Quần thể di tích cố đô Huế trong quá trình phát triển du lịch: Cơ hội và thách thức
Bạn đang xem tài liệu "Quần thể di tích cố đô Huế trong quá trình phát triển du lịch: Cơ hội và thách thức", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- quan_the_di_tich_co_do_hue_trong_qua_trinh_phat_trien_du_lic.pdf
Nội dung text: Quần thể di tích cố đô Huế trong quá trình phát triển du lịch: Cơ hội và thách thức
- Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (112) . 2014 109 QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC Trần Thị Ngọc Liên* 1. Quần thể di tích cố đô Huế - nền tảng cho sự phát triển du lịch Thừa Thiên Huế 1.1. Khái quát về quần thể di tích cố đô Huế Quần thể di tích cố đô Huế bao gồm những di tích lịch sử-văn hóa do triều Nguyễn xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX trên địa bàn kinh đô Huế xưa, nay thuộc pham vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận. Khái niệm quần thể di tích cố đô Huế mà chúng tôi sử dụng trong bài viết này là để chỉ những di tích lịch sử-văn hóa Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993. Quần thể di tích cố đô Huế được phân thành ba phức hệ như sau (Trần Đức Anh Sơn, 2008, tr. 36): a. Nhóm di tích thành quách, công thự mang đặc điểm kiến trúc truyền thống kết hợp với khuôn mẫu Trung Hoa và kỹ thuật xây dựng quân sự của phương Tây. Đây cũng là cơ sở để hình thành diện mạo cơ bản của kiến trúc kinh đô Huế. Tiêu biểu trong hệ thống thành quách, cung điện là di tích kiến trúc Hoàng Thành, thường được gọi là Đại Nội, được xây dựng năm 1804 dưới triều vua Gia Long. Hoàng Thành có diện tích gần 38ha, tường thành dày 1m, cao 5m, thông với bên ngoài bằng bốn cửa: Ngọ Môn (phía nam), Hòa Bình (phía bắc), Hiển Nhơn (Nhân) (phía đông), Chương Đức (phía tây). Theo A. Laborde trong bài “Les Bâtiments du palais de Hue” đăng trong BAVH (1928) thì trong Hoàng Thành Huế có 96 đơn vị kiến trúc. Còn ông Pière Pichad trong tập báo cáo nhan đề La Conservation des Monuments đệ trình lên UNESCO năm 1978 thì con số ấy là 124. b. Nhóm di tích lăng tẩm là sự vận dụng phong cách cung đình vào lối kiến trúc nhà vườn xứ Huế. Tiêu biểu cho nhóm di tích này là Khiêm Lăng, thường gọi là lăng Tự Đức. Đây là lăng của vua Tự Đức, thuộc địa phận phường Thủy Xuân (thành phố Huế), được xây dựng vào năm 1864, hoàn tất năm 1867. Khiêm Lăng được xem là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Ông vua thi sĩ Tự Đức yên nghỉ giữa một không gian của thơ và nhạc, của sự yên bình trong tổng thể kiến trúc được đánh giá là tuyệt tác của nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn (Phan Thuận An, 2008, tr. 234-235). c. Nhóm các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng. Nổi bật trong nhóm di tích này là công trình kiến trúc chùa Thiên Mụ. Đây là ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng chính thức cho xây dựng vào năm 1601. Kể từ đó, các chúa Nguyễn rồi các vua Nguyễn đều xem đây là một quốc tự và * Khoa Du lịch, Đại học Huế.
- 110 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (112) . 2014 luôn chú trọng chăm lo, tu bổ cho chùa. Chùa Thiên Mụ đánh dấu một bước đi trên quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Huế nói riêng (Thái Công Nguyên, 2006, tr. 4-7). Những công trình tiêu biểu trên của quần thể di tích cố đô Huế đã ghi lại phần nào những giai đoạn thăng trầm của nhà Nguyễn với 143 năm trị vì trong chiều dài lịch sử dân tộc. 1.2. Quá trình bảo tồn quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới Năm 1993, khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì một vấn đề rất lớn được đặt ra là làm sao phải có một chiến lược mang tầm vóc quốc gia để bảo tồn các di sản vô giá đang ở trong tình trạng lâm nguy do sự tàn phá của chiến tranh, thiên tai và cả do ý thức con người (Phan Thanh Hải, 2013). Sau chiến tranh (1975), khu vực Hoàng Thành (Đại Nội) chỉ còn lại 62 công trình so với 124 công trình kiến trúc (theo báo cáo đệ trình lên UNESCO của ông Pière Pichad). Khu vực Kinh Thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng, lăng Gia Long còn 10/15 công trình, lăng Minh Mạng còn 28/35 công trình, lăng Thiệu Trị còn 16/25 công trình, lăng Tự Đức còn 30/50 công trình (Thái Công Nguyên, 1992). Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có những nỗ lực to lớn cho công cuộc bảo tồn, trùng tu di sản thế giới. Ngày 12/12/1996, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích cố đô Huế từ năm 1996 đến năm 2010. Trong 15 năm từ 1996-2010, công tác bảo tồn tôn tạo quần thể di tích cố đô Huế đã được chú trọng với nguồn kinh phí đầu tư trên lĩnh vực trùng tu và tôn tạo di tích không ngừng tăng từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương. Biểu đồ 1: Ngân sách trùng tu và tôn tạo quần thể di tích cố đô Huế giai đoạn 1995-2010 Trong 3 năm 2011, 2012 và 2013, ngân sách tu bổ đạt xấp xỉ 200 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách từ trung ương đạt 90 tỷ (Phan Thanh Hải, 2013). Với sự chú trọng đầu tư này, công cuộc bảo tồn quần thể (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2013) di tích cố đô Huế đã đạt được những kết quả khả quan sau: - Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa. Nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ. - Một số công trình tiêu biểu đã được trùng tu gồm: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường,
- Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (112) . 2014 111 cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính), tổng thể lăng Gia Long, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình, Hiển Đức Môn (lăng Minh Mạng), điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, Bửu Thành và Bửu Đình Khiêm Lăng (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng Kinh Thành. Hiện nay, lăng Gia Long, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức cũng đang được triển khai trùng tu nhiều hạng mục sau khi các dự án trùng tu được phê duyệt. - Cơ sở hạ tầng các khu di tích như: hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực Đại Nội, quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, điện-đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung An Định được tu bổ hoàn nguyên. Điều quan trọng là, phần lớn các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của hiến chương, công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Công tác bảo tồn và trùng tu di tích đã góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế, tăng các nguồn thu về du lịch và dịch vụ, tạo ra sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp xã hội đối với các giá trị văn hóa di sản Huế. Nhiều công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả đối với du lịch như Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường (nơi biểu diễn múa, hát, tuồng và các nhạc khúc cung đình phục vụ du khách), quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài. Các công trình hạ tầng Đại Nội, quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, điện chiếu sáng Đại Nội và các lăng đã phục vụ tốt các lễ hội Festival Huế và các hoạt động văn hóa-xã hội khác (Phan Thanh Hải, 2013). 2. Quần thể di tích cố đô Huế trong quá trình phát triển du lịch 2.1. Du lịch tạo cơ hội cho công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị của quần thể di tích cố đô Huế Khai thác và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể di tích cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống lại và hòa mình vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích. Đặc biệt là đầu tư tu bổ để phát triển ngành công nghiệp du lịch và các loại hình dịch vụ, tạo cơ sở để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Việc khai thác hợp lý làm cho di tích thoát khỏi sự lãng quên mà Luật Di sản Văn hóa đã chỉ rõ là hướng đến xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Phát triển du lịch là xu thế tất yếu tạo ra sự phát triển bền vững cho các di sản văn hóa này (Phan Thanh Hải, Lê Anh Tuấn, 2013). Theo số liệu thống kê, số lượt khách đến Huế với mục đích tham quan, tìm hiểu lịch sử và tận mắt chiêm ngưỡng di sản thế giới chiếm tới 80% tổng lượt khách du lịch. Điều này chứng minh cho giá trị và sức hấp dẫn của di sản văn hóa thế giới đồng thời đây là căn cứ để ngành du lịch có kế hoạch trong
- 112 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (112) . 2014 việc phát triển sản phẩm và quảng bá cho du lịch di sản Huế (Trần Viết Lực, 2013). Như vậy, du lịch di sản phát triển sẽ tạo thuận lợi trong việc giới thiệu di sản văn hóa đến với du khách; đưa các di sản này từ phạm vi địa phương ra phạm vi quốc gia và quốc tế và thu hút sự chú ý của quốc gia và quốc tế đối với các di sản văn hóa, nhất là các di sản đang có nguy cơ mai một, bị lãng quên. Trong 10 năm trở lại đây, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã có sự phát triển về cả lượng khách lẫn phạm vi khai thác. Trong đó, loại hình du lịch di sản phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động du lịch ở Huế (Trần Đức Anh Sơn, 2013). Du lịch tạo ra nguồn thu lớn góp phần trong công cuộc trùng tu và tôn tạo di tích. Đây cũng là lĩnh vực thể hiện kết quả trực tiếp của công tác bảo tồn di sản. Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà di sản văn hóa Huế đã được quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành du lịch dịch vụ của Thừa Thiên Huế có những bước phát triển nhanh chóng, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Riêng tại các khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1996 đến năm 2012 đã đạt gần 825 tỷ đồng (tính đến 31/8/2012), doanh thu từ dịch vụ đạt hơn 50 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản (Phan Thanh Hải, 2013). Lượng khách tham quan và doanh thu tại các điểm di tích (2009-2013) Lượng khách Doanh thu vé tham quan (tỷ đồng) Tổng doanh thu Năm Tổng khách Quốc tế Nội địa Quốc tế Nội địa (tỷ đồng) 2009 766.246 1.022.441 1.788.687 41,581 31,577 73,158 2010 839.953 1.033.651 1.873,604 45,698 32,063 77,761 2011 883.218 1.028.063 1.911.281 48,097 31,978 80,075 2012 881.239 911.299 1.792.538 62,712 41,857 104,569 2013 831.046 889.145 1.720.191 68,816 47,998 116,814 (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2013) Du lịch di sản cũng đã gia tăng cơ hội việc làm và tạo điều kiện cho công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống. Các nghề đúc đồng, sơn thếp, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm diều Huế, may áo dài, thêu, chằm nón lá, làm kẹo mè xững, tôm chua, nghệ thuật ẩm thực, ca Huế đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng các nhu cầu của ngành du lịch. Doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Tính đến năm 2012, tổng doanh thu ngành du lịch-dịch vụ của tỉnh đã đạt hơn 2.500 tỷ đồng, chiếm hơn 48% GDP của toàn tỉnh (Phan Thanh Hải, 2013). Du lịch di sản sẽ làm nảy sinh nhu cầu tôn tạo cảnh quan tại các điểm đến để làm tăng giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật tại những nơi này nhằm thu hút du khách. Nhờ vậy mà cảnh quan tại các di sản văn hóa vật thể được tôn tạo, chỉnh trang, chăm sóc (như tạo thêm các vườn cây, công viên, hồ nước, thác nước nhân tạo ), khiến cho giá trị thẩm mỹ, giá trị khai thác, sử dụng của di sản cũng tăng lên. Trong những năm qua, phần lớn các di tích chính đã được đầu tư tu bổ và tôn tạo hệ thống sân vườn, cảnh quan và trồng cây bổ sung ở các khu vực đệm. Nổi bật như việc trồng lại vành đai xanh tại lăng vua Minh Mạng, tôn
- Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (112) . 2014 113 tạo phục hồi cảnh quan ở vườn Cơ Hạ. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thành lập Phòng Cảnh quan Môi trường với hơn 70 cán bộ, kỹ sư, nghệ nhân chuyên làm công tác vệ sinh môi trường, gây dựng và trồng mới cây xanh, hoa kiểng, nghiên cứu tôn tạo môi trường cảnh quan. Chính công việc đó đã làm thu hẹp không gian hoang phế, từng bước trả lại các giá trị cảnh quan vốn có của cố đô, mang lại sinh khí cho di tích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giao lưu và hợp tác văn hóa trong nước và quốc tế (Phan Thanh Hải, Trần Đức Anh Sơn, Lê Anh Tuấn, 2013). Ngoài ra, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trục đường ở thành phố Huế đã được quan tâm, nhất là các trục đường trong Kinh Thành, đường đến một số điểm di tích. Đặc biệt là việc chỉnh trang, tôn tạo 2 bên bờ Sông Hương, nạo vét Ngự Hà và tu bổ kè Hộ Thành Hào đã tạo điều kiện để phát triển dân sinh và chỉnh trang đô thị. Việc giải tỏa gần 300 hộ dân ở khu vực Bến Me và Hộ Thành Hào, hơn 50 hộ dân ở Thượng thành mặt nam, hàng chục hộ dân ở đàn Xã Tắc, Võ Miếu, gần 100 hộ dân dọc theo Ngự Hà với kinh phí hàng mấy chục tỷ đồng phần nào trả lại cảnh quan cho mặt nam Kinh Thành Huế (Phan Thanh Hải, 2013). 2.2. Những thách thức của phát triển du lịch đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể di tích cố đô Huế gồm 17 công trình kiến trúc nghệ thuật song lượng du khách chỉ tập trung vào ba điểm chủ yếu là Hoàng cung (Đại Nội) với 43%, Tự Đức (21%) và Khải Định (20%). Bên cạnh đó, chùa Thiên Mụ cũng thu hút một lượng khách lớn đến thăm viếng, nhưng do đây là một điểm tham quan di sản miễn phí vé vào cổng nên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chưa có thống kê đầy đủ về số lượng du khách viếng thăm điểm di tích này hàng năm. Biểu đồ 2: Tỷ trọng phân bổ du khách cho từng điểm di tích từ năm 2006-2013 Hoạt động du lịch tại các điểm di tích tập trung đông du khách đã và đang gây những tác động tiêu cực không nhỏ lên di tích. Việc du khách tiếp xúc với di sản và các hiện vật cũng như ý thức bảo vệ môi trường di sản của du khách kém đều có thể gây hại cho di sản văn hóa vật thể. Những hành vi gây hại trực tiếp đối với di sản văn hóa do du khách cố tình gây nên đã để (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn lại những hệ lụy không nhỏ cho các di sản văn Di tích Cố đô Huế, 2013) hóa. Ví như nạn viết/vẽ/khắc bậy xảy ra khá phổ biến ở các di tích là một vấn nạn đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đáng buồn là trong khi khách tham quan quốc tế có ý thức rất tốt đối với việc bảo vệ các tài nguyên văn hóa (là các di tích và hiện vật) thì ý thức này của khách nội địa là chưa cao (Hoàng Thị Diệu Thúy, 2009). Không gian truyền thống, thiêng liêng trong các di tích lịch sử, các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng cũng bị xáo trộn, bị tác động, thậm chí bị thay đổi bởi sự hiện diện vượt tầm kiểm soát của du khách. Điểm di tích chùa Thiên Mụ là một ví dụ cho trường hợp này. Chùa Thiên Mụ là công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu của xứ Đàng Trong và là một trong những di tích thuộc quần thể di tích cốâ đô Huế. Vì vậy lượng du khách tập trung tại điểm di sản này là rất lớn.
- 114 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (112) . 2014 Tuy nhiên, đây là một di tích tôn giáo nên nhà chức trách không tổ chức bán vé và quản lý lượng du khách đến tham quan, đặc biệt là vào mùa cao điểm. Tình trạng an ninh, an toàn cho các hiện vật trưng bày nơi di tích cũng bị ảnh hưởng do thường xuyên bị du khách sờ mó, tiếp xúc; thậm chí cả nguy cơ mất mát các hiện vật này một khi các biện pháp bảo vệ thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, vì nhu cầu phục vụ du lịch, một số công trình di tích đã được tu sửa không đúng quy cách, làm mất tính nguyên gốc, thậm chí là bị biến dạng so với nguyên thủy, gây ra những hậu quả xấu trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di tích (Trần Đức Anh Sơn, 2013). Một ví dụ điển hình cho sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, đó là việc công trình lầu Tứ Phương Vô Sự được trùng tu và cho thuê làm quán cà phê phục vụ du khách và người dân địa phương. Một nhà sử học nổi tiếng cũng đồng ý với mục tiêu của các nhà tổ chức là tìm cách làm cho di tích này có sinh khí và phát huy giá trị cũng như muốn điểm di tích này trở thành điểm nghỉ chân cho du khách. Tuy nhiên, theo ông, các giải pháp để phát huy cần phải được cân nhắc hết sức cẩn thận, phải dựa vào đặc điểm, vị trí, tính chất của di tích, chứ không phải phát huy bằng bất cứ giá nào. Mục đích của du lịch di sản là những trải nghiệm chân thực (Chhabra, 2010, tr. 3) nên tính xác thực của di sản là mục tiêu hàng đầu. Di sản có thể trở nên hấp dẫn với du khách hay không là nhờ vào một phần rất lớn của công tác thuyết minh hướng dẫn. Trong đó, vai trò của người hướng dẫn viên du lịch là vô cùng quan trọng. Đối với du lịch di sản, hướng dẫn viên du lịch đóng vai trò trực tiếp trong việc chuyển tải phần “hồn” của di sản đến với du khách. Tuy nhiên, lực lượng lao động này vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Nhiều hướng dẫn viên không hiểu sâu sắc về di tích và thậm chí đưa thông tin sai lệch về di tích. Điều này khiến cho hình ảnh di sản văn hóa mất tính xác thực, ý nghĩa mà lẽ ra phải được bảo toàn theo yêu cầu của UNESCO và các tổ chức liên quan (Bùi Thị Tám, Trần Viết Lực, 2013). Phần lớn các di tích của Huế đều là những kiến trúc nghệ thuật được bố trí hài hòa với thiên nhiên trong những không gian rất rộng lớn. Cũng chính vì thế mà việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di tích gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, số lượng dân cư sống trong các khu vực bảo vệ di tích rất đông. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến bảo vệ di tích đều có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của người dân và ngược lại, các hoạt động của người dân địa phương lại đe dọa lên các giá trị của di sản. 3. Kết luận Di sản văn hóa có thể trở thành công cụ đắc lực cho những nỗ lực trên trường chính trị của nhà nước. Quần thể di tích cố đô Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Về mặt quốc tế, sự công nhận của UNESCO đã đưa Việt Nam lên hệ thống toàn cầu hóa với tư cách là một nền văn minh, văn hóa có truyền thống lâu đời (Salemink, 2012). Đóng vai trò quan trọng như trên, quần thể di tích cố đô Huế được Chính phủ Việt Nam coi trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đây được xác định là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong giai đoạn của sự chuyển đổi nhanh chóng về kinh tế-xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Chiến dịch
- Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (112) . 2014 115 quảng bá cho di sản Huế bắt đầu được phổ biến trong các ấn phẩm du lịch và các trang mạng điện tử. Sự công nhận của UNESCO có thể mang lại lợi ích kinh tế, không chỉ về các khoản đóng góp tài chính quốc tế vào các dự án bảo tồn mà còn đặc biệt hơn ở sự bùng nổ khách du lịch quốc tế đến các di tích Huế. Lượng khách quốc tế đến các di tích Huế trước khi được công nhận là di sản thế giới chỉ đạt 40.000 lượt khách vào năm 1992 nhưng đã nhanh chóng tăng gấp 4 lần (160.000 lượt khách) vào năm 1994 và năm 2013 là hơn 831 nghìn lượt khách. Như vậy, khai thác các di sản văn hóa để phục vụ du lịch sẽ tạo điều kiện cho loại hình du lịch di sản phát triển và nguồn thu từ du lịch sẽ góp phần vào việc nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Ngược lại, nếu di sản văn hóa không được giới thiệu, không được khai thác, không được tái hiện thông qua hoạt động du lịch thì sẽ uổng phí, các di sản văn hóa có nguy cơ rơi vào mai một, lãng quên, xuống cấp hư hại và loại hình du lịch di sản vì thế cũng không thể tồn tại và phát triển lâu dài. Nhưng nếu di sản văn hóa bị khai thác quá mức để phục vụ phát triển du lịch, hay bị khai thác sai lệch, bị thương mại hóa thì di sản văn hóa sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy hoại và trong tương lai, loại hình du lịch di sản sẽ không tồn tại. Tại các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế, lượng du khách ngày càng tăng nhưng chưa đủ lớn để tạo ra tác động hủy hoại và gây khó khăn cho việc quản lý du khách tại điểm tham quan. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - đơn vị quản lý trực tiếp các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế - đã làm khá tốt vai trò bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế của mình. Tuy nhiên, một số giải pháp cần phải đưa ra kịp thời nhằm bảo vệ sự nguyên vẹn của di tích trước sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch, đồng thời phát huy các giá trị của di sản trong quá trình hội nhập và phát triển. Việc khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới tại Huế thông qua phát triển du lịch là xu thế tất yếu. Nhờ làm tốt công tác bảo tồn mà di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, góp phần đưa ngành du lịch tại cố đô Huế phát triển vượt bậc và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cho đến nay, Huế được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong chặng đường trước mắt cũng như tương lai lâu dài, di sản văn hóa vẫn sẽ là nền tảng, là hạt nhân cho sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế (Phan Thanh Hải, 2013). Nếu thiếu vắng danh hiệu cao quý của di sản thế giới, chắc chắn Thừa Thiên Huế đã không có được những bước đột phá về kinh tế-văn hóa-xã hội như hôm nay. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn bền vững các di sản quý giá không chỉ của Việt Nam mà còn là của toàn nhân loại, để trao truyền lại cho các thế hệ tương lai theo tinh thần Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. T T N L TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chhabra, D (2010). Sustainable Marketing of Cultural and Heritage Tourism, London & New York: Routledge, p. 3. 2. Hoàng Thị Diệu Thúy (2009). Nghiên cứu các giới hạn để phát triển bền vững tại các điểm tham quan du lịch di sản văn hóa thuộc quần thể di tích cố đô Huế, Việt Nam. Đề tài nghiên cứu cấp bộ.
- 116 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (112) . 2014 3. Phan Thuận An (2008). Huế xưa và nay, di tích và danh thắng, Nxb Văn hóa-Thông tin, tr. 199-202. 4. Phan Thanh Hải (2013). “Bảo tồn di sản là nền tảng cho du lịch”, tạp chí Du lịch Việt Nam, số 11, tr. 20-21. 5. Salemink, O. (2012). Di sản văn hóa ở Việt Nam: Di sản văn hóa phi vật thể giữa các cộng đồng, nhà nước và thị trường. Kỷ yếu hội thảo Việt Nam học lần thứ 4, Hà Nội, 26-28/11/2012. 6. Thái Công Nguyên (1992). Huế, di sản văn hóa và công cuộc bảo tồn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tr. 4. 7. Thái Công Nguyên (2006). Bản lược kê di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Thiên Mụ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tr. 5-7. 8. Trần Đức Anh Sơn (2008). Những di tích lịch sử - văn hóa ở Huế và phụ cận, Nxb Văn hóa- Thông tin, tr. 28-43. 9. Trần Đức Anh Sơn (2013). Du lịch di sản ở Huế, Việt Nam và những kinh nghiệm phát triển du lịch di sản ở Kyoto, Nhật Bản. Tọa đàm tại Nichibunken (Nhật Bản). Các chuyên gia được phỏng vấn trong bài viết (2013) Bà Bùi Thị Tám, Khoa trưởng Khoa Du lịch, Đại học Huế. Ông Lê Anh Tuấn, Nghiên cứu viên Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP Huế. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Quy hoạch và Xúc tiến Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế. Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng. TÓM TẮT Bài viết phân tích mối quan hệ tương hỗ giữa công cuộc bảo tồn quần thể di tích cố đô Huế với việc phát triển du lịch di sản. Theo đó, việc khai thác các di sản văn hóa để phục vụ du lịch sẽ tạo điều kiện cho loại hình du lịch di sản phát triển và nguồn thu từ du lịch sẽ góp phần vào việc nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Ngược lại, nếu di sản văn hóa không được quảng bá, không được khai thác, tái hiện thông qua hoạt động du lịch thì sẽ uổng phí, các di sản có nguy cơ bị lãng quên, xuống cấp hư hại và loại hình du lịch di sản vì thế cũng không thể tồn tại và phát triển lâu dài. Nhưng, nếu di sản văn hóa bị khai thác quá mức để phục vụ du lịch, hay bị khai thác sai lệch, bị thương mại hóa thì di sản văn hóa sẽ đứng trước nguy cơ bị hủy hoại và trong tương lai, loại hình du lịch di sản sẽ không tồn tại. Tại các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế, lượng du khách ngày càng tăng nhưng chưa đủ lớn để tạo ra tác động hủy hoại và gây khó khăn cho việc quản lý du khách tại các điểm tham quan. Tuy nhiên, một số giải pháp cần phải được đưa ra kịp thời nhằm bảo vệ sự nguyên vẹn của di tích trước sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch, đồng thời phát huy hơn nữa các giá trị của di sản văn hóa Huế trong quá trình hội nhập và phát triển. ABSTRACT THE HUẾ IMPERIAL RELIC COMPLEX IN THE TOURISM DEVELOPMENT PROCESS: OPPORTUNITIES AND CHALLENGES The paper analyzes the mutual relationship between the preservation of the Huế imperial relic complex and the development of heritage tourism. Accordingly, the exploitation of cultural heritages for tourism will create conditions for the development of heritage and tourism revenues will contribute to nurturing, preserving and promoting the values of cultural heritage. Conversely, if cultural heritages are not promoted, exploited and reproduced through tourism activities, they are liable to be forgotten, damaged and degraded; then heritage tourism can not exist and develop. But, if cultural heritages are overexploited, exploited in a wrong way or commercialized, they will be in danger of being destroyed, and in the future, heritage tourism will not exist. There is an increasing number of visitors to the monuments of the Huế imperial relic complex, but they are not large enough to cause destructive impact and difficulty to manage visitors in tourist spots. However, some measures need to be made promptly in order to protect the integrity of the monuments in the strong development of tourism activities, and to further promote cultural heritage values in Huế in the process of integration and development.