Việt Nam môi trường và cuộc sống - Bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam

pdf 16 trang hapham 2100
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_bao_ve_da_dang_sinh_hoc_o_v.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam Bảo vệ nguyên vị (insitu) Việt Nam còn làm chưa được nhiều trong công cuộc bảo vệ đa dạng sinh học và xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên vì một lẽ đơn giản là nước nhà còn gặp nhiều khó khăn, công việc sản xuất lương thực, lo cho nhân dân ấm no còn phải ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, Chính phủ nước Việt Nam cũng đã chú ý đến công việc này và từ năm 1962 khi thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên là Vườn quốc gia Cúc Phương. Nhưng rồi mọi công việc tiếp theo đã bị đình trệ do cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài 30 năm. Từ năm 1983, công việc này lại được tiếp tụåc một cách khẩn trương. Năm 1986, Chính phủ nước Việt Nam đã ra quyết định thành lập một hệ thống 87 khu bảo tồn được gọi là các khu rừng đặc dụng, trong đó có 56 vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, và 31 khu rừng văn hoá, lịch sử, môi trường với diện tích khoảng 1.169.000ha chiếm 5,7% diện tích đất rừng hay khoảng 3,3% diện tích cả nước. Trong số 87 khu bảo tồn nói trên có 28 khu có diện tích khá rộng, chiếm 698.000ha. Từ năm 1986 đến nay, hệ thống các khu bảo tồn được mở rộng thêm và đến năm 1991 đã có 11 vườn quốc gia: Cúc Phương, Cát Bà, Bạch Mã, Ba Bể, Cát Tiên, Ba Vì, Côn Đảo, Phú Quốc, Bến En, Tam Đảo và Tràm Chim. Có thêm 35 khu bảo tồn thiên nhiên đã được phê duyệt dự án đầu tư và thành lập ban quản lý. Nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn đã được các dự án quốc tế hỗ trợ, nhiều cán bộ quản lý và kỹ thuật được đào tạo trong và ngoài nước.
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống Trong vài năm vừa qua, công tác xây dựng các khu bảo tồn ở nước ta đã phát triển khá nhanh chóng, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng đã được Chính phủ nâng cấp thành vườn quốc gia. Cho đến cuối năm 2003 đã có 27 vườn quốc gia được quyết định thành lập. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã xây dựng một số khu bảo tồn đặc biệt như Khu Bảo tồn Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp, được thành lập để bảo vệ loài sếu cổ trụi hay còn gọi là sếu đầu đỏ, nhưng đồng thời cũng để bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước điển hình ở Đồng bằng sông Cửu Long; và Khu Bảo tồn Xuân Thuỷ ở cửa sông Hồng, để bảo vệ đất ngập nước và các loài chim di cư. Đây cũng là Khu Bảo tồn RAMSAR đầu tiên ở Việt Nam và đồng thời cũng là Khu Bảo tồn RAMSAR đầu tiên ở vùng Đông Nam Á. Việt Nam cũng đã thành lập hai khu di sản thiên nhiên thế giới (Natural World Heritage) là Vịnh Hạ Long và Phong Nha Kẻ Bàng và hai khu bảo tồn sinh quyển (MAB) là Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và Khu Dự trữ sinh quyển Cát Tiên (Đồng Nai). Tính đến tháng 12 năm 2003, ở Việt Nam đã hình thành một hệ thống các khu bảo tồn với 126 khu trong đó có 27 vườn quốc gia, 60 khu bảo tồn thiên nhiên, gồm có 11 khu bảo tồn loài/ sinh cảnh và 49 khu dự trữ thiên nhiên, và 39 khu bảo vệ cảnh quan được phân bố đều trong cả nước với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha, chiếm khoảng 6% lãnh thổ tự nhiên. Bảng IV.12. Danh sách các vườn quốc gia của Việt Nam (Tính đến tháng 12 - 2003)
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống Cần nói thêm rằng, có nhiều hệ sinh thái điển hình, nhiều loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tiêu diệt còn nằm ngoài hệ thống các khu bảo tồn hiện có. Việt
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nam còn có vùng biển Đông rộng lớn với nhiều rạn san hô phong phú, nhiều đầm phá và tài nguyên sinh vật thủy sinh đa dạng cần được bảo vệ. Vì thế mà trong hệ thống khu bảo tồn quốc gia cũng cần lưu ý đến các hệ sinh thái biển, hệ sinh thái đất ngập nước và tài nguyên sinh vật ở đó. Ngoài việc thành lập các khu bảo tồn, Việt Nam cũng đang thực hiện một số dự án đặc biệt, bằng cách khuyến khích nhân dân tham gia bảo vệ một số loài động vật quý, hiếm đang có nguy cơ bị tiêu diệt, như bảo vệ loài gà lam đuôi trắng ở vùng Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), loài voọc mông trắng ở Cúc Phương (Ninh Bình), loài voọc mũi hếch ở Na Hang (Tuyên Quang), loài hổ ở Thừa Thiên - Huế và Chư Mom Rây ở Kon Tum, voọc đầu trắng ở Cát Bà (Hải Phòng). Có thể nói rằng một khi nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ, thì công việc bảo vệ sẽ có nhiều triển vọng đạt được kết quả. Bảng IV.13. Hệ rừng đặc trưng Việt Nam (Tính đến tháng 12 năm 2003) Nguồn: Chiến lược Quản lý hệ thống bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010, 2003
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống Bảo vệ chuyển vị (exsitu) Việc xây dựng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên là hết sức cần thiết để bảo vệ các hệ sinh thái điển hình, các quần xã sinh vật, các loài động vật, thực vật hiếm, có nguy cơ bị tiêu diệt trong điều kiện tự nhiên. Để bổ sung cho công việc bảo vệ nội vi cũng cần lưu ý tổ chức gây nuôi một số loài rất hiếm mà hiện nay quần thể của chúng quá bé không đủ số lượng cá thể tối thiểu để tồn tại, hoặc nơi cư trú của chúng bị thu hẹp quá mức hoặc đang bị sức ép của con người ngày càng gia tăng, không đủ điều kiện cho loài đó tiếp tục phát triển. Trong số 52 loài động vật có xương sống đang nguy cấp được nêu trong Sách Đỏ Việt Nam , các loài sau đây cần được lưu ý trước tiên: Voọc đầu trắng Trachypithecus francoisipoliocephalus Voọc mông trắng Tr. fr. delacouri Voọc đen má trắng Tr. fr. francoisi Voọc Hà Tĩnh Tr.fr.hatinhensis Voọc mũi hếch Rhinopithecus avunculus Bò xám Bos sauveli Nai cà tông Cervus eldi Hươu xạ Moschus moschiferus Tê giác Rhinoceros sondaicus annamicus Các loài trĩ lam Lophura imperialis L. edwardsi
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống L.hatinhensis Trĩ sao Rheinartia ocellata Cá sấu Crocodylus siamensis Cá cóc Tam Đảo Paramesotriton deloustali Công việc nhân nuôi này đã được bắt đầu thực hiện trong một số năm trước đây và đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ như loài gà lam đuôi trắng (L.hatinhensis), loài cá cóc Tam Đảo đã sinh sản được tại Vườn thú Hà Nội, loài trĩ sao tại Vườn quốc gia Bạch Mã, nhiều loài voọc tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Cúc Phương. Tham gia các công ước quốc tế Trong những năm qua Việt Nam đã ký một số công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học, như Công ước về buôn bán các loài động thực vật có nguy cơ bị tiêu diệt (CITES), Công ước RAMSAR về quản lý các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt đối với chim di cư và đã chọn vùng đất ngập nước Xuân Thủy ở cửa sông Hồng làm khu vực RAMSAR cần được bảo vệ. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Đa dạng sinh học. Để thực hiện công ước này, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động đa dạng sinh học. Mục tiêu trước mắt của Kế hoạch hành động này là:
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống Bảo vệ các hệ sinh thái đặc trưng của Việt Nam, các hệ sinh thái nhạy cảm đang bị đe dọa thu hẹp hay bị hủy hoại do hoạt động kinh tế của con người gây ra; Bảo vệ các loài đang bị đe dọa do khai thác quá mức; Sử dụng các loài một cách bền vững để phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Tuy Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế nói trên, nhưng việc thực hiện các công ước này còn gặp rất nhiều khó khăn. Các tài nguyên sinh vật vẫn còn bị khai thác một cách mạnh mẽ, chưa kiểm soát được, thậm chí các tài nguyên thuộc vườn quốc gia vẫn bị xâm phạm. Chắc rằng cần phải nghiên cứu kỹ mối quan hệ giữa những người dân thường, những người dân đang sống dựa vào việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên để mưu cầu cuộc sống khó khăn của mình và các mối quan hệ xã hội khác có liên quan đến việc khai thác các dạng tài nguyên thiên nhiên, tìm ra được các biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, nhất là những dân nghèo mà vẫn bảo đảm được các nguồn tài nguyên quý giá này. Những khó khăn Để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nói trên, trong những năm vừa qua Việt Nam đã cố gắng rất nhiều trong việc xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia. Tuy nhiên, điều khó khăn gặp phải là trong và xung quanh các khu bảo tồn và vườn quốc gia có nhiều nhân dân sinh sống, thậm chí cả ở vùng trung tâm, nơi cần bảo vệ nghiêm ngặt. Ở đây họ phát nương làm rẫy, săn bắt các động vật, khai thác các sản phẩm của rừng để sinh
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống sống. Các hoạt động của họ đã làm tổn hại đến mục tiêu của các khu bảo tồn, làm cho các khu bảo tồn bị giảm chất lượng một cách nhanh chóng. Để giảm bớt khó khăn, Chính phủ đã cho phép di chuyển một số dân ra khỏi khu bảo tồn và đã thực hiện tốt ở Vườn quốc gia Cúc Phương từ năm 1987. Số dân chuyển ra được định cư ngoài khu bảo tồn, trong vùng đệm. Ở nơi mới, họ đã được cung cấp các điều kiện để sinh sống ổn định. Chương trình này đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, để thực hiện được công tác bảo tồn, điều quan trọng hơn hết là không tạo thêm sự đối lập giữa nhân dân địa phương và khu bảo tồn, mà phải cộng tác với họ một cách chặt chẽ và chấp nhận những yêu cầu chính đáng của họ và điều quan trọng là phải xem họ có được hưởng những lợi ích trực tiếp gì từ khu bảo tồn. Cần thiết phải xây dựng vùng đệm, tạo thêm công ăn việc làm hợp lý cho nhân dân ở đó, giúp họ giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống để họ tự nguyện giảm dần sức ép lên khu bảo tồn và rồi tham gia tích cực vào việc bảo vệ vì lợi ích thiết thực của họ. Một số khu bảo tồn và vườn quốc gia đã thực hiện các dự án như trên và bước đầu đạt kết quả khả quan. Sau đây là một ví dụ. Xây dựng vùng đệm Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ Khu rừng Kẻ Gỗ thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã có dự kiến được thành lập khu bảo tồn từ lâu. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên trước tháng 12-1996 Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ còn nằm trên giấy mà chưa có quy hoạch quản lý, chưa có đội ngũ cán bộ phụ trách và cũng chưa có kinh phí để thực hiện. Đối với nhân dân địa phương thì khu vực Kẻ Gỗ đã là Khu Bảo tồn nhưng còn để trống, chưa có người trông coi và cũng vì vậy mà họ tìm mọi cách vào khai thác. Để giảm bớt sức ép của dân lên khu vực Kẻ Gỗ, để cứu lấy các loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ bị tiêu diệt ở đây và bảo vệ rừng đầu nguồn cho hồ chứa nước Kẻ Gỗ, cần phải gấp rút có kế
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống hoạch bảo vệ phù hợp mà chủ yếu là dựa vào hoạt động chủ động của nhân dân địa phương. Khu vực Kẻ Gỗ có diện tích 61.515ha nằm trong ranh giới chính của 8 xã thuộc ba huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Hương Khê. Khu bảo vệ rộng 26.530ha và diện tích vùng đệm là 34.985ha. Xã Kỳ Thượng với số dân hơn 5.000 người, là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Hà Tĩnh và cũng là xã có phần diện tích tham gia vào Khu Bảo tồn lớn nhất là 14.032ha, là xã thường xuyên có số người đông nhất hàng ngày vào rừng khai thác các loại tài nguyên. Do dân vùng này quá nghèo, thời tiết khắc nghiệt, dễ mất mùa nên không có vốn đầu tư thâm canh nông nghiệp. Để tự nuôi sống, nhiều người buộc phải vào rừng kiếm thêm các lâm sản, bán lấy tiền mua gạo. Như người ta thường nói, "rừng là miếng cơm manh áo của người nghèo", vì thế không thể cướp "bát cơm đó" trên tay người nghèo, mà cũng không có quyền làm việc đó về ý nghĩa nhân đạo mà nói, vì đó là cuộc sống của họ. Nhưng nếu công việc này cứ tiếp diễn thì rừng sẽ lùi dần, để lại phía sau là đồi núi trọc trơ sỏi đá. Khung IV.14. VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐỒNG NÔNG DÂN TRONG BẢO QUẢN VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN TÀI NGUYÊN DI TRUYỀN THỰC VẬT Ở VIỆT NAM Người nông dân Việt Nam không những là người gìn giữ mà còn là người gây dựng nên những hiểu biết về tài nguyên di truyền thực vật mà họ còn sử dụng và lưu giữ. Để bảo quản và phát triển tài nguyên di truyền thực vật, kiến thức này hẳn là cũng quan trọng như chính bản thân nguồn tài nguyên di truyền thực vật. Điều này được rút ra từ công việc bảo quản của một người nông dân dân tộc Tày ở tỉnh
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống Sơn La, người này đã phân biệt được hơn 6 giống khoai mài dại ở trong rừng và miêu tả phương pháp sử dụng riêng của mỗi giống. Người này còn cho biết còn từng ấy giống khác ở trong rừng, nhưng không muốn miêu tả sự khác biệt giữa chúng. Kiến thức quý giá này đang biến mất với một tốc độ báo động cùng với sự mất đi của các giống địa phương và sự phá huỷ các nơi sinh cư. Một phụ nữ làm nghề bốc thuốc ở Hoà Bình đã buồn rầu liên hệ rằng sự biến mất của rừng đã làm mất đi nhiều cây thuốc và không thể tìm thấy chúng trong các cánh rừng nhân tạo, trồng các loài cây phát triển nhanh. Bà thậm chí còn buộc tội các cánh rừng nhân tạo này làm các cây thuốc biến mất. Người phụ nữ cố gắng truyền sự hiểu biết của mình cho một số thành viên có chọn lọc trong gia đình. Tuy nhiên, bà phàn nàn rằng điều đó rất khó thực hiện nếu như không còn cây thuốc để sử dụng. Câu chuyện của người phụ nữ trên đây cho thấy một cách rõ ràng kiến thức địa phương cổ truyền, vượt xa hình thái của các mẫu thu thập, thường là biến mất cùng với sự mất mát đi của các giống địa phương. Tuy nhiên, tại nhiều vùng ở Việt Nam, nông dân vẫn cố gắng bảo quản và phát triển các giống cổ truyền. Ở tỉnh Long An, vào mùa khô trên diện tích khoảng 40.000ha, trong tổng số 200.000ha đất trồng lúa là trồng các giống cổ truyền. Vào mùa mưa các giống cổ truyền chiếm 50% tổng diện tích lúa. Tuỳ theo tình hình lũ lụt trong đất liền và độ mặn của vùng ven biển, người nông dân sử dụng cả giống cổ truyền lẫn giống cải tiến trong một sự phối hợp cực kỳ hài hoà và hợp lý. Ngay ở các vùng được tưới tiêu hoặc nơi mà việc quản lý nước dễ dàng thực hiện, người nông dân tiếp tục trồng một số ít giống cổ truyền để phục vụ cho nhu cầu đặc biệt trong gia đình. ở Long An đa số các giống đó là lúa nếp để làm bánh hoặc nấu rượu. Các giống lúa cổ truyền ngon cơm hơn và còn có giá trị cao hơn trên thị
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống trường. Không thể bác bỏ một điều là nhu cầu tiêu thụ trên thị trường cũng thúc đẩy việc tiếp tục trồng một số giống cổ truyền. Các chuyến viếng thăm ngắn của chúng tôi đến cộng đồng nông dân người Mường ở Hoà Bình, người Tày ở Sơn La, người Thái và các dân tộc khác ở Lào Cai cho thấy tại đây các giống lúa cổ truyền lẫn giống lúa hiện đại đều được lưu giữ. Mỗi nông hộ trong các vùng trên, thường trồng từ 3 đến 6 giống lúa mỗi vụ. Ngoài lúa, nông dân còn duy trì một số giống khoai mài, khoai sọ, khoai lang, cây ăn quả và rau. Điều đáng chú ý, trong các vùng nước mặn của các châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long là người nông dân duy trì và phát triển các giống lúa địa phương thích hợp với các điều kiện nông - sinh thái khó khăn trong vùng. Một vài trong số các giống đó thậm chí còn được trồng rất phổ biến, chẳng hạn như chiêm bầu ở châu thổ sông Hồng và một bụi ở đồng bằng sông Cửu Long. Các giống cổ truyền khác có thể không được chấp nhận rộng rãi như vậy, nhưng được ưa thích để dùng vào các mục đích đặc biệt, như một loạt các giống lúa nếp khác nhau như thái biên, qua và, nếp rộc và nếp sọc mà người nông dân ở Quảng Ninh và Hải Phòng đã kể cho chúng tôi. Một số giống cổ truyền được ưa thích vì các đặc tính khác như thời gian chín, cây cao, hoặc khả năng vươn dài như tai ngu- in, nàng thơm, nàng bàng mà chúng tôi đã tìm thấy ở Long An. Nguồn: Theo TS. Renato Salazar, Viện Nghiên cứu Tài nguyên di truyền quốc tế, trong tài liệu: "Tài nguyên di truyền thực vật ở Việt Nam", Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, 1996 Để nhân dân tự nguyện bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã, không có con đường nào khác là phải tìm các biện pháp phù hợp để thay thế "bát cơm" mà họ đang kiếm hàng ngày bằng "bát cơm khác", có nghĩa là tìm cách nâng cao chất
  13. Việt Nam môi trường và cuộc sống lượng cuộc sống kinh tế, văn hóa của họ bằng cách giúp đỡ họ sử dụng hợp lý, khôn ngoan tài nguyên thiên nhiên, rừng, đất, nước mà họ có và họ được hưởng lợi nhờ bảo vệ được rừng và thiên nhiên trong vùng. Từ năm 1992, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội (CRES) đã tiến hành nghiên cứu xây dựng vùng đệm xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh thu được những kết quả bước đầu khá khích lệ. Để giảm bớt sức ép của nhân dân lên rừng Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh, Dự án đã cùng với nhân dân địa phương và được sự hỗ trợ của chính quyền huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh, xây dựng kế hoạch quản lý cho một xã, xã Kỳ Thượng, thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ, đề xuất một số hành động cụ thể nhằm giúp nhân dân địa phương nâng cao mức sống và giảm dần việc khai thác các tài nguyên rừng một cách bừa bãi, bằng cách nâng cao nhận thức của họ về tác dụng của rừng, chuyển giao một số kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, nông lâm kết hợp, vườn cây ăn quả, vườn rừng để họ tự lựa chọn. Để có thể bảo vệ được rừng, cần thiết phải dành riêng cho họ một diện tích rừng thích hợp để họ có quyền chủ động bảo vệ và đồng thời bảo vệ cả đa dạng sinh học trong đó. Với sự hỗ trợ của dự án và chính quyền các cấp, nhân dân xã Kỳ Thượng đã thành lập - mà chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước - một khu rừng bảo vệ với diện tích khoảng 10km2 nằm trong ranh giới của xã để cứu lấy 4 loài trĩ quý của Việt Nam đang có nguy cơ bị tiêu diệt và một số loài khác trong đó có loài mang lớn vừa mới phát hiện có ở đây, đồng thời bảo vệ rừng đầu nguồn, thực vật giới và động vật giới rất phong phú của vùng. Khu bảo vệ này đã có biển báo để nhân dân địa phương biết ranh giới khu bảo vệ. Xã đã cử đội chuyên trách bảo vệ rừng và được toàn dân đồng tình (từ năm 1996 khu rừng này đã thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ). Để thực hiện được việc này, Dự án đã cộng tác chặt chẽ với nhân dân địa phương, thảo luận với họ để họ tự quyết định mọi công việc, động viên họ bảo vệ rừng cho họ, và nâng cao chất lượng cuộc sống của họ bằng cách giúp họ giải
  14. Việt Nam môi trường và cuộc sống quyết một số khó khăn, như tăng năng suất lúa bằng giống mới phù hợp với địa phương, thực hiện hệ thống nông lâm kết hợp, tổ chức trồng cây ăn quả với các giống đã được tuyển chọn (bưởi, cam, quýt, hồng, ), nuôi ong, xây dựng thuỷ điện nhỏ cho gia đình, trồng rừng, cho phụ nữ vay vốn sản xuất, xây dựng trường học, Dự án đã huấn luyện nhân dân cách xây dựng và quản lý vùng đệm, và tìm cách để chứng minh cho họ thấy, họ có khả năng sử dụng một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở đó và tự nguyện giảm bớt sức ép lên rừng. Sau ba năm thực hiện Dự án, nhân dân xã Kỳ Thượng (cả người lớn và trẻ em) đã nhận thức được rằng rừng đem lại lợi ích thiết thực cho họ: rừng đã cung cấp nước cho nhân dân xã để nuôi cá, sản xuất điện, tăng năng suất lúa, hoa rừng cho mật ong và họ đã tự nguyện tổ chức việc bảo vệ rừng. Nhiều vườn cây ăn quả của gia đình đã được cải tạo và bắt đầu thu lợi. Không còn cảnh thường xuyên có hàng đoàn người lũ lượt vào rừng chặt gỗ, săn bắt động vật rừng như trước nữa. Dự án xây dựng vùng đệm xã Kỳ Thượng đã thu được kết quả bước đầu. Đời sống nhân dân xã Kỳ Thượng đã được cải thiện, rừng đã được bảo vệ vì họ nhận thức được rằng bảo vệ rừng là có lợi cho bản thân họ. Các xã xung quanh vùng Kẻ Gỗ cũng đã nhận thấy điều đó và đề nghị dự án giúp đỡ họ xây dựng vùng đệm. Từ năm 1996 Dự án đã được mở rộng cho 7 xã vùng đệm Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ. Sau ba năm thực hiện đa số nhân dân ở đây đã tự nguyện từ bỏ việc khai thác gỗ, chặt củi, đốt than, săn bắt các động vật trong Khu Bảo tồn Kẻ Gỗ mà tập trung sức lực thâm canh trồng lúa, trồng cây ăn quả, làm vườn rừng, chăn nuôi và tích cực tham gia vào việc trồng cây, bảo vệ rừng. Để hỗ trợ cho nhân dân vùng này nâng cao hơn chất lượng cuộc sống, từ năm 2000, Trung tâm CRES đã thực hiện dự án "Các sản phẩm ngoài gỗ" với sự hỗ trợ của Hà Lan, tạo thêm công ăn việc làm và tìm thêm những cây mới từ rừng, có hiệu quả kinh tế và trồng được ở những vùng đất chưa sử dụng cho nông nghiệp hay dưới tán rừng. Đã chọn được một số cây mà nhân dân ưa thích như cây mây,
  15. Việt Nam môi trường và cuộc sống cây hương bài, cây sắn dây, cây khoai mài, trồng đạt hiệu quả kinh tế khá cao, đồng thời giúp họ cách chế biến và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. KẾT LUẬN Nước ta đang gặp nhiều khó khăn trong công việc bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên nói chung và xây dựng các khu bảo tồn và vườn quốc gia nói riêng. Thử thách quan trọng nhất đối với nước ta trong công cuộc bảo vệ là sớm tìm được biện pháp ngăn chặn kịp thời sự suy thoái của rừng nhiệt đới, suy thoái các hệ sinh thái điển hình cùng với hệ động vật và hệ thực vật phong phú ở đó. Nước ta là một trong những nước nghèo trên thế giới, dân số lại đông. Để duy trì cuộc sống trước mắt, nhiều người buộc phải khai thác mọi thứ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời họ đã làm suy thoái môi trường và gây tổn hại cho sự phát triển trong tương lai. Vì vậy để giải quyết vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, kể cả những giống cây trồng, vật nuôi, cứu các loài khỏi nạn diệt vong, không phải chỉ là vấn đề giáo dục, thực thi pháp luật, nâng cao kỹ thuật và tìm vốn đầu tư mà còn phải chú ý đến vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp, mà chủ yếu là cải thiện mức sống của người dân, nhất là những người dân nghèo, đồng thời nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ môi trường, rừng, các hệ sinh thái điển hình, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên thiên nhiên, kể cả đất, rừng, nước, các loài động thực vật mà họ có trách nhiệm bảo vệ và được quyền quyết định về cách sử dụng tốt nhất cho cuộc sống của họ, con cháu họ và cho cả cộng đồng. Vì rừng và đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững của đất nước, cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và bảo vệ đa dạng sinh học. Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn này cần phải động viên được sự đồng tâm của đông đảo nhân dân với nhận
  16. Việt Nam môi trường và cuộc sống thức sâu sắc về vấn đề môi trường. Phát động phong trào rộng rãi trong toàn dân về bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đồng thời đẩy mạnh chương trình kế hoạch hoá gia đình và sớm hoàn thành công việc xoá đói giảm nghèo. Cần bổ sung, hoàn thiện chính sách giao đất, giao rừng, chính sách đối với người làm công tác quản lý bảo vệ rừng, chính sách hưởng lợi của những người sản xuất, bảo vệ rừng. Cần đề cao ý thức trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền địa phương, nơi nào để xảy ra phá rừng, chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm chính.