờ bé Thanh Thư, Trần Thành được cô giáo và các bạn rất yêu quí vì bé rất ngoan, biết nhường nhịn bạn và hòa đồng với tập thể. Ngày qua ngày, các bé lớp tôi đã có thêm nhiều tình bạn đẹp trong sáng thánh thiện. Tình bạn đẹp làm các con tự tin hơn, đoàn kết và thân thiện với tất cả mọi người, mỗi ngày đén lớp với bé là một ngày vui. 3.4.3. Dạy trẻ biết yêu thương quan tâm đến những người lao động Không chỉ dạy trẻ biết yêu thương những người thân trong gia đình, cô giáo và bạn bè chúng tôi luôn dạy các con lòng biết ơn, biết yêu quí những người lao động xung quanh bé như bác bảo vệ, bác làm vườn, bác đầu bếp, bác lao công Có một thực tế buồn là đầu năm học khi chúng tôi hỏi trẻ tên các cô bác trong trường hầu như trẻ chỉ nhớ tên các cô giáo bé đã từng học qua, khi hỏi tên các bác lao công, bác bảo vệ trẻ không thể nói được chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều với các bé, cho bé thấy những việc làm thầm lặng của các bác đã đem lại cho bé một môi trường an toàn, xanh sạch đẹp để các bé vui chơi học hành các bé dường như cũng hiểu và tỏ ra rất tò mò mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về các bác lao công trong trường. Chúng tôi đã mạnh dạn xin phép Ban giám hiệu để lựa chọn chủ đề nhánh: “Bác lao công” trong chủ đề Nghề Nghiệp. Sau một tuần tìm hiểu về tên tuổi, công việc, dụng cụ lao động của các bác lao công chúng tôi đã tổ chức tổng kết chủ đề mời các bác và phụ huynh đến dự. Hai bác lao công đã rất bất ngờ khi được đón tiếp nồng hậu trong một không gian ngập tràn hoa và phông chữ “Cháu yêu bác Thảo bác Hiền”. Suốt buổi hôm ấy tên của hai bác được trẻ gọi to rất nhiều lần với tất cả lòng kính trọng, rồi các bé múa hát đọc thơ cho các bác nghe và nói lời cảm ơn, tặng hoa cho các bác. Giây phút cảm động nhất, bất ngờ nhất là khi hai bác được mời lên đi trong
  14. “đường hầm yêu thương” của các bé., đôi mắt bịt kín để các bác có thể nghe và cảm nhận những lời nói yêu thương bằng cả trái tim mình “con yêu bác nhiều lắm; cảm ơn bác đã quét dọn sân trường sạch sẽ; bác vất vả quá con thương bác lắm; bác thật dịu hiền ” những lời nói yêu thương ấy chắc chắn sẽ đi theo các bác suốt cuộc đời làm vơi đi những nhọc nhằn vất vả lo toan, làm cho bác thấy yêu công việc hơn, tự hào vì mình đã được yêu thương kính trọng, còn với các bé của lớp tôi không chỉ là những lời nói yêu thương, các bé thật sự trân trọng những việc làm của các bác, mỗi lần chúng tôi cho các bé xuống sân trường thấy các bác là các bé reo lên chào và chạy ùa đến ríu rít chuyện trò với bác và giúp bác nhặt lá bỏ vào thùng. Thật hạnh phúc khi chứng kiến giây phút đó, trong lòng chúng tôi cũng trào lên cảm xúc yêu thương. 3.4.4. Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ với những người bất hạnh những bạn nhỏ mồ côi Các bé em của lớp tôi may mắn đều được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của ông bà cha mẹ, các bé không thể biết và hình dung ra ở ngoài kia vẫn còn có những bạn nhỏ mà ngay từ khi chào đời đã trót mang một niềm bất hạnh, đó là những bạn bị khuyết tật, các bé sơ sinh bị bỏ rơi, và vẫn còn có những cụ già cô đơn không nơi nương tựa phải nhờ tới bàn tay nuôi dưỡng của cộng đồng, xã hội. Chúng tôi thấy rằng cần phải dạy các bé biết mở rộng lòng mình để yêu thương, quan tâm chia sẻ với những người bất hạnh để khi lớn lên các bé trở thành những con người có tấm lòng nhân hậu. Chúng tôi đã kết hợp cùng nhà trường tổ chức cho các con được tham gia rất nhiều các hoạt động từ thiện: “Chung tay vì trẻ em Nhật Bản”, “ Thăm và tặng quà các bạn nhỏ làng trẻ em SOS” Chúng tôi đã kể cho các bé nghe về các bạn nhỏ mồ côi được các nhà sư nhân từ ở chùa Bồ Đề đón về nuôi dưỡng chúng tôi nói với các bé rằng “Các bạn nhỏ ấy cần lắm hơi ấm của tình yêu thương, một vòng tay ôm, một đôi tất ấm, một đồ chơi cho dù đã cũ ”. Cả lớp đã bàn bạc rất nhiều cuối cùng quyết định phát động phong trào “Nối vòng tay nhân ái vì các bạn nhỏ mồ côi chùa Bồ Đề”. Không ai bảo ai tất cả các bé đều về nhà xin với bố mẹ cho mang đến lớp những bộ quần áo, đồ chơi mà mình không dùng đến nữa các bậc phụ huynh rất nhiệt tình ủng hộ đã cùng các bé quyên góp tiền để mua 10 chiếc chăn ấm, 5 con thú nhún đồ chơi, rất nhiều thùng sữa cho các bạn nhỏ. Mẹ bé Nhật Quỳnh còn ủng hộ thêm 30 bộ quần áo, mũ, tất, khăn cho các em bé từ sơ sinh đến 1 tuổi. Mẹ bé Công Dũng thương các em hay bị ho bị ốm đã ủng hộ rất nhiều loại thuốc. Mẹ bé Nguyệt Ánh còn tình nguyện bơm hơn 100 quả bóng bay làm quà cho các bé. Những việc làm ý nghĩa của lớp tôi đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ của các bác trong ban giám hiệu nhà trường và các bậc phụ huynh các lớp khác trong khối. Rồi cả lớp cùng trang trí phông và tập hát bài “giấc mơ mong tìm thấy” để đến biểu diễn cho các bạn xem, rất nhiều bé đã chảy nước mắt khi tập hát có lẽ các bé đã bắt đầu biết cảm thông và chia sẻ, sức mạnh của tình yêu thương đang
  15. lan tỏa làm cho các bé lớn khôn thêm mỗi ngày. Và ngày đi làm thiện nguyện đã đến, rất nhiều bố mẹ các bé xin nghỉ làm để được tham gia cùng. Khi xe đến chùa Bồ Đề chúng tôi cùng các bậc phụ huynh và các bé thành tâm thắp hương lễ Phật, sau đó chúng tôi hướng dẫn các bé đi quét sân chùa, nhặt lá bỏ vào thùng rác một việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại thật nhiều niềm vui cho các bé. Đi sang trại trẻ mồ côi thăm các bạn, các bé không thể hình dung được các bạn ấy sao lại đáng thương đến thế, có rất nhiều bạn bị tàn tật, bị bỏ rơi. Khi hát cho các bạn nghe, chơi cùng các bạn và theo chân các mẹ đến tặng quà các em bé sơ sinh ở các phòng tất cả các bé ai cũng mắt ướt đỏ hoe vì thương cảm. Sang thăm các cụ già neo đơn không nơi nương tựa các bé say sưa hát cho các cụ nghe các cụ vừa vỗ tay vừa khóc làm các bé cũng rưng rưng. Các bé đã hứa sẽ quay trở lại để mang hơi ấm của tình yêu thương sưởi ấm cho các ông bà và các bạn nhỏ nơi này Chuyến đi đã để lại cho các bé ấn tượng và những rung cảm sâu sắc. Với riêng tôi đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa. Đi để thấy trong xã hội còn nhiều lắm những mảnh đời bất hạnh, đi để tự nhủ với lòng mình cần cố gắng nhiều hơn nữa để học những bài học làm người, vì cộng đồng cần lắm những tấm lòng. Tôi tự hỏi, tặng quà cho những con người bất hạnh hay chính họ đã dâng tặng chúng tôi những bài học về nghị lực sống, lòng dũng cảm đối mặt với thử thách. 3.4.5. Dạy trẻ biết yêu thương quan tâm chăm sóc cây cối và các con vật nuôi Trẻ lớp tôi đa phần nhà ở các khu đô thị, chung cư cao tầng nên ít có dịp tiếp xúc tìm hiểu khám phá thiên nhiên, chính vì vậy chúng tôi đã tạo cho các bé một góc thiên nhiên xanh với rất nhiều nguyên vật liệu mở giúp các bé được thực hành kĩ năng gieo hạt chăm sóc cây, qua đó giáo dục cho các bé tình yêu thiên nhiên, biết quan tâm bảo vệ môi trường, và đặc biệt qua hoạt động này các bé học được kỹ năng chia sẻ với bạn bè, biết trân trọng thành quả lao động của mình và của bạn. Chính vì vậy khi tham gia các hoạt động ngoài trời trẻ lớp tôi cũng rất quan tâm đến vườn rau của khối mẫu giáo lớn, những thay đổi dù nhỏ thôi của vườn bắp cải trẻ cũng phát hiện ra, là trẻ con thành phố thế mà nhìn vườn bắp cải bị sâu ăn xơ xác các bé xót xa vô cùng quên đi nỗi sợ hãi cùng nhau tìm bắt bằng hết những con sâu “hung ác”. Bé Phương Linh còn hỏi tôi “mẹ ơi ! cây rau bắp cải bị sâu ăn thế này có đau không ạ, nó có sống được nữa không?”. Câu hỏi ngây thơ của bé cho thấy bé đã biết quan tâm và yêu thiên nhiên cây cối biết nhường nào. Yêu thiên nhiên thích chăm sóc cây cối đã trở thành bản năng của các bé lớp tôi, khi được đi tham quan trang trại Erahouse các bé tỏ ra quan tâm đặc biệt đến các loài cây lạ, và thực hành các kĩ năng trồng cây một cách thuần thục không cần chú hướng dẫn viên chỉ bảo. Không chỉ dạy bé biết yêu quí chăm sóc và bảo vệ cây cối chúng tôi còn tạo cơ hội để các bé chăm sóc, chơi đùa với các con vật nuôi bé nhỏ xinh xinh như mèo con, chó con, gà và thỏ. Bởi thông qua việc chăm sóc thú cưng sẽ giúp các bé phát triển lòng yêu thương, sự chia sẻ trong cách sống với những người quanh mình. Qua những vật nuôi và quá trình chăm sóc chúng, trẻ sẽ học được lòng vị
  16. tha, sự chia sẻ và cách quan tâm đến người khác. Nhờ đó, trẻ còn thể hiện được tinh thần trách nhiệm và sự trưởng thành của mình qua từng giai đoạn. Chính vì vậy, khi thực hiện chủ đề thế giới động vật tôi đã mua một chú mèo trắng xinh xinh mang đến lớp và giao nhiệm vụ chăm sóc cho các bé. Các bé rất sung sướng đặt tên cho chú là “em mèo Mi Mi”, mèo Mi Mi được các bé chăm sóc rất tận tình chu đáo ngày nào các bé cũng gói một ít thức ăn ở nhà mang đến lớp cho “em mèo” ăn, bất cứ khi nào rảnh rỗi các bé đều ra ôm ấp vuốt ve, tất cả những vận động, sở thích của Mi Mi các bé đều nắm được. Vào những ngày trời rét đậm sợ em mèo bị lạnh các bé còn xin tôi cho Mi Mi vào trong góc phòng đồ rồi mang vải đến làm ổ, nhờ mẹ may cho Mi Mi một cái áo len xinh xinh. Chúng tôi không cần phải dạy các bé phải biết yêu thương con vật bởi qua quá trình chăm sóc mèo ở các bé đã nảy sinh rất nhiều tình cảm vượt qua cả những mong đợi của chúng tôi. Những ngày cuối tuần không ai đến lớp để chăm sóc mèo được thế là các bé thay phiên nhau mang mèo về nhà tình yêu của các bé đã tạo một hiệu ứng mạnh mẽ lan tỏa tới các bậc phụ huynh, cả các bé và bố mẹ đều háo hức chờ đến lượt mình được mang “em mèo” về nhà nuôi. Mi Mi đã trở thành một người bạn thật sự của các bé, các bé có thể quên một số việc nhưng không bao giờ quên cho Mi Mi ăn và uống nước đúng giờ. 3.5. Biện pháp 5. Dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ thông qua trò chơi tập thể Với trẻ mầm non khả năng giao tiếp tốt trong tập thể giúp trẻ thích nghi dễ dàng, nhanh chóng với môi trường mới, thầy cô, bạn bè mới, và những đòi hỏi mới của hoạt động học tập. Ý thức và tinh thần tập thể sẽ giúp trẻ tránh được những xung đột không đáng có giữa trẻ với nhau, giữa trẻ với thầy cô, làm nảy sinh ở trẻ lòng vị tha, sự quan tâm đến người khác và trên cơ sở đó phát triển những mối quan hệ thân thiện, gần gũi, cảm thông giữa trẻ với những người xung quanh. Tất cả những điều này tác động một cách tích cực lên trẻ, làm cho trẻ cảm thấy hứng thú muốn đến trường, muốn giao tiếp với cô, bạn bè và muốn học. Trong quá trình dạy trẻ tôi đã thiết kế một số trò chơi giúp trẻ thân thiện, đoàn kết hơn. Ví dụ: * Trò chơi 1: Đường hầm yêu thương Mục đích: Phát triển kĩ năng thể hiện tình cảm và nói lời yêu thương của trẻ. (Trò chơi mang lại cho người nghe rất nhiều niềm vui, hạnh phúc khi được tôn vinh, quan tâm. Trò chơi này có thể sử dụng trong các buổi giao lưu hoặc tổ chức sự kiện). Chuẩn bị: Một khăn tay. Tiền hành: Cô giáo giúp trẻ bịt mắt người được mời đi trong đường hầm. Các trẻ xếp thành hai hàng dọc, một trẻ sẽ dẫn người bị bít mắt đến từng hàng, các trẻ khác lần lượt nói thầm lời khen tặng, lời yêu thương với người bị bịt mắt: “Bạn thật xinh đẹp, bạn học giỏi thế, tớ yêu bạn lắm” * Trò chơi 2: Kết thân Mục đích: Tạo sự thân thiết, rèn khả năng phản ứng nhanh và ghi nhớ tên bạn của trẻ.
  17. Chuẩn bị: Không gian lớp học hoặc ngoài sân. Cách chơi: Các bạn ngồi vòng tròn. Cô giáo hoặc một trẻ hô “Kết thân, kết thân”. tất cả các bạn khác sẽ hỏi: “Với ai, với ai?”. Đáp: Với A, với A”. Tức thì bạn được gọi tên phải tiếp tục hô, và gọi tên bạn muốn kết thân. Luật chơi: Tránh lặp lại tên bạn đã được gọi. Ai chậm trễ sẽ phải nhảy lò cò. Trò chơi chỉ nên kéo dài tối đa 5 phút (tuỳ theo số lượng các bạn ít hay nhiều). * Trò chơi 3 : Tôi muốn như bạn Mục đích: Phát triển sự chú ý của trẻ đến những nét đẹp hay tính cách tốt của người khác. Phát triển ý thức mang cảm xúc tích cực đến cho người khác. Chuẩn bị: Phòng rộng. Tiến hành: Cô giáo nói với nhóm trẻ: Bạn nào cũng có những nét dễ thương hay tính tốt riêng. Bây giờ chúng ta cùng nghĩ xem người bạn bên cạnh có nét gì đáng yêu nhé. Sau khi trẻ nghĩ xong, cô giáo yêu cầu từng trẻ nói với người bạn bên cạnh: Tôi muốn (tóc dài, mắt to, vui vẻ, dễ thương, thông minh ) giống bạn. * Trò chơi 4: Tình bạn thân thiết Mục đích: Trẻ thể hiện các cử chỉ thân thiết vui nhộn cùng bạn bè tạo cảm giác gần gũi thân thiện giữa trẻ với nhau. Chuẩn bị: Ghế xếp vòng tròn trong lớp hoặc ngoài sân Tiến hành: Cô giáo hát: Ngồi bên nhau mình nắm tay nhau Trẻ hát: Nắm tay nhau mới là thân nhau. (Để tạo tình huống vui nhộn, cô có thể hát: Ngồi bên nhau mình thơm má nhau hoặc ngồi bên nhau mình cù nách nhau ). 3.6. Biện pháp 6. Giáo dục trẻ biết yêu thương chia sẻ trên hoạt động học Những nội dung tích hợp trên lớp đôi khi còn hời hợt chưa có tác dụng khơi gợi cảm xúc và kích thích mong muốn được thực hiện ở trẻ. Chính vì vậy tôi đã nghiên cứu tài liệu sưu tầm và thiết kế một số giáo án nhằm dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ. Giáo án 1: Tình yêu thương đối với cây cối, thiên nhiên (Tiến hành trong 20 phút) * Mục tiêu: Học xong bài này trẻ có khả năng: - Bước đầu nhận được các biểu hiện của tình yêu thương và ý nghĩa của tình yêu thương. - Biết yêu thương những người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, mọi người xung quanh; biết sống gần gũi với thiên nhiên và yêu quý thiên nhiên.
  18. * Chuẩn bị: - Bài hát "Cả nhà thương nhau" nhạc và lời cùa Phan Văn Minh - Clip truyện : "Cây cũng biết đau". * Tiến hành: - Ổn định: Cho trẻ hát "Cả nhà thương nhau" Hỏi trẻ: Bài hát nói lên điều gì? - Bài hát nói về tình cảm yêu thương giữa cha mẹ và con cái trong gia đình. Song ngoài tình yêu thương với những người thân trong gia đình, con người còn cần dành tình yêu thương cho những ai? Tình yêu thương phải được biểu hiện như thế nào, Tình yêu thương có ý nghĩa như thế nào? Bài ngày hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu. - Hoạt động 1: Giáo viên kể chuyện cho trẻ nghe hoặc cho trẻ xem Clip: Truyện cây cũng biết đau Có một cái cây con, không biết ai trồng, mọc ngay ở bên đường em đến lớp. Sơn bảo đó là cây xoan. Hà bảo đó là cây táo. Cả hai đều cho là mình nói đúng. Thế là Hà đưa tay bẻ ngay một cành con mang về hỏi mẹ, mẹ kêu lên: Sao con lải bẻ cành xoan như thế? Cành là tay của cây đấy. Con bẻ thế này thì cây lớn làm sao được? Hà nhìn chiếc cành nhỏ, lá rủ xuống buồn rầu. Em chạy ra chỗ cây xoan để trả lại cành cho cây thì không được nữa rồi. Ở chỗ cành bị gẫy, có giọt nước chảy ra, như giọt nước mắt. Đúng là cây đã bị đau Từ buổi ấy, hễ thấy bạn nào đứng gần cái cây non, Hà lại nhắc: Đừng bẻ cánh cây nhé, nó đau đấy! Hỏi trẻ: + Câu chuyện nói đến tình yêu thương của ai với ai? + Bạn Hà thể hiện tình yêu thương với cây con như thế nào? Hoạt động 2: - Cho trẻ thảo luận nhóm về cách thể hiện tình yêu với cây cối, thiên nhiên - Đại diện các nhóm trình bày. Lớp trao đổi, thảo luận chung. Gửi đến trẻ thông điệp: Con người không những cần phải yêu thương người thân trong gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh, mà còn phải yêu thương yêu thiên nhiên và cả thế giới xung quanh. Tình yêu thương đó cần phải được thể hiện ra bằng thái độ, lời nói, việc làm, hành động phù hợp trong từng trường hợp cụ thể. Giáo án 2 : Lời yêu thương ( Tiến hành trong 20 phút) * Mục tiêu Trẻ biết thể hiện tình yêu thương của mình với mọi người. * Chuẩn bị: - Đàn organ ghi âm bài: "lớp chúng ta kết đoàn". - Một quả bóng nhỏ làm bằng giấy hoặc cao su.
  19. - Giấy, bút vẽ. * Tiến hành: - Ổn định: Cho trẻ hát bài “lớp chúng ta kết đoàn”. - Hoạt động 1: Trò chơi "Trái bóng yêu thương". - Cô giới thiệu cách chơi. - Cho trẻ đứng thành vòng tròn. - Bắt đầu chơi, một trẻ ném quả bóng cho môt bạn gần mình và nói một câu thể hiện tình yêu thương với bạn đó. Ví dụ: " Cậu là một người bạn tốt", "Sáng mai tớ đến rủ cậu đi học nhé.", "Mính thích chơi với bạn", Trẻ vừa nhận bóng sẽ lại ném bóng tiếp cho một bạn khác và cũng nói một câu thể hiện tình yêu thương với bạn đó. Cứ như vậy, trò chơi tiếp tục cho đến khi tất cả mọi người tham gia chơi đều đã nhận được một lới nói yêu thương từ bạn bè trong lớp, trong nhóm. - Thảo luận lớp theo các câu hỏi: + Con cảm thấy như thế nào khi nhận được những lời nói yêu thương từ bạn bè? + Con người sẽ ra sao nếu sống thiếu tình yêu thương? - Hoạt động 2: Tình yêu thương của em - Yêu cầu trẻ thể hiện tình yêu thương với mọi người và với thế giới xung quanh qua lời hát hoặc tranh vẽ của các em. - Trẻ hát hoặc vẽ tranh (theo cá nhân hoặc theo nhóm) - Cho trẻ lên giới thiệu ý tưởng tranh của mình, của nhóm mình với các bạn trong lớp. Gửi đến trẻ thông điệp: Tình yêu thương rất cần cho mỗi người, như đồ ăn, nước uống, không khí để thở, Không có tình yêu thương, cuộc sống con người sẽ trở nên buồn chán, không có niềm vui và sức mạnh. Giáo án 3 : Chia sẻ yêu thương (Tiến hành trong 20 phút) * Mục tiêu: - Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng, trẻ hiểu chia sẻ là niềm vui. - Trẻ thực hành chia sẻ đồ chơi với bạn. * Chuẩn bị: - Đài catset, băng ghi âm hoặc màn hình trình chiếu có hiệu ứng âm thanh sinh động. - Các hộp nhỏ làm bằng bìa, đồ chơi ở xung quanh lớp. * Tiến hành: Ổn định: Tổ chức cho trẻ chơi trò chơi : Tìm bạn thân. Cô giới thiệu nội dung bài học: Chia sẻ đồ chơi với bạn bè. Hoạt động 1: Tưởng tượng Cho trẻ nhắm mắt thư giãn trong tiếng nhạc êm dịu và tưởng tượng theo những lời cô kể đều đều’’Các con hãy nhắm mắt lại hít thở sâu và hình dung về một thế giới nhiều màu sắc mà ở đấy con có nhiều người bạn thân thiết, các bạn
  20. mỉm cười với con nắm tay con cùng bước lên một chiếc xe màu xanh, xe lăn bánh đưa các con đến một cánh đồng nhiều hoa, con cùng các bạn chơi trò đuổi bắt và chia cho nhau những viên kẹo ngọt ngào. Đã đến giờ trở về con vẫy tay chào các bạn, xuống xe mở mắt ra và mỉm cười.” Hoạt động 2: Thảo luận - Cho trẻ chia sẻ cảm xúc về những gì mình tưởng tượng: - Con nhìn thấy gì? Con thích nhất điều gì? Con cảm thấy như thế nào? Hoạt động 3: Tổ chức cho trẻ chơi trò chơi chia sẻ: Đổi đồ chơi cho bạn. Cách chơi: Mỗi trẻ có một hộp đựng nhiều đồ chơi (cùng loại do trẻ chọn). Trẻ cầm hộp ở tay và cùng các bạn hát một bài, khi có hiệu lệnh ‘đổi đồ chơi’thì mỗi trẻ sẽ tìm một bạn và để một món đò chơi vào hộp của bạn ấy. Cứ như vậy sau 5 lần chơi bạn nào đổi được nhiều món đồ chơi nhất là người chiến thắng Chia sẻ: - Con thích có nhiều loại đồ chơi hay chỉ một loại đồ chơi? - Có nhiều đồ chơi như vậy con cảm thấy như thế nào? Gửi đến trẻ thông điệp: Nếu con chia sẻ với bạn những món đồ chơi con yêu thích và bạn cũng vậy thì chúng ta sẽ vui hơn vì có nhiều đồ chơi mới và có thêm những người bạn chơi thân thiết. Sau đó cho trẻ cùng bạn chơi với những món đồ chơi mới Giáo án 4: Yêu thương chia sẻ (Tiến hành trong 20 phút) * Mục tiêu: - Phát triển ngôn ngữ, kĩ năng thể hiện cảm xúc. - Trẻ hiểu nếu biết yêu thương chia sẻ sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác. - Thực hành: tặng quà cho bạn. * Chuẩn bị: - Máy chiếu, các slide truyện: Chú gấu mồ côi. - Gấu bông to. - Giấy A4, bút sáp màu. * Tiến hành: Ổn định: Cho trẻ hát bài “Ta đi vào rừng xanh”. Giới thiệu nội dung bài học: yêu thương chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Điểm suy ngẫm: Trình chiếu cho trẻ xem truyện: Chú gấu mồ côi. Chia sẻ: - Xem truyện xong con cảm thấy như thế nào? - Tại sao chú gấu lại buồn như vậy? - Bạn thỏ làm gì giúp gấu? Tổ chức cho trẻ tham gia hoạt động chia sẻ: Tặng quà bạn gấu.
  21. Mỗi trẻ sẽ vẽ một món quà tặng bạn gấu, sau đó lên giới thiệu món quà của mình, tập nói lời chia sẻ: Tôi yêu bạn, tôi tặng bạn, tôi chúc bạn vui. Gửi đến trẻ thông điệp: Mỗi một món quà của chúng mình dù nhỏ thôi nhưng cũng giúp mang lại niềm vui cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn Giáo án 5 : Hành động yêu thương ( Tiến hành trong 20 phút) * Mục tiêu: - Trẻ nhận thức được tầm quan trọng của giá trị yêu thương, biết cách yêu thương bản thân đúng cách và có kỹ năng phòng chống bị lạm dụng tình dục, lạm dụng sức lao động. * Chuẩn bị: - Phim truyện “Hoa mào gà”. - Đàn organ ghi âm bài hát: “Thiên đàng búp bê”. Tiến hành: Ổn định: Cho trẻ hát bài ‘ thiên đàng búp bê”. Hoạt động 1 : Thảo luận về 2 thông điệp (ôn lại): Yêu thương là quan tâm , chia sẻ thể hiện bằng lời nói. - Hỏi lại trẻ về lời yêu thương bé nói khi tan học dành cho ông bà, bố mẹ như thế nào? - Con cảm thấy thế nào khi nói lời yêu thương với mọi người? - Mọi người khi nhận được lời yêu thương từ con cảm thấy thế nào? Yêu thương đích thực làm mình cảm thấy an toàn. - Bố mẹ, cô giáo, những người thân trong gia đình,bạn bè yêu thương con, con cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, cảm thấy yên lòng. Vậy với người lạ thì con cảm thấy thế nào khi người lạ ôm con? (Bé chia sẻ cảm xúc .). Hoạt động 2: Hôm nay, chúng mình cùng khám phá một đặc điểm rất tuyêt vời nữa của giá trị yêu thương. Yêu thương thể hiện qua hành động. - Yêu thương không chỉ là quan tâm chia sẻ bằng lời nói mà yêu thương còn thể hiên bằng hàng động nữa. - Cho trẻ xem câu chuyện Hoa Mào Gà Hỏi trẻ : - Khi con giúp ai đó, thì chuyện gì sẽ xảy ra? - Con cảm thấy thế nào khi giúp đỡ người khác? - Cho trẻ chia sẻ những điều mà trẻ thấy mình được yêu thương theo mẫu câu : Con cảm thấy tràn ngập yêu thương khi (Cô phản hồi tích cực về mọi chia sẻ của bé). 4. Kết quả đạt được
  22. Sau một học kì dạy trẻ kĩ năng ‘‘yêu thương chia sẻ” tôi thấy học sinh của lớp tôi có những thay đổi rõ rệt, giờ đây các bé đều rất vui vẻ tự tin khi đến lớp, thân thiết nhau hơn, không còn hiện tượng tranh giành đồ chơi hay đánh bạn nữa, không những thế các bé còn biết quan tâm chia sẻ với cô giáo và bạn bè, người thân, biết chia sẻ yêu thương với các cô bác trong trường, biết cảm thông chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh, biết yêu thương chăm sóc các con vật nuôi và cây cối thiên nhiên. PHẦN III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ 1. Kết luận Con người sống không thể thiếu tình yêu thương với nhau và với thế giới xung quanh. Tình yêu thương giữa con người với con người được biểu hiện thông qua những lới nói ân cần, dịu dàng; qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ thân thiện; qua những hành động, việc làm quan tâm, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn Tình yêu với thế giới xung quanh thể hiện ở việc con người sống gần gũi với thiên nhiên và biết giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh. Tình yêu thương giúp cho cuộc sống ấm áp hơn; giúp con người thêm yêu cuộc sống và có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta cần biết yêu thương những người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè và mọi người; biết yêu quý và bảo vệ các loài vật, cỏ cây, hoa lá, và môi trường xung quanh. Thông qua việc áp dụng ‘‘Một số biện pháp dạy trẻ mẫu giáo lớn biết yêu thương chia sẻ” tôi thấy các con lớp tôi đã lớn khôn lên rất nhiều, biết mở lòng mình yêu thương mọi người, mọi vật xung quanh. Tình yêu thương ấy đã lan tỏa tới bố mẹ, các bạn bè của bé. 2. Bài học kinh nghiệm 2.1. Kinh nghiệm cụ thể Sáng kiến “Một số biện pháp dạy trẻ mẫu giáo lớn biết yêu thương chia sẻ” là giải pháp cải tiến, tôi đã thiết kế rất nhiều các hoạt động dựa trên những kinh nghiệm giảng dạy thực tế của bản thân và tham khảo thêm từ đồng nghiệp và các nguồn tư liệu khác nhau. 2.2. Áp dụng sáng kiến kinh nghiệm Việc dạy bé biết yêu thương chia sẻ giống như ta chắt lọc nguồn nước tinh khiết từ mạch nguồn yêu thương tưới cho những chồi non mới nhú - những em bé lên năm với tâm hồn trong sáng, thánh thiện. Việc làm này đòi hỏi giáo viên phải tận tâm tận lực: - Không ngừng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện bản thân trở thành tấm gương cho trẻ noi theo học tập. - Phối hợp tốt với phụ huynh, tạo mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa phụ huynh và nhà trường, đồng tâm hướng tới mục tiêu chun.g - Tạo môi trường lớp học thân thiện, có nhiều cơ hội cho trẻ vui chơi, sinh hoạt và học tập cùng nhau, để trẻ trải nghiệm kỹ năng chia sẻ. Lớp học thật sự là
  23. một tổ ấm yêu thương còn cô giáo là một người bạn lớn luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu và biết sẻ chia cùng trẻ. - Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá, tham quan, lễ hội với các hình thức phong phú sinh động hấp dẫn tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm một cách tích cực kỹ năng quan tâm chia sẻ tới người thân, bạn bè, những cô bác trong trường, những bạn nhỏ cô đơn tàn tật, chăm sóc cây cối và các con vật nuôi. - Muốn trẻ nên người và đạt hiệu quả giáo dục như mong muốn cô giáo phải dành nhiều thời gian thường xuyên dạy trẻ biết ‘ yêu thương chia sẻ”, sử dụng nhiều hình thức khác nhau và ở mọi lúc mọi nơi. - Xây dựng một số giáo án, tổ chức các trò chơi để củng cố hiểu biết, kĩ năng cho trẻ. Trên đây là một số kinh nghiệm tôi đã áp dụng thành công khi dạy trẻ biết yêu thương chia sẻ. Những kinh nghiệm này rất dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao. Bên cạnh việc đạt được mục tiêu giáo dục đề ra tôi còn tích luỹ thêm được nhiều kỹ năng mới, nhận được nhiều niềm vui và tình cảm yêu quí tin tưởng từ phía phụ huynh, học sinh, chị em đồng nghiệp. Sáng kiến này bước đầu đã được phổ biến ở một số lớp mẫu giáo lớn trong trường. Tuy nhiên, để những kinh nghiệm này đạt được hiệu quả cao hơn nữa tôi mong muốn có cơ hội được giao lưu trao đổi học hỏi kinh nghiệm với đồng nghiệp ở các trường, được tham gia nhiều lớp tập huấn về dạy kĩ năng sống cho trẻ và rất mong các đồng chí trong tổ mầm non của Sở giáo dục và Vụ giáo dục nghiên cứu bổ xung cho chúng tôi nhiều nguồn tư liệu quí để tham khảo. Cầu Giấy, ngày 14 tháng 03 năm 2013 XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết, không sao chép nội dung của người khác. (Ký và ghi rõ họ tên) Vũ Thị Bình