Giáo trình Văn học Việt Nam cuối thể kỷ XIX - Phan Thị Hồng (Phần 2)

pdf 22 trang hapham 2131
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Văn học Việt Nam cuối thể kỷ XIX - Phan Thị Hồng (Phần 2)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_van_hoc_viet_nam_cuoi_the_ky_xix_phan_thi_hong_ph.pdf

Nội dung text: Giáo trình Văn học Việt Nam cuối thể kỷ XIX - Phan Thị Hồng (Phần 2)

  1. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 23 – CHƯƠNG 3: MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU KHÁC I. Nguyễn Thông (1827 – 1884) 1. Nguyễn Thông Nguyễn Thông tên chữ là Hy Phần, hiệu Kỳ Xuyên, người huyện Tân Thạnh, tỉnh Gia Định (nay là Kỳ Sơn, Long An). Thân sinh là nhà nho nghèo Nguyễn Hanh. Năm 23 tuổi (1849), Nguyễn Thông đỗ cử nhân nhưng vào thi hội bài thi bị lấm mực không hợp lệ nên bị đánh hỏng. Do nhà nghèo không thể tiếp tục học Nguyễn Thông nhận chức huấn đạo Phú Phong (An Giang). Năm 1855 chuyển ra Huế làm việc ở nội các, tham gia soạn sách Nhân sự kim giám (Gương vàng soi việc người). Pháp đánh thành Gia Định (1859) ông tòng quân tham gia sự nghiệp bảo vệ đất nước. Thời gian trong quân ngũ ông là người giúp việc tích cực cho thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp. Ba tỉnh miền Đông mất, ông cùng một số sĩ phu yêu nước lánh sang miền Tây. Từ 1862-1867 làm đốc học Vĩnh Long. Sau khi lục tỉnh bị cắt hoàn toàn cho Pháp ông lại cùng dòng người tị địa kéo ra Bình Thuận. Cuối năm 1867 làm án sát Khánh Hòa, 1870 làm biện lý bộ hình, tiếp sau làm bố chánh Quảng Ngãi. Từ 1873-1875 vì bị bệnh ông xin về Bình Thuận kết bè bạn du ngoạn các vùng rừng núi. 1876 về kinh làm tư nghiệp Quốc tử giám, cùng một số người khác khảo duyệt bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Sau đó soạn bộ Việt sử cương giám khảo lược. 1877 làm phó sứ điền nông kiêm đốc học Bình Thuận. Khuyến khích phát triển nghề nông và giáo dục lớp trẻ là hai việc lớn mà ông ra sức thực hiện trong thời gian cuối đời. Nhìn lại quãng đời làm quan, Nguyễn Thông đã làm những việc đáng chú ý như sau: 1. Thời gian ở Bình Thuận ông tích cực vận động phát triển nghề nông nhằm tích trữ lương thực, tính kế lâu dài. Ngoài ra ông còn tổ chức thăm dò các vùng cao nguyên La Ngư, xem xét khả năng khai hoang, vẽ địa đồ v.v 2. Khi làm án sát Khánh Hòa ông gửi sớ lên vua Tự Đức điều trần bốn việc: Chọn hiền tài, tăng cường võ bị, cải tiến thuế thổ sản, khoan hậu đối với dân. Ngoài ra, ông còn can vua giảm các cuộc du ngoạn xa tốn kém, bớt xây lăng tẩm. 3. Ở Quảng Ngãi, Nguyễn Thông đã làm nhiều việc có lợi cho dân nhất là công tác thủy lợi. Ông vận động đào kênh, đắp đập, trồng cây, chống lại tệ quan lại, cường hào nhũng lạm của dân. Đây cũng là thời gian Nguyễn Thông bị vu cáo, bị bắt giam và xử trượng. Nhân dân hiểu ông nên có người lặn lội ra tận Huế kêu oan cho ông. Hai việc Nguyễn Thông đề nghị về triều được chấp thuận thi hành trong các tỉnh đó là việc tổ chức trồng cây, Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  2. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 24 – định rõ việc học sử và ban cấp sách học cho các trường. Ông còn gởi sớ lên vua đề nghị lập đồn điền, khai khẩn miền Tây Nguyên (từ biên giới Campuchia đến Quảng Trị). Đề nghị được triều đình chấp thuận nhưng kế hoạch không thực hiện được vì bị thực dân Pháp ngăn trở. 2. Một số nội dung thơ Nguyễn Thông Những bài thơ tiễn biệt chiếm một tỉ lệ đáng kể trong di sản thơ Nguyễn Thông. Nhiều bài thơ của ông viết ra để tiễn đưa người đi xa như tiễn bạn bè đi nhận chức, đi công cán, tiễn vợ về quê Số lượng không nhỏ những bài thơ tiễn biệt trong thơ Nguyễn Thông nói lên rằng ông là một người rất trân trọng tình bạn, giàu tình cảm. Bài Tống Nguyễn Thiện quan trì tiết Gia Định kiêm lãnh sự (Đưa ông Nguyễn Thiện vâng mệnh vua vào Gia Định kiêm chức lãnh sự) vừa chất chứa nỗi lo chung đối với vận mệnh đất nước và truyền tải một tình bạn gắn bó. Nguyễn Thông chia xẻ tâm trạng bâng khuâng, nỗi ưu tư trong phút giây chia tay với người bạn già của mình, ông viết: Huyền tri hậu hội tại hà xứ, Toa sáng mấn phát toàn thành ông. Như kim đương trữ ân âu nam cô, Tư nông ngưỡng ốc ưu tài phú. Trùng dương thương chính thuộc tân nha, Tam quốc hòa thư tồn chưởng cố. Tặng quân khổ phạp trù hải thiên, Kiểu thủ thiên nam trướng vân thụ. (Không biết gặp nhau lần sau ở chỗ nào? Vậy nên ngồi buồn, đầu râu tóc bạc, đều hầu thành già cả rồi Bây giờ đây triều đình đương có việc lo về miền Nam. Chức tư nông ngửng trông nóc nhà lo việc tài chính. Việc buôn bán với nước ngoài thuộc về một chức quan mới, Tờ hòa ước ba nước còn đề ở nhà lưu trữ Tôi bực vì không có thiên trư hải đề tặng ông Ngoảnh đầu về miền Nam bâng khuâng nhìn lồng cây rợp ) Thực ra viết bài thơ thất ngôn dài đưa tiễn bạn này Nguyễn Thông không chỉ nhằm mục đích nói lời chia li, tiễn biệt, để giải bày tình cảm bịn rịn với người đi xa mà còn là dịp để nhà thơ ôn lại những gì ông cùng người bạn già đã trải qua. Đó là giai đoạn đắc ý: “Tưởng lại ba năm trước, tôi làm việc trong dinh Định quân, Cùng ông liền giường nằm bàn việc quân”. Nhưng thời gian đó thật ngắn ngủi, cuộc chiến khốc liệt đã gạt phăng Nguyễn Thông cùng chiến hữu của ông ra khỏi đất lục tỉnh để rồi họ cùng ôm mối sầu xa quê như Dữu Tín và Thiếu Lăng thuở Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  3. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 25 – trước. Nguyễn Thông viết những lời thơ buồn diễn tả tình cảnh trớ trêu của những nhà yêu nước tị địa lục tỉnh cuối thế kỷ trước: Phong trần thúc hốt vạn sự cải, Cố thổ phiêu linh kim kỷ tải? Ky sầu Dữu Tín ai Giang Nam, Thùy lão Thiếu Lăng ngọa giang hải. (Cơn gió bụi phút chốc làm cho muôn việc thay đổi, Chúng ta đều xiêu giạt xa quê nhà đã mấy năm? Cũng như Dữu Tín ôm mối sầu nằm mãi ở Giang Nam, Như Thiếu Lăng nằm già rũ ở miền Giang Hải.) Tình bạn, tình quê hương xứ sở là hai tình cảm luôn hòa quyện, vấn vít trong những bài thơ tiễn biệt của Nguyễn Thông. Mỗi lần làm thơ tiễn một người bạn trở về Gia Định nhà thơ lại một lần ký gửi nỗi lòng nhớ quê day dứt. Điều này cho ta thấy rằng trong những ngày tháng tị địa, lòng nhà thơ luôn hướng về quê hương, canh cánh nỗi lo buồn của một con người rất đỗi gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nỗi khao khát trở về quê hương của nhà thơ được gửi gắm trong hai dòng cuối của bài Tống Bùi Lang chí Gia Định (Đưa ông Bùi Tịch đi Gia Định): Ngã dục quán quân quan chức tiểu, Mỗi nhân công cán đắc hoàn hương. (Tôi cũng muốn đổi cho ông chức quan nhỏ ấy, Để mỗi khi nhận việc công được về thăm quê hương.) Ước muốn “đổi cái chức quan nhỏ” để có dịp “nhận việc công được về thăm quê hương” của nhà thơ quả là vừa làm ấm lòng người đi xa vừa an ủi, vỗ về được nỗi nhớ nhung trong lòng người ở lại. Thơ tiễn biệt của Nguyễn Thông thường có những câu kết khó quên. Kết thúc bài Tống Định Tường niết sứ Hoàng Dưỡng độn quy Kiên Giang biệt nghiệp (Tiễn ông án sát Định Tường là Hoàng Dưỡng về nhà riêng ở Kiên Giang) Nguyễn Thông viết về người bạn thơ của mình: Bách thiên qui hải kiểu, Siêu trướng đãi tri âm. (Ôm trăm bài thơ đem về góc bể, Bâng khuâng đợi bạn tri âm thưởng thức.) Hai dòng thơ cuối bài An Giang tống Trần Tử Mẫn Phú Yên quản đạo (Ở An Giang đưa ông Trần Tử Mẫn đổi đi quản đạo Phú Yên) đượm chút bâng khuâng, lãng mạn: Đăng lâm phùng lữ nhạn, Vị phụ sổ hàng thu. Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  4. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 26 – (Mỗi khi lên cao gặp chim nhạn xứ người, Hãy gửi cho tôi một đôi lời.) Tình bạn, tình người hòa quyện với tình quê hương xứ sở là đặc điểm riêng dễ thấy trong thơ Nguyễn Thông. Nét riêng và cũng là nét đặc sắc này khiến thi hứng Nguyễn Thông mang một sắc thái khác so với thơ Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích cùng những nhà thơ yêu nước cùng thời khác. Ngay cả trong bài Tống nội tử Ngô Vũ Khanh nam qui (Đưa vợ là Ngô Vũ Khanh về nam) cùng với nỗi buồn chia li “mảnh trăng sáng chia đôi” với người bạn đời nhà thơ còn thổ lộ nỗi nhớ quê da diết của mình. Bài thơ gồm hai khổ tương ứng với hai giấc mộng. Giấc mơ thứ nhất: mơ vợ trở về với một vẻ buồn vô hạn: Mộng hồi la trướng, lệ châu san, Lãn hoán kinh thoa liễm thúy hoàn. (Giấc mơ về nơi la trướng, thấy bà rơi hạt châu, Ra chiều lười biếng không thay cái kinh thoa cài trên mái tóc xanh.) Giấc mơ thứ hai: Nhà thơ mơ thấy mình trở về quê nhà hưởng thú chân quê với những món ăn giản dị “rau nhút, gỏi cá vược” (Tạc dạ thuần lô giang thượng mộng – Đêm qua nằm mơ về trên sông hưởng cái thú quê rau nhút, gỏi cá vược) Tình cảm nhớ nhung quyến luyến đối với vợ và nỗi nhớ quê đến thành mộng, ở Nguyễn Thông cả hai tình cảm ấy đều thật sâu sắc. Xúc cảm thành thơ trước những cuộc ra đi của bạn bè, người thân, Nguyễn Thông còn làm thơ về chính những cuộc chia ly của mình. Có lẽ trong cuộc đời Nguyễn Thông xót xa nhất là việc phải bỏ quê hương lục tỉnh ra đi. Những bài thơ ông viết liên quan đến sự việc này đều bao phủ một không gian u ám, nặng trĩu. Bài Thuật cảm (Thuật mối cảm xúc) là tâm trạng của nhà thơ trước cuộc ra đi bất đắc dĩ, xa xót. Sau khi “lạy biệt nhà thờ tổ tiên” “gắng uống chén rượu hoan tống” với bà con thân thích đến tiễn, nhà thơ “than thở bước lên chiếc thuyền con”. Một ý nghĩ bi thương chua xót chợt đến trong suy nghĩ nhà thơ rằng với chuyến đi này “trẻ còn có cơ hội gặp lại, Nhưng người già thì e vĩnh biệt thôi” (Ấu tiểu hội tương tồn, Lão giả thanh vĩnh tỳ). Cảm nhận bi ai về thân thế và thời cuộc đó khiến trong mắt nhà thơ ngoại cảnh trở nên xám xịt, lạnh lẽo khác thường: Lương phiêu khởi thiên mặt, Lạc diệp từ cựu chi. (Gió lạnh nổi lên cuối trời, Lá rung tách lìa cành cũ.) Hay: Ỷ bồng nhất hồi miên, Phù vân mê giang ly. (Tựa mui thuyền quay đầu nhìn lại, Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  5. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 27 – Thời mây nổi đã phủ kín những cỏ cây dọc sông) Những dòng thơ “Phù vân mê giang ly”, “Lương phiêu khởi thiên mặt” đã diễn tả sâu sắc tâm trạng của nhà yêu nước ti địa Nam Kỳ cuối thế kỷ trước. Nỗi đau, nỗi buồn của Nguyễn Thông trong giờ phút này gắn liền với nỗi đau đất nước bị chia cắt, với vận mệnh tổ quốc trước những thử thách mới của lịch sử. Tâm trạng buồn này còn được biểu hiện trong bài Biệt vong đệ lữ phần (Từ biệt mộ người em chôn nơi đất khách). Với bài thơ này, nhà thơ từ biệt nấm mộ người em chôn nơi đất khách trong bóng chiều tà mà “hai hàng nước mắt nhỏ đầm đìa” (song lệ lạc tà huy). Nhà thơ ra đi trong cảnh mưa rơi và bóng tối, với “giọt mưa lạnh ban đêm tầm tã” (Hàn vũ dạ phi phi) Với những bài thơ trên, ta có thể nói rằng, Nguyễn Thông là nhà thơ của những cuộc chia li, tiễn biệt. 3. Văn xuôi Nguyễn Thông Văn xuôi Nguyễn Thông bao gồm các bản sớ, biểu, truyện ký, truyện ngụ ngôn Viết các bản sớ điều trần, biểu, Nguyễn Thông tỏ rõ là người có trách nhiệm cao với nước với dân, say sưa với rất nhiều dự định làm giàu, đẹp cho xã hội. Với một bút lực vững vàng, văn phong mạnh mẽ, các vấn đề ông đề đạt được trình bày, bàn luận một cách hết sức gãy gọn, mạch lạc. Tờ sớ điều trần bốn việc về nội trị, ông viết: “Tháng tư nhuận năm nay, Hoàng thượng ngự ở nội điện triệu tập đình thần văn võ bảo rằng: “Các người trẻ học tráng hành, ai nấy đều làm tròn chức vụ, trên giúp trẫm sửa chữa những điều thiếu sót, dưới giúp dân được thỏa lòng trông mong” Do đó, tôi dám mạnh miệng trình bày bốn việc về nội trị cần phải tiến hành gấp rút trước tiên”. Bốn việc nội trị mà Nguyễn Thông đề xuất đó là: Chọn nhân tài bổ làm quan, cải tiến võ lược, đánh thuế thổ sản, cần khoan hậu. Ở mỗi vấn đề tác giả đều có những sáng kiến riêng, lập luận, phân tích rõ ràng. Riêng vấn đề chọn hiền tài bổ làm quan, do ý thức được vai trò của hệ thống quan lại, Nguyễn Thông trình bày quan điểm của mình bằng cách phản đối lại sự tùy tiện, thiếu khoa học trong công việc này. Ông viết: “Thời xưa chọn kẻ sĩ phải xem xét rõ ràng chắc chắn rồi mới bổ làm quan, và có ra làm quan rồi mới hậu cấp bổng lộc. Vì chức quan mà chọn người, không vì người mà chọn chức quan. Nay các quan phủ huyện châu là những kẻ làm gương mẫu cho sĩ dân. Dầu ở trong triều hay ở ngoài tỉnh, một vị quan đều có một chức trách, cần lựa chọn cẩn thận mới được người xứng đáng. Thế mà những học trò sơ học non nớt, những con nhà quyền quí vênh váo, những bọn lại điểu tầm thường, không xét hạnh kiểm, không lường tài năng, chỉ căn cứ vào hàm phẩm mà giao ngay cho chức vụ trọng yếu. Làm quan không có đủ tư cách mà cho giữ chức điều khiển, không thật quả trong sạch mà cho giữ quyền tài chính, không giỏi phán đoán mà cho giữ việc can răn, quen thói nể nang mà cho làm việc bổ bán quan chức. Như thế mà muốn quan lại xứng chức, nhân dân thỏa lòng và chính sự mở mang thì phỏng có được không?” Tổng hợp lại cả bốn vấn đề Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  6. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 28 – nêu ra trong bản điều trần. Nguyễn Thông khẳng định: “Chọn nhân tài để dùng làm quan chức, cải tiến võ lược để bảo vệ bờ cõi, đánh thuế thổ sản để đủ chi dùng, trọng khoan hậu để cố kết lòng người là những điều mà ngày nay không thể trì hoãn. Căn bản để thực hành được tốt là ở mình vua phải có quyết tâm”. Một trong những mục đích mà người viết điều trần nào cũng mong muốn truyền đạt tới đó là trình bày sáng tỏ vấn đề và thuyết phục người đọc. Người đọc điều trần là vua và các quan đại thần, thuyết phục được “chúa thượng” và những vị quyền cao chức trọng là điều hoàn toàn không phải dễ. Nghĩa là sự đúng đắn, thiết thực và cấp bách của vấn đề còn phải được trình bày vừa khoa học vừa tạo được sự đồng tình, lôi cuốn. Để đạt được điều đó phải có nghệ thuật diễn giải, trình bày, nghĩa là “văn” phải thật hấp dẫn. Các bản văn điều trần Nguyễn Thông không nhiều nhưng cũng đủ cho thấy ông có khả năng lập luận khoa học, giọng văn hùng hồn, thu hút. [ [ [ Các tiểu phẩm: Bài minh về thọ đường, Bài hát chim Anh võ, Bàn cách ếm quỉ của Nguyễn Thông cho thấy ông ít nhiều đã thể hiện được lối viết riêng với cách diễn giải thú vị, ẩn ý sâu sắc. Luận bàn, triết lý một cách khúc chiết, văn hoa đó là bài Minh về thọ đường. Theo Nguyễn Thông, trong cuộc sống người giàu có thể sắm được những vật quí hiếm, người hùng mạnh, tài lược có thể lập kỳ tích, người văn hay học rộng có thể viết nên những áng văn thơ kỳ tuyệt. Riêng “tuổi thọ thì người giàu không thể dùng của, người sang không thể cậy thế, không thể trổ tài ” mà đạt được. Đó chính là sự kỳ lạ của tạo hóa, giới hạn cuộc sống theo Nguyễn Thông là do “trời định”, “Mọi việc trong thiên hạ, thích mà chắc làm được là thuộc về người, thích mà không chắc làm được là thuộc về trời. Thuộc về người là việc tới sau, thuộc về trời là lẽ định trước. Thọ là điều tự trời định trước, không thể gặp may mà được “ (Minh về thọ đường). Điều cốt yếu mà tác giả muốn nhắn nhủ, ngụ ý trong bài văn này là con người ta khi đã ý thức được giới hạn của cuộc sống thì phải biết sự nên chăng của mọi việc. Thâm ý này ẩn sau lời minh: “Thọ đường sâu kín, cao chẳng đầy được vài thước, rộng chẳng chứa được vài người. Dẫu các bậc thánh hiền hào kiệt, kể có hàng trăm hàng nghìn người, đều vào ở nhà này. Cớ sao lại xây dựng nhà cửa cho cao sang rực rỡ, để người sau đều ở” (Minh về thọ đường) Xu hướng ngụ ý, ngụ ngôn trong văn Nguyễn Thông biểu hiện tập trung nhất trong hai tiểu phẩm khác đó là Bài hát chim Anh võ và truyện Bàn cách ếm quỉ. Với chuyện Bài hát chim Anh võ, thông qua việc nói về con chim lạ có giọng hót hay đến mê hoặc cả vua, Nguyễn Thông muốn ám chỉ, đả kích những kẻ Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  7. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 29 – chuyên dùng miệng lưỡi để tiến thân, quen xu nịnh và gièm xiểm hại người ở triều đình. Vẻ đẹp khác thường của loài chim này – tức hình bóng những gian thần xiểm nịnh – được Nguyễn Thông diễn tả là rất dị thường, kỳ quái, đáng sợ: “Tôi trộm nghĩ rằng, con chim anh võ là loài huỳnh ngư hóa kiếp, loài vật ở rừng sâu. Cái tên của nó không phải là tên quí, loài của nó là loại phi cầm, gan ruột của nó không phải là con gà dám đá lộn, cái vẻ của nó không giống con chim phụng hoàng mà có điềm hay”. Hành trạng chim anh võ – cũng tức là bọn tiểu nhân gian nịnh hại người – được tác giả diễn giải như sau: “Lúc ban đầu thì nó nuôi trong lồng, sau lần lượt được đem vào nơi cấm dịch. Thân nó được nương nơi hoa các, được quí hơn loài chim hạc nước Vệ. Cái miệng nó được ăn miếng ngon báu hơn con chim diên nước Lỗ. Vậy nên nó mới được trải lông, sửa cánh, bay khắp chốn triều, rồi nó mới được uốn lưỡi, khoe mồm, nói chuyện vô ích, dùng lời ngọt dịu mà vua nghe không biết mệt. Nói cho đã miệng nó, mà chẳng sợ ai chê cười, lại được ơn vua yêu mà khinh lờn người hiền triết. Ông Ôn Phi Khanh là người tài cao phải lụy mình vì nó, ông Nể Chánh Bình là người học giả mà cũng bị họa với nó, khiến nỗi con phụng là con có đức mà cũng bay cao không dám ở, con hồng là con có tài, mà cũng tránh đi không dám ở lại” (Bài hát chim anh võ). Dù không gọi đích danh bọn “phi nhân”, chỉ thông qua lối nói bóng gió, ẩn dụ nhưng tiểu phẩm Nguyễn Thông chứng tỏ ông vô cùng căm ghét, khinh bỉ chúng. Truyện Bàn cách ếm bùa quỉ có thể xem là một giải pháp về công cuộc củng cố đất nước chống các thế lực ngoại xâm của Nguyễn Thông. Dưới hình thức một câu chuyện kể với các nhân vật: Gã họ Trần (kẻ bị quỉ dòm nhà), Bồng Lai võ khách, Đả quỉ tử (những kẻ tự xưng có thể trừ quỉ), Nam Nông tiên sinh, Nguyễn Thông cho rằng khi mỗi người tự “chánh tâm” được thì sẽ không bị “quỉ mị” bên ngoài “ám vào” quấy rối. Ông lập luận: “Con người tâm chính là thần minh hiện lên đó. Trái lại những kẻ tà tâm chính vì bị quỉ mị ám vào. Khi bị quỉ mị ám vào thì thần minh không giữ lại được nữa. Khi ấy trăm điều kỳ quái, hỗn loạn nảy sinh ra trong tâm người” (Bàn cách ếm quỉ). Do vậy, ở mỗi người không tự chánh tâm được mới là điều đáng lo chứ trước hết không phải là do quỉ dòm nhà. Nam Nông tiên sinh khuyên gã họ Trần: “Ngươi mải lo sợ quỉ dòm ngó chốn nhà cửa, sao bằng tự chánh tâm, tự an tự, lòng giữ đạm bạc, không mưu tính chi tự nhiên hậu nạn quỉ sẽ hết” (Bàn cách ếm quỉ). Với tiểu phẩm mang tính chất ngụ ngôn này, Nguyễn Thông muốn nói rằng để loại trừ nạn ngoại xâm trước hết nội bộ triều đình cần phải được chấn chỉnh lại. Theo ông, hiện tại có sáu loại quỉ đang lũng đoạn triều đình, làm suy yếu đất nước, khiến các thế lực ngoại xâm lấn tới đó là: Quỉ dòm ngó công việc hành chính, quỉ dòm ngó công việc các bộ, quỉ dòm ngó công việc học đường, quỉ dòm ngó công việc biên thùy, quỉ dòm ngó danh vọng, quỉ dòm ngó quyền vị v.v Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  8. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 30 – Các truyện ký và ký của Nguyễn Thông nội dung đều xuất phát từ vốn sống thực tế. Ghi chép về những sự việc đáng nhớ xảy ra trong thời gian ông làm quan ở Quảng Ngãi có: Truyện bốn người, Bài ký về kinh Vĩnh Lợi, Bài ký về đập Đinh gia. Tiểu phẩm Truyện bốn người là những dòng ghi chép đầy xúc cảm về những con người bình thường nhưng đáng mến, đáng trọng. Nghe tin quan bố chánh Nguyễn Thông bị tội oan, tai vạ sắp xảy ra. Ông Bắc Nhai vợ ốm liệt giường cũng mặc, ông Nguyễn Điền đang cày ruộng vội bỏ cày chạy về vận động bạn bè cứu giúp Những việc làm cao quí đó là xuất phát từ tình cảm, tính tự giác vô tư đến nỗi người được giúp cũng không biết tới Bài ký về kinh Vĩnh Lợi có những đoạn văn linh hoạt diễn tả sự thuận lợi của dòng kinh: “Thường thường các kinh khác chỉ hiềm vì cong queo nhỏ hẹp hay nông cạn. Nhưng kinh này lại thích hợp lắm. Lòng kinh quanh co, ăn vào phần đất nhiều làng, tưới chỗ này, tháo chỗ kia, nơi nào cũng tiện, do đó cong lại có lợi. Miệng kinh hút nước sông Vệ, nhân vì kinh nhỏ hẹp nên nước chảy xiết cũng đủ sức đẩy xe nước quay nhanh, do đó, hẹp lại có tác dụng ” Với ba tiểu truyện về Phan Văn Đạt, Trương Định, Hồ Huân Nghiệp Nguyễn Thông được xem là người duy nhất viết truyện về những nhân vật lịch sử của thời đại mình. Là những tiểu phẩm mang tính chất “ký” – nghĩa là ghi chép sự thực – nhưng truyện ký Nguyễn Thông ít nhiều đã khắc họa được tính cách riêng của những con người “kiệt hiệt” nhất của Nam Bộ chống Pháp cuối thế kỷ trước. Phan Văn Đạt (Truyện Phan Văn Đạt) là người ngay thẳng, giỏi bói toán, thích đàn sáo và rất thông minh “Việc máy móc chỉ xem qua là có thể bắt chước làm được”. Đặc biệt ông rất chung thủy với vợ mặc dù người vợ này đã mất từ lâu. Khi bị Pháp bắt, Phan Văn Đạt tỏ ra rất gan dạ, dũng cảm. Tiểu truyện viết: “Người Tây bắt được Văn Đạt, dọa tra tấn cực hình nhưng Văn Đạt vẫn không hề run sợ, tên chủ giặc lấy làm lạ, hỏi tên thông ngôn. Tên thông ngôn trỏ Văn Đạt mà nói rằng: “Người này là kiệt hiệt nhất trong Đảng”. Vì thế, Văn Đạt bị giết chết ” Trương Định (Truyện Trương Định) lại là một con người rất năng nổ, dũng lược, kiên cường. Những dòng ký chân phương của Nguyễn Thông ghi nhận những nét đại lược về đời riêng và tính cách của nhân vật lịch sử nổi tiếng này: “Trương Định nguyên người Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, con ông lãnh binh Trương Cầm. Ông theo cha vào Nam, lúc Trương Cầm làm lãnh binh tỉnh Gia Định, thời Thiệu Trị. Định lấy vợ con gái một nhà giàu ở Tân An, tỉnh Định Tường. Sau khi cha mất ông ở luôn quê vợ. Trương Định trạng mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn rất giỏi. Thời Tự Đức, Trương Định xuất của nhà chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền nên được bổ chức quản cơ”. Khi ba tỉnh Nam Kỳ bị cắt nhượng, quan tỉnh Vĩnh Long (Phan Thanh Giản) gửi thư khuyên ông bãi binh nhưng “Thư qua lại ba lần Định vẫn không nghe”. Cái chết của Trương Định rất gan góc. Khi bị thương nặng, liệu không thoát nổi, ông rút dao tự vẫn quyết không rơi vào tay giặc Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  9. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 31 – Theo ghi chép của Nguyễn Thông, Hồ Huân Nghiệp là người hết sức điềm tĩnh, khẳng khái. Diện mạo, tính tình của ông cũng rất đặc biệt. Những dòng truyện ký của Nguyễn Thông về người con ưu tú này của đất lục tỉnh như sau: “Huân Nghiệp mũi cao, tay dài như tay vượn, tính thâm trầm cứng cỏi; có khí tiết khác thường. Khi cha là Lợi mất, ông làm lều ở bên mộ, dạy học trò đọc sách. Bọn kẻ trộm thấy nhà ông ngăn cảm đường qua lại của chúng bèn cháy. Huân Nghiệp lại cùng học trò làm nhà khác giảng dạy như thường. Bọn trộm thấy ông thành thực, tìm đi ngả khác”. Con người có tính cách và lòng hiếu khác thường ấy đồng thời cũng là một chiến sĩ bất khuất trước kẻ thù. Cái chết anh dũng, nên thơ của Hồ Huân Nghiệp được Nguyễn Thông chép lại như sau: “Bọn Tây tra hỏi Huân Nghiệp tên những người cầm đầu nghĩa binh, nhưng ông không trả lời. Chúng lại hỏi hòa ước đã định sao còn sinh sự hại dân? Ông khẳng khái cãi lại, bọn Tây không sao làm cho ông thua lý được. Rồi chúng đem máy chém ra. Có tên cố đạo biết chữ Hán, thấy Huân Nghiệp là một người Nho học muốn tìm cách làm cho ông được tha. Hắn đem giá chữ thập ra bảo ông lạy, nhưng ông không chịu khuất, lấy giá chữ thập vất xuống đất. Đến lúc sắp phải hành hình, Huân Nghiệp rửa mặt, sửa khăn áo ung dung đọc bốn câu thơ rồi chịu chém, ai thấy cũng ra nước mắt” (Truyện Hồ Huân Nghiệp) Truyện ký của Nguyễn Thông về những nhân vật lịch sử nổi tiếng cùng thời tuy còn mộc mạc, thô sơ nhưng đó lại là những bằng chứng quí giá về sự tiếp cận của tác giả đối với hiện thực cuộc sống đương thời. Vừa là sử nhưng cũng vừa là văn, truyện ký Nguyễn Thông có thể xem là một trong những “thử nghiệm” của ông trong việc đưa văn học đến gần cuộc sống, phản ánh cuộc sống trước mắt. [ ] II. Nguyễn Khuyến (1835-1909) 1. Nguyễn Khuyến Nguyễn Khuyến (tên thuở nhỏ là Thắng) sinh năm 1835 tại quê mẹ, nơi thân sinh dạy học, đó là thôn Văn Khê, làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Nối nghiệp cha, từ nhỏ Nguyễn Khuyến đã đèn sách chăm chỉ, nổi tiếng hiếu học. Khi thân sinh mất, gia cảnh càng nghèo nhưng Nguyễn Khuyến vẫn kiên trì theo đuổi việc học hành, thi cử. Kỳ thi hương năm 1864 Nguyễn Khuyến đỗ giải nguyên, năm sau thi hội nhưng bị hỏng. Kỳ thi 1871, do nỗ lực học tập (sau khi thi hội không đỗ ông ở lại Huế học trường Quốc Tử Giám chờ thi) đỗ hội nguyên, thi đình đỗ tiếp đình nguyên. Do 3 lần đỗ đầu, người đời còn gọi ông Tam nguyên Yên Đổ Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  10. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 32 – Các chức quan mà Nguyễn Khuyến lần lượt giữ sau khi thi đỗ là: đốc học Thanh Hóa, Án sát Nghệ An, biện lý bộ hộ, Bố chánh Quảng Ngãi (1877). Cuối năm 1883, Hà Nội thất thủ, Sơn Tây bị tiến đánh, tổng đốc tỉnh này bỏ lên Hương Hóa tham gia kháng chiến. Nguyễn Khuyến lúc bấy giờ đang dưỡng bệnh ở quê nhà được đề cử làm quyền tổng đốc Sơn Tây, nhưng ông từ chối viện cớ đau mắt. Sau khi từ quan, có thời gian (độ vài năm) Nguyễn Khuyến ngồi dạy học ở nhà Kinh lược sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải. Đây là việc bất đắc dĩ nhằm tránh sự nhòm ngó lôi thôi của chính quyền mà ông đã từ chối cộng tác. Nguyễn Khuyến là một nhà Nho hiển đạt, hoạn lộ thông suốt, nhưng tấn bi kịch mất nước đã bất ngờ chặn đứng tất cả. Trước bước ngoặt của lịch sử đất nước, Nguyễn Khuyến đã dứt khoát chọn chọn con đường từ quan về làng ở ẩn. Mặc dù có lúc ông tự hào gọi đó là “dũng thoái” nhưng cũng có lúc ông lại thấy hành động của mình cũng tương tự như việc: Cờ đang giở cuộc không cần nuôi, Bạc chửa thâu canh đã chạy làng. (Tự trào) Thái độ “xuất, xử” của Nguyễn Khuyến một mặt thể hiện sự bế tắc của một nhà Nho, mặt khác phản ánh sự bất lực của cả một triều đại phong kiến đã già cỗi, suy nhược trước một thế lực xâm lược mới. Việc từ quan ở ẩn, quyết không cộng tác với giặc của Nguyễn Khuyến cũng thể hiện một lương tâm trong sạch và một nhân cách đáng trân trọng. Cáo quan, ở ẩn nhưng ông vẫn canh cánh bên lòng việc nước, việc đời. Quế Sơn thi tập – được viết chủ yếu trong thời gian ở ẩn – chất chứa tâm sự cùng những dày vò, dằn vặt của Nguyễn Khuyến trước thời thế. Đó là tập thơ duy nhất (gồm hơn 200 bài thơ chữ Hán, ngót 100 bài Nôm) mà Nguyễn Khuyến để lại cho đời sau. 2. Một số nội dung Quế Sơn thi tập Quế Sơn thi tập – tập thơ trĩu nặng tâm tư của Tam Nguyên Yên Đổ, một ẩn quan trước thời thế. Tuy cáo quan, chọn cuộc sống ẩn dật nhưng Nguyễn Khuyến vẫn không dứt nổi “tơ lòng” với thời cuộc, tâm tư ông vẫn luôn canh cánh việc nước, việc đời. Việc “lánh đục tìm trong” của bản thân cũng để lại trong thơ ông nhiều trăn trở, day dứt. Nguyễn Khuyến cũng như phần đông các nhà Nho khác đương thời, lấy tư tưởng “tứ quân trạch dân” làm mục đích phấn đấu cho cuộc đời. Sau khi thi đỗ, bất chấp tình hình xã hội phức tạp ông vẫn ra làm quan và luôn mẫn cán với mọi việc. Nhưng rồi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân đã làm đảo lộn tất cả. Chủ quyền đất nước mất, chính quyền thực dân thiếp lập ách thống trị, tiếp tục làm quan trong điều kiện đó có nghĩa là làm tay sai cho thực dân đế quốc. Nhưng cầm gươm cầm súng chống lại quân cướp nước như các nhà Nho Cần Vương Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  11. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 33 – thì ông không đủ dũng khí và có lẽ cũng là do ông đã nhận thức được sự vô vọng của việc làm đó nữa. Giữa ngã ba đường, Nguyễn Khuyến quyết định chọn con đường từ quan về nhà ở ẩn. Đó là một sự chọn lựa bắt buộc, một việc làm bất đắc dĩ vì với một nhà Nho hiển đạt, lại nhiệt tình với đời như Nguyễn Khuyến thì việc bó tay trước thời cuộc quả thực là điều không mong muốn. Trong khá nhiều bài thơ từ những bài làm khi vừa mới lui bước “trở về vườn cũ” cho đến di chúc viết trước khi mất, ta đều thấy Nguyễn Khuyến buồn, day dứt khi nói đến sự việc này. Mặc dù về hay ở, điều đó Nguyễn Khuyến không băn khoăn nhiều, ông đã dứt khoát giữ cho phẩm giá mình “sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết” ngay từ những giờ phút đầu của tấn bi kịch mất nước. Nhưng không vì thế mà ông không suy nghĩ. Ông mừng khi “Qui lai ngô hạnh đắc vi ngô” (Nay trở về may mắn ta vẫn còn là ta) (Thơ chữ Hán – Mộ xuân tiểu thán nghĩa Lời than lúc cuối xuân). Nhưng chân thật hơn, vườn cũ trở về rồi mà lệ chia li vẫn không ngăn được khi ông “ngoảnh nhìn” lại cảnh “dâu bể” của đất nước. Hình ảnh nhà thơ hiện lên thật bi ai trong những dòng thơ đẫm lệ buồn: - Ngọn gió đông ngoảnh lại lệ đầm khăn, Tình thương hải tang điền qua mấy lớp (Trở về vườn cũ – Thơ Nôm) Bình tĩnh hơn chút ít, khi mọi việc đã rồi, nhìn lại mình, ngẫm lại thời thế, nhà thơ có phần đỡ xót xa hơn khi tự trào rằng việc trở về của mình cũng chẳng khác gì tình huống “Cờ đương giở cuộc không còn nước, Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”. Trở về có nghĩa là bó tay, là ẩn dật, là quanh quẩn rượu với thơ, là thừa nhận mình bất lực Nguyễn Khuyến nhìn lại mình mà thấy “gớm” cho mình, ông thổ lộ tất cả nỗi đau đó khi thú nhận rằng mình chỉ còn là kẻ: Mở miệng nói ra gàn bát sách, Mềm môi chén mãi tít cung thang. Nghĩ mình lại gớm cho mình nhỉ? Thế cũng bia xanh cũng bảng vàng. Nguyễn Khuyến “gớm” rồi lại “thẹn” cho nỗi bất lực trớ trêu của cuộc đời mình, một vị tam nguyên bảng vàng bia đá đầy danh giá. Trong bài thơ Ngày xuân dặn các con, ông tâm sự: Sách vở ích gì cho buổi ấy, Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già. Cho đến lúc cầm bút viết di chúc, ông vẫn không khỏi thẹn thùng khi nghĩ đền ơn vua nợ nước, đền trách nhiệm với đời. Có lẽ nhà thơ đã nghẹn ngào rơi lệ khi viết những dòng thơ buồn: Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  12. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 34 – Ơn vua chửa chút báo đền, Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời. Với Nguyễn Khuyến, cũng như người xưa, tiếng cuốc kêu trong đêm khuya gợi lòng nhớ nước. Tiếng cuốc kêu khiến lòng ông như càng rung lên muôn nỗi xót xa khi nghĩ đến việc nước việc đời. Không chỉ buồn, tiếng con chim “nhớ nước” trong thơ Yên Đổ còn “khắc khoải”, rỉ máu, còn như thảng thốt, vô vọng trước cảnh “bể dâu”tăm tối của non sông. Bài thơ Cuốc kêu cảm hứng là cả khối lòng nhức nhối của nhà thơ. Đọc mỗi dòng của bài thơ, ta như dở lại từng nỗi đau trong tâm hồn của thi sĩ: Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ, Ấy hồn Thục đế thác bao giờ? Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ. Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ. Thâu đêm ròng rã kêu ai đó, Giục khách giang hồ dạ ngẩn. ngơ Ẩn dật nhưng lòng nhà thơ vẫn có “trăm nghìn mối dây bện chặt với cuộc đời”. Điều đó khiến ẩn sĩ càng thấm thía nỗi cô đơn giữa cuộc đời, dễ khổ đau, xa xót. Ông cảm thấy mình chỉ còn mỗi một tấm lòng, một lương tâm “chưa đến nỗi mất”. Nhà thơ tâm sự: Năng như ngoan thạch hà tri khổ, Chỉ thị lương tâm thượng vị dân. (Nếu trơ được như đá, thì biết gì là khổ, Nhưng vì còn chút lương tâm, chưa đến nỗi mất.) (Khổ nhiệt – Khổ vì nực) Vì “còn chút lương tâm chưa đến nỗi mất” nên trước thời thế, lắm lúc Nguyễn Khuyến phải “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ” phải “giả điếc”, giả câm. Nhà thơ xót xa cho thân thế mình, cười giễu sự bất lực của mình, tâm tư ông luôn có cả một tấn bi hài kịch giằng xé. Tất cả những điều đó diễn ra sau hành động từ quan, một hành động bất đắc dĩ của một con người vốn nặng lòng với đời, với nước. Quế Sơn thi tập ghi nhận một thái độ phê phán mang tính trào phúng của Tam Nguyên Yên Đỗ. Với tính cách một “nhà Nho già đạo đức”, tiếng cười trào phúng của Nguyễn Khuyến thường nhẹ nhàng, thâm thúy. Thơ trào phúng của ông phần lớn mang tính ám chỉ, ẩn dụ. Nhìn ông tiến sĩ giấy – thứ đồ chơi dịp tết trung thu trẻ em – ông liên tưởng đến những ông tiến sĩ có danh không thực trong đời. Những dòng thơ vịnh ẩn ý, bao hàm nụ cười trào phúng vừa đôn hậu nhưng cũng đầy chua chát. Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  13. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 35 – Cũng cờ, cũng biển cũng cân đai, Cũng gọi ông nghè có kém ai. Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, Nét son điểm rõ mặt văn khôi. Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ, Cái giá khoa danh thế mới hời. Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe, Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi. (Vịnh tiến sĩ giấy – Thơ Nôm) Cười sự lố lăng, bất lực của vua quan đương thời, ông vừa chơi chữ vừa ẩn dụ khi hạ bút viết: Vua chèo còn chẳng ra gì, Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề. Thật khó phân biệt được rằng, phường chèo trên sân khấu khiến nhà thơ liên tưởng đến đám quan lại trong đời thực hay là ngược lại. Tiếng cười trào phúng của Tam Nguyên nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu xa, thấm thía. Đó là tiếng cười kín đáo mà sắc sảo, hiền lành nhưng lắng kỹ lại rất đỗi thâm thúy. Sâu thẳm hơn nữa trong những nụ cười khóe miệng còn có cả nỗi đau, sự chua xót. Cười thói xấu vị tiền của quan lại “đời nay” Nguyễn Khuyến cũng dùng lối nói bóng gió: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ? Đời trước làm quan cũng thế a! Nhưng tệ tham nhũng, thói trục lợi của quan lại là điều khiến Nguyễn Khuyến vô cùng căm ghét, khinh bỉ. Có lẽ vì thế mà ông mới phê phán đích danh một vị đốc học rằng: Ai rằng ông dại với ông điên, Ông dại sao ông biết lấy tiền. Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp, Khoét hằng mặt trắng lấy tam nguyên. (Tặng đốc học Hà Nam – Thơ Nôm) Với viên đốc học này, tiền là trên hết, ông ta ra sức vơ vét không tính gì đến liêm sỉ, bất chấp tất cả. Bài thơ kết thúc bằng một đòn đánh nặng vào con người hám tiền rằng: Chỉ cốt túi mình cho năng chặt, Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen. Chế độ thực dân nửa phong kiến bao trùm lên đất nước ta, nỗi đau của nhà Nho già càng thêm lớn rộng. Nhìn cảnh vui chơi của dân chúng ngày hội Tây, ông Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  14. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 36 – thấy buồn và nhục thay cho quốc thể. Lẽ ra người ta không nên vui vẻ, hồn nhiên như thế. Dường như nhà thơ vừa trách khéo lại vừa than thở, chua xót với nụ cười ruồi khi thấy cảnh: Cậy sức cây đu nhiều chị nhún, Tham tiền cột mỡ lắm anh leo. Khen ai khéo vẽ trò vui thế? Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu! (Hội Tây – Thơ Nôm) Thơ trào phúng Nguyễn Khuyến không nhiều nhưng đầy ý vị, đã đọc qua khó có thể quên được. Đó là những nụ cười xuất phát từ nỗi đau, sự xa xót của con tim. Sự thâm thúy, hóm nhẹ, hiền lành trong tiếng cười của ông khiến người ta phải lắng sâu, suy nghĩ. Với tiếng cười trào phúng của ông “giá trị không chỉ là chỗ biết cười cái đáng cười, mà thực ra qua những tiếng cười cụ thể đó là đạo đức, tài năng, tâm huyết”(Nguyễn Đình Chú). [ [ [ Đề tài trong thơ Nguyễn Khuyến còn là phong cảnh đồng quê, những sinh hoạt làng xóm. Nhà thơ nói đến cảnh vỡ đê lụt lội, cảnh làm ăn thua lỗ, cảnh hội hè tết nhất đình đám ở vùng quê mình. Ông cũng thường làm thơ hỏi thăm bạn bè, khi thì với một sự quan tâm ân cần, khi thì giễu cợt đùa vui với một ông bạn bị mất cướp, bị lụt. Giống như một lão nông, nhà thơ cũng than nợ, thân già, than bệnh Nguyễn Khuyến theo thói quen của các nhà thơ xưa cũng làm rất nhiều thơ đề vịnh, nhưng đối tượng đề vịnh của ông không còn là tuyết, nguyệt, phong, hoa mà là những cảnh sắc cụ thể của nông thôn Việt Nam với bờ tre, ngõ trúc, vườn cà, ao cá, luống cải v.v Thông qua sự chắt lọc trìu mến của tâm hồn nhà thờ, hiện thực cảnh sắc Việt Nam hiện lên thật kỳ thú, thi vị, đầm ấm tình người. Nói đến Nguyễn Khuyến là nói đến một nhà thơ nông thôn. Nông thôn xứ Bắc đi vào thơ ông thật giản dị, thân thương. Những bài thơ vịnh mùa thu của ông chính là sự chắt chiu thể hiện những nét đẹp của quê hương làng cảnh xứ Bắc. Không gian bao la mà yên ả, với mây biếc, gió nhẹ được nhà thơ diễn tả thật tinh tế: Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt, Ngõ trúc quang co khách vắng teo. (Thu điếu – Thơ Nôm) Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  15. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 37 – Khung cảnh man mác, êm đềm của mùa thu làng quê còn được tái hiện trong bài Thu vịnh. Đây là một trong những bài thơ đã thể hiện được “cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả”(Xuân Diệu). Khung cảnh mùa thu với tất cả đường nét, màu sắc, thanh âm riêng như được nhà thơ vẽ lại: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao, Cầu trúc lơ phơ gió hắt hiu. Nước biếc trông như tầng khói phủ, Song thưa đề mặc bóng trăng vào. Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái, Một tiếng trên không ngỗng nước nào. Nguyễn Khuyến cảm nhận và diễn tả vẻ đẹp nên thơ của mùa thu làng quê xứ Bắc với tất cả sự trìu mến, nâng niu của tâm hồn, nét bút. Cuộc sống nhà thơ thật sự gắn bó với đồng quê, bởi thế mảng thơ này vừa giản dị lại vừa rất sống động, tạo được nét riêng cho Quế Sơn thi tập. Bài Bạn đến chơi nhà có những câu thơ mang dáng dấp, phong vị ca dao: Ao sâu nước cả khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà. Cải chửa ra cây cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn mướp ra hoa. Cảm nhận phong cảnh làng quê như một thi sĩ, Tam Nguyên Yên Đổ còn sống với những nỗi lo đến thắt ruột của con người vùng quê mình trong cảnh lũ lụt: Quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi, Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi. Ông cũng suy nghĩ, đắn đo, tính toán chi li như một người nông dân thực thụ khi mùa màng thất bát: Năm nay cày cấy vẫn chân thua, Chiêm mất đòng chiêm mùa mất mùa. Phần thuế quan Tây phần trả nợ, Nửa công đứa ở nửa thuê bò. Sớm trưa dưa muối cho qua bữa, Chợ búa trầu cau chẳng dám mua. Tằn tiện thế mà không khá nhỉ? Nhờ trời rồi cũng mấy gian kho! Nhà thơ còn nói đến cảnh túng thiếu phải vay nợ lãi, bán lúa non, cuộc sống quẩn quanh của những người nông dân nghèo quê ông. Quế Sơn thi tập do đó còn là tập thơ của tình quê, hồn quê của Tam Nguyên Yên Đổ. VẤN ĐỀ ÔN TẬP Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  16. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 38 – 1. Tâm tư và tiếng cười trào phúng của Nguyễn Khuyến trong thơ. Đọc thêm: Nguyễn Khuyến về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục – 1999. [ ] III. Trần Tế Xương (1870-1907) 1. Trần Tế Xương Nhà thơ Trần Tế Xương sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học, nghèo, đông con ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là thành phố Nam Định). Từ thuở nhỏ nhà thơ đã nổi tiếng thông minh, giỏi văn thơ, ứng đối sắc sảo. Năm 15 tuổi, Trần Tế Xương dự kỳ thi hương đầu tiên trong đời nhưng không đậu, hai khoa tiếp theo cũng không thành công. Khoa thi thứ tư trong đời, ông đậu tú tài (24 tuổi), cái tên Tú Xương xuất hiện từ đây và mãi mãi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của ông. Sau lần đậu tú tài, Tú Xương dự tiếp bốn khoa thi nữa nhưng không đậu đạt gì thêm. Dù là một nhà Nho nhưng tính cách riêng cùng môi trường đô thị đã khiến Tú Xương về tính cách cũng như tâm tư, suy nghĩ không hẳn còn giống với các nhà Nho là nhà thơ khác giai đoạn này như: Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thông, Nguyễn Khuyến Sự nghiệp văn chương của Tú Xương có phần khác những tác gia khác, đó là không có một tập thơ nào do chính tay nhà thơ ghi chép, để lại. Công trình sưu tập thơ Tú Xương có được hiện nay xuất phát từ nhiều nguồn, từ sự ghi chép của những người cùng thời, từ sự ghi chép của những người thân thích, từ gia đình, vợ, con nhà thơ v.v Toàn bộ thơ Tú Xương sưu tập được cho đến nay là thơ Nôm, với các thể loại: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, phú, câu đối 2. Một số nội dung thơ Tú Xương Với cảm quan trào phúng, Tú Xương đã vẽ nên trong thơ ông cả một xã hội đang nhốn nháo, đua chen, lối sống thực dụng, vị tiền đang hủy hoại mau chóng những chuẩn mực đạo đức. Tiếng cười trào phúng chứa đầy sự xót xa, bi phẫn của ông được cất lên từ chính nỗi đau của tâm hồn ông trước những biến cải của cuộc sống. Nhà Nho trong ông đau đớn trước sự bát nháo, hỗn loạn của xã hội, trước sự băng hoại về đạo lý sống đang gặm nhấm cuộc sống mỗi gia đình. Với Tú Xương, đất Vị Hoàng như đang lâm vào một tấm bi hài kịch lớn, ông ngao ngán, than thở: Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  17. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 39 – Có đất nào như đất ấy không? Phố phường tiếp giáp với bờ sông. Nhà kia lỗi phép con khinh bố, Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng. Keo cú người đâu như cứt sắt, Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng. Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh, Có đất nào như đất này không? Con người đất Vị Hoàng quê nhà thơ lúc bấy giờ là như thế: sống thiếu đạo lý, bát nháo, hám tiền, bon chen. Chúng ta có thể hiểu rộng hơn, không riêng ở Nam Định, trong xã hội thực dân nửa phong kiến, sự đổ vỡ của nền tảng đạo đức cũ trước thế lực mới, thế lực đồng tiền, lối sống thực dụng là điều tất yếu. Cuộc sống mới, xã hội mới như phết lên, nặn nên da thịt, diện mạo, tính cách của con người trong một khu phố nọ: Ở phố Hàng Song thật lắm quan, Thành thì đen kịt, Đốc thì lang. Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố, Đậu lạy quan xin nọ chú Hàn. Đó là những con người bị hoen ố, lấm lem từ diện mạo bên ngoài cho đến nhân cách, đạo đức bên trong. Không khí tấp nập, đua chen, sự say sưa với địa vị, bạc tiền của giới quan lại, tư sản đương thời khiến ông Tú của đất Vị Hoàng thấy mình trở nên lạc lõng, ông không thể hòa nhập được vào xã hội ấy, mặc dù ông lớn tiếng là “ông quyết” Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu, Phen này ông quyết đi buôn cối, Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu. Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang, Đứa thời mua tước đứa mua quan, Phen này ông quyết đi buôn lọng, Vừa chửi vừa la cũng đắt hàng. Chưa hết, Tú Xương còn trêu ghẹo một anh chồng nhu nhược để vợ chơi nhăng, mỉa mai một viên kí lục hiến vợ cho Tây để dễ bề làm ăn, cười cợt chuyện mẹ vợ tư tình với chàng rể, đùa giỡn một ông Hàn bị vợ dọa bỏ v.v Sống trong một xã hội thiếu kỷ cương, bát nháo như vậy, nội tâm nhà thơ là cả một tấn bi hài kịch. Con người nhà thơ một mặt đứng trên tất cả mọi sự băng hoại của cuộc sống, đồng thời cũng chịu sự tác động sâu sắc của cuộc sống đó. Không chỉ biết mỉa mai, Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  18. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 40 – giễu cợt, khôi hài, Tú Xương còn khóc, còn than, còn vẫy vùng trong bất lực. Ông tâm sự về nỗi lòng của mình khi “xuất khẩu” bài thơ sau: Người bảo ông điên ông chẳng điên, Ông thương, ông tiếc, hóa ông phiền. Kẻ yêu người ghét hay bằng chữ, Đứa trọng thầy khinh chỉ vị tiền. Ở bể ngậm ngùi cơn tới lạch, Được voi tấp tểnh lại đòi tiên. Khi cười, khi khóc, khi than thở, Muốn bỏ văn chương học võ biền. Thơ Tú Xương cho ta thấy ông là một con người sống với tất cả cao độ của niềm yêu ghét, vui buồn, hờn giận trước cuộc sống. Với những bài thơ dường như chỉ là “ứng khẩu”, nhận xét, để trêu đùa, cười cợt trước những điều khác lạ, trái tai gai mắt, Tú Xương đã dựng lại cả diện mạo xã hội một thành phố, một miền quê đang biến động, đổi thay. Nam Định thuộc đất Sơn Nam Hạ cũ là một vùng có truyền thống Hán học. Cùng với trường thi Hà Nội, trường thi Nam Định có một lịch sử lâu đời, là nơi sĩ tử xứ Bắc bao thế hệ tấp nập kéo nhau về thi thố tài năng. Chính vì thế mà hơn đâu hết, cảnh chợ chiều của nền Hán học là phơi bày nơi đây rõ rệt nhất, xót xa, bi hài nhất. Tú Xương là một sĩ tử suốt cuộc đời gắn bó với chuyện học hành, thi cử, ông gần như là nhà thơ duy nhất đã kể, đã tả, đã cảm xúc trước hiện thực này. Tú Xương than cho “đạo học” (Nho học), buồn cho số phận “cái chữ Nho”, xót xa cho sự rệu rã đến thảm hại của Nho phong, sĩ khí Từ chỗ được xã hội trọng vọng, được bao thế hệ con người Việt Nam đeo đuổi, kỳ vọng, “đạo học” giờ đây đang lâm vào tình trạng ngắc ngoải. Sự biến đổi nhanh đến chóng mặt của thời thế khiến cho nhà thơ phải ngỡ ngàng, ông than thở: Đạo học ngày nay đã chán rồi, Mười người đi học chín người thôi. Cô hàng bán sách lim dim ngủ, Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi. Sĩ khí rụt rè gà phải cáo, Văn thường liều lĩnh đấm ăn xôi. Nhà thơ không đậu đạt đã khổ mà những người đậu cao thân phận cũng chẳng hơn gì. Có lẽ Tú Xương đã cười buồn khi “xuất khẩu” những dòng thơ: Nào có ra gì cái chữ Nho, Ông nghè ông cống cũng nằm co. Chi bằng đi học làm ông phán, Tối rượu sâm banh sáng sữa bò. Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  19. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 41 – Dưới con mắt Tú Xương, cảnh trường thi lúc bấy giờ là cả một tấn bi hài kịch. Từ giọng điệu quan trường đến điệu đi dáng đứng của đám sĩ tử, ông đều thấy toát lên sự nhếch nhác, rệu rã, thiếu sinh khí. Chưa bao giờ sĩ tử nước Nam lại lâm vào tình trạng nhẫn nhục như thời đại Tú Xương. Họ đến trường thi với thân phận nhỏ bé, hèn kém của những người dân mất nước, nô lệ. Nho phong, sĩ khí của họ gần như tàn lụi hết trước sự hào nhoáng, uy nghi của ông Tây bà đầm. Tú Xương đã làm thơ về tất cả những điều đó, và ông đã cười, đã khóc, đã ngậm ngùi trong bài thơ sau: Nhà nước ba năm mở một khoa, Trường Nam thi lẫn với trường Hà Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ, Ậm oẹ quan trường miệng thét loa. Lọng cắm rợp trời quan sứ đến, Váy lê quét đất mụ đầm ra. Nhân tài đất Bắc nào ai đó? Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà. Không chỉ “lôi thôi” “rụt rè” mà với địa vị những kẻ mất nước, các vị cử nhân tân khoa trong lễ xướng danh còn phải lom khom, quì lạy ông Tây bà đầm. Cái buồn của kẻ hỏng, cái “sướng” của người đỗ được ông Tú vẽ lại sống động trong bức tranh sau: Một đoàn thằng hỏng đứng mà trông, Nó đỗ khoa này có sướng không? Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt, Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng. Thảm hại đến đau lòng nhưng đồng thời cũng mang tính hài sâu sắc. Cái tài của Tú Xương là đã khái quát được thời đại mình bằng những hình ảnh thật sự cụ thể, sinh động. Việc thi cử thời Tú Xương còn đáng chán vì chủ trì công việc này là những người không đủ tư cách “Sơ khảo khoa này bác cử Nhu, thật là vừa dốt lại vừa ngu”. Tú Xương thấy “gớm” cho sự “hay chữ” của một ông tiến sĩ mới “Nghe văn mà gớm cho ông mãi, Cờ biển vua ban cũng lạ đời”. Những ông cử, ông thú “thi phúc” “đậu lạy” khác cũng khiến nhà thơ phát ngấy mà thốt lên: “Cử nhân cậu ấm Kỷ, Tú tài con đô Mỹ! Thi thế mới là thi! Ơi khỉ ơi là khỉ” Từ phê phán, cười cợt, chế giễu thiên hạ nhưng đồng thời Tú Xương cũng thể hiện mình, cừơi và buồn cho những đắng cay thất bại của mình. Tú Xương làm nhiều thơ về nỗi đau hỏng thi, ông xót xa, than thở: “Đau quá đòn ghen. Rát hơn lửa bỏng, Hổ bút hổ thiên. Hổ lều hổ chõng. Nghĩ đến chữ nam nhi đắc chí thêm nỗi thẹn thùng ”. Có khi ông lại an ủi, vỗ về mình: “Thế mới biết học tài thi phận, miệng đàn bà con trẻ nói vậy mà thiêng. Nào ngờ chữ tốt văn hay, tài bảng nhãn, thám hoa lỡ ra cũng hỏng”. Có lần hỏng nhưng ông lại tưởng tượng mình đỗ đầu, Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  20. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 42 – được ăn yến thịt công, được “Xướng danh tên gọi trên mình tượng”, thú vị nhất là được mấy cô con gái đẹp của ông “cụ xứ” “lăm le xui bố cưới làm chồng”. Có lần thi vừa xong, chưa biết đỗ hay hỏng, ông đã dọa dẫm, dằn dỗi như một đứa trẻ: Mai mà tớ hỏng tớ đi ngay, Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày Học đã sôi cơm nhưng chửa chín, Thi không ăn ớt thế mà cay Lịch sử tiến thân bằng con đường học vấn của cha ông ta trong lịch sử không phải là ngắn. Biết bao vinh hoa, nước mắt trên chặng đường gian khó, nhọc nhằn này. Hàng gần chục thế kỷ, thực tế không chỉ có một ông Tú Nam Định cay chua, bế tắc vì thất bại nhưng chỉ có ông Tú cuối mùa này là người dám nói và nói thật về nỗi đau đớn của minh. Qua hình ảnh người Nho sĩ với tấn bi hài kịch thi cử Tú Xương, chúng ta có thể hình dung phần nào “chân dung” những văn nhân “lạc đệ thời” khác thuở trước. Đó là một trong những mặt đóng góp đáng ghi nhận của thơ ông. Viết về minh, Tú Xương một mặt tự cường điệu, giễu cợt “Cờ bạc kiệu cờ cao nhất xứ, Rượu chè trai gái đủ tam khoanh”. Mặt khác, chân thực hơn, ông chua xót than thở “Van nợ lắm khi trào nước mắt, Chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Đông con, nhà nghèo cho nên nhà thơ mới có cảnh nực cười “Bức sốt nhưng mình vần áo bông, Tưởng rằng ốm nắng hóa ra không”. Hơn thế nữa, đàn con của ông cũng “Một tuồng rách rưới con như bố”, vợ ông “Hai chữ nghêu ngao vợ chán chồng” v.v Tú Xương làm thơ về cảnh sống nhàn rỗi, vô vị của mình: Trời đất sinh ra chán vạn nghề, Làm thầy làm thợ lại làm thuê. Bác này mới thật thái vô tích, Sáng vác ô đi, tối vác về. Ao ước thoát khỏi cuộc sống bế tắc, nghèo túng, cũng có lúc Tú Xương tự hỏi: Ông có đi thi ký lục không? Nghe ông quốc ngữ học chưa thông. Ví dụ nhà nước cho ông đỗ, Mỗi tháng lương ông được mấy đồng? Qua thơ Tú Xương, ta thấy gánh nặng cuộc sống gia đình ông đặt hết lên vai bà vợ chịu thương chịu khó, quanh năm “Lặn lội thân cò khi quãng vắng” ở “mom sông” để “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Có lẽ Tú Xương xót xa lắm khi làm những dòng thơ như vậy để khen vợ. Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  21. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 43 – Cái tôi hay nhân vật trữ tình trong thơ Tú Xương thường buồn, nhiều khi buồn đến vô vọng. Tú Xương cười nhiều trong thơ nhưng ông cũng có nhiều bài thơ thuần túy trữ tình. Đó thường là những bài thơ buồn, khung cảnh thường quạnh vắng. Hình ảnh nhà thơ trong các bài thơ trữ tình là hình ảnh một con người buồn, cô đơn, bế tắc. Tú Xương buồn nhưng theo ông đó không phải là cái buồn có nguyên nhân cụ thể, ông buồn vì tất cả những gì đã diễn ra với cuộc đời ông, đang diễn ra chung quang ông. Ông đã diễn tả được rất nhiều về con người ông, thời đại ông trong bài thơ sau: Trời không chớp bể lại mưa nguồn, Đêm nảo, đêm nao tớ cũng buồn. Bối rối tình duyên cơn gió thoảng, Nhạt nhèo quang cảnh bóng trăng suông. Khăn khăn, áo áo, thêm rầy chuyện, Bút bút, nghiên nghiên, khéo dở tuồng. Ngủ quách sự đời thây kẻ thức, Bên chùa thằng trọc đã hồi chuông. Có lúc trong bóng đêm dày đặc, mấy tiếng ếch vọng lên từ sông Lấp gợi lên trong lòng ông cả một nỗi buồn xa vắng, nuối tiếc trước cảnh “thương hải tang điền” (bãi biển thành nương dâu) của quê hương đất nước: Sông kia rày đã nên đồng, Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai. Vẳng nghe tiếng ếch bên tai, Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Tâm trạng bế tắc, cô đơn, thất vọng của Tú Xương trong các bài thơ trữ tình điển hình cho tâm trạng của tầng lớp Nho sĩ trong bước đổi thay của xã hội, đất nước đầu thế kỷ XX. Trước sự xuất hiện đột ngột của chế độ thực dân nửa phong kiến, cuộc giao tranh cũ mới về văn hóa, các nhà Nho không khỏi trở nên lạc lõng, bơ vơ. Với một hoàn cảnh riêng đặc biệt và một tài năng thơ ca hiếm có, Tú Xương đã diễn tả thật sống động về mình, về cuộc sống xã hội thời đại ông. Xúc cảm trữ tình sâu lắng, trào phúng sắc sảo là những nguyên nhân khiến thơ ông có sức lôi cuốn đặc biệt Ngôn ngữ thơ Tú Xương là ngôn ngữ của cuộc sống hàng ngày nhưng đã được sử dụng một cách linh hoạt, sáng tạo nên có sức diễn tả lớn, hấp dẫn. Thi liệu thơ Tú Xương là cuộc sống hiện thực trước mắt, là những việc thực, người thực vừa cụ thể, cá thể vừa mang tính điển hình, khái quát. [ ] VẤN ĐỀ ÔN TẬP Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn
  22. Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XIX - 44 – 1. Hình ảnh xã hội thực dân nửa phong kiến trong thơ Tú Xương? 2. Sự suy vi của Nho học qua thơ Tú Xương? ° Th.S Phan Thị Hồng Khoa Ngữ Văn