Việt Nam môi trường và cuộc sống - Cộng đồng và giáo dục môi trường

pdf 17 trang hapham 2450
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Cộng đồng và giáo dục môi trường", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_cong_dong_va_giao_duc_moi_t.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Cộng đồng và giáo dục môi trường

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Cộng đồng và giáo dục môi trường
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, mọi người đều có trách nhiệm tham gia. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường thì tuyên truyền, giáo dục về môi trường là công tác rất quan trọng. Tại Chỉ thị số 36-CT/TW trong số 8 giải pháp được nêu ra, thì giải pháp đầu tiên là: "Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường". Giáo dục về môi trường gồm hai phạm vi chủ yếu: giáo dục trong nhà trường và giáo dục trong xã hội. Các hoạt động giáo dục môi trường trong hai lĩnh vực này không thể tách rời nhau, mà phải kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Giáo dục môi trường trong nhà trường Về giáo dục trong nhà trường, không kể đến việc đào tạo những cán bộ chuyên môn trong các lĩnh vực có liên quan đến tài nguyên và môi trường tại các trường đại học, cao đẳng, thì việc đưa giáo dục môi trường vào các cấp học tiểu học và phổ thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì nó liên quan đến xây dựng nhận thức cho học sinh ngay từ lúc tuổi thơ, ngay trong quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Nó còn đặc biệt quan trọng, vì góp phần đào tạo thế hệ tương lai hiện chiếm tỷ lệ 22,5% tổng dân số nước ta. Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đưa các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân", theo Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 17-10-2001. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ra quyết định số 6621/QĐ-BGDĐT-KHCN ngày 30-12- 2002 phê duyệt "Chính sách và Chương trình hành động giáo dục môi trường trong trường phổ thông giai đoạn 2001 - 2010". Theo Chương trình này, thì giai đoạn 2001 - 2005 là giai đoạn chuẩn bị, trong đó có các công việc, như: soạn thảo và ban hành các văn bản pháp quy; xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục môi trường; bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý về giáo dục môi
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống trường; xây dựng tổ chức và cơ sở vật chất; tiến hành các hoạt động ngoại khóa, các chiến dịch truyền thông môi trường; chỉ đạo điểm. Từ năm 2006 trở đi mới là triển khai mở rộng trong phạm vi toàn quốc. Nhìn chung một cách khách quan tình hình phát triển của nước ta trong hơn hai thập kỷ qua, có thể nhận xét rằng việc đưa nội dung giáo dục môi trường vào trường còn chậm. Quả là như vậy, vì các hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên và môi trường được bắt đầu triển khai một cách có hệ thống từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước với các chương trình và đề tài cấp Nhà nước, không kể tới các nghiên cứu lẻ tẻ của các trường đại học, viện nghiên cứu trước đó. Rồi trong khuôn khổ của các dự án có sự tài trợ của nước ngoài, khoảng từ giữa thập kỷ 80, đã có những thử nghiệm đưa nội dung giáo dục môi trường vào một số trường, lớp học, kể cả việc biên soạn và áp dụng thử những chương trình, nội dung, tài liệu và phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, việc tuyên truyền giáo dục và truyền thông môi trường trong xã hội dưới các hình thức ngày càng phong phú đã được triển khai ngay trong thập kỷ 80, nhất là từ năm 1992-1993, với kết quả của Hội nghị Rio, sự thành lập của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường. Thế mà mãi đến năm 2001, Chính phủ mới có quyết định đưa nội dung giáo dục môi trường vào hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, hiện nay cũng đã có những hoạt động triển khai từng bước trong nhiều trường. Đó cũng là một nhu cầu thực tế và bức xúc của cuộc sống. Ngày 24-1- 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 03/2002/QĐ-BGDĐT về việc "Ban hành chương trình trung học cơ sở", trong đó môn sinh học có hai chương (10 tiết) liên quan đến môi trường. Đồng thời, nhiều dự án quốc tế lớn nhỏ cũng vẫn tiếp tục giúp đỡ xây dựng các mô hình giáo dục môi trường trong trường học, cả nội khóa và ngoại khóa và công tác truyền thông môi trường, nâng cao nhận thức chung trong xã hội.
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống Dù ở gia đình, trong nhà trường hay ngoài xã hội, việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em ý thức bảo vệ môi trường là rất cần thiết, phải dạy cho chúng ngay từ thuở ấu thơ. Nội dung và các hình thức giáo dục cũng có vai trò quan trọng, nếu muốn có kết quả thực sự, thì hình thức giáo dục cần phải phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý và giai đoạn phát triển của trẻ em. Tuy rằng theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự án "Xây dựng chương trình, giáo trình, bài giảng về giáo dục bảo vệ môi trường cho bậc mầm non; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non về giáo dục bảo vệ môi trường" đang được triển khai, nhưng hiện nay cũng đã có nhiều tìm tòi và thử nghiệm trong các hoạt động này, nhất là trong hệ thống các trường sư phạm nhà trẻ - mẫu giáo. Đối với trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, giáo dục môi trường không chỉ là do những yêu cầu bức thiết về môi trường, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu phát triển nhân cách của trẻ. Giáo dục môi trường ở đây không phải là giảng dạy, mà là khích lệ sự hào hứng và tạo điều kiện để trẻ em quan sát và khám phá thế giới xung quanh mình, từ đó bước đầu làm nảy nở trong trẻ thơ tình yêu thiên nhiên và những thói quen ban đầu về vệ sinh trong cuộc sống. Cô giáo không phải đơn thuần là "người trông trẻ", "giữ cho trẻ không nghịch ngợm", "giữ cho trẻ khỏi làm hỏng đồ chơi" (vì thế mà đã có lúc, có nơi, trẻ em chỉ được ngắm đồ chơi bày trong tủ, chứ không được chơi), mà là người hướng dẫn để các em tự mình phát hiện và là người làm gương để các em noi theo. Việc giáo dục môi trường dựa theo nguyên tắc "chơi mà học, học mà chơi", dưới nhiều hình thức, như: chơi các đồ chơi và trò chơi, nghe kể chuyện và nói cảm nhận của mình, xem hoặc giúp cô trồng và chăm sóc cây cối, tham quan công viên hoặc vườn thú, vệ sinh cá nhân, Từ lứa tuổi tiểu học trở đi, trẻ em đã bắt đầu làm quen và tiếp nhận các kiến thức sơ đẳng về khoa học và được nâng cao dần. Cách giáo dục môi trường ở đây là
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống "lồng ghép" hoặc "khai thác" những nội dung của các môn học, như: đạo đức, tiếng Việt, lao động kỹ thuật, tự nhiên - xã hội (ở bậc tiểu học) và sinh học, hóa học, địa lý (ở bậc phổ thông). Ngoài việc giáo dục nội khóa, các hoạt động ngoại khóa cũng rất đa dạng và bổ ích, như: xây dựng và duy trì các vườn trường, trồng cây và giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên nhà trường, xây dựng câu lạc bộ môi trường hoặc câu lạc bộ xanh, các cuộc thi vẽ hoặc tìm hiểu về môi trường, thu thập và tìm hiểu về cách sử dụng các cây bản địa (nhất là các cây thuốc), tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường tại địa phương, Một số thử nghiệm tại các tỉnh đã được những dự án quốc tế hỗ trợ có kết quả, và ở một số nơi, các cơ quan quản lý địa phương đã cho phép và hỗ trợ việc mở rộng mô hình và áp dụng trong cả huyện, như tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Dự án do Quỹ SEF tài trợ, cùng với sự phối hợp giúp đỡ của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên - Huế, Phòng Giáo dục huyện A Lưới đã tổ chức soạn thảo chương trình, tài liệu, huấn luyện giáo viên cho hơn 22 trường tiểu học và trung học cơ sở trong huyện thực hiện việc giáo dục môi trường ngoại khóa với 33 tiết mỗi năm, bắt đầu từ năm học 1999 - 2000. Ngoài ra, còn có các hoạt động khác, như: thi vẽ về môi trường với sự tham gia của hơn 5.000 học sinh phổ thông cơ sở, thi tìm hiểu cây thuốc địa phương, thi xây dựng "trường xanh - sạch - đẹp", xây dựng câu lạc bộ xanh, tủ sách tham khảo về giáo dục môi trường. Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) cũng tài trợ cho Hội Giáo dục môi trường Hải Dương triển khai Dự án về việc "Xây dựng Đảo Cò Chi Lăng Nam thành một trung tâm giáo dục môi trường". Thông qua các lớp tập huấn và các đợt tuyên truyền vận động, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích cực tham gia đóng góp hàng trăm ngày công và các bụi tre để mở rộng diện tích Đảo Cò được thêm 300m2, trồng thêm 100 khóm tre. Năm 2003, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn hỗ trợ 150 triệu đồng để đắp bờ chống sạt lở đảo. Hàng nghìn cò, vạc đã trở lại đảo. Dự án đã xây dựng Quy chế
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống cộng đồng bảo vệ cò và quy chế này đã được Uỷ ban nhân dân xã Chi Lăng Nam phê duyệt cho thi hành, 100% các hộ dân đã ký cam kết thực hiện. Trung tâm giáo dục môi trường đã được xây dựng ngay trên bờ hồ với sự trang bị ban đầu của Dự án về các thiết bị cần thiết và các mẫu động, thực vật thu thập được trong vùng, làm nơi trưng bày và phục vụ cho việc tham quan, học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, Dự án đã tổ chức biên soạn và giảng dạy thực nghiệm các bài giảng kết hợp giáo dục môi trường với các môn học, trong đó có 20 bài thuộc chương trình tiểu học và 40 bài thuộc chương trình trung học cơ sở, nhằm mục tiêu giáo dục môi trường và đa dạng sinh học, lấy vùng Đảo Cò Chi Lăng Nam làm trường hợp thực hiện, gần gũi với địa phương. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các hội đồng và hội thảo khoa học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn cho phép sử dụng các bài soạn của Dự án làm tài liệu tham khảo của giáo viên trong công tác giáo dục môi trường. Dự án đã in và phổ biến 200 bộ cho 65 trường học của thành phố Hải Dương và huyện Thanh Miện. Hiện nay, đã có nhiều học sinh, sinh viên đến tham quan Đảo Cò và Trung tâm Giáo dục môi trường. Du khách đã có thể đi trên đường ôtô mới xây dựng, do tỉnh đầu tư, đến thẳng xã. Nơi đây, cả vùng hồ An Dương với Đảo Cò nổi tiếng, một cảnh quan đặc sắc và cả các tư liệu khoa học về đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước này, đang có triển vọng trở thành một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nói chung, giáo dục môi trường, cùng các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội của các trường học tại địa phương có vai trò rất quan trọng. Nó không những có tác động tích cực tới nhân cách và hành vi của trẻ em, những người chủ tương lai, mà còn có ảnh hưởng lan tỏa tới cộng đồng và xã hội ở địa phương, góp phần tăng cường sự tham gia tự giác và chủ động của mọi người dân vào sự nghiệp chung về bảo vệ môi trường.
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống Giáo dục môi trường trong xã hội Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội tập hợp những người tự nguyện phấn đấu cho phong trào toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Đáng lưu ý Hội đã thành lập 2.500 tổ chức hội tại các xã phường, chiếm 25% tổng số xã, phường trong cả nước. Các trung tâm này, tuy có thể được chính quyền địa phương hỗ trợ với mức độ nào đó, nhưng chủ yếu là do dân tự tổ chức và duy trì, theo nguyên tắc dân cần gì thì học nấy, trước hết là về sản xuất, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe. Đây cũng là một mô hình tốt, và có thể thông qua đó mà thực hiện việc giáo dục môi trường trong cộng đồng. Tỉnh Thái Bình là một trong số các địa phương triển khai mạnh nhất. Cho đến cuối năm 2002, tại Thái Bình đã có 194 trung tâm học tập cộng đồng trên tổng số 285 phường, xã trong toàn tỉnh. Hiện nay, Quỹ Môi trường Sida đang tài trợ cho Hội Khuyến học tỉnh một Dự án nhằm xây dựng nâng cao nhận thức môi trường cho các trung tâm của tỉnh. Hoạt động cụ thể của Dự án là tập huấn cho khoảng 100 người của các huyện, thị để có thể làm báo cáo viên về giáo dục môi trường cho các trung tâm; biên soạn, in ấn và phân phát các tài liệu giảng dạy, tuyên truyền về giáo dục môi trường; triển khai trình diễn hai mô hình tại một xã và một phường về giáo dục môi trường trong cộng đồng với các lớp tập huấn cho khoảng 1.000 người, kết hợp với các hoạt động thiết thực về vệ sinh môi trường, như giữ gìn vệ sinh công cộng, tổ chức thu gom rác và bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng hầm biogas, diệt chuột, Phong trào bảo vệ môi trường Các chiến dịch và phong trào bảo vệ môi trường: phát thì dễ, động thì khó!
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống Hãy hành động thiết thực hơn, chu đáo hơn, kiên nhẫn hơn và hiệu quả hơn! Để hưởng ứng các phong trào quốc tế và quốc gia, ngày càng có nhiều chiến dịch môi trường được tổ chức tại khắp các nơi, nhất là kết hợp với các dịp kỷ niệm, như Ngày môi trường thế giới, Ngày làm sạch thế giới, Ngày nước quốc tế, Ngày không sử dụng túi nilông, Ngày không hút thuốc lá, Các hoạt động thông thường là míttinh, các bài phát biểu có tính chất giải thích và kêu gọi, tuần hành và biểu dương lực lượng, kết hợp với những hoạt động cụ thể tại cơ sở, như dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác, trồng cây, xây dựng và sửa sang các giếng nước và nhà vệ sinh. Rồi kết hợp với đó, hoặc cũng có khi làm riêng rẽ, một chiến dịch được phát động trong một thời gian nhất định, thông thường ngắn là một tuần (thí dụ tuần lễ nước sạch), dài thì một tháng (như kiểu tháng an toàn giao thông). Trên các mặt báo, cũng có những bài viết có liên quan tới môi trường: nói về tình hình và xu thế thế giới và trong nước, phân tích các mặt lợi hại, đề xuất các giải pháp, Cũng có khi có một số hội thảo khoa học với những chủ đề tương tự được tổ chức, nhưng đi sâu về các khía cạnh khoa học để trình bày và phân tích. Nói chung, những hoạt động kể trên là cần thiết và có những ảnh hưởng tốt, chủ yếu là bề rộng, vì chúng góp phần làm thức tỉnh và nâng cao nhận thức của đông đảo công chúng, thúc giục mọi người tham gia bảo vệ môi trường. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy, chiến dịch mà không được gắn với một phong trào thường xuyên thì khó có thể được củng cố, duy trì và có được kết quả mong muốn. Phong trào, vì vậy, là một hình thức vận động rất cần thiết có thể do chính quyền hoặc một tổ chức xã hội khởi xướng. Phong trào thường có mục tiêu và được cụ thể hóa bằng các biện pháp với các mức độ khác nhau. Một phong trào tiêu biểu là phong trào trồng cây, được đích thân Bác Hồ phát động bằng hình thức "Tết trồng cây" và lời kêu gọi nổi tiếng có tính triết lý và nhân văn sâu sắc, nhưng không khó hiểu và lại dễ đi vào lòng người "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Phong trào này được thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở bởi các
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống cấp uỷ đảng và chính quyền, các tổ chức xã hội, người cao tuổi trong cộng đồng, đã trở thành thường xuyên trong ngót nửa thế kỷ nay. Mặc dù, có những thời điểm, phong trào còn có tính hình thức, tỷ lệ cây trồng sống có thể còn thấp, nhưng nhìn chung trên phạm vi cả nước thì phong trào trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã hỗ trợ quan trọng cho các Chương trình lớn của Nhà nước, như Chương trình 327 trước đây hay Chương trình 5 triệu ha rừng hiện nay, nhằm không những góp phần nâng cao độ che phủ rừng ở nước ta, mà còn góp phần cải tạo khí hậu và môi trường ở nhiều vùng, phủ xanh những vùng cát trắng, làm râm mát những sân trường, những đoạn đường nông thôn, làm xanh hóa các đô thị. Có không ít phong trào kém hiệu quả: lúc phát động thì trống dong cờ mở, lúc làm thật thì chỉ được thời gian đầu, về sau xẹp dần, theo mô hình luẩn quẩn "phát - động - xẹp - phát". Thí dụ như phong trào vận động không vứt rác ra các nơi công cộng, việc thực hiện đường thông hè thoáng, cuộc vận động tôn trọng luật lệ giao thông, Nguyên nhân chính là chưa tuyên truyền vận động sâu rộng và thường xuyên để góp phần nâng cao nhận thức thực sự và làm thay đổi hành vi ứng xử; không có tổ chức chủ trì việc đôn đốc, theo dõi phong trào, hoặc có, nhưng tổ chức này chưa làm tròn trách nhiệm; sự tham gia của cộng đồng, của công chúng còn ít; thiếu khen chê, thưởng phạt kịp thời, công bằng và thỏa đáng. Cho nên, các chiến dịch và phong trào muốn thu được hiệu quả tốt thì phải chống bệnh hình thức và bệnh thành tích. Vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng Nhìn chung về mặt xã hội, thông tin đại chúng (sau đây, để ngắn gọn, tạm gọi chung là báo chí) có vai trò rất quan trọng, vì có thể thông qua các phương tiện hiện đại, như báo chí, phát thanh, truyền hình, để chuyển tải kịp thời những thông tin cho xã hội và góp phần to lớn trong việc tạo nên hoặc tác động tới công luận.
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống Mặt khác, báo chí cũng có điều kiện đi sát cuộc sống để phản ánh những tình hình và ý kiến của xã hội tới các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước. Khung VII.11. CAM KẾT CHO VUI Tháng 12-2002, cơ quan Kiểm lâm thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị quán triệt các quy định về chế độ quản lý động vật hoang dã cho các chủ nhà hàng, khách sạn ký cam kết "không mua, bán, kinh doanh, tàng trữ, nuôi nhốt, sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng". Trong bản cam kết ghi rõ 4 không "không mua, bán, kinh doanh, tàng trữ, nuôi nhốt, sử dụng động vật hoang dã; không trưng bày, quảng cáo động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng; không để trên bảng hiệu, thực đơn các món ăn từ động vật hoang dã; không kinh doanh các món ăn từ động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng". Sau khi các chủ nhà hàng, khách sạn "sốt sắng" ký vào bản cam kết nêu trên, chuyển biến dễ thấy nhất là tờ cam kết khổ 40x60 ấy được các chủ nhà hàng dán trang trọng ở nơi dễ bắt mắt trong nhà hàng. Nhiều bảng hiệu trước đây ghi "chuyên phục vụ các món ăn đặc sản rừng" thì nay chữ "rừng" được cạo sơn nham nhở (chủ nhà hàng chưa kịp thay biển mới), hoặc được thay là "chuyên phục vụ các món ăn đặc sản của Tây Nguyên". Còn các thực khách vẫn vô tư gọi và thưởng thức các món ăn ưa thích được chế biến từ động vật hoang dã. Khác chăng, thực đơn các món ăn được giới thiệu bằng miệng. Sau hơn hai tháng thực hiện, cam kết cũng chỉ là "cam kết cho vui" như lời một chủ nhà hàng chuyên kinh doanh các món ăn từ động vật hoang dã. Nguồn: Nhà báo và Môi trường, số 6, 2003, dẫn tin Thông tấn xã Việt Nam,
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống ngày 9-3-2003 trong những năm vừa qua, về mặt bảo vệ môi trường, báo chí đã có tác dụng rất tích cực. Với những lợi thế khác nhau về cách truyền đạt thông tin, báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về thiên nhiên và môi trường, về các chính sách của Nhà nước ta và các hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường. Điều nổi bật và có tác dụng rõ rệt là báo chí đã nêu nhiều vấn đề cụ thể và bức xúc, có tính phản ánh thực tiễn, kể cả các trường hợp nghiêm trọng, như các vụ phá rừng, bọn lâm tặc chống trả quyết liệt lực lượng kiểm lâm, các hành vi bao che hoặc tòng phạm của một số người có chức có quyền ở địa phương, như vụ phá rừng ở Tánh Linh những năm trước đây, và gần đây nhất, là việc hàng trăm ha rừng ngập mặn và vành đai sú vẹt bị xóa sổ để trở thành đầm nuôi tôm ở Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Bình, Ngoài những báo hàng ngày và các tạp chí chuyên ngành, cũng đã bắt đầu xuất hiện một số ấn phẩm định kỳ chuyên về môi trường do các tổ chức xã hội-nghề nghiệp thành lập, như tạp chí "Con đường xanh" của Hội Bảo vệ Môi trường giao thông vận tải, "Nhà báo và Môi trường", cơ quan ngôn luận của Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam. Đó cũng là một dấu hiệu đáng mừng, vì điều đó sẽ làm đa dạng hóa báo chí viết về môi trường, nhất là giúp cho độc giả có thể nhìn nhận các vấn đề môi trường dưới những góc độ khác nhau và tăng cường mối quan hệ giữa báo chí và công chúng, giữa báo chí và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khung VII.12. THẰNG HÂM
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống Một lần Chổi tre đang trên đường đến công sở. Ngang qua một con phố nhỏ Chổi tre nhìn thấy một con chuột chết cỡ nửa ký. Người xe đi lại nườm nượp, cố vòng tránh con vật gớm ghiếc. Chỉ ít lâu nữa, nó sẽ được cán bẹp dí. Buổi chiều, khi tan sở, tôi trở về nhà qua con đường ấy. Từ xa, vẫn thấy con chuột chết to đùng. Có phép mầu nào đó đã giúp nó chưa bị xe cán bẹp dí. Một ông già ngang lưng lôi thôi hàng lô túi là túi. Tôi nhận ra ông đi ăn xin quanh chợ Xanh. Dáo dác ngó quanh xem có xin được gì không, ông dừng lại chăm chú, rồi xăm xăm tiến lại phía con chuột. Tôi toan đỗ xe để can. Ông già nhanh tay lấy trong chiếc túi bên mình một chiếc túi ni lông, nhặt con chuột chết bỏ vào. Ông nhanh chân lại chiếc thùng rác bên đường, bỏ túi ni lông nặng chịch vào thùng. Một cặp trai gái ăn vận lịch sự cũng vừa đỗ xe để nhìn cảnh tượng vừa xảy ra. Tôi quay sang định chia sẻ cảm xúc. Chưa kịp nói, cô gái đã bĩu môi: Thằng hâm. Đúng là thằng hâm. Thằng tâm thần, chàng trai phụ họa. Nguồn: Nhà báo và Môi trường, Chổi tre, số 6, 2003 Ngoài các khía cạnh tích cực của báo chí, cũng có thể nhận xét rằng, phần lớn các bài báo, phóng sự còn dừng lại ở mức nêu sự việc, ít đề xuất giải pháp, và nhất là ít theo dõi việc giải quyết sau đó, phải chăng là do sự hạn chế về khuôn khổ, kích cỡ của báo chí, hay do thiếu quan tâm đầu tư công sức, hay do quan niệm là báo chí chỉ cần nêu được vấn đề, còn giải quyết thì là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền. Thực ra, công chúng rất quan tâm tới quá trình, cách thức và kết quả xử lý các vụ việc, nhất là các vụ việc gay cấn, thí dụ như vụ phá rừng ở Tánh Linh,
  13. Việt Nam môi trường và cuộc sống mà một số người có thẩm quyền ở địa phương đã đồng lõa, bao che, thậm chí uy hiếp và gây khó khăn cho người tố cáo, dám dũng cảm đấu tranh. Mặt khác, tính hiệu quả của báo chí chưa cao, do thiếu lựa chọn và tập trung vào một số vấn đề trọng tâm cần thiết, nhất là đối với những việc đòi hỏi nỗ lực tuyên truyền vận động sâu rộng, thường xuyên và kiên nhẫn, thí dụ việc không vứt rác, nhổ bậy, phóng uế, việc tôn trọng trật tự vệ sinh nơi công cộng, việc tôn trọng và làm đúng các quy định về vệ sinh và an toàn thực phẩm, việc không buôn bán trái phép và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã, Vì vậy, báo chí cần góp phần hơn nữa vào việc đấu tranh loại bỏ thói quen xấu và xây dựng một lối sống văn minh, lành mạnh về mặt môi trường, nhất là góp phần tạo thành công luận đấu tranh ủng hộ cái tốt, cái đúng và chống lại cái xấu, cái sai trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Rõ ràng là còn nhiều việc phải làm! Và hãy nói nhiều hơn nữa bằng tiếng nói của các dân tộc! Nước ta có 54 dân tộc. Phần lớn các dân tộc thiểu số đều sống ở các vùng rừng núi, trung du, thường là sống phân tán và phụ thuộc chủ yếu vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trình độ phát triển kinh tế - xã hội nói chung còn thấp, so với các vùng khác trong cả nước. Những nơi mà đồng bào sinh sống lại thuộc các vùng nhạy cảm về mặt sinh thái, như vùng đầu nguồn, đất lâm nghiệp, vùng đệm kề bên các vườn quốc gia hoặc một số ít vùng châu thổ và ven biển. Các hoạt động kinh tế có thể ảnh hưởng bất lợi tới môi trường tại địa phương và tác động tới các vùng đồng bằng ở phía hạ lưu các dòng sông. Sự thiếu hiểu biết, cùng một số tập quán lạc hậu còn có thể gây tác
  14. Việt Nam môi trường và cuộc sống hại tới đời sống và sức khỏe của đồng bào. Cho nên tại đây, việc bảo vệ môi trường phải gắn chặt với việc phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, vì chung quy bảo vệ môi trường cũng là vì lợi ích của con người. Chính phủ đã tăng cường đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, như đường sá, thủy lợi, điện, nước; các công trình phúc lợi xã hội, như trường học, bệnh viện tại các vùng rừng núi. Nhiều chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ cũng được triển khai. Cùng với việc đầu tư, còn có yếu tố quan trọng, là cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, chuyển giao công nghệ, nhất là những công nghệ thích hợp, khả thi và có hiệu quả. Riêng về mặt văn hóa - xã hội, Chính phủ có chủ trương phủ sóng để nhân dân có điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời thông qua hệ thống phát thanh và truyền hình. Những công cụ này rất có tác dụng, nhất là phát thanh, vì các thiết bị thu thanh hiện nay khá phổ cập trên thị trường với giá rẻ, đồng bào có thể mua được dễ dàng hơn trước. Hiện nay, để chuẩn bị cho những bước phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã có những thí điểm, như ở Hòa bình, đưa internet về xã, nhằm cập nhật và cung cấp thông tin kịp thời, góp phần nâng cao dân trí, trong đó rất quan trọng là các thông tin về sản xuất, thị trường, giúp cho nhân dân tiếp thu được các công nghệ, kinh nghiệm sản xuất và các hoạt động đời sống từ khắp nơi, giúp định hướng sản xuất và tìm kiếm thị trường, quảng cáo sản phẩm địa phương, Tất cả những điều đó đều phải thông qua ngôn ngữ. Có những khó khăn về mặt này, vì còn nhiều đồng bào không biết nói hoặc biết ít tiếng Kinh, và còn nhiều dân tộc không có chữ viết. Có nhiều thông tin bổ ích qua phát thanh, truyền hình, nhưng bằng tiếng Kinh, đồng bào không hiểu được. Có những nơi, ngay cán bộ chính quyền xã cũng không biết hoặc không thạo tiếng Kinh, mà cán bộ chuyên môn (về khoa học, công nghệ, giáo dục, khuyến nông, khuyến lâm ) lại không biết tiếng dân tộc, cho nên việc truyền đạt thông tin, kiến thức, chuyển giao công
  15. Việt Nam môi trường và cuộc sống nghệ gặp nhiều khó khăn và hiệu quả bị hạn chế. Việc giảng dạy và học tập bằng tiếng Kinh tại các trường học có thể tạo điều kiện để các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam có phương tiện dễ dàng trao đổi thông tin, mở rộng giao tiếp, có lợi cho sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cả đất nước. Song cùng với việc đó, cần tăng cường thông tin bằng các tiếng dân tộc và có chính sách khuyến khích các cán bộ nơi khác đến công tác tại các vùng dân tộc cũng phải biết và sử dụng tiếng dân tộc nơi đó. Đã có những buổi phát thanh bằng một số tiếng dân tộc, tác dụng rất tốt về nhiều mặt, trong đó có cả mặt bảo vệ môi trường. Trong khuôn khổ của Dự án do Quỹ SEF tài trợ, Đài Tiếng nói Việt Nam đã hợp tác và giúp đỡ các đài địa phương xây dựng chương trình phát thanh và in các sách nhỏ về môi trường bằng tiếng Êđê và tiếng Mông nhằm phổ biến một số kiến thức cần thiết về môi trường phù hợp với điều kiện địa phương. Đây chỉ là một Dự án nhỏ có tính chất tạo mô hình mẫu, nhưng nếu được mở rộng cả về nội dung và thời lượng, thì chắc chắn sẽ có tác dụng tốt trong việc huy động các cộng đồng dân tộc tham gia tích cực và chủ động vào công tác bảo vệ môi trường. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỚI NHÀ NƯỚC Sự tham gia tự giác và có trách nhiệm của công chúng nói chung và của cộng đồng địa phương nói riêng, có vai trò quyết định trong việc hoàn thành thắng lợi mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước ta trong lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhưng cho đến nay, sự tham gia đó còn có nhiều mặt hạn chế. Vì vậy, để cải thiện tình hình này, cần có một số giải pháp: - Cần quy định bằng pháp luật sự tham gia của công chúng và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ việc góp ý cho các chủ trương, chính sách và biện pháp lớn đến các dự án cụ thể tại địa phương. Đặc biệt, việc tham khảo ý kiến của dân đối với các dự án có tác động trực tiếp tới môi trường, tới sản xuất và đời sống
  16. Việt Nam môi trường và cuộc sống của nhân dân, cần được quy định như một thủ tục bắt buộc trong quá trình đánh giá tác động môi trường. Và các cơ quan có thẩm quyền cũng cần có hồi âm về kết quả đóng góp ý kiến của nhân dân. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, trước hết là nâng cao sự hiểu biết về chính sách và luật pháp có liên quan. Tạo điều kiện thuận lợi để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin về môi trường, các vấn đề và các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường, các quy hoạch và dự án đầu tư có liên quan, để nâng cao năng lực của công chúng trong việc tham gia ý kiến một cách thiết thực với các cơ quan có thẩm quyền. Kiên quyết chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường. Đã nói là làm, đã làm phải làm đến nơi đến chốn. Các cơ quan của Chính phủ phải nêu gương về việc này. Khen thưởng và xử phạt nghiêm minh và kịp thời, nhằm tạo thành công luận trong xã hội ủng hộ việc làm tốt, phản đối việc làm sai trái, đấu tranh với những người cố tình vi phạm pháp luật. Phát huy vai trò tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng, bằng cách khuyến khích và quản lý thích hợp, để cho việc truyền thông được chính xác, đầy đủ, khách quan, kịp thời tạo điều kiện cho công chúng nắm bắt được thông tin, phát biểu được ý kiến. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về xã hội hóa bảo vệ môi trường, các chính sách khuyến khích cộng động tham gia bảo vệ môi trường; các quy định về quyền và trách nhiệm, về quản lý của Nhà nước, về vai trò phản biện và giám định xã hội của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, nên quy
  17. Việt Nam môi trường và cuộc sống định và tạo điều kiện để các tổ chức này được thực sự tham gia đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước trong lĩnh vực môi trường, các hạng mục công trình quan trọng có thể tác động xấu tới tài nguyên, môi trường, sản xuất và đời sống tại những địa phương cụ thể. Nên phân một số công việc mà các tổ chức phi chính phủ đứng ra đảm nhiệm làm thì thích hợp hơn là các cơ quan nhà nước, như việc đề xuất các tiêu chuẩn và "sản phẩm xanh", việc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp và việc công nhận danh hiệu "xanh" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc xây dựng các mô hình bền vững cho cộng đồng, các mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng, các tổ chức xử lý chất thải ở cộng đồng