Biến đổi khí khậu, những thách thức và cơ hội đối với ngành du lịch Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Biến đổi khí khậu, những thách thức và cơ hội đối với ngành du lịch Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- bien_doi_khi_khau_nhung_thach_thuc_va_co_hoi_doi_voi_nganh_d.pdf
Nội dung text: Biến đổi khí khậu, những thách thức và cơ hội đối với ngành du lịch Việt Nam
- BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM TRẦN VĂN ANH Trường Đại học Quảng Nam Tóm tắt: Biến đổi khí hậu đã và đang là nguy cơ lớn đối với sự phát triển của nhân loại trong thế kỷ 21 và các thế kỷ tiếp theo. Biến đổi khí hậu tác động đến mọi mặt của hoạt động sản xuất và đời sống. Những tác động của biến đổi khí hậu có thể gây ra những hậu quả lớn về người và của. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, mỗi ngành nghề chịu tác động ở những mức độ khác nhau. Đối với ngành du lịch, tác động của biến đổi khí hậu có thể nhìn nhận ở 2 mặt: tích cực và tiêu cực. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Du lịch đã và đang là một trong những ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. Du lịch là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả và tác động đến nhiều ngành kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ; từ các hoạt động sản xuất vật chất đến các hoạt động văn hóa tinh thần. Dịch vụ du lịch phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao khi đời sống và trình độ của xã hội tăng cao. Hoạt động du lịch diễn ra khắp mọi nơi, mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Mức độ sôi động hiệu quả của hoạt động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ phát triển, mức sống, tài nguyên du lịch, các yếu tố thời tiết, khí hậu Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Các kết quả nghiên cứu quốc tế và trong nước cho thấy mức độ và phạm vi tác động ngày càng rộng lớn và sâu sắc. Biến đổi khí hậu được nhận diện qua một số yếu tố cơ bản như nhiệt độ Trái Đất tăng lên và có biến động cục bộ (nơi nóng lên và nơi hạ thấp đột ngột), lượng mưa biến động mạnh mẽ và có dấu hiệu tăng lên vào mùa mưa nhiều và giảm vào mưa ít, hiện tượng mưa cục bộ với cường độ lớn và thời gian kéo dài tăng, hạn hán xuất hiện thường xuyên, kéo dài và diễn ra trên diện rộng, hoạt động của bão ngày càng khắc nghiệt hơn như số cơn tăng nhanh, cấp bão ngày càng lớn và diễn biến phức tạp; hiện tượng El Nino xuất hiện thường xuyên hơn, hệ thống gió mùa có những biến động khác thường so với nhiều năm. Trong vòng 50 năm qua, mực nước biển đã dâng 20cm (trung bình 18mm/năm giai đoạn 1961-1992 và 3,1mm/năm giai đoạn 1993-2003), băng ở Bắc cực giảm 2,7%/thập kỷ và giảm 7% từ 1990 đến nay, nhiệt độ tăng trung bình khoảng 0,60C trong gần 1 thế kỷ qua. Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ tăng 0,70C, mực nước biển dâng 20cm, số đợt không khí lạnh giảm nhưng các đợt kéo dài, gây rét đậm, rét hại; bão mạnh, di chuyển vào phía Nam, kết thúc muộn, bão diễn biến phức tạp về hướng và cường độ [1]. Biến đổi khí hậu đã tác động sâu sắc và toàn diện đến mọi khu vực trên Trái Đất từ vùng Cực băng giá đến các vùng hoang mạc khô hạn, từ ngành nông nghiệp – ngư nghiệp (được xem là ảnh hưởng nặng nề nhất) đến công nghiệp, dịch vụ - du lịch và đời Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 01(17)/2011: tr. 104-109
- BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH 105 sống sản xuất, sinh hoạt của người dân, tác động từ các vùng đồng bằng ven biển đến vùng trung du, miền núi với các mức độ và hình thức khác nhau. Những tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nhiều mặt của các ngành kinh tế, trong đó du lịch là một trong những ngành có những tác động hai chiều: cả thách thức và cơ hội cho phát triển. 2. CÁC TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN NGÀNH DU LỊCH 2.1. Tác động tiêu cực đến tài nguyên du lịch vùng biển, ven biển và đảo Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến ngành du lịch đư ợc thể hiện trên nhiều mặt. Trước hết, biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang làm mực nước biển và các đại dương dâng cao. Theo các các kịch bản dự báo đến năm 2100, mực nước biển ở bờ biển Việt Nam có thể dâng lên 0,75m – 1m dẫn đến làm ngập một diện tích lãnh thổ rất lớn của nước ta [1]. Việt Nam có đường bờ biển dài 3260 km [3], trên dọc bờ biển có hàng trăm (đã có 125 bãi biển được xác định, xếp loại có giá trị du lịch) bãi biển đẹp tầm cỡ khu vực và thế giới như Trà Cổ, Sầm Sơn, Lăng Cô, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Cù Lao Chàm [2]. Với đặc điểm là địa hình ven biển thấp, nhất là hai đồng bằng sông Hồng (vùng ven biển Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng ), sông Cửu Long (Bán đảo Cà Mau, Sóc Trăng ) và các vũng vịnh, đầm phá, vùng cửa sông và bãi cát bồi ven biển (khu vực miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Vũng Tàu) [3], khi mực biển dâng sẽ nhấn chìm nhiều bãi biển (nhiều bãi biển sẽ biến mất), thu hẹp diện tích hầu hết các bãi biển (ảnh hưởng tới gần 100% số bãi biển và trên 85% diện tích các bãi biển), các hệ sinh thái có giá trị du lịch (rừng ngập mặn khu vực cửa sông, vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, rạn san hô khu vực miền Trung ) và các cảnh quan du lịch ven biển - đảo (vịnh Hạ Long, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo ). Điều này làm cho khả năng khai thác các bãi biển vào mục đích du lịch sẽ bị hạn chế, giảm sút, thậm chí là không thể khai thác. Các cảnh quan và hệ sinh thái trên và ven biển sẽ bị thu hẹp, thậm chí là biến mất không thể khai thác vào mục đích du lịch. Khu vực miền Trung có số lượng bãi biển có giá trị cho phát triển du lịch nhiều nhất nước, mặc dầu độ cao trung bình của các bãi biển là tương đối cao (0-3m) nhưng do đường đẳng sâu 20m đi sát bờ [3], nên khi mực nước biển dâng làm cho diện tích các bãi biển vốn đã hẹp sẽ càng bị thu hẹp, độ sâu ở các bãi biển sẽ tăng lên làm cho giá trị, độ hấp dẫn và khả năng khai thác vào các hoạt động du lịch bị giảm sút hoặc không thể diễn ra, độ rủi ro khi tắm biển sẽ tăng (do độ sâu tăng và diện tích bãi tắm hẹp). Những tác động này sẽ buộc các dự án du lịch ven biển cần phải thiết kế phù hợp để thích ứng do đó sẽ dẫn đến làm tăng chi phí đầu tư và tăng độ rủi ro trong quá trình thiết kế, vận hành, khai thác. Trong khi đó, nhu cầu du lịch biển và tắm biển là một xu hướng phát triển mạnh của du khách trên thế giới trong thế kỷ 21, điều này làm cho quy mô và hiệu quả của ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. 2.2. Tác động tiêu cực đến tài nguyên và cơ sở vật chất ngành du lịch Biến đổi khí hậu đồng nghĩa với các dạng thiên tai cực đoan như bão – áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, lũ quét, trượt lỡ đất, sự thất thường của thời tiết khí hậu Những
- 106 TRẦN VĂN ANH dạng thiên tai này diễn ra thường xuyên, kéo dài, trên diện rộng và biến đổi bất ngờ đã tác động một cách trực tiếp và gián tiếp đến mọi mặt của ngành du lịch và các hoạt động du lịch. Các khu vực du lịch, các công trình du lịch thường phân bố ở những khu vực nhạy cảm với các đợt thiên tai như trên biển, đảo, trên sông, hồ, núi, thác nước Do đó, các đợt thiên tai dễ phá hủy rất nhiều loại tài nguyên như cháy rừng, sạt lở đất, xâm lấn, sạt lỡ bờ biển, mưa lũ, nhiệt độ tăng làm cho các tài nguyên tự nhiên bị biến đổi, các di tích lịch sử văn hóa nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng. Hội An, cố đô Huế, phố cổ Hà Nội bị ngập lũ kéo dài, bão làm sập đổ, xuống cấp các ngôi nhà cổ; các bãi biển khu vực Hội An, Đà Nẵng bị bồi lấp, chìm ngập dưới mực nước biển làm cho tuổi thọ và giá trị của các loại tài nguyên sẽ bị giảm sút. Các công trình cơ sở hạ tầng, công trình kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch như đường sá (đường Hồ Chí Minh, QL1A, các tuyến đường ven biển ), khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cáp treo (trên các đảo và ven biển như khu vực Hạ Long, Hội An, Nha Trang ), các khu giải trí ngoài trời sẽ bị phá hủy, xuống cấp. Trong những năm vừa qua, những tác động của thiên tai đã làm cho cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế trong cơn bão số 9 năm 2009; Quảng Ninh, Hải Phòng cơn bão số 1, 2 năm 2010 (hàng chục khu nghĩ dưỡng ven biển, các tàu du lịch, các tuyến đường du lịch trên núi, các công trình dịch vụ thông tin liên lạc ven biển, trên các đảo đã bị phá hủy, thiệt hại, làm đình đốn hoạt động). Các công trình phục vụ ngành du lịch đòi hỏi sự đầu tư rất lớn và kéo dài. Do đó những thiệt hại sẽ càng lớn, và lớn hơn các ngành khác rất nhiều. 2.3. Tác động tiêu cực đến tính chủ động của hoạt động du lịch Hoạt động du lịch có tính chất ổn định tương đối, nghĩa là các chuyến đi du lịch theo những tour tuyến đã xác định, đặt, “lập trình” trước từ điểm tham quan đến nơi ăn, nghỉ Tác động diễn biến thất thường của thiên tai dẫn đế n làm đình đốn, hủy các chương trình, kế hoạch, các tour du lịch, nhất là các chuyến du lịch biển như trên Vịnh Hạ Long, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo và các tuyến du lịch ở khu vực miền Trung (các tuyến du lịch trên Con đường di sản miền Trung ). Tính thất thường càng tăng thì thiệt hại càng lớn vì các sản phẩm du lịch không có khả năng lưu kho, di chuyển và rất dễ bị hư hỏng. Việc hủy, đình, lùi kế hoạch du lịch của du khách sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt các khâu, bộ phận của ngành du lịch. Tính thất thường tăng thì sự bị động của ngành du lịch cũng sẽ tăng. Những tác động đó đã làm cho quy mô du khách có thể biến động (lúc tăng rất lớn nhưng có lúc lại giảm đột ngột), doanh thu không ổn định, các chi phí phát sinh trong điều hành hoạt động, khắc phục các thiệt hại tăng cao từ đó làm giảm lợi nhuận. Tính thất thường, những diễn biến cực đoan của các thiên tai làm tăng các rủi ro trong đi du lịch như tai nạn trong các đợt bão, lũ, sạt lở đất cũng làm ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý và tính mạng của du khách khi đi vào các vùng và các thời điểm có nguy cơ cao như vùng núi, vùng ven biển và vào mùa có nhiều thiên tai. Trong những năm qua, do thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra, nhất là ở khu vực miền Trung đã làm cho hàng trăm chương trình du lịch với hàng ngàn du khách phải hủy kế hoạch đến miền Trung, nhiều du khách đã bị thiệt mạng khi nghỉ qua đêm trên Vịnh Hạ Long gặp tố lốc, lốc xoáy hay gặp bão trên biển, nhiều tour du lịch lên
- BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH 107 vùng trung du miền núi bị hủy do gặp phải sạt lở đất, lũ quét như trên quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh 2.4. Tác động tiêu cực đến nhu cầu đi du lịch của du khách Một trong những đặc điểm của hoạt động du lịch là khi người dân có tích lũy lớn, ổn định, nguồn thu nhập không bị đe dọa tổn thất trong một khoảng thời gian nhất định thì nãy sinh nhu cầu đi du lịch. Khi biến đổi khí hậu làm tăng thiệt hại mùa màng, nhà cửa, cơ sở vật chất kỹ thuật, làm đình đốn sản xuất, kinh doanh từ đó làm giảm thu nhập, tăng sự khó khăn trong đời sống của người dân, tăng độ rủi ro khi đi du lịch. Những trận lũ (lũ kéo dài và trên diện rộng ở các tỉnh Bắc miền Trung trong tháng 10/2010), hạn hán kéo dài trên diện rộng (ở các tỉnh phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long năm 2009 -2010), các đợt bão thường xuyên diễn ra trên mọi miền đất nước đã làm cho đời sống, sinh hoạt của người dân từ thành thị đến nông thôn, miền núi, từ nông dân, ngư dân đến công nhân, viên chức đều bị ảnh hưởng sâu sắc. Nhiều người mất nhà cửa, tiền bạc, mất việc làm; nhiều cơ quan, xí nghiệp bị đình đốn sản xuất do thiên tai đã ảnh hưởng đến sức khỏe, việc làm và thu nhập của người lao động. Chính những thiệt hại này một mặt sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu (giảm) đi du lịch, mặt khác giảm khả năng chi tiêu trong các chuyến đi du lịch. Hiện nay, vào mùa thiên tai và khi có diễn biến bất thường của thiên tai, các chương trình du lịch bị hủy, đình, lùi thì công suất sử dụng các cơ sở vật chất, các dịch vụ và sản phẩm du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng, lao động ngành du lịch không có việc làm thường xuyên. Điều này đã ảnh hưởng tới sự tăng trưởng lượng khách và doanh thu của ngành du lịch, lãng phí trong sử dụng, khấu hao các dịch vụ, sản phẩm và cơ sở vật chất của ngành du lịch. 2.5. Tác động tích cực tới ngành du lịch Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ngành du lịch cũng có những cơ hội, điều kiện phát triển tốt nếu có những giải pháp, phương án thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác những khía cạnh nảy sinh từ những tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng lên, sự khắc nghiệt cục bộ của thời tiết ở các vùng khác nhau như nắng nóng kéo dài, hạn hán sâu sắc sẽ dẫn tới nảy sinh nhu cầu đi du lịch đến những nơi có thời tiết dễ chịu hơn như tắm biển, nghỉ dưỡng núi, trong các khu du lịch sinh thái. Trong các đợt nắng nóng bất thường những năm gần đây đã làm cho hàng triệu du khách đổ xô đến các bãi biển ở miền Trung, các thành phố Đà Lạt, Sapa, Bà Nà để tránh nắng và nghỉ dưỡng. Các hiện tượng thời tiết bất thường, kỳ thú diễn ra trong những năm gần đây như hiện tượng đóng băng, tuyết rơi, các đợt lạnh (đây là dạng tài nguyên du lịch đặc biệt có giá trị ở vùng nhiệt đới như nước ta) ở Sapa, Mẫu Sơn và các tỉnh phía Bắc đã gây sự tò mò, thu hút sự chú ý đặc biệt của du khách, nhất là những người hiếu kỳ, thích mạo hiểm. Chính những sự kiện này đã thu hút được một lượng khách rất lớn tập trung về các khu vực này mỗi lần xảy ra. Bên cạnh đó, hạn hán kéo dài, mưa ít vào mùa khô và mùa khô kéo dài đồng nghĩa với việc thời gian cho mùa du lịch sẽ được kéo dài. Du lịch thường diễn ra trong điều kiện không có mưa và diễn ra trong mùa khô. Nên khi mùa khô kéo dài và mưa ít sẽ làm cho các hoạt động phục vụ du lịch diễn ra thuận lợi, sôi động, dễ dàng, thu hút được một lượng du khách lớn vào mùa này. Sự khắc nhiệt tăng lên ở các
- 108 TRẦN VĂN ANH khu vực khác trên thế giới cũng sẽ là một cơ hội phát triển của ngành du lịch nước ta. Những yếu tố trên được xem là mặt trái và hệ quả của biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân nhưng lại là một yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho ngành du lịch có thể khai thác hiệu quả. 3. NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT Thứ nhất, ngành du lịch cả nước và các địa phương cần nghiên cứu để xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành du lịch phù hợp với những dự báo và kịch bản biến đổi khí hậu đã được Chính phủ công bố. Việc xây dựng kịch bản là điều bắt buộc nhưng khi xây dựng kịch bản cần đầu tư nghiên cứu một cách khoa học để có thể tính, lượng hóa được mức độ, phạm vi ảnh hưởng, thiệt hại Đây là cơ sở, căn cứ quan trọng để xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động trong từng giai đoạn, khu vực và từng hoạt động du lịch cụ thể. Thứ hai, cần nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng nhận biết, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu của đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Đây được xem là khâu quan trọng thứ hai, sau khi xây dựng kịch bản của ngành. Cán bộ làm việc trong ngành du lịch cần phải chủ động, làm chủ những khả năng, kỹ năng trong quá trình ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, để có thể hạn chế thiệt hại, biến nguy cơ bất lợi thành những yếu tố tích cực cho sự phát triển của ngành du lịch. Bên cạnh nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ ngành du lịch, cũng cần chú ý tới nhận thức của du khách, bởi đây là đối tượng cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu. Giải pháp này được xem là quan trọng bởi những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và sâu sắc nhưng nhận thức về biến đổi khí hậu thì nhiều nơi và nhiều người vẫn còn mơ hồ. Thứ ba, trên cơ sở các dự báo của các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành du lịch, các quy hoạch, thiết kế các công trình, khu vực phục vụ hoạt động du lịch cần được thực hiện một cách khoa học. Các công trình, các loại vật liệu, vị trí xây dựng phải đảm bảo chịu được các tác động ở mức độ khác nhau của biến đổi khí hậu, nhất là các công trình và các hoạt động du lịch ven biển. Cần có những chiến lược dài hạn để bảo vệ các tài nguyên du lịch có nguy cơ và nhạy cảm với các tác động của biến đổi khí hậu như hệ thống các bãi biển, các đảo, các khu vực rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng, các thác nước, hệ thống các hồ du lịch Thứ tư, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và dự báo các tác động đối với ngành du lịch, ngành du lịch cần phải tăng cường tính dự báo, tính chủ động trong các chương trình hành động, kế hoạch hoạt động, tổ chức các sự kiện du lịch, tổ chức điều hành các tour tuyến du lịch, tăng cường tính chủ động trong việc điều phối sản xuất, phân phối các sản phẩm phục vụ du lịch để có thể hạn chế đến mức thấp nhất tính bị động của hoạt động du lịch trước biến đổi khí hậu. Thứ năm, biến đổi khí hậu tác động đến mọi ngành và mọi người, do đó, ngành du lịch cần có sự phối hợp và chủ động phối hợp, hỗ trợ với các ngành khác, các địa phương để tạo ra sự thống nhất về phương thức ứng phó, tạo ra một nguồn lực tổng hợp của các
- BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, NHỮNG THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH 109 ngành và của mọi người dân trong quá trình thích nghi, ứng phó và “sống chung” với biến đổi khí hậu. 4. KẾT LUẬN Có thể nói, biến đổi khí hậu là một nguy cơ và những hậu quả đã và sẽ được nghiên cứu, dự báo và cảnh báo, nó tác động trên phạm vi toàn cầu và tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc lượng hóa được mức độ, phạm vi, khu vực và đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu để có thể thích ứng, đối phó, hạn chế thiệt hại cần sự nỗ lực toàn cầu và của mỗi cá nhân trên cơ sở những nghiên cứu một các khoa học và có những phương án cụ thể. Ngành du lịch có những thách thức rất lớn nhưng cũng có cơ hội không nhỏ trong quá trình sống chung với biến đổi khí hậu. Ngành du lịch cần có những kịch bản, những dự báo, những giải pháp cụ thể, chi tiết, dài hạn để thích ứng, đối phó và khai thác có hiệu quả những tác động tích cực và tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là vùng ven biển và những vùng có nguy cơ bị tổn thương cao. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009). Kịch Bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. Hà Nội. [2] Nguyễn Minh Tuệ và nhóm tác giả (1997). Địa lý du lịch. NXB TP Hồ Chí Minh. [3] Lê Bá Thảo (1993). Thiên nhiên Việt Nam. NXB Khoa học và Kỹ thuật. Title: CLIMATE CHANGE, CHALLENGES AND OPPORTUNITIES FOR VIETNAM’S TOURISM Abstract: Climate change has been a major risk for development of humankind in the 21st century and in the next centuries. Climate change produces an effect on all aspects of production and life. The impacts of climate change can cause enormous consequences to people and their assets as well. Each country, each territory, each sector will be affected at different levels. For tourism, the influence of climate change can be viewed in two aspects: positive and negative. ThS. TRẦN VĂN ANH Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Quảng Nam. Địa chỉ: 102 Hùng Vương, TP Tam Kỳ, Quảng Nam ĐT: 0912.801.079. Email: tva78@qnamuni.edu.vn