Việt Nam môi trường và cuộc sống - Đa dạng sinh học

pdf 17 trang hapham 2250
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Đa dạng sinh học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_da_dang_sinh_hoc.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Đa dạng sinh học

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Đa dạng sinh học Các loài sinh vật, được hình thành và phát triển trên trái đất hàng trăm triệu năm đã và đang bị đe dọa bởi các hoạt động của con người, nhiều loài đang bị suy giảm một cách nhanh chóng, thậm chí có một số loài đang ở ngưỡng cửa của sự diệt vong mà nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống bị phá huỷ, do săn bắt quá mức và do sự tấn công một cách dữ dội của các loài nhập cư cũng như sự cạnh tranh của các kẻ thù khác. Các chu trình hoá học và thuỷ văn tự nhiên đang bị phá vỡ do việc phá rừng và mỗi năm có hàng tỷ tấn đất mặt đã bị bào mòn và cuốn trôi theo các dòng nước xuống các ao hồ, đại dương. Mối đe dọa đối với các loài sinh vật hiện nay là chưa từng có: chưa lúc nào trong lịch sử sự sống mà một số lượng lớn các loài lại bị đe doạ tuyệt diệt trong một thời gian ngắn như vậy. Nguy cơ đối với các loài sinh vật ngày càng tăng do áp lực dân số tăng lên một cách nhanh chóng, cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật được sử dụng không đúng chỗ. Loài người đang phá hủy một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất mà không thể thay thế được trên thế giới, đó là sự đa dạng sinh học - cơ sở của sự sống còn, sự thịnh vượng và sự phát triển bền vững của chính họ. Tất cả tài sản quý giá đó rất cần thiết để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của loài người hiện nay, trong tương lai, cũng như đã đáp ứng cho tổ tiên trước kia. Thế nhưng loài
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống người đã không biết giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá đó mà lại đang khai thác quá mức, tiêu hao và phá hủy nó với danh nghĩa là để phát triển. Sự suy thoái đa dạng sinh học trên trái đất đang hàng ngày, hàng giờ âm thầm phá hủy khả năng phát triển của loài người. Việt Nam , cũng như nhiều nước khác trên thế giới đang đứng trước những thử thách lớn về vấn đề môi trường. Để nuôi sống khoảng 80 triệu dân và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa trong những năm sắp tới, chúng ta đã và đang phải khai thác một cách ồ ạt các loại tài nguyên thiên nhiên: đất, nước, rừng, biển, động vật, thực vật làm cho các loại tài nguyên quý giá này bị cạn kiệt một cách nhanh chóng. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, đối với các loại tài nguyên sinh học, là dạng tài nguyên có khả năng tái tạo được, điều quan trọng là tạo được sản lượng ổn định tối đa mà không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên cơ sở. Sản lượng này hoàn toàn có hạn và không thể khai thác quá khả năng chịu đựng, nếu không muốn làm giảm năng suất trong tương lai. Vấn đề là phải biết kiềm chế, biết cách sử dụng một cách khôn khéo, và làm ổn định nhu cầu trong giới hạn cho phép bằng cách sớm ổn định dân số, nâng cao nhận thức của mọi người về đa dạng sinh học đối với cuộc sống của họ, và tăng quyền chủ động của họ trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà cuộc sống của họ phụ thuộc vào đó.
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống Đa dạng sinh học ở Việt Nam Việt Nam được xem là một trong những nước thuộc vùng Đông Nam Á giàu về đa dạng sinh học. Do sự khác biệt lớn về khí hậu, từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình đã tạo nên tính đa dạng sinh học ở Việt Nam . Một dải rộng các thảm thực vật bao gồm nhiều kiểu rừng phong phú đã được hình thành ở các độ cao khác nhau, như các rừng thông, rừng hỗn loại lá kim và lá rộng chiếm ưu thế ở vùng á nhiệt đới, rừng thưa cây họ dầu, rừng thường xanh ưu thế cây họ đậu ở địa hình thấp, rừng ngập mặn chiếm ưu thế ở ven biển châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng, rừng tràm ở Đồng bằng Nam Bộ, rừng tre nứa thuần loại, và hỗn giao gỗ, tre, nứa ở nhiều nơi.
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống Mặc dù có những tổn thất quan trọng về diện tích rừng trong một thời kỳ kéo dài nhiều thế kỷ, hệ thực vật rừng Việt Nam vẫn còn phong phú về chủng loại. Cho đến nay, đã thống kê được 11.373 loài thực vật bậc cao có mạch (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), khoảng 1.030 loài rêu, 2.500 loài tảo và 826 loài nấm. Theo dự đoán của các nhà thực vật học, số loài thực vật bậc cao có mạch ít nhất sẽ lên đến 15.000 loài, trong đó có khoảng trên 5.000 loài đã được nhân dân ta dùng làm nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc, lấy gỗ, tinh dầu và nhiều nguyên vật liệu khác. Chắc rằng trong hệ thực vật Việt Nam còn nhiều loài mà chúng ta chưa biết công dụng của chúng và rất nhiều loài có tiềm năng là nguồn cung cấp sản vật quan trọng như dược liệu chẳng hạn. Hơn nữa, hệ thực vật Việt Nam có mức độ đặc hữu cao. Tuy hệ thực vật Việt Nam không có các họ đặc hữu và chỉ có khoảng 3% số chi đặc hữu (như các chi Vietnamosasa, chi Le cỏ, Colobogyne) nhưng số loài đặc hữu chiếm khoảng 33% số loài thực vật ở miền Bắc Việt Nam (Pocs Tamas, 1965) và hơn 40% tổng số loài thực vật toàn quốc (Thái Văn Trừng, 1970). Phần lớn số loài đặc hữu này tập trung ở bốn khu vực chính: khu vực núi cao Hoàng Liên ở phía Bắc, khu vực núi cao Ngọc Linh ở miền Trung, cao nguyên Lâm Viên ở phía Nam và khu vực rừng mưa ở phần Bắc Trung Bộ (Bắc Trường Sơn). Nhiều loài là đặc hữu địa phương, chỉ gặp trong một vùng rất hẹp với số cá thể rất thấp. Các loài này thường rất hiếm vì các khu rừng ở đây thường bị chia cắt thành những mảnh nhỏ hay bị khai thác một cách mạnh mẽ.
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống Bên cạnh đó, do đặc điểm cấu trúc, các kiểu rừng nhiệt đới ẩm thường không có loài ưu thế rõ rệt nên số lượng cá thể của từng loài thường hạn chế và một khi đã bị khai thác, nhất là khai thác không hợp lý thì chúng chóng bị suy giảm mạnh. Đó là tình trạng hiện nay của một số loài cây gỗ quý như gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), gụ mật (Sindora siamensis), nhiều loài cây làm thuốc như hoàng liên chân gà (Coptis chinensis), ba kích (Morinda officinalis) thậm chí có nhiều loài đã trở nên rất hiếm hay có nguy cơ bị tiêu diệt như thông nước hay thuỷ tùng (Glyptostrobus pensilis), hoàng đàn (Cupressus torulosa), bách xanh (Calocedrus macrolepis), cẩm lai (Dalbergia oliveri), pơmu (Fokiena hodginsii), Hệ động vật Việt Nam cũng hết sức phong phú. Hiện đã thống kê được 300 loài thú, 830 loài chim, 260 loài bò sát, 158 loài ếch nhái, 547 loài cá nước ngọt, khoảng hơn 2.000 loài cá biển và thêm vào đó có hàng chục nghìn loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và nước ngọt. Hệ động vật Việt Nam không những giàu về thành phần loài mà còn có nhiều nét độc đáo, đại diện cho vùng Đông Nam Á. Cũng như thực vật giới, động vật giới Việt Nam có nhiều dạng đặc hữu: hơn 100 loài và phân loài chim và 78 loài và phân loài thú là đặc hữu. Có rất nhiều loài động vật có giá trị thực tiễn cao và nhiều loài có ý nghĩa lớn về bảo vệ như voi, tê giác một sừng, bò rừng, bò tót, trâu rừng, bò xám, nai cà tông, hổ, báo, cu ly, vượn, voọc vá, voọc xám, voọc mông trắng, voọc mũi hếch, voọc đầu trắng, sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh, cò quắm lớn, ngan cánh trắng, nhiều loài trĩ, cá sấu, trăn, rắn và rùa biển.
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống Khung IV.7. CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT MỚI CHO KHOA HỌC ĐƯỢC PHÁT HIỆN Ở VIỆT NAM Chỉ trong 2 năm 1992 và 1994, tại Việt Nam đã phát hiện được hai loài thú lớn, cả hai loài đó đã phát hiện đầu tiên tại vùng rừng Hà Tĩnh là loài sao la (Pseudoryx nghetinhensis) và loài mang lớn hay còn gọi là mang bầm (Megamuntiacus vuquangensis), nơi mà trước đây không lâu đã phát hiện loài trĩ cuối cùng trên thế giới, loài gà lam đuôi trắng hay còn gọi là gà lừng (Lophurahatinhensis). Năm 1997 một loài thú lớn mới nữa cho khoa học được mô tả, đó là loài mang Trường Sơn (Caninmuntiacus truongsonensis) tìm thấy lần đầu tiên ở Vùng Hiên, thuộc tỉnh Quảng Nam. Gần đây chúng ta mới mô tả thêm loài chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) ở vùng Tây Nguyên và loài thỏ vằn (Nesolagus temminsi) phát hiện tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Hai loài cá mới cho khoa học cũng đã được tìm thấy tại Vũ Quang là loài cá lá giang (Opsarichthys vuquangensis) và loài cá chiên bẹt ở sông Đà (Dereuchilagnus songdaensis). Ba loài chim mới được tìm thấy ở Tây Nguyên là loài khướu Ngọc Linh (Garrulax ngoclinhensis), loài khướu vằn đầu đen (Actinodura sodangorum) và loài khướu Kon Ka Kinh (Garrulax kongkakingensi). Chúng ta tin rằng, ở Việt Nam chắc chắn còn rất nhiều loài động, thực vật chưa được các nhà khoa học biết đến. Nguồn: Võ Quý Khi xem xét sự phân bố của các loài ở trong vùng phụ Đông Dương nói chung, số loài thú và chim và các hệ sinh thái có nguy cơ bị tiêu diệt nói riêng và sự phân bố của chúng, chúng ta có thể nhận rõ rằng Việt Nam là một trong những vùng xứng
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống đáng được ưu tiên cao về bảo vệ. Không những thế, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn có những phát hiện mới rất lý thú. Về mặt đa dạng hệ sinh thái, Việt Nam có nhiều kiểu rừng khác nhau, từ kiểu rừng kín thường xanh đến kiểu rừng rụng lá ở các độ cao khác nhau, từ đai thấp (lowland), cận núi (sub- montane), núi (montane), cận núi cao (sub- alpine), các kiểu rừng núi đất, rừng núi đá vôi, rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng tre nứa, Việt Nam cũng có vùng đất ngập nước khá rộng, trải ra khắp đất nước nhưng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây không những là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của Việt Nam mà còn là nơi sinh sống của 39 loài động vật được coi là những loài có nguy cơ bị tiêu diệt ở vùng Đông Nam Á thuộc các nhóm thú, chim và bò sát (AWB, 1989). Ngoài ra, Việt Nam còn có phần nội thuỷ và lãnh hải rộng khoảng 226.000 km2, trong đó có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rạn san hô phong phú.
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống Ở Việt Nam các rạn san hô phân bố rải rác suốt từ Bắc vào Nam của biển Đông và càng vào phía Nam cấu trúc và số loài càng phong phú. Phần lớn các rạn san hô ở biển miền Bắc là những đám hẹp hoặc tạo thành từng cụm nhỏ, độ sâu tối đa chỉ giới hạn trong vòng mươi mét. Ở phía Nam , điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn cho sự phát triển của san hô. Từ vùng bờ biển Đà Nẵng đến Bình Thuận có nhiều rạn san hô ở xung quanh các đảo và các bãi ngầm, và xung quanh các đảo ở vịnh Thái Lan. Tại các đảo và bãi ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có những bãi san hô rộng lớn và đa dạng nhất trong vùng biển Việt Nam . Các rạn san hô phía tây - nam có cấu trúc đa dạng và có đỉnh cao đến 8 - 10m, và nằm ở độ sâu chừng 15m. Tại quần đảo Trường Sa, các rạn san hô có thể đạt tới độ sâu nhất là 40m và có đỉnh cao từ 5 - 15m. Cũng như rừng nhiệt đới, các rạn san hô là nơi có tính đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều loại tài nguyên quý giá và có nhiều tiềm năng cho sự phát triển khoa học và kinh tế trong tương lai. Hiện nay, chúng ta đã phát hiện được hơn 300 loài san hô cứng ở vùng biển Việt Nam, trong số đó có 62 loài là san hô tạo rạn phù hợp với điều kiện trong vùng. Về nhóm nhuyễn thể ở nước
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống mặn, đã thống kê được khoảng 2.500 loài, giáp xác 1.500 loài, giun nhiều tơ 700 loài, da gai 350 loài, hải miên 150 loài, 653 loài tảo biển. Nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có về sinh giới này có thể đáp ứng những nhu cầu hiện tại và tương lai của nhân dân Việt Nam trong quá trình phát triển, cũng như đã đáp ứng những nhu cầu ấy trong quá khứ. Nguồn tài nguyên này không những là cơ sở vững chắc của sự tồn tại của nhân dân Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã qua mà còn là cơ sở cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, thay vì phải bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý nguồn tài nguyên quý giá này, ở nhiều nơi, dưới danh nghĩa phát triển kinh tế, một số người đã và đang khai thác quá mức và phí phạm, không những thế, còn sử dụng các biện pháp huỷ diệt như dùng các chất độc, kích điện để đánh bắt cá, Nhiều loài hiện nay đã trở nên hiếm, một số loài đang có nguy cơ bị diệt vong. Nếu biết sử dụng đúng mức và quản lý tốt, nguồn tài nguyên sinh học của Việt Nam có thể trở thành tài sản rất có giá trị. Nhưng rất tiếc, nguồn tài nguyên này đang suy thoái nhanh chóng. Khung IV.8. TRE NỨA VIỆT NAM Ở Việt Nam, Phạm Hoàng Hộ (1990) đã thống kê được 102 loài tre, nứa, thuộc 19 chi. Nhưng giữa năm 2003, các nhà khoa học của Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam và Viện Điều tra quy hoạch đã phát hiện thêm 6 chi, 21 loài tre lần đầu tiên được ghi nhận của Việt Nam và 23 loài tre mới cho khoa học, đưa tổng số loài tre nứa của Việt Nam lên gần 150 loài thuộc 25 chi. Theo dự đoán, nếu được điều tra đầy đủ, số loài tre nứa của Việt Nam có thể lên đến 250 - 300 loài. Ở Việt Nam có thể gặp tre nứa từ độ cao ngang mực nước biển ở các làng xóm thuộc vùng Tây Nam Bộ, trên các đảo thuộc vịnh Hạ Long đến các độ cao gần 3.000m (Hoàng Liên Sơn). Dựa trên các đặc điểm hình thái và sinh thái, tre nứa có thể chia làm hai nhóm.
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nhóm mọc tản như trúc, vầu, sặt, phân bố ở các vùng cao có khí hậu lạnh; trên nhiều đỉnh núi như Tây Côn Lĩnh, Chư Yang Sinh, Ngọc Lĩnh, các loài tre thuộc nhóm mọc tản tạo thành các vành đai khá rộng. Còn các loài tre mọc cụm như tre gai, hóp, nứa, diễn, bương, mai, lùng, lồ ô thường mọc ở độ cao dưới 700m và được nhân dân trồng nhiều quanh làng bản, dọc đường đi, ven sông suối. Nhiều loài tre mọc thành rừng thuần loại hoặc hỗn giao với các loài cây gỗ. Hiện nay ở Việt Nam đã thống kê được 789.221ha rừng tre nứa thuần loại, 702.871ha rừng tre nứa hỗn giao với cây gỗ với hơn 2.000 tỷ cây và phân theo các vùng địa lý khác nhau (Tổng Kiểm kê rừng toàn quốc, 2001). Ngoài số rừng tre mọc tự nhiên tập trung, còn hàng trăm triệu cây tre được trồng rải rác trong các gia đình ở vùng đồng bằng, trung du và miền núi cũng tạo một trữ lượng tre nứa đáng kể. Do đặc tính của tre nứa là dễ trồng, mọc nhanh, phân bố rộng, có nhiều đặc tính kỹ thuật quý nên được dùng trong nhiều ngành nghề khác nhau. Đã thống kê được hơn 30 loại công dụng của tre nứa, nhưng phần lớn tre nứa của Việt Nam đã được sử dụng làm hàng thủ công, mỹ nghệ, làm vật liệu xây dựng và làm nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Đặc biệt măng tre dưới dạng tươi hoặc khô là món ăn quen thuộc của nhân dân Việt Nam . Càng ngày người ta càng phát hiện ra nhiều công dụng của tre nứa. Việc thử nghiệm trồng tre lấy lá để gói bọc hoặc làm tấm cách âm (xuất sang Đài Loan), hoặc đốt thân tre làm than hoạt tính (xuất khẩu sang Nhật Bản) cũng sẽ tạo nên nhiều mặt hàng tre nứa xuất khẩu trong tương lai. Nguồn: Vũ Văn Dũng, 2003
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống Giá trị của đa dạng sinh học Nhiều loài thực vật và động vật hoang dã, không những có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa kinh tế rất lớn. Các loài cây và con chúng ta nuôi trồng như lúa, ngô, khoai, đậu, như trâu, bò, dê, gà, vịt, đều có nguồn gốc từ các thực vật và động vật hoang dã. Số loài hoang dã đang sống trong thiên nhiên, có họ hàng gần gũi với các cây trồng và động vật nuôi là nguồn gen có giá trị rất quan trọng trong việc lai tạo, thay thế những gen đã bị thoái hoá, Cũng có nhiều loài hoang dã có tiềm năng trở thành các loài cây trồng hay vật nuôi trong tương lai. Chỉ lấy nhóm lúa và nhóm thú thuộc họ bò ở nước ta làm ví dụ cũng thấy rõ điều đó. Bảng IV.7. Sự đa dạng thành phần loài động vật hoang dã ở Việt Nam
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nguồn: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Đa dạng sinh học cây lúa Việt Nam Ngày nay, các nhà phân loại học đều nhất trí là chi Oryza (lúa) có 23 loài hoang dại và 2 loài lúa trồng O. sativa và O. glaberrima thuộc loại lúa nhị bội 2n = 24 có bộ gen AA. Loài O. glaberrima phân bố chủ yếu ở Tây và Trung Phi, còn loài O. sativa được gieo trồng ở khắp thế giới, trong đó có Việt Nam (Vaughan, D.A.,1994). Khung IV.9. TÀI NGUYÊN CÂY ĂN QUẢ VIỆT NAM Kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu cây ăn quả về nguồn tài nguyên cây ăn quả ở Việt Nam cho thấy hiện có hơn 130 loài nằm trong 39 họ thực vật, với hàng trăm giống cây ăn quả khác nhau được xếp vào ba nhóm chính: Nhóm cây ăn quả nhiệt đới như: dứa, xoài, mít, đu đủ, ổi, na, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, dừa, đào lộn hột (điều), me, chôm chôm, khế, lòn bon, bưởi, Nhóm cây ăn quả á nhiệt đới như: vải, nhãn, hồng, nhót Nhật Bản, bơ, cam, quýt, hạt dẻ, Phần lớn cây ăn quả thuộc nhóm này phân bố trong vùng lãnh thổ từ 18o - 23o22 vĩ độ bắc, nơi có mùa đông lạnh hàng năm, hoặc ở các vĩ độ thấp, thì độ cao so với mặt biển từ 1.000m trở lên. Nhóm cây ăn quả ôn đới thường tập trung ở các vùng thuộc các tỉnh biên giới phía
  13. Việt Nam môi trường và cuộc sống Bắc (500m trở lên) như đào, mận, mơ, táo tây, lê, nho, dâu tây Trong số các cây ăn quả ở Việt Nam , những cây ăn quả có nguồn gốc bản địa chiếm một tỷ lệ khá lớn. Ví dụ như: chuối, mít, các loài thuộc chi cam, chanh (Citrus), trám, khế, táo gai, xoài, cóc, dâu da xoan, thị, Một số loài như chuối, mít, bưởi, rất đa dạng, có khá nhiều giống, tài nguyên di truyền phong phú và vùng phân bố khá rộng, nông dân vùng nào cũng trồng. Những cây ăn quả nhập nội vào Việt Nam đã lâu, như: dừa, na, đu đủ, hồng xiêm, ổi, bơ, đào lộn hột, một số giống cam quít, xoài, vải, nhãn, đã thích nghi với khí hậu, đất đai Việt Nam và hầu như đã trở thành giống bản địa, đang là những cây ăn quả có ý nghĩa về nhiều mặt trong đời sống về mặt dinh dưỡng, môi trường và kinh tế của cư dân tại chỗ. Do nạn phá rừng và du canh du cư, nhiều giống gen quý về cây ăn quả bị mai một dần và đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Không nhanh chóng thu thập và lưu giữ nguồn tài nguyên này là một thiệt hại lớn cho đất nước. Một tình hình mới là trong mấy năm gần đây do sự chi phối của cơ chế thị trường, nhiều nơi đã chặt bỏ những cây ăn quả trong vườn nhà có giá trị kinh tế thấp, như: dừa, mít, hồng xiêm, cam, vải chua, trứng gà để trồng các cây bán được giá cao và cho thu nhập nhiều hơn như nhãn, hạt tiêu, vải thiều, quýt nhất là phong trào cải tạo vườn tạp đang rầm rộ ở nhiều nơi, chủ vườn đã chặt bỏ những cây ăn quả bản địa có nguồn gen quý hiếm, nhưng ít mang lại thu nhập cao cho họ, thay bằng những cây ăn quả đang bán có giá trị trong nước và xuất khẩu. Trước tình hình đó, Viện Nghiên cứu rau - quả đã và đang thu thập quỹ gen cây ăn quả và xây dựng vườn tập đoàn cây ăn quả tại Viện (Gia Lâm, Hà Nội) và các trung tâm thuộc Viện ở các vùng sinh thái khác nhau trong nước. Ngoài việc thu thập vốn gen cây ăn quả truyền thống ở các vùng trong nước, Viện
  14. Việt Nam môi trường và cuộc sống còn chú ý nhập nội những giống cây ăn quả quý hiếm như: xoài, cam, quýt, mơ, mận, hồng, của các nước khác để làm phong phú thêm tài nguyên gen cây ăn quả ở nước ta. Nguồn: GS. Trần Thế Tục, "Tài nguyên thực vật ở Việt Nam", 1996 Việt Nam là nước giàu về tài nguyên di truyền lúa, đồng thời là một trong những trung tâm khởi nguyên của cây lúa và nghề trồng lúa. Ở nước ta, lúa được trồng từ vùng nhiệt đới nóng ẩm đến vùng á nhiệt đới với độ cao khác nhau, từ những vùng đầm lầy quanh năm ẩm thấp đến vùng đất cao khô hạn. Cây lúa trồng ở Việt Nam hiện nay là O. sativa, là loại hình lúa có nguồn gốc ở các vùng nhiệt đới và cũng được trồng đầu tiên ở đây. Qua quá trình gieo trồng và thuần hoá cây lúa hàng nghìn năm, cùng với sự đa dạng về địa lý, sinh thái trên toàn lãnh thổ đất nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên sự đa dạng về tài nguyên di truyền lúa. Tập đoàn giống lúa địa phương ở nước ta phong phú cả về số lượng và chất lượng, với những bộ giống lúa dài ngày, giống lúa vừa ngày và cả lúa cực sớm, những dạng lúa tẻ gần với dạng hoang dại, hạt gạo cứng, cho tới loại hình hạt dẻo, thơm, ít nở có chất lượng cao. Việc ứng dụng các kỹ thuật sinh học mới để đánh giá tài nguyên cây trồng cho thấy tài nguyên di truyền lúa Việt Nam có nhiều đặc thù và vào loại phong phú bậc nhất của thế giới (Lưu Ngọc Trình, Đào Thế Tuấn, 1996). Tập đoàn lúa Việt Nam bao gồm cả lúa tiên (Indica) và lúa cánh (Japonica). Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các giống lúa trồng ở ôn đới và cận nhiệt đới đều thuộc loại hình Japonica. Hai loại hình này có sự khác biệt về mặt di truyền, các giống lai của chúng có sự bất thụ cao và phân ly ở nhiều thế hệ sau. Nghiên cứu đa dạng di truyền quỹ gen lúa dựa trên chỉ thị phân tử của một số tác giả cũng cho thấy, Việt Nam có ba nhóm lúa là lúa Indica chiếm 89,0%, lúa Japonica chiếm 9,5% và 1,5% thuộc nhóm chưa xác định được. Một điều đặc biệt
  15. Việt Nam môi trường và cuộc sống của tài nguyên di truyền lúa ở Việt Nam là có một phần lúa thơm là lúa Japonica (Lưu Ngọc Trình, 1999). Đây sẽ là nguồn vật liệu quý để tạo giống lúa thơm cho các nước đang phát triển ở vùng ôn đới, nơi hiện không có các giống lúa thơm. Theo GS. Đào Thế Tuấn (1985), đa dạng sinh học cây lúa trồng Việt Nam gồm ba nhóm giống lúa cổ truyền có các đặc tính di truyền khác nhau, đó là: - Nhóm giống lúa Việt - Thái ở vùng núi phía Bắc với thành phần chính là lúa nương, nhóm giống lúa này có sự đa dạng vào loại cao nhất thế giới, nhưng chưa được nghiên cứu khai thác sử dụng nhiều ở nước ta. - Nhóm lúa của Trung tâm Tài nguyên di truyền lúa Việt Nam là nhóm lúa Việt mang đặc tính thâm canh ở vùng Đồng bằng sông Hồng với những nguồn gen đặc trưng sau: + Lúa chiêm với những nguồn gen quý nổi tiếng thế giới như gen kháng đạo ôn, gen chịu đất chua, phèn, chịu đất nghèo lân, gen chịu rét thời kỳ mạ và thời kỳ lúa trỗ. Đại diện cho nhóm này là bộ giống lúa chiêm tẻ tép có nguồn gen kháng đạo ôn giá trị độc nhất vô nhị, đã được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và nhiều nước khác sử dụng từ đầu thập kỷ 60 để lai tạo nhiều giống lúa cao sản đang phổ biến rộng trong sản xuất. + Bộ lúa tám thơm với nhiều giống tại các vùng sinh thái khác nhau. Lúa tám thơm Việt Nam cùng với lúa Basmati ở Ấn Độ, Pakixtan và lúa Khaodak mali của Thái Lan là ba nhóm giống lúa thơm chính trên thế giới. - Nhóm giống lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các nguồn gen đặc trưng là lúa nổi, lúa chịu nước sâu, lúa chịu đất chua, phèn, lúa chịu mặn và lúa chất lượng phục vụ xuất khẩu.
  16. Việt Nam môi trường và cuộc sống Ngoài sự đa dạng di truyền cao của O.sativa, Việt Nam còn là nơi tồn tại sự đa dạng nhiều quần thể của các loài lúa hoang dại: - Loài O. glanulata phân bố ở vùng Mường Tè, Lai Châu có gen chịu hạn và gen có khả năng quang hợp cao trong điều kiện ít chiếu sáng. - Loài O. rufipogon phân bố trên địa bàn cả nước nhưng nhiều nhất ở Đồng Tháp Mười, dọc theo kênh rạch của sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ, Bến Tre, Trà Vinh và Hà Tiên. Loài O. rufipogon ở Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn gen chịu chua, phèn cao nhất thế giới. Loài O. rufipogon phát hiện tại thung lũng Điện Biên Phủ có nguồn gen kháng các bệnh virus. - Loài O. officinalis phân bố nhiều ở Tiền Giang và Ô Môn có nguồn gen kháng rầy nâu. Chúng ta cũng đã phát hiện ra ba loài có quan hệ huyết thống gần gũi với cây lúa là: Hygroryza aristata phân bố ở miền Trung Việt Nam (Đà Nẵng); loài Leersia hexandra phân bố trên nhiều vùng sinh thái của cả nước và Rhynchorysun subulata phân bố trên kênh rạch ở Phụng Hiệp (Cần Thơ). Tất cả đều là những vật liệu khởi đầu quý cho các chương trình chọn tạo giống lúa ở nước ta hiện nay và sau này. Khung IV.10. MÂY SONG Đối với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, mây song là lâm sản có giá trị đứng hàng thứ ba sau gỗ và tre nứa. Do đặc tính bền, bóng đẹp, dẻo dễ uốn, nên mây song là nguyên liệu để làm nhiều mặt hàng như đồ gia dụng, bàn ghế, trang trí, sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu.
  17. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nhóm mây song của Việt Nam còn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tới nay mới có một tài liệu chính thức về "Gây trồng và phát triển mây song của Việt Nam " (Vũ Văn Dũng, Lê Huy Cường, 1996). Về mặt phân loại, theo Vũ Văn Dũng và Lê Huy Cường (1996), tới nay Việt Nam đã thống kê được 5 chi và 30 loài mây song bao gồm: chi mây nếp (Calamus) 19 loài và 1 loài phụ; chi hèo (Daemonorops) 4 loài; chi phướn (Korthalsia) 2 loài; chi mây rúp (Myriapis) 1 loài; chi song lá bạc (Plectocomia) 2 loài và c