Viết tổng quan về tình hình nghiên cứu trong xã hội học
Bạn đang xem tài liệu "Viết tổng quan về tình hình nghiên cứu trong xã hội học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- viet_tong_quan_ve_tinh_hinh_nghien_cuu_trong_xa_hoi_hoc.pdf
Nội dung text: Viết tổng quan về tình hình nghiên cứu trong xã hội học
- Xã hội học số 3 (123), 2013 VIẾT TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRONG XÃ HỘI HỌC PHẠM VĂN BÍCH* Tại nhiều trường đại học trên thế giới, khi tiến hành một khảo sát, sinh viên thường được yêu cầu tiến hành một công việc được gọi là “literature review” (làm tổng quan sách báo về tình hình nghiên cứu - sau đây gọi tắt là “tổng quan”, hay trong tiếng Việt còn mang tên khác là “lịch sử nghiên cứu vấn đề”). Tuy nhiên, ngay ở đấy, nhiệm vụ này cũng gây “kinh sợ” (chữ dùng của Becker, 1986:135) cho không ít người. Lý do là nó đòi hỏi đọc nhiều, bao quát hết những gì được xếp vào hàng kinh điển, bắt buộc phải đọc (must-read) lẫn cái mới nhất trong một lĩnh vực nào đấy, đặc biệt cần phân tích và đánh giá. Theo nghĩa đó, nó bị coi là “con ngáo ộp về mặt học thuật” (academic bugaboo). Tình hình ở Việt Nam thì tệ hơn thế. Theo nhận xét của một tác giả, việc tổng quan tài liệu là một thiếu sót, một điểm yếu của hầu hết các nghiên cứu ở Việt Nam. Tình trạng này có nhiều lý do, ví dụ đông đảo giới học giả không coi tri thức là sự tích lũy thành qủa nghiên cứu của nhiều người và phần nào do sự không trung thực trong học thuật (Nguyễn Xuân Nghĩa, 2013). Điều đó đúng, nhưng cần nêu thêm một lý do không thể bỏ qua là rất ít người dạy và rèn cặp kỹ năng tổng quan một cách bài bản. Không sách vở và tài liệu giảng dạy, hầu hết giáo viên hướng dẫn chỉ biết truyền miệng những nhận thức và kinh nghiệm nặng về cảm tính và chưa hẳn đã chuẩn xác của mình về tổng quan. Rút cục nhiều người không biết viết một bài tổng quan như thế nào và nên tổng quan ra sao. Rất nhiều người khác làm tổng quan không đúng yêu cầu. Bài viết sau đây chủ yếu là nhằm giúp các nhà nghiên cứu mới bước vào nghề có thể nắm được mục đích ý nghĩa cũng như cách làm tổng quan. Định nghĩa tổng quan Trước khi bắt đầu một cuộc khảo sát về chủ đề nào đó, nhà nghiên cứu thường hỏi và tự trả lời những câu hỏi sau: Đã ai khác tìm hiểu điều này chưa? Liệu có ai làm gì tương tự mà ta có thể học hỏi từ đấy? Hiện có chăng ai đó đang tìm hiểu chủ đề giống thế này, hoặc tương tự? Do vậy điều ta đang làm có độc đáo không? Nhằm trả lời những câu hỏi này, người ta chỉ có thể làm hai việc: tìm xem những gì đã viết về chủ đề; hay hỏi một ai đó thông thạo về nó (Hunt, 2005: 52-53). Việc thứ nhất chính là tổng quan. Trong khi điểm sách (book review) là giới thiệu, nhận xét và đánh giá một ấn phẩm, thì khác với điểm sách, tổng quan là tập hợp, giới thiệu, nhận xét và đánh giá nhiều công trình khoa học về cùng cái chủ đề mà các anh chị chọn để nghiên cứu. Như một học giả đã nói, tổng quan là “sự chọn lựa những văn bản sẵn có (cả đã công bố lẫn không công bố) về cùng chủ đề * PGS.TS, Viện Xã hội học. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- [ ] để thực hiện những mục tiêu nhất định hay thể hiện những quan điểm nhất định về chủ đề ấy và cách thức nên khảo cứu nó, cũng như đánh giá các văn bản này trong quan hệ với cuộc nghiên cứu đang đề xuất” (Hart, 1998:13). Bài tổng quan trình bày vắn tắt và đánh giá từ hai văn bản học thuật trở lên về một chủ đề chung nhưng không ghép nối văn bản này sau văn bản kia một cách cơ giới, mà thông qua sự sắp xếp, phân tích so sánh và đánh giá của người tổng quan. Lý do làm tổng quan Tổng quan là dịp để nhà nghiên cứu thu thập, hệ thống hóa thông tin hiện có liên quan đến chủ đề của mình và học hỏi, hiểu biết từ nó. Như một số tác giả đã vạch rõ, “một tổng quan được tiến hành tốt sẽ nói cho các anh chị biết nhiều điều về một chủ đề cụ thể. Nó sẽ nói cho anh chị về mức độ tri thức hiện hành, các nguồn dữ liệu cho nghiên cứu của anh chị, những ví dụ về cái chưa biết về chủ đề đó (điều vốn tạo ra ý tưởng để hình thành giả thuyết), các phương pháp đã sử dụng để nghiên cứu và định nghĩa rõ ràng cho những khái niệm liên quan đến nghiên cứu của chính bản thân anh chị” (Johnson et al., 2002:188). Nói cách khác, làm tổng quan là dịp để nhà nghiên cứu trẻ học hỏi những gì đã được tìm hiểu tính đến thời điểm ấy về cùng chủ đề với họ. Tổng quan xuất phát từ quan niệm nền tảng rằng tri thức khoa học là sự tích lũy công sức và trí tuệ của nhiều người, nhiều thế hệ, và vì thế, trước khi bắt đầu một khảo sát mới, nhà nghiên cứu cần điểm lại sách báo học thuật hiện có, xem chủ đề mà mình quan tâm đã được tìm hiểu hay chưa, và nếu rồi, thì như thế nào. Nói theo lời một nhà xã hội học thì “trên lý thuyết cũng như trong thực tế, khoa học và học thuật thuộc các ngành nhân văn đều là nỗ lực mang tính lũy tích. Khi chúng ta ngồi vào viết, chẳng ai trong chúng ta xuất phát từ con số (O) và tự mình phát minh ra toàn bộ nó. Mà chúng ta phụ thuộc vào những người đi trước chúng ta. Chúng ta không thể làm được công việc của mình nếu chúng ta không sử dụng những phương pháp, kết quả và ý tưởng của họ. Ít người quan tâm đến kết quả của chúng ta nếu chúng ta không cho thấy mối quan hệ nào đó giữa kết quả ấy với cái mà những người khác đã nói và làm trước chúng ta” (Becker, 1986:140). Yêu cầu đặt ra đối với người làm tổng quan là không chỉ xác lập được mối liên hệ giữa khảo sát của mình với những nghiên cứu trước đó, mà còn phải nêu được chút gì đó mới và riêng. Vẫn như lời nhà xã hội học trên đây, “[ ] các học giả phải nói ra một điều gì đó mới mẻ trong khi kết nối cái mà họ vừa nói với cái người ta đã nói, và phải làm điều ấy theo một cách sao cho người ta sẽ hiểu điểm đấy. Họ phải nói điều gì đó mới mẻ dù là tối thiểu” (Becker, 1986: 141). Mục đích của tổng quan Mục đích viết tổng quan là nhằm chứng minh rằng các anh chị đã: biết có những công trình khác trong lĩnh vực chủ đề của mình; thu thập được và đọc một số tài liệu cụ thể có liên quan đến chủ đề; có thể phân tích và nhận xét về những công trình hiện có; biết công trình của mình liên quan ra sao với những công trình hiện có; hiểu rằng công trình của mình độc đáo đến mức độ nào (Hunt, 2005:62). Hơn thế nữa, viết tổng quan là để tìm ra những gì đã được nghiên cứu rồi, những gì chưa, và từ đó hoặc chọn chủ đề chưa được nghiên cứu làm đề tài cho mình, qua đấy lấp đầy khoảng trống kiến thức chung, tránh lặp lại những gì người trước đã tìm hiểu có kết quả tốt. Hoặc tổng Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- quan là nhằm lựa một chủ đề nào đấy đã khảo sát rồi nhưng các anh chị cho là chưa thoả đáng về phương pháp, về kết quả v.v. để các anh chị nghiên cứu lại, và qua đó đóng góp vào tri thức chung. Cuối cùng, như một tác giả (Marsh, 2002:28) đã viết, bằng cách đọc những gì đã có, hi vọng là chúng ta có thể làm theo thành công và cái tốt của họ, và tránh được những sai lầm họ đã mắc. Chính vì không làm tổng quan mà một cuộc khảo sát về tính dục đồng giới ở Việt Nam đã tốn công sức, tiền của và thì giờ để ra sức chứng minh rằng người tính dục đồng giới không dị biệt, mà giống như những người khác về nhiều mặt. Như tôi đã có dịp nêu rõ (Phạm Văn Bích, 2012), kết quả này lặp lại điều mà giới nghiên cứu Mỹ từng tìm ra cách đấy gần 40 năm, và do vậy nhóm khảo sát đã làm một việc đáng gọi là “gò lưng đẩy chiếc cánh cửa đã mở sẵn”. Thiết nghĩ không lời bình luận nào xác đáng hơn câu sau đây: “Thật xấu hổ khi dành biết bao thì giờ, công sức để chuẩn bị cho một cuộc nghiên cứu chỉ để khám phá ra rằng thông tin mà các anh chị tìm tòi đã được ai đó phát hiện ra từ lâu” (Johnson et al., 2002:188). Mượn cách nói sống sít của khẩu ngữ dân gian, xin thêm rằng cảm giác xấu hổ nói trên chỉ xuất hiện ở những ai chưa bị “đứt dây thần kinh xấu hổ” mà thôi. Như vậy, tổng quan là đặt cuộc nghiên cứu mà các anh chị sắp tiến hành trong bối cảnh tri thức hiện có để tìm ra những gì có thể kế thừa, những gì cần tránh lặp lại, và những gì cần bổ sung, chỉnh sửa và thay đổi. Nó là sự biện minh cho nghiên cứu mà các anh chị sắp tiến hành. Nói cách khác, tổng quan trình bày cho độc giả cái nền tảng tri thức mà cuộc nghiên cứu của các anh chị xây dựng bên trên đó. “Mục đích này phản ánh một truyền thống lâu đời đáng kính của nghiên cứu khoa học: nó thừa nhận món nợ của nghiên cứu đó đối với quá khứ và nêu rõ mối liên hệ giữa những gì đã biết về chủ đề trong quá khứ với những gì vừa phát hiện trong nghiên cứu này” (Glatthorn, 1998:137). Những việc thường làm trong tổng quan Khi tổng quan, người ta thường trích (cả nguyên văn lẫn lược trích), diễn đạt lại ý của tác giả bằng lời của mình, tóm tắt, và phân tích, đánh giá, so sánh các văn bản để dẫn tới cuộc nghiên cứu của bản thân. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng vì tính logic của sự trình bày, những nhiệm vụ vừa nêu được xếp theo trật tự từ đơn giản và dễ đến khó và phức tạp, còn trong thực tế các anh chị không nhất thiết phải thực hiện theo tuần tự nói trên. Trích nguyên văn: là lấy y nguyên từng câu từng chữ từ một nguồn nào đó, đặt tất cả trong ngoặc kép, hoặc xuống dòng rồi đánh máy thụt sang phải nhiều hơn thường lệ, có nêu xuất xứ của nguồn. Tuy nhiên, lời khuyên chung là hạn chế trích nguyên văn, và chỉ nên trích như thế khi thật cần thiết, tức là khi gặp những câu chữ rất chính xác, tao nhã, hàm súc, cô đọng, mạnh mẽ, đáng nhớ và không thể thay thế, tức là rất “đắt”. Lược trích: Dù trích nguyên văn không có gì sai, song để tiết kiệm chữ, nên trích có chọn lọc, lấy một vài từ hay một vài phần trong câu của nguyên gốc, chèn nó vào câu văn của các anh chị. Đôi khi các anh chị cũng có thể phải thêm một vài từ, hoặc thay thế từ gốc bằng vài từ khác để nó khớp với mạch văn của mình. Theo thông lệ quốc tế, nếu làm những việc đó, các anh chị hãy dùng nhiều cách khác nhau để nói lên điều này. Ví dụ hãy dùng dấu móc vuông có ba dấu chấm bên trong (tức là ký hiệu [ ] trên bàn phím máy tính) để báo độc giả biết rằng Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- các anh chị đã lược bớt vài chữ của nguyên gốc, và hãy dùng dấu ngoặc đơn để đưa từ thay thế của mình vào, hay thêm từ cho rõ ý, và để thay đổi cách dùng lời của một trích đoạn nhằm làm nó khớp với câu văn của chính các anh chị (Crusius et al., 2003:141). Các anh chị có thể thấy ví dụ về điều đó qua những đoạn lược trích ở ngay trong bài viết này. Dù trích nguyên văn hay lược trích, ít nhất cần sử dụng những từ như “Theo thì ” v.v. để giới thiệu những trích đoạn, chứ không nên đường đột ném nó ra đứng một mình. Thuật lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình Đây tức là nắm lấy điều các tác giả muốn nói rồi diễn đạt lại bằng ngôn từ của các anh chị, chứ không chép y nguyên từng câu từng chữ của văn bản. Để làm việc này, điều quan trọng là nắm bắt được tất cả những điểm then chốt, và cơ bản là dịch chuyển nó sang ngôn ngữ của chính các anh chị càng nhiều càng tốt. Nếu dùng nguyên văn lời tác giả, các anh chị sẽ không chứng minh được là mình đã hiểu văn bản, và khó lòng vừa giữ tóm tắt trong khuôn khổ độ dài cho phép vừa không bỏ mất những nội dung quan trọng của văn bản. Nhiều chuyên gia khuyên rằng để thuật lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình, các anh chị cần làm hai việc: Thứ nhất, nắm được những ý tưởng chính của văn bản mình đọc; Thứ hai, nên diễn đạt ý tưởng của tác giả bằng ngôn từ, lời lẽ của bản thân các anh chị. Nói cách khác, đừng nhại lại văn bản như một con vẹt (parroting), mà nên biểu hiện ý tưởng của tác giả theo cách của mình. Tuy nhiên, khi làm những việc đó, cũng cần lưu ý một điều: mục đích của trần thuật là thể hiện chính xác và khách quan những điều văn bản nói. Không nên đưa ý tưởng riêng, hoặc cách hiểu của mình vào tóm tắt. Nếu không thế, rất dễ xảy ra tình trạng các anh chị xuyên tạc, bóp méo văn bản (Clee et al., 1999:7-8). Tình trạng này đích thị điều mà tôi gọi là "nhét vào mồm tác giả những điều họ không hề nói". Các anh chị sẽ có dịp thể hiện ý tưởng và cách hiểu của mình về văn bản khi đánh giá nó, chứ dứt khoát không phải khi thuật lại nó. Sau đây là mấy lời mách nước cho việc thuật lại người khác bằng lời của mình: Đừng dùng mẫu câu của bản gốc, mà hãy dùng câu đơn giản hơn, kể cả bằng cách tách câu gốc thành vài ba câu đơn; Dùng ngôn ngữ thường ngày; Làm rõ chủ ngữ, chứ không ẩn nó đi, tức là chuyển câu dạng bị động thành câu dạng chủ động; Đặt câu theo mẫu: Ai làm gì? (Who does what?); Diễn đạt bằng lời khác thường dài hơn văn bản gốc, vì nó có xu hướng kéo dãn cái đã được nêm chặt, nên phương châm chung là hãy cố gắng làm cho cả ngôn từ lẫn trật tự từ đơn giản hơn (Crusius et al., 2003:37-38). Ngoài yêu cầu phải thật sự hiểu ý nguyên gốc, việc thuật lại người khác bằng lời của mình còn đòi hỏi các anh chị dùng những từ đồng nghĩa để thay thế ngôn ngữ của nguyên gốc, nên cần có một vốn từ dồi dào. Trong nhiều trường hợp, các anh chị cần đến sự hỗ trợ của từ điển không chỉ bằng chính thứ ngôn ngữ của nguyên gốc, mà cả tiếng mẹ đẻ của mình. Cũng theo lời khuyên của tác giả nói trên, khi thuật lại người khác bằng lời của mình, các anh chị Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- nên làm theo mấy chỉ dẫn như sau: 1) Hãy tra cứu từ điển nếu gặp bất kỳ từ nào trong nguyên gốc mà các anh chị không quen; 2) Hãy làm việc với toàn thể các ý tưởng, tức là nên nhớ rằng thuật lại lời người khác bao gồm nhiều điều hơn là chỉ giữ trật tự từ của nguyên gốc, và hơn là chỉ thay các từ đồng nghĩa vào. Đừng ngại sử dụng lời thuật lại dài hơn nguyên gốc; hãy cố tách một câu phức hợp thành vài ba câu đơn; nên phân lẻ một ý tưởng khó hiểu ra thành từng phần và từng bước xây dựng lại nó. Đừng chỉ nhại lại đoạn văn nguyên gốc một cách thiếu suy nghĩ; 3) Đừng làm nô lệ cho nguyên gốc. Hãy đọc cả đoạn cho đến khi hiểu nó, hay một phần của nó. Rồi viết ra cách hiểu của các anh chị mà không nhìn vào nguyên gốc. Hãy sắp xếp lại trật tự các ý tưởng nếu như việc đó khiến cho đoạn văn dễ hiểu hơn; 4) Đừng cố dốc sức tìm chữ thay thế cho những từ vốn cực kỳ hệ trọng đối với ý nghĩa đoạn văn (Crusius et al., 2003:129). Tuy nhiên, nhiều học giả không nắm được những cách thức và yêu cầu này. Họ thuật lại người khác mà không hiểu, và cũng thiếu kỹ năng diễn đạt ý của người ta bằng lời của mình, nên đã trở thành nô lệ cho nguyên gốc. Một ví dụ là bài viết giới thiệu Pareto một cách hết sức rối rắm, dài dòng, lộn xộn và mù mờ đăng trên tạp chí “Xã hội học” số 1 năm 2005. Tóm tắt: Sau khi đọc xong một văn bản, các anh chị cần tóm tắt nó. Tóm tắt là dùng cách hiểu và lời của mình để quy rút một tài liệu dài thành một đoạn ngắn thông qua việc nắm bắt những ý tưởng cơ bản, lập luận chính hay đề tài của văn bản gốc. Đối với nhiều người, tóm tắt là một hoạt động khó, và họ vật lộn mà không tóm tắt được một văn bản theo đúng yêu cầu. Vì thế, họ nghĩ rằng chỉ một số ít người mới có khả năng làm nổi thứ công việc giống như “trói voi bỏ rọ” này. Thực ra, tóm tắt không phải điều gì mới lạ, mà là việc các anh chị từng làm. Một dạng tóm tắt mà nhiều người Việt Nam đã quen từ thuở ngồi trên ghế nhà trường là nêu “đại ý” một bài đọc trong môn tập đọc. Thậm chí có những hoạt động tóm tắt mà các anh chị làm hàng ngày. Ví dụ, sau khi các anh chị xem một bộ phim, một vở kịch hay đọc một cuốn truyện, rất có thể ai đó sẽ hỏi các anh chị về nội dung tác phẩm ấy; các anh chị sẽ kể lại nó. Rất phổ biến là các anh chị không kể mọi thứ từ đầu đến cuối, mà chỉ chọn những điểm chính để tạo cho người kia ý tưởng chung về nội dung, chủ đề của nó. Khi ấy, các anh chị đã tóm tắt nó, chỉ có điều các anh chị không ý thức được rằng mình đang làm như vậy, và hơn nữa - chỉ hành động theo cảm nhận mơ hồ của mình, chứ không thật nắm vững những thủ thuật tóm tắt. Tóm tắt có nhiều loại và nhiều mục đích, nhiều động cơ. Trong giới học thuật, thường người ta tóm tắt với hai động cơ như sau: Thứ nhất, tóm tắt một văn bản để chứng tỏ mình đã nắm được thông tin mới, đã lĩnh hội được ý tưởng mới của người viết. Sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh các trường đại học phương Tây thường được yêu cầu đọc và tóm tắt các văn bản khoa học; những người làm thư viện và cả các tác giả cần tóm tắt để giúp độc giả xác định xem có nên đọc văn bản đó hay không. Thứ hai, tóm tắt để phân tích lập trường, quan điểm của một tác giả, nhằm đưa những ý tưởng và thông tin của những người khác vào tác phẩm của chính các anh chị. Khi đó, các anh Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- chị cần tóm tắt tất cả những điểm quan trọng. Do đó, độ dài của tóm tắt và việc có hay không các trích dẫn trực tiếp trong tóm tắt sẽ phụ thuộc vào động cơ, mục đích của tóm tắt. Xét về độ dài, tóm tắt bao gồm hai loại sau: 1) Có loại tóm tắt nêu rõ giới hạn số từ mà các anh chị được phép dùng khi tóm tắt, không dài và nhiều hơn ngưỡng đó. Một ví dụ là "Tạp chí xã hội học Anh" yêu cầu các tác giả gửi bài đến để đăng phải tóm tắt nó trong giới hạn khoảng 300 từ (cho mỗi bài dài 8. 000 từ) (BJS, 2005:165). 2) Một loại tóm tắt khác không hạn định số từ một cách chặt chẽ như thế. Tuy nhiên, dù người ta không nêu giới hạn, thì một tóm tắt tốt phải cô đúc, không dài lê thê, chẳng hạn không vượt quá 1/3 độ dài của văn bản gốc (Crusius et al., 2003:131). Trong hầu hết các trường hợp, tóm tắt không nên quá 1 trang A4. Theo một số tác giả khác, có thể phân chia tóm tắt thành hai loại như sau: 1) Một loại gọi là tóm tắt chọn lọc (selective summary) nghĩa là các anh chị không tóm tắt toàn bộ văn bản, mà chỉ đúc rút những gì được coi là quan trọng. Thay vì phân tích tất cả mọi ý tưởng mà tác giả trình bày, các anh chị có thể xoáy sâu vào một khía cạnh quan trọng của văn bản, và đặt câu hỏi: tác giả này đề cập đến một khái niệm hay vấn đề xã hội học quan trọng nào ở văn bản đó? Như vậy, các anh chị chọn nhấn mạnh một phần then chốt nào đó của văn bản vì nó hợp với điều các anh chị quan tâm. Yêu cầu đặt ra là: Đừng trình bày sai (xuyên tạc) mạch ý tưởng chung của tác giả. Các anh chị phải tự đặt cho mình câu hỏi sau: Việc tôi sử dụng có chọn lọc văn bản gốc có gồm cả những gì tác giả không định viết không? 2) Loại kia là tóm tắt toàn bộ: các anh chị rút ngắn từ đầu đến cuối văn bản, để toát lên được hết điều tác giả đang nói. Vì vậy, tóm tắt không đơn giản như nhiều người tưởng. Nó đòi hỏi không chỉ đọc, mà còn suy nghĩ cẩn thận, vì các anh chị đang cố gắng nắm bắt thực chất của cả một bài viết, một chương hay thậm chí một cuốn sách khá phức tạp. Câu hỏi cơ bản phải trả lời khi tóm tắt là: tác giả nói gì? Phải xem xét những điểm chính của tác giả và hiểu được tác giả muốn hàm ý gì. Yêu cầu đặt ra là phải thấy rừng chứ không chỉ thấy cây, thấy toàn bộ cuốn sách hoặc bài viết, chứ không phải những sự kiện cụ thể được trình bày để hậu thuẫn một lập luận. Một bản tóm tắt tốt sẽ bao gồm đủ và chỉ gồm những điều quan trọng từ văn bản gốc. Thủ thuật ở đây là gỡ tách những điểm then chốt ra khỏi những lý giải và ví dụ. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều người đã không nhận thức được yêu cầu này, mà đòi hỏi tóm tắt phải hàm chứa mọi phần, mọi chương mục của bản gốc, chỉ có điều ngắn hơn. Ví dụ, ở Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tất cả các luận văn đều tóm tắt thành 24 trang in, kích thước 140mm x 210 mm (khổ giấy A4 gập đôi), trong đó tóm tắt bao gồm đầy đủ, không thiếu một chương một phần nào của bản gốc. Nếu nguyên gốc có chuyên mục “lý do chọn đề tài” thì tóm tắt cũng phải bao gồm mục ấy; tương tự, khi nguyên gốc hàm chứa phần “mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu”, “đối tượng và khách thể nghiên cứu”, “khung phân tích”, “cơ sở lý luận” và Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- “kết quả” v.v. và v.v. thì dứt khoát tóm tắt cũng phải bao chứa tất tần tật ngần ấy phần mục. Nói một cách hình ảnh, nếu tóm tắt bao gồm mọi thứ của nguyên gốc, với đầy đủ mọi bộ phận, “gi gỉ gì gi cái gì cũng có”, chỉ khác duy nhất là ngắn gọn hơn, mang kích cỡ nhỏ hơn bản gốc, giống như một bản photocopy thu nhỏ như thế, thì đấy là một tóm tắt tồi, bởi không phân biệt được đâu là chính, đâu là phụ. Với người ít kinh nghiệm thì nên tóm tắt theo mấy bước sau: 1) Viết nháp lần đầu. Nếu các anh chị đã ghi chép trong lúc đọc thì nên dùng ghi chép ấy để tóm tắt và cố đừng nhìn vào bản gốc khi viết. Nếu các anh chị dùng được lời của mình trong suốt khi ghi chép, thì bản nháp này sẽ thực sự có dấu ấn của các anh chị. Người ta sẽ thấy các anh chị không nhại lại như một con vẹt những gì các anh chị đọc được. Nên giữ bản nháp thật ngắn, nhưng trong giai đoạn này, đừng vội đếm từ. Lý do đơn giản là tư duy của chúng ta không thể cùng một lúc giải quyết hai nhiệm vụ phức tạp. 2) Soát lại số từ và biên tập. Nếu các anh chị bị giới hạn về số từ, thì phải dành thì giờ cắt bỏ những từ và câu không cần thiết. Nếu các anh chị tóm tắt quá dài, người ta sẽ không đọc và không tính những từ vượt quá giới hạn. Nếu tóm tắt của các anh chị ngắn hơn quá nhiều so với giới hạn số từ, có lẽ các anh chị đã lược bỏ quá mức. Nên soát lại những ghi chép của các anh chị so với bản gốc, và thêm những điểm bổ sung cho bản tóm tắt. 3) Viết bản tóm tắt cuối cùng: chép lại phiên bản đã biên tập trên đây (Rose, 2001:169). Nói gọn lại, để tóm tắt, các anh chị nên tham khảo những gợi ý dưới đây: - Đọc đi đọc lại văn bản cho đến khi các anh chị nhận ra được luận đề và những điểm chính hỗ trợ luận đề, nghĩa là tới lúc các anh chị có khả năng nói lên những điều trên bằng lời của mình mà không cần nhìn vào bản gốc; - Nếu phải tóm tắt một văn bản dài, hãy chia nó ra thành nhiều phần, và mỗi lúc tóm tắt một phần; - Cố gắng dựa trên trí nhớ, và không phụ thuộc vào văn bản càng nhiều càng tốt. Sau khi xong mới quay lại văn bản để xem mình tóm tắt có đúng không; - Cố gắng giữ đúng trật tự các điểm của bản gốc, trừ khi tác giả lùi luận đề về sau, trong khi các anh chị muốn nói nó ngay từ đầu; - Dùng lời lẽ của các anh chị càng nhiều càng tốt; - Tránh trích nguyên cả câu; nếu trích nguyên văn, thì phải đặt trong ngoặc kép và lồng ghép nó khớp vào văn bản của các anh chị; - Viết một bản tóm tắt nháp, sau đó tóm tắt bản nháp ấy; - Soát lại để xem bản tóm tắt đã chính xác và gắn kết mạch lạc chưa; tìm cách kết hợp các câu, và dùng các từ nối để nêu lên mối liên quan giữa các ý tưởng (Crusius et al., 2003:132). Cuối cùng, dù mục đích và thủ thuật tóm tắt là gì đi nữa, nhưng theo các chuyên gia (Schmidt et al., 2003:50), để thay thế cho bản gốc, người tóm tắt phải lưu ý những điểm sau: nói lên được luận đề của văn bản gốc Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- tóm tắt là phiên bản cô đúc của nguồn tài liệu gốc tóm tắt mang tính khách quan, không có ý kiến của người tóm tắt và đầy đủ, phản ánh tất cả mọi điểm chính chứ không chỉ một vài khía cạnh nào đó của bản gốc. Nếu đạt được những yêu cầu này, thì tóm tắt đã hoàn thành chức năng của mình. Điều đặc biệt cần lưu ý là dù tiến hành bất cứ nhiệm vụ nào trong số bốn việc kể trên (trích nguyên văn, lược trích, thuật lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình và tóm tắt), các anh chị không được quên trích dẫn nguyên gốc để tránh đạo văn. Đạo văn bao gồm: trích dẫn trực tiếp mà không thừa nhận nguồn; diễn đạt lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình mà không thừa nhận nguồn; và đưa ra một cách diễn đạt khác nhưng rất giống với nguyên gốc về từ ngữ và cú pháp (Johnson et al., 2002:118). Phân tích và đánh giá Nhà triết học Đức Arthur Schopenhauer từng khẳng định rất xác đáng và hàm súc: “Nếu quý vị không hề nói gì khác ngoài những điều quý vị đã đọc thì chẳng ai buồn đọc quý vị” (trích theo Dunleavy, 2003:28). Câu trên ngụ ý rằng ngoài trình bày những gì đọc được thì việc phân tích và đánh giá nó là một nhiệm vụ không thể bỏ qua. Và chính đây mới là điều tạo nên sức hút cho tổng quan của các anh chị. Đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng, vì có đánh giá được những gì đã tìm hiểu đến thời điểm đó, các anh chị mới xác định được vấn đề nghiên cứu của mình, để kiểm nghiệm, chứng minh, sửa đổi, thậm chí bác bỏ hay thay thế tri thức hiện hành và tạo ra tri thức mới. Cống hiến về mặt học thuật của các anh chị phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phân tích và đánh giá kết quả nghiên cứu hiện có, rồi từ đó mang đến kết quả mới. Khi không biết phân tích, đánh giá, rất có thể nghiên cứu của các anh chị lặp lại những cái nhân loại đã tìm ra từ lâu (mà một câu thành ngữ tiếng Anh mô tả hết sức sinh động là "phát minh lại chiếc bánh xe", dù nó đã được loài người sáng chế ra từ thời thượng cổ), hoặc tiến hành một khảo sát vu vơ, chẳng có liên quan với bất cứ kết quả nào trước, cùng thời và sau nó. Một hậu quả khác của việc nhà nghiên cứu không biết phân tích và đánh giá là bị sách báo mà mình tổng quan chi phối đến mức trở thành nô lệ cho nó. Mượn lời một người viết, những học giả này đã để cho nó “bóp méo” (deform) suy luận của mình (Becker, 1986:146). Từ đó ông khuyên rằng: “Hãy (làm chủ và) sử dụng sách báo (được tổng quan), đừng (làm nô lệ và) để nó lạm dụng quý vị” (Becker, 1986:149). Phân tích và đánh giá chính là cách để thoát khỏi cái bẫy ấy. Cũng nên nhấn mạnh rằng phân tích và đánh giá không chỉ nhằm tìm ra những gì tốt đẹp, tích cực để các anh chị có thể kế thừa, học hỏi từ sách báo, mà quan trọng hơn, cả những gì đáng phê phán, phải khắc phục. Và cũng cần lưu ý rằng nhà xã hội học phân tích và đánh giá một công trình, một văn bản không chỉ về mặt nội dung kết qủa nghiên cứu, mà cả về phương pháp đã áp dụng để thu thập thông tin. Nói như một câu ngạn ngữ nước ngoài, điều quan trọng không chỉ là tìm ra rằng trái đất tròn, mà cách thức làm thế nào người ta đi đến được kết quả là nó tròn cũng rất quan trọng. Vì vậy ngoài nội dung, các anh chị cũng cần đặt câu hỏi để đánh giá phương pháp thu thập dữ liệu xã hội học của các văn bản. Chính bởi thế, theo yêu cầu của ban biên tập nhiều tạp chí và nhà xuất bản, một bộ phận không thể thiếu và không thể bỏ qua trong mỗi ấn phẩm về một nghiên cứu thực nghiệm là phần trình bày phương pháp đã áp dụng. Muốn đánh giá tính chân thực, tính đại diện của mẫu nghiên cứu đã chọn và độ tin cậy của dữ Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- liệu trong khảo sát đó, các anh chị cần đặc biệt chú ý đến phần phương pháp này (nhất là khi các anh chị thấy nghi ngờ khảo sát ấy và muốn nghiên cứu lại nó). Để phân tích và đánh giá các nghiên cứu hiện có, các anh chị hãy trả lời mấy câu hỏi sau đây: Người ta đã biết về chủ đề này tới mức nào? Thông tin tốt nhất hiện có là gì, và vì sao nó tốt hơn thông tin khác? Phương pháp nghiên cứu nào đã được sử dụng thành công ở những nghiên cứu có liên quan? Nguồn thông tin có thể có để tiếp tục khảo cứu về chủ đề này là gì? Mặc dù có những nghiên cứu trước đó, còn thông tin quan trọng nào chưa biết không? Trong số những phương pháp đã được sử dụng cho nghiên cứu, phương pháp nào là có hiệu quả hơn cả để tạo ra những phát hiện mới? Liệu có cần những phương pháp mới hay không? Có cách gì định nghĩa chính xác hơn những khái niệm đang khảo sát không? (Johnson et al., 2002:188-189) Và dưới đây là vài câu hỏi giúp cho các anh chị tìm ra lập luận của văn bản, những điểm chính của tác giả và những tiên đề mặc định ngầm bên dưới đó: - Câu hỏi của tác giả là gì? Ví dụ trong "Tự sát", Durkheim hỏi: Những nhân tố xã hội gì giúp lý giải tự sát? - Lời đáp của tác giả ra sao? Điều gì tạo thành nòng cốt của lập luận? Các tác giả khác đưa ra lời đáp gì? Theo Durkheim, mức độ cố kết xã hội của nhóm tác động đến khả năng tự sát của con người. Người theo đạo Tin lành dễ tự sát hơn người Công giáo vì Công giáo có sự cố kết xã hội cao hơn. Ông chứng minh rằng cách lý giải tâm lý học vốn nhấn mạnh bệnh trạng cá nhân là không đủ. - Để hậu thuẫn lời đáp này, tác giả dùng bằng chứng nào? Bằng chứng thuộc về logic hay là bằng chứng thực nghiệm? Bằng chứng có thật sự hỗ trợ lập luận không? - Tác giả chuyển từ điểm A sang điểm B như thế nào? Những điểm chính mà các anh chị nhận ra trong văn bản liên quan với nhau ra sao? - Đâu là những tiên đề mặc định ngầm? Điều gì tác giả coi là đương nhiên? Những điểm không thể thiếu đối với lập luận là gì? (Giarrusso et al., 1998: 79-80). Một trong nhiều cách phân tích và đánh giá các công trình nghiên cứu là tìm ra cái mà logic học đặt tên “tiên đề mặc định ngầm” trong văn bản. Tiên đề này là những điều các tác giả coi là đúng, rõ ràng, đương nhiên, và họ không nghi ngờ gì hoặc không nghĩ là cần chứng minh nó. Họ dùng nó làm nền tảng để xây dựng lập luận và suy nghĩ của mình. Tiên đề mặc định này giống như những nguyên tắc vật lý học được coi là đương nhiên khi chế tạo một động cơ. Chúng có thể được nói ra hoặc không được biểu đạt rõ thành lời (trong trường hợp này chúng là ngầm định), và thường là không nói ra, kể cả trong ấn phẩm học thuật. Chính vì thế người ta còn gọi chúng là "tiên đề mặc định ngầm" (hidden assumption, unstated assumption). Ví dụ Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- một người tuyển sinh cho rằng trường của anh ta tốt hơn hẳn các trường khác vì tỉ lệ học sinh so với giáo viên thấp hơn. Luận đề này dựa trên hai tiên đề mặc định rằng: 1) học sinh ở đó sẽ được chú ý nhiều hơn, và 2) sự chú ý nhiều hơn sẽ dẫn đến giáo dục tốt hơn (Crusius et al., 2003:177). Các tiên đề mặc định có thể hoặc là chân thực và hợp lý, hoặc không, và chính những tiên đề mặc định không chân thực, không hợp lý mới gây nên rắc rối cho những ai tin theo chúng. Nhận ra và đánh giá những tiên đề mặc định như vậy nghĩa là xác định những tiên đề không nói thành văn của tác giả để xem chúng có hợp lý không? Trong các văn bản mà các anh chị đang phân tích và đánh giá, thì tác giả có dựa vào những tiên đề mặc định chân thực không? Nếu các anh chị nhận ra và phát hiện được cái sai của chúng, thì đó là đóng góp của anh chị cho học thuật chung. Nhận ra và đánh giá những tiên đề mặc định là hai kỹ năng rất quan trọng phải có và cần được rèn luyện khi học lý thuyết xã hội học. Như một nhà nghiên cứu đã viết, nhận diện các tiên đề mặc định là một bộ phận trong cả mục tiêu lẫn phương pháp của xã hội học. "Với tư cách là một mục tiêu, nó cung cấp cho nhà xã hội học những dữ liệu rất có thể bị bỏ qua, cho phép họ phát hiện hàng loạt những chủ đề nghiên cứu mới. Với tư cách một phương pháp, việc nhận ra những tiên đề mặc định như vậy cho phép nhà xã hội học tìm thấy những nguồn gốc có thể gây thiên vị, sai lệch và khắc phục chúng" (Waksler, 1991:240-241). Một nhà xã hội học Mỹ đã nêu ra những ví dụ lý thú về tiên đề mặc định ngầm. Trong đời thường cũng như trong học thuật, chúng ta thường nghe thấy những nhận định như: “Đấy không phải nhiếp ảnh”, “Đấy không phải khoa học”, “Đấy không phải Do Thái”. Như ông đã phân tích rất sắc sảo, về mặt xã hội học, đó là phát biểu của những người đang cố níu giữ một đặc quyền mà họ có, họ muốn giữ, và không muốn san sẻ nó với bất kỳ ai, khi họ cảm thấy lợi ích của họ có vẻ đang bị đe dọa. Nhưng đằng sau những tuyên cáo “Đấy không phải là ” ẩn giấu hàm ý này: để đúng với những cái tên nêu trên, người ta phải hành xử hay được đối xử theo một cách nhất định; song thực tế người ta đã không làm thế, và bởi vậy, đấy không phải là sự vật với đúng tên của nó. Những người nói “Đấy không phải khoa học” ngầm hàm ý rằng cái thật sự là khoa học cần được thực thi theo những cách nhất định; nếu khác đi, đó không phải khoa học. Vậy khoa học phải là ( ) – đó chính là tiên đề mặc định ngầm của họ (Becker, 1998:158-159). Cuối cùng, nhà xã hội học lão thành này đúc kết một thủ thuật sau: “[ ] hãy tìm ra tiền đề làm nền tảng cho cái lập luận mà ai đó đang đề xuất, nhưng không được nói nên lời. Nói ra những từ không được biểu đạt thành lời và vẽ nên những đường kẻ bỏ trống chính là manh mối để lần ra sự hiện diện của những tiên đề không được biểu đạt này. Khi quý vị đã tìm ra những tiên đề không được nói nên lời này, hãy hỏi xem điều gì trong cuộc sống những người liên quan đã khiến họ thấy cần hoặc thấy hữu ích phải đưa ra cái lập luận mà họ đưa ra và giữ kín những tiền đề cơ bản đó cho riêng mình” (Becker, 1998:160). Thiết nghĩ không cần thêm gì nữa vào lời khuyên bổ ích ấy. Để thấy một vài ví dụ minh họa nữa về sự phát hiện những tiên đề mặc định ngầm, các anh chị có thể tham khảo một số bài viết tôi đã công bố. Cụ thể tôi phát hiện ra tiên đề mặc định ngầm của một nhóm nghiên cứu rằng nơi cư trú của các cặp vợ chồng được giải quyết một lần là xong, và theo nghĩa đó nó là cố định, là tĩnh tại, trong khi thực ra người ta có thể thay đổi chỗ ở, và do vậy về mặt quan niệm nền tảng (tức lý thuyết) thì khái niệm nơi cư trú có thể không chỉ tĩnh mà còn là động (Mai Huy Bích, 2005). Tôi cũng phát hiện ra nhiều tiên đề mặc định ngầm về phương pháp và chi phối việc thiết kế bảng hỏi và đặt câu hỏi. Ví dụ: do xuất Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- phát từ tiên đề mặc định ngầm rằng tất cả mọi người đều hiểu các từ “thường xuyên”, “thỉnh thoảng” và “ít khi” theo cùng một nghĩa, và không nhận thức được rằng mỗi người có thể hiểu chúng theo cách riêng của mình mà trong thiết kế bảng hỏi, nhiều nhà nghiên cứu đã dùng những phép đo tần số mơ hồ nêu trên. Một số khác đánh đồng hai hiện tượng được tìm hiểu làm một, nên đã đặt câu hỏi kép về chúng trong khi thực ra chúng khác nhau (Phạm Văn Bích, 2013). Một điều nữa cần lưu ý trong đánh giá là sự đúng mực, đặc biệt khi tổng quan không phải một khảo sát độc lập mà là một bộ phận của dự án mà các anh chị sắp tiến hành và là dẫn nhập vào nghiên cứu ấy. Theo nhận xét của một học giả lão thành, khi làm tổng quan, nhà nghiên cứu ít kinh nghiệm thường “lên giọng quá mức” trong việc phê phán hạn chế của những công trình xuất hiện trước mình, do đó khiến độc giả kỳ vọng quá cao rằng với phương pháp khác, cách tiếp cận lý thuyết khác, nhà nghiên cứu trẻ kia đủ sức vượt qua những hạn chế của các khảo sát đã có. Ông khuyên đừng tự làm khó mình (Dunleavy, 2003:15). Tức là không thái quá, không ảo tưởng rằng mình sẽ làm nên một cuộc cách mạng trong học thuật. Nói cách khác, “đặt mục tiêu vươn tới các vì sao là đúng, nhưng chúng ta phải nhìn nhận đúng mức những gì khả dĩ trong tầm với của con người [ ]. Tốt hơn là nên theo đuổi những mục tiêu của một nền khoa học bình thường: góp một phần vào cái sự nghiệp tốt đẹp mà những người khác có thể sử dụng, và nhờ đó, gia tăng tri thức và hiểu biết” (Becker, 1986:140). Bố cục bài (phần) tổng quan Với tư cách một sản phẩm học thuật thành văn, bài tổng quan có cơ cấu, bố cục và logic của nó. Câu hỏi đặt ra là nên sắp xếp bài viết tổng quan theo trật tự nào? Cho đến nay có hai dạng phổ biến về tổ chức bài tổng quan, và các anh chị có thể bố cục bài viết xung quanh việc so sánh và tương phản hai hay nhiều văn bản trở lên theo một trong hai dạng sau: DẠNG I DẠNG II A (Tác giả thứ nhất) 1 (Điểm thứ nhất) 1 (Điểm thứ nhất) A (Tác giả thứ nhất) 2 (Điểm thứ hai) B (Tác giả thứ hai) 3 (Điểm thứ ba) 2 (Điểm thứ hai) B (Tác giả thứ hai) A (Tác giả thứ nhất) 1 (Điểm thứ nhất) B (Tác giả thứ hai) 2 (Điểm thứ hai) 3 (Điểm thứ ba) 3 (Điểm thứ ba) A (Tác giả thứ nhất) B (Tác giả thứ hai) (Giarrusso et al., 1998:82) Cần vạch rõ là hai sơ đồ trên chỉ nêu ra cái sườn, bộ xương hay cái khung kết cấu, chứ không phải toàn bộ một bài tổng quan. Khi đã nắm vững cách xác lập kết cấu bài tổng quan rồi, người viết cần thêm da thịt và sức sống cho nó, tức là cần xác lập mối quan hệ logic (khác biệt, giống nhau, mâu thuẫn, tương phản, tán thành hay bác bỏ nhau giữa các điểm và các tác giả), chứ không đơn giản chỉ liệt kê hết công trình, tác giả này sang công trình và tác giả khác. Tiếc rằng nhiều học viên, nghiên cứu sinh và cả học giả dạn dày kinh nghiệm đều đã Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- không nắm được và không quán triệt yêu cầu này. Phần lớn họ viết bài tổng quan theo dạng I. Kết cục là nhiều bài tổng quan được viết dài lê thê, liệt kê hết công trình này sang công trình kia, từ tác giả trước đến tác giả sau, nhưng không hề so sánh và xác lập mối liên hệ logic nào giữa những công trình đó, nên đọc bài tổng quan người ta thấy rất rời rạc và nhàm chán. Trong khi đó, dạng tổng quan II đòi hỏi khả năng khái quát hóa của người viết với tư cách nhà nghiên cứu để chia tách các công trình rồi tập hợp, hệ thống hóa thông tin hiện có thành chủ điểm, thành vấn đề, nên nó được đánh giá cao hơn dạng I. Để xác định trật tự các điểm chính, các anh chị nên nghĩ đến độc giả. Trật tự nào có sức thuyết phục hơn cả? Trật tự nào sẽ hỗ trợ luận đề của các anh chị một cách vững vàng nhất? Khi đó, nên dùng mỗi điểm chính làm cơ sở cho một đoạn. * * * Tóm lại, bài tổng quan cần nói cho độc giả biết những điều sau đây: Từ các nghiên cứu đã tiến hành trước đây hoặc đã xuất bản, thông tin hiện có tốt nhất về chủ đề đã chọn là gì? Những nghiên cứu này kết luận ra sao về chủ đề đó? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu về phương pháp luận của những nghiên cứu này? Còn gì cần khám phá về chủ đề này? Theo những nghiên cứu này, phương pháp nào có vẻ hiệu quả nhất để thu được thông tin mới về chủ đề? (Johnson et al., 2002:189). Bằng cách nào đó và dưới hình thức nhất định, bài tổng quan của các anh chị cần trả lời những câu hỏi trên. Thành công trong dự án của các anh chị phụ thuộc khá nhiều vào mức độ các anh chị trả lời những câu hỏi này. Tài liệu trích dẫn Becker, H. 1986. Writing for social scientists: how to start and finish your thesis, book, or article. Chicago: The University of Chicago Press. Becker, H. 1998. Tricks of the trade: how to think about your research while you’re doing it. Chicago: The University of Chicago Press. BIS. 2005. "Notes to contributors". British journal of sociology. Vol. 56, N. 1. Oxford: Blackwell Publishing Ltd. Clee, P. et al. 1999. American dreams: readings for writers. Second edition. Mountain View: Mayfield. Crusius, T. et al. 2003. The aims of argument: a text and reader. Fourth edition. New York: McGraw-Hill. Dunleavy, P. 2003. Authoring a PhD: how to write, draft and finish a doctoral thesis or dissertation. Basingstoke: Palgrave Macmillan. Hart, C. 1998. Doing a literature review: releasing the social science research imagination. London: SAGE Publications. Hunt, A. 2005. Your research project: how to manage it. London: Routledge. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn
- Giarrusso, R. et al. 1998. A guide to writing sociology papers. Fourth edition. New York: St. Martin's Pess. Glatthorn, A. 1998. Writing the winning dissertation: a step-by-step guide. Thousand Oaks: Corwin Press, Inc. Johnson, W. et al. 2002. The sociology student writer’s manual. Third edition. Upper Saddle River: Prentice Hall. Mai Huy Bích. 2005. "Cách xác định nơi cư trú sau hôn nhân của người Kinh ở đồng bằng sông Hồng". Tạp chí Dân tộc học, N. 3. Marsh, I. (ed.). 2002. Theory and practice in sociology. Essex: Pearson. Nguyễn Xuân Nghĩa. 2013. “Xã hội học về tri thức và tri thức xã hội học trong xã hội đương đại”. Tạp chí Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, N. 4 (176) Phạm Văn Bích. 2012. “Mấy vấn đề trong vận dụng quan điểm và lý thuyết giới vào thực tiễn Việt Nam”. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, N. 1. Phạm Văn Bích. 2013. “Vận dụng lý thuyết và phương pháp xã hội học trong nghiên cứu gia đình ở Việt Nam”. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, N. 3. Rose, J. 2001. The mature student's guide to writing. Basingstoke: Palgrave. Schmidt, J. et al. 2003. Six steps to effective writing in sociology. Singapore: Thompson Learning. Waksler, F. C. 1991. "Rules for reading and writing sociology". Trong: Waksler, F. C. (ed.). Studying the social world of children: sociological readings. London: The Falmer Pess. Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org.vn