Luận văn Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long

pdf 12 trang hapham 4080
Bạn đang xem tài liệu "Luận văn Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfluan_van_nghien_cuu_phat_trien_du_lich_sinh_thai_phuc_vu_bao.pdf

Nội dung text: Luận văn Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long

  1. Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngâp nước Vân Long Nguyễn Thùy Vân Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Luận văn ThS Chuyên ngành: Khoa học Môi trường; Mã số: Mã số: 60 85 02 Người hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Trung Lương Năm bảo vệ: 2012 Abstract: Tổng quan những vấn đề lý luận về du lịch sinh thái. Nghiên cứu tiềm năng du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long. Đánh giá thực trạng phát triển du lịch sinh thái đặc biệt là đóng góp cho bảo vệ môi trường tại khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long. Giới thiệu kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái tại một số Vườn Quốc gia hoặc Khu bảo tồn thiên nhiên. Đề xuất định hướng và mô hình phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long. Đưa ra một số giải pháp thực hiện Keywords: Du lịch sinh thái; Khoa học môi trường; Bảo tồn thiên nhiên; Tài nguyên đất Content Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long nằm trong mục tiêu và định hướng của “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện công ước đa dạng sinh học và nghị định thư Cartagena về “An toàn sinh học” ban hành kèm Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg, nhằm bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đất ngập nước; xây dựng năm khu đất ngập nước đủ tiêu chuẩn, điều kiện để công nhận khu Ramsar”. Vân Long là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước nội địa đầu tiên ở Việt Nam với sự đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là loài Voọc Quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri) - một loài đặc hữu của Việt Nam, là 1 trong 25 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu. Ngày 18/12/2010 Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Vân Long là nơi có cá thể Voọc Quần đùi trắng sinh sống nhiều nhất. Ngoài ra phong cảnh tự
  2. nhiên ở Vân Long rất đẹp với những khối núi đá vôi đồ sộ được bao bọc xung quanh bởi vùng đất ngập nước là các con sông và một vùng hồ nông có thảm thực vật ngập nước. Tuy nhiên, hiện nay đa dạng sinh học và môi trường nơi đây lại đang bị đe dọa bởi các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tác động của cộng đồng. Việc khai thác quá mức gỗ và củi là mối đe dọa chính đối với tính đa dạng sinh học và đã dẫn đến hầu hết rừng ở khu vực bị phá hủy. Khả năng tái sinh tự nhiên của thảm rừng cũng bị hạn chế nhiều do chăn thả dê trên các núi đá vôi, hoạt động khai thác đá cũng tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên nơi đây. Du lịch sinh thái được xem là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa có giáo dục môi trường, đóng góp cho bảo tồn với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Do đó du lịch sinh thái được xác định là loại hình ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, 2012) dưới góc độ bảo tồn thiên nhiên môi trường nói chung và đa dạng sinh học nói riêng. Đề tài: “Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long” không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn góp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Có nhiều định nghĩa về du lịch sinh thái ở Thế giới cũng như ở Việt Nam. Năm 2005, Luật Du lịch Việt Nam đã xác định: “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững”. Cách nhìn nhận du lịch sinh thái hiện nay cũng khá mở và cho dù có những khác biệt nhất định nhưng đa số các chuyên gia và tổ chức quốc tế đều thống nhất những nội dung cơ bản mà du lịch sinh thái cần phải có, đó là: - Du lịch sinh thái là một loại hình phát triển du lịch bền vững, được quản lý bền vững; - Là loại hình dựa vào thiên nhiên là chính (đặc biệt là ở những khu vực còn hoang sơ, được bảo tồn tương đối tốt); - Có hỗ trợ bảo tồn (không làm thay đổi tính toàn vẹn của hệ sinh thái, nguồn thu được từ hoạt động du lịch sinh thái được đầu tư cho công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường );
  3. - Có các hoạt động, hình thức giáo dục về môi trường và sinh thái; - Có sự tham gia chia sẻ lợi ích cộng đồng (khuyến khích sự tham gia cộng đồng trong các hoạt động và dịch vụ cho du lịch sinh thái như hướng dẫn viên địa phương, kinh doanh lưu trú, ăn uống, tạo các sản phẩm bổ trợ khác ). Tiềm năng về tài nguyên du lịch: Tính đến đầu năm 2012 Việt Nam đã có 16 di sản văn hóa và di sản tự nhiên thế giới được UNESCO công nhận bao gồm: Quần thể di tích Cố Đô Huế (1993), Thánh địa Mỹ Sơn (1999) Vịnh Hạ Long (1994, 2000), Phố cổ Hội An (1999), VQG Phong Nha Kẻ Bàng (2003), Không gian văn hóa Cồng chiêng (2005), Quan họ Bắc Ninh (2009), Ca Trù (2009), Mộc bản chiều Nguyễn (2010), Cao nguyên đá Đồng Văn (2010), Bia đá Văn Miếu (2010), Hoàng thành Thăng Long (2010). Hội Gióng (2010), Thành Nhà Hồ (2011), Hát Xoan (2011). Đây là điểm nổi bật về văn hóa bản địa và cảnh quan thiên nhiên. Ngoài ra chúng ta còn có 8 khu Dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận gồm: Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Cát Tiên, Cù Lao Chàm, Cần Giờ, Cà Mau và Biển Kiên Giang. Việt Nam còn có 30 VQG, 61 Khu bảo tồn, 117 nhà bảo tàng, 21 khu du lịch quốc gia Một số tồn tại về hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG và KBT: - DLST ở KBTTN Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của nó, một trong những nguyên nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển DLST ở các KBTTN Việt Nam là thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan, các ngành, các cấp trong việc xây dựng các chính sách phát triển và quy hoạch DLST. Du lịch là một ngành liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần phải có sự kết hợp giữa các bên liên quan thì mới có thể phát triển được. Hiện tại, các hoạt động du lịch ở các KBTTN còn mang tính tự phát, chưa có sản phẩm và thị trường mục tiêu, chưa có đầu tư xúc tiến và phát triển công nghệ phục vụ cho DLST. Xét về nội dung và cách thức hoạt động du lịch ở các VQG và KBTTB hiện nay thuộc loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên có định hướng DLST. - Một số VQG đã thành lập Ban du lịch hoặc Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường để điều hành hoạt động du lịch. Công tác nghiên cứu, quy hoạch phát triển DLST đã được tiến hành ở một số VQG như Cúc Phương, Ba Bể, Ba Vì, Tam đảo, Bạch Mã, Cát Tiên, Tràm Chim Trước kia, việc đầu tư kinh phí cho cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch ở các VQG chủ yếu là từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện nay, Tổng cục Du lịch, các tỉnh và nhiều công ty cũng đã tập trung nguồn kinh phí để phát triển cơ sở hạ tầng ở các VQG.
  4. - Hiện tại du khách đến các VQG mới chỉ tiếp cận được các Hệ sinh thái rừng, các loài thực vật và một số loài côn trùng. Rất hiếm khi du khách bắt gặp thú trong rừng. - Các hệ sinh thái đất ngập nước với nhiều loài chim nước và các loài thủy sinh cũng đang thu hút nhiều khách du lịch. KBTTN Đất ngập nước Xuân Thủy, với hệ sinh thái rừng ngập mặn là nơi cư trú của nhiều loài cua, tôm, cá và hàng trăm loài chim, nổi tiếng nhất là loài Cò Thìa. KBTTN Đất ngâp nước Vân Long bao gồm cả HST rừng trên núi đá vôi. VQG Tràm Chim là nơi bảo tồn HST tự nhiên Đồng Tháp Mười với loài đặc hữu là Sếu Đầu đỏ đã thu hút hàng ngàn khách du lịch mỗi năm. Tuy nhiên, tại một số nơi ban quản lý KBT chưa quản lý được hoạt động du lịch, vẫn còn hiện tượng săn bắn chim, thú rừng; chưa xây dựng quy hoạch tổng thể để phát triển du lịch sinh thái. - Mặc dù các VQG và KBT thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học cao, tuy nhiên có số lượng cá thể thấp, thêm vào đó phần lớn các loài động vật hoang dã trong KBT thường hoạt động vào ban đêm nên rất khó quan sát. Điều này làm giảm tính hấp dẫn đối với du khách. Có thể nói quan hệ giữa du lịch sinh thái với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vê môi trường là mối quan hệ cộng sinh: Du lịch sinh thái đóng góp cho bảo tồn và ngược lại bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường là nền tảng để phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay, vấn đề khai thác du lịch và bảo tồn đang diễn ra theo 3 mối quan hệ chính: - Thứ 1: Cùng tồn tại: Trường hợp này xảy ra ở những nơi chưa có quy hoạch và định hướng phát triển du lịch một cách cụ thể. Du lịch vẫn phát triển và việc bảo tồn cũng vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, mối quan hệ này sẽ không tồn tại được lâu dài bởi phát triển du lịch chắc chắn sẽ phải tác động đến môi trường, nếu không có các giải pháp cụ thể sẽ dẫn tới mối quan hệ thứ 2- Mâu thuẫn. - Thứ 2: Mẫu thuẫn: trường hợp này xảy ra ở những nơi mà phát triển du lịch làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường. Tại đây, các nhà bảo tồn luôn có xu hướng chống đối du lịch bằng cách cấm đoán và giới hạn. Loại hình du lịch trong mối quan hệ này không phải là du lịch sinh thái. - Thứ 3: Cộng sinh: Quan hệ cộng sinh có thể diễn ra nếu du lịch và bảo tồn được tổ chức hài hòa. Ở góc độ bảo tồn, các vốn quý tự nhiên được bảo tồn tới mức tối đa ở trạng thái ban đầu, hoặc tiến hoá tới một trạng thái hoàn hảo hơn. Ở góc độ du lịch, được
  5. phép sử dụng các vốn quý tự nhiên trong giới hạn cho phép, du lịch phải có đóng góp cho bảo tồn. Trên thực tế: quan hệ của du lịch và bảo tồn thường xuất phát từ cùng tồn tại cho tới mâu thuẫn sau đó mới là cộng sinh. Điều này có thể do một số nguyên nhân: quản lý không tốt; sự bùng nổ của du lịch cũng như sự suy thoái và mất đi các khu thiên nhiên; sự mở rộng quy mô của du lịch mà không có quy hoạch cẩn thận; sự chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan chưa được hài hòa Trên con đường đó, du lịch sinh thái sẽ được hình thành và như vậy mới trả lời được câu hỏi: “tại sao lại phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn?”. Để có thể phát triển được DLST tại KBT cần phải có cơ chế bảo tồn và phát triển DLST cụ thể. Về nguyên lý, phát triển DLST sẽ có thu nhập và 1 phần thu nhập hoặc 100% thu nhập từ hoạt động DLST phải quay lại hỗ trợ cho bảo tồn và bắt buộc phải có sự tham gia của cộng đồng. Trong những năm gần đây, tại khu du lịch sinh thái Vân Long đã đón khách du lịch trong và ngoài nước đến đây với số lượng khá cao. Các doanh nghiệp du lịch đã chủ động phối hợp với các hãng lữ hành trong và ngoài nước đưa Vân Long thành một điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của khách quốc tế khi đến Việt Nam. Thông qua các hoạt động du lịch khu vực đất ngập nước Vân Long đã được du khách đánh giá cao về tài nguyên đa dạng sinh học cũng như cảnh quan tự nhiên hấp dẫn. Hiện nay, loại hình du lịch sinh thái Homestay đang được chú trọng phát triển tại KBTTN ĐNN Vân Long. Homestay là loại hình du lịch khách du lịch đến nghỉ ngơi sinh hoạt ngay chính tại ngôi nhà của người bản địa trong chuyến đi du lịch của mình. Homestay là hình thức du lịch bền vững, đặc biệt phù hợp với các quốc gia đa văn hóa như Việt Nam. Homestay thu hút mạnh khách du lịch là những lớp trẻ ham mê khám phá và trải nghiệm cuộc sống đa dạng. Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức Homestay cho khách đến ở nhà dân, cùng người dân đi làm. Các hoạt động mà du khách đến đây được khám phá như: + Tát nước gầu sòng, gầu dây, đi móc cua ở bờ ruộng, cất vó, đánh dậm cua. + Cùng người dân làm cua nấu canh, thổi cơm vùi vùng do. + Tổ chức cho khách đi xe đạp, xe trâu vào các thôn xóm. Bên cạnh đó, ở đây đã được giải quyết được phần nhiều lao động như các hộ gia đình tham gia phục vụ dịch vụ vận chuyển xe trâu (15 hộ) cho khách nước ngoài và thu
  6. nhập bình quân của người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch là 1,5 triệu đồng/tháng. Các hoạt động và vai trò của cộng đồng địa phương tham gia phục vụ phát triển du lịch tại KBTTN ĐNN Vân Long: - Đưa khách đi tham quan trên đầm nước: Du khách sẽ được người dân chèo lái trên các chiếc thuyền nan thô sơ không có động cơ, máy nổ. Trên hành trình tham quan đầm nước, người dân địa phương chính là người hướng dẫn viên du lịch đồng thời là các tuyên truyền viên về giáo dục bảo tồn cũng như giám sát và nhắc nhở du khách các hoạt động gây hại đến môi trường. - Cung cấp dịch vụ lưu trú: Cộng đồng địa phương sẽ cung cấp các dịch vụ lưu trú cho du khách tại chính ngôi nhà của mình. Qua đó, cộng đồng có thể giới thiệu cho du khách về nét văn hóa của địa phương. - Tổ chức các hoạt động: Tại Vân Long cộng đồng có thể tổ chức biểu diễn một số loại hình văn hóa dân gian như hát, đốt lửa trại, kéo co, trò chơi dân gian. - Hướng dẫn viên tại chỗ: Cộng đồng địa phương tuy là những người không có các kỹ năng du lịch nhưng họ lại là người hiểu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lễ nghi, các phương thức canh tác, sản xuất với hiểu biết của mình họ sẽ lôi cuốn du khách một cách tự nhiên hơn so với các hướng dẫn viên chuyên nghiệp. - Làm việc tại cơ sở lưu trú, kinh doanh lữ hành - Sản xuất mặt hàng thủ công, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng Mô hình tổ chức phát triển du lịch sinh thái tại Vân Long
  7. Quản lý Nhà nước Ban quản lý Chính quyền Khu bảo tồn địa phương Các tổ chức Cộng đồng Doanh nghiệp phi chính phủ (NGOs) Khách du lịch * Cộng đồng dân cư địa phương: Đây là nhóm chủ chốt trong hoạt động du lịch, họ có vai trò cung cấp các sản phẩm du lịch như lưu trú tại nhà, đưa khách đi tham quan, sinh hoạt với người dân, các trò chơi và hoạt động giải trí và đặc biệt, cộng đồng địa phương sẽ là nhân tố bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường tích cực nhất, họ coi tài nguyên du lịch như tài sản của mình và ra sức bảo vệ, duy trì, tôn tạo từ đó hình thành các sản phẩm du lịch bản địa đặc trưng thu hút được khách du lịch. Cộng đồng địa phương là người tổ chức các hoạt động du lịch như đưa khách đi tham quan, tổ chức các trò chơi, do vậy, cộng đồng đóng vai trò lớn trong việc giáo dục môi trường và giám sát các hành vi tác động đến môi trường của khách du lịch. * Quản lý nhà nước: Chính phủ và các bộ, ngành liên quan: Chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược, quy hoạch DLST quốc gia; ban hành, chỉnh sửa, bổ sung các qui định pháp luật liên quan đến các khu BTTN và DLST, các nguyên tắc hợp tác và trách nhiệm trong hoạt động DLST, cơ chế chia sẻ lợi ích và đầu tư cho các KBTTN, tiêu chí về DLST. * Chính quyền địa phương các cấp: Cần xây dựng được khung quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch và dịch vụ, kế hoạch hoạt động du lịch của năm và hàng năm tại KBT. Chính quyền địa phương cấp xã, huyện phải có được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương cấp tỉnh, Trung ương, Tổng cục Du lịch về thủ tục hành chính, chính sách, ngân sách và nguồn nhân lực
  8. * Ban quản lý khu bảo tồn: UBND Tỉnh Ninh Bình thống nhất quản lý nhà nước, giao cho Ban quản lý rừng đăc dụng Hoa Lư-Vân Long tổ chức quản lý khu bảo tồn và phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước phát triển du lịch sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Để phát triển DLST theo hướng bền vững, BQL cần phải lập kế hoạch phân vùng chức năng và quy định nghiêm ngặt cho từng vùng. * Các doanh nghiệp: Các công ty du lịch trong nước và ngoài nước cung cấp những tour cho khách DLST; có thể tham gia xây dựng các sản phẩm DLST và quảng bá DLST. Các doanh nghiệp này cần nhận thức và có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục du khách của công ty mình về yêu cầu, trách nhiệm và lợi ích của DLST. Sử dụng tối đa nguồn nhân lực địa phương, phối hợp với địa phương để tăng thêm mức phí các hoạt động du lịch dịch vụ cho cộng đồng địa phương. * Các tổ chức Phi chính phủ (NGOs): có vai trò hỗ trợ tổ chức mô hình, tài trợ về vật chất, hướng dẫn các công nghệ và giúp đỡ kinh nghiệm. * Khách du lịch: thể hiện ở số lượng, thành phần, mức độ chi tiêu có ý nghĩa đến thu nhập của cộng đồng và các nhân tố khác. Khách du lịch được tham quan, nghiên cứu khu bảo tồn đất ngập nước theo các tuyến du lịch đã được cơ quan nhà nước quy hoạch cho phép tham quan. Khách du lịch không được thu thập các loại tiêu bản nếu không được sự đồng ý của Ban quản lý khu bảo tồn rừng đặc rụng Hoa Lư - Vân Long. Cơ chế hoạt động của mô hình * Cơ chế liên kết: chính quyền và các tổ chức phối hợp liên kết với cộng đồng địa phương tổ chức các hoạt động du lịch, xây dựng nhà đón tiếp khách du lịch kiểu mẫu và mang tính chất đặc trưng cho vùng, những ngôi nhà này nằm trên phần đất của người dân và do người dân quản lý. * Cơ chế hoạt động: Các cơ quan quản lý chủ trì thực hiện, xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch, các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khác có vai trò giúp đỡ cộng đồng thực hiện, thể hiện qua các hoạt động như đào tạo kỹ năng, hỗ trợ về vốn, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn khách, xúc tiến quảng bá khu du lịch Cộng đồng địa phương cam kết đón tiếp khách và phục vụ khách du lịch theo đúng các nguyên tắc của hoạt động DLST, đồng thời tránh hiện tượng chặt chém khách du lịch hoặc làm mất đi giá trị văn hóa của KBTTN ĐNN Vân Long. Cộng đồng địa
  9. phương có trách nhiệm đóng góp 1 phần thu nhập từ hoạt động du lịch cho Ban quản lý. Với phương thức hoạt động như trên cộng đồng giữ vai trò chủ động, lợi ích thu được từ hoạt động du lịch tương đối cao, họ sẽ phải gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa để duy trì và phát triển hoạt động du lịch, các hộ gia đình chưa tham gia vào mô hình này sẽ có cơ hội để làm du lịch, do vậy sẽ giảm thiểu việc khai tác tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường và đa dạng sinh học. * Cơ chế chế độ chính sách Cộng đồng làm chủ: Chủ yếu là cộng đồng dân cư trong khu bảo tồn, là người trực tiếp cung cấp các sản phẩm du lịch cho khách và là người bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. * Cơ chế chia sẻ lợi ích: đây là yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động phát triển du lịch sinh thái, người dân phải là người hưởng lợi chủ yếu, cộng đồng là người tự quyết định thu nhập và mức độ tham gia của mình chứ không phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp du lịch. Hiện nay, cơ chế chia sẻ lợi ích tại KBTTN ĐNN Vân Long chưa được xây dựng một cách cụ thể, bước đầu mới chỉ có hoạt động thuyền đưa khách đi tham quan là có quy định. Kết quả phỏng vấn của đề tài cho thấy, xã Gia Vân có khoảng 400 hộ tham gia chở khách đi thuyền, thuyền là do người dân tự mua với giá khoảng 1-1,5 triệu đồng, giá vé là 45.000/lượt khách, mỗi thuyền trở tối đa là 3 lượt khách, giá vé thu được là 135.000/thuyền, chủ thuyền nhận được 30.000/lượt đi thuyền. Như vậy, lợi ích mà cộng đồng thu được chỉ chiếm 22%, đây là một con số quá nhỏ. Mặt khác, do lượng khách còn hạn chế, số thuyền tham gia nhiều nên hàng tháng mỗi thuyền chỉ chở trung bình khoảng 10 chuyến, lợi ích mang lại từ hoạt động du lịch khoảng từ 300-500.000/tháng. Đối với hoạt động lưu trú tại nhà, mức thu nhập hàng tháng của mỗi hộ khoảng 1.2-1.8triệu/tháng nhưng hiện nay rất ít hộ có đủ điều kiện để tham gia hoạt động này. Nhìn chung, lợi ích mang lại từ hoạt động du lịch là chưa cao, do vậy cần có những giải pháp về cơ chế chia sẻ lợi ích, giải pháp kinh tế để thu hút cộng đồng làm du lịch và phát triển du lịch một cách bền vững. Đề tài đề xuất bản đồ không gian tổ chức hoạt động du lịch theo hai nội dung chính bao gồm: Vùng tổ chức các loại hình và sản phẩm du lịch và vùng xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cụ thể như sau: * Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:
  10. - Bảo vệ thắng cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học - Không diễn ra hoạt động du lịch, chỉ được phép dựng chòi quan sát, đường đi trong khu bảo tồn nghiêm ngặt chỉ là đường mòn. Quy định đối tượng và số người được phép lên chòi quan sát, mức độ chịu tải rất nhỏ. - Không trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch - Bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường tự nhiên ở mức độ cao nhất * Phân khu phục hồi sinh thái - Bảo vệ thắng cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học - Phục hồi các hệ sinh thái, tăng độ che phủ rừng - Không trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch - Sức chứa lớn hơn, tính chất mở hơn so với khu bảo tồn nghiêm ngặt. - Trong phân khu phục hồi sinh thái được phép tổ chức các hoạt động du lịch như cắm trại, các tour đi nghiên cứu, có thể được phép xây dựng một số công trình Ecolodge * Phân khu tổ chức các hoạt động du lịch, nghiên cứu - Cung cấp các hoạt động giải trí, tham quan, nghiên cứu và hoạt động ngoài trời tại những nơi có thắng cảnh đẹp, có chùa, đền - Tần suất sử dụng vừa phải, phân tán các hoạt động đến các khu vực du lịch khác nhau. - Trang thiết bị và cơ sở vật chất vừa phải, thân thiện với môi trường. - Giảm thiểu các tác động và xâm hại đến môi trường. - Phải kiểm soát chặt chẽ lưu lượng thuyền tham quan. * Phân khu dịch vụ - hành chính + Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cung cấp các loại hình vui chơi, giải trí, với chất lượng từ mức độ trung bình đến chất lượng cao, bổ sung các khu nghỉ dưỡng, khu tổ hợp khách sạn cao cấp. + Tần suất sử dụng tối đa, thu hút lượng lớn du khách, tăng thời gian lưu trú. + Giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường và hệ sinh thái. Bản đồ gồm 6 tuyến du lịch, trên các tuyến thiết kế các điểm dừng chân, kết hợp với lên chòi ngắm Voọc, cụ thể như sau: - Các tuyến đường thuỷ: Tuyến 1: Trung tâm bến thuyền Vân Long - Hang Bóng - Kẽm Trăm - trở về khu dịch vụ du lịch Vân Long.
  11. Tuyến 2: Bến thuyền trung tâm - Đền Mẫu - Chùa Thanh Sơn Tự - Vườn Thánh - trở về khu dịch vụ du lịch sinh thái Vân Long. Tuyến 3: Bến thuyền trung tâm - Bức tranh Mèo cào - Hang Cá - trở về bến thuyền trung tâm. - Các tuyến bộ: Tuyến 4: Từ khu dịch vụ du lịch Vân Long - Đền Ba Non - Đền Bến Nổi -Nhà Bảo tàng động vật. Tuyến 5: Từ khu dịch vụ du lịch Vân Long - Đầm Cút - Động Hoa Lư. Tuyến 6: Tuyến du lịch xuyên rừng: từ khu dịch vụ du lịch Vân Long - làng sinh thái Đồi Ngô - làng sinh thái Cọt - Thôn Quèn Cả - Thôn Đá Hàn. Các giải pháp thực hiện mô hình phát triển du lịch sinh thái - Giải pháp về công tác tổ chức, quản lý - Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực - Giải pháp về xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch - Giải pháp kinh tế - Giải pháp công nghệ để bảo vệ tài nguyên và môi trường - Giải pháp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong vấn đề bảo vệ môi trường. References 1. Lê Huy Bá (2003), Du lịch sinh thái, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. 2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2012), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 3. Bộ Xây Dựng (2007), Quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái Vân Long, Hà Nội. 4. Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (2010), Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn tại các Vườn quốc gia/Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, Hà Nội 5. Đỗ Thị Thanh Hoa (2007), Nghiên cứu đề xuất tiêu chí khu du lịch sinh thái ở Việt Nam, Viện nghiên cứu Phát triển du lịch. 6. Lê Văn Minh (2008), Du lịch sinh thái – tiềm năng và thế mạnh của du lịch Việt Nam, Viện nghiên cứu Phát triển du lịch.
  12. 7. Phạm Trung Lương (1996), Cơ sở khoa học phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam, Viện nghiên cứu Phát triển du lịch. 8. Phạm Trung Lương (2002), Xây dựng mô hình bảo vệ môi trường du lịch với sự tham gia của cộng đồng, góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại đảo Cát Bà-Hải Phòng, Nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Tổng cục Du lịch 9. Phạm Trung Lương (2002), Cơ sở khoa học và giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Đề tài Khoa học công nghệ độc lập cấp nhà nước, Tổng cục Du lịch. 10. Phạm Trung Lương (2003), Xây dựng hướng dẫn phát triển du lịch sinh thái góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch. 11. Võ Quế (2003), Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Chùa Hương, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch. 12. Vương Văn Quỳnh (2002), Nghiên cứu tác động của hoạt động du lịch đến môi trường tại Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn, Đại học Lâm Nghiệp. 74