Việt Nam môi trường và cuộc sống - Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giải quyết xung đột môi trường

pdf 20 trang hapham 2300
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giải quyết xung đột môi trường", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_phat_huy_vai_tro_cua_cong_d.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giải quyết xung đột môi trường

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giải quyết xung đột môi trường Trong cuộc sống, tình trạng xung đột nảy sinh khi việc phân chia lợi ích không thỏa đáng, hoặc giữa các bên có tranh chấp về lợi ích hoặc có sự bất đồng quan điểm. Xung đột môi trường là một dạng xung đột xã hội liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bất kỳ một xung đột môi trường nào cũng xuất phát từ vấn đề quyền lợi, xuất hiện các đương sự đối lập và đều có thể giải quyết. Tuy nhiên điều quan trọng là ngăn chặn chứ không phải để xung đột xảy ra mới giải quyết. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới mâu thuẫn và xung đột như: Thiếu thông tin - bỏ qua thông tin: Những nguyên nhân xung đột môi trường có thể là do sự khai thác quá mức hoặc lạm dụng tài nguyên môi trường và các chức năng môi trường, do tài nguyên môi trường đang ngày càng cạn kiệt. Nguyên nhân chính trong các vấn đề tranh chấp môi trường là sự cạnh tranh nguồn tài nguyên, sự khác nhau về giá trị nhân văn liên quan đến giá trị tương đối của tài nguyên, sự hiểu biết không đầy đủ về chi phí, lợi ích và nguy cơ trong các hoạt động.
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống Vụ xây dựng bãi rác Kiêu Kỵ, Gia Lâm đã gây nên không khí căng thẳng do thiếu thông tin cho những người dân địa phương trước khi tiến hành Dự án, đã khiến có những phản ứng nghiêm trọng. Khi tìm hiểu nguyên nhân thì các nhà quản lý mới biết rằng người dân nơi đây không được thông báo hay có một chút thông tin nào về việc xây dựng Dự án này ngay trên mảnh đất quê hương họ. Do sự cố tại bác rãi Nam Sơn, Sóc Sơn nên hàng trăm xe rác từ thành phố Hà Nội đã ùn ùn đổ rác về bãi rác Kiêu Kỵ gây nên quá tải cho bãi rác này. Nước rác không được xử lý đã tràn ra sông Cồn Bây gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá tôm chết hàng loạt. Mùi khó chịu của bãi rác đã làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân sống quanh vùng. Sau sự việc này, nhân dân xã Kiêu Kỵ đã có bản kiến nghị 8 điểm gửi lên các cấp có thẩm quyền trong đó có một số điều như: bồi thường cho những người dân sống gần khu bãi rác do việc ô nhiễm gây ra (vì nhà dân gần nhất chỉ cách bãi rác có 300m), thường xuyên kiểm tra mức độ ô nhiễm nguồn nước nhưng sau một thời gian dài vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt chính sách hỗ trợ cho vùng bị ảnh hưởng của bãi rác vẫn còn đang trong giai đoạn " bàn bạc, nghiên cứu". Do bất bình nên những người dân ở đây đã dựng lều bạt, chặn đường các xe rác, không cho đổ rác vào bãi rác dẫn đến việc chính quyền địa phương phải tổ chức cưỡng chế giải tỏa; vụ việc kéo dài, đông đảo bà con địa phương đã kéo lên khiếu nại vượt cấp ở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Mặc dù mâu thuẫn trước mắt đã được giải quyết nhưng vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng, vì người dân cho rằng việc cưỡng chế giải tỏa dù sao cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trong khi chưa có giải pháp công nghệ cao để xử lý triệt để rác thải thì nó vẫn đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên và lâu dài đến cuộc sống của chính họ và họ là những người phải chịu thiệt thòi trước lợi ích chung của cả cộng đồng. Nếu việc thông tin được đảm bảo một cách kịp thời, các vấn đề được các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng, các thủ tục hành chính bớt rườm rà và có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng với người dân thì có thể các xung đột trên đã không xảy ra.
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống Chính vì vậy, một trong những yếu tố đầu tiên trong hàng loạt biện pháp quản lý xung đột môi trường là sự cần thiết phải giao lưu thông tin, khuyến khích những người cùng tham gia dự án trao đổi với nhau, chia sẻ thông tin, quyền lợi, giúp cho các bên tham gia hiểu nhau hơn, xác định được vị thế và quyền lợi của nhau. Thiếu sự tham gia đóng góp của cộng đồng: Khi xem xét nguyên nhân trong nhiều cuộc xung đột môi trường thì sự thiếu quan tâm đến ý kiến của cộng đồng dân cư là nguyên nhân cơ bản. Sự tham gia của các cộng đồng không những đảm bảo được lợi ích của các cộng đồng, mà còn có thể phát huy được những kiến thức bản địa của các cộng đồng phục vụ cho phát triển. Kinh nghiệm cho thấy, thiếu sự tham gia của các cộng đồng thì khó có thể giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ như sự hoạt động kém hiệu quả trong những năm đầu của Dự án 747 "ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà". Do không có sự tham gia của cộng đồng trong việc lập Dự án nên đã làm nảy sinh ra nhiều xung đột do người dân không thỏa mãn với mức đền bù mà Ban Quản lý Dự án đưa ra hoặc không chịu di dời vì lý do giữ đất. Điều quan trọng ở đây là thiếu sự tham gia của cộng đồng mà đại diện cho họ là chính quyền địa phương. Nếu như Ban Quản lý biết kết hợp với cộng đồng dân cư nơi xây dựng Dự án, đưa ra những giải pháp tối ưu để giải quyết xung đột, thì sẽ giảm được những mâu thuẫn không đáng có và tăng khả năng thành công của Dự án. Có thể có mâu thuẫn giữa cộng đồng với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, như mâu thuẫn giữa người dân sống trong khu bảo tồn thiên nhiên với ban quản lý khu bảo tồn. Mâu thuẫn này thường được giải quyết bằng mối quan hệ hợp tác giữa ban quản lý khu bảo tồn thiên
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống nhiên với cộng đồng địa phương, chủ yếu bằng cách hỗ trợ người dân tạo nên nguồn thu nhập thay thế cho việc xâm phạm tài nguyên rừng. Có mâu thuẫn do những người cố tình vi phạm quy định của Chính phủ về quản lý rừng đặc dụng như tình trạng ngang nhiên làm trang trại trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Trong Khu Bảo tồn thiên nhiên này hiện vẫn tồn tại các trang trại do các hộ gia đình quan chức, hoặc liên quan tới gia đình quan chức và một số tổ chức với mức sử dụng đất của khu bảo tồn lên tới 1.500ha, tổng cộng gần 2.500m2 nhà ở và trang trại, nuôi trên 1.000 con bò chăn thả. Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức giải tỏa các trang trại trong Khu Bảo tồn, nhưng các trang trại này vẫn tồn tại, những đàn bò vẫn ung dung gặm cỏ và bắp, đậu vẫn được trồng ở nhiều tiểu khu Khung VII.6. CỘNG ĐỒNG VÀ BAN QUẢN LÝ VƯỜN QUỐC GIA CÁT BÀ Theo như lời kể của Phó giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Cát Bà - Hoàng Văn Thập cho biết: mâu thuẫn vẫn tồn tại giữa kiểm lâm và người dân. Những thành phần sống tồn tại dựa dẫm vào rừng vẫn chống đối với lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia. Khi bị bắt quả tang khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên của Vườn, họ đã chống trả và đánh nhau với cả kiểm lâm. Mấy năm về trước, khi lực lượng kiểm lâm đi đến xã nằm sâu trong Vườn còn bị đánh vô căn cứ. Hiện nay, hiện tượng này đã không còn. Tuy nhiên, những vi phạm nhỏ của người dân vẫn xảy ra, nhưng theo chiều hướng giảm dần. Sự căng thẳng, xung đột giữa người dân và Ban Quản lý Vườn quốc gia đã ngày càng giảm bớt khi đời sống của những người dân nơi đây đã được nâng cao một
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống phần nhờ vào hoạt động du lịch phát triển tại Vườn và làm kinh tế sinh thái với sự trợ giúp của các dự án thông qua Ban Quản lý Vườn. Nguồn: Theo ghi chép thực địa của nhóm điều tra Có những yếu tố cần thiết cho sự hợp tác này, như các chính sách và quy định thích hợp; sự gương mẫu và tích cực của nhân viên chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm; sự quan tâm của ban giám đốc vườn quốc gia, khu bảo tồn; sự vững mạnh của các đoàn thể địa phương; hoạt động của già làng, trưởng họ; mức độ giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương; tác động của thị trường, Tại xã Lộc Trì, huyện Phúc Lộc thuộc khu đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã, Ban giám đốc Vườn đã tích cực hỗ trợ kỹ thuật cho nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng vườn rừng của gia đình nên nhân dân rất phấn khởi sản xuất, không vào rừng của Vườn quốc gia đẵn gỗ, lấy củi nữa, mà trở thành lực lượng ngăn chặn lâm tặc rất tốt. Hiện tượng đẵn trộm gỗ trong Vườn quốc gia thuộc địa phận xã Lộc Trì gần như chấm dứt (Đặng Nghĩa Phấn khảo sát, 2002). Mâu thuẫn cũng có thể xảy ra ngay giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng về việc hưởng lợi ích từ môi trường và bảo vệ môi trường. Đơn giản đó là việc một người phun thuốc trừ sâu ở đầu hướng gió, mùi thuốc trừ sâu theo chiều gió bay sang nhà người hàng xóm gây khó chịu hay việc nước, rác thải của gia đình không được đổ đúng nơi quy định đã tràn ra nơi công cộng làm ảnh hưởng đến những gia đình khác. Các mâu thuẫn này thường được giải quyết êm đẹp trong nội bộ cộng đồng dân cư. Các hành vi cư xử của mỗi cá nhân luôn được cộng đồng điều chỉnh đảm bảo lợi ích chung.
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống Có mâu thuẫn nảy sinh khi một bộ phận cộng đồng tại nơi sản xuất kinh doanh phải chịu những hậu quả từ hành vi gây ô nhiễm của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lại không muốn thừa nhận trước cộng đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường để tránh việc phải bồi thường, vì điều đó ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh. Do vậy, cộng đồng gây ra áp lực buộc các cơ sở phải thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, phát thải ít hơn. Mâu thuẫn giữa cộng đồng và cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cũng luôn được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải mà không nhất thiết phải dùng phương thức cưỡng chế nào qua con đường tòa án, chỉ trừ những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, nhưng thông qua sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật đã được giải quyết một cách thỏa đáng. Như việc giải quyết xung đột môi trường có sự tham gia của cộng đồng là vụ xây dựng bể chứa axít tại khu vực phường Vạn Mỹ (Hải Phòng) của Công ty Hóa chất Lâm Thao. Công ty Hóa chất Lâm Thao đã tiến hành xây các bể chứa axít trong khu vực của cảng Hải Phòng. Theo quy định thì các bể chứa đó phải cách khu dân cư 10m trở lên trong khi thực tế các bể chứa được xây dựng chỉ cách khu dân cư có 3m. Với khoảng cách không an toàn đó, khi có sự cố xảy ra đối với các bể chứa, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng và không lường hết được. Việc xây dựng này không được thông báo cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư được biết. Khi dân biết tình hình, bể đã xây móng. Tất cả các hộ dân đã ký tên và cử đại diện mang đơn đến cho phường giải quyết. Đơn vị chủ quản đã được mời họp với phường và đại diện tất cả nhân dân trong khu vực. Người dân hiểu biết về pháp luật kiên quyết đấu tranh và phối hợp tốt với phường để buộc công ty phải ngừng việc xây dựng. Qua năm cuộc họp, vấn đề đã được giải quyết. Khung VII.7. CÙNG NHAU GIỮ GÌN MỘT TẬP TỤC TỐT
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống Sông Nậm Mộ là một nhánh của sông Lam, có nhiều loại cá quý và có giá trị kinh tế cao như cá trình, cá lăng, cá chép, Xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nằm dọc bờ sông có 3 dân tộc chủ yếu sinh sống là dân tộc Khơ Mú, dân tộc Thái và dân tộc Mông. Đồng bào dân tộc Khơ Mú có một phong tục hay là vào khoảng tháng 7 dương lịch hoặc tháng 6 âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa của mùa mưa đổ xuống, thì trong 1 giờ kể từ khi bắt đầu mưa, các gia đình không được ra sông bắt cá, vì để cho cá đẻ. Tuy vậy, đồng bào Thái, không thừa nhận phong tục này, vì bắt cá vào lúc mới mưa trong thời kỳ đầu của cơn mưa sẽ bắt rất dễ và được rất nhiều. Do vậy, trong cộng đồng cả 2 dân tộc này đã nảy sinh mâu thuẫn trong việc này. Trước tình hình trên, Đảng và chính quyền địa phương đã họp với các già làng của các bản thuộc các dân tộc trong xã để làm theo tập tục tốt đẹp của người Khơ Mú và các già làng của 3 dân tộc đều nhất trí với hướng giải quyết này. Sau 5 năm thực hiện, bây giờ cứ đầu mùa mưa là hàng đàn cá bơi lội tìm chỗ đẻ trứng mà không sợ bị bắt, điều đó đã góp phần bảo tồn các loại cá không chỉ sinh sống trên sông Nậm Mộ mà trên dọc theo con sông Lam. Nguồn: Theo tài liệu của Trung tâm Dân số, Xã hội và Môi trường Có vụ làm ô nhiễm nước gây chết cá ở tỉnh Tây Ninh. Ngày 14-2-1998 cá trên rạch Tây Ninh bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tây Ninh đã tổ chức khảo sát dọc hai bờ rạch, cùng chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận thời điểm cá chết nhiều nhất và lấy mẫu nước tại các vị trí này. Ba ngày sau, cá cảnh nuôi lồng trên sông Vàm Cỏ Tây (là nơi rạch
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tây Ninh đổ nước vào) lại bị chết hàng loạt và Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng chính quyền địa phương và nhân dân lại lập biên bản xác định số lượng cá chết cụ thể tại từng điểm, tiếp tục lấy mẫu nước sông tại nhiều điểm trên khu vực cá bị chết. Sau khi có kết quả phân tích mẫu nước, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tiến hành thanh tra tình hình kiểm soát ô nhiễm tại Công ty Đường Bourbon và 9 cơ sở sản xuất bột mỳ có nguồn phát thải vào sông Vàm Cỏ Tây. Từ kết quả thanh tra và sau khi loại trừ nguyên nhân dịch bệnh của cá đã nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm rạch Tây Ninh và sông Vàm Cỏ Tây dẫn tới cá chết hàng loạt là do sự cố của Công ty Đường Bourbon gây ra là chính, nhưng 9 cơ sở sản xuất bột mỳ cũng góp phần làm ô nhiễm nước sông do thành phần nước thải của các cơ sở này. Thông qua số liệu phân tích thành phần nước thải và tổng sản lượng thải của Công ty, thành phần nước sông Vàm Cỏ Tây, tốc độ dòng chảy và thời gian lan truyền của nước thải, thời điểm xảy ra sự cố của Công ty (sau khi loại trừ các nguyên nhân khác như dịch bệnh, Công ty Đường Bourbon đã thừa nhận Công ty là bên chủ yếu gây ra ô nhiễm tại các vị trí và các ngày xảy ra hiện tượng cá chết, đồng thời 9 cơ sở sản xuất bột mỳ cũng được mời họp để xem xét các kết quả phân tích và họ cũng thừa nhận có góp phần làm ô nhiễm môi trường nước sông. Các hộ dân bị thiệt hại cũng được thông báo kết quả xác định nguyên nhân ô nhiễm, người dân đã thống kê và đòi bồi thường thiệt hại do cá cảnh nuôi lồng bị chết là 125 triệu đồng. Trên cơ sở hòa giải, Công ty đường chịu trách nhiệm bồi thường 50 triệu đồng, các cơ sở sản xuất bột mỳ cũng chịu trách nhiệm bồi thường 7 triệu đồng do cũng góp phần làm ô nhiễm nước sông, Ủy ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm phân chia số tiền trên đến các hộ dân căn cứ trên mức thiệt hại và cân đối giữa các hộ với nhau. Kết quả giải quyết là thỏa đáng, các bên đều đồng tình. Vụ ô nhiễm nước thải do dầu từ Nhà máy Công ty Kính nổi Việt Nam thuộc Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng - Bộ Xây dựng tại địa phận xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cũng được dư luận chú ý (Báo Tiếng nói Việt Nam,
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống 2-2002). Cụ thể là sự ô nhiễm ruộng lúa do dầu loang từ nhà máy làm thiệt hại cho nhân dân địa phương, gây úng lụt và mất mùa. Toàn bộ nước thải thường xuyên và nước mưa của Công ty Kính nổi thải trực tiếp vào diện tích canh tác của xã Phương Liễu, gây nỗi ám ảnh lớn từ nhiều năm nay cho bà con. Năm 1997, Bí thư chi bộ hợp tác xã đã thay mặt nhân dân địa phương viết đơn kiến nghị lên Ủy ban nhân dân huyện Quế Võ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Kính nổi Việt Nam, yêu cầu giải quyết tận gốc vụ việc này. Tháng 8-1998, vụ mùa của nông dân ở đây bị thiệt hại 50%. Để giải quyết khiếu nại của nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã triệu tập một cuộc họp bao gồm đại diện của Uỷ ban nhân dân xã Phương Liễu, Uỷ ban nhân dân huyện Quế Võ, Công ty Kính nổi Việt Nam do ông Nguyễn Thế Thảo, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh chủ trì. Cuộc họp đã đưa ra kết luận trong phương án ban đầu có tính đến yếu tố phát sinh đền bù cho vấn đề tiêu thoát nước thải, cho nên không chỉ các doanh nghiệp tham gia giải quyết mà các cơ quan có thẩm quyền cũng phải phối hợp cùng các doanh nghiệp tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, phải có trách nhiệm với cộng đồng địa phương vì nơi đây tương lai sẽ là khu công nghiệp. Nằm ở địa bàn xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Nhà máy Sữa Hà Nội đã và đang làm rầu lòng người nông dân sống ở đây. Mỗi ngày hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý thoải mái chảy vào dòng mương tưới cho những ruộng lúa xung quanh. Và cũng chính lượng nước này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức sống của cây lúa, cùng với môi trường xung quanh nhà máy. Đa số ruộng lúa quanh khu vực này lên cao, rất xanh nhưng lại kém hạt, so với vài năm trước đây, năng suất lúa ở đây đã giảm hẳn, mức độ tùy theo từng thửa. Anh Thuận, nông dân tại xã Dương Danh, người có khu ruộng sát cửa cống, nơi chịu ô nhiễm nặng nhất cho hay, thửa ruộng nhà anh trước đây như một vựa lúa, còn hiện nay đã trở thành túi lọc nước thải cho nhà máy sữa. Ruộng sâu tới hơn bắp đùi, hễ cứ lội xuống là nước sủi bọt, nổi váng dầu, thỉnh thoảng lại đụng vào những cục sữa vón lại sau
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống nhiều năm to bằng nắm tay. Mỗi lần lội ruộng là một lần bị tra tấn, cái cống ở thành phố bẩn như thế nào, thì ruộng nhà anh bẩn như thế, còn có nhiều con bọ lao vào đốt, song kinh hãi hơn là bị bệnh ngoài da. Làm ruộng một ngày phải ngứa mất một tuần, vì thế nhiều nhà ở đây lúa gặt rồi mà không dám cầm, không dám ôm, thậm chí nhiều nhà bỏ gặt vì gạo làm ra có mùi hôi khó tả lắm, nhưng gia đình anh không lội xuống đó mà gieo mạ, chăm lúa thì lấy gì mà sống, vớt vát tí nào hay tí nấy. Được biết, từ năm 1994, hệ thống lọc nước của nhà máy đã bị hư hỏng, không sử dụng được, gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù nhà máy đã tiến hành đền bù cho bà con nông dân quanh vùng, nhưng những khối nước thải với mức độ bị ô nhiễm nặng vẫn nghiễm nhiên thải vào dòng nước tưới của những khu ruộng lúa. Trước thực tế ô nhiễm này, liệu giải pháp đền bù của nhà máy đã thỏa đáng chưa, trong khi người dân vẫn còn phải chịu nhiều thiệt thòi vì những ảnh hưởng tới sức khỏe mà họ phải chịu còn lớn hơn rất nhiều. Việc Nhà máy Sữa Hà Nội chấp nhận đền bù thiệt hại kinh tế cho người dân cũng là một biện pháp cần thiết, nhưng còn môi trường và sức khỏe cộng đồng thì khó lòng mà định giá để đền bù được. Trên thực tế, mạng lưới kênh mương tưới tiêu trong vùng được xây dựng theo quy chế chỉ đưa về một mối và thoát bằng một đường mương dành riêng cho mấy huyện xung quanh, do đó, nước thải của Nhà máy Sữa cũng theo đường thoát duy nhất đó và đang bắt đầu có ảnh hưởng xấu đến các vùng khác. Những đoạn mương giáp ranh với xã Dương Xá đã xuất hiện những hiện tượng cá chết không rõ nguyên nhân, còn những khu ruộng xung quanh đó đã bắt đầu có mùi hôi vào những ngày nắng nóng. Trước nguy cơ ô nhiễm ở diện rộng, có chiều hướng lây lan và những nỗi lo sức khỏe của nhân dân, Nhà máy Sữa Hà Nội cần có những biện pháp giải quyết dứt điểm. Giải pháp tình thế là đền bù năng suất lúa cho nhân dân như hiện nay đã có thời gian qua lâu, không còn phù hợp. Do đó, việc nghiên cứu, lựa chọn đầu tư thiết bị mới hay tu sửa hệ thống lọc nước cũ cần được quyết định nhanh chóng. Bởi lẽ, nếu nhà máy nào gây ô nhiễm rồi chỉ đền bù thiệt hại kinh tế thì môi trường chung sẽ ra sao, vì vậy môi trường chung và sức khỏe cộng đồng cần phải được quan tâm hàng đầu.
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống Mâu thuẫn cũng nảy sinh giữa lợi ích của cộng đồng nơi triển khai dự án phát triển với các lợi ích chung. Việc xây dựng, tu sửa giao thông đường sá, các bãi rác, khu xử lý chất thải, các khu công nghiệp là rất thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước, nhưng cộng đồng dân cư nơi có con đường đi qua hoặc nơi đặt bãi rác, khu xử lý rác thải lại lo ngại về việc mất đất ở và sản xuất, hoặc lo ngại việc ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn từ những con đường đó, mùi khó chịu từ bãi rác và khu xử lý chất thải, ô nhiễm nguồn nước, không khí từ các khu công nghiệp hoặc mất thải. Vụ vỡ bờ bao tại bãi rác Đông Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Theo báo Người Lao Động đưa tin ngày 17-7-2000, đoạn bờ bao dài gần 8m của bãi rác Đông Thạnh đã bị vỡ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân xung quanh khu vực. Sự cố này đã gây thiệt hại hoàn toàn 14ha hoa màu (lúa, sen, cây ăn trái) của 45 hộ dân, khoảng gần 70 triệu đồng và đồ đạc, vật dụng bị trôi. Trước đó một tháng, khi bờ bao vỡ lần thứ nhất thì nước thải cũng đã tràn ra làm thiệt hại hàng chục ha ao nuôi cá, hoa màu, Dòng nước thải của hai lần vỡ bờ bao này còn đổ ra sông Rạch Tra chảy về sông Sài Gòn gây ô nhiễm môi trường. Người dân tại đây cho biết hai sự cố vỡ bờ bao trong tháng 6 - 7 năm 2000 là các vụ lớn, còn tình trạng rò rỉ nước thải tại tường rào xảy ra thường xuyên, khiến gần 50ha hoa màu, cây ăn trái, cá nuôi, của gần 200 hộ dân địa phương trở thành cánh đồng chết. Bãi rác Đông Thạnh có diện tích khoảng 40ha với hệ thống tường bao quanh chạy dài gần 10km. Bên trong rác được tích tụ gần 10 năm quá cao tới trên 10m, cao hơn bờ bao 2 - 3 lần. Ở các góc của bãi rác, do còn khoảng trống nên nước từ bãi rác rỉ ra và bị các tường bao chắn lại nên hình thành các hồ nước thải rộng từ 300 - 400m2 và sâu 4 - 5m, Các hồ nước nằm trên cao so với địa hình, thậm chí cao hơn nóc nhà của các hộ dân xung quanh. Các tường bao chịu một áp lực cực lớn do mực nước dâng lên khá cao, nhưng lại được làm bằng những tấm sắt mỏng cỡ 1 - 2mm, gắn vào các trụ bê tông. Nước thải từ rác lâu ngày ăn mòn, làm mục nát bê tông của bức tường. Hiện nay, tác dụng ngăn mùi, cản rác của bờ bao không còn nữa vì nhiều đoạn đã bị vỡ, rác đã đổ ra ngoài, chỉ
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống cần một cơn mưa lớn, nguy cơ sạt lở từ "núi rác" trút xuống có thể gây tai họa cho khu dân cư bất cứ lúc nào. Cơ quan quản lý bãi rác đã gia cố lại bờ bao tường rào bãi rác, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, còn để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này thì phải tiến hành việc xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến. Bãi rác tuy đã có những giải pháp ngăn chặn nhưng mới chỉ mang tính sơ bộ, như xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, và hệ thống này cũng đã ngưng hoạt động, trong khi rác vẫn liên tục đổ về, khiến vấn đề ô nhiễm môi trường càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan chức năng phải có những biện pháp xử lý kịp thời và hữu hiệu nhằm loại bỏ nguy cơ có thể gây ra những hậu quả không lường hết được đến tính mạng, sức khỏe cũng như kinh tế của người dân xung quanh khu vực bị ô nhiễm, như lập kế hoạch di dời dân cư sống trong khu ô nhiễm, hoặc đầu tư những công nghệ xử lý rác hiện đại, tiến hành lấp các hồ chứa nước thải, tránh tình trạng nước và rác cùng tràn ra ngoài khi các tường bao không chịu nổi áp lực. Có những mâu thuẫn phát sinh từ lý do khách quan đã gây nên hậu quả vô cùng nghiêm trọng, như vụ tàu chở dầu Neptune Aries chở 22.000 tấn dầu DO trong khi cập cầu cảng Cát Lái đã đâm vào cầu cảng và làm tràn dầu ra môi trường 1528 tấn dầu, ngoài ra còn có 150 tấn xăng tràn ra từ hệ thống ống dẫn của cầu cảng. Chỉ sau 9 giờ đồng hồ váng dầu đã lan tới khu vực Nhà Bè theo hai sông Lòng Tàu và Nhà Bè cách khu vực xảy ra sự cố 40 - 50km. Sau đó, do thủy triều, váng dầu lại bị đẩy ngược lên thượng lưu theo sông Sài Gòn và Đồng Nai cách nơi xảy ra sự cố 4 - 5km. Sau 15 ngày, diện tích bị ảnh hưởng bao gồm 65.000ha, trong đó diện tích bị ô nhiễm nặng nhất là 40.000ha. Sự cố trên đã gây rối loạn môi trường trên diện rộng, thể hiện ở các mặt: làm tăng độ đục của nước, giảm lượng ôxy hòa tan, tăng hàm lượng BOD, tăng nitơ nên đã xảy ra tình trạng phú dưỡng hóa, làm giảm 60% thực vật phiêu sinh và 40% động vật phiêu sinh, làm cho thảm thực vật ở ven sông bị hủy hoại, rừng ngập mặn bị ảnh hưởng, đặc biệt diện tích trồng lúa bị thiệt hại rõ nét và trầm trọng nhất, lúa chết ngay hoặc thối dần. Do mức độ thiệt hại đặc
  13. Việt Nam môi trường và cuộc sống biệt nghiêm trọng, nên căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã khởi kiện chủ tàu trước Tòa án nhân dân thành phố. Sau nhiều cuộc thương lượng tại tòa án, với thiện chí và sự hiểu biết của cả hai bên nên đã đi đến nhân nhượng và hòa giải. Ủy ban nhân dân thành phố rút đơn khởi kiện và phía chủ tàu đồng ý bồi thường thiệt hại với tổng số tiền là 4,2 triệu đôla Mỹ bao gồm các chi phí: đền bù thiệt hại kinh tế trước mắt cho khu dân cư, các chi phí cho hoạt động ứng cứu, nghiên cứu khảo sát, tư vấn kỹ thuật, pháp luật và đánh giá tác động môi trường, tổ chức khôi phục môi trường bị ô nhiễm. Có những mâu thuẫn, xung đột giữa lợi ích kinh tế và môi trường của chính bản thân cộng đồng khi các hoạt động kinh tếâ mà chính cộng đồng gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình là làng nghề Bát Tràng. Đã bao đời nay, người dân nơi đây sinh sống lập nghiệp trên mảnh đất quê hương bằng nghề làm gốm sứ. Từ đây, các sản phẩm gốm sứ tỏa đi khắp nẻo đường, mọi miền của Tổ quốc và nhiều nơi trên thế giới. Hàng ngày có tới cả vạn lượt xe đạp, xe máy, hàng trăm lượt xe ôtô, xe công nông mang các sản phẩm gốm sứ đi và mang các nguyên liệu như đất, cao lanh, than, củi, về. Đó chính là nguyên nhân làm cho bầu không khí của làng Bát Tràng ô nhiễm nặng. Mặc dù các con đường đã được lát đá, trải nhựa nhưng nhiều lúc chẳng khác nào con đường đất do than, xỉ, rơi vãi. Vào những ngày hanh khô, lượng bụi cộng với lượng khói đốt lò nung gốm lan tỏa trong không khí làm cho khách đến Bát Tràng cũng cảm thấy ngột ngạt. Còn vào những ngày mưa thì than, xỉ, tro, cùng với nước thải do các gia đình, các lò gốm đổ ra trên con đường làng vốn đã lắm bụi trở nên nhão nhoét, ngập trong nước bẩn. Nhiều làng nghề truyền thống như làng gốm sứ Bát Tràng cũng có lúc thịnh lúc suy, nhiều năm trước đây, cũng có lúc sản phẩm của Bát Tràng ế ẩm, hàng hóa làm ra không bán được nhưng người Bát Tràng vẫn tha thiết với nghề truyền thống mà ông cha họ để lại bao đời nay. Đến nay, nhiều mặt hàng đã có chỗ đứng trên
  14. Việt Nam môi trường và cuộc sống thị trường trong nước và xuất khẩu, nhờ thế đời sống người dân làng nghề ngày càng khá lên. Mỗi năm Bát Tràng sản xuất khoảng 38 triệu sản phẩm, trong xã hiện nay có khoảng 1.200 lò đốt bằng than, mỗi một lần đốt lò cần khoảng hai tấn than. Tính trung bình mỗi năm, Bát Tràng đốt khoảng 100.000 tấn than, chưa kể củi nhóm lò. Từ năm 1990 đến nay, để nâng cao chất lượng sản phẩm gốm, người sản xuất còn sử dụng một số loại hóa chất. Tất cả những thứ đó đều qua khâu nung đốt và bầu không khí ở đây phải hứng trọn vẹn sự ô nhiễm này. Theo đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường xã Bát Tràng đã bước đầu kết luận: do tình trạng sản xuất gốm sứ tập trung, lượng chất thải sinh ra trong khu vực như than, xỉ, bụi, các loại khí độc như SO2, CO, CO2, NO2 và nhiều loại ôxít của các kim loại nặng đều vượt xa mức cho phép. Số liệu đo được cho thấy nồng độ bụi lơ lửng trong không khí vượt từ 2 đến 11,5 lần mức cho phép, nồng độ CO2 vượt gần 7 lần mức cho phép, Nhiệt độ ngoài trời ở khu vực này thường cao hơn những vùng lân cận từ 3 - 5oC, vì vậy, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân nơi đây là không tránh khỏi. Viện Lao Trung ương về xã khám sức khỏe cho 500 người đã phát hiện 49% mắc bệnh, trong đó 68% mắc bệnh phổi. Nhiều giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân nơi đây đã được đưa ra, nhưng để thực hiện thì còn cần phải có thời gian và sự đầu tư về vốn. Một số hộ sản xuất đã đưa lò dùng khí đốt vào sử dụng thay cho lò đốt bằng than, hạn chế được rất nhiều về lượng không khí ô nhiễm vì lò dùng khí đốt cấu tạo gọn nhẹ, nung được nhiều loại sản phẩm, chế độ nhiệt tốt, quá trình cháy nguyên liệu hoàn hảo nên khí thải ra là sản phẩm của quá trình cháy hoàn toàn. Mặt khác, dùng khí đốt có rất ít khí SO2, vì vậy môi trường được sạch hơn đồng thời loại lò này được bố trí ống khói to và khá cao nên việc lan tỏa khói ít làm ô nhiễm môi trường chung quanh. Tuy nhiên chi phí xây dựng lò nung dùng khí đốt khá cao và không phải gia đình nào cũng có tiền để đầu tư, muốn đầu tư cho một lò khí 4m2 cần 250 triệu đồng. Dùng lò khí đốt còn có ưu điểm là chất lượng cao, khống chế được nhiệt theo ý muốn và nhanh hơn. Dùng lò đốt than, bốn ngày mới
  15. Việt Nam môi trường và cuộc sống được một mẻ, còn dùng lò đốt khí một ngày đã xong một mẻ, do vậy về lâu dài lò khí sẽ cho sản phẩm rẻ hơn. Hiện nay toàn xã mới có hơn 50 hộ và đơn vị đưa lò dùng khí đốt vào sử dụng. Hàng ngày nhiều lò nung bằng than trong làng vẫn nghi ngút khói. Người dân vẫn biết như vậy là ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình nhưng họ vẫn phải làm, vẫn phải sống ở đó. Theo anh Thanh, người dân làm nghề gốm tại Bát Tràng thì mặc dù biết như vậy là ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình mình, của cộng đồng nhưng gia đình anh không thể vay đâu được vài trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng lò dùng khí đốt. Để giảm ô nhiễm môi trường, trong thời gian tới, xã Bát Tràng đã có định hướng chủ yếu tập trung vào việc thay đổi thiết bị công nghệ bằng cách vận chuyển vật tư tinh qua sơ chế về thay cho vật tư thô, thay đổi dần nhiên liệu từ than củi sang khí đốt. Về lâu dài, quy hoạch, bố trí lại hệ thống dân cư, sản xuất, đường sá, hệ thống thoát nước, các phương tiện chống bụi, chống ồn. Giờ đây, khi đời sống kinh tế của người dân nơi đây được nâng cao, hy vọng rằng chính quyền địa phương cũng như cộng đồng dân cư sẽ quan tâm hơn tới môi trường, mong rằng một ngày gần đây, người dân sẽ được sống trong một bầu không khí trong sạch hơn cũng như du khách đến với Bát Tràng không phải chịu ngột ngạt khó thở vì không khí bị ô nhiễm. Vụ xóa sổ rừng phòng hộ ven biển tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình theo Báo Lao động, số ra ngày 17-6-2003 thì khu rừng ngập mặn tại huyện Kim Sơn đã và đang bị tàn phá nặng nề. Đằng sau tấm biển "Quy định về bảo vệ rừng ngập mặn" của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình là cả một bãi đất trống mênh mông mà trên đó chỉ còn sót lại một ít cây, dấu tích của cả một khu rừng trước đó. Cả một tầm nhìn nhiều km cũng không còn thấy một bóng cây rừng. Theo nhận định ban đầu thì đã có hàng trăm ha rừng ngập mặn bị xóa sổ, thay vào đó, đất rừng đã được đào đắp thành nhiều ô nhỏ để nuôi tôm. Rừng ngập mặn Kim Sơn chủ yếu được trồng trên diện tích bãi bồi ven biển ngoài đê Bình Minh 2, trong rừng phòng hộ có hai
  16. Việt Nam môi trường và cuộc sống loại cây chính là sú và vẹt. Trong hơn 10 năm qua, rừng ngập mặn Kim Sơn đã phát triển rất tốt, có tác dụng chắn sóng, bảo vệ đê biển và cải tạo cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái của vùng bãi bồi ven biển nơi đây. Rừng ngập mặn Kim Sơn có diện tích khoảng 1.700ha, là rừng được trồng theo dự án rừng phòng hộ 661 và hơn 600ha rừng thuộc Dự án Chữ thập đỏ. Rừng được trồng từ năm 1992 và đến nay đang bị xâm lấn để làm đầm nuôi tôm, đó là một quá trình xâm lấn từ từ. Nhưng thực sự đây là tình trạng phá rừng bởi vì hàng trăm ha rừng đã bị xóa sổ bởi bàn tay của con người. Chính những chủ đầm nuôi tôm đã đắp đập, be bờ làm hàng trăm ha rừng ngập úng và chết; từ đó, họ lấy đất rừng để làm đầm nuôi tôm và cho đến thời điểm này thì đất đầm ở đây đã lên tới giá 50 triệu đồng/ha. Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Châu tại Ninh Bình, Công ty nhận khoán bảo vệ 160ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, cuối năm 2002 lâm tặc đã chặt phá hơn 38ha rừng, đầu năm 2003 lâm tặc lại chặt phá thêm hơn 40 ha rừng nữa. Lâm tặc phá rừng rất "khoa học", tốn ít công, không gây ồn ào. Chúng dùng phương pháp cho rừng chết từ từ, đó là cách đắp bờ, khoanh vùng ngăn nước thủy triều lại làm cho sú, vẹt bị ngập, dẫn đến rừng chết úng. Những chủ đầm tôm ở đây là những người lắm tiền nhiều của, họ không trực tiếp phá rừng mà thuê những người nông dân đói khổ làm công việc phạm pháp này. Điều đó lý giải vì sao những người đi làm thuê bị bắt, bị lập biên bản về hành vi phá rừng nhiều lần rồi sau đó lại tiếp tục vi phạm. Nhưng có điều lạ là những ông chủ đầm này coi đất rừng như đất không chủ, mạnh ai nấy phá, mạnh ai nấy khoanh vùng, biến hàng trăm ha rừng xanh mướt thành những đầm tôm mà không hề bị cơ quan chức năng nào xử lý. Theo kết quả kiểm tra tại hiện trường đã phát hiện 24 đầm tôm làm trái phép. Trong số 24 đầm đó thì có một đầm của Đồn biên phòng 104 mới đo vẽ được diện tích là 15ha, đang chờ xử lý, còn 23 đầm còn lại của 35 chủ đầm tham gia. Đây là số đầm do dân tự đào đắp quây đầm trái phép, ngoài ra còn phát hiện 154,05ha rừng, đất rừng bị xâm hại. Hàng trăm ha rừng biến thành đất trống, tại
  17. Việt Nam môi trường và cuộc sống các khu rừng, cây bị chặt chết thì nằm ngổn ngang, cây còn đang sống thì bị ngập trong nước chờ ngày chết úng. Theo thông tin từ Trạm Kiểm lâm Kim Sơn, Trạm đã bắt được một trường hợp phá rừng với 13 đối tượng vi phạm, và đã chuyển hồ sơ cho công an huyện giải quyết. Không biết đến bao giờ Kim Sơn mới giải quyết dứt điểm được tình trạng này, và cũng không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới nhận thức được tầm quan trọng của rừng phòng hộ ven biển, để họ không phải vì cái lợi kinh tế trước mắt mà phá hủy công sức trong bao năm của cả cộng đồng, để rừng ngập mặn Kim Sơn lại có đất sống, phát triển và xanh tốt trở lại, bảo vệ cuộc sống cũng như môi trường sinh thái cho người dân nơi đây. Khu rừng đước ở Giao Đu, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau từng bị “lở loét” vì bị triệt hạ để hầm than, sau đó lại trở thành điểm nóng bởi nạn đào phá đất rừng nuôi tôm. Ngày trước, cây đước cao chót vót đến vài chục mét, dầy đặc, chen chúc, không nhìn thấy mặt trời, các loài vượn, khỉ, sóc đu theo cành đước từ bên này sang bên kia sông tìm bạn, kiếm mồi nên người dân đặt tên cho khu rừng là Giao Đu. Tại khu rừng Cây Phước (xã Viên Đông An, thuộc Ban Quản lý rừng Tắc Biển), những hộ dân di cư tự do tự bao chiếm 10ha rừng đước để đào kênh, xây cống, xổ tôm. Khi lực lượng kiểm lâm, cán bộ quản lý rừng đến thì những người này lánh vào rừng, để lại lều trống, nhưng sau khi lực lượng kiểm lâm dỡ lều, đập cống, cuốn lú thì chỉ vài ngày sau lều mới, cống mới, lú mới lại mọc lên. Công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm lâm luật gần như chưa đủ sức răn đe. Người vi phạm bị xử lý rồi lại tái phạm ở mức độ nặng hơn. So với những năm trước, số vụ xâm phạm rừng, đất rừng lớn, phức tạp, căng thẳng. Người dân xây lò than dưới lòng đất giữa rừng, đào phá đất rừng vào ban đêm, những "ông chủ nhỏ" trực tiếp tham gia phá rừng, đào rộng thêm các vuông tôm. Các hệ thống giá trị khác nhau:
  18. Việt Nam môi trường và cuộc sống Trong khai thác cùng một nguồn tài nguyên, các hệ thống giá trị khác nhau đối với các nhóm xã hội khác nhau cũng dễ dàng dẫn đến xung đột môi trường. Xung đột giữa ngư nghiệp và nông nghiệp: như trên cùng một nguồn tài nguyên đất ngập nước, hệ thống giá trị đối với các ngư dân, nông dân trồng rau màu là khác nhau. Nếu các ngư dân khai thác quá mức nguồn tài nguyên này sẽ dẫn đến ảnh hưởng tới nguồn lợi của nhóm nông dân trồng rau màu. Xung đột giữa ngư nghiệp và lâm nghiệp: như trong cùng một nguồn tài nguyên rừng ngập mặn, hệ thống giá trị đối với những người có nguồn lợi từ việc sử dụng rừng mâu thuẫn với việc bảo vệ tài nguyên rừng. Ví dụ như vụ việc rừng ngập mặn Cà Mau. Tổng diện tích lâm phần rừng ngập mặn Cà Mau còn khoản 118.000 ha, trong đó 66.000 ha có rừng tập trung ở huyện Ngọc Hiển, một phần huyện Đầm Dơi, Cái Nước và ven biển thuộc huyện Trần Văn Thời, U Minh. Diện tích rừng còn quá khiêm tốn so với vốn rừng hồi xưa. Các xã phía Bắc huyện Ngọc Hiển là Hàm Rồng, Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Đất Mới có khoảng 21.700ha đã chuyển sang sản xuất ngư - lâm kết hợp. Diện tích rừng già mất dấu vết, chỉ còn những cây đước non trên bờ, lưa thưa trong vuông tôm với độ che phủ 7,5%. Rừng đước bị mất quá nhiều, không còn rừng già, chỉ có rừng non ven sông rạch, nhìn bên ngoài xanh um mà bên trong trống rỗng, chỉ có rừng mới trồng trên đất nuôi tôm. Cây rừng lên cao thì tôm mất mùa, lá cây rụng thối nước thì tôm không sống được, vì vậy người dân ở đây đã lén đốn cây bán, đào vuông tôm rộng thêm. Phần lớn diện tích rừng ở huyện Ngọc Hiển đã giao cho 14.400 hộ với khoảng 51.000ha sản xuất lâm ngư kết hợp. Quy mô sản xuất người dân nhận đất nhận rừng từ 3ha đến hơn 7ha/hộ. Trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có 65 đơn vị nhận 2.350ha "tự túc" để giao khoán lại hưởng chênh lệch. Ngoài ra, dòng người di dân tự do luôn gây áp lực lên tài nguyên rừng ngập mặn Cà Mau. Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật rừng ngập mặn Cà Mau đã thử chặt bỏ tán lá mỗi năm một lần với tỷ lệ 30%, tạo điều kiện ánh sáng chiếu xuống vuông tôm đối với rừng trồng 4 tuổi
  19. Việt Nam môi trường và cuộc sống và sau đó tiến hành tỉa thưa cây đước đi khoảng 40% đem lại kết quả tăng năng suất tôm gấp 3 - 4 lần. Thế nhưng việc tỉa thưa mất nhiều công sức, toàn bộ 46.000ha sản xuất lâm - ngư kết hợp bị phá vỡ tỷ lệ 30% diện tích nuôi tôm, 70% diện tích rừng trong từng khuôn hộ. Kể từ sau sự cố tôm chết, kinh tế huyện Ngọc Hiển trì trệ, chậm phát triển. Nguyên nhân là nền sản xuất thụ động, trông chờ vào sự ban phát của thiên nhiên. Việc tách tôm ra khỏi rừng phải có sự thống nhất từ quan điểm chỉ đạo đến người dân. Khi con tôm không còn chung sống được với cây đước thì phải tách ra để cứu cho cả hai. Lâm ngư trường Tam Giang 3 dùng xáng đào kênh phân chia phần đất trồng rừng và nuôi tôm theo từng 100 hộ dân, một phần diện tích đất rừng khai thác để cho bà con sản xuất chuyên nuôi tôm, phần diện tích còn lại theo tỷ lệ quy định trồng lại rừng, bảo vệ nghiêm ngặt, trả lại môi trường tự nhiên cho rừng phát triển. Nhưng với bà con nhận đất rừng ở Ngọc Hiển thì khả năng tài chính không cho phép có thể đầu tư đào đắp để tách tôm ra khỏi rừng, cái khó nữa là những người dân có diện tích nhỏ thì việc tách thừa diện tích trồng rừng theo quy định sẽ làm cho diện tích nuôi tôm bị thu hẹp, không đảm bảo được cuộc sống. Tuy nhiên, lại không ai có thể thay thế người dân sống dưới tán rừng ngập mặn giữ gìn ranh giới tôm - rừng khi tách tôm ra khỏi rừng. Xung đột giữa hoạt động nông nghiệp và hoạt động công nghiệp: như trường hợp Nhà máy sản xuất Bột ngọt Vêđan làm ô nhiễm nước, vỡ đập, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của nhân dân địa phương xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (Báo Nhà báo và Công luận, 5-1999). Xung đột trong việc sử dụng nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường: như tranh chấp nguồn nước, gây ô nhiễm nước điển hình như các vụ ô nhiễm nước thải của Nhà máy sản xuất Bột ngọt Vêđan, Nhà máy Sữa Hà Nội. Xung đột tranh chấp việc sử dụng đất ở bãi rác Kiêu Kỵ, bãi rác Nam Sơn.
  20. Việt Nam môi trường và cuộc sống Xung đột giữa cộng đồng nhân dân địa phương với các chủ đầu tư. Xung đột giữa bảo tồn và phát triển, đó là mâu thuẫn giữa đại diện nhà nước với đại diện cho quyền lợi của cộng đồng nhân dân địa phương hoặc mâu thuẫn giữa những chủ đầu tư, các ngành kinh tế trong khai thác nguồn lợi, các nguồn tài nguyên với bảo tồn, bảo vệ môi trường Như vậy, với các loại nguyên nhân như trên, mâu thuẫn chỉ chấm dứt khi lợi ích và mục đích của hai phía được dung hòa, cuộc sống của người dân được đảm bảo, kết hợp các hoạt động bảo tồn thiên nhiên với bảo vệ môi trường. Cũng chỉ khi đó, hoạt động bảo vệ thiên nhiên và môi trường mới phát huy được hiệu quả cao nhất. Nhìn chung, quản lý môi trường nhìn từ giác độ quan hệ xã hội có nghĩa là quản lý biến đổi xã hội, hòa giải những đối lập về quyền lợi trong xã hội giữa: Lợi ích tư nhân và lợi ích Nhà nước; Lợi ích của các hoạt động nghề nghiệp khác nhau; Lợi ích trước mắt và lâu dài; Lợi ích cục bộ và lợi ích chung; Yêu cầu về phát triển và yêu cầu về bảo tồn.