Tiềm năng, hiện trạng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

pdf 9 trang hapham 2900
Bạn đang xem tài liệu "Tiềm năng, hiện trạng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftiem_nang_hien_trang_va_giai_phap_phat_trien_du_lich_sinh_th.pdf

Nội dung text: Tiềm năng, hiện trạng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

  1. TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở HUYỆN A LƯỚI, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ LÊ VĂN TIN Đại học Huế NGUYỄN HOÀNG SƠN Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Du lịch sinh thái đang được quan tâm và phát triển nhanh trên thế giới. Huyện A Lưới tỉnh - Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng về tự nhiên, văn hóa bản địa và các tài nguyên hỗ trợ, cũng như các điều kiện để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, du lịch sinh thái ở A Lưới còn yếu và chưa đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của du lịch sinh thái, cần có nhiều giải pháp hợp lý để khai thác tốt tiềm năng này của huyện. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong những thập niên gần đây, du lịch sinh thái đang có bước phát triển nhanh chóng. Với đặc điểm là gắn với thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương, thông qua việc giáo dục về môi trường, mang lại lợi ích nhiều mặt cho nhân dân và chính quyền địa phương nên du lịch sinh thái đang rất hấp dẫn khách du lịch, được chính phủ ở nhiều quốc gia quan tâm đầu tư phát triển. Hiện nay du lịch sinh thái không chỉ là hướng du lịch tăng trưởng nhanh nhất, mà còn chiếm một vị trí quan trọng trong du lịch quốc tế. Nhiều hình thức du lịch sinh thái đã được lựa chọn đầu tư trong các dự án và quy hoạch phát triển ở nhiều cấp độ khác nhau. A Lưới là huyện vùng cao thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Tây giáp với hai tỉnh là Salavan và Sê Kông của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Bắc giáp huyện Đakrông (Quảng Trị) huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), phía Nam giáp huyện Tây Giang (Quảng Nam), phía Đông giáp các huyện Hương Trà, Hương Thuỷ và Nam Đông. A Lưới hiện đang có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hoá tộc người, du lịch các điểm di tích cách mạng Mỗi một loại hình du lịch đều có những thế mạnh và nét đặc trưng của nó, trong đó nổi bật nhất là du lịch sinh thái. Việc nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và hiện trạng hoạt động, đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái của huyện A Lưới là vấn đề có tính cấp thiết. 2. TIỀM NĂNG VÀ ĐIỀU KIỆN PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI CỦA HUYỆN A LƯỚI 2.1. Đặc điểm tự nhiên Nằm trên sườn Tây của dãy Trường Sơn Bắc, huyện A Lưới có địa hình phức tạp, hiểm trở, bị chia cắt mạnh, độ cao tuyệt đối dao động từ 250m đến 1.774m. Cao nhất là đỉnh Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 04(16)/2010: tr. 96-104
  2. TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DU LỊCH 97 Động Ngại (1.774m). Được nâng lên do tân kiến tạo, thung lũng A Lưới kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, hai bên thung lũng là địa hình núi cao và hiểm trở, các đỉnh núi ở đây thường có độ dốc trên 350. Sự tương phản lớn của địa hình đã tạo nên những phong cảnh ngoạn mục: thác nước, khe suối, thung lũng sâu , đây chính là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng gây bất lợi cho du lịch như độ an toàn thấp, công tác cứu hộ gặp khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Đại bộ phận của lãnh thổ A Lưới có kiểu khí hậu mang tính chất chuyển tiếp Đông và Tây Trường Sơn với chế độ mưa mùa. A Lưới có tổng lượng mưa năm trên 3.400mm. Trong đó, tổng lượng mưa từ tháng I đến tháng VIII chỉ khoảng 1.000mm, tháng II và tháng III là 2 tháng thiếu ẩm. Tốc độ gió trung bình mạnh nhất trong tỉnh, số ngày có dông nhiều nhất, thường xảy ra lóc, mưa đá hơn các nơi khác. A lưới quanh năm không có mùa nóng. Mùa lạnh kéo dài 4 tháng, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 5OC. Tháng lạnh nhất có nhiệt độ dưới 18OC. Một phần diện tích huyện A Lưới thuộc tiểu vùng khí hậu núi cao Động Ngại với nhiệt độ trung bình 18-22OC, lượng mưa năm xấp xỉ 3.600mm, khí hậu quanh năm mát mẻ, không có mùa nóng. Như vậy, bên cạnh nền nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai du lịch nghỉ dưỡng trên núi thì A Lưới cũng gặp nhiều khó khăn như dông, lốc, mưa đá. A Lưới là nơi bắt nguồn 5 con sông lớn trong khu vực. Trong đó có 2 sông chảy sang Lào là Asáp và Alin, 3 sông chảy trong lãnh thổ Việt Nam là sông Đakrông, sông Bồ và sông Hương. Sông suối với mật độ tương đối dày hiện diện trong địa bàn núi non phổ biến đã là điều kiện để hình thành các phong cảnh đẹp gắn liền suối thác như thác A Nôr. A Lưới còn sở hữu một nguồn tài nguyên rừng lớn, tỷ lệ che phủ cao, trữ lượng trung bình 6-7 triệu m3 với nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, sến, mun, vàng tâm, dổi, kiền, tùng và nhiều loại lâm sản khác như tre, nứa, luồng, lồ ô, mây. Động vật rừng đa dạng với một số loài như sao la, chồn hương, mang, nai thuộc nhóm động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Đó là cơ sở tốt để phát triển du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan còn khá nguyên sơ và đặc trưng cho khu vực chuyển tiếp Đông và Tây Trường Sơn. A Lưới còn nổi tiếng với những cảnh quan đẹp, hấp dẫn như thác A Nôr (xã Hồng Kim), hay thác Pông Chất; hang động Kềnh Crâm (xã A Roàng) với tầng tầng lớp lớp tác phẩm tạo hình lạ mắt bằng thạch nhũ; suối dưỡng sinh nước nóng Tôm Trung; hồ mặt nước ngầm A Co (xã Phú Vinh, Hồng Thượng); những dòng sông êm ả quanh thung lũng A Lưới như A Sáp, A Lin, Tà Rình ẩn khuất dưới hai bờ xanh cây trái; dải rừng nguyên sinh với tính đa dạng sinh học cao chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh rất phù hợp cho du lịch mạo hiểm. 2.2. Văn hóa bản địa A Lưới là nơi cư trú của nhiều dân tộc như Tà Ôi, Ka Tu, Bru-Vân Kiều (người Tà Ôi chiếm khoảng 60% dân số) với những nét văn hóa đặc sắc như lễ hội đâm trâu, đâm dê,
  3. 98 LÊ VĂN TIN - NGUYỄN HOÀNG SƠN lễ cầu mùa AzaKoonh Những lễ hội này chứa đựng nhiều nội dung khác nhau như cầu xin cho dân làng được sống yên vui, đoàn kết. A Lưới cũng tập trung khá đa dạng các loại hình văn nghệ dân gian như âm nhạc, múa, hội họa mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào địa phương. Bên cạnh đó còn có những tập quán sinh hoạt đặc trưng của dân bản địa, kiến trúc nhà ở, trang phục và những sản phẩm truyền thống, đặc biệt là nghề dệt vải dzèng (một loại thổ cẩm) với nét độc đáo là trực tiếp chèn hạt cườm vào vải đều có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch. 2.3. Tài nguyên hỗ trợ Là một chiến trường khốc liệt trước đây, A Lưới có rất nhiều di tích lịch sử, là nền tảng để phát triển loại hình du lịch lịch sử chiến tranh như cụm địa đạo Khu ủy Trị Thiên, cụm địa đạo Động So - A Túc, khu Bốt Đỏ, đồi A Bia, đồn A Sầu và sân bay A Sầu, sân bay A Lưới, ngã ba đầu đường 71 - đường 14B, ngã ba đầu đường 72 - đường 14B, ngã ba đầu đường 73 - đường 14B, dốc Con Mèo trọng điểm đường B45, động Tiên Công, đường Hồ Chí Minh Với nhiều cựu chiến binh và du khách quốc tế, một trong những lý do để họ tìm đến A Lưới hôm nay vẫn là quá khứ chiến tranh khốc liệt và hào hùng với nhiều địa danh nổi tiếng. Đây cũng chính là thế mạnh, tiềm năng lớn của A Lưới trong việc khai thác giá trị của nó để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, phát triển du lịch. 2.4. Vị trí và khả năng tiếp cận Huyện miền núi A Lưới cách thành phố Huế 73km về phía tây. Việc giao thông, luận chuyển hàng hóa giữa Huế và A Lưới được thực hiện qua tuyến Quốc lộ 49 và nối liền các cửa khẩu Hồng Vân và cửa khẩu S10 với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thực hiện một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, tuyến giao thông huyết mạch và có tầm chiến lược trong qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước là đường Hồ Chí Minh cũng đã cơ bản hoàn thiện, dài hơn 100 km nối từ Quốc lộ 9, huyện Đăkrông tỉnh Quảng Trị vào nam nối với tỉnh Quảng Nam. Mạng lưới giao thông như vậy đã tạo nên khả năng thông thương, hợp tác với các vùng, miền trong tỉnh, trong nước và với Lào, tạo ra khả năng to lớn để khai thác tiềm năng du lịch của huyện. 2.5. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch Giao thông nội bộ A Lưới cũng khá phát triển, ngoài trục đường chính là đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49 dẫn từ miền xuôi lên các huyện miền núi và thông sang Lào còn các đường liên thôn liên xã đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng đáng kể, các xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở nên các phương tiện giao thông còn hạn chế. Sông A Sáp và A Lin là hai con sông chính cùng các nhánh sông suối nhỏ chạy dọc theo thung lũng tạo nên hệ thống giao thông đường thuỷ của huyện. Các xã trong huyện đã được sử dụng nguồn điện từ mạng lưới Quốc gia, tuy nhiên để phát triển du lịch cần nâng cấp hơn nữa hệ thống cung cấp điện nước. Nhìn chung cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch của huyện còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Cả huyện có 4 nhà nghỉ và khách sạn với hơn 60 phòng còn
  4. TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DU LỊCH 99 đảm bảo chất lượng và đủ tiêu chuẩn phục vụ, còn lại phần lớn đều đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu của khách. Các dịch vụ khác như ăn uống, vui chơi giải trí còn nghèo nàn, thiếu thốn. 3. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH SINH THÁI HUYỆN A LƯỚI 3.1. Khách du lịch Do công tác tổ chức quản lý các hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế (chưa bán vé tham quan) nên công tác thống kê số lượng khách gặp rất nhiều khó khăn và kết quả chưa thực sự chính xác. Nhưng, qua số liệu báo cáo tổng hợp của Phòng Công thương huyện A Lưới từ 2007-2009, lượng khách du lịch trong các năm gần đây đã tăng lên khá nhanh. Tuy nhiên, số lượng này còn quá nhỏ so với tiềm năng tài nguyên du lịch của huyện. Bảng 1. Số lượt khách du lịch đến tham quan huyện A Lưới (2007-2009) Năm 2007 2008 2009 Khách du lịch nội địa 2.300 2.645 3.042 Khách du lịch quốc tế 4.800 5.520 6.348 Tổng 7.100 8.165 9.390 Nguồn: Báo cáo tổng hợp các năm của phòng Công thương A Lưới Khách nội địa du lịch, tham quan A Lưới chủ yếu là đi tự phát, không thông qua các tổ chức du lịch. Khách quốc tế là các cựu chiến binh, chuyên gia, nhân viên các tổ chức khoa học đến khảo sát phục vụ công tác nghiên cứu. Khách thuần túy tham quan chỉ có một số đoàn lẻ người Hoa kỳ, Hà lan, Phần Lan, Đức, Australia đến với số lượng nhỏ (1-5 khách). 3.2. Doanh thu du lịch Du lịch huyện A Lưới chỉ mới được chú ý trong một vài năm nay. Đã có những đầu tư bước đầu cho hoạt động du lịch tại các điểm. Tuy vậy, vẫn còn nhỏ lẻ về quy mô và thấp về hiệu quả kinh tế. Cơ cấu kinh tế của huyện tuy đã có phần chuyển biến theo hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực du lịch - dịch vụ nhưng vai trò của du lịch trong biến chuyển đó là rất mờ nhạt. Tuy nhiên, tại một số điểm, hoạt động du lịch đã tỏ ra có hiệu quả ít nhiều về mặt kinh tế đối với cộng đồng địa phương và một số hộ. Tiêu biểu trong số này là 2 điểm du lịch văn hóa cộng đồng Làng văn hóa A Hưa (xã Nhâm) và Làng văn hóa A Ka 2 (xã A Roàng). Tại đây, với mức thu như sau: - Ở nhà sàn qua đêm: 50.000 đồng/khách - Chi phí phục vụ sinh hoạt cùng dân bản địa trong nhà sàn: 400.000 đồng/lượt - Ăn chính: 40.000 đồng/suất - Ăn sáng: 15.000 đồng/suất
  5. 100 LÊ VĂN TIN - NGUYỄN HOÀNG SƠN - Bồi dưỡng người dẫn đường vào rừng sinh thái: 100.000 đồng/ngày/người - Bồi dưỡng người gùi thức ăn, nước uống: 100.000 đồng/ngày/người Những dịch vụ này do chính bà con dân tộc ít người thực hiện. Tiền thu được một phần bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ, phần còn lại đưa vào quỹ phục vụ các sinh hoạt cộng đồng. Như vậy kinh phí để đầu tư và phát triển du lịch sinh thái của huyện còn hạn hẹp, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước. 3.3. Các hoạt động du lịch Nhìn chung các tuyến điểm tham quan du lịch ở A Lưới còn rời rác. Cho đến nay, đã có 9 di tích, địa điểm di tích được nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, pháp lý đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận, trong đó có 7 di tích cấp Quốc gia và 2 di tích cấp tỉnh. Do không được đầu tư bảo vệ, tôn tạo thích đáng, đặc biệt là xây dựng tượng đài và đường đến di tích, nên các di tích lịch sử văn hóa của huyện đang xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các điểm đều không bán vé và không có các dịch vụ đi kèm nên không mang lại những lợi ích trực tiếp về mặt kinh tế cho địa phương. Hai địa điểm được đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hóa cộng đồng là Làng văn hóa A Hưa (xã Nhâm) và Làng văn hóa A Ka 2 (xã A Roàng). Tại mỗi làng, một nhà rông được xây dựng khá khang trang. Đây vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng nhưng cũng vừa là nơi du khách nghỉ ngơi, sinh hoạt và ngủ qua đêm. Trong các tour, du khách cùng sinh hoạt lửa trại, hát múa với người dân bản địa tại nhà rông và thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc như xôi thui ố ng, cơm lam, bánh sừng, thịt gói nướng vùi, thịt thui ống các thức uống độc đáo của địa phương như rượu đoác, rượu cần, rượu mía. Các tuyến du lịch đều xuất phát từ Trung tâm hành chính huyện. Tuỳ thuộc thời gian, du khách có thể chọn một số tuyến sau: - A Lưới - thác Ano - cửa khẩu Hồng Vân. - A Lưới - hồ A Ko - làng văn hóa Chi Lanh - AK1 - suối nước nóng A Roàng - cửa khẩu S3 - cửa khẩu S10. Đặc điểm chung của các điểm, tuyến du lịch này là sự gắn kết còn rời rạc, kèm theo đó là các dịch vụ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho du lịch còn yếu kém nên hiệu quả khai thác chưa cao. 3.4. Đánh giá thực trạng hoạt động du lịch huyện A Lưới theo các nguyên tắc của du lịch sinh thái Đặc trưng của du lịch sinh thái là đề cao vai trò giáo dục và thuyết minh môi trường. Khách du lịch được thuyết minh về môi trường thiên nhiên và các giá trị khác khi đến tham quan. Song, nguyên tắc này chưa được đảm bảo do nguồn thông tin hạn chế; sơ đồ chỉ dẫn các tuyến điểm tham quan và các tờ gấp giới thiệu về các điểm du lịch cho du khách chưa có hoặc chưa đủ; lực lượng hướng dẫn viên còn thiếu và chưa được đào tạo chuyên nghiệp.
  6. TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DU LỊCH 101 Trên thực tế nguyên tắc “Bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái” cũng chưa được chú ý đúng mức trong công tác tổ chức triển khai du lịch nhưng do lượng du khách ít ỏi và không có những thời điểm tập trung cao độ nên những tác động đối với môi trường và hệ sinh thái là không đáng kể ở A Lưới. Các hoạt động du lịch đã khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Trong lộ trình bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch, nghề dệt thổ cẩm, các lễ hội truyền thống đã được chú ý gìn giữ như Lễ hội đâm trâu, Lễ mừng lúa mới và Lễ hội cầu mùa; cấu trúc nhà truyền thống như nhà sàn, nhà rông; các điệu hát, điệu múa và các nhạc cụ dân tộc cũng được nghiên cứu, sưu tầm và phát triển; nghệ thuật hội họa và điêu khắc truyền thống (ở nhà mồ, cột đâm trâu ); đặc biệt là các món ăn dân tộc rất phong phú và có những nét độc đáo trong sắc, hương, vị cũng đã được phát huy phục vụ hoạt động du lịch, mang lại sự hấp dẫn cho sản phẩm du lịch và ấn tượng khó quên đối với du khách. Nguyên tắc “Tạo cơ hội có việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương” được đáp ứng tốt nhất tại 2 điểm du lịch văn hóa cộng đồng là Làng văn hóa A Hưa (xã Nhâm) và Làng văn hóa A Ka 2 (xã A Roàng) với sản phẩm du lịch là du lịch văn hóa cộng đồng và du lịch sinh thái. Tại đây, người dân địa phương tham gia và có thu nhập từ những hoạt động cho thuê nhà sàn qua đêm, phục vụ sinh hoạt trong nhà sàn, bán thức ăn truyền thống, dẫn đường vào rừng sinh thái, thức ăn, nước uống. Ngoài 2 điểm trên, tất cả các điểm du lịch đều không bán vé và không có các dịch vụ tại chỗ nên địa phương không thụ hưởng được những lợi ích kinh tế trực tiếp. 4. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI Ở HUYỆN A LƯỚI Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch A Lưới giai đoạn 1995-2010 và định hướng đến năm 2020, A Lưới được xác định là cụm du lịch quan trọng thứ 3 của tỉnh Thừa Thiên Huế, có mối quan hệ mật thiết với các khu, điểm du lịch trong vùng du lịch Bắc Trung Bộ, là trung tâm trong tuyến du lịch Huế - A Lưới - Lào - Thái Lan và ngược lại. Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó, du lịch A Lưới cần tiến hành một loạt các giải pháp hiệu quả và đồng bộ: 4.1. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Qui hoạch phát triển du lịch sinh thái có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý các hoạt động du lịch trong huyện. Vì vậy, trước hết cần tiến hành qui hoạch du lịch sinh thái trên quan điểm phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các tổ chức, cơ quan chức năng. Quy hoạch du lịch của huyện cần dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời tuân theo các nguyên tắc phát triển bền vững. Không gian du lịch sinh thái được phân chia thành các khu chức năng. Trong đó, Trung tâm thị trấn A Lưới được xác định là không gian du lịch hạt nhân. Với hệ thống giao thông thuận tiện là trục quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh nối với các điểm du lịch vệ tinh. Đây là khu vực có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo, tập trung tất cả các nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí Không gian du lịch
  7. 102 LÊ VĂN TIN - NGUYỄN HOÀNG SƠN hạt nhân này cần được mở rộng đầu tư để có khả năng hỗ trợ và thúc đẩy các không gian du lịch vệ tinh hoạt động được hiệu quả hơn, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa không gian du lịch trung tâm với các không gian du lịch vệ tinh. 4.2. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cần có những giải pháp mang tính chiến lược, lâu bền trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch và các dịch vụ bổ trợ để thu hút khách. Bên cạnh việc khai thác các tài nguyên du lịch sinh thái, cần chú ý đến các tài nguyên bổ trợ; du lịch sinh thái cần kết hợp với du lịch nghiên cứu, du lịch văn hóa cộng đồng, thăm chiến trường xưa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm. 4.3. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật Nâng cấp trục giao thông chính là Quốc lộ 49, xây dựng hệ thống giao thông xung quanh trục đường Hồ Chí Minh dẫn vào các bản làng để phục vụ khách tham quan quanh vùng. Nghiên cứu khảo sát, đầu tư xây dựng các tuyến đi bộ vào các điểm du lịch trong huyện để phục vụ khách tham quan rừng nguyên sinh, rừng cây gỗ quý, cây cổ thụ, các di tích chiến trường xưa Cần đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp điện, nước sạch đến tận các thôn, bản. Xây dựng các trạm phát sóng điện thoại phù hợp để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, đặc biệt là thông tin di động ở các địa bàn du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động tham quan của du khách. Tại các tuyến điểm tham quan điểm dừng chân nên có nhà vệ sinh, thùng rác, biển hướng dẫn để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phù hợp với cảnh quan tự nhiên. Hoàn thiện cơ sở lưu trú liên kết với các dịch vụ vui chơi giải trí như sân chơi thể thao, hàng quán phục vụ ăn uống, phòng chiếu phim Tại các điểm tham quan có thể xây dựng các chòi quan sát chim, thú. Tổ chức điểm bán hàng lưu niệm với những sản phẩm thủ công truyền thống địa phương. Tổ chức phương tiện vận chuyển phù hợp với đặc điểm tự nhiên từ trung tâm huyện tới các điểm du lịch vệ tinh. Tổ chức các dịch vụ bán và cho thuê các trang thiết bị phục vụ tham quan cho du khách như xe đạp, quần áo, dày dép, võng 4.4. Tăng cường giáo dục và thuyết minh môi trường Cung cấp thông tin và giáo dục môi trường cho du khách cần thực hiện lồng ghép trong các thông tin giới thiệu cho du khách. Tăng cường phương tiện truyền thông và giáo dục môi trường trên tuyến tham quan như các biển báo, biển chỉ dẫn, bảng thuyết minh môi trường. Có thể đặt các biển báo cùng với sơ đồ của tuyến tham quan và các cảnh báo cho du khách ngay tại điểm xuất phát tuyến tham quan và đầu mỗi con đường mòn. Tăng cường vai trò hoạt động của trung tâm đón khách, nâng cao vai trò của các nhà quản lý, điều hành, hướng dẫn viên và người dân địa phương.
  8. TIỀM NĂNG, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI DU LỊCH 103 4.5. Tăng cường hoạt động quảng bá tiếp thị Đẩy mạnh công tác quảng bá tiềm năng, các sản phẩm đặc thù, các tuyến, chương trình du lịch sinh thái trong huyện qua việc phát hành các ấn phẩm, đĩa CD cho du khách. Sử dụng các phương tiện thông tin đạ i chúng như truyền hình, truyền thanh, báo chí và quảng bá trên internet. Tổ chức mời các công ty lữ hành trong nước và khu vực khảo sát mở tour trong huyện. Xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp với từng giai đoạn phát triển và lựa chọn những thời điểm thích hợp trên cơ sở nghiên cứu định hướng tiêu dùng của khách du lịch theo chu kỳ và theo mùa du lịch tại huyện A Lưới. 4.6. Tạo cơ chế chính sách thuận lợi, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển du lịch sinh thái Phòng Công thương phối hợp các ban ngành liên quan tham mưu cho huyện nhằm tạo cơ chế đảm bảo lợi ích đầu tư lâu dài cho các nhà đầu tư, trong đó có những ưu đãi về thuế, hỗ trợ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch sinh thái. Cần đưa ra các chính sách thu hút đầu tư hiệu quả nhằm khai thác tiềm năng của du lịch sinh thái A Lưới. Kêu gọi vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân, ưu tiên các dự án sử dụng nguồn lực địa phương và hỗ trợ lại địa phương. Cần có những chính sách tập trung vào việc mở rộng các dịch vụ du lịch cho người dân địa phương tham gia và hưởng lợi, góp phần nâng cao đời sống, giảm bớt tác động xấu tới môi trường. 4.7. Đào tạo nguồn nhân lực Cử đi đào tạo hoặc mời chuyên gia về tập huấn đào tạo kiến thức chuyên môn về du lịch sinh thái cho đội ngũ cán bộ quản lý và lao động của huyện. Đối với hướng dẫn viên tại các điểm du lịch cần bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ hướng dẫn tham quan và diễn giải, thuyết minh về môi trường. 5. KẾT LUẬN A Lưới là một huyện có tiềm năng du lịch sinh thái với giá trị đa dạng sinh học cao, nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu; nhiều thắng cảnh đẹp và nền văn hóa bản địa đặc sắc; vị trí và khả năng tiếp cận thuận lợi. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động du lịch tại A Lưới còn nhiều điểm yếu chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và yêu cầu của du lịch sinh thái; chưa thực sự khai thác hết những tiềm năng du lịch vốn có; công tác quy hoạch, quản lý đối với các cụm, điểm du lịch chưa được triển khai tốt; cơ sở phục vụ du lịch còn thiếu; đội ngũ cán bộ nhân viên yếu và chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Nhằm khắc phục những tồn tại và đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái, huyện A Lưới cần thực hiện những giải pháp đồng bộ về quy hoạch, tổ chức không gian, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy hợp tác đầu tư.
  9. 104 LÊ VĂN TIN - NGUYỄN HOÀNG SƠN TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đặng Huy Huỳnh (1997). Vai trò đa dạng sinh học trong phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam. Hội nghị quốc tế “Phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, Huế. [2] Lê Văn Lanh (9/1999). Du lịch sinh thái trong các khu bảo tồn tự nhiên ở Việt Nam. Hội thảo “Xây dựng chiến lược quốc gia phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam”, Hà Nội. [3] Lê Văn Lanh, D. James Mac Neil (23-24/2/1995). Du lịch sinh thái ở Việt Nam - triển vọng cho việc bảo tồn và sự tham gia của địa phương. Hội thảo quốc gia “Các vườn quốc gia và các vùng bảo vệ ở Việt Nam”, Hà Nội. [4] Phạm Trung Lương (chủ biên) (10/1999). Cơ sở khoa học phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam. Đề tài khoa học cấp ngành, Hà Nội. [5] Phạm Trung Lương (chủ biên), Hoàng Hoa Quân, Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Lanh, Đỗ Quốc Thông (2000). Du lịch sinh thái, những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam. NXB Giáo dục. [6] Phòng Thống kê huyện A Lưới (2009). Niên giám thống kê huyện A Lưới năm 2009. Thừa Thiên Huế. [7] Lê Văn Tin, Nguyễn Hoàng Sơn, Bùi Ngọc Thanh Tâm (2007). Sự phát triển các điểm khai thác tài nguyên du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế và những tác động đến kinh tế - xã hội các vùng phụ cận. Nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Mã số 740905, Bộ Khoa học và Công nghệ. Title: POTENTIAL, CURRENT STATUS AND DEVELOPMENT SOLUTIONS FOR ECOTOURISM NETWORK IN ALUOI DISTRICT, THUA THIEN HUE PROVINCE Abstract: Ecotourism is interesting and growing in the world. A Luoi district (Thua Thien Hue province) has great potential in nature, local culture and support resources, as well as the conditions for developing this type of tourism. However, in A Luoi, the ecotourism is weak and does not fully satisfy the principles of ecotourism. There should be many possible solutions to exploit the potential of the district. TS. LÊ VĂN TIN Ban Đào tạo Đại học, Đại học Huế. TS. NGUYỄN HOÀNG SƠN Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế.