Việt Nam môi trường và cuộc sống - Tiến ra biển trong tương lai

pdf 12 trang hapham 2090
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Tiến ra biển trong tương lai", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_tien_ra_bien_trong_tuong_la.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Tiến ra biển trong tương lai

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Tiến ra biển trong tương lai Các nỗ lực chính trong quản lý biển Các nguyên nhân sâu xa dẫn đến suy thoái tài nguyên biển và vùng ven bờ nói trên chủ yếu là: chặt phá rừng đầu nguồn; xói lở bờ biển; sa bồi và nghẽn bùn ở cửa sông, cửa đầm, phá; sử dụng đất gây nghèo kiệt; khai khoáng ven biển; lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu; xây dựng đường sá và cảng biển; xả nước thải không qua xử lý; du lịch ven biển; phú dưỡng do nuôi trồng thủy sản và ô nhiễm do các nguồn công nghiệp. Các nguồn tài nguyên và môi trường biển và vùng bờ của đất nước có tầm quan trọng trực tiếp đối với hàng chục triệu người dân nông thôn, đặc biệt đối với hơn 17 triệu dân sống ở các huyện ven biển và các đảo ven bờ. Cho nên, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo vệ và quản lý vùng bờ theo hướng hiệu quả và bền vững, với quan điểm là "nguồn lợi biển và tài nguyên bờ phải được sử dụng dài lâu, vừa thỏa mãn được nhu cầu kinh tế trước mắt trong sức chống chịu của các hệ sinh thái, vừa duy trì được nguồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau". Chính phủ, các ngành và các địa phương đã có những nỗ lực quản lý biển và vùng bờ, đặc biệt từ sau khi có Luật Bảo vệ môi trường (1993). Một hệ thống thể chế quản lý môi trường từ Trung ương xuống địa phương và các ngành liên quan được thiết lập và ngày càng được tăng cường. Vai trò của cộng đồng trong quản lý tài
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống nguyên và môi trường bờ được xác nhận và họ bước đầu được lôi cuốn vào tiến trình quản lý. Các chính sách về quản lý tài nguyên và môi trường nói chung và biển nói riêng đã được ban hành ngày càng nhiều, trong đó quan trọng là các luật: Bảo vệ môi trường, Khoáng sản, Đất đai, Dầu khí, Hàng hải, Tài nguyên nước, Thủy sản (vừa thông qua tháng 11 năm 2003). Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chiến lược Bảo tồn và quản lý đất ngập nước quốc gia, cũng như các kế hoạch hành động quốc gia về môi trường, về bảo tồn đa dạng sinh học và ứng cứu sự cố tràn dầu đã được Chính phủ thông qua. Đặc biệt là Chỉ thị 36-CT/TW về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1998) đã chỉ ra những quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nói chung và biển nói riêng. Gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam hướng tới phát triển bền vững đất nước, trong đó có đề cập đến môi trường biển, vùng bờ và nghề cá. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để trình Quốc hội vào năm 2005 và Bộ Thủy sản đã chuẩn bị Chiến lược Bảo vệ môi trường ngành thủy sản đến năm 2010, Chiến lược Khai thác hải sản đến năm 2020 và Kế hoạch Hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam để trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2004. Bộ Thủy sản được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về các khu bảo tồn biển theo tinh thần của điều 8c, Nghị định 43-NĐ/CP về quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Thủy sản, ký tháng 5-2003. Căn cứ vào Luật Thủy sản, Bộ Thủy sản đã tiến hành quy hoạch hệ thống 15 khu bảo tồn biển ưu tiên cấp quốc gia và soạn Quy chế quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam để trình Chính phủ phê duyệt và ban hành trong năm 2004. Một số khu bảo tồn biển như Cát Bà, Hạ Long, Côn Đảo, Hòn Mun, Cù Lao Chàm đã bắt đầu được quản lý với sự trợ giúp
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống của các tổ chức quốc tế như UNESCO, WB, GEF, UNDP, IUCN, WWF, DANIDA, Sida, CIDA, ADB và FFI. Nhiều cơ quan đã tiến hành các hoạt động điều tra nghiên cứu biển và vùng ven bờ, đáng kể là Chương trình điều tra nghiên cứu biển KHCN 06 và Chương trình Khoa học công nghệ Nhà nước về tài nguyên và môi trường KHCN 07. Các chương trình này đã cung cấp nhiều cứ liệu về môi trường và tài nguyên phục vụ cho công tác quản lý biển và vùng bờ thời gian qua. Đặc biệt đã thiết lập và đưa vào hoạt động Hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia từ năm 1995 và ở một số địa phương ven biển. Đã áp dụng công cụ đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển riêng lẻ ở vùng bờ, nhưng còn thiếu các công cụ áp dụng với các dự án quy hoạch và đầu tư cấp vùng. Đặc biệt trong giai đoạn 1996 - 2000, Chính phủ đã hỗ trợ mở dự án quốc gia về "Nghiên cứu xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam " (mã số KHCN 06-07). Đây là Dự án đầu tiên do chính các nhà khoa học và quản lý Việt Nam thực hiện. Kết quả của Dự án bao gồm: Xây dựng Báo cáo phương pháp luận quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam; Hồ sơ môi trường vùng bờ Việt Nam và hai vùng bờ Cát Bà - Hạ Long và Đà Nẵng; xây dựng Khuôn khổ Hành động quản lý vùng bờ Việt Nam và Phương án quản lý tổng hợp vùng bờ Cát Bà - Hạ Long và Đà Nẵng; một bộ Átlat về vùng bờ Việt Nam và hai khu vực trình diễn nói trên. Khung III.14. RẠN TRÀO - NỒI CƠM CỦA NGƯỜI XUÂN TỰ Đó là một rạn san hô ngầm ở thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, bên bờ vịnh Văn Phong. Đây là một bãi san hô ngầm có diện tích
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống rộng khoảng 40ha. Mỗi khi thủy triều xuống, bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Trong màu sương khói của vịnh Văn Phong lúc hoàng hôn, Rạn Trào trông như di tích vỡ vụn của những tường thành cổ. Rạn Trào có cả san hô cứng (độ che phủ đến 60%) và san hô mềm (độ che phủ 10%). Tuy nhiên, nét đặc trưng cho Rạn Trào là loài cá thia và cá bàng chài. Ngoài ra còn có các nhóm cá kinh tế như cá mú, cá hồng, cá kẽm, Thật đáng tiếc, trong thời gian trước năm 2001, việc khai thác đá san hô bừa bãi, đào đìa nuôi tôm sú đã làm cho nguồn lợi hải sản của Rạn Trào chỉ còn chừng 10% so với những năm 1980. Nhiều loài hải sản quý thường đánh bắt trước đây như bào ngư, hải sâm, cá mú, đã gần sạch bóng. Những loài rất phong phú trước đây như ghẹ, cầu gai, đã trở nên hiếm hoi. Sự suy thoái nguồn lợi Rạn Trào đe dọa trực tiếp đến đời sống của trên 800 hộ với trên 4.000 người của thôn Xuân Tự, mà thu nhập chính của họ dựa vào nguồn lợi biển. Kỹ thuật khai thác hải sản ở Xuân Tự tuy đa dạng nhưng đơn giản, trong đó có nghề lặn, nghề lưới ghẹ, nghề soi bộ, nghề lưới bộ, Bao nhiêu nghề, nghèo vẫn hoàn nghèo vì hải sản ven bờ ngày một hiếm hoi. Người dân nơi đây phải tự bảo vệ nguồn sống của mình với sự hỗ trợ về tổ chức, tập huấn và một phần kinh phí của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khánh Hòa và Liên minh Sinh vật biển quốc tế (IMA). Ngư dân Xuân Tự, Vạn Hưng đã tự tổ chức bảo vệ Rạn Trào một cách bài bản và khoa học. Khu bảo tồn biển Rạn Trào đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập và đã chính thức ra mắt ngày 25-3-2002. Khu Bảo tồn gồm 2 phần: Vùng bảo tồn nghiêm ngặt (vùng lõi của rạn san hô) rộng khoảng 27ha. Khu này nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác, nuôi trồng, cấm tàu thuyền thả neo nhằm giữ sạch môi trường rạn san hô. Các hoạt động du lịch lặn biển và nghiên cứu phải xin phép Ban Quản lý. Vùng đệm nằm cạnh Rạn Trào, rộng chừng 40ha, trước hết là nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi,
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống sau đó ngư dân sẽ được khai thác theo mùa và theo quy định do cộng đồng xây dựng. Ban Quản lý Khu Bảo tồn là thành viên của nhóm hạt nhân. Đây là những người đại diện của cộng đồng, do cộng đồng tín nhiệm bầu ra. Họ không có lương, nhưng hưởng lợi từ cơ chế tín dụng. Rạn Trào đã dần hồi phục, cá tôm đã trở lại. Người ta có thể gặp các trạm kiểm ngư cộng đồng được xây cất ở Rạn Trào trên nóc phấp phới lá cờ Tổ quốc. Nhưng canh gác chỉ là hình thức, vì người dân Rạn Trào đã tự tin để bảo vệ vùng biển san hô của mình một cách tự giác. Biển Rạn Trào chính là cuộc sống, là nồi cơm của họ. Một kế hoạch phát triển du lịch biển đã được khởi thảo cho biển san hô Rạn Trào. Nguồn: Nguyễn Đình Hoè, Tản mạn về biển, 2003 Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý tổng hợp vùng bờ, quản lý khu bảo tồn biển và đồng quản lý tài nguyên biển đã được chú trọng. Đáng kể là: các dự án hợp tác với Hà Lan, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Canađa, Nhật Bản, UNEP, WB, ADB, Trung tâm Nghề cá quốc tế và Chương trình Khu vực UNDP/IMO/GEF. Các dự án này đã giúp phía Việt Nam tăng cường năng lực trong lĩnh vực quản lý biển và vùng bờ. Vấn đề quản lý biển và vùng bờ dựa vào cộng đồng vừa qua đã được thử nghiệm ở một số dự án, tuy nhiên kết quả chưa ổn định, còn mang tính "phong trào" và chưa được nhân rộng do nhận thức của các cấp lãnh đạo và chính người dân. Thường sau khi dự án kết thúc, không còn hỗ trợ kinh phí, thì mô hình quản lý cũng "tan rã". Nguyên nhân chính là: vai trò của cộng đồng chưa được xác định rõ bằng các cơ sở pháp lý; thiếu các hình thức tạo nguồn tài chính ổn định; thiếu các giải pháp cải thiện sinh kế người dân địa phương, chưa chú trọng đầy đủ các phương pháp nâng cao nhận thức về tài
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống nguyên và môi trường biển. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật liên quan tới quản lý môi trường và tài nguyên biển còn yếu kém. Tuy vậy, rải rác cũng đã có một số mô hình quản lý dựa vào cộng đồng hoặc tự quản của nhân dân địa phương thành công bước đầu, như Khu Bảo tồn biển Rạn Trào và một vài khu rừng ngập mặn ở Khánh Hòa, Hải Phòng; bảo tồn rùa ở Ninh Thuận. Các tổ chức quần chúng - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên, các hội nghề nghiệp đã phát động một số phong trào như "Phong trào vì biển xanh quê hương" hướng vào việc làm sạch bãi biển và bảo vệ môi trường biển. Tỉnh Khánh Hòa đã thành công trong việc huy động toàn dân tiêu diệt vấn nạn sao biển gai vương miện trong vịnh Nha Trang. Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI) đã cùng với Ban Quản lý vịnh Hạ Long soạn các tài liệu giáo dục di sản thiên nhiên cho các cấp học phổ thông của tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra, một số môn học liên quan đến môi trường và tài nguyên biển, đến quản lý biển và vùng bờ đã được biên soạn và giảng dạy trong một số trường đại học ở trong nước. Mạng lưới giáo dục và đào tạo môi trường quốc gia, trong đó có Tiểu ban biển và vùng bờ đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả bước đầu. Khung III.15. RÁC ĐẢO NHỎ: GIẢI QUYẾT VẤN NẠN TRỜI SINH Các hòn đảo có một đặc điểm chung là bất cứ vật gì bị vứt xuống biển, cuối cùng đều dạt lên bờ đảo. Lâu ngày, một thềm rác xuất hiện, dày cả mét. Thứ rác biển không địa chỉ này từ sông trôi ra, do tàu thuyền thải xuống biển, do khách du lịch hay dân chài ném xuống biển, Rác biển thường gồm hai loại: 1) rác nổi gồm cành, lá cây, đồ nhựa, gỗ vụn, vỏ lon đồ uống, xác hải sản hoặc xúc vật chết, đa phần khi phơi khô có thể đốt cháy; 2) rác chìm gồm lưới đánh cá rách có chì, lốp
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống xe, bao bố, chai lọ, dây lưới, Khi thủy triều rút, chúng nằm lộ ngay trên bãi biển. Loại này phơi lâu khô, bốc mùi hôi thối khó chịu và đốt cũng khó cháy. Trên đảo có người ở còn có loại rác thứ ba là rác sinh hoạt. Thành phần rác sinh hoạt trên đảo cũng gần giống như trên đất liền, chỉ có thêm nhiều đầu tôm cá, ruột mực và phân người do đất đai chật hẹp, người dân nhiều làng chài chưa có thói quen sử dụng nhà vệ sinh. Các đảo nhỏ lại thường là đảo đá, hiếm có chỗ xây dựng bãi chôn lấp rác trên đảo. Nếu có chỗ chôn lấp thì nước rỉ từ bãi rác sẽ nhanh chóng ngấm qua các khe nứt của đá, gây ô nhiễm các giếng nước nhỏ ở ven chân đảo. Những khó khăn này, đảo nhỏ nào cũng có. Hàng trăm năm qua, người dân đảo phải chung sống với rác mà chưa tìm ra cách giải quyết. Đảo Bồng Nguyên - một đảo nhỏ trong vịnh Nha Trang, một điểm du lịch nổi tiếng với hồ cá Trí Nguyên cũng là một trường hợp như vậy. "Một gánh càn khôn quảy xuống tàu" là mô hình thu gom rác ở đảo Bồng Nguyên. Lượng rác phát sinh ở đảo này mỗi ngày là 1,1 tấn với một nửa là rác biển không rõ địa chỉ. Cái khó nhất là kinh phí đã được nhân dân tự nguyện đóng góp. Mức đóng góp mỗi hộ là 10.000 đồng/tháng. Mỗi tháng, dân chài Bồng Nguyên đóng góp gần 5 triệu đồng phí vệ sinh. Các cơ sở du lịch trên đảo cũng góp thêm 4 trăm ngàn đồng mỗi tháng. Một đội thu gom rác đã được thành lập và huấn luyện, với kỹ năng chính là thu gom rác vào các bao bố rồi gánh xuống tàu chở vào đất liền. Mỗi ngày, nhóm thu gom phải gánh chừng 100 bao rác, mỗi bao nặng từ 10 đến 20kg, mỗi công nhân phải thu và gánh chừng 13 chuyến. Đảo đá gập ghềnh, đường khó đi, ngoài gánh rác không có cách gì khác. Tàu chở rác từ đảo vào đất liền mỗi ngày một lần cập bến cảng Cầu Đá, từ đó, công nhân phải bốc các bao rác xuống bãi, gánh lên điểm tập kết rác chờ xe ô tô chở đi bãi rác thành phố. Những ngày trời mưa, đường trơn, có công nhân thu gom trượt ngã
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống sưng cả đầu gối, rác đổ gió thổi tứ tung. Nhìn cảnh lao động vất vả của công nhân thu gom, bà con dân đảo rất thương, bảo nhau không đổ rác vương vãi xuống đất và đổ rác đúng giờ cho anh chị em công nhân đỡ vất vả. Là điểm du lịch nổi tiếng của Nha Trang, Bồng Nguyên bây giờ đã rất sạch sẽ. Nhiều bãi tắm du lịch trước đây bỏ hoang vì bị rác che lấp nay đã đón khách. Bến tàu của đảo trước cực kỳ hôi thối, rác dày cả mét nay đã sạch sẽ. Ông Đinh Văn Quế, khóm trưởng khóm dân cư đảo Bồng Nguyên bộc bạch: "Đảo Bồng Nguyên có gần 400 năm lịch sử, cũng là 400 năm sống trên rác. Bây giờ xóm đã sạch sẽ, phong quang, tôi có chết cũng mãn nguyện, cũng nhắm mắt được rồi". Nguồn: Nguyễn Đình Hoè, Tản mạn về biển, 2003 Việt Nam đã ký và tham gia nhiều công ước quốc tế có liên quan đến quản lý môi trường và tài nguyên biển như: Công ước RAMSAR, Công ước Luật biển, Công ước MARPOL, Công ước Di sản, Công ước Đa dạng sinh học, và Bộ Quy tắc ứng xử nghề cá trách nhiệm. Nhưng trên thực tế việc triển khai còn nhiều lúng túng, hiệu quả đạt được còn hạn chế do chưa thống nhất cơ chế điều hành phối hợp, năng lực triển khai công ước trong bối cảnh biển của Việt Nam còn thiếu và yếu, đôi khi không phù hợp và còn mang tính hình thức. HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG BIỂN TỔ QUỐC Mục tiêu chủ yếu
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống Như vậy, hiệu quả quản lý biển và vùng bờ phải dựa trên cơ sở tiếp cận hệ thống, đa ngành và tiếp cận hệ sinh thái, phải cân nhắc tính hữu hạn của các hệ thống tự nhiên ở vùng bờ và nhu cầu phát triển của các ngành khác nhau ở đây. Từ góc nhìn đó, có thể hiểu phát triển bền vững biển và vùng bờ nước ta theo mấy khía cạnh cụ thể sau: Duy trì chất lượng môi trường và bảo toàn chức năng của các hệ sinh thái biển và vùng ven bờ; Phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả, bảo đảm lợi ích lâu dài; Bảo đảm quyền lợi của cộng đồng dân cư ven biển, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, cân bằng hưởng dụng nguồn lợi giữa các thế hệ; Chấp nhận phát triển đa ngành ở vùng bờ, tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu các hệ thống tài nguyên vùng biển, giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng tài nguyên biển và ven bờ. Nguyên tắc cơ bản Để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững vùng bờ nói trên, đề nghị chú ý các nguyên tắc cơ bản sau: Bảo đảm cân bằng, sử dụng hợp lý và bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với phát triển kinh tế biển, đặc biệt là kinh tế thủy sản. Coi trọng phục hồi và bảo tồn nguồn lợi thủy sản; Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất của các ngành kinh tế biển, đặc biệt trong khai thác biển xa và mở rộng nuôi thâm canh năng suất cao, bảo đảm an toàn sinh thái biển và vùng bờ;
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nâng cao nhận thức cộng đồng, lôi cuốn cộng đồng tham gia vào sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên biển và bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển; Tăng cường thể chế và chính sách quản lý hiệu quả và bền vững theo cách tiếp cận liên ngành. Lồng ghép các cân nhắc môi trường vào trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội biển và vùng bờ; Vì "trăm sông đổ về biển cả", cho nên phần lớn các nguồn gây tác động đến môi trường biển lại xuất phát từ bên ngoài vùng biển quản lý. Cho nên, quản lý biển hiệu quả phải gắn chặt với quản lý lưu vực sông ven biển, trước hết là các lưu vực sông lớn có ảnh hưởng quan trọng đến môi trường biển. KIẾN NGHỊ CHÍNH Các chính sách quan trọng và những hoạt động cần thiết để đảm bảo phát triển kinh tế biển và ven biển bền vững ở Việt Nam là: Ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển theo ngành, vùng và lồng ghép các cân nhắc môi trường vào từng bước của quá trình quy hoạch; Tăng cường chính sách hỗ trợ và cải thiện sinh kế các cộng đồng dân cư nghèo; hoàn thiện chính sách phân cấp, giao quyền sử dụng, khai thác và quản lý tài nguyên biển và ven biển, trước hết là nguồn lợi thủy sản ven bờ;
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống Xây dựng và hoàn thiện, tiến tới ban hành một bộ luật về các vấn đề biển và vùng bờ Việt Nam nhằm bảo đảm tính đồng bộ, loại bỏ tính chồng chéo và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan; Thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ biển dựa trên cơ sở các chính sách liên ngành, điều chỉnh và kết nối các hoạt động phát triển của các ngành trên biển, ven bờ và vùng ven biển; Quản lý tài nguyên biển có sự tham gia của cộng đồng, tiến tới đồng quản lý, gắn liền với nâng cao nhận thức về biển và vùng bờ cho cộng đồng; Thiết lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn và các khu dự trữ biển trong khuôn khổ quản lý tổng hợp vùng bờ. Phấn đấu đến năm 2012 khoảng 7-10% diện tích vùng biển được quản lý và bảo tồn hiệu quả theo như Cam kết Johanesburg. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường và tài nguyên biển, ven biển trên cơ sở thiết lập một thiết chế tổ chức liên ngành. Hạn chế mở rộng nuôi quảng canh thủy sản ven biển, khuyến khích nuôi thâm canh, nuôi trên biển và triển khai các kỹ thuật tiến bộ để tăng năng suất nuôi trồng; Xây dựng và áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn môi trường theo ngành và các chỉ số phát triển bền vững vùng bờ; Tăng cường năng lực và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm Ứng cứu sự cố tràn dầu quốc gia; Thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản và các luật pháp trong nước và quốc tế có liên quan đến biển.
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống * * * Thế kỷ XX con người đi lên trời và vẫn tiếp tục thám hiểm vũ trụ, còn thế kỷ XXI con người sẽ đi ra biển. Thế kỷ XXI là kỷ nguyên của biển và đại dương, biển sẽ là cứu tinh của cả thế giới. Vì biển là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về lương thực, thực phẩm, nhiên nguyên liệu. Đầu tư bao nhiêu cho biển để đạt được hiệu quả, bảo đảm công bằng giữa ba mảng phúc lợi: kinh tế - xã hội - môi trường là việc của các nhà hoạch định chiến lược phát triển. Song, chúng ta đã giữ gìn từng ngọn cây tấc đất thì cũng phải đối xử với biển như vậy. Đừng để kẻ đốn dăm ba cây rừng thì bị phạt rũ tù, còn người phá tan hoang lòng biển không bị bắt tội. Nhận diện "Việt Nam biển" cũng chính là bắt đầu một cách nhìn mới và đầy đủ về chân dung kinh tế Việt Nam. Đó là một Việt Nam mang sóng biển Đông hòa vào bể lớn của thương trường quốc tế theo cách tiếp cận phát triển bền vững.