Âm nhạc cổ truyền với loại hình du lịch văn hóa

doc 5 trang hapham 2170
Bạn đang xem tài liệu "Âm nhạc cổ truyền với loại hình du lịch văn hóa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docam_nhac_co_truyen_voi_loai_hinh_du_lich_van_hoa.doc

Nội dung text: Âm nhạc cổ truyền với loại hình du lịch văn hóa

  1. ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VỚI LOẠI HÌNH DU LỊCH VĂN HÓA Phạm Văn Hải Trong nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, nhạc cổ truyền được coi như tầng nền cơ bản, gắn bó với hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Căn cứ trên các di chỉ khảo cổ cho thấy, ngay từ thời cổ đại cư dân Việt Nam đã rất say mê âm nhạc. Bởi vậy, trong quá trình phát triển lịch sử, cư dân ở đây đã sáng tạo nên rất nhiều loại nhạc khí và thể loại ca nhạc để thể hiện tâm tư tình cảm cùng với những quan niệm sống, cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên, thế giới tâm linh, với tổ tiên và với xã hội mà họ đang tồn tại. 1. Nhạc cổ truyền Việt Nam Ngay từ những năm giữa của thế kỷ 20 cho tới nay, nhiều nhà nghiên cứu đã dành tâm sức cho Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhằm xác định diện mạo của nó về phạm vi không gian, thời gian, những giá trị văn hóa nghệ thuật cũng như vai trò của Âm nhạc cổ truyền trong tâm thức của cư dân nơi đây xưa và nay. Có thể kể tới những công trình nghiên cứu như: Một vài vấn đề về nhạc cổ truyền Việt Nam của GS. Trần Quang Hải; giáo trình Âm nhạc cổ truyền Việt Nam của PGS.TS. Nguyễn Thụy Loan; giáo trình Nhập môn Âm nhạc cổ truyền của TS. Hà Thị Hoa; 1000 năm Âm nhạc Thăng Long – Hà Nội của nhóm các tác giả Bùi Trọng Hiền, Phạm Minh Hương, Hồ Hồng Dung, Nguyễn Thủy Tiên. Ảnh: Một tiết mục biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế (Nguồn:st) Lịch sử đã ghi nhận, sau thời kì phong kiến, đất nước ta bước sang giai đoạn chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, trong đó âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật tràn vào Việt Nam sớm và mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả những thành quả âm nhạc được sản sinh sau thời kì phong kiến đều chịu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây. Vậy có thể xếp những thành quả này vào Âm nhạc cổ truyền được hay không? Vì vậy, PGS.TS. Nguyễn Thụy Loan còn đưa thêm khái niệm
  2. “phạm trù âm nhạc cổ truyền” với nội hàm rộng hơn khái niệm Âm nhạc cổ truyền, đó là: “những thành quả âm nhạc được sáng tạo trong thời kì cận hiện đại, nhưng vẫn bám sát vào những nguyên tắc và phương thức cổ truyền mà không bị ảnh hưởng của âm nhạc Phương Tây” [3, tr.17]. Để tránh tình trạng lẫn lộn giữa hai khái niệm Âm nhạc cổ truyền và phạm trù Âm nhạc cổ truyền, theo tác giả Thụy Loan “có thể dùng thuật ngữ âm nhạc truyền thống thay cho phạm trù âm nhạc cổ truyền” [3, tr.17]. Mặc dù ít nhiều có những nét tương đồng và dị biệt, nhưng điểm chung của các công trình nghiên cứu nêu trên đều có ý khẳng định về âm nhạc cổ truyền Việt Nam là: Tổng thể những thành quả âm nhạc đã hình thành và phát triển trong quá khứ, kể từ thời phong kiến trở về trước và cả những thành quả âm nhạc được sáng tạo ở những thời kỳ sau đó của các dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng vẫn mang đậm phong cách và dấu ấn nghệ thuật của dân tộc, đặc biệt là không bị ảnh hưởng của phong cách âm nhạc phương Tây. Thành phần cơ bản của Âm nhạc cổ truyền Việt Nam chính là: Âm nhạc cung đình bác học và Âm nhạc dân gian. Trong Luận ngữ, Khổng Tử có nói: “Nhạc (âm nhạc, văn nghệ) là để thống nhất mọi con tim cùng chung vui, cũng là để giữ gìn đức hạnh. Ông nói thêm rằng lễ không chỉ là cúng tế, và âm nhạc không chỉ là âm thanh của dùi đánh vào chuông. Cả hai còn là cách truyền đạt giữa lòng nhân của một người và hoàn cảnh xã hội của anh ta; cả hai yếu tố đó đều tăng cường các mối quan hệ xã hội” [8]. Thật vậy, có thể nói sức mạnh to lớn nhất của âm nhạc là khả năng gắn kết cộng đồng bất chấp mọi trở ngại về không gian thời gian. Đối với nền văn minh nhân loại, âm nhạc có hai vai trò quan trọng, thứ nhất nó là một loại hình nghệ thuật, thứ hai nó là một thành tố văn hóa. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, âm nhạc là một trong những hình thái của ý thức xã hội, phụ thuộc vào những hoạt động và quy luật chung của tự nhiên. Với những đặc thù riêng, âm nhạc mô phỏng và phản ánh cuộc sống, thế giới tâm hồn phong phú của con người. Đối với đời sống tâm linh, âm nhạc có thể là phương tiện giao tiếp với các thế lực siêu nhiên, cầu mong cuộc sống yên lành, ấm no, hạnh phúc. Đối với xã hội, âm nhạc lại là phương tiện giải trí, hoặc phương thức sẻ chia tình cảm gắn kết cộng đồng, đồng thời âm nhạc cũng là phương tiện giáo dục, đấu tranh với những thói hư, tật xấu, giúp cho con người ngày càng trở nên hoàn thiện. Tóm lại, trong xã hội loài người, âm nhạc là một thành tố hết sức quan trọng, có mặt trong hầu hết các hoạt động văn hóa tinh thần.
  3. Ảnh: Liên hoan Đàn và Hát Dân ca (Nguồn: st) Lược theo tiến trình phát triển của xã hội loài người, những di sản âm nhạc cổ truyền cho chúng ta thấy dấu ấn tinh hoa văn hóa của bao thế hệ cha ông, trong đó có đạo lý uống nước nhớ nguồn, được thể hiện trong sự trang trọng của các nghi thức cúng tế tổ tiên và các thế lực siêu nhiên. Trong đó còn có sự thiêng liêng của tình mẫu tử được thể hiện bằng tiếng hát ru của mẹ, tiếng cười vui trong sân chơi con trẻ, tiếng hát tâm tình của trai gái trong những đêm hò hẹn yêu đương, trong đó còn là cái nghĩa cái tình của người còn sống trong những nghi thức tiễn đưa người đã khuất về cõi vĩnh hằng. Do đó, tìm hiểu văn hóa, con người của một dân tộc sẽ là thiếu sót rất lớn nếu như bỏ qua vai trò của âm nhạc nhất là Âm nhạc cổ truyền. 2. Du lịch văn hóa Theo tài liệu Nhập môn khoa học du lịch: “người ta gọi là Du lịch văn hóa, khi hoạt động du lịch diễn ra chủ yếu trong môi trường nhân văn, hoặc hoạt động du lịch đó tập trung khai thác tài nguyên du lịch nhân văn”; theo định nghĩa của luật du lịch (năm 2005), là “hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”. Du lịch văn hóa có thể được xác định là hành động giúp con người trải nghiệm lối sống khác biệt của người khác, theo đó có được hiểu biết trực tiếp về phong tục, truyền thống, môi trường tự nhiên, tư tưởng tri thức của họ, những di tích kiến trúc, lịch sử, khảo cổ hay văn hóa quan trọng khác tồn tại từ xưa đến nay.
  4. Trong những năm gần đây, do sự phát triển chung của đời sống xã hội Việt Nam, du lịch thực sự đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của con người. Bên cạnh đó, hội nhập đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia và là lựa chọn chính sách của hầu hết các quốc gia để phát triển. Chính vì vậy, việc hiểu biết và trải nghiệm những nét riêng trong nền văn hóa truyền thống của các quốc gia khác đã dẫn tới việc khai thác các loại hình nghệ thuật cổ truyền mang bản sắc dân tộc như một sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách và đem lại lợi ích nhiều mặt cho đất nước. Đây cũng là một xu thế toàn cầu đã và đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó. Việt Nam chúng ta, đất nước của hơn 54 dân tộc anh em, với lịch sử của hàng ngàn năm văn hiến, cho thấy các di sản văn hóa cổ truyền trong đó có âm nhạc chính là một nguồn tài nguyên vô tận cho phát triển du lịch nói chung, du lịch văn hóa nói riêng. Thật khó có thể kể hết những giá trị cũng như ảnh hưởng của Âm nhạc cổ truyền đối với đời sống con người nơi đây. Chúng ta đã biết, lễ hội là một hoạt động văn hóa mang tính tập thể rất phổ biến trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Ở mỗi địa phương trong cả nước, lễ hội luôn thu hút sự quan tâm tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Trong tâm thức của mỗi người, ấn tượng về lễ hội chính là sự lôi cuốn, hấp dẫn của tiếng chiêng, tiếng trống khai hội, sự náo nhiệt của dàn nhạc bát âm trong những lễ tế, lễ rước. Không chỉ có vậy, lễ hội còn là dịp để trai gái trong và ngoài vùng gặp gỡ trao đổi tâm tình, với các làn điệu dân ca mượt mà tình tứ. Và cũng đã từ rất lâu, trong tâm thức của người dân Việt, việc hành hương về các đền, phủ hoặc các trung tâm văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cũng là một hoạt động văn hóa cộng đồng phổ biến ở mức độ sâu và rộng. Ở nơi đó du khách lại được hòa mình trong những âm thanh huyền bí, náo nhiệt, ma mị của bộ gõ, hòa quyện với giọng hát văn mượt mà, của các nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Tứ phủ. Ngược lên phía bắc, du khách lại không khỏi ngạc nhiên trước những phương thức tỏ tình bằng âm thanh của những “nhạc khí” hết sức đơn sơ như kèn lá, đàn môi và tiếng hát trong phiên chợ tình của con trai, con gái. Ngôn ngữ của trái tim được thể hiện qua tiếng hát, tiếng kèn mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Theo quan niệm dân gian của người H’mông, “tiếng khèn và những động tác múa khèn (kềnh), còn là cách để khẳng định sự trưởng thành và sức hấp dẫn của người đàn ông” [2, tr.69]. Kì diệu hơn, khi ta chợt nhận ra rằng những bài hát ru với chất giọng, kĩ thuật điêu luyện của các nghệ sĩ trên sân khấu chuyên nghiệp, không có được sức hấp dẫn như giọng của người bà, người mẹ đối với con trẻ. Tất cả điều kì diệu đó chính là những giá trị vô hình, ẩn dấu trong lớp vỏ mộc mạc của âm nhạc cổ truyền dân tộc. Những điều kì diệu đó cũng chính là những câu hỏi, ẩn số cần lời giải đáp của các nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là sự hấp dẫn đối với các du khách ham tìm hiểu của hình thức du lịch nghiên cứu. Trong hoạt động du lịch, âm nhạc nhất là âm nhạc cổ truyền không chỉ là một loại hình nghệ thuật giải trí góp phần làm phong phú hay nâng cao chất lượng của các tour du lịch lữ hành, mà âm nhạc còn có vai trò của một nguồn tài nguyên để phát triển ngành kinh tế đặc biệt này. Ngoài ra âm nhạc đã từng được coi là một thứ ngôn ngữ không biên giới, là phương tiện giao tiếp giữa con người với thần linh hay các thế lực siêu nhiên, cũng là phương tiện giao tiếp giữa con người với con người ở những tầng, nền văn hóa khác nhau. Vì vậy, âm nhạc có thể được coi là một trong những phương tiện quan trọng và hiệu quả nhất, trên bước đường tìm hiểu lẫn nhau trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu. Tài liệu tham khảo 1. Hà Thị Hoa (2014), Nhập môn Âm nhạc cổ truyền (cho hệ đại học sư phạm âm nhạc), Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
  5. 2. Nguyễn Văn Huy (1997), Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 3. Nguyễn Thụy Loan (2005), Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội. 4. Lê Cẩm Ly (2014), Hát thờ trong lễ hội đình của người Việt vùng Đồng bằng, Trung du Bắc Bộ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 5. Nhiều tác giả (2010), Nghìn năm Âm nhạc Thăng Long – Hà Nội, Quyển II, Nhạc cổ truyền, Nxb Âm nhạc, Hà Nội. 6. Dương Văn Sáu (2004), Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển Du Lịch, Nxb Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội. 7. Trần Đức Thanh (2008), Nhập môn khoa học Du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.