Việt Nam môi trường và cuộc sống - Chất thải rắn đô thị và công nghiệp

pdf 14 trang hapham 2130
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Chất thải rắn đô thị và công nghiệp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_chat_thai_ran_do_thi_va_con.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Chất thải rắn đô thị và công nghiệp

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Chất thải rắn đô thị và công nghiệp Chất thải rắn đô thị Số lượng thống kê từ các tỉnh, thành phố, năm 2002 cho thấy lượng chất thải rắn bình quân khoảng từ 0,8 đến 1,2kg/người.ngày ở các đô thị lớn và ở một số đô thị nhỏ dao động từ 0,5 đến 0,7kg/người.ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị năm 2002 tăng từ 3% đến 12% so với năm 2001 (Hình V.8).
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tỷ lệ phần trăm các chất có trong rác thải không ổn định, rất biến động theo mỗi địa điểm thu gom rác, phụ thuộc vào mức sống và phong cách tiêu dùng của nhân dân ở mỗi đô thị. Tính trung bình, tỷ lệ thành phần các chất hữu cơ chiếm 45% - 60% tổng lượng chất thải; tỷ lệ thành phần nilông, chất dẻo chiếm từ 6 - 16%, độ ẩm trung bình của rác thải từ 46 % - 52%. Hình V.9 thể hiện sự thay đổi rõ rệt về thành phần chất thải rắn tại thành phố Hà Nội từ năm 2000 - 2002, trong đó tỷ lệ cao su và chất dẻo khó phân huỷ tăng đột biến từ 1,48% trong năm 2000 lên tới 16% năm 2002.
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống Chất thải công nghiệp nguy hại Chất thải công nghiệp, đặc biệt là chất thải công nghiệp nguy hại, là một thách thức lớn đối với công tác quản lý môi trường của nhiều đô thị, nhất là những đô thị có khu công nghiệp tập trung như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Theo báo cáo của Cục Môi trường, thì tổng lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh mỗi năm tại 3 vùng phát triển kinh tế trọng điểm khoảng 113.118 tấn. Từ số liệu thống kê nêu trên có thể thấy lượng chất thải nguy hại phát sinh ở Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam lớn khoảng gấp ba lần lượng chất thải nguy hại phát sinh ở Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc và lớn gấp khoảng 20 lần lượng chất thải nguy hại phát sinh ở Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (Bảng V.4). Bảng V.4. Lượng phát sinh chất thải công nghiệp nguy hại
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nguồn: Báo cáo của Cục Môi trường, 2002 Thực tế ở nhiều địa phương, có rất nhiều loại chất thải khác nhau, phát thải ra một cách tùy tiện trong các cơ sở công nghiệp mà không hề có sự quản lý. Xét về khối lượng, các ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất và cơ khí luyện kim là ngành phát sinh nhiều chất thải nguy hại nhất. Ngành điện và điện tử phát sinh ít chất thải nguy hại nhất. Tuy nhiên, chất thải của hai ngành này lại có chứa những chất như PCB và kim loại nặng, là những chất rất nguy hại tới sức khỏe con người và môi trường.
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống Chất thải rắn y tế Lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh ước tính khoảng 34 tấn trong ngày đêm. Trong đó 1/3 lượng chất thải y tế nguy hại tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; 2/3 còn lại ở các tỉnh, thành khác. Nếu phân theo khu vực của các tỉnh, thành thì 70% lượng chất thải y tế nguy hại tập trung ở các thành phố, các thị xã; 30% ở các huyện, xã nông thôn, miền núi. Khối lượng chất thải rắn y tế ở các bệnh viện của một số tỉnh, thành phố trong năm 2002 được thể hiện ở Bảng V.5. Quản lý chất thải rắn đô thị, y tế và công nghiệp Hiện nay việc thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị và công nghiệp vẫn đang còn ở tình trạng chưa đáp ứng yêu cầu, đây là nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất, vệ sinh đô thị và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị và sức khoẻ cộng đồng. Quản lý chất thải rắn đô thị
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tại các thành phố, việc thu gom và xử lý chất thải đô thị thường do Công ty Môi trường đô thị (URENCO) đảm nhận. Tuy nhiên đã xuất hiện các tổ chức tư nhân tham gia công việc này. Hầu hết rác thải không được phân loại tại nguồn mà được thu lẫn lộn sau đó được vận chuyển đến bãi chôn lấp. Tỷ lệ thu gom năm 2002 tăng từ 40% - 67% lên đến 70 - 75% tổng lượng rác thải phát sinh ở các thành phố lớn, còn ở các đô thị nhỏ tỷ lệ này tăng lên tới 30% - 50% (so với năm 2001 là 20% - 35%). Tỷ lệ thu gom chung toàn quốc vào khoảng 55%. Việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt và quét dọn đường phố thường làm vào ban đêm để tránh nắng nóng ban ngày và tắc nghẽn giao thông. Cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động thu gom rác thải chủ yếu dựa vào kinh phí bao cấp từ ngân sách nhà nước, chưa huy động được các thành phần kinh tế tham gia, tính chất xã hội hoá hoạt động thu gom còn thấp, người dân chưa thực sự chủ động tham gia vào hoạt động thu gom
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống cũng như chưa thấy rõ được nghĩa vụ đóng góp kinh phí cho dịch vụ thu gom rác thải. Có thể nói, hiện nay trên địa bàn của các đô thị nhỏ vẫn chưa có hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn một cách có hệ thống xuyên suốt toàn tỉnh, mà tuỳ theo yêu cầu bức xúc của các huyện, thị và mỗi địa phương, hình thành một xí nghiệp công trình công cộng hoặc đội vệ sinh để tiến hành thu gom rác thải sinh hoạt và một phần rác thải công nghiệp tại các khu trung tâm nhằm giải quyết yêu cầu thu gom rác hàng ngày. Quản lý chất thải rắn y tế: - Công tác phân loại rác y tế tại các bệnh viện ngày càng được hoàn thiện. Ở nhiều nơi, như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng các phương tiện chuyên dùng có thùng chứa kín, kể cả hệ thống làm lạnh bên trong. Các thùng nhựa kín đã được sử dụng để lưu chứa và vận chuyển chất thải y tế để hạn chế sự phát tán và gây nguy hiểm cho nhân viên trực tiếp thực hiện thu gom. Bảng V.5. Chất thải rắn y tế
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nguồn: Báo cáo Hiện trạng môi trường, 2003 của các tỉnh, thành trên Quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn y tế đã có nhiều tiến bộ, nhiều cơ sở y tế thực hiện đúng theo quy chế quản lý chất thải y tế. Nhiều bệnh viện đã xây dựng khu lưu giữ chất thải tập trung tại bệnh viện. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các ban, ngành trong việc cấp kinh phí đầu tư trang bị phương tiện cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại còn hạn chế và chưa đồng bộ. Quản lý chất thải công nghiệp nguy hại:
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tại các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, vấn đề thu gom lưu chứa chất thải nguy hại chưa được quan tâm, còn các nhà máy có quy mô lớn, vấn đề này mới bắt đầu và được quan tâm hơn. Chỉ có những công ty liên doanh hoặc công ty do nước ngoài đầu tư thì công tác này mới thực sự được chú trọng. Có thể nhận xét rằng hoạt động thu gom lưu chứa chất thải công nghiệp nguy hại còn bị hạn chế do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể của Nhà nước, như là: Quy chế quản lý chất thải nguy hại mặc dù đã được ban hành từ năm 1999, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể; Chưa có các quy định quy phạm kỹ thuật đối với phương tiện thu gom và lưu giữ tạm thời chất thải công nghiệp nguy hại;
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống Chưa có quy định về thủ tục xin phép vận chuyển hoặc quá cảnh chất thải nguy hại. Xử lý và tiêu huỷ chất thải rắn đô thị: Việc xử lý chất thải rắn đô thị cho đến nay chủ yếu vẫn là đổ ở các bãi thải lộ thiên không có sự kiểm soát, mùi hôi và nước rác là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước và không khí. Theo báo cáo của sở khoa học công nghệ và môi trường các tỉnh, thành và theo kết quả quan trắc của 3 vùng, mới chỉ có 32/64 tỉnh, thành có dự án đầu tư xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh, trong đó 13 đô thị đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trừ bãi chôn lấp chất thải rắn tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội và bãi chôn lấp chất thải rắn tại thành phố Huế đang hoạt động trong sự tuân thủ các yêu cầu đảm bảo môi trường một cách tương đối, còn các bãi khác, kể cả bãi chôn lấp rác thải hiện đại như Gò Cát ở thành phố Hồ Chí Minh, cũng đang ở trong tình trạng hoạt động không hợp vệ sinh. Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên tiến hành xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (Sanitary Landfill) tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Nam Sơn kể từ năm 1999 đến nay với tổng năng lực chôn lấp khoảng 13 triệu tấn chất thải sinh hoạt trên tổng diện tích 83ha. Xử lý và tiêu huỷ chất thải nguy hại công nghiệp: Ở phía Bắc, hiện mới chỉ có một lò đốt chất thải nguy hại công nghiệp với công suất 150 kg/giờ lắp đặt tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn tại Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội do Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp nghiên cứu, thiết kế và xây lắp thử nghiệm. Tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn này, URENCO Hà Nội đã xây dựng
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống bãi chôn lấp chất thải công nghiệp nguy hại đúng kỹ thuật. Còn lại ở các nơi khác hầu hết các loại chất thải này mới chỉ được lưu giữ ngay tại cơ sở sản xuất hoặc xử lý tạm thời. Ở các tỉnh phía Nam, công nghiệp phát triển với nhiều dự án được đầu tư, nên những năm gần đây đã hình thành khá nhiều các cơ sở tư nhân tham gia vào hoạt động xử lý chất thải nguy hại. Theo báo cáo của các sở khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, thì hiện có tới 11 cơ sở tham gia vào hoạt động xử lý chất thải nguy hại tại khu vực của các tỉnh trên. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở tư nhân đều chưa có đầy đủ cơ sở vật chất để tiêu huỷ hay xử lý triệt để chất thải nguy hại mà họ đã thu gom. Chi phí xử lý do từng cơ sở quy định, mà chưa có đơn giá thống nhất. Thí dụ ở Đồng Nai, chi phí xử lý bùn thải chứa kim loại nặng khoảng 80USD/tấn, chi phí xử lý dung môi khoảng 800 - 2.000đồng/kg (tương đương với 50USD/tấn - 150USD/tấn). Xử lý và tiêu huỷ chất thải y tế nguy hại: Theo Dự thảo báo cáo quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn y tế tại Việt Nam, tính đến tháng 9 năm 2003 toàn quốc có 47 lò đốt ngoại được lắp đặt và vận hành để xử lý chất thải y tế nguy hại, trong đó có 2 lò đốt công suất lớn (200kg/giờ và 1.000kg/giờ) đặt bên ngoài khuôn viên bệnh viện thuộc trách nhiệm của xí nghiệp xử lý chất thải y tế (trực thuộc URENCO) tại hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, còn lại hầu hết là các lò đốt có công suất nhỏ (từ 20 đến dưới 100kg/giờ). Số lượng lò đốt sản xuất trong nước là 14 lò với công suất xử lý dao động từ 20kg/giờ đến 50kg/giờ.
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống Ngoài phương pháp xử lý chất thải y tế bằng đốt, thành phố Buôn Ma Thuột đã lắp đặt hệ thống xử lý chất thải y tế bằng hệ thống hơi nóng. Tái chế và tái sử dụng chất thải sinh hoạt đô thị: Hoạt động tái chế, giảm lượng chất thải sinh hoạt được tập trung chủ yếu vào đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến rác thành phân hữu cơ. Tuy nhiên do chưa có những khảo sát chi tiết về khả năng chấp thuận của cộng đồng đối với sản phẩm phân vi sinh, đồng thời do kỹ năng phân loại trong quá trình sản xuất của các nhà máy này còn thấp, nên hiệu quả hoạt động của các nhà máy này chưa cao.
  13. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tái chế chất thải công nghiệp: Đối với các loại bao bì, thùng chứa các hóa chất nguy hại, sau khi sử dụng được xử lý vệ sinh sạch sẽ ngay tại một số nhà máy có hệ thống xử lý nước thải hoặc giao cho đơn vị xử lý vệ sinh sạch sẽ, sau đó được dập lại hoặc cắt nhỏ chuyển sang mục đích sử dụng khác nhằm tránh trường hợp để thất thoát ra thị trường tiêu thụ, sử dụng vào mục đích chứa, đựng nước uống hoặc thực phẩm. Tuy nhiên, việc quản lý loại chất thải này nếu không được kiểm soát chặt chẽ, để thất thoát ra thị trường bên ngoài và được sử dụng vào mục đích sinh hoạt, thì khả năng gây nhiễm độc mãn tính cho con người và động vật là điều không thể tránh khỏi. Xỉ tro, bùn thải từ quá trình sản xuất không độc hại được thu hồi, chủ yếu để sử dụng cho mục đích san lấp mặt bằng trong và ngoài khuôn viên của chính bản thân các cơ sở sản xuất. Các giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu chất thải rắn Triển khai rộng rãi công tác phân loại rác thải ngay tại nguồn phát sinh sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho thu gom và xử lý chất thải đô thị; Xây dựng hướng dẫn về công tác quản lý chất thải rắn nói chung, chất thải nguy hại nói riêng và phổ biến rộng rãi các hướng dẫn này; Tăng cường khung thể chế, kể cả phát triển hệ thống thu phí chất thải để cân bằng chi phí cho quản lý chất thải rắn;
  14. Việt Nam môi trường và cuộc sống Mở rộng chương trình nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn cho cộng đồng, đặc biệt là đối với các công ty là chủ nguồn thải; Tăng cường đáng kể nguồn lực giám sát và cưỡng chế thực hiện quy chế quản lý chất thải rắn; Đầu tư cơ sở vật chất để xử lý và tiêu huỷ chất thải rắn theo phương thức hợp vệ sinh. Cụ thể là đầu tư hệ thống xử lý chất thải nguy hại và bãi chôn lấp an toàn cho các loại chất thải rắn; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc quản lý chất thải rắn và huy động cộng đồng tự giác tham gia giải quyết vấn đề chất thải rắn.