Một số chức năng trong hát ru dỗ ngủ người Việt

doc 7 trang hapham 2060
Bạn đang xem tài liệu "Một số chức năng trong hát ru dỗ ngủ người Việt", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docmot_so_chuc_nang_trong_hat_ru_do_ngu_nguoi_viet.doc

Nội dung text: Một số chức năng trong hát ru dỗ ngủ người Việt

  1. MỘT SỐ CHỨC NĂNG TRONG HÁT RU DỖ NGỦ NGƯỜI VIỆT Lê Thị Tuyết À ời, À ơi Thằng Bờm có cái quạt mo Phú Ông xin đổi ba bò chín Trâu Bờm rằng Bờm chẳng lấy Trâu Phú Ông xin đổi một xâu cá mè Âm nhạc là một lĩnh vực nghệ thuật mang tính biểu cảm. Trong tâm thức và cuộc sống của người Việt, hoạt động ca hát luôn gắn liền với cuộc sống lao động, vui chơi và đấu tranh để tồn tại, phát triển. Chúng ta cảm nhận thấy âm nhạc ở mỗi nơi, mỗi thời điểm lại mang những khía cạnh và cảm xúc khác nhau. Với tôi, âm nhạc dân gian là tài sản vô cùng quý giá. Ở bất cứ thời đại nào, chất liệu âm nhạc dân gian luôn là một “kho tàng nghệ thuật vô giá”. Nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, âm nhạc cổ truyền của các tác giả tiêu biểu như: PGS.TS Nguyễn Thụy Loan, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, GS.TS Trần Văn Khê đã làm cho những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và những người thưởng thức âm nhạc nhìn nhận lại về nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Lần lượt nhiều thể loại như: Hát Xoan, Cải Lương, Ca Trù hay dàn nhạc dân tộc đã được nhìn nhận và được đánh giá với giá trị đích thực của nó. Trong cuộc đời mỗi con người từ lúc lọt lòng cho đến lúc trưởng thành,dù ở lứa tuổi nào, dù đi đến bất kỳ nơi đâu đều không thể quên được tiếng ru tình mẹ, tình cha, lời ru của anh, của chị, của những người thân đã ru ta trong giấc ngủ yên lành những ngày thơ ấu. Hát ru dỗ trẻ ngủ không chỉ dừng lại ở mục đích ru ngủ hay nói cách khác là phương tiện dỗ cho trẻ ngủ mà còn là điều kiện và nhu cầu được bộc lộ tâm tư tình cảm của người ru, người thể hiện ở các bài Hát ru. Đồng thời, nó còn là những bài học về nhân cách, về đạo đức mang tính nhân văn, hướng con người tới những giá trị cao đẹp hơn trong cuộc sống . Như vậy, chúng ta đã thấy những chức năng kép vô cùng thú vị được chứa đựng trong một thể loại âm nhạc tưởng như rất đơn giản này, đó là Hát ru dỗ trẻ. 1.Chức năng dỗ trẻ ngủ Chức năng ban đầu của hát ru là đưa trẻ nhỏ vào giấc ngủ khi chúng buồn ngủ hoặc làm cho chúng lắng dịu khi la khóc hoặc đau đớn.
  2. Có thể tìm hiểu qua một số bài hát ru Bắc Bộ cụ thể để thấy giá trị to lớn của tiếng hát ru trong việc tạo nên giấc ngủ yên lành cho trẻ thơ. Khi một đứa trẻ nằm ngủ thường trải qua ba giai đoạn là khóc đòi ngủ, ngủ lơ mơ rồi đến ngủ say. Khi đứa trẻ bắt đầu khóc đòi ngủ, người mẹ nhẹ nhàng đung đưa đứa trẻ trên tay dỗ dành âu yếm hoặc cho đứa trẻ vào võng và cất tiếng hát với nhiều tình yêu thương dành cho bé: À ời, À ơi Thằng Bờm có cái quạt mo Phú Ông xin đổi ba bò chín Trâu Bờm rằng Bờm chẳng lấy Trâu Phú Ông xin đổi một xâu cá mè Trong bài hát ru con ở Hà Nam , nội dung những câu ru rất đơn giản: Ru là ru ru u u ú con Ru là ru u u ú con Tình bằng không khóc Ta bớ ru hời, ta a a ru hời Không khóc ru con là ru u u con Một cô chị nhu mì có thể ru em: Ru em em ngủ cho rồi Chị ra buồng cửi chị ngồi quay tơ Hay một cô chị “lý lắc”: Bồng bồng cõng chồng đi chơi Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng Những bài hát ru lúc này thường ngắn, không rõ nghĩa hoặc có nghĩa kiểu đủ vốn cốt sao tạo ra âm điệu đều đều bên tai cho trẻ dễ ngủ. Trẻ nghe những giai điệu cứ nhẹ nhàng êm ái rồi đi dần vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Những câu thơ dễ thuộc dễ nhớ với những sự vật sự việc, những câu chuyện rất đời thường nhưng lại có tác dụng đến diệu kỳ trong giấc ngủ của đứa trẻ: Chuồn chuồn bay thấp trời mưa Bay cao trời nắng bay vừa trời râm Hay : À a à ời, à a à à ơi Con cóc là cậu ông trời Ai mà đánh nó thì trời đánh cho Những câu ru có tính chất vui đùa dí dỏm rất phù hợp với tâm lí trẻ thơ: Con kiến mày ở trong nhà
  3. Tao đóng cửa lại mày ra đằng nào Con cá mày ở dưới ao Tao tát nước vào mày lội được chăng? À a à à ời, à a à à ơi Hoặc là: Cái bống đi chợ cầu Canh Con tôm đi trước củ hành theo sau Con cua lật đật theo hầu Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua Ảnh: Liên hoan gia đình hát ru, hát dân ca ( Nguồn: sưu tầm) 2.Chức năng bày tỏ tình cảm của người ru Hát ru chính là lời độc thoại của người mẹ bằng âm thanh âm nhạc. Ngày xưa các bà, các mẹ đều là những người “nghệ sỹ chân quê” không ai biết nhạc biết thơ, chỉ bằng tình cảm trìu mến với cháu, con và cách học truyền miệng giản dị, những câu hát ru được lưu truyền và được bảo tồn cho tới ngày nay như một loại hình thuần Việt, thấm đậm tính nhân văn. Nó được lưu truyền một cách mạnh mẽ , dai dẳng, lâu bền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lời hát ru không chỉ dành cho trẻ nhỏ, mà còn hát ru tình đời, tình người, những khúc ru giao duyên, những khúc ru tình trắc ẩn
  4. Khi cảm nhận được là trẻ đã ngủ say, những bài hát ru của người mẹ chuyển sang một cung bậc mới, tha thiết hơn, ký thác theo đó những dòng tâm sự theo kiểu độc thoại. Bây giờ người mẹ không chỉ hát cho con nghe, mà hát cả cho chính mình. Nội dung hát thường mang tâm sự của vợ với chồng, của con đối với cha mẹ Có những lời ru như than thân trách phận, chỉ có thể trút cạn qua lời hát ru mà không thể bày tỏ cùng ai. Và đối tượng có thể làm vơi đi bao tâm sự tủi hờn đó lúc này là đứa trẻ, là đứa con yêu dấu đang chìm trong giấc ngủ say, mặc dù đứa trẻ đó có thể chưa biết, chưa hiểu được gì. Người phụ nữ, nhất là phụ nữ thời xưa với vai trò làm vợ, làm dâu, làm mẹ có biết bao điều muốn nói: (Ầu ơ ) Thân em như hạt mưa sa, Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày Hoặc: (Ầu ơ ) Chàng ơi phụ thiếp làm chi Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng Bao cay đắng không biết tỏ cùng ai bởi tình duyên của người phụ nữ long đong lận đận: Trách ông tơ bà nguyệt không xe Một mình ngồi lén bụi tre khóc ròng Trời sao trời ở không công Duyên tôi như chỉ lộ vòng rối ren. Những câu hát tủi phận nghe thật xót xa: Trách cha mẹ chớ không trách bậu Cha mẹ ham giầu gả bậu đi xa. Những câu hát ru của mẹ nhuốm màu gian nan, vất vả nhưng cũng đầy trọng trách với gia đình, quê hương đất nước: Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non Nàng về nuôi cái cùng con Để anh đi trảy nước non Cao Bằng. Là thân phận long đong cực khổ trong cuộc mưu sinh: (À ơi ) Trắng da vì bởi phấn dồi Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa. Là niềm tin vào lòng chung thuỷ của mình, của người: (Ầu ơ ) Sông dài cá lội biệt tăm Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ. Là một chút bóng dáng quê hương thấp thoáng đâu đó trong câu hát:
  5. (À ơi ) Chiều chiều quạ nói với diều Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm. Con ngủ, nhưng người mẹ vẫn thức, vẫn hát, dù biết rằng con chưa thể hiểu mình nói gì nhưng được giãi bày, được bày tỏ với đứa con thân yêu của mình, bầu tâm sự của mẹ được trút ra lời thì gánh nặng trong lòng mẹ vơi đi. Trong hát ru, người mẹ đóng vai trò là người diễn xướng chủ yếu, còn đối tượng nghe chính là đứa con. Giữa hai người có mối thâm tình mẫu tử, những lời hát ru chính là chất xúc tác, là cầu nối tình cảm giữa người mẹ và người con. Những lúc được ru con ngủ cũng chính là thời gian mẹ và con ở bên nhau, những lời hát của mẹ và tình yêu người mẹ dành cho người con càng làm tăng thêm sự khắng khít trong tình mẹ con mà không một loại máy móc hiện đại nào có thể thay thế được. 3. Chức năng giáo dục Những lời ru mang tính giáo dục thì hết sức phong phú bởi nghĩa tình bao la của người ru. Nghĩa tình với gia đình, làng xóm, đất nước, thiên nhiên, dân tộc GS Trần Văn Khê đã nói: “Cùng một lúc dòng sữa ấm của mẹ truyền sang cơ thể em bé, những câu thơ dân gian, một điệu nhạc dân tộc được rót vào tiềm thức của em bé. Bài giáo dục âm nhạc đầu tiên đó được ghi vào bộ nhớ của đứa trẻ để khi khôn lớn nên người, tình thương mẹ sẽ gắn liền với tình yêu thi ca âm nhạc dân gian” [2, tr.449]. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho đứa trẻ lớn lên, khỏe mạnh, còn điệu hát ru chính là để nuôi dưỡng cho đứa bé về mặt tinh thần. Lời người cha của một nhà thơ lỗi lạc Rrasun Gamzatov đã nói: “Kẻ nào không được nghe tiếng mẹ hát ru thì cũng thể như mồ côi. Và ai lớn lên dù thiếu cha mẹ nhưng được nghe hát từ trong nôi thì không thể gọi là mồ côi” [2, tr.490]. Khi nhắc tới mẹ mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã viết: “Mẹ đã nuôi dạy con bằng cả tiếng hát ru. Ngàn vạn lần con cảm ơn tiếng “ầu ơ” của mẹ. Qua những lời ca ngọt ngào ,êm ả từ thủa còn bồng ngửa trên tay, bà đã trao cho tôi một tâm hồn nhạy cảm, rèn luyện tôi nên người lương thiện, biết hiến dâng cho đời những bài hát yêu thương. Ôi, chẳng có bài hát nào vượt qua được lời hát ru của mẹ” [2, Tr.446]. Lời ru của mẹ bao giờ cũng ngọt ngào êm ái, thân thương trìu mến. Nghe tiếng hát ru, trẻ thơ cảm nhận được sự yêu thương của bà, của mẹ, của chị dành cho mình. Lời ru của mẹ còn là tri thức sơ khai góp phần định hình tính cách, tâm hồn trẻ thơ. Qua lời ru, lòng nhân ái được hình thành, trẻ thơ biết thương yêu ông bà, cha mẹ, anh chị và người thân. Trong muôn vàn tín hiệu của tình yêu thương thì lời ru của mẹ có ý nghĩa sâu sắc và để lại những ấn tượng khó phai mờ nhất.
  6. Lời ru không chỉ thể hiện tình cảm của người mẹ mà còn có chức năng giáo dục, có tính thẩm mỹ cao, góp phần hình thành, nuôi dưỡng và phát huy nhân cách cũng như thái độ ứng xử ngay từ khi còn bé. Tiếng ru bên nhà láng giềng, tiếng ru trong mái ấm của tuổi ấu thơ dìu dắt từng bước đi từ khi lẫm chẫm cho tới lúc biết chạy nhảy nô đùa. Để rồi sau này khi lớn lên, con người bé nhỏ đó dù có đi xa vẫn mang máng nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ về những con người đã làm nên những bến nước, con đò, những con người đã gieo vào tiềm thức của mình hình ảnh “con cò đi đón cơn mưa”, “cái cò cái vạc cái nông”, với cây đa, bến nước, sân đình, với những trò chơi dân gian Những hình ảnh thân thuộc dần dần đi vào tâm thức trẻ qua lời ru êm ả, tha thiết, lưu giữ lại trong lòng trẻ nhỏ những điều tốt đẹp về lòng nhân ái, đạo lý làm người và tình yêu quê hương, đất nước. Nhân cách của trẻ cũng từ đó mà được hình thành một cách tự nhiên, trong sáng và chan chứa tình yêu thương. Thông qua lời ru, người mẹ muốn dạy con nhiều điều trong cuộc sống, về đạo lý làm người, phải biết kính trọng và ghi nhớ công ơn của những bậc đã sinh thành ra mình: Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra Một lòng thờ mẹ kính cha Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con Hay: Con ơi muốn nên thân người Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru Câu hát ru còn là sự răn dạy con về đức tính chịu thương chịu khó, biết trân trọng của cải do sức mình làm ra: Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần Hay: Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng Đến thương cả những con vật xung quanh: Trâu ơi ta bảo trâu này Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta Cấy cày vốn nghiệp nông gia Ta đây trâu đấy ái mà quản công Bao giờ cây lúa còn bông Thì còn ngọn cỏ ngoài đông trâu ăn
  7. Và còn biết cảm ơn cả những vật vô tri vô giác: Cảm ơn cái cối cái chày Đêm khuya giã gạo có mày có tao Cảm ơn cái cọc cầu ao Đêm khuya vo gạo có tao có mày Từ những điều nhân nghĩa, biết lao động, biết xây dựng sản xuất: Ai ơi uống rượu thời say Bỏ ruộng ai cày bỏ giống ai gieo? Đến tự tình về quê hương giúp ta có niềm kiêu hãnh về dân tộc, tự hào về xứ sở: Thương chi đồng nỗi thương con Nhớ chi đồng nhớ nước non quê nhà Những câu hát, những lời ru mang bao ý nghĩa trong cuộc sống và cũng là những triết lí sâu sắc ở đời. Khi ấy người con thương mẹ bao nhiêu thì sẽ càng thêm yêu đất nước, yêu nền âm nhạc dân tộc bấy nhiêu. Lời ru của mẹ chính là dòng sữa ngọt ngào, nguồn nước trong mát chảy theo con trong suốt cuộc hành trình, và khi lớn lên trong nhịp sống hối hả với bao lo toan, vất vả, lời ru của mẹ lại chính là nơi nghỉ ngơi của tâm hồn người con. Bởi thế mà: Ta đi trọn kiếp con người Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru (“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” – Nguyễn Duy) Một đưa trẻ lớn lên mà không có sự chăm sóc của bàn tay người mẹ, thiếu vắng tình thương yêu của mẹ, thiếu cả tiếng hát ru thân thương từ thuở nằm nôi, tâm hồn đứa trẻ chắc chắn sẽ đơn điệu và cảm xúc chắc chắn cũng nghèo nàn. Đó là một trong những lý do quan trọng khiến chúng ta cần phải giữ gìn và bảo tồn thể loại âm nhạc dân gian rất có giá trị này./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Dương Viết Á (1986), Lòng mẹ qua tiếng hát ru, Báo nhân dân số 11791. 2. Lê Giang – Lư Nhất Vũ (2005), Hát ru Việt Nam, Nxb Trẻ. 3. Nguyễn Thụy Loan, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm. 4. Bùi Huyền Nga (1996), Tìm hiểu hát ru dỗ ngủ người Việt, Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật học, Nhạc viện Hà Nội. 5. Tú Ngọc (1994), Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc.