Tài liệu Thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tài liệu Thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- tai_lieu_thiet_bi_loc_nuoc_man_thanh_nuoc_ngot.pdf
Nội dung text: Tài liệu Thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt
- Thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt
- Thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt Trung tâm Phát triển Công nghệ cao thuộc Viện Khoa học Vật liệu (Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia) vừa nghiên cứu thành công và chế tạo hàng loạt thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt. Đây là phương tiện đồng hành của tàu đánh bắt xa bờ. Theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), nước ngọt thường dùng (như ở Hà Nội) được phép có nồng độ muối 250 mg/l. Nước biển của ta có nồng độ muối rất cao, nơi cao nhất là 35.000 - 40.000 mg/l, đòi hỏi phải có quá trình xử lý phức tạp. Tại những khu vực có khí hậu rất nóng như Trung Đông, người ta thường áp dụng phương pháp cho nước bốc hơi để loại muối ra khỏi nước biển. Còn hầu hết các nước sử dụng phương pháp điện thẩm phân (ED), điện thẩm phân đảo cực (EDR), hoặc phương pháp thẩm thấu ngược (RO), hoặc lọc Nano (NF). Các nhà khoa học trên thế giới đều có chung nhận xét là nếu nước mặn có nồng độ muối dưới 5000 mg/l thì nên sử dụng phương pháp ED, vừa có hiệu quả cao, vừa kinh tế nhất, thiết bị rất gọn nhẹ, dễ vận hành và dễ sử dụng. Nếu nước có nồng độ muối trên 5000 mg/l thì sử dụng kết hợp phương pháp ED với RO sẽ đạt hiệu quả lớn nhất. Trung tâm Phát triển Công nghệ cao (TTPTCNC) đã chọn phương pháp xử lý ED xong rồi mới dùng phương pháp RO, vì sử dụng phương pháp RO đã giảm được 50% nồng độ muối, kéo áp lực thẩm thấu xuống, nước lại tiếp tục được lọc mặn dễ dàng hơn. Sử dụng thiết bị gọn nhẹ, chạy bằng điện hoặc bằng ắc qui do TTPTCNC chế tạo, có thể lọc được nước biển có nồng độ muối là 900-1500 mg/l (ở biển Cát Bà, nồng độ muối trong nước biển là từ 900-1500 mg/l); mỗi giờ thiết bị này lọc được hàng chục lít nước ngọt từ nước biển. Thiết bị đã được thử nghiệm tại xã Tường Văn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, cách biển 5 km. Tại đây, nồng độ muối đo được ở các giếng nhà dân thấp nhất là 389,6 mg/l, cao nhất là 1788 mg/l. Dùng thiết bị lọc của TTPTCNC, toàn bộ nước giếng ăn đều có nồng độ muối bằng hoặc thấp hơn 250 mg/l, đúng với TCVN cho phép đối với nước ngọt. Phần quan trọng nhất của thiết bị là blốc chứa màng trao đổi ion khi có dòng điện chạy qua, tùy thuộc lưu lượng nước mặn (muối lọc nhiều hay ít) mà các cặp màng sẽ nhiều hay ít, thấp nhât là 20 cặp màng, nhiều nhất có thể trên 500 cặp màng. Màng có điện trở thấp, không tan trong dung dịch nước, tương đối cứng, chịu được sự thay đổi của độ pH, có thể vận hành tốt ở nhiệt độ 46 0C, giãn nở khi thấm nước, tuổi thọ của màng tới 5 năm. Chạy khoảng 1 năm thì tháo màng lọc ra, tự bảo trì dễ dàng. Nhu cầu về nước ngọt từ lâu nay rất gay gắt với đồng bào ở vùng biển nhất là vùng hải đảo, vùng sâu, vùng xa, thiết bị lọc nước rất cần thiết đối với nhiều ngành, nhiều khu dân cư vùng ven biển, hải đảo. Các tàu đánh bắt xa bờ cũng đều rất cần để có nước ngọt dùng ở ngoài khơi xa. Nhà máy kính cần có thiết bị này để có nước sạch, không có ion để tráng kính. Các nhà máy sản xuất đèn hình, đèn ống, bóng bán dẫn cũng cần có thiết bị lọc nước thật sạch,v.v Tuy nhiên, nước lọc bằng các loại thiết bị này mới chỉ cho nước trong, nước ngọt chứ chưa phải là nước hoàn toàn vô trùng, tinh khiết.
- Loại thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt của TTPTCNC rất tiện dùng cho hộ gia đình ở vùng biển và trên tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, giá của nó còn khá cao. Nên có một chính sách trợ giá để bà con dễ dàng mua được thiết bị lọc nước. Nguồn: TBKTVN, 24/11/2000 Phương pháp xử lý nước sinh hoạt đơn giản và rẻ tiền Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Dịch vụ (CENTEC) ở Tp. Hồ Chí Minh đã đưa ra một công nghệ xử lý nước đơn giản và rẻ tiền. Đây là phương pháp dùng hoạt chất xử lý nước phèn, thay cho việc chế tạo hệ thống thiết bị lọc (lọc thô và lọc tinh). CENTEC đã sản xuất được 2 loại hoạt chất, gọi là hoạt chất A1 và hoạt chất A2. Cứ 1 m3 (1.000 lít) nước cần lọc, phải dùng 70 gr A1 và 80 gr A2. Nếu lượng nước cần xử lý ít hơn 1 m3, có thể chia nhỏ theo tỷ lệ tương ứng Tùy thuộc vào nguồn nước khác nhau, liều lượng cần để xử lý có thể thay đổi cho thích hợp với nguồn nước tại địa phương. 1. Hoạt chất A1 (có màu hồng) là loại hợp chất cho vào nước nhiễm phèn và khuấy đều để chuyển sắt, nhôm hòa tan thành hydroxyt kết tủa. 2. Hoạt chất A2 (có màu trắng) vừa có tính keo tụ, vừa có tính ổn định độ pH, giúp cho các hạt hydroxyt kết tủa lại thành mảng và lắng nhanh xuống đáy thùng chứa và điều hòa độ pH để nước trở thành trung tính. Theo tính toán, với phương tiện chứa nước sẵn có, để có 1 m3 nước sạch ta chỉ chi phí tối đa 4.000 đồng để mua 2 loại hoạt chất nêu trên. Để thuận tiện cho người sử dụng, hai hoạt chất xử lý nước phèn là A1 và A2 được đóng thành các bao nhỏ phù hợp với các loại thùng chứa nước thông dụng như lu thường, bồn chứa nước 1.000 lít, 3.000 lít, 5.000 lít. Đối với các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng nhiều nước hoặc các nơi tập trung dân cư, ta có thể xây dựng trạm lọc nước phèn với các thiết bị khá đơn giản. Nguồn: Lao động, 19/12/2000 Hệ thống xử lý chất thải bệnh viện thân thiện sinh thái Hội Nghiên cứu và kỹ thuật Điện tử vi ba ứng dụng ấn độ (SAMEER) đã phát triển một hệ thống khử trùng bằng vi ba (MDS) thân thiện sinh thái và chi phí hiệu quả để xử lý chất thải bệnh viện. Hệ thống này được triển khai với sự hợp tác của Bộ Công nghệ Thông tin và Phòng Công nghệ sinh học. Trong hệ thống này, năng lượng vi ba được sử dụng để khử trùng hiệu quả, tạo thuận lợi phá huỷ dễ dàng chất thải bệnh viện. Các vi khuẩn nuôi cấy Escherichia coli, Staphylococcus aureus và Pseudomonas aeruginosa bị tiêu diệt hoàn toàn sau 30 phút xử lý. Một bộ MDS có khả năng xử lý 15kg/h chất thải rắn và 50l/h chất thải lỏng. Trọng lượng thiết bị khoảng 300 kg, tần số 3.450 MHz có công suất vi ba 1,5kW.
- Nguồn: PTI Science Service, 1-15/8/2000, VATIS UPDATE: Waste Technology, Nov, Dec 2000. Thiết bị xử lý nước thải sản xuất tại Việt Nam bằng sản phẩm sinh học Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Môi trường Tân Hoàng Mỹ ở Tp.Hồ Chí Minh (Tp.HCM) vừa ký 3 hợp đồng mới để xử lý nước thải công nghiệp cho 3 công ty khác bằng thiết bị do Công ty sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ của Mỹ. Ba hợp đồng đó là hợp đồng xử lý nước thải cho Công ty bao bì Đồng Tiến, Công ty Vising Pack và một hợp đồng xử lý nước thải thủy sản cho Công ty Cofidec Tp.HCM. Công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp của Mỹ rất hiện đại nhưng nếu nhập khẩu công nghệ này vào Việt Nam thì giá qúa cao, ít có công ty nào của Việt Nam chịu bỏ tiền ra mua. Từ thực tế này, Công ty Tân Hoàng Mỹ đã nghiên cứu sản xuất thành công thiết bị xử lý tại Việt Nam với giá rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 giá nhập khẩu từ Mỹ. Công ty Tân Hoàng Mỹ không đơn thuần là chỉ bán thiết bị mà còn xử lý chất thải theo 3 giai đoạn: đầu tiên là tư vấn, đánh giá tác động môi trường, phân tích nước, chất thải sau khi khảo sát cụ thể cơ sở sản xuất. Giai đoạn thứ hai sau đó là Công ty lập dự án cung cấp thiết bị, sản phẩm sinh học xử lý và phương pháp xử lý cụ thể và giai đoạn cuối cùng là công việc thi công, chuyển giao công nghệ, vận hành và bảo hành. Thiết bị và công nghệ của công ty có nhiều ưu điểm như tiết kiệm vốn đầu tư, chi phí bảo trì thấp, khả năng xử lý của hệ thống không phụ thuộc khí hậu, nhiệt độ, thời tiết, nước thải sau khi được xử lý sẽ được tái sử dụng để sản xuất, tưới cây, rửa xe nếu khách hàng có yêu cầu, không có bùn thải, không mùi, không ồn ào, diện tích mặt bằng cho lắp đặt thiết bị rất nhỏ so với các công nghệ cổ điển,v.v Đại diện Hãng Epicore Bio Net Works, Inc. tại Việt Nam cho biết: Epicore Bio Net Works, Inc. do Dr. Howard Warne, nhà bác học sinh học nổi tiếng thế giới, sáng lập. Hãng này chuyên cung cấp công nghệ xử lý sinh học cho ngành chăn nuôi, thủy, hải sản, công nghiệp, xử lý rác và nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, cải thiện đất nông nghiệp và tái tạo đất bị ô nhiễm. Tháng 9/2000, Công ty Tân Hoàng Mỹ đã chính thức nhập khẩu các sản phẩm sinh học của Epicore Bio Net Works, Inc. vào Việt Nam. Những sản phẩm chính gồm: Epitherm là sản phẩm sinh học xử lý rác thành phân hữu cơ. Sản phẩm Epitherm ở dạng bột khô chứa những loại enzyme có hoạt tính cao khác nhau kết hợp với hệ vi khuẩn đặc biệt. Epitherm chứa một nhóm các vi khuẩn Thermophilic có khả năng hóa lỏng và phân hủy các chất thải hữu cơ như phân gia cầm, rác công cộng, rau qủa hư thối, phế phẩm của các nhà máy như nhà máy chế biến thực phẩm, lò giết mổ, nhà máy chế biến thủy hải sản và phân hủy cellulose. Sản phẩm Epitherm có khả năng phân hủy các chất hữu cơ có trong rác dưới điều kiện thiếu khí để vô trùng và không mùi trong một vài ngày thay vì vài tuần hoặc vài tháng như một số sản phẩm của các hãng khác đang bán tại Việt Nam. Sản phẩm Epitherm có khả năng phân hủy các chất cellulose, lignin và protopectin và còn có thể sử dụng để chế biến rơm, trấu, bã mía thành phân hữu cơ. Tại Mỹ, các cơ quan quản lý đô thị thu gom lá khô và cỏ từ các hộ dân để chế
- biến thành phân hữu cơ. Sản phẩm thứ hai là Epizym-100 dùng để xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Các loại dầu mỡ được tìm thấy trong nước thải từ nhà bếp, nơi chế biến thức ăn và chất thải công nghiệp,v.v có thể làm qúa tải các công trình xử lý bởi vì những quần thể vi sinh thông thường không thể phân hủy được những chất này. Sản phẩm Epizym-100 chứa các vi khuẩn tự nhiên có khả năng tiêu hóa các loại dầu mỡ. Sản phẩm Epizym-100 hoạt hóa hệ thống bùn, làm giảm hàm lượng nhũ hóa dầu, mỡ một cách đáng kể và giúp loại bỏ những bánh bùn hoặc thảm bùn trong qúa trình phân hủy kị khí. Một sản phẩm nữa là Epizym-200. Các chất cyanide hữu cơ và vô cơ trong nước thải là chất rất độc hại đối với tất cả các sinh vật và có thể gây độc đối với những sinh vật không thích nghi dù chỉ với một liều lượng rất nhỏ chất cyanide. Trong nước thải của những nhà máy luyện cán thép chứa một lượng lớn các hóa chất độc hại như phenol, cyanide,v.v Sản phẩm Epizym-200 oxy hóa phenol và cyanide, giảm nồng độ của chúng xuống gần bằng không và làm giảm những ảnh hưởng của các độc tố trong hệ thống xử lý nước thải mà không cần thêm các chi phí đầu tư cơ bản. Các nhà máy sản xuất giấy, hóa chất và các nhà máy dệt nhuộm thường thải ra các chất thải có phẩm màu. Chất tanin và lignin từ bột giấy thường thải ra những chất có màu đỏ và nâu rất khó xử lý. Qúa trình dệt, nhuộm sử dụng nhiều dạng phẩm nhuộm hữu cơ khác nhau, còn các nhà máy hóa chất thì thải ra các loại màu dạng chromophone. Các chất thải màu này gây cản trở lớn đến qúa trình biến đổi tự nhiên của nước và làm cho hàm lượng BOD cao trong hệ thống xử lý nước thải. Sản phẩm Epizym-200 phân hủy chất tanin, lignin, các thuốc nhuộm hữu cơ và những chất màu hữu cơ ở mức cao thành mức thấp hoặc không còn màu. Nguồn: TBKTVN, 1/1/2001 Bảo quản lương thực bằng nước thải Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Dược lý, Milan, Italy, đã phát minh một phương pháp bảo quản lương thực bằng cách sử dụng nước thải của các nhà máy dầu oliu. Các nhà nghiên cứu cho biết nước thải dầu oliu rất giàu chất chống oxy hoá tự nhiên, gọi là các hợp chất phenol, nếu được chiết và sử dụng được coi là một sản phẩm tạo ra lợi nhuận. Các phân tử phản ứng nhanh gọi là các gốc tự do oxy hoá các chất béo trong lương thực và các mỹ phẩm để tạo ra các phân tử có mùi vị khó chịu. Tuy nhiên, các hợp chất phenol khử được các gốc tự do này bằng cách cặp đôi các điện tử lẻ. Các nhà nghiên cứu dự báo rằng việc chiết với quy mô lớn các hợp chất phenol từ nước thải dầu oliu sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu thương mại hoá thì phương pháp này tỏ ra là một nguồn bảo quản tự nhiên rẻ đối với ngành lương thực cũng như ngành mỹ phẩm.
- Nguồn: VATIS UPDATE, Mar- Apr 2000 Công nghệ vi mạch ADN để quan trắc chất lượng nước Lyonnaise Des Eaux, Pháp, một tập đoàn hàng đầu thế giới về quản lý nước, đã chọn Hồng Kông là nơi trắc nghiệm thí điểm ở châu Á để đánh giá sự chính xác, chi phí hiệu quả và tốc độ của một công nghệ mới. Dự án đã ứng dụng công nghệ vi mạch ADN để quan trắc chất lượng nước. Công nghệ vi mạch ADN đang được Lyonnaise des Eaux và bioMerieux, một công ty chẩn đoán sinh học hàng đầu, cùng phối hợp thực hiện nghiên cứu và phát triển. Hệ thống hoạt động bằng cách phối hợp 400.000 mã di truyền với những dầu hiệu ADN của các vi trùng, để phát hiện các nồng độ loãng hơn so với các kỹ thuật quan trắc truyền thống. Các nhà phát triển cho biết công nghệ này có thể cắt giảm được thời gian trắc nghiệm từ 4 ngày xuống còn 4 giờ, chi phí bằng 1/10 chi phí của các phương pháp trắc nghiệm hiện có. Công nghệ vi mạch -di truyền là một hệ thống liên kết nhiều ngành học thuật, như vi trùng học, in ảnh, hoá học, phân tích ảnh và tin- sinh học. Nguồn: Water and Wastewater International, 10/99; VATIS UPDATE, Mar- Apr 2000 Quy trình tái chế giấy hiệu quả cao Tại trường đại học Florida Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã báo cáo kết quả phát triển một kỹ thuật mới tẩy mực in đầy hứa hẹn tăng nhiều lợi nhuận, tái chế được nhiều loại giấy rẻ tiền hơn. Do áp dụng quy trình này, các mực in, mực màu và thuốc nhuộm của nhiều loại giấy khác nhau, như giấy in báo, giấy lụa, giấy láng in tạp chí, có thể tẩy trắng được để tạo ra giấy có chất lượng tương tự như giấy sản xuất bằng bột giấy. Khâu đầu tiên của các quy trình tái chế giấy truyền thống là ngâm giấy cũ vào nước để tạo bột giấy. Các nhà máy tái chế còn tăng tính kiềm của hỗn hợp và bổ sung thêm một nhóm hoá chất quen thuộc, như các chất hoạt động bề mặt có tác dụng hấp thụ các hạt mực. Bột giấy được chuyển vào máy tuyển nổi, trong đó có một máy trộn hỗn hợp và hút không khí vào để tạo ra các bong bóng khí. Đôi khi, người ta cũng phải tăng áp lực không khí, chất hoạt động bề mặt bao quanh các hạt mực bám vào các bong bóng khí và nổi trên mặt để biến các bong bóng khí thành bọt. Giai đoạn cuối cùng là hớt các bọt bám mực ra và được bột giấy trắng để sản xuất giấy. Trong kỹ thuật mới, các chất hoạt động bề mặt đắt tiền được thay bằng một hỗn hợp các hoá chất rẻ tiền hơn. Các hoá chất này trộn với các sợi giấy và tự tạo ra các bong bóng khí, không phải sử dụng khí nén lại tẩy được mực trên giấy và bong bóng khí bám mực nổi lên bề mặt và chỉ vớt ra khỏi thùng. Tuy các thử nghiệm này chưa phát triển trên quy mô công nghiệp, song thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy kết quả rất hứa hẹn.
- Theo Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) thì một tấn giấy sản xuất bột giấy tái chế đã cứu chí ít được 14 cây gỗ nguyên liệu. Nguồn: VATIS UPDATE: Waste Technology, Nov-Dec 2000. Sản xuất than hoạt tính từ lốp ô tô thải loại Tập đoàn Công nghệ Titan đã phát triển công nghệ tái chế lốp ô tô và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất của một nhà máy ở đài Loan để ứng dụng công nghệ này. Công ty và các cơ sở được cấp giấy phép ở đài Loan đang đạt được nhiều tiến bộ quan trọng trong sản xuất than hoạt tính do nhà máy tái chế lốp ô tô cung cấp. Trong quá trình sản xuất than hoạt tính, nhà máy Titan đã bán muội than hoạt tính với gián gần 1000 USD/tấn và mỗi nhà máy có thể sản xuất gần 20 tấn/ngày muội than hoạt tính. Công việc này còn bổ sung cho sản lượng nhà máy thêm gần 12 tấn thép và 250 thùng dầu. Do còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, Công ty Titan tiếp tục thử nghiệm các vật liệu lốp ô tô trong nước, nhập của các hãng cung ứng của New Mexico. Nguồn: VATIS UPDATE: Waste Technology, Nov- Dec 2000. Sản xuất phân bón vi sinh từ than bùn và rong biển Đây là một loại phân bón lá mới, loại phân bón lá này là kết quả của quá trình lên men vi sinh từ các nguyên liệu than bùn và rong biển để chiết xuất ra dịch dinh dưỡng, bổ sung chất khoáng đa vi lượng NPK (đồng, sắt, kẽm, măng-gan ) rất cần thiết cho các loại nông sản, trái cây trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch. Kết quả thử nghiệm phân bón cho cây lúa trong nhà lưới và ở Viện Lúa ĐBCL cho thấy năng suất lúa tăng, giảm hạt lép từ 20% xuống còn khoảng 10%. Thử nghiệm trên các loại cây ăn quả như nhãn, thanh long, hồng xiêm trên diện rộng ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp,v.v , kết quả đều tốt. Một doanh nghiệp tư nhân sản xuất mặt hàng này với tên gọi “Công ty Phát triển kỹ thuật Vĩnh Long Vilted”. Những sản phẩm đầu tiên được mang đi chào hàng khắp nơi. Lúc đó bà con nông dân vẫn thường xuyên dùng phân hóa học trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây trái và rất bỡ ngỡ trước loại phân bón qua lá này. Mặt hàng mới đã được giới thiệu cho bà con nông dân ở các vùng xa xôi của miền Tây. Nguyên liệu chủ yếu của loại phân này là than bùn từ Kiên Giang, rong biển từ Nha Trang, còn nguồn NPK được mua qua trung gian. Một thời gian ngắn sau đó, khi sản phẩm phân bón qua lá mới đựơc mang tên Bioted này được thử nghiệm, được người tiêu dùng chấp nhận và có một thị phần ban đầu, lúc này nguồn NPK được mua trực tiếp từ Tập đoàn Haifa của Israel. Hàng năm, Công ty của Anh đã nhập tới 40 container nguyên liệu (mỗi container nặng 21 tấn) từ Israel. Thông qua các hội chợ, bản thân người nông dân cũng nhận thức được việc lạm dụng phân hóa học cho cây trồng. Bởi vì, đó là một nguyên nhân làm cho đất bạc màu
- thêm sau mỗi mùa vụ. Mạng lưới tiêu thụ của Công ty gồm 60 đại lý rải khắp miền Tây và miền Đông. Công ty cũng đã đầu tư xây dựng thêm một nhà máy nữa ở Khu công nghiệp Tân Tạo (TP. Hồ Chí Minh) để mở rộng sản xuất rộng rãi hơn nữa ở miền Đông, Tây Nguyên, và nước ngoài như Lào, Cam-pu-chia và Myanmar. Nguồn: Tuổi trẻ, N.D, 5/1/2001 Xử lý nước thải bằng lau sậy Tại cuộc hội thảo do Công ty Devitec và Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, các nhà khoa học Đức đã giới thiệu với các doanh nghiệp Việt Nam phương pháp xử lý nước thải bằng rễ cây lau sậy. Phương pháp xử lý nước thải bằng rễ cây dựa trên tác dụng đồng thời của rễ và các vi sinh vật tụ tập tại chỗ đất đó. Trong hệ sinh thái của đất được trồng cây và bị ngập nước, các vi sinh vật lấy đi các chất có thể phân hủy vi sinh trong nước thải, còn kim loại nặng đọng lại trong đất, một phần trong rễ cây. Đất phải thỏa mãn các tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo sự thẩm thấu lâu dài, để cây có thể phát triển và kim loại nặng có thể lắng đọng được. Các cây lau sậy sống trong đất bùn, có cơ cấu vận chuyển ôxy không khí ở bên trong thân cây cho đến tận rễ. Ôxy được rễ thải ra khu vực quanh đó và được vi sinh vật sử dụng cho quá trình phân hủy hóa học. Việc tích lũy ôxy chung quanh rễ tạo nên một khu vực hiếu khí trong đất yếm khí. Vi sinh vật của đất phân hủy các chất bẩn của nước thải trong các vùng hiếu khí và yếm khí. Sự phong phú về chủng loại vi khuẩn trong “thiết bị rễ cây” lớn gấp 10-100 lần trong các thiết bị xử lý kỹ thuật. Lau sậy còn làm tăng độ thẩm thấu của đất. Nhờ đó nước thải thấm qua đất và được lọc sạch. Tại Châu Âu, rất nhiều “ thiết bị rễ cây” đã được xây dựng để xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp, bãi rác và nông nghiệp. Ngay cả nước thải có chứa lưu huỳnh và asen cũng được lọc sạch. Chiều rộng của “thiết bị rễ cây” được xác định theo sức nén thủy lực, chiều dài dòng chảy tính toán từ sự ô nhiễm do chất độc và mục tiêu xử lý nước thải cần thiết. Nguồn: Lao động, 27/12/2000 Quy trình mới tái chế chất thải đô thị Công ty Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Bảo vệ môi trường Bolang Bắc Kinh, Trung Quốc, đã phát triển một quy trình tái chế rác đô thị. Trong hệ thống xử lý rác đô thị BPY đã được cấp chứng nhận, rác không còn lẫn kim loại, gạch, thuỷ tinh, nhựa, giấy,pin, acquy, quần áo cũ và nhiều thứ khác, được đưa vào bể phân huỷ đậy kín và ở nhiệt độ và áp lực cao. Sau 2 giờ, khối lượng rác giảm đi gần một nửa khối lượng ban đầu, khử được mùi hôi và tiệt trùng 100%. Quy trình này cho 3 phụ phẩm : ¾ Gạch, đá, thủy tinh và tro lò có thể chế biến thành vật liệu xây dựng;
- ¾ Các chất khô và ướt có được sau khi phân huỷ ướt có thể chế chế biến thành các chất hữu cơ hỗn hợp và phân bón hữu cơ lỏng tương ứng; và ¾ Nhựa thải có thể chế biến thành dầu mazut hoặc nhựa tái chế Nguồn : Vatis Update, Jan-Feb 2001 Thu hồi thuỷ ngân từ các chất thải lỏng Công ty công nghệ ADA, Mỹ đã phát triển quy trình thu hồi thuỷ ngân từ các chất thải dạng lỏng nhiễm bẩn sơ cấp và thứ cấp. Phương pháp này dựa trên nguyên tắc khử và thu hồi thuỷ ngân hoà tan có hiệu quả và chọn lọc bằng các chất hấp phụ kim loại quý. Trung tâm nghiên cứu năng lượng và môi trường (EERC) đã hỗ trợ kỹ thuật cho công ty ADA và tiến hành các thử nghiệm để đánh giá hiệu quả toàn bộ của chất hấp phụ. EERC còn tham gia thiết kế và trình diễn một hệ thống tổng hợp hấp thụ và tái sinh chất hấp phụ, ứng dụng trong thu hồi thuỷ ngân từ các dòng thải lỏng. Ba chất hấp phụ kim loại quý mà công ty ADA tìm được, có khả năng khử thuỷ ngân trong dòng thải thử nghiệm, ở mức giảm thiểu tới hơn 99,9%. EERC đã thiết kế và xây dựng một đơn vị thử nghiệm lắp trên bánh trượt 30 lít giờ, gồm 3 cột hấp phụ, trong đó 2 cột được vận hành nối tiếp với nhau. Khi xảy ra sự cố ở cột thứ hai, thì cột thứ nhất ngắt dòng và chuyển sang cột thứ 3. Cột dẫn sẽ được tái sinh nhiệt để giải hấp thuỷ ngân qua một hệ thống ngưng tụ/bẫy, thu hồi thuỷ ngân. Sau đó khí mang được chuyển qua cột hấp phụ hơi nước để khử tiếp bất kỳ lượng thuỷ ngân không ngưng tụ nào, trước khi thoát ra khí quyển. Sau 15 tháng thử nghiệm, đã xử lý thành công với năng suất hơn 65.500 khối lượng sạch. Nguồn : Vatis Update, Jan-Feb 2001 Thu prôtêin từ khí mêtan trong chất thải Công ty Aptagen, một công ty công nghệ sinh học ở Hoa Kỳ cho biết khí thải metan trong chất thải có thể coi là một nguồn protein giá trị và rẻ tiền. Công ty đã phát triển thành công quy trình sản xuất protein từ khí metan, một phế phẩm của khí thiên nhiên. Protein thu hồi từ quy trình này có hàm lượng amino axit cao gần gấp 5 lần hàm lượng protein trong ngô thông thường, cần thiết cho cả người lẫn gia súc. Theo Aptagen, qua áp dụng quy trình mới này có thể đảm bảo đầy đủ các nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của con người, mà chi phí chỉ khoảng 0,10 – 0,20 USD/ngày. Nguồn cung cấp mêtan cho quy trình này có thể lấy từ khí thiên nhiên, khí đốt bỏ đi từ sản xuất dầu mỏ, hoặc bằng cách phân huỷ kỵ khí các chất thải. Công ty
- đã đề ra thời hạn tiến hành thử nghiệm, nhằm khẳng định độ tin cậy của quy trình mới này, để sản xuất thức ăn chăn nuôi ở quy mô thương mại. Nguồn : Vatis Update, Jan-Feb 2001 Bột hỗn hợp lắng phèn xử lý nước ô nhiễm Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ dịch vụ (Hội Vật lý thành phố Hồ Chí Minh) vừa đưa ra phương pháp xử lý nước bị nhiễm sắt, phèn và đục thành nước sạch với giá thành thấp, nhưng hiệu quả và quy trình lại rất đơn giản. Đó là hoạt chất A1- A2, loại bột hỗn hợp lắng phèn rất dễ áp dụng và phổ biến rộng rãi, thay thế cho việc chế tạo hệ thống thiết bị lọc (lọc thô và lọc tinh). Quy trình như sau: Hòa chất A1 (tỷ lệ 70 g/m3) vào một cốc nước, quấy cho tan hết rồi đổ vào lu nước hoặc bồn nước cần lọc. Sau đó cho chất A2 (tỷ lệ 80 g/m3) vào cốc khác, hòa tan hết rồi đổ tiếp vào lu ngay. Các kim loại sắt (phèn), các tạp chất hữu cơ được kết tủa, lắng xuống đáy lu, phần trên là nước sạch. Đậy lu lại, để trong hai giờ (tốt nhất làm vào buổi tối trước khi đi ngủ để sáng hôm sau có nước sạch dùng). Khi các tạp chất, kim loại, cặn đã được lắng xuống đáy lu, ở phía trên là nước sạch có thể cho chảy hoặc múc sang thùng chứa nước khác để sử dụng. Nếu lọc qua một lớp vải mỏng sẽ có ngay nước trong như nước máy để dùng, muốn khử trùng, có thể dùng clo-ra-min hoặc đun sôi để uống. Sau một thời gian nên súc rửa, làm vệ sinh lớp cặn phèn lắng ở dưới đáy lu. Nguồn: Nhân dân, 7/3/2001 Thiết bị đun nước bằng năng lượng mặt trời Các thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời (CTST - S100L, CTST - S120L, CTST - S189L) do Trung tâm Khoa học và Công nghệ nhiệt (CTST) phối hợp với một số chuyên gia, một số trường đại học và viện nghiên cứu sản xuất, đã được lắp đặt và sử dụng tốt ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Thiết bị CTST có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, dễ lắp đặt, dễ thay thế, ít bị đóng cặn, thích hợp mọi nguồn nước. Vật liệu chủ yếu là chất dẻo cao cấp và hợp kim nhôm nên có độ bền cao, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các ống xi lanh chất dẻo có đường kính 140 mm, bề mặt được phủ một hợp chất đặc biệt nên biến đổi quang năng thành nhiệt năng đạt hiệu suất cao. Máy có thể đun nước tới nhiệt độ từ 40 – 85 0C. Các module CTST ghép nối với nhau cho sử dụng hàng trăm đến hàng nghìn lít nước nóng/ngày. Ngoài ra, việc nối này có tác dụng chống nắng, chống dột cho mái nhà. Trong những ngày nắng, thiết bị đun nước nóng CTST vẫn phát huy được tác dụng nhờ đấu liên động với bình đun nước nóng bằng điện hoặc bằng gas. Khi nước không đạt nhiệt độ theo yêu cầu thì thiết bị đun nước nóng bằng điện sẽ tự động bổ sung nước nóng cho hệ thống. Bằng cách sử dụng kết hợp này sẽ tiết kiệm được từ 70 - 80% điện năng. Theo tính toán của Trung tâm, sử dụng một module CTST hàng năm sẽ tiết kiệm được 2.000 - 2.500 kwh.
- Giá bán của một bộ thiết bị CTST loại có dung tích từ 120lít - 180 lít là 3 triệu đồng, trong khi đó các thiết bị có công suất tương tự của Trung Quốc giá 450 USD, của Austria hoặc của CHLB Đức là 1.850 USD. Nguồn: TBKTVN, 30/4/2001 Thành công bước đầu trong nghiên cứu sử dụng sợi thực vật thay thế amiăng ở Việt Nam Amiăng vẫn được sử dụng phổ biến tại nhiều vùng của Việt Nam , mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại của nó tới sức khỏe và môi trường. Với nỗ lực nghiên cứu để thay thế vật liệu amiăng theo định hướng của Chính phủ, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT), Tổ chức NEDO (Nhật Bản) và hai cơ quan Công ty FPT và Tập đoàn Kawasaki Steel Corporation (Nhật Bản) đã bước đầu thực hiện thành công dự án dùng sợi khoáng wollastonite kết hợp với sợi thực vật để sản xuất tấm lợp lượn sóng. Theo số liệu tổng kết của Bộ KH-CN-MT cho thấy, tại Việt Nam, amiăng dạng chrysotile chủ yếu được sử dụng để làm các vật liệu như má phanh, chống cháy, bảo ôn,v.v , đặc biệt là có tới trên 90% được sử dụng để sản xuất tấm lợp amiăng-xi măng. Hiện trên toàn quốc có tổng số 26 cơ sở sản xuất loại tấm lợp này với tổng công suất đạt 40 triệu m2/năm, chưa kể hàng năm, còn có trên 2 triệu m2 tấm lợp loại này được đưa vào Việt Nam từ đường Thái Lan. Như vậy, hiện có khoảng 3000 người đang hàng ngày trực tiếp sản xuất và tiếp xúc với bụi amiăng và chịu ảnh hưởng của chất độc hại này. Sự nguy hiểm tiềm tàng của amiăng Theo công bố của nhiều quốc gia trên thế giới, amiăng có thể là nguyên nhân gây ra một loạt các bệnh như bệnh bụi phổi amiăng, dày và can xi hoá màng phổi do amiăng. Đây cũng là một trong những yếu tố chính gây ung thư màng phổi và ung thư trung biểu mô. Trung bình hàng năm trên thế giới có hàng chục nghìn người mắc bệnh và chết có liên quan đến amiăng. Do nhận thức được nguy cơ ảnh hưởng của amiăng tới sức khỏe, nên một số nước trên thế giới như Pháp, Bỉ, Hà Lan,v.v đã cấm sử dụng các loại amiăng nhóm amphibole và hạn chế sử dụng nhóm amiăng serpentine, thậm chí có nước đã cấm sử dụng hoàn toàn tất cả các loại amiăng. Còn tại Việt Nam, cho tới nay cũng vẫn chưa có được một công trình nghiên cứu chính thức nào về ảnh hưởng của amiăng tới sức khỏe của người lao động. Tuy nhiên, một kết quả nghiên cứu thông qua khám và phát hiện các triệu chứng lâm sàng và bệnh đường hô hấp đối tới 310 công nhân làm việc tại 3 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro-xi măng cũng đã phát hiện tới 9 dấu hiệu về triệu chứng và bệnh đường hô hấp. Viêm mũi họng chiếm tỷ lệ cao nhất là 55,48%, ho thường xuyên chiếm 31,6% và khó thở chiếm 25,8%, viêm phế quản mãn tính chiếm 9%,v.v Từ các kết quả nghiên cứu, người ta đã xác định được mối liên quan giữa việc tiếp xúc với amiăng và bệnh đường hô hấp. Nguy cơ mắc các triệu chứng và bệnh
- đường hô hấp của nhóm công nhân tiếp xúc với bụi Amiăng-Xi măng cao gấp 1,23 lần so với nhóm công nhân chỉ tiếp xúc với bụi xi măng. Tỷ lệ 3 hội chứng rối loạn thông khí phổi ở công nhân sản xuất tấm lợp fibro-xi măng mắc với nguy cơ cao gấp 1,87 lần so với công nhân sản xuất xi măng. Ngoài ra, nguy cơ mắc các dấu hiệu bất thường ở phổi của công nhân tiếp xúc với bụi hỗn hợp Amiăng- Xi măng cao gấp 5,2 lần so với công nhân chỉ tiếp xúc với bụi xi măng thông thường. Hướng tới loại tấm lợp an toàn Theo Bộ KH-CN-MT, thì việc thay thế amiăng là vấn đề quan trọng đối với mọi quốc gia. Những kết quả đạt được trong nghiên cứu của dự án đã mở ra một tương lai mới trong việc bảo vệ môi trường- sinh thái. Quan trọng hơn nữa là việc sử dụng sợi thực vật để sản xuất vật liệu xây dựng không chỉ có tác dụng thay thế amiăng mà còn tận dụng và phát triển được một loại vật liệu xây dựng mới, vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả. Theo đánh giá của các chuyên gia tham gia dự án, hệ thống thực vật ở Việt Nam vô cùng phong phú với trữ lượng lớn. Tính chất vật lý và hoá học đặc biệt của sợi thực vật mang lại rất nhiều ứng dụng công nghiệp, nhất là trong các ngành như bột giấy, dệt và vật liệu xây dựng. Trữ lượng của nguồn nguyên liệu thực vật cho xơ sợi của Việt Nam được ước tính sơ bộ vào khoảng 25 triệu tấn. Các loại thực vật cho xơ sợi chủ yếu bao gồm các loại gỗ như gỗ thông, keo, bạch đàn, bồ đề; các loại tre nứa, các loại cây công nghiệp như bông, đay, lanh, vỏ cây dâu và các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, bã mía. Hiện nay, do còn thiếu các phương tiện hiện đại dùng cho việc chế biến, nên nguồn tài nguyên thực vật này vẫn chưa được khai thác hợp lý. Hàng năm, có khoảng 400.000 tấn xơ sợi được sản xuất và sản lượng này không đủ cung cấp cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp. Chính vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành xây dựng, dự án "Nghiên cứu ứng dụng sợi thực vật trong sản xuất thử nghiệm tấm lợp tại Việt Nam" là một hướng đi mới cho phép khai thác hiệu quả tiềm năng sợi thực vật phong phú trong nước, từ đó góp phần hạn chế việc nhập khẩu amiăng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở nghiên cứu vật liệu thay thế amiăng, dự án đã tìm phương án dùng sợi khoáng wollastonite kết hợp với sợi thực vật để sản xuất tấm lợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, loại nguyên liệu này có thể cải thiện khả năng định hình tấm, độ bảo lưu xi măng cũng như một số chỉ tiêu chất lượng của tấm lợp. Các số liệu kiểm tra chất lượng ban đầu đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam và cho phép khả năng thay thế hoàn toàn amiăng. Quan trọng hơn, việc sản xuất thử nghiệm cũng được thực hiện ngay tại cơ sở với các dây chuyền và công nhân hiện có. Tuy nhiên, trong tương lai, dự án này vẫn phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện về chất lượng, cho phép sản xuất công nghiệp, hạ giá thành sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nguồn : TBKTVN, 21/5/2001
- Bọt xốp gốm có thể thay thế amiăng độc hại Do amiăng có thể gây ra các bệnh về phổi, kể cả ung thư, cho nên việc tìm kiếm các loại vật liệu khác có khả năng cách nhiệt cao là rất cần thiết. Sợi gốm đã được sử dụng để thay thế amiăng, tuy nhiên sợi gốm vẫn phát sinh các bụi hạt hình kim, rất nguy hiểm đối với phổi khi hít phải. Các nhà nghiên cứu Israel đã sản xuất ở quy mô thử nghiệm chất cách nhiệt cao bằng chất liệu gốm. Sản phẩm này có thể là chất thay thế an toàn và kinh tế đối với amiăng và các sợi gốm có hại tiềm tàng hiện đang được sử dụng. Vật liệu mới này là loại bọt xốp siêu nhẹ làm bằng vật liệu gốm và 94-96% thể tích vật liệu là không khí, nhưng có thể chịu được nhiệt độ trên 17000C. Vật liệu mới này là kết quả trí tuệ của Gideon Grader, Gs về hoá kỹ thuật, Viện Công nghệ Technion-Israel, Haifa, và đang được nhóm nghiên cứu của Viện phát triển. Bọt xốp được làm từ ôxit nhôm, một loại gốm thông dụng chịu nhiệt cao. Sức chịu nhiệt của bọt xốp ôxit nhôm dựa vào nhiều bọt khí rất nhỏ có trong vật liệu. Không khí là chất cách nhiệt rất tốt, nhưng muốn phát huy tác dụng này của không khí, cần phải giữ được không khí trong một lớp như chăn. Ngoài chức năng cách nhiệt, bọt xốp gốm có thể áp dụng cho nhiều mục đích khác, như cánh âm, và hấp phụ các chất ô nhiễm môi trường. Bọt xốp có thể sản xuất theo nhiều hình dáng khác nhau, như dạng bánh, hạt và các hình dạng quen dùng khác theo yêu cầu. Khi nghiền nhỏ, bọt xốp gốm sẽ tạo ra các bụi hạt thông thường như các loại bụi hạt trong môi trường, song không gây ra nguy cơ về sức khoẻ, như các sợi gốm. Gs. Grader cho biết, "chỉ có 4-5% thể tích bọt gốm chứa chất gốm, vật liệu này là chất cách điện hiệu quả, có thể cạnh tranh với các sợi gốm kỹ thuật đương đại chi phí cao hiện nay. Tỷ trọng nhỏ của bọt xốp có ý nghĩa quan trọng đối với các ứng dụng đòi hỏi cao về trọng lượng. Nếu so sánh về trọng lượng, thì bọt xốp gốm có thể là vật liệu cách điện an toàn và chi phí- hiệu quả. " Bọt xốp gốm được tạo ra từ các tinh thể đặc biệt chứa các thành phần kim loại và tất cả các hợp phần tạo bọt. Sau khi nung nóng, các tinh thể tạo ra dung dịch. Trong dung dịch này, phản ứng diễn ra và hình thành các chuỗi polyme. Sau khi chuỗi polyme lớn đến mức cần thiết, dung dịch tách ra thành dung môi tinh khiết và polime. Tại thời điểm này, dung môi bắt đầu sôi, tạo ra hàng tỷ bọt khí nhỏ li ti, thổi polyme vào bọt xốp và được ổn định nhờ các chuỗi polyme. Tiếp tục đốt nóng ở các nhiệt độ cao sẽ tách lại được bọt xốp gốm ôxit kim loại.
- Từ 1998, phòng thí nghiệm của Gs. Grader đã phát triển bọt xốp này sau nhiều năm nghiên cứu về gốm xốp. Chính phủ Israel đã hỗ trợ vốn sơ khởi cho công trình nghiên cứu này thông qua Công ty ươm tạo doanh nghiệp Technion năm 1999, cộng với 700.000 đô la do các nhà đầu tư tư nhân đầu tư, và Công ty Cellaris của Gs. Grader bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ đầu năm 2001. Dự kiến đến tháng 6/2001, công ty sẽ sản xuất đủ vật liệu để gửi các mẫu thử nghiệm cho các công ty kinh doanh ở Mỹ và châu Âu quan tâm tới khả năng sản xuất và sử dụng gốm. Dr. Grader là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực này. Năm 1987, ông nhận được giải thưởng Kenneth T. Whitby của Hiệp hội Nghiên cứu Son khí Hoa Kỳ. Gs. Grader còn tập trung nghiên cứu phương pháp tái chế các sản phẩm polyvinyl chloride (PVC) thân thiện về mặt môi trường, bao gồm vật liệu xây dựng vinyl, vật tư y tế, cho đến đồ chơi trẻ em. Nguồn: ENN, May 18, 2001 Thuốc bảo vệ thực vật từ aspirin Cách đây hơn 20 năm kỹ sư Hứa Quyết Chiến thử aspirin tán nhuyễn phun lên ruộng lúa thí nghiệm của mình, bệnh đạo ôn giảm hẳn chỉ trong một thời gian ngắn sau đó nhưng chỉ vài ngày sau lúa thí nghiệm cũng chết dần do phun aspirin , có thể aspirin chứa một chất nào đó trị bệnh cho cây trồng, và cây trồng có khả năng tạo ra một vùng tế bào chết bao bọc điểm xâm nhiễm nhằm hạn chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh. Các nhà khoa học gọi phản ứng này là phản ứng "bảo vệ", nó như một tín hiệu thông báo cho các bộ phận khác của cây trồng chưa bị các tác nhân gây bệnh xâm nhiễm biết để có phương án phù hợp chống lại bệnh. Hiện tượng này còn được gọi là hệ thống kháng tập nhiễm. Do đặc điểm khá đặc biệt của hệ thống kháng tập nhiễm này mà có thể đây là một biện pháp rất khả quan trong việc phòng trừ bệnh cho cây trồng. Để hệ thống kháng tập nhiễm hoạt động hiệu quả, phát huy hết tác dụng trong việc phòng và trị bệnh ở cây trồng cần phải có một chất kích thích hệ thống này, một trong những tác nhân kích thích là chất salicylic acid hay còn gọi là aspirin. đã được anh Chiến tìm ra. Nếu chỉ đưa chất salicylic acid vào cây trồng thì cây sẽ chết ngay, vì vậy, cần phải có một chất phối hợp, có thể dung hòa được salicylic acid để đạt yêu cầu, không những không làm cây chết mà còn làm cho cây tăng trưởng tốt hơn. Qua thử nghiệm lần lượt 200 loại hóa chất khác nhau trong suốt hàng chục năm liền để tìm ra chất phối hợp tốt nhất, bảo đảm yêu cầu, gần đây anh đã tìm ra một chất có thể dung hòa được salicylic acid để tổng hợp nên chế phẩm mang tên Exin 4:5 HP, được Cục Bảo vệ Thực vật cho phép khảo nghiệm diện rộng trên đồng ruộng. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì đây là chế phẩm đầu tiên trong việc trừ bệnh cho cây trồng được nghiên cứu và sản xuất bằng công thức của Việt Nam. Ngoài những đặc tính ưu việt của Exin 4:5 HP thì giá rẻ, một yếu tố cho thấy chế
- phẩm này có nhiều khả năng triển khai ứng dụng trên diện rộng. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép đăng ký đặc cách chế phẩm này vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn: Tuổi trẻ, 24/5/2001 Giảm các chất ô nhiễm thuỷ ngân từ các nhà máy đốt than Công ty Consol Inc. of Library, Pennsylvania, Mỹ đang ứng dụng hệ thống kiểm soát các khí thải có chứa thuỷ ngân của các trạm đốt rác đô thị cho các nhà máy nhiệt điện đốt than. Hệ thống này hy vọng sẽ khử được thuỷ ngân lẫn các chất ô nhiễm sulfur, có thể tạo ra các luồng khói nhìn thấy được và gây nhiêm bẩn các hệ thống kiểm soát ô nhiễm khác. Dự án Consol là một trong 6 dự án mới được Bộ Năng lượng Mỹ lựa chọn nhằm hạn chế hiệu quả hơn các khí thải thuỷ ngân của các nhà máy đốt than bằng các hệ thống đang được sử dụng với chi phí thấp. Chương trình này được xây dựng nhằm giải quyết việc phản đối sử dụng than để sản xuất điện. Hiện nay, than đá được sử dụng để tạo ra một nửa sản lượng điện của Mỹ. Mỹ có 400 nhà máy điện đốt than ở 43 bang, ước tính mỗi năm phát tán 98.000 pounds (44.492 kg) thuỷ ngân vào không khí. Năm 1999, các nhà máy phát điện này phải tiến hành lấy mẫu thuỷ ngân trong than sử dụng để phát điện do Hội đồng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên kiện từ năm 1993. Thuỷ ngân là chất độc tiềm tàng đối với hệ thần kinh. Tiếp xúc với thuỷ ngân có thể ảnh hưởng tới bộ não, tuỷ sống, thận và gan. Ngoài ra, thuỷ ngân còn đặc biệt nguy hiểm đối với sự phát triển của bào thai và trẻ em. Sáu đề án do Phòng thí nghiệm Công nghệ Năng lượng Quốc gia của Bộ Năng lượng lựa chọn, sẽ được chính phủ liên bang tài trợ gần 8 triệu USD. Đồng thời, các cơ sở đề xuất sẽ đóng góp gần 2,3 triệu USD, cùng chia sẻ chi phí cho các đề án. Theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, mới đây Chính quyền Bush đã công bố chính sách năng lượng quốc gia mới "kêu gọi đạt được các mục đích quốc gia về năng lượng và môi trường bằng sự khéo léo về công nghệ". Đối với một số nhà máy điện đốt than cần thiết phải có công nghệ mới. Hiện tại trên thị trường chưa có được hệ thống kiểm soát ô nhiễm có thể giảm khí thải thuỷ ngân, ứng dụng đồng bộ cho hàng loạt các nhà máy điện với cáccấu hình khác nhau, cũng như có thể đạt được hiệu suất giảm thiểu từ 90% đến 100%. Theo ước tính của Bộ Năng lượng Mỹ, nếu chỉ sử dụng công nghệ hôm nay để giảm thiểu các khí thải thuỷ ngân, thì người sử dụng sẽ phải trả thêm tiền điện vào
- khoảng 7 tỷ USD năm. Còn công nghệ mới có thể cắt giảm ít nhất một nửa khoản chi phí này và thậm chí giảm nhiều hơn vào năm 2010. Bộ Năng lượng mong muốn phát triển hàng loạt các giải pháp kiểm soát thuỷ ngân áp dụng cho các nhà máy điện để có thể chắc chắn giảm các mức phát tán từ 50% đến 70% vào năm 2005 và 90% vào năm 2010. Đối với nhiều nhà môi trường Mỹ thì chỉ tiêu này còn chậm và các nhóm nghiên cứu các lợi ích cộng đồng của các bang yêu cầu tất cả các nhà máy điện đốt than ở Mỹ phải giảm tới 90% các khí thải thuỷ ngân vào năm 2007. Các nhóm ở 40 bang đã cảnh báo không ăn nhiều cá do nhiễm bẩn thuỷ ngân. Theo ước tính của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, mỗi năm có 60.000 trẻ em sinh ra chịu rủi ro bị tỏn thương hệ thần kinh do tiếp xúc thuỷ ngân trong bụng mẹ. Các nhà máy điện đốt than là nguồn gây ô nhiễm thuỷ ngân lớn nhất ở Mỹ. Nguồn: Environmental News Network, 6/20001 Năng lượng sạch từ chất thải Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Kỹ thuật Mặt phân giới và Công nghệ Sinh học Fraunhofer, Stuttgat, Đức công bố có thể tạo ra năng lượng nhiều gấp hai lần từ rác thải bằng quá trình lên men cải tiến. Theo báo cáo, Viện đã nghiên cứu thành công việc giảm thiểu chất hữu cơ khô, chiếm 60% trong rác thải, tới 90%, đồng thời thu được gấp đôi sản lượng khí chất thải từ quá trình lên men. Quy trình hai giai đoạn thông thường được điều chỉnh bằng cách bổ sung các bộ vi lọc cho giai đoạn thư cấp của qúa trình xử lý tiến hành trong các điều kiện nhám kín. Nước bùn chảy qua các bộ lọc này trong khi đó khối cặn bã vẫn tiếp tục bị phân huỷ và giảm thể tích. Quá trình lên men không dễ gì phân huỷ lig-nin trong sinh khối, cho nên lig-nin được xử lý bằng loại nấm đặc biệt trong không khí. Cuối cùng, khối lượng lig-nin được phân huỷ thêm một lần nữa, để giảm bớt thể tích. các chất rắn cặn bã không mùi hôi được đem chôn tại các bãi chôn lấp chất thải. Theo Viện Fraunhofer, trừ vấn đề chi phí, ngoài ra không có vấn đề nan giải nào liên quan đến việc lắp thêm hệ thống mới trong các trạm xử lý lên men hiện đang vận hành. Hơn nữa, quy trình này rất phù hợp với việc xử lý chất thải sinh hoạt và đồng thời tạo ra các lợi ích rõ ràng thông qua việc tái xử lý các dạng chất thải hữu cơ , như chất thải sinh vật, bùn cống hoặc vật liệu thiên nhiên sử dụng cho công nghiệp. Nguồn: Tech Monitor, Jan - Feb, 2001
- Trồng nấm bằng bã mía -Nguồn lợi từ nguyên liệu phế thải Nguồn nguyên liệu phổ biến để trồng nấm từ trước tới nay được biết tới vẫn là rơm, rạ, mùn cưa, cây gỗ, bông phế thải. Mới đây, các nhà khoa học và kỹ sư thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học Thực vật (TTCNSHTV), Viện Di truyền Nông nghiệp, đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công một nguồn nguyên liệu bã mía sẵn có có thể dùng để nuôi trồng nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm mỡ, nấm hương và nấm Linh Chi với năng suất khá cao Hiện nay ở nước ta, ngành công nghiệp mía đường đang phát triển mạnh mẽ, mỗi năm đạt khoảng 1 triệu tấn đường, tương ứng có khoảng 2,5 triệu tấn bã mía. Lượng bã mía này được sử dụng một phần nhỏ làm nhiên liệu (các sản phẩm sợi, giấy, chất lợp,v.v ), lượng bã còn lại được thải ra tự nhiên, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Sau khi phân tích các thành phần cơ bản trong bã mía, đã phát hiện thấy xenlulo (Cellulose) chiếm tỷ lệ rất cao, dễ thủy phân ở nhiệt độ cao hoặc dưới tác động của enzym xenlulaza, có thể nuôi trồng được nhiều loại nấm ăn và nấm dược liệu. Điều quan trọng là nguồn nguyên liệu này rất sẵn có, tập trung ở 40 nhà máy đường mía lớn phân bố trên cả nước, giúp cho việc thu mua bã mía với số lượng lớn thuận lợi, tạo điều kiện để phát triển mô hình trang trại sản xuất nấm. Điểm triển khai trên diện rộng quy trình công nghệ nuôi trồng nấm ăn trên nguyên liệu bã mía đã được tiến hành tại Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) trong thời gian 1 năm (từ tháng 4/2000) với tổng số nguyên liệu đã được nuôi trồng là 381,5 tấn, để xác định cụ thể về năng suất của từng loại nấm trên nguyên liệu này và hạch toán về mặt kinh tế nuôi trồng nấm bằng nguyên liệu bã mía, đã tiến hành nghiên cứu thí điểm trồng nấm trên 3 nguồn nguyên liệu chính là: bã mía, rơm rạ và mùn cưa. Bã mía còn hàm lượng đường nhỏ hơn 0,3% đã lưu giữ tại nhà máy mía đường Lam Sơn 1 năm, 2 năm và 3 năm. Rơm rạ được mua từ Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội và mùn cưa cao su được mua tại Nghệ An. Tất cả các nguyên liệu này được phơi khô, bảo quản và không để bị mốc. Nguồn giống được sử dụng là bộ giống: nấm rơm, mộc nhĩ, nấm sò, nấm mỡ, Linh Chi đã được tuyển chọn thuần chủng, ổn định về năng suất, chất lượng và có khả năng chống chịu tốt. Quá trình nghiên cứu, thực nghiệm trải qua 5 công đoạn: xử lý nguyên liệu : cây giống - chăm sóc - thu hái và đánh giá năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua 3 lần nuôi trồng thử nghiệm đã cho kết quả không ngờ, năng suất trung bình của nấm rơm trên bã mía khô đạt 12,8%, trong khi năng suất trung bình của nấm rơm trên rơm rạ khô đạt 12,6%. Năng suất trung bình của nấm mỡ trên bã mía khô đạt 23,2%, thấp hơn năng suất trung bình của nấm mỡ trồng trên rơm rạ 3%, nhưng năng suất trung bình của nấm Linh Chi trồng trên bã mía đạt 11,35%, cao hơn năng suất của nấm Linh Chi được trồng trên mùn cưa cao su 1,8%. Năng suất của nấm sò trồng trên bã mía khô đạt 80%, cao hơn 1,88 lần năng suất nấm sò trồng trên rơm rạ; năng suất của mộc nhĩ trồng trên bã mía đạt 95,04%, trong khi đó, năng suất mộc nhĩ trồng trên mùn cưa đạt 93,92%. Tại Hội thảo quốc tế sinh học do Liên hiệp các Hội khoa học-kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức vào đầu tháng 7/2001 tại Hà Nội, kết quả nghiên cứu này
- đã được báo cáo với sự chứng kiến của rất nhiều nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước và đã được đánh giá rất cao. PGS-TS Nguyễn Hữu Đống, một trong số 7 nhà khoa học, kỹ sư cùng nghiên cứu đề tài cho biết, với sản lượng 2.500.000 tấn bã mía mỗi năm của 40 nhà máy sản xuất mía đường, việc trồng nấm từ bã mía sẽ giải quyết được việc làm cho khoảng 300.000 - 500.000 lao động phổ thông thất nghiệp, nông nhàn, với mức thu nhập trên 15.000 đồng/người/công lao động. Đồng thời, phát triển nghề trồng nấm bằng nguyên liệu bã mía trên diện rộng sẽ góp phần bảo vệ môi trường trong sạch do ô nhiễm từ bã mía phế thải gây ra. Ngoài ra, sau khi thu hoạch nấm, bằng các loại vi sinh vật hoại sinh phân huỷ bã nấm sẽ thu được một lượng lớn phân hữu cơ. Nguồn: TBKTVN, 13/7/2001 Thiết bị dò mới phát hiện các chất ô nhiễm kim loại Kiểm tra các kim loại trong nước sạch và các dòng thải có thể phải mất nhiều công sức và thời gian, song nhờ có công trình của các nhà nghiên cứu trường đại học Brigham Young, một thiết bị dò mới có thể đo trực tiếp các nồng độ kim loại trong nước khi các dòng nước này chảy qua. Hệ thống này hoạt động nhờ vào áp dụng biện pháp quan trắc các nồng độ kim loại thải ra môi trường từ các hạot động khai khoáng, luyện kim, đốt nhiên liệu hoá thạch và các sử dụng công nghịêp khác. Các kim loại này gồm kẽm, thuỷ ngân và cadimi. Để phát hiện các kim loại trong nước, các nhà nghiên cứu đầu tiên tạo ra các hợp chất có khả năng tìm và kết lắng với các ion kim loại. Sau đó, các nhà nghiên cứu tạo ra các phân tử nhỏ hơn và gắn kết chúng với các hợp chất kết lắng với kim loại. Các phân tử nhỏ này khi gắn kết với các kim loại trong nước sẽ phát huỳnh quang dưới tia cực tím. Sẽ không xuất hiện huỳnh quang khi không có các kim loại trong nước. Màu của ánh sáng phụ thuộc vào loại và nồng độ ion kim loại hiện diện. Theo Paul B. Savage, phó giáo sư về hoá học tại trường Đại học Brigham Young và là đồng tác giả của nghiên cứu chi tiết trong Tạp chí Hoá học Hữu cơ thì "Nghiên cứu này sẽ giúp tạo ra một thiết bị dò mới có thể đo liên tục kim loại trong mẫu nước khi dòng nước chảy qua thiết bị và như vậy, có thể dễ đối phó hơn với bất kỳ vấn đề nào một cách nhanh chóng". Tác giả cũng cho biết, các kế hoạch đang được thực hiện để phát triển thiết bị này, cho phép các nhà máy công nghiệp và các trạm xử lý nước thải theo dõi nồng độ các ion kim loại trong các dòng chảy theo thời gian. Nguồn: Earth Vision Environment News, 7/2001
- Lớp phủ chống dính có thể sinh ra các hoá chất khi đun nấu Thoạt nghe đây có thể là tin xấu đối với tất cả những người nấu bếp trên thế giới phải nhờ vào các loại xoong và chảo chống dính, theo một nghiên cứu do Trường đại học Môi trường, Toronto, Canada và trường đại học Guelph thực hiện, cho biết các bề mặt này sẽ sinh ra các hoá chất ra môi trường khi bị đốt nóng. Đưa tin trong tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu cho biết khi bị đốt nóng, các sản phẩm có chứa Teflon và các hợp chất đã bị flo hoá khác sẽ sinh ra các hoá chất gồm Trifuoroacetic axit (TFA), là một hợp chất tồn lưu có những ảnh hưởng lâu dài tới môi trường chưa được biết tới, các lượng nhỏ CFC gây cạn kiệt ôzôn và Perfluorocarboxylat mạch dài, tích luỹ trong mô động vật. Các nhà nghiên cứu cho biết thay vì sử dụng CFC là chất gây huỷ hoại tầng ôzôn, các ngành sản xuất các hệ thống làm lạnh, sol khí, styrofoam và các sản phẩm khác đã chuyển hướng sang các loại khí hydrochlorofluorocarbon (HCFC) và hydrofluorocarbon (HFC). Khác với CFC, các loại khí này phân huỷ trong khí quyển và tạo ra các sản phẩm phụ là TFA, sau đó quay trở lại trái đất theo nước mưa. Theo David Ellis, tác giả chính của nghiên cứu thì "bằng việc xác định các mức TFA trong nước mưa trong thời gian 3-4 năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã ước tính có khoảng 100-120 phần nghìn tỷ TFA trong nước vào năm 2020. Các nhà nghiên cứu cũng không chắc phát hiện được các mức TFA vượt quá nhiều mức ước tính và họ cũng muốn biết tại sao như vậy". Với các polyme được flo hoá như Teflon, các nhà nghiên cứu đã đốt nóng các sản phẩm có chứa các polyme đã flo hoá ở các mức nhiệt độ khác nhau và nhận thấy các sản phẩm này phát ra 10% TFA. Cho dù các ảnh hưởng của TFA đối với con người vẫn chưa được biết tới, thì các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng sự phát sinh ra hợp chất này là nguyên nhân gây lo ngại. Theo Giáo sự hoá học Scott Mabury, trường Đại học Toronto thì các nồng độ cao TFA trong nước có thể gây độc ở mức nhẹ đối với thực vật, song quan trọng hơn là phải mất tới nhiều thập kỷ thì TFA mới phân huỷ và chúng ta không biết được các tác động môi trường dài hạn là gì. Các nhà khoa học đồng thời phát hiện các vật liệu polyme đã flo hoá sinh ra các lượng nhỏ CFC vào khí quyển và gây cạn kiệt tầng ôzôn. Nguồn: Earth Vision Environment News, 7/2001
- Phát hiện vi sinh vật chuyển hoá benzen Việc làm sạch benzen, một thành phần của xăng và các loại nhiên liệu khác có nguồn gốc từ dầu mỏ có thể dễ dàng thực hiện nhờ vào sử dụng các vi sinh vật trong các điều kiện hiếu khí, hoặc trong các môi trường thoáng khí. Tuy nhiên, ở dưới đất, hoặc trong các môi trường yếm khí hoặc có ít không khí, quá trình loại bỏ benzen nhờ vào các vi sinh vật phân huỷ benzen trong các điều kiện kỵ khí có thể là một giải pháp tốt làm sạch chất ô nhiễm có độ độc hại cao này. Theo Gs Jonh Coates, phó giáo sư vi sinh, và là trưởng nhóm nghiên cứu thì "Benzen không chỉ là vấn đề nan giải đối với các nguồn cấp nước ngầm, benzen còn được phát hiện thấy trong đất và các trầm tích. Tràn nhiên liệu và sự rò rỉ nhiên liệu của các bể chứa ngầm là các thủ phạm chính". Các vi sinh vật với tên gọi là RCB và JJ thuộc các chủng Dechloromonas ôxy hóa benzen thành dioxit cácbon trong điều kiện yếm khí mà không cần oxy. Theo Coates, hoạt động phân huỷ benzen của các vi sinh vật trong các môi trường sản sinh ôxy thường diễn ra chậm hơn khi rút không khí ra khỏi phương trình. Tuy nhiên, các quá trình phân huỷ của các vi sinh vật mới khám phá ra này có thể diễn ra trong 7 ngày thay vì 70 ngày. Ngoài ra, các vi sinh vật mới này lại rất phong phú. "Chúng được tìm thấy trong nhiều môi trường". Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các vi sinh vật này có trong các mẫu đất được lấy ở khu vực xung quanh trường đại học, và trong cả các mẫu lấy từ Nam cực. Nghiên cứu này là ví dụ đầu tiên về một sinh vật thuộc bất kỳ loại nào có thể oxy hoá benzen trong điều kiện yếm khí. Trong nhiều năm, khả năng của các vi sinh vật phân huỷ benzen trong điều kiện thiếu oxy đã gây tranh luận do tính ổn định về hoá học của hợp chất này. Với các vi sinh vật hiện nay, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về quá trình mà các vi sinh vật giải quyết vấn đề. Và đây là các dấu hiệu khuyến khích các nhà nghiên cứu khác đang tiến hành các công việc tương tự. Nguồn: Earth Vision Environment News, 7/2001 Sản xuất đất sạch Hiện nay, trên thị trường xuất hiện một loại đất mới, được gọi là đất sạch. sản phẩm của Công ty TNHH Cầu Vồng (Hóc Môn, Tp. HCM). Ngoài đặc tính sạch, nó còn giúp cải thiện các loại đất bị chai cứng, bạc màu, làm tăng độ tơi xốp,v.v
- Đất sạch được sản xuất từ các phụ phẩm nông nghiệp như vụn xơ dừa, bã mía, ngô, rơm, trấu, v.v Tất cả nguyên liệu qua khâu sơ chế: rửa sạch, sấy khô, loại bỏ tạp chất và diệt vi khuẩn có hại mà vẫn giữ nguyên chất dinh dưỡng sẵn có. Tiếp đó, nguyên liệu được xay nhỏ, trộn đều và đem ủ trong khoảng 10 ngày và đưa một số chủng vi sinh vật có lợi vào công đoạn ủ nhằm mùn hoá thực vật, tiết ra chất kích thích tăng trưởng cho cây trồng. gọi là đất sạch vì nó hoàn toàn làm từ thực vật, không có tạp khuẩn và khi sử dụng không nhiễm bẩn. Đất sạch có thể được dùng trong nhiều công đoạn nông nghiệp như: gieo hạt, giâm cành, chiết cành, ươm cây, trồng cây cảnh, hoa quả, rau màu,v.v Đặc biệt, đất này còn là chất xúc tác cải thiện đất chai cứng, đất bạc màu, làm tăng độ tơi xốp, tăng lượng mùn, đạm,v.v là môi trường lý tưởng cho nghề sản xuất nấm ăn. Riêng với một số loại cây như rau muống, cải, mướp hay hoa hồng, khi trồng trên đất sạch, không phải bón thêm một loại phân nào cả. Ưu điểm này rất thuận lợi cho nhiều gia đình muốn tự trồng những luống rau nhỏ để tạo không gian xanh và đảm bảo vệ sinh thực phẩm với chi phí thấp, 3.000 đ/bao 4 lít. Nguồn: Tuổi Trẻ, 30/8/2001 Keo dính cát chống sa mạc hóa ở miền Trung Yêu cầu đầu tiên để chống sa mạc hóa là chống cát bay. Cốt lõi cho vấn đề này là sản xuất các loại keo dán rẻ tiền, khi phun vào cát khô thì cát sẽ dính lại tạo thành những lớp đủ dày với độ cứng cần thiết. Sản phẩm thử nghiệm đầu tiên như thế vừa được Liên hiệp Khoa học Sản xuất Công nghiệp Sinh hoá học (UBC) đưa ra. Sau nhiều năm nghiên cứu, UBC thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đã chế ra loại keo dính từ nguyên liệu là cao su phế thải, polymer phế thải như PP, PE, PCV. Keo này được nhũ hoá với nước và phun vào cát khô với định lượng thích hợp. Tuổi thọ của keo trên chục năm, cho đến khi lớp cát đã được bổ sung phần đất dinh dưỡng và cây cỏ đã mọc. Khi đó, vai trò keo dính cát không cần nữa. Để tạo lập cuộc sống cho người dân trong vùng sa mạc, còn phải có hệ thống giao thông đi lại, trước tiên cho các phương tiện nhẹ như xe đạp, xe máy và ôtô trọng tải 1- 2 tấn. Phương pháp xây đường với các vật liệu như đá, nhựa đường hay đất là rất tốn kém, chỉ áp dụng với vùng không xa dân cư. Còn ở những nơi đi sâu vào sa mạc, có thể dùng keo dán theo kiểu chống cát bay. Song do yêu cầu ở đây cao hơn nhiều nên cần thay đổi chất lượng keo cũng như công nghệ kết dính sao cho lớp cát sau khi được phun keo dán phải có khả năng chịu lực nén thích hợp. Sau khi đã chống được cát bay, có đường giao thông đi lại, cần phải lo phương án cấp nước cho con người. Các nhà khoa học đã đề xuất phương án xây dựng hệ thống các túi chứa nước gọi là “túi cá voi hai đầu”. Nước được trữ trong các túi 1.000 m3 và từ túi này nước được bơm cho các mục đích khác nhau ở các vùng xung quanh. Bên
- cạnh đó, có một đường ống lớn cấp nước cho toàn khu, từ đường ống này nước sẽ được bơm qua các vùng cần cung cấp nước. Trên vùng cát 100% chỉ có một số loại cây đặc chủng mới có thể sống được. Để khắc phục điều này, phải tăng độ phì cho vùng cát dính. Sau khi phun keo dính cát, tiếp tục phun nước cho đất dưới dạng nhũ. Đối với các chỗ cần trồng cây lâu năm phải đào hố và cung cấp đất, phân bón cần thiết cho cây. Việc trồng cây cho vùng đất tái sinh này cần phải được tổ chức quy mô công nghiệp và cơ khí hoá, tự động hoá cao, giảm bớt nhân công. UBC đã thiết kế loại nhà kính ươm cây được cơ khí hoá đến 98% với năng suất gấp 15-20 lần so với nhà kính ươm cây thủ công cổ điển. Trước khi xuất xưởng, cây sẽ được thử nghiệm trong những môi trường khắc nghiệt. Thử nghiệm cho thấy tổng chi phí cho 1 ha ước tính 109 triệu đồng. Thời gian tới UBC sẽ thí điểm chống cát bay ở một số tỉnh miền Trung. Nguồn: KH&ĐS, 23/8/2001 Phân bón nhả chậm đầu tiên của Việt Nam Các nhà khoa học Việt Nam đã chế tạo thành công một loại phân bón tổng hợp, trong đó thành phần urê được nhả chậm cho cây hấp thụ. Loại phân này cũng có tính năng tương tự như phân nhả chậm phốt pho mới của Mỹ, có thể nhả phốt pho tùy theo mức độ hấp thụ của cây. Qua nhiều thử nghiệm, PGS Trần Khắc Chương, Đại học Bách khoa Tp. HCM, đã xây dựng được quy trình sản xuất phân bón nhả chậm urê, dựa trên nền zeolite tổng hợp từ nguyên liệu Al(OH)3, silicát và xút có sẵn ở nước ta. Loại phân bón nhả chậm này làm từ hỗn hợp zeolite, cao lanh, đất sét và chất xúc tác ở nhiệt độ cao để tạo thành viên có độ rắn vừa đủ. Nhờ đó, chất dinh dưỡng có thể được cây hấp thụ dần chứ không bị tan rữa và rửa trôi ngay khi xuống nước. Đặc biệt, phân bón này còn hấp thụ tốt độc tố nitrat, không gây ô nhiễm môi trường”. Năm 1999, sau khi tìm ra nguyên vật liệu để chế tạo zeolite tổng hợp, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sản xuất thử phân bón nhả chậm urê và thử nghiệm trên cây lạc đạt kết quả tốt. Sau đó, ông Chương đã hợp tác với Khoa Nông nghiệp thuộc Đại học Cần Thơ để thử nghiệm phân bón này cho hai vụ lúa thơm cao sản ở trại giống Long Phú, Sóc Trăng. Lượng urê được sử dụng thấp hơn từ 30-50% mức nông dân thường dùng, nhưng năng suất thu hoạch vẫn đạt tương đương. Mức giảm 30% cho hiệu quả cao nhất. Dùng phân nhả chậm, người ta còn có thể giảm số lần bón phân từ 3 đến 4 đợt xuống còn 2 đợt trong một vụ lúa, giảm thời gian, công sức, nhất là đối với nông dân miền Bắc khi phải trồng lúa vào mùa đông lạnh giá. Nguồn: Tuổi Trẻ, 23/8/2001
- Công nghệ mới sản xuất titan siêu sạch Các nhà khoa học của Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã đưa ra quy trình sản xuất titan siêu sạch từ nguồn quặng sa khoáng titan có nhiều ở Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận để xuất khẩu và thay thế hàng ngoại nhập,. Từ quặng sa khoáng titan, có thể chế ra xỉ giàu TiO2, TiO2 tinh khiết, hợp kim titan hoặc titan kim loại sử dụng trong nhiều lĩnh vực: công nghệ sơn, công nghệ que hàn, chế tạo thép hợp kim titan, trong công nghiệp hàng không và vũ trụ,v.v. Bốn công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất titan sạch như sau: - Làm giàu quặng titan sa khoáng bằng cách tuyển, tinh quặng thu được chứa 50%-52% TiO2. - Làm giàu tinh quặng titan bằng cách luyện xỉ titan trong lò điện hồ quang, xỉ titan thu được chứa 80%-87% TiO2. - Chế tạo TiO2 sạch bằng phương pháp hóa học, sản phẩm thu được chứa 97%- 99% TiO2. - Chế tạo FeTi với hàm lượng từ 20%-70% Ti, chế tạo titan kỹ thuật chứa 97%- 99% Ti và titan siêu sạch chứa 99,99% Ti. Titan kim loại được sử dụng trong kỹ thuật hàng không vũ trụ. Giá bán: 13.000 USD/tấn titan kỹ thuật và 21.000 USD/tấn titan siêu sạch. Nguồn: Theo SGGP, 24/8/2001 Xử lý nước thải công nghiệp đạt hiệu quả cao Công ty Thuốc trừ sâu Sài Gòn là một cơ sở chuyên pha chế, trộn phụ gia hòa tan và đóng gói, chiết chai các loại thuốc bảo vệ thực vật ở các dạng thuốc bột, thuốc nước hoặc dạng hạt . Trong quá trình sản xuất, dù hạn chế tối đa việc sử dụng nước, song vẫn có nước thải ô nhiễm rất trầm trọng với lượng COD ( Nhu cầu ô xy hóa học) từ 3.000 - 5.000 mg/lít, thậm chí ở các hố ga, COD lên cao tới 200.000- 300.000 mg/lit,v.v nước thải chứa hàm lượng chất độc hại hàng ngày được Công ty giữ lại trong các thùng phuy bằng nhựa để ngoài trời để xử lý bằng vôi và xút . Sau 6 tháng mới xả ra bên ngoài và loạt nước thải mới lại được đóng thùng để xử lý và Công ty luôn trong tình trạng bị đe dọa bởi sự cố ô nhiễm lớn của nước thải Trung tâm Công nghệ Hóa học và Môi trường Việt Nam đã xử lý có hiệu quả các chất
- gây ô nhiễm nguồn nước thải tại Công ty Thuốc trừ sâu Sài Gòn, nước sau xử lý có khả năng đạt tiêu chuẩn nước thải loại A của Việt Nam bằng việc kết hợp các phương pháp hóa học, hóa lý và sinh học thành một công nghệ tổ hợp. Về công nghệ hóa học, Trung tâm sử dụng công nghệ phân hủy hóa học dưới tác dụng của các chất xúc tác mạnh (trong đó quá trình chủ yếu trong công nghệ là oxy hóa nâng cao) nhằm thực hiện mạnh hơn, hiệu quả hơn trong xử lý nước thải. Trung tâm đã dùng xúc tác Perozone và Fenton để thực hiện các quá trình phân hủy trên. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật gốc clo hữu cơ, phospho hữu cơ, gốc carbamat, pyrethoroid đạt từ 85% đến 95%. Để tăng hiệu quả xử lý, Trung tâm đã nghiên cứu một công nghệ kết hợp giữa công nghệ nói trên với công nghệ truyền thống là phương pháp phân hủy sinh học và phương pháp keo tụ hóa lý. Đồng thời Trung tâm đã chế tạo ra thiết bị phản ứng hóa học cho các quá trình. Hệ thống thiết bị này nằm gọn trên diện tích 200 m2 có công suất xử lý 50 m3 nước thải mỗi ngày. Theo Giám đỗc Công ty Thuốc trừ sâu Sài Gòn, ngoài việc xử lý nước thải do sản xuất công nghiệp của Công ty mỗi ngày, từ nay đến cuỗi năm 2001, Công ty sẽ giải quyết xong hàng chục thùng phuy chứa nước thải tồn đọng trong nhiều năm nay bằng công nghệ phối hợp nói trên. Nguồn: TTXVN, 29/8/2001 Xử lý nước thải từ bãi rác Nam Sơn ở Hà Nội Khu liên hợp Xử lý chất thải Nam Sơn là nơi tập trung xử lý rác thải lớn nhất của thành phố Hà Nội, có diện tích 83 ha, nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn). Khu liên hợp này đã xử lý được khoảng 10.000 m3 nước rác tồn đọng trong khoảng hơn 10 ngày. Trong quá trình đổ rác, do độ ẩm tự nhiên, quá trình vận hành, xử lý rác và đặc biệt là do mưa, đến nay lượng rác không được xử lý tồn đọng trong các ô chôn lấp lên tới 200.000 m3, gây nguy cơ rò rỉ nước thải từ bãi rác, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án "Xử lý khẩn cấp nước rác tồn đọng tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn". Sau gần 2 tháng thi công, ngày 15/8/2001, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ hoá học và Trung tâm Tư vấn chuyển giao công nghệ CTC đã hoàn thành hiệu chỉnh thiết bị với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng và bắt đầu xử lý nước rác với công suất từ 1.000-1.500 m3 nước rác/ngày. Kết quả phân tích cho thấy, nước rác sau khi xử lý bằng thiết bị mới đã đạt các thông số theo yêu cầu và đạt tiêu chuẩn nước thiên nhiên. Nguồn: Hà Nội Mới, 27/8/2001
- Chế biến vỏ trấu thành chất đốt cao cấp Công nghệ định hình sinh khối để sản xuất thanh nhiên liệu có chất lượng cao từ trấu là một giải pháp khả thi, mở ra triển vọng giải quyết tình trạng khan hiếm chất đốt ở các vùng nông thôn, đồng thời góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Ước tính hàng năm có khoảng gần 2 triệu tấn trấu được thải ra từ các cơ sở xay xát. Nhiều nhà máy, xí nghiệp mà chủ yếu ở phía Nam đang phải đối mặt với việc xử lý lượng phế thải khổng lồ trên do không đủ mặt bằng kho chứa và thiếu đầu ra. Chẳng hạn, một nhà máy xay xát có công suất trung bình 100 tấn/ca, 1 giờ sẽ thải ra 2,5 tấn trấu, 1 ngày là 60 tấn và 1 tháng là 1.800 tấn. Với khối lượng riêng của trấu là 130 kg/m3 thì phải cần một thể tích kho chứa trên 13.000 m3. Mặt khác, do khối lượng riêng nhỏ nên chi phí vận chuyển đến các vùng nông thôn, nơi đang thiếu chất đốt và vẫn phải chặt phá rừng để lấy củi, là rất tốn kém. Trước tình hình đó, từ năm 1997, Viện Năng lượng, thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam đã thực hiện dự án “Công nghệ định hình sinh khối các phế thải - phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thanh nhiên liệu có chất lượng cao”. Mới đây, Viện đã chế tạo thành công máy ép trục vít dùng để ép các phế thải - phụ phẩm nông nghiệp thành thanh nhiên liệu với nhiệt năng cao, tiện lợi trong vận chuyển. Máy có các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với máy của Thái Lan và Bangladesh nhưng giá thành chỉ bằng 1/2 đến 1/3. Nguyên lý làm việc của máy như sau: trấu sau khi xay xát thường có độ ẩm đến 11% được rót thẳng vào hệ thống cấp liệu. Máy ép hoạt động nhờ một động cơ điện công suất 11 kW, trục vít quay trong khuôn ép với tốc độ 200 đến 400 vòng/phút nhờ bộ truyền đai. Xung quanh khuôn ép được gia nhiệt bằng 3 vòng điện trở có công suất 6 đến 8 kW. Mục đích của việc gia nhiệt nhằm làm mềm nguyên liệu - giảm ma sát và lực ép, đồng thời làm chảy lignin có sẵn trong nguyên liệu thô tạo độ kết dính. Sản phẩm sau khi ép chắc - bóng, bề mặt được carbon hóa cao. Chiều dài của thanh nhiên liệu có thể thay đổi theo yêu cầu. Kết quả phân tích cho thấy thanh nhiên liệu có ưu điểm hơn hẳn nhiên liệu thô ban đầu do một số đặc tính cơ - lý - hóa được cải thiện như: tăng được khối lượng riêng lên từ 5-10 lần, rất dễ dàng cho vận chuyển đi xa với chi phí thấp; nhiệt lượng tăng theo đơn vị khối; dễ dàng cải tiến công nghệ đốt để có hiệu suất sử dụng cao, giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, máy do Viện Năng lượng chế tạo đang được ứng dụng thử nghiệm ở thị trấn Trôi (Hà Tây) cho kết quả khả quan, mở ra triển vọng cho phát triển công nghệ này ở Việt Nam. Sau khi công nghệ được hoàn thiện, ước tính có thể phát triển được gần 10.000 máy ở khắp các vùng trong cả nước. Nó sẽ giúp giải quyết tình trạng khan hiếm chất đốt ở các vùng nông thôn và thay thế cho gỗ củi, giảm chặt phá rừng. Hiện nay, giá 1 kg sản phẩm tương đương với giá củi trên thị trường (từ 400 đến 450 đ/kg).
- Nguồn: SGGP, 22/8/2001 Dùng chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm dầu trong Vụ đâm tàu chở dầu Việt Nam tại Vũng Tàu Vào hồi 1 giờ 20 ngày 7/9/2001, tàu chở dầu Formosa One (Quốc tịch Liberia) gây tai nạn cho tàu chở dầu Petrolimex 01 của Vitaco TP Hồ Chí Minh của Việt Nam tại vịnh Gành Rái, khu vực cảng Vũng Tàu, làm 900 tấn dầu tràn ra ngoài gây ô nhiễm. Vitaco đã có đơn khởi kiện tàu Formosa One thuộc Công ty Formosa Plastic Marine bồi thường cho Vitaco 1,65 triệu USD. Ngày 17/9/2001, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được sự ủy quyền của UBND tỉnh đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân tỉnh đối với Vitaco và Công ty Formosa Plastic Marine đòi bồi thường 17,2 triệu USD do sự cố hai công ty gây ra cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 13/9/2001, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra lệnh tạm giữ tàu Formosa One để bảo đảm giải quyết vụ án. Ngày 17/9/2001, thuyền trưởng tàu Formosa One đã tới Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo giấy triệu tập của tòa. Nhà chức trách cho phép tàu Formosa one, dưới sự giám sát và áp tải của Bộ đội Biên phòng Việt Nam, nhổ neo đi trả hàng tại cảng Cát Lái ở Tp. Hồ Chí Minh, sau đó tàu sẽ phải trở về neo đậu tại Vũng Tàu để chờ biện pháp xử lý. Vì sau khi điều tra nguyên nhân vụ tai nạn này, Công ty Vitaco (đơn vị chủ quản tàu chở dầu Petrolimex 01) đã chính thức có đơn khởi kiện tàu Formosa One do nguyên nhân tai nạn hoàn toàn thuộc lỗi của con tàu Formosa one. Theo Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu , dự báo sẽ có hơn 1.000 ha nuôi thủy sản trên địa bàn bị thiệt hại nặng do sự cố tràn dầu ngày 7/9/2001. Cụ thể khu vực Tp. Vũng Tàu có gần 200 ha nuôi thủy sản với hơn 1.000 ha lồng nuôi cá tại Long Sơn; khu vực huyện Tân Thành có gần 380 ha nuôi tôm sú; thị xã Bà Rịa có gần 270 ha nuôi tôm và cá bè, khu vực Lộc An (Long Đất),v.v Ngoài ra nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng bị thiệt hại nặng, ảnh hưởng lớn đến nghề đánh bắt ven bờ như lưới cào, đáy, te,v.v Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai công tác xử lý ô nhiễm do tai nạn tàu dầu xảy ra ngày 7/9/2001 tại vịnh Gành Rái bằng phương pháp rải chế phẩm sinh học Enratech. Trước mắt, Sở sẽ rải thử nghiệm một tấn Enratech tại khu vực Bãi Trước thành phố Vũng Tàu để đánh giá hiệu quả xử lý ô nhiễm do tràn dầu. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang nghiên cứu biện pháp làm sạch dầu tràn trên toàn tuyến bãi biển Vũng Tàu. Nguồn: Tuổi trẻ, 17/9/2001
- Cây Ngô giúp khử thủy ngân trong các khí thải của nhà máy điện Một nghiên cứu mới do Cơ quan Khảo sát địa chất Illinois và Đại học Illinois, Urbana-Champaign thực hiện, đã công bố một chất được chiết xuất từ cây ngô có khả năng khử thuỷ ngân trong khí thải nguy hại của các nhà máy điện đốt than. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm quy mô đầy đủ cácbon hoạt tính chiết xuất từ cây ngô và cácbon hoạt tính thương mại để thử nghiệm và so sánh hiệu năng của hai chất này trong một dự án trình diễn bơm cácbon hoạt tính tại nhà máy điện Abbott, Đại học Illinois . Thử nghiệm này là kết quả 5 năm hợp tác giữa Cơ quan Khảo sát địa chất Illinois (ISGS) và Đại học Illinois, nhằm phát triển các chất hấp thụ chi phí thấp để khử thuỷ ngân ở các nhà máy điện đốt than. Theo Massoud Rostam-Abadi , phụ trách năng lượng và kỹ thuật môi trường của ISGS, "thử nghiệm này lần đầu tiên áp dụng công nghệ tiêm cácbon vào khí ống khói do đốt than có hàm lượng sulfur cao ở Illinois" . Thuỷ ngân là chất ô nhiễm có độc tính cao, có thể thâm nhập vào các sông, hồ và làm nhiễm bẩn các nguồn thực phẩm khác của con người. Thuỷ ngân là chất được xếp thứ ba trong danh mục 20 chất độc hại nhất do Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) và Cơ quan Đăng ký chất độc và bệnh dịch, ban hành. Cơ thể con người, đặc biệt là hệ thần kinh rất nhạy cảm với tất cả các dạng thuỷ ngân và EPA đã phát hiện hợp chất clorua thuỷ ngân trong các khí ống khói của các qúa trình đốt than là tác nhân gây ung thư ở người. Đây là dạng đặc biệt của thuỷ ngân được xem là rất nguy hiểm khi tới não, là nơi có thể gây ra các huỷ hoại lâu dài. Các nhà máy điện đốt than là một trong các nguồn sinh ra các phát tán thuỷ ngân lớn nhất của con người. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy các chất hấp thụ cácbon hoạt tính chiết xuất từ cây ngô có thể rẻ và hiệu quả hơn so với các sản phẩm thương mại hiện nay được dùng để khử thuỷ ngân, đặc biệt là clorua thuỷ ngân, trong luồng khí nóng ở các nhà máy điện đốt than. Các thử nghiệm quy mô đầy đủ được ISGS, Đại học Illinois và các nhà nghiên cứu tiến hành, chứng minh hiệu năng của chất hấp thụ nhờ vào cây ngô. Các nhà nghiên cứu hy vọng công nghệ mới này sẽ là biện pháp thay thế chi phí thấp cho các biện pháp khử thuỷ ngân hiện nay. Nguồn: Earth Vision Environmental News, 9/2001. Sản xuất thanh nhiên liệu từ phế thải nông nghiệp
- Phòng Năng lượng mới - Chất đốt nông thôn, thuộc Viện Năng lượng đang triển khai nghiên cứu công nghệ định hình phụ phẩm - phế thải nông nghiệp (trấu, rơm rạ, bã mía, vỏ cà-phê, xơ dừa,v.v để sản xuất thanh nhiên liệu (củi) có nhiệt lượng cao. Phòng đã chế tạo thành công máy ép trục vít có bộ gia nhiệt khuôn ép dùng để ép các phế liệu nông nghiệp thành thanh nhiên liệu. So với máy cùng loại của nước ngoài, máy của Viện Năng lượng rẻ hơn, phù hợp điều kiện ở nông thôn . Dự kiến cuối năm 2001, Viện sẽ sản xuất mười nghìn máy để cung cấp cho các địa phương trong cả nước. Nguồn: Nhân dân, 18/9/2001 Màng lọc xanh mới, chi phí thấp và hiệu suất cao Một loại màng lọc mới do các nhà nghiên cứu trường Đại học Arkansas phát triển hứa hẹn tạo ra ảnh hưởng lớn tới các quy trình lọc được sử dụng trong các ngành công nghiệp từ dược phẩm cho tới hoá dầu. Loại màng mới này không chỉ được tạo ra trên cơ sở protein mà còn có hiệu suất cao hơn và chi phí rẻ hơn so với các loại màng polymer truyền thống, loại màng mới này còn được tạo ra từ các nguồn tái tạo. Bob Beitle, phó giáo sư về hoá học của trường Đại học cho biết, màng được tạo ra từ các mảnh tách protein nước sữa (WPI), là chất thải của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Người phát triển ra loại màng mới này là Juinn Teo và Beitle, công trình đã được đưa trên Tạp chí Membrane Science số gần đây. Theo các nhà nghiên cứu, loại màng này sử dụng tốt nhất cho các quy trình nhỏ và quy trình lọc, Beitle and Teo đang nghiên cứu phát triển các ứng dụng công nghệ. Theo Beitle "tốt nhất là quá trình lọc trong chế biến sữa. Khi sữa được chế biến bộ lọc sẽ được sử dụng để loại bỏ các phân tử chất béo và protein trước khi thanh trùng sữa. Thật thú vị là chính các protein lỏng này lại được sử dụng để tạo ra màng “WPI" "Đây là một ví dụ kinh điển chứng minh cho những ai đưa ra được các câu hỏi đúng và tìm tòi theo cách riêng của mình.” Loại màng sử dụng cho quá trình lọc và tách các protein lỏng đã có từ lâu, song Teo đã xem xét vấn đề theo một cách khác và có thể tạo ra loại màng mới và có nhiều triển vọng hơn”. Theo các nhà nghiên cứu, các sử dụng loại màng này trong lĩnh vực sinh y sắp tới sẽ được thực hiện, loại màng này có thể sử dụng ngay bây giờ trong các ngành công nghiệp khác. Ví dụ, một đặc tính của màng WPI là khả năng chống chịu cao đối với các dung môi, nó còn được sử dụng trong các quy trình dung môi đậm đặc ở một số ngành công nghiệp, gồm cả các lĩnh vực thực phẩm và dược liệu. Nguồn: EarthVision Environmental News, 9/ 2001
- Công nghệ xử lý nước ngầm nhiễm lưu huỳnh bằng ôzôn Qua nghiên cứu và tìm giải pháp xử lý nước ngầm bị ô nhiễm lưu huỳnh (H2S) - một loại khí độc hại trong các nguồn nước thiên nhiên, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, Trung tâm Công nghệ mới ALFA - Tp. Hồ Chí Minh đã xây dựng được quy trình công nghệ mới khử lưu huỳnh trong nước ngầm bằng Ôzôn (O3). Giải pháp này hoàn toàn khác biệt với các giải pháp xử lý cổ điển từ trước đến nay như không sử dụng hóa chất, các loại axít H2SO4, HCl, không phụ thuộc vào giá trị độ pH của nước ngầm, vận hành đơn giản không phức tạp. Chi phí xử lý thấp, để có 1 m3 nước sạch phải xử lý nước ngầm bị nhiễm S, Fe ở mức độ trung bình thì chi phí khoảng l.600 đ/m3 (phương pháp xử lý cổ điển khoảng 2.500 đ/m3). Quy trình công nghệ bao gồm bơm đầu nguồn, thiết bị tiếp xúc Ôzôn, bể phản ứng và lắng kết hợp, bơm trung gian và thiết bị lọc. Theo đó, nước ngầm được tiếp xúc Ôzôn trong một thời gian nhất định để oxy hóa lưu huỳnh thành khí SO2 (sulfure). Ngoài lưu huỳnh, sắt và các kim loại nặng khác cũng bị oxy hóa triệt để tạo thành oxyt kim loại lắng ở đáy bình. Nước được lọc qua thiết bị lọc trước khi đưa vào sử dụng. Ôzôn là một tác nhân oxy hóa đứng hàng đầu (phản ứng ozonit) và là một chất cộng hợp lực mạnh (phản ứng ozona) dẫn tới nhiều ứng dụng đặc hiệu: thanh trùng triệt để (môi trường nước và khí), khử mùi, tẩy màu, phân hủy các muối (tan trong nước) thành dạng oxyt kết tủa (không tan) tạo điều kiện thuận lợi cho việc lọc, lắng để loại bỏ một cách dễ dàng. Trong công nghệ hóa học nó giữ vai trò tối ưu trong các quá trình oxy hóa hoặc cộng hợp. Nhưng điều quan trọng hơn cả là sau khi phản ứng hoàn tất chức năng (thanh trùng, khử mùi, tẩy màu, v.v ) thì lượng ôzôn dư sẽ dễ dàng chuyển sang oxy. Cơ chế đó hoàn toàn không gây ô nhiễm như khi sử dụng các hoạt chất hóa học khác. Nguồn: VnExpress, S.G,16/7/2001 Tinh bột làm vật liệu mới sản xuất ni lông tự phân hủy Vật liệu bao gói sử dụng trong cuộc sống ngày nay phải đảm bảo được nhiều yếu tố, vừa tiện dụng, đẹp, không gây ô nhiễm môi trường. Và tinh bột (như ngô, khoai, gạo) là vật liệu đáp ứng được những yêu cầu đó. Để tạo nên các vật liệu polyme tự tiêu, người ta có thể tổng hợp các polyme mới hoặc tổ hợp các polyme có sẵn (trong đó phải có một polyme phân hủy nhanh). Với điều kiện nước ta hiện nay, biện pháp thứ hai khả thi hơn cả. Trong số các polyme dễ phân hủy sẵn có, được sử dụng nhiều nhất là tinh bột (ngô, khoai, gạo ). Polyme tinh bột có ưu điểm là nhanh chóng bị vi sinh vật phân hủy. Tuy nhiên, màng mỏng làm từ chúng nếu không có các phụ liệu khác, sẽ rất giòn và kém chịu nước. Vì lẽ đó, cần tổ hợp nó với các vật liệu khác để tạo ra loại màng có đầy đủ các tính năng của một túi ni
- lông. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam Từ những năm 70, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tinh bột của gạo, ngô hoặc tốt nhất là hỗn hợp của hai loại rất thích hợp làm chất độn khô trong sản xuất màng chất dẻo tự tiêu. Hiện nay, Viện Hóa học Công nghiệp đang nghiên cứu sản xuất màng polyme tự phân hủy trên cơ sở hỗn hợp tinh bột sắn, ngô. Với màng polyme tổ hợp có 20% tinh bột, kết quả thử nghiệm cho thấy sau 3 tháng ngâm nước, màng polyme tự phân hủy rõ rệt và có thể sử dụng làm túi ươm cây và màng che sương giữ ẩm trong nông nghiệp. Một hướng nghiên cứu khác thuộc về nhóm khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu polyme (Đại học Bách khoa Hà Nội). Sản phẩm túi ni lông gói hàng của Trung tâm có khả năng phân hủy sau khi vùi trong đất 4- 6 tháng. Tinh bột là chất độn chính sản xuất túi ni lông tự tiêu. Khi chôn túi xuống đất, các vi sinh vật sẽ ăn hết phần tinh bột, tạo thành lỗ thủng trên màng khiến chúng dễ bị phân hủy, đồng thời các nguyên tố kim loại hiếm trong đất giúp tạo thành các phức, xúc tiến quá trình phân hủy màng polyme nhanh hơn. Sản phẩm thử nghiệm cho thấy, màng này có độ dai gần tương đương với các túi hàng chứa 6-7 kg. Hướng nghiên cứu sắp tới của Trung tâm là sản xuất các màng dày có thể dùng làm hộp đựng cơm, giỏ ươm cây, các màng phủ giữ độ ẩm cho đất để sau 3 tháng, trong điều kiện tự nhiên, chúng có thể tự phân hủy. Ngoài nghiên cứu các vật liệu bao gói, hiện Trung tâm cũng đồng thời nghiên cứu chế tạo màng polyme dùng trong y học, ví dụ tạo màng để cấy thuốc bỏng lên trên. Nhờ có cấu tạo đặc biệt, các màng này có thể nhả thuốc từ từ vào trong vết thương của bệnh nhân hay còn gọi là gạc chữa bỏng “thông minh”. Dự kiến, đến năm 2003, các sản phẩm này sẽ có mặt trên thị trường. Nguồn: VnExpress, SGGP, 26/9/2001 Hệ thống xử lý nước thải mới Công ty hoá chất Akzo Nobel của Đan mạch đã phát triển công nghệ đơn giản xử lý nước thải một bước có thể loại bỏ về cơ bản tất cả các dạng hydro cácbon trong nước. Công nghệ này gồm một hệ thống chiết suất polyme dạng xốp lớn MPPE. Hệ thống này theo các tác giả, có thể loại bỏ 99,999% các chất nhiễm bẩn dạng hydro cácbon. Hệ thống này nén các hạt polyme trong một cột, gồm các tầng đã nạp. Tại đây giữ lại dung dịch chiết không phân cực. Nước sẽ được làm sạch khi đi qua tầng đã nạp này, trong quá trình đó dung dịch chiết sẽ hấp thụ các hydro cácbon. Cấu trúc lỗ xốp và dung dịch chiết được giữ cố định. Công ty đã ứng dụng công nghệ này hoạt động trong các điều kiện pH cao. Hiện nay, công ty Akzo Nobel vẫn băn khoăn về các trạm xử lý mini của mình chỉ có khả năng xử lý nước với tốc độ 1m3/giờ, trong khi các trạm xử lý thông thường
- có công suất xử lý 120m3/giờ. Có thể tăng công suất xử lý bằng cách sử dụng các cột song song, để tạo ra tốc độ dòng chảy lớn hơn. Theo báo cáo hàng năm của công ty Akzo Nobel, thì công nghệ mới này có thể loại bỏ một lượng lớn các hydro cácbon. Các hydro cácbon bao gồm các dạng chất thơm, chất béo , chất clo hoá và các dạng vật liệu halogen và các hydrocácbon thơm đa chức khác. Các chất rắn vô cơ hoà tan như các muối, các nguyên tố khoáng và kim loại, có thể đi qua các cột chiết mà không xảy ra quá trình nhiễu hay tương tác nào. Thậm chí các lượng lớn các hợp chất không có khả năng chiết suất như các loại rượu hay xeton, đều không gây ảnh hưởng đến khả năng chiết các hydro cácbon. Về cơ bản, Hệ thống MPP gồm hai cột. Một cột diễn ra quá trình chiết các hydro cácbon, cột còn lại tiến hành làm sạch và phục hồi nhờ các luồng hơi áp suất thấp. Chu trình làm sạch bằng hơi diễn ra trong khoảng 1 giờ, rồi sau đó có thể tái sử dụng nước. Tỷ lệ tiêu thụ hơi nước là khoảng 6 kg/m3, so với 100 kg/m3 nước cần cho quá trình tạo hơi nước. Nước lọc từ các cột nước có thể tái chế, và có thể dùng các hydro cácbon chiết được làm nhiên liệu. Nước được làm sạch có thể là nước ngầm, nước từ quy trình sản xuất hoặc nước thải. Công nghệ mới này đã được đưa vào xử lý nước quy trình ngoài các giàn khoan dầu ngoài khơi, giúp tạo ra số lượng lớn các tuyến cấp nước chất lượng cao. Nguồn: Earth vision, September 2001 Một phương pháp xử lý ô nhiễm dầu của Việt Nam Đầu tháng 9/2001, một tầu nước ngoài đã va chạm với một tàu chở dầu Việt Nam làm tràn hơn 800 tấn dầu diesel gây ô nhiễm nặng nề trên vùng biển kéo dài 13 km. Chi phí thu dọn ước tính lên tới 8 triệu USD. Năm 1994, sông Sài Gòn đã từng bị tràn ngập với 1.700 tấn dầu diesel và những sự cố tràn dầu ở nhiều nơi khác xảy ra cũng đã gây rất nhiều tác hại. Sự cố tràn dầu vừa qua đã cho thấy ngành dầu khí nước ta đang phụ thuộc vào những công nghệ chống ô nhiễm dầu tràn của nước ngoài. Để hút hết số dầu nhờn đang làm ô nhiễm mặt biển, Vietsovpetro dùng những sản phẩm đặc dụng của Australia. Nhưng một số nhà khoa học Việt Nam đã có những giải pháp "nội hóa" để xử lý vấn đề này. Trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học Môi trường Đặng Thị Cẩm Hà, thuộc Viện Công nghệ sinh học Hà Nội, đang ứng dụng một trong những giải pháp như vậy ở Công ty Xăng dầu B-12 trên bờ vịnh Hạ Long, đây là một phương pháp xử lý chất thải dạng dầu nhờn có chi phí thấp, để xử lý 1 mét khối nước thải theo phương pháp nói trên chỉ tốn có 6.000 đồng. Công nghệ này dựa trên một nguyên tắc đã được quốc tế thử nghiệm và khẳng định từ lâu: cung cấp chất dinh dưỡng cho những loại vi khuẩn có sẵn trong nước và có khả năng "ăn" dầu. Với nguồn ô-xy bổ sung thêm, các chất dinh dưỡng sẽ giúp cho các loại vi khuẩn phát triển nhanh hơn, nhờ đó lượng dầu tràn được phân hủy và sẽ nhanh chóng thu nhỏ dần rồi hoàn toàn mất hết. Điểm độc đáo trong phương pháp chính là loại chất dinh dưỡng được nghiên cứu thành công để "nuôi" được 50 biến thể
- vi khuẩn có trong vùng biển Việt Nam. ở Công ty xăng dầu B-12, nước thải chứa đầy dầu nhờn sẽ được đi qua bốn bồn xử lý trong quy trình 36 giờ. Một trong bốn bồn ấy có nuôi những con cá chép giống châu Phi. Nếu các con cá chết tức là phương pháp xử lý không có tác dụng. Nước thải đã được tẩy sạch sẽ được đưa thẳng xuống vịnh Hạ Long. Những cuộc kiểm tra thường xuyên của các cơ quan môi trường tại đây đã bảo đảm rằng chất thải đã được xử lý đạt tiêu chuẩn an toàn. Nguồn: Thị trường, 30/10/2001 Nghiên cứu tạo ra dầu nhớt dễ phân hủy Các nhà khoa học ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội vừa nghiên cứu, sử dụng dầu thực vật để sản xuất chất bôi trơn tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy có ba loại: dầu lạc, dầu sở và thầu dầu có thể đáp ứng các yêu cầu về độ ôxy hóa, độ nhớt tương đương với dầu khoáng. Việc nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho các loại cây lấy dầu nguyên liệu ở nước ta. Các loại dầu nhớt hiện nay rất khó phân hủy sinh học, đe dọa nghiêm trọng ô nhiễm đất và các nguồn nước, nhất là ở đô thị và các khu công nghiệp. Nguồn: Nhân dân, 13/11/2001 Giới thiệu công nghệ chuyển đổi động cơ xăng sang sử dụng gas Ngày 18/10/2001, tại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Universal Petroleum (U.P) Việt Nam đã giới thiệu hệ thống chuyển đổi động cơ xăng sang sử dụng gas. Công nghệ này nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng để hạn chế ô nhiễm môi trường. Công ty liên doanh Vinataxi là đơn vị đầu tiên được U.P chuyển đổi cho một xe taxi đã chạy thử nghiệm 5 ngày cho biết: Xe chạy gas khởi động và chạy tốt, xe chạy không thấy khói, tuy nhiên trong xe luôn có mùi gas nên ngồi lâu thấy khó chịu. Công ty U.P đưa ra giá chuyển đổi từ một động cơ xăng sang dùng gas là 500 USD, đối với các Công ty taxi chuyển đổi nhiều xe cho trả chậm từ 1-2 năm. Về lâu dài đây là một công nghệ giảm thiểu ô nhiễm cần được khuyến khích. Nguồn: Lao Động, No 238, 19/10/2001 Thiết bị quan trắc ô nhiễm nước mới và độc đáo
- Các nhà nghiên cứu ở Sandia National Laboratories đã phát triển một thiết bị cảm biến mới quan trắc tức thời có thể đặt trực tiếp dưới nước ngầm để phát hiện các hoá chất trong đất và nước ngầm. Bộ cảm biến này được coi như những nỗ lực lớn của các nhà nghiên cứu phát minh ra một công cụ quan trọng nhằm bảo vệ các nguồn nước cấp của Hoa Kỳ và tiến hành phân tích chất lượng nước tự động mà không cần phải lấy mẫu nước rồi đưa về phân tích tại phòng thí nghiệm. Cliff Ho, nhà nghiên cứu của phòng thí nghiệm Sandia cho biết "Thiết bị này có thể tự động phát hiện ngay được các hoá chất không thích hợp trong nguồn nước cấp. Thiết bị có thể quan trắc tại những địa điểm có các hoá chất độc hại rò rỉ vào các bể chứa nước ngầm và các bãi thải hoá chất, mỗi năm tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ tới hàng triệu đô la. Thông thường, để tiến hành quan trắc một địa điểm ô nhiễm hoặc để đánh giá và phân tích sơ bộ chất lượng môi trường, người ta phải lấy mẫu nước hoặc mẫu khí tại hiện trường và gửi về phân tích tại phòng thí nghiệm. Các hoạt động đó bị lệ thuộc vào những thông số thí nghiệm rất tốn kém, có khi phải chi tới 1000 đô la cho một mẫu phân tích phòng thí nghiệm. Hơn nữa, sai số thường hay xảy ra trong quá trình lấy mẫu, thu thập mẫu, vận chuyển hoặc lưu giữ bảo quản các mẫu. Tuy nhiên, với hệ thống quan trắc do Ho và đồng nghiệp Bob Hughes phát triển, thì hệ thống này giúp phát hiện ngay tại hiện trường và có khả năng gửi ngay các thông tin về các dung môi với các nồng độ của dung môi về cho các trạm thu thập dữ liệu để lưu trữ và phân tích thông tin. Hệ thống có thể hoạt động bằng phương thức vô tuyến, chuyển tải thông tin lên mạng để mọi cá nhân có trách nhiệm trong cả nước có thể truy nhập nhanh các thông tin này. Hệ thống hoạt động nhờ sử dụng một loạt các bộ cảm biến có thể phát hiện các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Các bộ cảm biến này được mạ phủ một lớp polyme để các VOC có thể hấp phụ qua lớp này. Các VOC làm cho polyme phồng nở và làm thay đổi điện trở của chúng, và những thay đổi của màng polyme được đo và ghi lại. Mức độ phồng nở này phụ thuộc vào nồng độ bốc hơi của hoá chất tiếp xúc với các polyme. Hughes, chuyên gia phát triển các bộ cảm biến của dự án, cho biết " do sử dụng 4 loại polyme khác nhau- mỗi loại cho mỗi cảm biến - chúng tôi có thể phát hiện được tất cả các dung môi mà chúng tôi quan tâm. Các cảm biến khác nhau có thể được sử dụng để xác định các VOC khác nhau, bằng cách so sánh các ký hiệu hoá chất mới phát hiện được với các ký hiệu của các mẫu đã biết. Hệ thống cảm biến được đặt trong một vỏ bọc không thấm nước để những người nghiên cứu có thể đặt hệ thống này trực tiếp trong nước hoặc dưới đất.
- Hệ thống vẫn có thể hoạt động ngay cả khi đặt ở dưới nước vì có một cửa nhỏ phủ bằng một màng GORE-TEX, màng này không thấm nước và cho phép các khí thấm lọt vào được. Phòng thí nghiệm Sandia cho biết, thiết bị này đã được sử dụng cho một số thử nghiệm hiện trường và cũng đã được triển khai tại bãi thải hoá chất của Phòng thí nghiệm Sandia để kiểm tra xem những bộ cảm biến có độ chịu bền hoá chất tại chỗ ngoài môi trường thực tế như thế nào. Bộ cảm biến được treo ở dưới sâu 60 feet trong một giếng có lưới chắn, sâu gần 500 feet so với gương nước, lấy dữ liệu từng giờ một. Họ cho biết "vài ba năm tới, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thấy phát minh này sẽ được ứng dụng ở các địa điểm thuộc Bộ Năng lượng (DOE) yêu cầu để quan trắc, cứu chữa và hoặc quản lý lâu dài những địa điểm bị ô nhiễm mà hiện nay đang phải chi hàng triệu đô la để phân tích bằng thủ công các mẫu lấy từ hiện trường- Thiết bị này cũng có thể được ứng dụng ở nhiều địa điểm thương mại và các ứng dụng khác như các trạm gas, kể cả hơn 2 triệu thùng chứa dưới đất, cần phải quan trắc để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan bảo vệ môi trường (EPA). Nguồn: Earth Vision Environmental, News, 10/2001