Bài tập ngữ pháp hỗ trợ giáo trình ngữ pháp tiếng Việt - Trương Thị Như Lý
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Bài tập ngữ pháp hỗ trợ giáo trình ngữ pháp tiếng Việt - Trương Thị Như Lý", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- bai_tap_ngu_phap_ho_tro_giao_trinh_ngu_phap_tieng_viet_truon.pdf
Nội dung text: Bài tập ngữ pháp hỗ trợ giáo trình ngữ pháp tiếng Việt - Trương Thị Như Lý
- BÀI TẬP NGỮ PHÁP HỖ TRỢ GIÁO TRÌNH NGỮ PHÁP TIẾNG VIỆT Trương Thị Như Lý MỞ ĐẦU I. Mục đích, ý nghĩa Trong chương trình đào tạo của các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn ở bậc Đại học và Cao đẳng, bộ môn Tiếng Việt chiếm một vị trí quan trọng. Để phục vụ việc giảng dạy Tiếng Việt, có rất nhiều giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt đã được biên soạn. Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt của các tác giả Bùi Minh Toán (chủ biên), Nguyễn Thị Lương được biên soạn theo chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn thuộc Dự án Đào tạo Giáo viên Trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình này phục vụ cho việc dạy và học học phần Ngữ pháp tiếng Việt trong trường Cao đẳng Sư phạm. Đây là một giáo trình được biên soạn khá công phu, kiến thức ngữ pháp tiếng Việt được trình bày một cách hệ thống, khoa học. Giáo trình đã chú trọng đến việc cung cấp những kiến thức cơ bản và có tính cập nhật, rèn luyện cho sinh viên những kĩ năng cần thiết nhất trong học tập, nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt để vừa nâng cao kiến thức và kĩ năng cho sinh viên, vừa chuẩn bị cho sinh viên dạy tốt phần ngữ pháp tiếng Việt ở Trung học cơ sở sau này. Do vậy, các tác giả của Giáo trình đã quán triệt mục tiêu đào tạo, cố gắng bám sát chương trình Cao đẳng Sư phạm, đồng thời gắn với nội dung dạy học ngữ pháp tiếng Việt ở Trung học cơ sở. Các chương, mục trong giáo trình không quá đi sâu vào những vấn đề lí thuyết ngôn ngữ học, mà cố gắng đáp ứng những yêu cầu thực tiễn của nhà trường THCS. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, ở đầu mỗi chương của Giáo trình đều có nêu những kiến thức cần có khi tiếp cận nội dung từng chương và những kết quả cần đạt đạt tới khi học tập, cuối mỗi chương đều có phần tóm tắt nội dung cơ bản của từng chương, cung cấp những câu hỏi và bài tập thực hành. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, chương II dành cho vấn đề từ loại tiếng Việt còn rất “lí thuyết”, ngữ liệu đưa ra tách rời với ngữ cảnh nói năng và chưa được phân tích một cách thấu đáo, việc rèn luyện kĩ năng phân tích từ loại tiếng Việt 1
- trong văn bản cũng như kĩ năng sử dụng từ đúng đặc điểm từ loại tiếng Việt chưa được chú trọng. Biên soạn hệ thống bài tập ngữ pháp hỗ trợ Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ pháp ở Cao đẳng Sư phạm và THCS. Đó là lí do chúng tôi đến với đề tài này. 2. Lịch sử vấn đề Để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu tiếng Việt, rất nhiều giáo trình ngữ pháp tiếng Việt dành cho các ngành Khoa học xã hội và nhân văn ở bậc đại học và cao đẳng đã được xuất bản với nhiều tên tuổi của các tác giả Việt ngữ như: Nguyên Lân, Trần Trọng Kim, Nguyễn Kim Thản, Đinh Văn Đức, Hoàng Trọng Phiến, Nguyễn Tài Cẩn, Hồ Lê, Hoàng Văn Thung, Lê Cận, Phan Thiều, Diệp Quang Ban, Cao Xuân Hạo, Bùi Minh Toán, Đỗ Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Li Kha, Hoàng Văn Bằng, Hoàng Xuân Tâm, Bùi Tất Tươm và rất nhiều cơ sở đào tạo khác cũng đã biên soạn nhiều giáo trình và tài liệu dạy học tiếng Việt. Điều đó cho thấy ngữ pháp tiếng Việt là tâm điểm và là bộ môn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới nghiên cứu ngôn ngữ. Trong các công trình của mình, các nhà ngữ pháp học không chỉ trình bày những kiến thức ngữ pháp đang được giảng dạy ở bậc Đại học, Cao đẳng hay các bậc PTTH hay THCS, mà còn dành nhiều trang để xử lí ngữ pháp tiếng Việt theo quan điểm của ngữ pháp chức năng. Một số giáo trình viết cho Cao đẳng, một mặt kế thừa những thành tựu của ngôn ngữ học truyền thống, mặt khác tiếp thu những tri thức hiện đại của ngôn ngữ học và Việt ngữ học đã cố gắng xây dựng một lược đồ ngữ pháp chân xác và giản dị hơn, phù hợp hơn với tiếng Việt. Tuy nhiên, các giáo trình nói trên vẫn đặt trọng tâm nghiên cứu về lí thuyết mà chưa chú trọng đúng mức đến kĩ năng thực hành ngữ pháp. Những giáo trình này thường chỉ nêu ra câu hỏi ôn tập ở cuối mỗi chương nhằm giúp sinh viên ôn tập lại kiến thức lí thuyết đã học, hoặc có một số bài tập chỉ mang tính chất nhận diện các hiện tượng ngữ pháp, Các bài tập tái tạo, sáng tạo mang tính vận dụng vào hoạt động tạo lập lời nói chưa được đề cập nhiều. Hơn nữa, các bài tập thực hành này không có gợi ý hướng dẫn trả lời khiến cho việc thực hành luyện tập của sinh 2
- viên gặp không ít khó khăn. Cuốn Bài tập ngữ pháp tiếng Việt của tác giả Đỗ Thị Kim Liên đã góp phần tháo gỡ khó khăn này. Tác giả đã xây dựng được 85 bài tập ngữ pháp tiếng Việt và phần hướng dẫn trả lời. Đây là một giáo trình được biên soạn khá công phu, tỉ mỉ, ngữ liệu phong phú, nội dung bài tập đa dạng, đề cập đến hầu hết các vấn đề cơ bản của ngữ pháp tiếng Việt đặt biệt là phần cú pháp. Tuy nhiên, cách xử lí các bài tập ở giáo trình này đi theo hướng ngữ pháp truyền thống và chỉ thuần túy đứng trên bình diện kết học. Một hướng nghiên cứu không còn phù hợp với ngôn ngữ học hiện đại. Do vậy, cách xử lí các hiện tượng ngữ pháp của giáo trình này nhiều chỗ không thỏa đáng, thiếu tính nhất quán và chưa mang tính hệ thống. Đặc biệt là chưa phù hợp với quan điểm của ngôn ngữ học hiện đại: nghiên cứu ngôn ngữ trên cả ba bình diện kết học, nghĩa học và dụng học. Quan điểm này đã được tác giả Bùi Minh Toán thể hiện trong Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt phục vụ dạy học học phần Ngữ pháp tiếng Việt trong trường Cao đẳng sư phạm (Giáo trình được biên soạn theo chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn thuộc Dự án Đào tạo Giáo viên THCS). Điều này cho thấy sự cần thiết xây dựng một hệ thống bài tập ngữ pháp tiếng Việt phù hợp với Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt đang được sử dụng giảng dạy ở Cao đẳng sư phạm cùng với những kiến giải hợp lí, sát thực, đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên Ngữ văn THCS. Đề tài của chúng tôi ra đời trên khoảng trống này. 3. Phương pháp nghiên cứu Đề tài được tiến hành dựa vào các phương pháp sau: -Phương pháp hệ thống: Ngôn ngữ là một hệ thống cấu trúc bao gồm các đơn vị và giữa các đơn vị có quan hệ tầng bậc. Ở bình diện ngữ pháp, các đơn vị được chúng tôi xem xét dựa trên hai đặc trưng là tính phân chia và tính quan hệ. Khi nghiên cứu chúng tôi tiến hành phân chia ngôn bản thành các đơn vị từ nhỏ đến lớn, các đơn vị này không tồn tại riêng lẻ mà giữa chúng luôn có những quan hệ nhất định để thực hiện một chức năng cụ thể trong từng tầng bậc. -Phương pháp đối lập: Các đơn vị được xem xét luôn dựa trên hai mặt đối lập: hình thức và ý nghĩa. Hai mặt này luôn có quan hệ tương hỗ trong việc thực 3
- hiện chức năng ngữ pháp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn chú ý xem xét các đơn vị ngữ pháp trong sự hành chức, các đơn vị được tách ra từ các văn bản giao tiếp cụ thể để tránh tình trạng nghiên cứu các đơn vị ngữ pháp tách rời khỏi ngữ cảnh. Đây là một hướng nghiên cứu ngữ pháp mới, có khả năng lí giải nhiều hiện tượng ngữ pháp phức tạp trong tiếng Việt. Hướng đi này được nhiều nhà Việt ngữ học đồng tình, phản ánh những thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại và đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu tiếng Việt trong nhà trường. Những bài tập cụ thể mà chúng tôi chọn để phân tích dựa trên hệ thống lí thuyết về các đơn vị theo định hướng của Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt của tác giả Bùi Minh Toán, NXB Đại học Sư phạm, 2007. Điều này, trong một chừng mực nhất định, không tránh khỏi sự không đồng nhất với quan điểm của một số tác giả khác. Tuy nhiên, qua thực tiễn giảng dạy, chúng tôi cố gắng bám sát quan điểm của Giáo trình và việc vận dụng nó vào dạy học ngữ pháp ở THCS để xử lí các bài tập thực hành có tính chất phức tạp. Ngoài ra, chúng tôi cố gắng lựa chọn ngữ liệu trích từ các văn bản của văn học Việt Nam hiện đại bởi trung tâm ngôn ngữ cần tìm hiểu phải là tiếng Việt hiện đại, các yêu cầu như các dấu hiệu ngữ pháp cần phân tích, tính thẩm mĩ, tính giáo dục cũng được chúng tôi chú trọng khi lựa chọn ngữ liệu để xây dựng bài tập. 4. Phạm vi nghiên cứu Việc phân tích các đơn vị ngữ pháp trong hệ thống ngôn ngữ nhằm mục đích phân tích các thành phần cấu tạo câu, hiểu được bản chất của quá trình tạo lập lời nói. Giữa các đơn vị ngôn ngữ có mối quan hệ với nhau. Muốn xác định cấu tạo cụm từ phải nắm vững từ loại, muốn phân tích câu đúng phải hiểu nguyên tắc cấu tạo cụm từ. Dựa trên phương pháp trên, chúng tôi sắp xếp các bài tập theo trình tự từ từ loại đến cụm từ đến câu. Do khuôn khổ của tài liệu, trong tài liệu này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề từ loại tiếng Việt, các vấn đề cụm từ, câu xin được trình bày ở một tài liệu khác. 5. Đóng góp của đề tài 4
- Đề tài này nhằm cung cấp cho người dạy và người học tiếng Việt một công cụ hữu ích để có thể đạt hiệu quả trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và học tập tiếng Việt. Biên soạn tài liệu này, chúng tôi muốn trang bị cho sinh viên những tri thức thực hành ngữ pháp. Cụ thể là giúp sinh viên nắm được tri thức lí thuyết về từ loại tiếng Việt một cách có hệ thống. Đây là phần kiến thức cơ bản để nắm vững các đơn vị ngữ pháp như cụm từ, câu. Từ đó rèn luyện kĩ năng thực hành, phân tích các đơn vị ngữ pháp, các kiểu cấu tạo của các đơn vị trong hệ thống ngôn ngữ, rèn luyện nói viết câu đúng, câu hay và biết chữa những câu sai ngữ pháp. Tài liệu này được biên soạn với mục đích củng cố tri thức lí thuyết, chỉ dẫn một số thao tác nhận diện, phân tích các từ loại tiếng Việt để vận dụng trong dạy học phân môn ngữ pháp ở THCS, cũng như giúp sinh viên soạn thảo các văn bản một cách có cơ sở khoa học. Đồng thời trình bày cách hình thành cơ sở bước đầu của các khái niệm ngữ pháp, nguyên do đưa đến những kiến giải khác nhau cũng như cách lựa chọn một kiến giải hợp lí, có định hướng khoa học hay chỉ là một giải pháp thực tiễn thuận lợi trong dạy học ngữ pháp ở Cao đẳng và THCS. BÀI TẬP TỪ LOẠI Bài tập 1. Trình bày khái niệm từ loại và tiêu chí phân chia từ loại trong tiếng Việt. Bài tập 2. Trình bày ý kiến của những tác giả Việt ngữ học về những từ loại cụ thể trong tiếng Việt. Bài tập 3. Trình bày hiện tượng chuyển loại từ loại và đặc điểm của từ chuyển loại. Bài tập 4. Trình bày ý kiến của các tác giả Việt ngữ học về vấn đề động từ trong tiếng Việt. Bài tập 5. Trình bày ý kiến của các tác giả Việt ngữ học về vấn đề danh từ trong tiếng Việt. Bài tập 6. Chỉ ra các danh từ có trong những đoạn văn sau và tiểu nhóm của chúng. Đoạn 1. Đầu thu với những hơi gió mát dịu bay lướt trên những khóm lá xanh thẳm của cây cỏ nghệ, những cụm ké đồng tiền, những nụ hoa trắng của cây rau bàn tay, 5
- và những bông hoa dền tía đỏ thắm hình tháp bút. Mùa thu hoạch lạc đã vào chặng cuối. Những chiếc cán chở đầy cây lạc từ các ngã bãi ngất ngưỡng theo những vết đường mở ngổn ngang những bụi cỏ bị nhổ đã héo rễ kéo về khu máy tuốt. Đào và Huân phụ trách một cáng. Cái đầu bịt chiếc khăn kẻ ô vuông nhọn hoắt của chị cứ thấp thoáng sau những đống thân lạc chất cao. Hai bàn tay to và đen choàng ôm lấy từng bó lớn chuyển lên cáng. Mồ hôi chảy từng giọt dài trên gò má nham nhở vết đất, những thớ thịt như căng ra xé rách manh áo nâu mỏng mặc ngoài. Lúc nào chị cũng có cái dáng vừa thoăng thoắt, vừa lửng thửng. Huân chạy ra trước cáng, anh quàng đoạn dây máy qua vai, cúi rạp xuống chiếc quần ướt đẫm mồ hôi căng theo thớ thịt, khuôn lấy cặp đùi rất tròn của anh, hai bàn tay đỏ tía bám chắc lấy cán và anh nhấc bổng người lên. Chiếc cáng nhẹ bỗng lao về phía trước, cặp chân ngắn củn của Đào loạng choạng như bị kéo đi. Chị kêu lên: -Ông mãnh ơi! Đi ngắn bước chứ! Gió vẫn thổi dào dạt khắp cánh bãi. Huân vừa bước những bước dài vừa nói to: -Gió mát quá nhỉ? Thế là năm nay ở đất Điện Biên không có gió Lào. Cái đầu nhọn hoắt của Đàovẫn đưa sang phải sang trái, chị đằng hắng rồi hát véo von ở phía sau: Tháng giêng phây phẩy gió may, Tháng hai gió bấc tháng ba gió nồm, Tháng tư là gió dâng lên, Gió đóng cửa đền, gió động năm cung. Tháng năm gió cất đùng đùng, Bước sang tháng sáu gió rồng phun mưa, Tháng bảy thì gió vừa vừa, Bước sang tháng tám gió đưa đòng đòng. (Nguyễn Khải, Mùa lạc) Đoạn 2. Chiếc “gát” lăn bánh rất êm ở trên đường. Đêm rừng thật vắng vẻ và yên tĩnh. Tôi đặt mấy ngón tay trên vòng lái, mắt nhìn phóng về phía trước và hình dung 6
- trước lúc tôi đến giữa đám con gái nghịch như quỷ sứ. Gặp tôi, Nguyệt sẽ nói rất ít, còn các cô bạn thì sẽ làm loạn lên. Nhưng chẳng hề gì, họ đều là những người bạn của anh em lái xe, đều là những người con dũng cảm, chân thực và mến khách. Tôi đi được mươi cây số thì gặp một đoàn xe xích kéo pháo kềnh càng xuôi xuống, đành phải đỗ xe bên đường để tránh. Tôi tranh thủ chui xuống gầm xe, soi đèn pin xem lại chiếc bóng đèn. Tôi đang loay hoay vặn chiếc bóng thì nghe tiếng hỏi bên cạnh: -Anh đi bóng quả táo hay quả dưa đấy? -Ai kia? -Em đây mà! À, cô gái đi nhờ xe. Trong ánh đèn gầm hắt xuống mặt đường hiện ra trước mũi xe một đôi gót chân hồng sạch sẽ, đôi dép cao su cũng sạch sẽ, gấu quần lụa đen chấm mắt cá. (Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng) Đoạn 3. Hai ông con theo bậc cấp bước xuống đồi, đến mặt đường nhìn lên, không thấy người con trai đứng đấy nữa. Anh ta đã vào nhà trong. Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to. Lúc bấy giờ nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo. Hai người lững thững đi về chiếc xe đỗ, im lặng rất lâu. Bỗng bác già nhìn đồng hồ nói một mình: -Thanh niên bây giờ lạ thật? Các anh chị cứ như con bướm. Mà đã mười một giờ, đến giờ “ốp” đâu? Tại sao anh ta không tiễn mình đến tận xe nhỉ? Cô gái liếc nhìn bác già một cái rất nhanh, tự nhiên hồi hộp nhưng vẫn im lặng. (Nguyễn Thành Long, I, 265) Đoạn 4. Nhìn sự vui sướng của mẹ tôi, cha tôi lại cắm đầu quỳ bò trên giường vẽ tiếp. Lần này người vẽ một bức tranh tươi mát. Một con nghé tơ vểnh tai nghe tiếng sáo của cậu mục đồng trên lưng. Chiếc lá sen cách điệu rất tài tình che bóng y như chiếc tán trên đầu chú bé. Vẽ xong, cha tôi mĩm cười ung dung đề hàng chữ “Hà điệp cái 7
- thanh thanh” thật bay bướm. (Nguyễn Phan Hách, II, 139) Đoạn 5. Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn, lá mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này. Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đòn gánh đã xỏ sẵn vào quang rồi, họ còn đứng nói chuyện với nhau ít câu nữa. (Thạch Lam, Hai đứa trẻ) Đoạn 6. Cảnh vật, như dưới một đũa tiên màu nhiệm, đã tan biến trong giây phút. Chỉ còn trơ lại quanh mình những nét thâm của vài nhánh cây khẳng khiu và những vùng xám mờ của các túp tranh. Những bụi xương rồng và dâm bụt chạy hai bên đường đẫm sương, óng ánh, xanh tươi trở lại. Vài mạng nhện mắc giữa hai cành yếu, trắng toát như dệt bằng những sợi tóc li ti. (Bùi Hiển, Chiều sương) Đoạn 7. Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhân ra, xung quanh có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần rách như tổ đỉa vẫn vắt ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới góc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hốt sạch. (Kim Lân, Vợ nhặt) Đoạn 8. Mãi đến năm 1950 anh mới cưới vợ. Đó là một cô gái dở dang, ba mươi tuổi mà chưa chồng. Chị bị dở dang không phải vì hư hỏng, vì xấu hay vô duyên. Chị bị dở dang vì người yêu của chị là một anh vệ quốc đoàn bị hi sinh. Ba mươi sáu tuổi 8
- anh mới lấy vợ. Năm năm đẻ liền ba cháu. Đứa lớn nhất năm tuổi. Đứa nhỏ nhất vừa sanh thì anh bị đi tù. Vợ anh đã đi làm mướn, đi cấy, đi gặt để lấy công. Một mình chị làm, chị không nuôi nổi ba đứa con, lại còn tiền thuốc men cho chồng nữa. Sống làm sao nổi Ở nhà tù ra, trở về với bệnh tật nhưng anh không thể nào nghỉ được. Nhưng sức của anh còn làm gì nổi nữa! Anh nghĩ đến chuyện buôn vặt. Anh đi mượn tiền mở một quán rượu. Buôn bán mà câm thì thật khó. (Nguyễn Quang Sáng, Quán rượu người câm) Đoạn 9. Bọn người trò chuyện vang vang, ra vào nhà người đàn bà chết đã ngớt. Bà cụ chủ nhà mượn được cái mành bèn che chắn ngay lấy chỗ người chết nằm.Trời vẫn nắng to. Sau bức mành lọc nhẹ đi, làn ánh sáng vàng rực, cái chõng và thi hài, chăm chú trong rõ hơn. Tôi thấy cả những đợt khói lừ lừ tản ra trên đầu người chết và những đốm lửa nhang rung rung khi gió nổi lên tan tác những mảnh nắng ở ngoài trời và loạn xạ những cát bụi trong cái khoảng mành che cho người chết. Không tiếng tỉ tê, không tiếng khóc kể lể rên rĩ, không nồng mùi bồ kết đốt với mùn cưa, cái tử khí kia thăm thẳm, chứa đầy những độc ác, như của một nơi mà chung quanh không còn ai sống (Nguyên Hồng, Hai dòng sữa) Đoạn 10. Khi qua đèo, con ngựa sông Đông của Ngân chạy song song với con ngựa của Bạc Kì Sinh. Đường rất hẹp, hai con ngựa chèn nhau khi vượt khúc quanh ở hẻm núi. Gió thổi mạnh, con ngựa sông đông khỏe hơn nên hất con ngựa của Bạc Kì Sinh xuống khe núi. Bạc Kì Sinh thoát chết nhờ vào sự nhạy cảm thần kì của con tuấn mã. Con ngựa chụm bốn vó, lăn tròn ở vạt dốc nghiêng, không hiểu làm sao móc được một chân vào cây dâu ta. Sau này, Bạc Kì Sinh kể lại: “Lúc đó mạng sống thật là “ngàn cân treo sợi tóc”. Con ngựa hình như cũng biết điều đó, nó chỉ doãi cẳng ra là cả hai sẽ lao xuống vực sâu 300 mét. Gió thổi, đá cào làm nó tuột xước hết cả da. Nó run bắn lên, mồ hôi túa ra đầm đìa. Mắt nó như muốn dò hỏi: “Tại sao? Tại sao lại chết vô lí thế này?” Thế là nó vùng vẫy, sức lực của nó như được nhân 9
- lên gấp đôi. (Nguyễn Huy Thiệp, Như những ngọn gió) Bài tập 7. Tại sao người ta xếp động từ và tính từ vào nhóm vị từ? Bài tập 8. Hãy chỉ ra những động từ và tính từ có trong bài tập 6. Bài tập 9. Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa danh từ và động từ. Bài tập 10. Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa phụ từ và quan hệ từ. Bài tập 11. Quan hệ từ khác với tình thái từ ở những đặc điểm nào? Bài tập 12. Thế nào là đại từ và các tiểu nhóm của đại từ? Bài tập 13. Phân biệt cái chỉ xuất và cái loại từ trong những ví dụ sau: 1. Cái bàn này ba chân 2. Cái thứ thịt này thì mua làm gì 3. Cái thời gian ở Hà Nội, tôi đã học được rất nhiều. 4. Cái cò cái vạc cái nong Ba con cùng nhác vặt lông con nào 5. Cái tự do kiểu ấy thì ai mà thích 6. Cái đêm hôm ấy đêm gì 7. Cái thân tôi sao lại khổ thế này. 8. Cái làng này toàn dân ngụ cư. 9. Cái thứ văn minh ấy thì khó mà theo kịp. 10. Anh khiêng cái của nợ này về làm gì. 11. Cái ngày mới nhập trường có nhiều kỉ niệm đối với tôi lắm. 12. Anh có thấy cái áo của tôi đâu không? 10
- 13. Chúng tôi có nói gì đến cái Thủy đâu 14. Cái dạo đói kém thì dân làng này bỏ quê ra đi gần hết. Bài tập 14. Xác định ý nghĩa của từ cả trong những ví dụ sau: 1. Vợ cả vợ hai cả hai đều là vợ cả 2. Tôi ăn cả chỗ cơm này. 3. Thưa ông! Mồ hôi sang cả mình con. 4. Đèo Cả cách đây không xa. 5. Chờ cả anh nữa à? 6. Cả trong mơ còn thức. 7. Chớ thấy sống cả mà ngã tay chèo. 8. Cả ba chàng đều có tài cả. 9. Chúng ta ngồi cả ở đây. 10. Các em lại cả đây! Bài tập 15. Thế nào là quan hệ từ? Bài tập 16. Chỉ ra những quan hệ từ có trong các ví dụ sau và cho biết chúng là quan hệ từ Đ - L, C - P hay C – V. 1. Ở chỗ vết thương nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn. (Nguyễn Trung Thành, Rừng xà nu) 2. Gió mưa là bệnh của trời Tương tư là bện của tôi yêu nàng (Nguyễn Bính, Tương tư) 3. Tuy là thích ăn thịt người, loại sấu vẫn tìm cá làm món ăn chính. (Nam Sơn, Bắt sấu rừng U Minh Hạ) 4. Những ngày ấy, đã có lần Huệ Chi ngất đi và rồi phải uống thuốc vì ốm vì sốt thật. 11
- (Nguyên Hồng, Cửa biển) 5. Đánh chết mà nết không chừa. (Tục ngữ) 6. Nếu không được hổ thì tao cho mày đứng chết ở đấy (Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ) 7. Từ những năm đau thương chiến đấu Đã ngời lên nét mặt quê hương Từ gốc lúa, bờ tre hồn hậu Đã bật lên những tiến căm hờn (Nguyễn Đình Thi, Đất nước) 8. Nếu tôi nói thì chắc người ta cũng bằng lòng (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ) 9. Những cô hàng xén răng đen Cười như mùa thu tỏa nắng (Hoàng Cầm, Bên kia sông Đuống) 10. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ vuông bằng bàn tay. (Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ) 11. Mày về chào lạy tao để mày đi chết đấy à? (Tô Hoài, Vợ chồng A Phủ) 12. Trong bóng chiều nhá nhem. Tràng đi từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước. (Kim Lân, Vợ nhặt) 13. Mãi đến lúc có lệnh tản cư, tôi vẫn cho là mình tản cư để dọa nó thôi. (Nam Cao, Đôi mắt) 14. Chúng tôi chạy được người chứ của thì chạy làm sao kịp? (Nam Cao, Đôi mắt) 15. Vả lại tuy chưa buồn ngủ nhưng nằm đắp chăn cho ấm và buông màng cho khỏi muỗi thì vẫn tốt. (Nam Cao, Đôi mắt) 12
- 16. Một ít hàng để ở cái trại của chúng tôi ở ngoại thành. (Nam Cao, Đôi mắt) 17.Thành thử bây giờ lí ra thì có muốn ăn một con gà chưa đến nỗi không mua nổi mà ăn, nhưng ăn lại sợ người ta biết, sau này người ta nói cho thì nhục. (Nam Cao, Đôi mắt) 18. Tối nay nghỉ học văn hóa vì đồng chí giáo viên ở trung đội một được cử về Hà Nội thi vào trường đại học Nông Lâm. (Nguyễn Khải, Mùa lạc) 19.Anh không thích hát vì những bài mà anh thuộc đều nhạt nhẽo vô vị nhưng khi những chấm nhạc không có linh hồn được âm thanh của tiếng tiêu điêu luyện chấp cánh cho bay lên thì cả một thế giới tâm hồn biểu hiện, những kỉ niệm xa xưa tưởng đã quên lãng từ lâu bỗng phút chốc lung linh kéo đến, những khát khao, những ước mơ đốt cháy trái tim, hình ảnh này chưa kịp mờ đi, hình ảnh khác đã hiện lên rõ nét, hình ảnh nào cũng kích thích, cũng khêu gợi khiến người anh như tan đi, bay theo tiếng tiêu, nhập vào với những ngày đã qua đầy luyến tiếc, và với những ngày sắp tới đầy rạo rực, say mê. (Nguyễn Khải, Mùa lạc) 20.Tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lí luận, người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ tôi cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho tôi để không ai còn tơ tưởng dòm ngó đến. (Nam Cao, Lão Hạc) 21.Bởi vì hai cô chị ngồi trong một buổi chiều rất đổi ngẩn ngơ, một buổi chiều triền miên của sự vật và của linh hồn, một buổi chiều trong nhà và trong tâm lí. (Xuân Diệu, Tỏa nhị kiều) 22. Từ khoang bốc lên một mùi tanh mằn mặn, mùi của biển cả. (Bùi Hiển, Cửa biển) 13
- 23. Con phà lịch kịch nặng nề đã bắt đầu chuyển dịch trên dòng sông lờ đờ nước chảy. (Ma Văn Kháng, Ngoại thành) 24. Tụi trẻ con đang chơi với tôi ngơ ngác nhìn tôi và người đàn bà. (Nguyên Hồng, Mợ Du) Bài tập 17. Xác định ý nghĩa của từ đã trong những ví dụ sau xà xếp từ loại cho nó: 1. Ăn cái đã. 2. Đã đến giờ chia tay. 3. Đã nghèo lại vụng. 4. Họ đã chia tay nhau. 5. Trăng đã lên mà chàng vẫn đi. 6. Đã lắm. 7. Năm nay Lan đã 18 tuổi. 8. Hôm qua còn theo anh Đi ra đường quốc lộ. Hôm nay đã chặt cành Đắp cho người dưới mộ 9. Nhàn đã sống những ngày buồn tẻ. 10. Khoan đã em! 11. Đi không đã? 12. Ngày mai đã chủ nhật rồi à? 13. Xuân này đến nữa đã ba xuận, Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần 14. Mặt trời đã gác núi. Bài tập 18. Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa những và các. Bài tập 19. Vấn đề loại từ trong tiếng Việt? 14
- Bài tập 20. Loại từ tiếng Việt trong sự hành chức. Bài tập 21. Hãy xác định những danh từ in nghiêng là danh từ chỉ đơn vị hay danh từ chỉ loại. 1. Anh Đĩ nhìn cái va li rồi hỏi: (TNCL, II, 85) 2. Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. (Kim Lân, Vợ nhặt) 3. Ngoài chiếc giường tre gãy, trong này có một lũ chum mẻ vại hàn. (Ngô Tất Tố, Tắt đèn) 4. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. (Tục ngữ) 5. Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng. (Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ) 6. Bốn mẫu hai ruộng cả thảy, sao dám bảo không được ba mẫu (Ngô Tất Tố, Tắt đèn) 7. Ông viết hộ em một lá thư nhé. (TNCL, II, 68) 8. Đàn quạ trên những cây gạo cao chót vót ngoài bãi chợ hốt hoảng bay vù lên, lượn thành từng đám bay vẩn vơ trên nền trời như những đám mây đen. (Kim Lân, Vợ nhặt) 9. Miếng cam ngậm trong miệng hắn đã bã ra chát xít. (Kim Lân, Vợ nhặt) 10. Con tàu này lên Tây Băc anh đi chăng? (Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu) 11. Lòng quê dờn dợn vờn con nước, Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. 15
- (Huy Cận, Tràng giang) 12. Các vị La Hán chùa Tây Phương Tôi đến thăm về lòng vấn vương. (Huy Cận, Các vị La Hán chùa Tây Phương) 13. Sông Đà như một áng tóc mun dài ngàn vạn sải. (Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà) 14.Người dân có đò đã nói lóng riêng với anh cán bộ bí mật kín tiếng nằm suối nằm rừng kia. (Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà) 15.Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không? (Kim Lân, Vợ nhặt) 16. Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên (Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ) 17. Những cô hàng xén răng đen Cười như mùa thu tỏa nắng. (Hoàng Cầm, Bên kia sông Đuống) 18. Tôi lại về đây hới các anh: Hỡi rừng sa mộc, khóm dừa xanh Hỡi đồi cát trắng rung rinh nắng Hỡi những vườn dưa đỏ ngọt lành! (Tố Hữu, Mẹ Tơm) 19. Ôi quê hương ta đẹp quá! Dù trên đường còn những hố bom Ta về đây chẳng mang gì cho em cả Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son Và khẩu súng trong tay ta cháy bỏng căm hờn. (Lê Anh Xuân, Trở về quê nội) 16
- 20. Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim. (Tố Hữu, Từ ấy) Bài tập 22. Hãy xác định ý nghĩa và tiểu nhóm của những từ in nghiêng trong những ví dụ cho sau: 1. Cho ánh nắng ban mai là những sớm bình minh Cho những đêm trăng đẹp là chị Hằng tươi xinh (Phong Thu) 2. Bây giờ xin ông cho phát phục, kẻo đã muộn. (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ) 3. Chòi nào bỏ canh, hễ mỗi vọng canh ngủ quên không đánh kiểng, đánh mõ thầy nhớ biên cho rõ, cho đúng để mai tôi phạt nặng. Chớ cho mấy thằng thập nó đánh bạc nghe. (Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù) 4. Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn. (Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù) 5. Cái chết kia làm cho nhiều người sung sướng lắm. (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ) 6. Đó là một bài học cho những kẻ nào dám bảo một người như Xuân là con nhà hạ lưu, ma cà bông (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ) 7. Ô hay! Thế sao bà không bảo người ta cưới chạy tang đi có được không? (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ) 8. Tôi có cả Bắc đẩu bội tinh. (Vũ Trọng Phụng, Giông tố) 9. Với cái chức nghị trưởng, ông còn làm được nhiều việc lợi khác. (Vũ Trọng Phụng, Giông tố) 17
- 10.Bà chỉ còn một cách là còn được một ít nước mắt nào thì rỏ cả ra mà khóc với con, và cả mẹ lẫn con chỉ một cách là khóc cho đến khi nào bao nhiêu xương thịt đều chảy ra thành nước mắt hết, để rồi cùng chết cả. (Nam Cao, Đời thừa) 11. Tôi biết hai cô không có việc gì làm. (Xuân Diệu, Tỏa nhị kiều) 12.Ta đành phải phí đi một vài năm để kiếm tiền. Khi Từ đã có một số vốn để làm ăn. (Nam Cao, Đời thừa) 13.Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù. (Nam Cao, Chí Phèo) 14. Cần gì mà phải làm thanh động lên như thế. (Nam Cao, Chí Phèo) 15. Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng? (Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu) 16. Chiều nay ông đi lấy về ông trả. (Nam Cao, Chí Phèo) 17. Thôi cầm lấy vậy, tôi không còn hơn. (Nam Cao, Chí Phèo) 18. Mẹ nhỉ! Con không lấy ông ta đâu (Nguyên Hồng, Huệ Chi trước đêm tân hôn) 19. Dần quét xong thì ở đằng đông, mặt trời đã nhô lên. (Nam Cao, Một đám cưới) 20. Cơ cực này, nếu còn ở nhà, rồi đến chết đói cả lũ mà thôi. (Nam Cao, Một đám cưới) 21. Một lúc lâu, thấy nó cũng không vào. (Nam Cao, Một đám cưới) 22. Vui vẻ nữa đi rồi lại bắt tay vào công việc. 18
- (Nguyễn Khải, Mùa lạc) 23. Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ (Chế Lan Viên, Tiếng hát con tàu) 24. Lâm hất đầu về phía Đào, gào to: “Giống tính cô Đào!” (Nguyễn Khải, Mùa lạc) 25. Qua sông nó không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước. (Nguyễn Trung Thành, Rừng xà nu) 26.Hai chi em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang đồng khác. (Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình) 27. Đêm nay rừng hoang sương muối Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới Đầu súng trăng treo (Chính Hữu, Đồng chí) 28. Em nói tới tương lại tươi thắm ngọt lành Em nói tới những điều em định viết (Dương Hương Ly, Bài thơ về hạnh phúc) 29. Như đứa con đi, biệt xóm làng Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương (Tố Hữu, Mẹ Tơm) 30. Ngủ đi, ngủ đi con! (Anh Đức, Bức thư Cà Mau) 31. Bà lão đứng dậy, uể oải sang giường bên kia nằm. (Kim Lân, Vợ nhặt) 32. Đôi mắt dài lóng lánh của Đào liếc sang Huân, phần dưới mặt hếch hẳn lên. (Nguyễn Khải, Mùa lạc) 19
- 33. Chim nghe trời rộng giang thêm cánh Hoa lạnh chiều xưa sương xuống dần (Xuân Diệu, Thơ duyên) 34. Anh định nhảy xuống nhưng rồi bối rối tự hỏi: “Chị này ra đây làm gì?” (Nguyễn Khải, Mùa lạc) Bài tập 23. Chỉ ra đại từ có trong các ví dụ sau và xác định tiểu nhóm của chúng. 1. Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào? (Nguyễn Bính, Tương tư) 2. Vậy bây giờ cha đi đâu, con đi đó (Hồ Biểu Chánh, Cha con nghĩa nặng) 3. Ôi Huế ngàn năm, Huế của ta Đường vào sẽ nối lại đường ra (Tố Hữu, Quê mẹ) 4. Dít là em gái Mai. Ngày Mai mất và Tnú đi, nó còn là một cô bé không có áo mặc, đêm lạnh nó không ngủ, đốt lửa cho đến gà gáy rồi đi giã gạo thay chị. (Nguyễn Trung Thành, Rừng xà nu) 5. Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, hoặc buổi sáng hoặc xế chiều, hoặc đứng bóng và xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. (Nguyễn Trung Thành, Rừng xà nu) 6. Đêm ấy thanh niên ghi tên tòng quân đông lắm. (Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình) 7. Lần này về, Việt sẽ mượn kim chỉ của anh Tánh may lại. (Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình) 8. Chúng bay không thể có ngày mai Chết dưới chân bay vạn bẫy gài 20
- Chết xuống đầu bay từng hốc núi Hải Vân thăm thẳm huyệt đêm ngày! (Tố Hữu, Quê mẹ) 9. Thì ra xó nào cũng thấy người chết ở trước mặt (Nguyễn Công Hoan, TNCL, 143) 10. Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đầm đà. (Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ) Bài tập 24. Thế nào là số từ? Bài tập 25. Hãy xác định ý nghĩa của những từ in nghiêng trong những ví dụ sau và xếp từ loại cho chúng. 1. Chẳng biết tôi cười gì, anh thanh niên cũng nhe những chiếc răng vẩu ra cười. (Nam Cao, Đôi mắt) 2. Thế mà bây giờ đến thăm anh Hoàng ở chỗ gia đình anh tản cư về, cách Hà Nội hàng trăm cây số, tôi lại được nghe đến một con chó dữ. (Nam Cao, Đôi mắt) 3. Tôi chắc mấy người nấp nom tôi là mấy người có trách nhiệm trong ủy ban hay mấy anh từ vệ. (Nam Cao, Đôi mắt) 4. Lại còn các ông ủy ban với các bố tự vệ nữa mới chết người ta chứ. (Nam Cao, Đôi mắt) 5. Họ đánh vần xong một cái giấy ít nhất phải mất mười lăm phút. (Nam Cao, Đôi mắt) 6. Mỗi ngày một chuyện, có khi hàng chục chuyện. (Nam Cao, Đôi mắt) 7. Em ơi em! Hãy nhìn rất xa 21
- Vào bốn nghìn năm đất nước (Nguyễn Khoa Điềm, Mặt đường khát vọng) 8. Ghê rợn nhứt là khi thấy ông đi ra khỏi mé sông, áo rách vai, tóc rối mù, mắt đỏ ngầu. (Sơn Nam, Bắt sấu rừng U Minh Hạ) 9. Đó là vài cụ già, bà lão chạnh nhớ đến tổ tiên (Sơn Nam, Bắt sấu rừng U Minh Hạ) 10. Nhưng cụ cũng cứ lấy hai tay, nắng bóp hai đùi thật kĩ, từ trên đến dưới. (Nguyễn Công Hoan, Mất cái ví) 11. Anh Chí ạ, cả năm chục này phần anh. Nhưng nếu anh lấy cả thì ba hôm là tan nát hết. (Nam Cao, Chí Phèo) 12. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. (Thạch Lam, Hai đứa trẻ) Bài tập 26. Thế nào là phụ từ? Bài tập 27. Hãy xác định phụ từ có trong các ví dụ sau: 1. Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng Mình về mình có nhớ không Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn. (Tố Hữu, Việt Bắc) 2. Thương nhau chia củ sắn lùi Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. (Tố Hữu, Việt Bắc) 3. Sông Lam nước chảy bên đồi 22
- Bỗng nghe tiếng giục ba hồi gọi quân. (Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du) 4. Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. (Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà) 5. Chuyến ấy đi rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc quên đi mất là mình sắp đổ ra sông Đà. (Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà) 6. Quỳnh Nhai vốn là cơ sở bàn đạp ở Tây Bắc. (Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà) 7. Ngay khi mẹ có thằng Hùng, mẹ vẫn chỉ ngủ với con mẹ nhỉ? (Nguyên Hồng, Huệ Chi trước ngày lễ cưới) 8. Và cũng thật lạ! (Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng) 9. Vì nắng sắp lên rồi Chân trời đã tỏ. (Hoàng Cầm, Bên kia sông Đuống) 10. Em không hát được đâu. (Nguyễn Khải, Mùa lạc) 11. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã. (Nguyễn Trung Thành, Rừng xà nu) 12. Tao sẽ nuôi mày như nuôi vịt trong ống tre. Người sẽ tóp lại, đùi sẽ lớn ra. (Nguyễn Quang sáng, Quán rượu người câm) Bài tập 28. Thế nào là trợ từ? Bài tập 29. Hãy xác định trợ từ có trong các ví dụ sau: 1. Mình về mình có nhớ ta Ta về ta nhớ những hoa cùng người 23
- (Tố Hữu, Việt Bắc) 2. Nhìn cái thiên nhiên ấy, có những lúc thấy nó không “thơ Đường” nhàn hạ mà thấy nó chính là một cuộc đấu tranh với thiên nhiên để giành sự sống từ tay nó về tay mình. (Nguyễn Tuân, Người lái đò sông Đà) 3. Đã bốn giờ rưỡi. (Nguyên Hồng, Huệ Chi trước ngày cưới) 4. Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức (Xuân Quỳnh, Sóng) 5. Tôi chắc chắn người con gái đang ngồi cạnh mình chính là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. (Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng) 6. Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn (Nguyễn Khoa Điềm, Đất nước) 7. Xuân này đến nữa đã ba xuân Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần. (Nguyễn Bính, Cô lái đò) 8. Thì hắn chửi, cũng như chiều nay hắn chửi. (Nam Cao, Chí Phèo) 9. Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người ta nhẹ nhõm (Nam Cao, Chí Phèo) 10. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo? (Nam Cao, Chí Phèo) Bài tập 30. Hãy phân biệt tình thái từ và trợ từ. Bài tập 31. Sự giống nhau và khác nhau giữa danh từ chỉ loại và danh từ chỉ đơn vị? Bài tập 32. 24
- Hãy cho biết các từ in nghiêng trong đoạn văn sau thuộc từ loại nào? Vì sao? Nam Cao hiểu khá thấu đáo, sâu xa cuộc sống nhiều mặt ở nông thôn. Truyện Nam Cao dựng lại rất đúng cái không khí, hương vị quen thuộc của nông thôn Bắc bộ. Những điều Nam Cao đã quan tâm sâu sắc là số phận của người nông dân nghèo khổ. Mỗi tác phẩm của ông là một lời kể chân thực, cảm động về cuộc sống tối tăm, thê thảm của người nông dân. (Nguyễn Hoành Khung) Bài tập 33. Hãy xác định từ loại của các từ có trong những đoạn văn sau: Đoạn 1. Đào lên nông trường Điện Biên vào dịp đầu năm ngoài tết âm lịch chừng nửa tháng, với tâm lý con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa những nơi quen thuộc để quên đi cuộc đời đã qua, còn những ngày sắp tới ra sao chị cũng không cần rõ, đại khái là cũng chẳng hơn gì trước mấy, có thể gặp nhiều đau buồn hơn. Quân tử gian nan hồng nhan vất vả, số kiếp đã định thế, trước sau chỉ một con đường ấy, không thể nào tránh được. (Nguyễn Khải, Mùa lạc) Đoạn 2. Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe tiếng lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát mội anh rồi. Anh không kêu lên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van ”. Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không. (Nguyễn Trung Thành, Rừng xà nu) Đoạn 3. Xe tôi chạy trên lớp sương bồng bềnh. Mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ mà chắc từ trong không 25
- gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc chắn người con gái đang ngồi cạnh mình chính là Nguyệt, chính người mà chị tôi thường nhắc đến. Chốc chốc, tôi lại đưa mắt liếc về phía Nguyệt, thấy từng sợi tóc của Nguyệt đều sáng lên. Mái tóc thơm ngát, dày và trẻ trung làm sao! Bất ngờ Nguyệt quay về phía tôi và hỏi một câu gì đó. Tôi không kịp nghe rõ vì đôi mắt tôi đã choáng ngợp như vừa trong vào ảnh. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt Nguyệt tươi mát ngời lên và đẹp lạ thường! Tôi vội nhìn thẳng vào đoạn đường đầy ổ gà, không dám nhìn Nguyệt lâu. Từng khúc đường trước mặt cũng thếp từng mảnh ánh trăng. (Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng) Đoạn 4. Trăng thật. Hôm nay đầu tháng. Từ đầu hôm tôi đi giữa đêm trăng mà không biết. Cô gái vẫn bình thản ngồi nhìn ra ngoài trời. Tôi quẹt diêm, châm một điếu thuốc rồi tăng số cho xe phóng nhanh hơn trong lòng vẫn không hết ngượng. Già đời trong nghề lái xe, bom đạn nguy hiểm gặp đã nhiều, tôi vốn không phải là anh nhút nhát, vậy mà không hiểu sao đêm nay lại nhìn trăng ra pháo sáng. Qua tấm kính ướt hơi sương, mảnh trăng năm giữa những tầng mây hiện ra tái ngắt, ánh sáng lòe nhòe, mỗi lúc xe nảy lên hay vòng qua chỗ lượn, mảnh trăng lại chập chờn lay động, có lúc thấy rơi tỏm xuống khoảng tối mịt mù của cánh rừng già như một trò chơi ú tim. (Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng) Đoạn 5. Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. (Kim Lân, Vợ nhặt) Đoạn 6. Ngoài phố, những ngã ba ngã tư, sự ồn ào trào lên chỉ ở từng khu và cảnh tấp nập không lầm bụi, rối loạn như trưa nay. Nắng trong dần đi. Sắc xanh pha lê trên 26
- cao bao la thêm. Những cảnh xuân ở thành thị vẫn không rõ rệt tươi tốt bằng ở nhà quê với những cánh đồng lúa, những đình chùa, những con đường đất nổi lên nhịp nhàng dưới vùng trời khoáng đãng, và với tiếng cười nói gọi hỏi của người ta cứ vang vang trong gió. Đây vẻ xuân ăn chơi, vui quên chỉ còn sót lại ở mấy phố ta trong những nhà cửa vôi mới quét lại hớ hở lên vì nắng trong mấy hiệu tạp hóa và trong những đám xúc xắc, xóc đĩa đường, họ lén lút với những đám trẻ con bẩn thỉu mà tôi, thằng bé An bẩn thỉu xưa kia, hễ có tiền là sống chết cũng sục vào. (Nguyên Hồng, Mợ Du) Đoạn 7. Chiều chiều rồi. Một buổi chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve. Liên ngồi yên lặng bên mấy quả thuốc sơn đen; đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị; Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. (Thạch Lam, Hai đứa trẻ) Đoạn 8. Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời: có ai nấu cho ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa! Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà”. Hắn nhớ đến “bà ba”, cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại cứ bắt bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thỏa nó chứ có yêu hắn đâu. Hồi ấy hắn hai mươi. Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ. Quả thật, từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm một việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run. Không làm thì không được, mọi việc trong nhà quyền bà ba. Chứ hắn, hắn có lòng nào đâu! (Nam Cao, Chí Phèo) Đoạn 9. Người ta hay nhắc đến mang nặng đẻ đau. Có những quá trình không phải hoài thai, không đẻ gì (theo nghĩa hẹp và theo nghĩa đen sinh học) nhưng rất khổ 27
- đau và nặng nhọc đèo bòng. Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước dãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đâu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu lấy dãi mình ra mà bao phủ lấy hạt đau hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai, đã trở thành lõi sáng của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời. (Nguyễn Tuân, Tờ hoa) Đoạn 10. Dần thức dậy thì trong nhà tối om. Đêm tháng chạp trời lâu sáng. Thật ra thì gà gáy đã lâu. Tiếng gà gáy xôn xao. Và óc Dần còn lưởng vưởng một ý mơ hồ, giống như khi người ta nhớ lại những chốn mình đã qua trong một giấc chiêm bao: Dần chưa tỉnh hẳn ra, Dần đã thấy những tiếng gà gáy rất mong manh, rất xa xôi vẩn lên trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh. Rồi thì Dần tỉnh hẳn. Có lẽ do một tiếng gáy ngắn nhưng đã vang động lắm. Ấy là một con gà có sức. Dần phác lại trong tưởng tượng cái hình dung lộc ngộc của nó, lấc cấc và vụng dại như một anh con trai mười sáu tuổi, đôi chân cao, cái cổ trần ngất nghểu, cái mào đỏ khè mới hơi nhu nhú, cái đuôi cụt ngủn. Anh chàng rất hay sang nhà nó tãi gio, tãi rác, khiến nó bực mình mấy lần toan vụt chết. (Nam Cao, Một đám cưới) KẾT LUẬN Tài liệu này nhằm cung cấp cho giảng viên và sinh viên Ngữ văn Cao đẳng Sư phạm một công cụ hữu ích để giảng dạy và học tập tiếng Việt. Tuy nhiên, đây không phải là một giáo trình tự học, tài liệu này phục vụ cho cả hai đối tượng giảng viên và sinh viên Ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Sinh viên sẽ không làm chủ được các tri thức và sẽ không biết cách vận dụng chúng vào việc giảng dạy phân môn Ngữ pháp ở các trường THCS sau khi tốt nghiệp nếu thiếu sự giảng dạy, hướng dẫn của giảng viên. Người sử dụng tài liệu cần nắm chắc các yêu cầu học tập đối với mỗi đơn vị kiến thức, trong từng bài học trong Giáo trình Ngữ pháp tiếng 28
- Việt. Tổng hợp yêu cầu của mỗi bài, mỗi từ loại, những yêu cầu sau đây là chung cho cả tài liệu: Nắm được những thuật ngữ và những khái niệm về Ngữ pháp học đại cương và sự thể hiện chúng trong tiếng Việt. Đó là những thuật ngữ được nêu thành tiêu đề của từng bài, từng mục, tiểu mục và được lí giải trong từng bài học, từng mục, từng tiểu mục. Nắm được phương pháp nghiên cứu mà tài liệu vận dụng để giải quyết những sự kiện ngữ pháp của tiếng Việt viết trong tài liệu. Đó là phương pháp hệ thống và phương pháp đối lập. Đồng thời nắm vững quan điểm ngữ pháp chức năng để thấy được tính chất động của phương pháp hệ thống. Những vấn đề trình bày trong tài liệu này đều được xử lí theo phương pháp hệ thống động. Kết quả học tập môn ngữ pháp ở bậc Cao đẳng hay Đại học không chỉ ở chỗ sinh viên nắm được những tri thức cần thiết của môn học mà điều quan trọng là sinh viên nắm được thành thạo phương pháp mà Giáo trình, tài liệu và giảng viên sử dụng. Tài liệu này bám sát những nội dung ngữ pháp học được đưa vào chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn THCS. Tuy nhiên, bám sát không có nghĩa là nội dung trình bày trong tài liệu ngang tầm với trình độ nội dung trong sách giáo khoa mà phải cao hơn, có độ sâu về khoa học và về phương pháp, về thao tác xử lí để sinh viên có thể dạy tốt và giải quyết những vướng mắc mà học sinh THCS có thể gặp khi học ngữ pháp. Thậm chí ở đôi chỗ, tài liệu này đưa ra những cách xử lí, những quan điểm ở một mức độ nhất định khác với cách xử lí, với quan điểm của sách giáo khoa THCS. Đây là điều thường gặp trong khoa học. Vì là một tài liệu ở bậc Cao đẳng cho nên yêu cầu khoa học là quyết định. Sinh viên sẽ chấp nhận cái mà mình cho là phù hợp với lí thuyết và không chứa những mâu thuẫn nội tại. Giảng viên sẽ dựa vào những điều mình cho là khoa học để điều chỉnh lại những điều không thật khoa học cho dù chúng xuất hiện ở đâu. Đây cũng là cách mà sinh viên tự chuẩn bị cho mình học lên bậc cao hơn. 29
- Sử dụng những bài tập trong tài liệu này để giảng dạy, giảng viên cần có những đổi mới trong cách lí giải, những phát hiện mới giúp sinh viên hiểu sâu hơn, tinh tế hơn vấn đề ngữ pháp tiếng Việt. Giảng viên cần giúp cho sinh viên nắm thật chắc phương pháp hệ thống động và luôn có ý thức hướng cho sinh viên thấy Giáo trình và tài liệu đã vận dụng phương pháp đó để giải quyết các vấn đề nêu ra trong tài liệu như thế nào, đồng thời cần giúp cho sinh viên biết cách sử dụng phương pháp đó vào việc giảng dạy sau này. Giảng viên cần yêu cầu sinh viên đọc trước bài học trong Giáo trình và ghi lại những điều thắc mắc về nội dung bài học. Giảng viên nắm được trước những điều sinh viên chưa hiểu sẽ làm chủ được bài giảng của mình. Khi giảng bài mới, giảng viên cố gắng chỉ ra cho sinh viên thấy được quan hệ giữa các vấn đề trình bày trong Giáo trình và trong tài liệu này. Giảng viên cần chọn một số bài tập trong tài liệu để sinh viên làm. Những bài tập và câu hỏi trong tài liệu chỉ là mẫu. Dựa vào đó, giảng viên có thể thiết kế những bài tập và câu hỏi khác nếu thấy cần thiết hơn, hợp lí hơn với sinh viên, đặc biệt là nên hướng dẫn cho sinh viên giải quyết những bài tập trong sách giáo khoa Ngữ văn THCS. Trên đây là một số nét cơ bản về phương pháp sử dụng tài liệu. Các kiểu bài tập trong tài liệu này chỉ là những gợi ý bước đầu cho việc soạn giảng của giảng viên. Trên cơ sở những gợi ý chung đó, bằng sự hoạt động sư phạm nghiêm túc các giảng viên sẽ tìm được cho mình con đường đi cụ thể phù hợp với từng bài dạy cụ thể và những lớp học cụ thể. Đó chính là mục đích “hỗ trợ” Giáo trình của tài liệu này. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê A, Hoàng Văn Thung, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB ĐHSP, Hà Nội,1975 2. Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, 2000 3. Lê Biên, Từ loại tiếng Việt hiện đại, NXB ĐHSP, Hà Nội, 1995 4. Nguyễn Tài Cẩn, Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại, NXB KHXH, Hà Nội, 1975 30
- 5. Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng – Từ ghép – Đoản ngữ), NXB ĐH &THCN, Hà Nội, 1975 6. Lê Cận, Phan Thiều, Giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1982 7. Nguyễn Đức Dân, “Ngữ nghĩa của các hư từ: Định hướng nghĩa của từ”, Ngôn ngữ, số 2, 1984 8. Đinh Văn Đức, Ngữ pháp tiếng Việt – Từ loại, NXB KHXH, Hà Nội, 1986 9. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Q1, NXB KHXH, 1991 10. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, 1999 11. Hồ Lê, Cú pháp Việt Nam, Q1, NXB KHXH, Hà Nội, 1991 12. Hồ Lê, Cú pháp Việt Nam, Q2, NXB KHXH, Hà Nội, 1992 13. Hồ Lê, Cú pháp Việt Nam, Q3, NXB KHXH, Hà Nội, 1993 14. Lê Văn Lí, Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam, Sài Gòn, 1968 15. Đỗ Thị Kim Liên, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1999 16. Đỗ Thị Kim Liên, Bài tập ngữ pháp tiếng Việt, NXB Giáo dục, 2002 17. Hà Quang Năng, Bùi Xuân Mai, “Đặc trưng ngữ pháp của từ tượng thanh trong tiếng Việt”, Ngôn ngữ, Số 2, 1994 18. Đái Xuân Ninh, “Một số vấn đề về cú pháp trong tiếng Việt hiện đại”, Ngôn ngữ, số 2, 1993 19. Phan Ngọc, “Thử trở lại câu chuyện loại từ” (“Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt”), Hà Nội, 1988 20. Nhiều tác giả, Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt, UBKHXH, Hà Nội, 1988 21. Hoàng Trọng Phiến, Ngữ pháp tiếng Việt, NXB ĐH &THCN, Hà Nội, 1980 22. Nguyễn Phú Phong, “Từ chỉ biệt loại trong tiếng Việt” (“Loại từ trong các ngôn ngữ ở Việt Nam”), NXB KHXH, Hà Nội, 2000 23. Nguyễn Anh Quế, Hư từ trong tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH & THCN, Hà Nội, 1981 31
- 24. Nguỹen Hữu Quỳnh, Tiếng Việt hiện đại, Trung tâm biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1996 25. Lê Xuân Thại, “Về trợ từ là trong tiếng Việt”, Ngôn ngữ, số 2, 1985 26. Lê Xuân Thại, Tiếng Việt trong nhà trường, NXB ĐHQG Hà Nội, 1999 27. Nguyễn Kim Thản, Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, NXB KHXH, Hà Nội, 1964 28. Nguyễn Kim Thản, Động từ trong tiếng VIệt, NXB KHXH, Hà Nội, 1977 29. Lí toàn Thắng (Chủ biên), Loại từ trong các ngôn ngữ ở Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 2000 30. Bùi Minh Toán (Chủ biên), Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt, NXB ĐHSP, 2007 31. Hoàng Tuệ, Giáo trình Việt ngữ, NXB Giáo dục. 32. Bùi Tất Tươm (Chủ biên), Giáo trình cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997 33. UBKHXH, Ngữ pháp tiếng Việt, Hà Nội, 1983 32