Việt Nam môi trường và cuộc sống - Đô thị hóa và môi trường

pdf 16 trang hapham 2050
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Đô thị hóa và môi trường", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_do_thi_hoa_va_moi_truong.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Đô thị hóa và môi trường

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Đô thị hóa và môi trường Quá trình đô thị hoá từ 1990 đến nay Trong giai đoạn 1975 - 1990 đô thị ở nước ta hầu như không có biến động, phản ánh nền kinh tế còn trì trệ. Sau năm 1990 cùng với những chuyển biến tích cực về mặt kinh tế - xã hội, mạng lưới đô thị quốc gia đã được mở rộng và phát triển. Về số lượng đô thị, năm 1990 cả nước mới có khoảng 500 đô thị lớn nhỏ, đến năm 2000 đã tăng lên 649 đô thị, và đến năm 2003 đã có 656 đô thị, trong đó có 4 thành phố loại I, 10 đô thị loại II, 13 đô thị loại III, 59 đô thị loại IV, và 570 đô thị loại V. Theo phân cấp quản lý, cả nước có 4 thành phố trực thuộc Trung ương, 83 thành phố, thị xã thuộc tỉnh, còn lại là các thị trấn. Trên địa bàn cả nước đã và đang hình thành khoảng 82 khu công nghiệp tập trung, 22 đô thị mới và 18 khu kinh tế cửa khẩu. Đô thị hóa, công nghiệp hóa ở nước ta diễn ra mạnh nhất ở 3 vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội Bắc, Trung, Nam, ở vùng duyên hải, kể cả ở các đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Vân Đồn, Cát Bà, Ví dụ như huyện đảo Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là 1 trong 14 khu vực trọng điểm phát triển du lịch trong toàn quốc, tỷ lệ dân số đô thị hiện nay dưới 40%, theo quy hoạch phát triển đến năm 2010 tỷ lệ dân số đô thị sẽ đạt 56 - 60%, đến năm 2020 sẽ là 80%, từ nay đến 2010 sẽ hình thành 2 khu công nghiệp. Vì vậy tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa gây ô nhiễm môi trường không những đối với môi trường trong đất liền mà còn có tác động mạnh đối với môi trường vùng biển ven bờ. Tăng trưởng dân số đô thị từ 11,87 triệu người năm 1986 lên 18 triệu người năm 1999 và khoảng 20 triệu người năm 2002, nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 19,3% năm 1986 lên
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống 25,3% năm 2002. Tuy vậy, đô thị hoá ở Việt Nam còn ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới. Ví dụ, tỷ lệ dân đô thị ở châu Á trung bình là 28%, châu Phi là 32%, Mỹ La Tinh là 68%. Tăng trưởng kinh tế hàng năm của các đô thị ở Việt Nam trung bình từ 12 - 15%. Thu nhập đầu người tăng nhanh, tại các đô thị lớn đạt khoảng 1.000USD/năm và tại các đô thị trung bình đạt trên 500USD/năm. Tăng trưởng không gian đô thị cũng đạt tỷ lệ đáng kể. Năm 1999, đất đô thị chỉ chiếm 0,2% diện tích đất tự nhiên cả nước, đến năm 2000 đã tăng lên 0,35% và hiện nay (2003) con số này đạt xấp xỉ 1%. Chiến lược phát triển đô thị đến năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đến năm 2020" trong Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23-1-1998, trong đó xác định phương hướng xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn cả nước và các vùng đặc trưng: Mức tăng trưởng dân số dự báo: Năm 2010, dân số đô thị là 30,4 triệu người, chiếm 33% dân số cả nước. Năm 2020, dân số đô thị là 46 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước. Nhu cầu sử dụng đất đô thị: Năm 2020, diện tích đất đô thị là 460.000ha, chiếm 1,4% diện tích đất tự nhiên cả nước, bình quân 100m2/người.
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tổ chức không gian hệ thống đô thị: Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm các thành phố trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Các đô thị trung tâm các cấp được phân bố hợp lý trên 10 vùng đô thị hoá đặc trưng của cả nước. Các đô thị trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải được tổ chức thành các chùm đô thị, có vành đai xanh bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái, tránh sự hình thành các siêu đô thị. Quy hoạch sử dụng đất đô thị đảm bảo các khu chức năng và cơ sở hạ tầng có quan hệ gắn bó. Hình thành bộ mặt kiến trúc hiện đại nhưng vẫn kế thừa, bảo vệ, tôn tạo và giữ gìn các di sản lịch sử văn hoá, phát triển nền kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Ưu tiên phát triển, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng các đô thị và các vùng kinh tế trọng điểm, tạo tiền đề phát triển các đô thị và đô thị hoá nông thôn. Cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị theo yêu cầu và mức độ phát triển của từng đô thị. Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị: Xây dựng và duy trì bộ khung bảo vệ thiên nhiên trên địa bàn cả nước.
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống Khai thác và sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên vào mục đích cải tạo đô thị. Có biện pháp xử lý, tái sử dụng các chất thải sinh hoạt và sản xuất bằng các công nghệ thích hợp. Quy hoạch đô thị chưa phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường Quá trình đô thị hoá tương đối nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đến sự cân bằng sinh thái: tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập, cùng với nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên nước; nhiều xí nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm môi trường lớn trước đây nằm ở ngoại thành, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc; mở rộng không gian đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn lương thực quốc gia và đến đời sống của nhân dân ngoại thành; sản xuất công nghiệp phát triển mạnh làm phát sinh một lượng lớn chất thải, trong đó chất thải nguy hại ngày càng gia tăng; bùng nổ giao thông cơ giới gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn nghiêm trọng; đô thị hóa làm tăng dòng người di dân từ nông thôn ra thành thị, gây nên áp lực đáng kể về nhà ở và vệ sinh môi trường, hình thành các khu nhà "ổ chuột" và khu nghèo đô thị. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị là các vấn đề môi trường chưa được đề cập đầy đủ và quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Ngoài việc quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng, các vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, như hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý rác, xử lý nước thải, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn, chưa được chú ý đúng mức. Mặc dù việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các đồ án quy hoạch đô thị đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống công tác triển khai thực hiện cho đến nay vẫn còn chậm, chưa hiệu quả và chưa chứng tỏ được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị. Một nguyên nhân khác dẫn đến việc các đô thị phải chịu sức ép môi trường ngày càng tăng là việc thiếu các biện pháp hữu hiệu trong chỉ đạo và quản lý quy hoạch xây dựng. Tình trạng xây dựng lộn xộn tại các đô thị lớn là một vấn đề bức xúc đòi hỏi những biện pháp quản lý cấp bách và hiệu quả, nếu không cái giá phải trả cho việc giải quyết hậu quả môi trường sẽ là vô cùng lớn. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng là bước tiếp theo và cụ thể hoá của công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị, một yếu tố then chốt trong việc xây dựng các đô thị bền vững và hoà hợp với môi trường. Một số vấn đề môi trường bức xúc trong quá trình đô thị hóa Gia tăng dân số đô thị và di dân từ nông thôn vào đô thị: Nhìn chung, dân số tăng chậm hoặc cân đối với sự phát triển sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy nền kinh tế phát triển, cho phép tăng tích luỹ cả vốn, vật chất, kỹ thuật và nguồn nhân lực, tạo điều kiện phát triển việc làm và đem lại một môi trường sống trong sạch hơn. Bên cạnh vấn đề tăng tự nhiên còn có một nguyên nhân khác dẫn đến gia tăng dân số đô thị là tăng cơ học hay di dân từ nông thôn vào đô thị. Các nghiên cứu cho thấy có nhiều dạng di dân như nông thôn - nông thôn, thành thị - thành thị, nông thôn - thành thị và thành thị - nông thôn, người di dân tự do thường có mong muốn và xu hướng chuyển theo hướng nông thôn - thành thị để tìm kiếm cơ hội công ăn
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống việc làm, đặc biệt họ bị hấp dẫn bởi một số thành phố và khu công nghiệp lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hạ Long, Hiện tượng di dân tới các đô thị đã gây ra nhiều vấn đề phải giải quyết như nhà ở, dịch vụ, thông tin, giáo dục, chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng, việc làm, ô nhiễm môi trường, Trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển như hiện nay ở nước ta, vấn đề việc làm ở các vùng đô thị nổi lên khá gay gắt. Hiện tượng thất nghiệp, thu nhập thấp tất yếu sẽ làm nảy sinh các hiện tượng xã hội tiêu cực khác. Vấn đề dân số đô thị ở nước ta hiện nay và trong những năm tới sẽ vẫn còn là một thực trạng nan giải nếu như chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nông thôn không được thực hiện có hiệu quả. "Xóm liều, xóm bụi" - ung nhọt của đô thị hiện đại: Trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến vấn đề nhà ở, đầu tư nhiều tỷ đồng cho xây dựng nhà ở mới tại các đô thị và khu công nghiệp. Nhờ đó đã giải quyết một phần rất quan trọng về nơi ở của người dân. Tuy nhiên, tình hình nhà ở đô thị vẫn đang rất căng thẳng trên tất cả các mặt: phát triển mới, cải tạo, mua bán, chuyển dịch và quản lý. Nếu không có những giải pháp hiệu quả thì sự tác động của nhà ở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đến sự phát triển đô thị. Điều quan trọng hơn là khắc phục những hậu quả do sai lầm của chính sách nhà ở đô thị sẽ lâu dài và rất tốn kém. Các nghiên cứu cho thấy nhà ở đô thị hàm chứa trong bản chất của nó một loạt các vấn đề mà cách giải quyết chỉ có thể đạt được bằng các chính sách lớn mang tầm vóc quốc gia. Diện tích nhà ở bình quân đầu người tại các đô thị nước ta còn quá thấp (5,4m2/người). Chất lượng nhà ở không bảo đảm, các điều kiện về hạ tầng, môi trường đều kém cỏi. Nhà "ổ chuột" còn chiếm tỷ trọng đáng kể tại các đô thị. Cung cầu mất cân đối nghiêm trọng, cộng với những tác động của chính sách
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống không hợp lý, làm cho giá nhà ở quá cao so với thu nhập của nhân dân đô thị. Từ khi xoá bỏ bao cấp, số lượng và chất lượng nhà ở do dân tự đầu tư tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, xây dựng nhà ở tự phát đã làm cho chính quyền các đô thị không kiểm soát được việc xây dựng theo quy hoạch, đã làm ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan đô thị, môi trường sống. Trước tình hình này, năm 1991 Bộ Xây dựng đã đề xuất và tổ chức chỉ đạo thực hiện mô hình đầu tư phát triển nhà ở theo dự án nhằm tăng nhanh quỹ nhà ở với yêu cầu vừa đảm bảo đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, vừa góp phần tạo dựng bộ mặt của các khu dân cư đô thị văn minh, hiện đại. Điều này có thể nhận thấy dễ dàng qua các con số: giai đoạn 1991 - 1995 cả nước mới triển khai 98 dự án nhà ở mà phần lớn với quy mô dự án nhỏ thì đến giai đoạn 1996 - 2000 cả nước đã triển khai trên 800 dự án nhà ở và các khu đô thị mới và đến cuối năm 2002 cả nước đã có 1.100 dự án. Trong bối cảnh quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người nghèo và thu nhập thấp có rất ít điều kiện để có được một chỗ ở phù hợp. Vấn đề này trầm trọng hơn với sự ra đời của chính sách xoá dần bao cấp nhà ở (cuối 1992). Bức tranh đô thị đã trở nên đối lập thật sự giữa một bên là tốc độ phát triển ngày càng nhanh của quá trình đô thị hoá, tốc độ phát triển nhà không phải để ở tăng nhanh hơn tốc độ phát triển nhà ở; tốc độ hiện đại hoá nhanh càng mâu thuẫn với bức tranh vô cùng ảm đạm của các dãy nhà lụp xụp "ổ chuột", nhà trên và ven kênh rạch. Một tồn tại khác trong vấn đề nhà ở đô thị là sự tồn tại của các khu nhà ở không chính thức và một biến thái của nó là các "xóm liều, xóm bụi". Hai nguyên nhân chính của thực trạng này là tốc độ đô thị hoá nhanh, dẫn đến nhập cư trái phép và giá đất đô thị quá cao, mà một số hộ dân không có điều kiện mua đất đã lấn chiếm đất công để ở. Do tính chất này mà đa phần các khu nhà ở không chính thức có điều kiện nhà ở rất kém, diện tích ở khoảng 2 - 4m2/người, nhà ở lụp xụp, tạm bợ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội đều ở mức rất thấp. Điều này
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống dẫn đến môi trường trong các khu dân cư này bị ô nhiễm nghiêm trọng và có thể coi đây là các khu nhà "ổ chuột" đô thị. Hà Nội đã từng có ba khu nhà ở không chính thức lớn hình thành từ những năm 90 của thế kỷ XX là khu chứa trọ Phúc Xá, khu bãi rác Thành Công, và khu "xóm liều" Thanh Nhàn với số lượng dân ở mỗi khu khoảng 400 người. Ngoài ra Hà Nội còn có hơn 20 "xóm liều, xóm bụi" nhỏ, với mỗi xóm từ 5 - 10 hộ dân, nằm rải rác trong các quận, huyện khác trên các khu đất công hoặc ven sông, hồ, Với các đô thị miền Trung và miền Nam , ngoài các nguyên nhân nêu trên, còn có một nguyên nhân khác là hậu quả của chiến tranh. Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có 67.000 căn nhà "ổ chuột" và trong đó có 24.000 hộ sống ven kênh rạch. Tại thành phố Huế có 770 hộ với 4.483 nhân khẩu sống trên Thượng Thành và Eo Bàu trong khu Thành cổ với diện tích xây dựng trái phép là 31.500m2. Ngoài ra, một số cộng đồng dân cư đô thị hình thành từ xa xưa, sinh sống hợp pháp, nhưng do đặc điểm định cư và sinh sống đặc biệt nên có thể coi là những khu "ổ chuột" đô thị. Đó là cộng đồng dân vạn đò, vạn chài trên sông, hồ, đầm, phá, mà điển hình là cộng đồng dân vạn đò trên sông Hương thành phố Huế, có 941 hộ với 6.505 nhân khẩu sinh sống trong điều kiện vệ sinh môi trường rất kém.
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống Chết vẫn chưa được yên thân: Nghĩa trang và mai táng hiện đang là một vấn đề nan giải ở hầu hết các đô thị và chưa được ổn định. Hiện tại ở nước ta có hai hình thức quỹ đất dành cho mai táng, là đất nghĩa địa và đất nghĩa trang. Nghĩa địa là loại hình đất mai táng có nguồn gốc tự phát trong các nhóm dân cư. Loại này không có quy hoạch và thường nằm xen kẽ giữa các khu dân cư và đất nông nghiệp. Nghĩa trang là quỹ đất mai táng hình thành do nhu cầu được xác định của đô thị, có quy hoạch và quản lý của các cơ quan chức năng. Tại hầu hết các đô thị, tổng diện tích đất nghĩa địa lớn hơn nghĩa trang. Tỷ lệ chiếm đất của các nghĩa trang trên tổng diện tích đất đô thị dao động từ 0,03% đến 8,4%, nhưng phần lớn các đô thị có tỷ lệ 1.500m (đạt Tiêu chuẩn Việt Nam 4449-1987). Việc lấn chiếm đất và chôn cất lộn xộn như vậy dẫn đến tình trạng lãng phí quỹ đất rất lớn và khi phát triển đô thị và giao thông thường gặp phải vấn đề rất nan giải là di chuyển và giải phóng mồ mả. Việc quy hoạch các khu nghĩa trang còn chưa được quan tâm đúng mức, phần lớn các nghĩa trang được chọn từ các nghĩa địa đã có sẵn và mở rộng thêm, không quy hoạch phân lô và quy định cụ thể hướng đặt mộ cũng như việc bố trí dải cây xanh cách ly. Hiện tại ở hầu hết các khu nghĩa trang, nghĩa địa, chưa có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh, việc thoát nước hoàn toàn dựa vào độ dốc địa hình tự nhiên thoát trực tiếp ra các ao hồ, ruộng trũng xung quanh. Chưa có hệ thống mương bao để thu gom nước thải thấm từ xác chết phân hủy ra. Kết quả khảo sát chất lượng nước mặt và nước ngầm trong khu vực nghĩa trang và dân cư xung quanh tại một số đô thị cho thấy: độ pH thường thiên về axít, hàm lượng coliform vượt tiêu chuẩn cho phép từ 20 - 4.000
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống lần, hàm lượng BOD và COD vượt từ 2 đến hơn 15 lần, hàm lượng NO3 gấp 2 - 100 lần. "Lá phổi" của đô thị bị tàn phá: Tại các vùng đô thị hóa nhanh, bộ khung bảo vệ môi trường là những vành đai xanh không được quy hoạch và bảo vệ. Chỉ tiêu đất để trồng cây xanh trong các đô thị quá thấp, trung bình mới đạt 0,5m2/người. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, con số này cũng không quá 2m2/người, chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Một số di sản văn hóa, lịch sử và một số di tích, vùng cây xanh bảo vệ môi trường đang bị vi phạm, tàn phá nặng. Hệ thống không gian xanh - lá phổi của đô thị - hầu như chưa được chú ý và các cơ quan quản lý chưa hoạch định chính sách đối với vấn đề này. Quan niệm về vấn đề cây xanh bảo vệ môi trường chỉ đơn thuần là trồng cây trên đường phố để che nắng. Chọn cây trồng hết sức tùy tiện không có ý tưởng đặc trưng, gây nên tình trạng các đô thị ngoài Bắc như thành phố Thái Nguyên, Bắc Ninh, Việt Trì, Hải Phòng, có một số loại cây giống nhau như: xà cừ, phượng, sữa, tử vi tàu, Các đô
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống thị loại III kể từ Quảng Nam trở vào cũng vậy: viết, dầu nước, trứng cá, không tạo được nét đặc trưng cây xanh gây ấn tượng của mỗi đô thị. Khung V.1. DIỆN TÍCH CÂY XANH VÀ MẶT NƯỚC HÀ NỘI SUY GIẢM Kết quả phân tích ảnh vệ tinh được giới thiệu ở trang sau cho thấy sau 10 năm phát triển (1986-1996) diện tích đất cây xanh của 4 quận nội thành cũ của Hà Nội đã giảm đi 12%, diện tích mặt nước ao, hồ giảm đi 64,5%, ngược lại, diện tích xây dựng nhà tăng thêm 22,4%. Nguồn: Đề tài khoa học KHCN 07.11 do Phạm Ngọc Đăng làm Chủ nhiệm Công viên để vui chơi giải trí hầu như rất ít. Diện tích các công viên chức năng cũng rất hạn hẹp (0,5 - 4ha) và chỉ là nơi nghỉ ngơi thư giãn ngắm cảnh như các vườn hoa ở Huế, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên. Các khu công nghiệp chưa có khoảng cách ly vệ sinh. Trong khu công nghiệp, theo tính chất ngành, thường quy định dành 10 - 15% quỹ đất cho trồng cây để làm mát, chống bụi khói độc hại và làm nơi giải trí cho công nhân, nhưng thực tế ở nhiều khu công nghiệp còn thiếu đất cây xanh. Trồng cây ở nhiều đô thị có nguồn gốc từ Chương trình 327, cây xanh là những loài cây cải tạo đất, phát triển rất nhanh, nhưng không đẹp và không phù hợp với cảnh quan đô thị như: bạch đàn, tràm bông vàng, keo tai tượng, (Thái Nguyên, Bắc Ninh). Giao thông đô thị và môi trường
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tốc độ phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đô thị thấp hơn rất nhiều so với tốc độ đô thị hoá và tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cơ giới. Diện tích đất giao thông đô thị không đủ, mạng lưới đường giao thông phân bố không đồng đều, thông số kỹ thuật tuyến đường rất thấp, hành lang đường luôn bị lấn chiếm. Theo số liệu thống kê, tại các đô thị lớn, các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông cũng rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 35 - 40% so với nhu cầu cần thiết, như: tại Hà Nội, diện tích đất giao thông khoảng 7,8%, mật độ đường đạt 3,89km/km2; tại thành phố Hồ Chí Minh diện tích đất giao thông khoảng 7,5%, mật độ đường đạt 3,88km/km2. Các chỉ tiêu giao thông tại các đô thị loại thấp hơn cũng nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu cần thiết. Diện tích các điểm đỗ xe đạt 25% song chưa có quy hoạch cụ thể. Mật độ đường chính đạt 40%, mật độ của đường liên khu vực, phân khu vực thấp nhất chỉ đạt 20 - 30% so với yêu cầu. Một số hậu quả chính của hiện trạng giao thông đô thị yếu kém là: Tai nạn giao thông: Tình hình tai nạn giao thông ở nước ta, đặc biệt trong khu vực đô thị hết sức nghiêm trọng, thuộc vào nhóm cao nhất thế giới. Tuy chỉ số về số vụ tai nạn giao thông/10.000 phương tiện không cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, song chỉ số người chết/tổng số người bị thương là đặc biệt cao mà nguyên nhân chính là do phương tiện chủ đạo trong giao thông đô thị là xe hai bánh. Ùn tắc giao thông: Ùn tắc giao thông trong các đô thị đang và ngày càng trở nên bức xúc, đặc biệt tại các đô thị vừa và lớn. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do ùn tắc giao thông gây ra. Ô nhiễm không khí và tiếng ồn: Gia tăng phương tiện giao thông cơ giới tại các đô thị trong những năm qua đã làm gia tăng ô nhiễm bụi, khí thải và tiếng ồn do các hoạt động giao thông gây ra. Ùn tắc giao thông, phố hóa quốc lộ, tỉnh lộ, hoạt
  13. Việt Nam môi trường và cuộc sống động xây dựng hạ tầng và khu dân cư góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Ô nhiễm tiếng ồn giao thông và các ảnh hưởng tới sức khỏe người dân đô thị lớn hơn nhiều so với các đô thị khác trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu giá trị mức ồn tăng từ 2 - 5dBA do cấu trúc nhà ống, liền kề, bám dọc theo các tuyến đường. Sự bố trí không hợp lý các khu chức năng trong đô thị làm nghiêm trọng thêm ô nhiễm tiếng ồn, nhất là đối với trường học, bệnh viện, công sở, và khu dân cư. Giá trị tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1 - 15dBA.
  14. Việt Nam môi trường và cuộc sống Các giải pháp quy hoạch phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm
  15. Việt Nam môi trường và cuộc sống Cần tiếp tục thực hiện những tiêu chí đô thị phát triển bền vững đã đề ra trong Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia và đồng thời tiến hành nghiên cứu thực hiện cụ thể một số chương trình như: Chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị; thực hiện mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, vừa đáp ứng nhu cầu về khối lượng, chất lượng phục vụ, vừa đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường, nói chung và môi trường đô thị nói riêng. Tiến hành lập quy hoạch bảo vệ môi trường các vùng đô thị hoá bao gồm: bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan đô thị; cải tạo các khu nhà "ổ chuột" và khu nghèo đô thị; hình thành vành đai xanh và không gian mở cho các thành phố, đặc biệt là thành phố lớn, thành phố có khai thác khoáng sản; cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; quản lý chất thải rắn đô thị; quy hoạch nghĩa trang đô thị; bảo vệ môi trường không khí đô thị; cải thiện công tác quản lý môi trường đô thị. Lồng ghép những vấn đề môi trường vào công tác quy hoạch, gồm có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đô thị. Thực hiện một cách có hiệu quả việc đánh giá tác động môi trường cho các đồ án quy hoạch đô thị ở các cấp quốc gia, vùng, thành phố và thị xã. Thực hiện các quy định về quy hoạch và cải tạo nâng cấp kỹ thuật hạ tầng và dịch vụ cho khu vực nghèo của đô thị. Xây dựng một hệ thống đô thị không còn nhà "ổ chuột" vào năm 2020 thông qua các chương trình cụ thể.
  16. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tập trung vốn đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, khai thác đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội. Cần quan tâm tới các yếu tố liên vùng, liên tỉnh hoặc liên đô thị trong việc nghiên cứu các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng đô thị, nhất là đối với các lĩnh vực cấp nước, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang, Rà soát, xây dựng và ban hành các quy trình kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư: cần theo đúng các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc, kể từ khâu lập luận chứng, thiết kế, đến thi công và vận hành. Quản lý tốt giao thông vận tải và trật tự đô thị.