Tài nguyên, môi trường lưu vực sông Đà và phương pháp tiếp cận xây dựng mô hình quản lý tổng hợp

pdf 8 trang hapham 1470
Bạn đang xem tài liệu "Tài nguyên, môi trường lưu vực sông Đà và phương pháp tiếp cận xây dựng mô hình quản lý tổng hợp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftai_nguyen_moi_truong_luu_vuc_song_da_va_phuong_phap_tiep_ca.pdf

Nội dung text: Tài nguyên, môi trường lưu vực sông Đà và phương pháp tiếp cận xây dựng mô hình quản lý tổng hợp

  1. Tài nguyên, môi trường lưu vực sông Đà và phương pháp tiếp cận xây dựng mô hình quản lý tổng hợp PGS.TS. Nguyễn Tuấn Anh TS. Nguyễn Quang Trung và các cộng sự Viện Khoa học Thuỷ lợi Tóm tắt : Sông Đà là chi lưu lớn nhất của sông Hồng nằm trong vùng núi tây bắc thuộc hữu ngạn sông Hồng. Bắt nguồn từ vùng núi Ngưu Sơn tỉnh Vân Nam - Trung Quốc có độ cao trên 1500 m, lưu vực sông trải dài theo hướng tây bắc - đông nam kéo dài từ 20040’ đến 25000 vĩ độ bắc và từ 100022’ đến 105024’ kinh độ đông. Tổng chiều dài sông chính là 1010 km, trong đó có 570 km trên lãnh thổ Việt Nam. Diện tích toàn bộ lưu vực là 52.900 km2, trong đó phần thuộc lãnh thổ Việt Nam là 26.800 km2, chiếm 50,7% bao gồm 22 huyện thuộc các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái. Với tiềm năng kinh tế quan trọng như tài nguyên nước mặt phong phú, điều kiện tự nhiên cho phép xây dựng các hồ chứa lớn đa mục tiêu. Các hệ sinh thái đặc trưng bao gồm các nguồn tài nguyên sinh vật với mức đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động, thực vật có giá trị kinh tế đặc hữu của vùng Tây bắc Việt Nam. Trong bài viết này đề cập đến một só nguồn tài nguyên, môi trường cơ bản trong lưu vực và đưa ra những nguyên tắc tiếp cận để xây dựng mô hình quản lý tổng hợp lưu vực. I. Các nguồn tài nguyên, môi trường chính 1. Tài nguyên, môi trường đất Quỹ tài nguyên đất lưu vực sông Đà là 3,56 triệu ha (~10% diện tích cả nước), trong đó đất được sử dụng là 1,52 triệu ha, đất chưa sử dụng là 2,04 triệu ha. 80,3% đất tự nhiên nằm ở độ dốc 250. Trong lưu vực có những nhóm đất chính như sau: - Nhóm đất phù sa: có diện tích 20.302 ha, chiếm 0,57% diện tích đất tự nhiên, phân bố tập trung hai bên sông Đà và những sông suối lớn. - Nhóm đất Glay: có diện tích 4414 ha, chiếm 0,124% diện tích, phân bố ở những nơi có địa hình thấp, giữa các thung lũng dốc tụ úng nước hay nơi có mực nước ngầm nông. - Nhóm đất than bùn có diện tích 260 ha, chiếm 0,007% diện tích, phân bố ở một số khu vực nhỏ của huyện Lương Sơn - Hoà Bình. - Nhóm đất đen: có diện tích 4162 ha, chiếm 0,12%, phân bố rải rác ở hai tỉnh Sơn La và Lai Châu. - Nhóm đất tích vôi: có diện tích 1942 ha, chiếm 0,055%, phân bố cở các vùng địa hình trũng, bằng phẳng của tỉnh Hoà Bình và Sơn La. - Nhóm đất có tầng sét loang lổ có diện tích 10330 ha, chiếm 0,29%, phân bố rải rác ở hai tỉnh Hoà Bình và Sơn La. 1
  2. - Nhóm đất xám có diện tích 2.792.032 ha, chiếm 78,4% tổng diện tích, là nhóm có diện tích lớn nhất và phân bố đều khắp ở 3 tỉnh chủ yếu là đất đồi dốc. - Nhóm đất đỏ có diện tích 487830 ha, chiếm 13,7% diện tích, đất phát triển trên đá Macma Bazơ, đá vôi, phân bố ở dộ dốc >30 và độ cao trên 100 m thuộc các tỉnh trong lưu vực. - Nhóm đất mùn Alit núi cao: có diện tích 78671 ha, chiếm 2,21% tổng diện tích, phân bố ở độ cao trên 200 m, có nhiệt độ bình quân dưới 150C. - Nhóm đất tầng nông: có diện tích 16280 ha, chiếm 0,46% tổng diện tích, phân bố chủ yếu trên nền dất dốc, xói mòn mạnh của cả lưu vực. - Nhóm đất khác: có diện tích 143.777ha chiếm 4,06% tổng diện tích Hầu hết đất trong lưu vực có tầng nông đến trung bình, tầng đất dày trên 100 cm chiếm 25%, tầng đất mỏng dưới 50 cm chiếm 20%, còn lại là đất có tầng dầy trung bình từ 50-100 cm. Đất có thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, thoát nước khá. Đa số đất trong lưu vực có phản ứng chua đến rất chua, độ no bazo và dung tích hấp phụ thấp, các chất dinh dưỡng ở dạng dễ tiêu nghèo, hàm lượng lân tổng số, kali tổng số khá cao. Trữ lượng mùn trong đất thay đổi từ 55 đến 200 tấn/ha và trữ lượng đạm tương đương là 3-8 tấn/ha. Hiện trạng sử dụng đất đến năm 2000 như trong bảng 1. Bảng 1: Hiện trạng sử dụng đất năm 2000 (ha) Loại đất Tổng số Trong đó Lai Châu Sơn La Hoà Bình 1. Đất nông nghiệp 407.373 150.544 190.070 66.759 - Đất trồng lúa 349.641 143.329 161.266 45.046 - Vườn tạp 29.892 3.978 9.584 16.330 - Cây lâu năm 22.994 2.517 16.424 4.053 - Nuôi trồng thuỷ sản 3.248 720 1.628 900 2. Đất lâm nghiệp có rừng 1.036.993 511.565 331.120 194.308 - Rừng tự nhiên 946.227 498.675 301.082 146.470 - Rừng trồng 90.744 12.889 30.024 47.831 - Vườn ươm 12 1 4 7 3. Đất chuyên dùng 58.540 8.849 23.327 27.364 4. Đất ở 15.486 3.923 5.756 5.807 5. Đất chưa sử dụng, sông suối 2.045.285 1.017.043 856.227 172.015 núi đá Tổng số 1.691.924 1.405.500 466.253 Theo bảng 1 thì đất nông nghiệp chiếm 11,44%, đất lâm nghiệp chiếm 29,13% và đất chưa sử dụng vào sản xuất là 57,45% so với đất tự nhiên. So với 8 vùng sinh thái trong 2
  3. cả nước, tỉ lệ đất nông nghiệp và đất chuyên dùng thấp nhất, trong khi đó đất chưa sử dụng chiếm tỷ lệ 20,4% cả nước, cao thứ hai sau vùng đông bắc (26,91%). 2. Tài nguyên nước mặt 2.1. Mưa và quy luật biến đổi của mưa Mùa mưa trên lưư vực gồm 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 9. Lượng mưa trong mùa mưa chiếm khoảng 75-80% lượng mưa năm, các tháng còn lại từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau lượng mưa chỉ chiếm từ 20 đến 25% lượng mưa năm. Chuẩn mưa năm Xo biến đổi rất rõ rệt theo không gian lưu vực sông: - Vùng thượng lưu thuộc địa phận Trung Quốc có lượng mưa ít, biến động từ 800-2000 mm, trung bình 1500 mm và có xu hướng tăng dần từ thượng nguồn về đến biên giới Việt Trung. - Vùng dọc biên giới Việt Trung và các khu vực phía bờ trái thuộc sườn phía tây dãy Hoàng Liên Sơn là vùng mưa lớn và sinh lũ chủ yếu với lượng mưa trung bình nhiều năm biến đổi từ 2000 đến 3000 mm. Trong vùng này có 2 tâm mưa lớn là: + Tâm mưa lớn ở vùng núi cao thượng nguồn sông Đà sát biên giới Việt Trung mà tâm mưa là khu vực Mường Tè có lượng mưa từ 2400-3000 m. + Tâm mưa lớn thứ hai nằm dọc sườn phía tây dãy Hoàng Liên Sơn có lượng mưa từ 2500 đến 3000 mm. - Vùng có lượng mưa thấp là vùng núi và cao nguyên bờ phải sông Đà, thuộc sông Nậm Mực và một khu vực trải dài từ Thuận Châu – Sơn La – Cò Nòi – Yên Châu với lượng mưa năm trung bình 1200-1500 mm. Sau đó lại có xu thế tăng lên về phía hạ lưu như tại Thường Yên 1822 mm, Hoà Bình 1882 mm. Về mô hình phân phối mưa, tháng có lượng mưa lớn nhất thường xuất hiện trong tháng 7 hoặc tháng 8. Trong đó khu vực thượng lưu như Lai Châu, Sìn Hồ, Tuần Giáo, Quỳnh Nhai lượng mưa tập trung lớn nhất vào tháng 7. Khu vực trung và hạ lưu như Mộc Châu, Hoà Bình thì lượng mưa tháng 8 lại lớn nhất trong năm. 2.2. Tài nguyên nước và quy luật biến đổi tài nguyên nước Do ảnh hưởng của địa hình và khí hậu, dòng chảy trên lưu vực sông Đà phân bố không đều theo thời gian, tạo thành hai mùa dòng chảy rõ rệt đó là mùa lũ bắt đầu từ tháng 6, chậm hơn một tháng so với tháng bắt đầu mùa mưa, kéo dài 4 hoặc 5 tháng và kết thúc vào tháng 9 hoặc tháng 10, những tháng còn lại là mùa kiệt. Mùa lũ có lượng dòng chảy lũ rất lớn, chiếm từ 75-80% tổng lượng dòng chảy cả năm. Tháng 7 và 8 là các tháng có lượng nước lớn nhất, mỗi tháng chiếm khoảng 23% lượng nước toàn năm, trong khi đó tổng lượng nước của 7 tháng mùa kiệt chỉ chiếm 20- 25% lượng nước cả năm. Do địa hình dốc nên thời gian tập trung lũ khá nhanh, từ khi mưa đến khi lũ về chỉ 2 đến 3 ngày, riêng đối với các sông nhánh thì thời gian tập trung lũ không quá 24 giờ. 3
  4. Cường suất lũ cũng lớn, đạt 3-7 m/ngày ở thượng lưu, 2-3 m/ngày ở khu vực trung lưu và 0,5-1,5 m/ngày ở khu vực hạ lưu. Biên độ của mực nước lũ và lưu lượng lũ hàng năm cũng dao động rất lớn, đạt 3-4 m trên các sông nhánh nhỏ, 7-10 m trên sông lớn. Biên độ của lưu lượng đỉnh lũ 4700-21000 m3/s tại Hoà Bình, 4.600-19.600 m3/s tại Lai Châu. Khi có lũ lớn, lưu lượng đỉnh lũ lớn nhất cũng tập trung tương đối nhanh từ biên giới về Hoà Bình. Đỉnh lũ lớn nhất trong năm tại Lai Châu và Tạ Bú gần như trùng với đỉnh lũ lớn nhất trong năm taị Hoà Bình. Tại Lai Châu số lần trùng hợp đỉnh lũ lớn nhất năm với trạm Hoà Bình là 85-90%, tại Tạ Bú là 90-95%. Tổng lượng dòng chảy của cả lưu vực tính đến trạm Lai Châu là 33,3 tỉ m3, tính đến Tạ Bú là 46,8 tỉ m3 và tính đến trạm Hoà Bình là 55,6 tỉ m3. Vùng thượng nguồn nằm trong vùng núi cao ven biên giới Việt Trung và phía tây dãy Hoàng Liên Sơn, do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của 2 tâm mưa lớn nên khả năng sinh dòng chảy rất lớn. Trong mùa lũ mođun dòng chảy năm biến đổi trong khoảng từ 60-80 l/s-km2. Phần lưu vực bờ phải sông Đà do lượng mưa do lượng mưa ít hơn nên mođun dòng chảy chỉ từ 30-40 l/s-km2. Đoạn từ Tạ Bú đến Hoà Bình với chiều dài hơn 200 km khả năng sinh dòng chảy khu vực này cũng thấp vì cùng nằm trong khu vực có lượng mưa nhỏ hơn 1500 mm. 2.3. Lũ quét và lũ bùn đá trên lưu vực sông Đà Lũ quét là hiện tượng tự nhiên chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như khí hậu, thời tiết có mưa với cường độ lớn, xảy ra trên địa hình đặc biệt có độ dốc bề mặt lớn hơn 20- 30%, nhất là những nơi độ che phủ của thảm thực vật thưa, độ ổn định của lớp đất mặt kém, tạo điều kiện nước tập trung dồn nhanh vào các khe suối tạo ra động năng và thế năng lớn, dòng nước chảy siết và có sức tàn phá mãnh liệt. Lũ bùn đá là một dạng đặc biệt của lũ quét, trong đó nước lũ mang theo bùn và đá trong dòng lũ gây nên các sự tàn phá vô cùng dữ dội. Trong 30 năm qua, lũ quét và lũ bùn đá đã xảy ra và lặp đi lặp lại ở một số địa điểm điển hình. Thí dụ ở thị trấn Mường Lay và thị xã Lai Châu, chỉ tính từ năm 1990 đến 1997 đã xảy ra 6 trận lũ quét, riêng năm 1994 tại thị xã Lai Châu lũ quét đã xuất hiện 2 lần. Trận lũ quét năm 1996 đã huỷ diệt gần hết thị trấn Mường Lay. Nước lũ kéo theo bùn đá tràn vào các nhà dày tới 3-4 m, nước bùn leo đến sàn ngủ của đồng bào Thái ven suối Nậm He, nhiều tảng đá đường kính 4-5 m từ hai bên sườn núi trôi ra chắn ngang suối, vùi kín cả cánh đồng lúa. Tại Phong Thổ cũng tương tự, trong vòng 30 năm qua đã xảy ra một số trận lũ quét vào các năm 1958, 1962 và 1996. Theo kết quả nghiên cứu về lũ quét trên lưu vực, những vùng có nhiều khả năng xảy ra lũ quét là vùng hữu ngạn sông Đà thuộc lưu vực các sông nhánh Nậm Pô, Nậm Mức và huyện Mường Tè, Mường Lay thuộc Lai Châu và lưu vực sông Nậm Pàn, Nậm Na thuộc Sơn La. Ngoài ra, những vùng có khả năng xuất hiện lũ quét ở tả ngạn sông Đà bao gồm phần lớn lưu vực sông Nậm Mu và huyện Phong Thổ. Đây là những vùng trọng điểm 4
  5. cần đầu tư nghiên cứu để có những giải pháp cụ thể và hữu hiệu nhằm hạn chế các thiệt hại do lũ quét và lũ bùn đá gây ra. 3. Tài nguyên sinh vật 3.1. Thảm thực vật và phân loại thảm thực vật Hầu như toàn bộ các kiểu thảm thực vật tự nhiên vùng lưu vực sông Đà đều thuộc lớp quần hệ rừng rậm tạo thành bởi các thảm cây gỗ có tán khép kín. Do sự phân hoá của sinh khí hậu, lớp quần hệ rừng rậm được chia thành 2 nhóm dưới quần hệ như sau: - Nhóm quần hệ rừng rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa bao gồm: + Quần hệ thường rừng rậm xanh mưa mùa trên đất thấp: phân bố độ cao dưới 500 m. Thường gặp chủ yếu ở Mường la, Yên Châu dọc theo 2 bờ sông Đà và các nhánh suối lớn. + Quần hệ thường rừng rậm xanh nhiệt đới mưa mùa ở núi đất thấp: phân bố ở độ cao từ 500 đến 1500 m. Kiểu quần hệ này chiếm diện tích lớn nhất trong vùng. Các quần xã thực vật chính trong kiểu này là: rừng rộng thường xanh cây lá rộng với ưu thế là Cà ổi Điện Biên, dẻ dai, dẻ sổi, bồ đề với các loài đi theo khác và các loài dưới tán như các loài de, ngát, trám trắng, hoàng linh, các loại rừng tre nứa hoặc tre nứa hỗn giao với cây lá rộng. + Quần hệ rừng rậm thường xanh trên núi trung bình: phân bố ở độ cao từ 1600 đến 2600 m. Phần lớn diện tích đất đai này nằm trong tầng mây mù che phủ thường xuyên và thường gặp loại quần xã rừng rậm thường xanh cây lá rộng với ưu thế một số loài như dẻ núi cao, đỗ quyên, hồi núi hoặc hỗn hợp cây lá kim như pơmu + Quần hệ rừng rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa trên núi cao: phân bố ở độ cao trên 2600 m. Loại hình rừng này nằm trong vành đai sương mù quanh năm, nhiệt độ thấp, lượng mưa trung bình từ 1800 đến 3200 mm/năm. Quần hệ thực vật chủ yếu là rừng rậm thường xanh cây lá rộng với các loài chiếm ưu thế thuộc dạng gỗ lùn của các họ đỗ quyên, họ hồi, họ chè - Nhóm quần hệ rừng rậm nửa rụng lá ở vùng thấp (<500 m) và các kiểu thứ sinh thay thế. Hiện nay rừng nguyên sinh nhóm này hầu như không còn nữa do bị khai thác chặt phá, đốt nương làm rẫy, thay vào đó là các trảng cây bụi nửa rụng lá với các loài đại diện như bằng lăng, chè xanh, thành ngạnh, me rừng - Thảm cây trồng xuất hiện dưới dạng những mảnh nhỏ, các cây công nghiệp như chè, trẩu được trồng trên những cao nguyên đá vôi và một số diện tích trên đất san, dày. Hiện nay diện tích này đang bị thu hẹp do canh tác chưa có hiệu quả kinh tế cao. Nhìn chung, quá trình thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc (dự án 327/CP) và chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (dự án 661/CP), thảm thực vật trong vùng đang được phục hồi. Như tỉnh Lai Châu từ năm 1993 đến năm 2001 đã trồng đực 16.032 ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng và đã nâng độ cao che phủ rừng từ 12,1% năm 1992 lên 31% năm 2000 và đang phấn đấu đến năm 2005 đưa diện 5
  6. tích rừng lên 747.169 ha (hiện nay là 524.496 ha) đạt tỉ lệ che phủ 40% và năm 2010 là 994.411 ha, tỉ lệ che phủ là 50%. Tỉnh Sơn La, năm 2000 diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 331.121 ha. Độ che phủ rừng những năm vừa qua tăng liên tục từ 9,0% năm 1990; 9,5% năm 1991 và lên 25,1% năm 2000. Trung bình tăng 1,6% diện tích/năm và phấn đấu đến năm 2005 đạt tỉ lệ che phủ 41,2%, năm 2010 là 60%. Tỉnh Hoà Bình diện tích đất lâm nghiệp năm 1991 là 136.848 ha; năm 1995 là 151.206 ha, đến năm 2000 diện tích rừng là 196.308,2 ha. Tỉ lệ che phủ chiếm 37% diện tích. Đang phấn đấu đưa diện tích rừng năm 2005 là 204.218 ha và năm 2010 là 234.525 ha, đưa diện tích che phủ lên trên 50%. 3.2. Tài nguyên động vật Cho đến nay đã thống kê được 514 loài động thực vật có xương sống thuộc 105 họ, 29 bộ. Trong đó có 99 loài thú thuộc 33 họ, 8 bộ; 316 loài chim thuộc 53 họ, 17 bộ; 64 loài bò sát thuộc 13 họ, 4 bộ và 35 loài lưỡng cư thuộc 6 họ, 1 bộ. Đặc diểm phân bố các loài động vật phụ thuộc nhiều vào vai trò của thảm thực vật. Sự đa dạng về loài trong thảm thực vật giữ vai trò cực kỳ quan trọng, đồng thời độ cao của rừng núi cũng có chức năng chi phối sự phân bố của từng nhóm, loài. ở độ cao dưới 700 m, bước đầu đã thống kê được 322 loài thú, chim, bò sát, ếch nhái trên tổng số 514 loài , chiếm 64,5% tổng số loài có trong lưu vực. Đai trên 700 m có 147 loài, chiếm 28,6% tổng số loài phân bố ở đây. II. Phương pháp tiếp cận xây dựng mô hình quản lý tổng hợp Lưu vực sông Đà là một trong những lưu vực lớn có địa hình phức tạp, hiểm trở, hệ động thực vật phong phú đa dạng, các dạng tài nguyên phong phú. Trên lưu vực có nhiều dân tộc anh em sinh sống với những bản sắc, phong tục tập quán khác nhau. Đặc biệt lưu vực sông có sự liên hệ trực tiếp với phần thượng lưu thuộc Trung Quốc và phần hạ lưu là đồng bằng sông Hồng. Giữa cả ba vùng có mối liên hệ tương tác khá chặt chẽ và có tính logic, mỗi tác động do hoạt động phát triển của vùng này có thể gây ảnh hưởng đến vùng khác và ngược laị. Vì vậy, để xây dựng được mô hình quản lý tổng hợp bước đầu chúng tôi đề xuất một số phương pháp tiếp cận sau: 1. Phương pháp tiếp cận * Tổng hợp và liên ngành Lưư vực sông là một thực thể thống nhất chứa đựng đầy đủ các điều kiện tự nhiên, các hệ sinh thái, các dạng tài nguyên và các điều kiện về kinh tế xã hội. Vì vậy, xây dựng mô hình quản lý tổng hợp lưu vực sông trên quan điểm bền vững cần có phương pháp tiếp cận tổng hợp và liên ngành, xem xét nhiều yếu tố, những mối tác động qua lại lẫn nhau để xây dựng cơ cấu ngành kinh tế hợp lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Quá trình này cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau, và các nhà hoạch định chính sách để nhìn nhận vấn đề một cách tổng hợp, 6
  7. toàn diện, tránh những mâu thuẫn trong quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên và các ngành kinh tế. * Sinh thái hệ thống Mỗi lưu vực được hình thành bởi một tập hợp các tiểu lưu vực, trong đó được đặc trưng bởi các hệ thống sinh thái bao gồm các yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội tác động qua lại lẫn nhau bởi chu trình vật chất và năng lượng. Vì vậy, trong quản lý lưu vực cần bảo đảm duy trì được chức năng và tính toàn vẹn của các hệ sinh thái và bảo đảm được tính đa dạng sinh học theo nguyên tắc quản lý thích ứng trên cơ sở tri thức, sự hợp tác đa ngành đồng thời nhận biết được tính tất yếu của sự thay đổi. * Tiếp cận từ dưới lên Lưu vực được quản lý tốt phải trên cơ sở quản lý tốt các tiểu lưu vực và các hệ sinh thái trong lưu vực. Vì vậy, xây dựng mô hình quản lý tổng hợp lưu vực phải dựa trên cách tiếp cận từ dưới lên. Các tiểu lưu vực và nhỏ hơn là các hệ sinh thái, các công trình cụ thể, phải tiến hành đánh giá xem xét một cách tổng hợp, toàn diện để có phương án quản lý thích hợp. Phải coi đây là những thành phần cơ sở hợp thành lưu vực, và các thành phần cơ sở quản lý được tốt thì lưu vực mới quản lý tốt được. * Có sự tham gia của cộng đồng Quản lý lưu vực có sự tham gia của cộng đồng là một quá trình đi từ nhận thức đến hành động. Cộng đồng là những người hưởng lợi trực tiếp từ các nguồn tài nguyên trong lưu vực. Vì vậy họ phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với việc quản lý các nguồn tài nguyên đó. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý phải tạo điều kiện để họ tham gia đầy đủ vào quá trình ra quyết định, thực hiện và quản lý các dự án phát triển, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của người hưởng lợi cũng như thực hiện chủ trương xã hội hoá quản lý tài nguyên của nhà nước như chủ trương giao đất giao rừng, chuyển giao quản lý tưới của các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ. 2. Khung quản lý tổng hợp lưu vực Theo định nghĩa về quản lý tổng hợp lưu vực sông của J. Buston: “Quản lý tổng hợp lưu vực sông bao hàm các nhà hoạch định chính sách xem xét tất cả các khía cạnh về các nguồn tài nguyên có trong lưu vực, nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên đó theo cách tiếp cận hệ sinh thái. Mục tiêu tổng quát là để bảo đảm những sự lựa chọn phương án phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả lâu dài thông qua sự phát triển các mối quan hệ hài hoà giữa những hộ sử dụng tài nguyên và giữa cộng đồng với lưu vực”. Theo cách tiếp cận như trên, để xây dựng được mô hình quản lý thích hợp cần thực hiện các bước sau: Bước 1: Đánh giá các nguồn tài nguyên sinh thái và nhu cầu sử dụng. Mục đích của bước này là kiểm kê đánh giá các nguồn tài nguyên trong lưu vực, hay nói cách khác lập bộ hồ sơ lưu vực trong đó tất cả các nguồn tài nguyên tự nhiên như nước mặt, nước ngầm, tài nguyên đất, tài nguyên sinh học, khoáng sản, xã hội nhân văn 7
  8. cần được kiểm kê đánh giá xác định được tiềm năng cũng như hiện trạng khai thác sử dụng để làm cơ sở dự báo diễn biến tài nguyên môi trường theo các phương án phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Trong bước này cũng cần xác định được các hoạt động của con người và các hiện tượng tự nhiên tác động đến sự thay đổi các hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên. Bước 2: Xác định được các mối quan hệ và các tác động tương tác giữa các nguồn tài nguyên và môi trường. Hệ sinh thái là một đơn vị tự nhiên bao gồm tất cả các quần xã sinh vật và các yếu tố môi trường sống của một khu vực nhất định, có sự tác động qua lại và sự trao đổi vật chất, năng lượng với nhau. Các đặc tính cơ bản của nó là tính thay đổi, tính phục hồi và tính đa dạng sinh học. Vì vậy mục đích của giai đoạn này là đánh giá được mối quan hệ và các tác động tương tác giữa các nguồn tài nguyên, môi trường trong lưu vực, đồng thời đánh giá tương quan giữa phát triển và suy thoái tài nguyên môi trường để xác định được miền kết hợp tối ưu giữa kinh tế - xã hội - môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Bước 3: Xác định các nguyên tắc quản lý Từ những phân tích trên, bước tiếp theo cần xác định được nhu cầu của việc duy trì bảo vệ các hợp phần cấu thành lưu vực và cơ sở để bảo vệ bền vững các hệ sinh thái then chốt để đề ra các nguyên tắc quản lý phù hợp với các nhu cầu trên. Nguyên tắc quản lý không chỉ đề cập đến mối quan hệ trong lưu vực mà cần xét đến mối quan hệ có tính hệ thống đối với phần thượng lưu thuộc địa phận Trung Quốc và đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng, nơi có mối quan hệ hữu cơ và chịu tác động trực tiếp của những hoạt động phát triển trong lưu vực. Bước 4: Đề xuất mô hình quản lý Các yêu cầu của bước này là xây dựng được chức năng nhiệm vụ trên cơ sở các phương pháp tiếp cận đã nêu để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các khung thể chế, khung chính sách, khung quy hoạch cũng cần được xây dựng cụ thể để làm hành lang pháp lý cho việc thực thi chức năng nhiệm vụ của tổ chức quản lý lưu vực sông. Tài liệu tham khảo [1] Khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Đà. Nguyễn Văn Thắng- ĐHTL [2] Tài nguyên đất lưu vực sông Đà và phương hướng sử dụng. Le Đức và nnk , ĐHKHTN [3] Hiện trạng tài nguyên sinh vật và da dạng sinh học lưu vực sông Đà. Đặng huy Huỳnh và nnk. Viện Tài nguyên sinh vật [4] Phương pháp tiếp cận và khung quản lý tổng hợp lưu vực sông. Nguyễn Quang Trung Viện Khoa học Thuỷ lợi Người phản biện: TS. Nguyễn Văn Thắng 8