Việt Nam môi trường và cuộc sống - Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, hậu quả sinh thái và kinh tế

pdf 14 trang hapham 1680
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, hậu quả sinh thái và kinh tế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_pha_rung_ngap_man_de_nuoi_t.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, hậu quả sinh thái và kinh tế

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, hậu quả sinh thái và kinh tế Rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân nghèo ven biển Việt Nam. Đặc biệt rừng ngập mặn ở Nam Bộ là những căn cứ kháng chiến vững chắc, nơi cất giấu vũ khí chuyển từ miền Bắc vào trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Do vị trí chuyển tiếp giữa môi trường biển và đất liền, nên hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đa dạng sinh học rất cao. Lượng mùn bã phong phú của rừng ngập mặn là nguồn thức ăn dồi dào cho nhiều loài động vật ở nước. Đây là nơi nuôi dưỡng nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm biển, cua, cá bớp, sò, ngán, ốc hương, Theo thống kê của Vũ Trung Tạng và Phan Nguyên Hồng (1999) có tới 43 loài cá đẻ hoặc có ấu trùng sống trong rừng ngập mặn ở Việt Nam. Rừng ngập mặn là nơi cư trú và kiếm ăn của nhiều loài bò sát quí hiếm như cá sấu, kỳ đà hoa, rùa biển. Một số loài thú như rái cá, mèo rừng, khỉ đuôi dài cũng rất phong phú trong rừng ngập mặn. Đặc biệt rừng ngập mặn là nơi làm tổ, kiếm ăn, nơi trú đông của nhiều loài chim nước, chim di cư trong đó có một số loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Rừng ngập mặn là bức tường xanh vững chắc bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế xói lở và các tác hại của bão lụt. Hệ thống rễ chằng chịt trên mặt đất thu hút và giữ lại các trầm tích, góp
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống phần mở rộng đất liền ra phía biển, nâng dần đất lên; mặt khác chúng là hàng rào ngăn giữ những chất ô nhiễm, các kim loại nặng từ các sông đổ ra biển, bảo vệ các sinh vật vùng ven bờ. Do chưa hiểu hết giá trị nhiều mặt của hệ sinh thái rừng ngập mặn, hoặc do những lợi ích kinh tế trước mắt, đặc biệt là nguồn lợi từ tôm nuôi xuất khẩu nên rừng ngập mặn Việt Nam đã bị suy thoái nghiêm trọng. Hậu quả của việc phá rừng ngập mặn lấy đất nuôi tôm một cách bừa bãi như hiện nay là huỷ hoại môi trường, làm suy giảm mức sống của nhiều người dân nghèo ven biển, ảnh hưởng xấu đến chủ trương xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững của Chính phủ. Tác động của nghề nuôi tôm đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, "tôm đến, rừng tan" Trong gần hai thập kỷ qua, được Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích nên nghề nuôi tôm nước lợ ở vùng cửa sông ven biển phát triển rất mạnh, vượt ra ngoài tầm kiểm soát và quản lý của ngành thuỷ sản và chính quyền một số địa phương. Mặt khác, do nguồn lợi nuôi tôm lớn hơn các loại sản xuất khác nhiều lần nên không những người dân địa phương mà rất nhiều người di cư bất hợp pháp ồ ạt kéo nhau đến các khu rừng ngập mặn ở Cà Mau, Bến Tre và một số nơi khác để phá rừng làm đầm tôm. Khung IV.4. TẠI SAO TRỒNG RỪNG NGẬP MẶN CHƯA ĐẠT HIỆU
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống QUẢ Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, một số tỉnh ven biển đã trồng được gần 53.000ha rừng ngập mặn phòng hộ theo Quyết định 327/CT của Chính phủ ký ngày 15-9- 1992. Mặc dù tiền công trồng khá cao: 1,5 - 2 triệu đồng/ha, ở Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh: 3 triệu đồng/ha, nhưng do không nắm được kỹ thuật như: Chọn giống trụ mầm (cây con) quá non, cắm cây non quá sâu, trồng quá dày, nên chỉ sau 1 - 2 tuần nhiều cây đã ra rễ vẫn chết. Sau khi trồng, không quan tâm chăm sóc để cho rong, tảo phủ đầy cây con, cây không quang hợp được nên tỷ lệ chết cao (40 - 50%). Một số địa phương đã thực hiện sai lệch Quyết định 773 của Chính phủ ký ngày 21-12-1994 về việc sử dụng đất hoang và diện tích mặt nước ven biển bằng cách phá rừng ngập mặn, trong đó có rừng mới trồng để nuôi tôm nên đến nay các đề án trồng rừng ngập mặn đạt hiệu quả thấp, diện tích đang bị thu hẹp. Các rừng do một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, mặc dù kinh phí hỗ trợ ít hơn (1 - 1,3 triệu đồng/ha), nhưng nhờ hướng dẫn kỹ thuật chu đáo qua các lớp tập huấn của chuyên gia, kết hợp kiểm tra chặt chẽ việc thu hái giống (trụ mầm chín), hướng dẫn trồng cẩn thận, theo dõi cây trồng trong thời gian dài, chi tiền trồng dặm khi rừng được 1 năm tuổi nên tỷ lệ sống cao (70 - 80%), rừng phát triển tốt như ở Thái Thụỵ (Thái Bình), Giao Thuỷ (Nam Định). Nguồn: Phan Nguyên Hồng
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống Vào những năm 1980 và 1990, nhiều cơ quan nhà nước từ tỉnh xuống đến xã, một số đơn vị quân đội, công an cũng "tranh thủ" cơ hội biến những diện tích rừng lớn hàng trăm ha ở các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước (tỉnh Cà Mau) thành những nơi nhốt tôm, cứ 15 ngày lại tháo cống bắt kiệt tôm cá trong đầm. Do không nắm được kỹ thuật, việc thay nước triều khó khăn vì ít cống, nên môi trường thoái hoá, sản lượng giảm nhanh. Sau 3 - 4 năm, nhiều đầm phải bỏ hoang. Những người nuôi tôm lại tìm phá các rừng khác để làm đầm. Gần đây, nhờ cải tiến kỹ thuật, sử dụng con giống tôm sú và thức ăn nhân tạo nên năng suất tôm tăng nhanh; ở các đầm nuôi tôm bán thâm canh, năng suất lên tới 2.500 kg - 3.000 kg/ha.năm; một số đầm thâm canh đạt 4.000 - 5.000kg/ha.năm, đem lại một lợi nhuận to lớn nên nhiều người có tiềm lực kinh tế ở thành phố, thị xã đã tìm mọi cách để đấu thầu đất rừng ngập mặn, thuê người địa phương trông coi đầm. Họ không trực tiếp đứng tên làm chủ đầm nhưng lại hưởng lợi lớn. Nhờ họ, chính quyền địa phương cũng có thêm kinh phí để cải tạo hạ tầng cơ sở, và một số cán bộ địa phương cũng được hưởng lợi. Một số công ty và Việt kiều cũng đã dùng biện pháp hối lộ để được các địa phương chấp nhận cho nuôi tôm. Có thể kể ra vài trường hợp được báo chí đề cập. Ví dụ Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội đã giao cho Vũ Văn Hải thuê đất và phá 108ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển thuộc Chương trình 327 của Chính phủ để xây dựng 50 ao tôm nuôi công nghiệp ở xã Nam Thịnh, Tiền Hải (Báo Thái Bình, số 4218 ra ngày 1-9-2003) do những người dân đã cật lực trồng trong nhiều năm mới giữ được. Từ cuối năm 2002 đến giữa năm 2003, 154ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) thuộc Chương trình 327, 661 và Dự án trồng rừng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã bị phá để làm đầm. Điều may mắn là nhờ các cơ quan thông tin đại chúng đưa ra công khai, nên nhiều vụ phá rừng đã được xét xử.
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nhiều nơi trước đây có rừng ngập mặn khá tốt như phía tây bán đảo Cam Ranh, các huyện Ninh Hoà, Vạn Ninh (Khánh Hoà), nay hầu như đã bị xoá sổ do làm đầm ươm và nuôi tôm. Ở Đầm Nại (Ninh Thuận) hơn 200ha rừng ngập mặn tạo vành đai rộng hàng trăm mét bảo vệ cho đầm không bị xói lở, nay đã thay thế bằng các đầm tôm bán thâm canh, chỉ còn lại vài vệt đước và mắm chưa đầy 2ha. Cồn Chim nằm giữa đầm Thị Nại (Bình Định) trước đây có rừng ngập mặn gần 200ha, là nơi cư trú của nhiều loài hải sản, và là "thủ đô" của các loài chim (tên Cồn Chim bắt nguồn từ đó), gần đây đã bị gần 100 gia đình "khai tử" để làm đầm tôm. Tỉnh đang lập đề án để phục hồi hệ sinh thái (Báo Lao động số 22, ngày 22-1-2003). Còn rất nhiều dẫn chứng về các vụ phá rừng công khai hay vụng trộm ở nhiều địa phương chỉ vì đồng tiền làm mù quáng lương tri con người đối với thiên nhiên. Nhiều người chưa hình dung được sự suy giảm rừng ngập mặn nghiêm trọng đến mức nào. Bảng so sánh dưới đây cho thấy sự tương phản lớn. Đối chiếu với tài liệu của Maurand (1943), ta thấy một sự giảm sút đáng báo động về diện tích rừng trong 60 năm qua. Vào thời gian trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả nước có 408.500ha rừng ngập mặn trong đó có 329.000ha ở Nam Bộ; Bến Tre có 48.000ha với độ che phủ rừng là 21,75%, nay chỉ còn 1,64%; Trà Vinh có 65.000ha, độ che phủ rừng 29,20%, nay còn 2,53%; Sóc Trăng có 41.000ha, độ che phủ 12,72%, nay chỉ còn 2,81%; Cà Mau có 140.000ha, độ che phủ 27%, nay chỉ còn 11,21%.
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống Bảng IV.3. Tương quan giữa sự suy giảm diện tích rừng ngập mặn và sự mở rộng diện tích nôi tôm nước lợ ở một số tỉnh năm 2002 Nguồn: Hiện trạng sử dụng đất và độ che phủ rừng toàn quốc tính đến ngày 31/12/2002 Quyết định số 2490/QĐ/BNN-KL ban hành ngày 30/7/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc công bố diện tích rừng và đấ lâm nghiệp toàn quốc năm 2002 do Thứ trưởng Bùi Bá Hồng ký Viện nghiên cứu Lâm nghiệp. Dự thảo Báo cáo quốc gia về rừng ngập mặn, 2003 Báo cáo của Lê Thiết Bình, 2003 Tôm đến, rừng và các loài động vật khác ra đi Mất rừng ngập mặn là mất nơi sống, nơi sinh sản, vườn ươm của nhiều loài động vật dưới nước và trên cạn. Nghiên cứu đầm tôm bỏ hoang ở cửa Nam Triệu (Hải Phòng) cho thấy sinh khối động vật đáy giảm tới 9 lần so với vùng lân cận còn rừng ngập mặn.
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nhiều loài động vật ở cạn như bò sát, khỉ, đặc biệt là chim tụ tập rất đông ở trong vùng rừng ngập mặn, nhờ có nguồn thức ăn phong phú là tôm, cua, cá, sò trên bãi triều. Khi không còn rừng thì các động vật trên cũng bỏ đi nơi khác. Nhà báo Phan Tùng Sơn (Báo Quân đội nhân dân, ra ngày 10-5-2003) đã dùng một số thuật ngữ khá cay đắng: "nghịch lý tôm ăn thịt cò" để nói lên tình trạng nguy cơ xoá sổ Vườn chim Bạc Liêu. Cũng trong bài báo đó, theo PGS. Hoàng Đức Đạt "Vườn chim Bạc Liêu" có thời gian tồn tại khoảng 120 năm với diện tích rừng và đồng hoang bao quanh rộng lớn. Khi những người đầu tiên đến đây khai hoang trồng lúa thì sân chim vẫn còn ít bị ảnh hưởng, nhờ nguồn nước ngọt phong phú và thức ăn tôm cá rất sẵn. Sự việc bắt đầu xấu đi kể từ năm 1990 khi một số hộ dân xâm nhập trái phép vào làm đầm tôm. Mặc dầu Chính phủ đã công nhận Vườn chim Bạc Liêu là khu bảo tồn thiên nhiên nhưng đến năm 2000 thì toàn bộ diện tích vùng đệm của khu bảo tồn đã biến thành đầm tôm. Hàng ngày, tiếng máy xúc gầm rú, đêm đến sáng rực ánh đèn cao áp, nước mặn trong các đầm đã thay thế hoàn toàn nguồn nước ngọt; thức ăn tôm cá cũng rất hiếm, thêm vào đó là các hoá chất độc hại trong các đầm tôm chảy vào vùng lõi khiến cho chim chết nhiều. Nếu không có biện pháp cấp bách giải toả các đầm tôm, đưa nước ngọt trở lại vùng đệm thì không thể cứu vãn sân chim nổi tiếng này - một sinh cảnh hấp dẫn có tính đa dạng sinh học cao ở Nam Bộ, đặc biệt là nơi nương náu của ba loài chim quý hiếm: cốc đế, giang sen, quắm đầu đen. Việc phá rừng ngập mặn làm đầm tôm không chỉ làm suy giảm tài nguyên đa dạng sinh học tại chỗ, mà còn làm mất nguồn thức ăn phong phú của nhiều sinh vật vùng triều, hậu quả là sản lượng cá, tôm, cua đánh bắt ở ngoài biển cũng giảm. Theo Naylor và cộng sự (2000), ở Thái Lan, ước tính cứ mỗi kilôgam tôm sản xuất ra, ngư trường giảm mất 434kg cá chỉ do sự chuyển đổi nơi cư trú. Còn ở
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống vùng Chokonia, Bănglađét, ngư dân cho biết, sản lượng đánh bắt giảm 80% từ khi rừng ngập mặn bị phá và đắp đê để khoanh vùng nuôi tôm. Ở một số địa phương, những người nuôi tôm đã thải nước bẩn có hoá chất độc từ các đầm tôm ra rừng ngập mặn, làm cho cây chết. Ví dụ như khu rừng phòng hộ ở hai xã Chí Công và Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận, rừng cây bị chết nhiều do nước thải từ đầm tôm (Nguyễn Nguyên Vũ, Báo Lao động, số 190 ngày 9-7- 2003). Tháng 8-2001 gần 6.000 lồng nuôi tôm hùm ngoài khơi làng Xuân Tú (Khánh Hoà) bị chết do các đầm nuôi tôm sú gần đó thải nước có hoá chất độc. Gần đây (6 tháng đầu năm 2003), ở vùng ven biển Thái Bình, Nam Định, ở nhiều bãi nuôi vạng (Meretrix meretrix), vạng bị chết hết, một số gia đình mất hết vốn, một số khác không có tiền trả ngân hàng. Nguyên nhân là do các đầm tôm đã thải nước có hoá chất độc hại nên vạng và các loài thân mềm khác bị đầu độc. Những người dân nghèo hàng ngày "mò cua bắt ốc" trên bãi triều cũng bị ảnh hưởng. Tại sao mà các loại hải sản chịu thảm họa dịch bệnh? Để nuôi tôm, nhiều nơi đã chặt hết cây ngập mặn hoặc đã giết chết cây bằng cách giữ nước trong đầm, khiến cho môi trường thoái hoá nhanh. Trước hết, các bộ phận cây chết bị phân huỷ trong điều kiện yếm khí sẽ tạo ra H2S và NH4 đầu độc các tảo phù du là nguồn thức ăn và nguồn cung cấp ôxy cho tôm. Mật độ tôm quá dày, chế độ ăn không thích hợp cùng các nguồn giống không chọn lọc sẽ tạo điều kiện cho bệnh ở tôm phát triển.
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống Môi trường chứa các mầm bệnh này được thải ra các kênh rạch và gây hại cho nhiều động vật khác trong vùng rừng ngập mặn và ở vùng biển nông. Ấu trùng của loài muỗi sốt rét nước lợ (Anopheles sinensis) sống trong rừng ngập mặn, chúng ăn tảo tiểu cầu Chlorella - tảo này chỉ phát triển mạnh khi đủ ánh sáng. Lúc rừng ngập mặn còn tốt thì tảo không phát triển, nên số lượng muỗi hạn chế, ngược lại khi mất rừng thì bệnh sốt rét có nguy cơ bột phát. Thực tế đã chứng minh hiện tượng trên là đúng. Ở một số tỉnh ven biển miền Nam, bệnh sốt rét có chiều hướng tăng. Tại sao cây ngập mặn phải chết oan uổng? Nhiều cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương chưa đánh giá đúng vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn; buông lỏng quản lý trong việc sử dụng tài nguyên vùng ven biển có rừng ngập mặn; không kiên quyết xử lý việc phá rừng để nuôi tôm. Nhiều địa phương chỉ chú trọng đến lợi ích trước mắt là tôm xuất khẩu mà chưa tính đến hậu quả lâu dài do thiên tai và suy giảm tài nguyên khi không còn rừng, nên rừng bị tàn phá khắp nơi. Phần lớn các dự án nuôi tôm không thực hiện việc đánh giá tác động môi trường mà hình như các cơ quan hữu quan cũng không lưu ý nhắc nhở thực hiện luật pháp. Ngành lâm nghiệp cũng chưa quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục về lợi ích lâu dài của rừng ngập mặn nên việc đấu tranh để bảo vệ rừng của cộng đồng còn yếu. Phá rừng để nuôi tôm - kẻ cười người khóc
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống Vì mất nguồn sinh sống, một số người có thể biết là sai nhưng vẫn phải làm để nuôi gia đình, đó là dùng lưới mắt nhỏ, đăng bắt hết tôm tép hoặc dùng chất nổ, xung điện để huỷ diệt nguồn lợi. Một số người dân lao động cần cù, kiếm sống bằng con sò, con cua trong vùng rừng ngập mặn, chỉ vì không có tiền đấu thầu mảnh đất thân thuộc, đành phải chịu đói hoặc bỏ quê hương đi nơi khác. Ở Êcuađo 1ha rừng ngập mặn cung cấp lương thực và việc làm cho 10 gia đình, thì 110ha nuôi tôm chỉ tạo công ăn việc làm cho 6 người trong giai đoạn chuẩn bị và thêm 5 người nữa trong suốt mùa nuôi tôm. Một số khác cố vay mượn cho dù lãi suất rất cao để làm đầm tôm. Nhưng do thiếu vốn nên cống, bờ và mặt ao không đảm bảo cho việc thay nước triều thường xuyên, không đủ tiền mua thức ăn sạch cho tôm nên bị dịch bệnh hoành hành. Nhiều gia đình sau vài vụ đầu khấm khá nhờ môi trường chưa thoái hoá lắm, nhưng sau đó đã bị dịch bệnh lan tràn, bao nhiêu vốn liếng đổ ra biển và không trả được nợ phải bán ao tôm cho người giàu đầu tư và bỏ đi nơi khác, trong lúc những chủ đầm giàu, có tiền đầu tư kỹ thuật, giống, thức ăn tốt thì thu lợi nhuận rất cao. Họ không hình dung được sự giàu có đó đã cướp mất nghề truyền thống của nhiều bà con và làm cho sự phân cách giàu nghèo ngày càng tăng. Những bài học đau xót không thể bỏ qua Gần đây, nhiều tổ chức quốc tế như FAO, IUCN, WWF, đã có những khuyến cáo về sự suy thoái tài nguyên, môi trường do phá rừng ngập mặn để làm đầm tôm. Thực tế ở một số nước đi trước Việt Nam cũng cho ta những kinh nghiệm bổ ích cần tham khảo.
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống Ở Ấn Độ và Inđônêxia, năng suất xuống sau 5 - 10 năm. Ở Thái Lan hơn 20% trại tôm từ rừng ngập mặn đã bị bỏ chỉ sau 2 - 4 năm. Theo một tài liệu khác trong số 1,3 triệu ha đất dành cho nuôi tôm ở Thái Lan, khoảng 250.000ha đã phải bỏ hoang. Dịch bệnh lan tràn trong các vùng nuôi tôm ở 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long những năm 1994 - 1995 và vào những năm 2000 - 2001 lại tái phát làm cho hàng vạn gia đình trở lại cảnh nghèo đói là một bài học quá đắt do sự buông lỏng quản lý sử dụng ruộng đất, di dân tự do hoặc do một số cơ quan, cán bộ trục lợi đi phá rừng nuôi tôm nên không thể xử lý những người sai phạm khác. Mặt khác, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thuỷ sản và lâm nghiệp nên không những mất rừng, mà sự cân bằng sinh thái suy giảm và cuộc sống của cộng đồng ven biển bị xáo trộn. Có thể khẳng định, việc nuôi tôm không có quy hoạch là mối đe doạ lớn nhất đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nhà nước, các ban ngành hữu quan cần sớm có quy hoạch tổng thể, khảo sát thực tế và có biện pháp giải quyết, tránh để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ - một điểm sáng về phục hồi rừng Khu rừng này trước đây là khu Rừng Sát có diện tích 40.000ha thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Đồng Nai. Trong những năm 1962 - 1970, phần lớn diện tích Rừng Sát đã bị bom napan và chất độc hoá học của Mỹ huỷ hoại vì đây là
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống căn cứ kháng chiến. Từ năm 1978, rừng ngập mặn Cần Giờ chính thức được bàn giao cho thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm đó, diện tích rừng chỉ còn khoảng 4,500ha chà là (Phoenix paludosa), 10,000ha đất trống bùn khô nứt nẻ và 5,588ha đất lâm nghiệp. Số diện tích còn lại là thảm thực vật xơ xác với các loại cây lùm bụi. Các cây gỗ có giá trị như đước, vẹt không còn. Trong năm 1978, thành phố đã có quyết định thành lập Lâm trường Duyên Hải để tiến hành phục hồi rừng. Do sức ép về dân số và giải quyết việc làm ở nội đô quá lớn, thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập các nông trường quốc doanh trên đất lâm nghiệp còn hoang hoá để sản xuất các loại cây lương thực và cây công nghiệp, trồng và bảo vệ rừng mới trồng. Nhưng do thiếu kinh nghiệm quản lý và đặc biệt là do thiếu hiểu biết về sự chuyển hoá của đất ngập mặn thành đất axít sunphát nên việc trồng cây nông công nghiệp không thành công. Cuối năm 1989, nhiều đơn vị quốc doanh phải trả lại đất và rừng cho thành phố. Tình trạng này đã khiến cho một số khu rừng trồng bị xem như vô chủ, bị chặt phá, khai thác gỗ, củi bất hợp pháp. Đứng trước khó khăn đó, thành phố đã giao đất, giao rừng cho các hộ nghèo ở địa phương, đồng thời thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố (thay cho lâm trường) để điều hành việc bảo vệ và tiếp tục trồng mới trên đất trồng cây công nghiệp và nông nghiệp không có hiệu quả. Thành phố cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh hoạt động kiểm tra 24 tiểu khu nằm rải rác trên địa bàn. Các hộ vào định cư trong rừng được chính quyền cung cấp cho một số tiền để xây dựng nhà ở trong rừng, mua sắm lu đựng nước và một số dụng cụ, xuồng chèo để đi lại. Nhiệm vụ của các hộ là bảo vệ, quản lý và sử dụng đất rừng được giao theo đúng quy chế của Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố. 167 hộ nghèo, trong đó có một số đã từng chặt phá rừng vì quá nghèo, nhận khoán giữ 14.198ha với diện tích rừng
  13. Việt Nam môi trường và cuộc sống trồng là 8.502ha, 2.881ha là rừng tái sinh tự nhiên và 2.814ha là đất khác. Họ được trả công bảo vệ, sử dụng lâm sản phụ, hưởng tỉ lệ sản phẩm tỉa thưa. Các gia đình có nhu cầu được tạo điều kiện khai thác thuỷ sản, tận dụng các mặt nước hiện có nuôi thuỷ sản, nhờ thế, rừng ngập mặn Cần Giờ được bảo vệ và phát triển tốt. Từ khi được UNESCO/MAB công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (tháng 1 năm 2000), thì cuộc sống của những người giữ rừng được quan tâm nhiều hơn. Nhờ công tác tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng và các nhà khoa học, nên nhiều người đã hiểu giá trị của rừng ngập mặn Cần Giờ. Mong mỏi chính đáng của những người giữ rừng đã được đáp ứng khi thành phố cùng các tổ chức, đoàn thể xã hội trong nước, các tổ chức phi chính phủ thế giới đã đầu tư kinh phí để trang bị hệ thống pin năng lượng mặt trời cấp điện cho 155 hộ lao động giữ rừng cùng với 14 tiểu khu bảo vệ rừng. Nước ngọt dự trữ được tăng cường bởi hệ thống 29 bồn chứa nước 10m3. Thành phố cũng đã trang bị thuyền y tế lưu động để chăm sóc sức khoẻ cho những người giữ rừng. Thành phố đã thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, tín dụng thương mại cho nhân dân trong huyện Cần Giờ để giúp họ ổn định sản xuất. Khi đời sống của nhân dân được nâng cao thì áp lực xấu đối với rừng ngập mặn cũng giảm mạnh. Ngân hàng cho các hộ nông dân nghèo vay vốn không lấy lãi để trồng dừa nước trên diện tích hơn 200ha. Tổ chức FADO của Bỉ trợ giúp kinh phí cho các hộ nghèo trồng 609ha rừng trên đất nhiễm mặn. Năm 2003, thành phố cũng đã mua lại 1.000ha rừng ngập mặn do dân tự trồng. Những hỗ trợ trên đây cùng với việc tận dụng các bãi triều phía trước rừng ngập mặn để nuôi nghêu và sò huyết đã góp phần quan trọng trong việc xoá đói, giảm nghèo ở Cần Giờ. Rừng Cần Giờ hiện đã trở thành khu rừng ngập mặn phục hồi lớn nhất ở Việt Nam với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và thành phần loài động thực vật phong phú, đa dạng. Lượng hải sản ở Cần Giờ lúc này phát triển gấp 10 tới 20 lần so với trước đây. Giờ đây, Cần Giờ không chỉ được biết đến như những cánh rừng phòng hộ
  14. Việt Nam môi trường và cuộc sống với các chức năng điều hoà khí hậu, chống xói lở đất ven sông, ven biển, nuôi dưỡng các loài động vật hoang dã, mà còn trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đồng thời trở thành mô hình học tập, nghiên cứu của các nhà trồng rừng trong nước và thế giới. Thực tế sinh động của Cần Giờ là một trong những cách tuyên truyền tốt nhất về ý thức con người trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường.