Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII - Phan Thị Hồng (Phần 2)

pdf 17 trang hapham 2470
Bạn đang xem tài liệu "Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII - Phan Thị Hồng (Phần 2)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_van_hoc_viet_nam_the_ky_xvii_xviii_phan_thi_hong.pdf

Nội dung text: Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII - Phan Thị Hồng (Phần 2)

  1. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 22 - II. PHÙNG KHẮC KHOAN (1528 - 1613) Phùng Khắc Khoan tự là Hoằng Phu, hiệu Nghị Trai, Mai Nham tử, người làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, từ nhỏ Phùng Khắc Khoan đã nổi tiếng hiếu học, thông minh, ham mê văn thơ. Ông làm thơ từ khi tuổi đời còn rất trẻ. Dù từng là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng Phùng Khắc Khoan không phò Mạc mà lại vào Thanh Hóa (1553) tham gia công cuộc trung hưng của nhà Lê. Sự nghiệp phò Lê giúp Trịnh của ông thông suốt, thành đạt, rất được Trịnh Kiểm khâm phục, tin dùng. Năm 1580, tham dự kỳ thi Hội do nhà Lê mở ở Vạn Lại (Thanh Hóa) ông đậu tiến sĩ. Sau khi thi đậu, được thăng Đô cấp sự, thời gian sau còn được giao gánh vác nhiều việc trọng đại khác, kể cả việc làm chánh sứ sang nhà Minh. Do hoàn thành tốt sứ nghiệp, được thăng Tả thị lang bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu, rồi Thượng thư tước Mai quận công. Thời gian cuối đời ông về trí sĩ ở quê nhà. Phùng Khắc Khoan là “một trí thức có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của văn học dân gian ngay ở địa phương mình. Qua một số truyện kể, lời ca và một số bản ghi chép ở địa phương, nhân dân thường chú ý đến Trạng Bùng (danh hiệu nhân dân địa phương đặt ra để gọi ông một các tôn kính) về tài học, tài ứng đối khi đi sứ. Đặc biệt là ấn tượng sâu sắc và lòng biết ơn chân thành của nhân dân đối với Phùng Khắc Khoan về những đóng góp của ông cho sự phát triển nông nghiệp, thuỷ lợi, thủ công nghiệp và một số công trình văn hóa công cộng ở địa phương” (1) Tác phẩm văn học của Phùng Khắc Khoan gồm có: Ngôn chí thi tập, Huấn đồng thi tập, Đa thức tập, Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập tất cả đều là chữ Hán. Tác phẩm Nôm duy nhất của ông còn lại có tên là Lâm tuyền vãn, một bài thơ lục bát dài. * * * Thi ngôn chí là mục đích lớn trong sáng tác văn thơ của Phùng Khắc Khoan, đặc biệt là ở hai thi tập: Ngôn chí thi tập (bao gồm những bài thơ làm từ thuở thiếu thời cho đến cuối đời) và Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập (thơ đi sứ). Nói đến nội dung thơ ông là nói đến chí khí, nghị lực, lý tưởng làm người của một trí thức Nho học trong thời đại binh đao. Ý thức về mối quan hệ giữa “chí” và “ngôn”, trong bài đề tựa Ngôn chí thi tập, ông viết “Mà cái gọi là thơ thì không phải là láu lưỡi trong tiếng sáo, chơi chữ dưới ngòi bút thôi đâu, mà là để ngâm vịnh tính tình, cảm động mà phát ra chí ý nữa. Thế cho nên nếu chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn (1) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. Sách đã dẫn. Trang 173 - 174 Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  2. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 23 - hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất là nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng suối gò hang thì thích giọng thơ liêu tịch ”. Là một người sống có chí nguyện lớn, lạc quan, thơ Phùng Khắc Khoan khí vị, lời lẽ vừa “hồn hậu” vừa thể hiện một “khí phách hào hùng”. Trong bài thơ chữ Hán Bệnh trung thư hoài (Trong khi bệnh viết tỏ nỗi lòng) ông khẳng định con người bản lĩnh, lý tưởng trong ông: Bình sinh chính trực hựu trung thành, Tráng chí cao huyền nhật nguyệt minh. (Ta bình sinh chính trực lại trung thành, Chí khí lớn treo cao sánh tựa mặt trăng mặt trời) Thơ là chí, đọc thơ Phùng Khắc Khoan các từ ngữ quen thuộc, được nhắc đi nhắc lại thường là: nam nhi, tráng khí, quốc sự, công danh, ngang tàng, bình sinh, trượng phu, đại trượng phu.v v. Nhà thơ tự ví mình phơi phới như hoa mai “nở trước lúc xuân về” (Trong lúc bệnh viết tỏ nỗi lòng), như tùng bách hiên ngang trong giá rét, như kình nghê sao chịu lưu luyến vũng nước vừa chân trâu: Tùng bách khởi kham hàng tuyết đống, Kình nghê na khẳng luyến sầm đề. Tự thuật - Thơ chữ Hán (Tùng bách đâu há chịu đầu hàng tuyết lạnh Kình nghê sao lại tiếc vũng chân trâu) Tự thuật - Thơ chữ Hán Ông tin tưởng với một niềm tin không lay chuyển rằng: Tự cổ đại tài ưng đại dụng Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  3. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 24 - Trượng phu khẳng dữ đế phù trầm (Viễn ký hữu nhân - Thơ chữ Hán) (Xưa nay tài lớn cần được dùng vào việc lớn Trượng phu sao lại nỡ thụ động nổi chìm theo đời?) (Từ xa gửi bạn - thơ chữ Hán) Có chí lớn, Phùng Khắc Khoan cũng như các trí thức đương thời dù muốn hay không, để thực hiện hoài bão phải trải qua quá trình rèn luyện, tu dưỡng. Nghĩa là phải học hành để trau dồi đạo đức, tri thức, phải thi cử, đỗ đạt. Nhận thức được điều đó, Phùng Khắc Khoan dù sống trong thời đại binh đao, loạn lạc vẫn kiên trì tích lũy kiến thức, mãi giũa chí khí. Ông tâm niệm: Tự cổ khởi thân thanh tướng giả Phúc trung toàn yếu hữu thi thư. Tự thuật - Thơ chữ Hán (Từ xưa những người làm nên khanh tướng Toàn là những người trong bụng phải có thi, thư) Tự thuật - Thơ chữ Hán Mục đích việc học hành được ông nhận thức một cách rõ ràng: “Bình sinh sở học giả hà sự, Sở học tương suy sở dĩ hành” nghĩa là “Cái học ở trong cuộc đời là gì? Là cái học sẽ đem ra thi hành ở đời.” (Giải buồn - Thơ chữ Hán). Hiểu biết nhiều với Phùng Khắc Khoan càng khiến tâm hồn trong sáng, thông đạt, càng khiến người ta điều khiển được cuộc sống, số phận mình theo chiều hướng tích cực, không đắm vào dục vọng, tham lam tầm thường. Quả thực, ông là người ít tư tưởng danh lợi, nhân cách cao sang hiếm có. Ông như khuyên giải người đời khi viết: Kiến đa tâm tự như tuyền đạt Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  4. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 25 - Dục quả thân nhiên đáo xứ an Nhân dục tĩnh thời thiên lý hiện, Hà tu tiết tiết lộc chi can. Miễn học giả - Thơ chữ Hán (Biết nhiều, lòng thông tựa suối chảy Ham muốn ít, thân mình được thoải mái đến đâu cũng yên Ham muốn người trầm lặng đi thì lý trời hiện ra Cần gì phải bo bo cầu bổng lộc) Khuyên người đi học - Thơ chữ Hán Thơ Phùng Khắc Khoan là thơ của một bậc trượng phu đạo cao đức trọng, chí khí lớn. Ông sống có lý tưởng, chính kiến và luôn lạc quan với niềm tin đã giúp đời, giúp nước với tất cả tâm nguyện. Ông tin rằng ông và nhiều người đương thời đang “đắc trời hành đạo” (Ở nhà trọ, gặp mưa, chờ tạnh - Thơ chữ Hán), ông “Mừng được hiển dương, cái chí bình sinh được thỏa. Vui vì được tin dùng, nhờ ơn thánh chúa” “Nam nhi đến mức đó thực là anh hào” (Tám cảnh ở nhà học - Thơ chữ Hán). Với Phùng Khắc Khoan làm một bậc trượng phu “sao để cho giàu sang mê hoặc”, càng không “phụ hoạ theo thời để có công danh”, suốt đời ông thờ vua, giúp nước “dốc hết một lòng trung” (Trung - Thơ chữ Hán). Sống giữa thời buổi nhiễu nhương, nhiều người lánh đục tìm trong nơi rừng rậm núi cao, còn Trạng Bùng thì tự hào vì đã nhập cuộc thành công: Ngã thị quốc gia chân trụ thạch Khu khu hà tất vấn nham quynh. Thanh sơn viễn vọng - Thơ chữ Hán (Ta quả là cột đá chống cho nước nhà, Hà tất phải bo bo đi tìm hỏi nhà người ẩn ở vùng núi non) Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  5. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 26 - Xa nhìn núi xanh - Thơ chữ Hán. Chúng ta có thể đồng ý với quan điểm cho rằng “quan niệm hành đạo trong thơ văn Phùng Khắc Khoan tương đối nhất quán. Từ những bài thơ thuở thiếu thời đến những bài thơ thời vãn niên, Phùng Khắc Khoan thường bày tỏ chí khí mong ra giúp đời khi thời thế cho phép, với tiết tháo và chí lớn. Tiết tháo và chí lớn ấy có nhiều sắc thái biểu hiện, nhưng tựu trung thì không ngoài việc giúp đời đổi loạn thành trị, biến nguy thành an, xây dựng lại kỷ cương, phục hồi lễ giáo” (1), và “Hoài bão lớn trong thơ văn Phùng Khắc Khoan thường gắn với thời cuộc, với vận mệnh của tổ quốc và nhân dân. Thơ Phùng Khắc Khoan không phải là loại thơ khô khan, đơn điệu, mặc dầu mang tính chất đạo lý, mặc dầu cái đạo mạo, cái mực thước của nhà Nho đôi khi đã làm mất đi cái phần tươi trẻ, phóng khoáng rất cần thiết trong thơ” (2) Ngoài việc làm thơ để gửi chí, Phùng Khắc Khoan còn làm thơ để bày tỏ cảm xúc, suy tư trước thời thế, hiện thực đất nước. Hiện thực tác động đến tâm tư ông là gì, là đời loạn, là cảnh non sông tan tác, anh hùng tranh cướp nhau tán loạn, là tang tóc, chia lìa. Phùng Khắc Khoan đau lòng trước thời đại binh đao, trước cảnh “nồi da xáo thịt”, ông viết những dòng thơ buồn: Tranh hùng cử thế mạn thao thao Thuỳ thức ngô nho chí khí hào Văn chiến bất sùng , đồ vũ chiến Lực lao tụ sính hốt tâm lao Loạn thế tự thán - Thơ chữ Hán (Tranh hùng mọi nơi đều chan chát Ai biết chí khí của nhà Nho ta hào hùng Người ta không chuộng tranh nhau bằng văn chương mà chuộng tranh nhau bằng chiến tranh (1) , (2) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. Sách đã dẫn. Trang 189 - 190 Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  6. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 27 - Chỉ sính “lực lao” mà xem nhẹ “tâm lao”) Tự than đời loạn - Thơ chữ Hán Tại sao con người lại sính “vũ chiến’ chứ không phải là “văn chiến”, không ưa “tâm lao” mà chỉ thích “lực lao”? Đó là những câu hỏi chỉ có thể có được với những con người có tầm tư tưởng, tình cảm lớn như Phùng Khắc Khoan. Mỗi dòng thơ ông đề cập đến hiện thực chiến tranh là một nỗi đau, nỗi lo: Can qua lạc lạc khổ lưu li, Trường sử anh hùng mạn tự ti. (Thương loạn - Thơ chữ Hán) (Can qua đầy dẫy, dân khổ vì lưu lạc li tán, Làm cho người anh hùng phải lo nghĩ triền miên.) Thương đời loạn - Thơ chữ Hán Trước thời loạn, Phùng Khắc Khoan nhiều khi cũng cảm thấy cô đơn, buồn. Ông buồn vì không còn ai nói đến chuyện Thi, Thư, sách vở, vì không có “thư sinh” tri kỷ: Thế loạn anh hùng lạn mạn tranh Thùy tương khả dữ thuyết Nho sinh. Khiển muộn - Thơ chữ Hán (Đời loạn anh hùng tranh cướp nhau tán loạn, Biết cùng ai nói chuyện thư sinh) Giải buồn - Thơ chữ Hán Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  7. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 28 - Nỗi niềm trước thời thế của Phùng Khắc Khoan cho ta thấy một khía cạnh tâm hồn, tình cảm sâu kín của ông. Với một con người “đắc thời”, lạc quan như ông, nỗi buồn, sự cô đơn đó dù chỉ thoáng qua cũng đủ cho chúng ta hiểu rằng ông là một trí thức có lương tri, một sĩ phu có trách nhiệm với đời. Theo ông Bùi Duy Tân “cần thấy rằng tính chất phản chiến trong một số bài thơ, ý thơ, ở một mức độ nhất định đã biểu hiện sự thông cảm của ông đối với nỗi đau khổ của nhân dân. Niềm thông cảm ấy xuất phát từ lòng nhân ái của nhà thơ, một lòng nhân ái giàu tinh thần nhân đạo mà trí thức yêu nước thời ấy đã tiếp thu được từ truyền thống nhân đạo chủ nghĩa cao cả của dân tộc” (1). Ta có thể chứng thực điều này qua một áng thơ tuy hiếm hoi nhưng không phải là lạ đối với một con người như Phùng Khắc Khoan, đó là bài Lâm tuyền vãn. Bài vãn gần 200 câu thơ dùng chuyên thể lục bát tương truyền được ông làm trong thời gian bị đày ở miền núi Nghệ An. Bài vãn tuy cũng có gửi gắm chút tâm sự kín đáo của một con người đang trong hoàn cảnh bất như ý nhưng phần nội dung chủ yếu vẫn là việc đề cập đến những sản vật địa phương với hàng trăm loại rau, quả khác nhau. Với những lời chỉ bảo ân cần, cặn kẽ về cách nhận dạng, vun bón, chăm sóc các loại cây, ước mong của ông là: Ngày nhiều vật lạ của tươi, Che chở ngàn đời dân ấm, dân no. Ông phổ biến cho dân kinh nghiệm trồng trọt, tận dụng đất đai: Trồng dưa chớ để mùa qua, Ngăn phên mắt cáo kẻo gà đạp kê. Quanh vườn thả đậu sừng dê, Mướp trâu dưa chuột bốn bề leo dong Cà con chớ lộn cà ông Vãi cải vãi vừng vãi cùng một nương. Tương truyền Phùng Khắc Khoan là người đã đem các giống ngô, lạc, đậu, vừng từ Trung Quốc về cho dân ta trồng trọt. Đó là điều rất dễ hiểu với tác giả (1) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. Sách đã dẫn. Trang 193 Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  8. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 29 - Lâm tuyền vãn; vì dân, vì nước đó là những điều ông đã từng tâm niệm ở Ngôn chí thi tập. * * * Phùng Khắc Khoan chủ yếu làm thơ luật Đường, một số ít bài lục ngôn, thơ trường thiên, từ. Nhìn chung: “Thơ ông có phong thái hồn hậu, chất phác, giản dị và mực thước Cái hay trong thơ ông trước hết là ý chí của ông, là nhân cách và tình cảm của ông” (2). Với Lâm tuyền vãn, Phùng Khắc Khoan tỏ ra rất thành thạo trong việc sử dụng khẩu ngữ và ngôn ngữ thơ ca dân gian để sáng tác một bài vãn dài với phong vị thôn quê rất đậm đà, hồn hậu. Tuy ông ít làm thơ Nôm nhưng chỉ với Lâm tuyền vãn và một vài tác phẩm diễn ca khác (như diễn ca kinh Dịch), Phùng Khắc Khoan đã có “thái độ không bảo thủ đối với ngôn ngữ văn học dân tộc, và thành tựu về việc xây dựng văn thơ Nôm của ông cần được khẳng định cùng với những thành tựu về thơ văn chữ Hán” (3). Điều đáng chú ý là với Lâm tuyền vãn, lần đầu tiên trong văn học viết, xuất hiện một tác phẩm dài dùng chuyên thể lục bát. Đây là một biểu hiện cụ thể về đóng góp của Phùng Khắc Khoan đối với quá trình xây dựng, phát triển văn thơ Nôm. (2) , (3) Tình cảm yêu nước, yêu nhà sâu nặng, tinh thần phấn đấu vì nước vì dân của Phùng Khắc Khoan còn được thể hiện rõ trong tập thơ đi sứ Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập. Phần này sinh viên tự đọc thêm. Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  9. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 30 - III. NGUYỄN DỮ (?-?) VỚI TRUYỀN KỲ MẠN LỤC Quê quán Nguyễn Dữ nay thuộc xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (xưa thuộc địa phận Gia Phúc, Hồng Châu). Thân sinh Nguyễn Dữ là Nguyễn Hồng Phiêu, tiến sĩ, từng làm Thừa chánh sứ, sau khi mất còn được tặng phong Thượng thư. Thuở nhỏ Nguyễn Dữ đã nổi tiếng chăm chỉ, đọc rộng, nhớ nhiều, ham mê văn chương. Ông đậu Hương tiến (thi Hội trúng tam trường), từng làm tri huyện một năm, sau đó từ quan với lý do phải phụng dưỡng mẹ già. Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào chưa rõ, căn cứ vào tác phẩm và một số tài liệu của những người cùng thời, có thể xác định “ông sống đồng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, thậm chí có thể lớn tuổi hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm chút ít” (1). Việc từ quan ở ẩn của Nguyễn Dữ chủ yếu do ông có nhiều điều bất mãn với thời cuộc. Cuộc sống lâm tuyền, thanh cao với những ngày nhàn xa cõi tục khiến ông có điều kiện để nghiên cứu và sáng tác văn chương hơn. Truyền kỳ mạn lục tác phẩm duy nhất còn lại của ông được ước đoán là ra đời vào khoảng hai thập kỷ 20, 30 của thế kỷ XVI. Truyền kỳ mạn lục bao gồm 20 truyện viết bằng Hán văn xen một ít thơ, ca, văn biền ngẫu. Cuối mỗi truyện đều có lời bình về nội dung, ý nghĩa truyện của chính tác giả. Truyền kỳ mạn lục - tên tập truyện - đã ít nhiều thể hiện ý thức của tác giả về tính chất văn phẩm do mình sáng tạo ra. “Truyền kỳ” được hiểu là những truyện lạ, ly kỳ thường vẫn được lưu truyền ở đời; “mạn lục” nghĩa là sự ghi chép, hoặc sao chép một cách rộng rãi những truyện lạ ấy. Tuy nhiên, Nguyễn Dữ đặt tên cho tác phẩm công phu một đời của ông như thế thực ra chỉ như là một sự ý tứ, khiêm tốn của nhà văn. Dù không mang tính chất trang nghiêm như liệt truyện, thực lục nhưng tính “ngoại thư” của tác phẩm lại chính là sự đóng góp của tác giả cho sự phát triển của thể loại tự sự trong văn học trung đại Việt Nam. Ngay từ những thế kỷ trước, Truyền kỳ mạn lục đã được ca ngợi là “thiên cổ kỳ thư”, “thiên cổ kỳ bút”. Sự sáng tạo của Nguyễn Dữ trong tập truyện này là một sự thực không ai có thể phủ nhận. Trên cơ sở tiếp thu phương pháp viết truyện truyền kỳ của Trung Quốc (2), từ cốt truyện của những sự tích cũ, tác giả với khả năng phóng tác, hư cấu dồi dào đã viết nên những truyện mới. Bởi thế, nếu như Việt điện u linh (của Lý Tế Xuyên), Lĩnh Nam Chích quái (của Vũ Quỳnh, Kiều Phú) và ngay cả nhiều truyện trong Thiên Nam vân lục (của Nguyễn Hàng) mới chỉ dừng lại ở việc (1) Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 6. Nhà xuất bản khoa học xã hội. Hà Nội 1997. Trang 189 (2) Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều thừa nhận Nguyễn Dữ có chịu ảnh hưởng của Tiễn đăng tân thoại, một tác phẩm truyền kỳ đặc sắc đời Minh, Trung Quốc của nhà văn Cù Hựu (1341-1427). Điều này đã từng được Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đề cập. Gần đây, một số nhà nghiên cứu nước ngoài (Đài Loan, Nhật Bản) đã nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục trong mối tương quan thể loại giữa các nước trong khu vực. Đây được coi là hướng tiếp cận quan trọng trong quá trình nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục. Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  10. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 31 - ghi chép lại các truyện vốn có từ trước một cách “trang nghiêm”, “xác thực” theo lối chép sử thì Truyền kỳ mạn lục đã vượt lên hẳn với đầy đủ tính chất của một sáng tác văn học. Tác phẩm là cả một quá trình phát triển của thể loại tự sự trong và truớc thế kỷ XVI, của nhu cầu phản ánh của văn học thời đại. Sự ra đời của Truyền kỳ mạn lục còn có sự hỗ trợ tích cực của nền tảng văn hóa, của thành tựu văn học dân gian những thế kỷ này đã đạt được. Đương thời, văn học, đặc biệt là thể loại tự sự, muốn phản ánh sinh động hiện thực lịch sử phức tạp, đa dạng lý giải một cách sâu sắc những vấn đề đặt ra trong cuộc sống xã hội thì nó phải bứt ra khỏi khuôn khổ cũ, tức là việc ghi chép lại một cách đơn thuần truyện cũ, tích xưa. Bởi: “Nếu như không sáng tác truyện mới mà muốn sử dụng tích xưa thì nhà văn cũng không thể chỉ nhắc lại nguyên văn chuyện cũ một cách tẻ nhạt, mà việc làm phải có tính chất phóng tác thì mới có thể đáp ứng cho nhu cầu ấy. Với một công trình phóng tác, nhà văn có thể dựa vào câu chuyện cũ để xây dựng tác phẩm mới phản ánh cuộc sống mới mà mình đang thể nghiệm. Truyền kỳ mạn lục, vì vậy tuy có vẻ như là chép những truyện xảy ra từ hàng trăm năm trước, nhưng thực chất thì phản ánh xã hội thời Nguyễn Dữ” (1). Nhằm mô tả hiện thực lịch sử, xã hội thời đại mình, các truyện của Truyền kỳ mạn lục hầu hết nhân vật chính đều là người nước ta “hầu hết sự tích đều diễn ra ở đất nước ta” (2). Không gian các truyện chủ yếu là từ vùng Nghệ An trở ra, và mặc dù các sự việc thường được nhà văn đẩy ngược lên thời Lý, Trần, Hồ, Lê sơ nhưng rõ ràng mục đích nhà văn là đề cập đến hiện thực xã hội đương thời. Người đọc cảm nhận điều này một cách tự nhiên qua dòng tự sự, với tình cảm thái độ của tác giả được bộc lộ trong từng tác phẩm. Thế kỷ XVI là thế kỷ chứng kiến cuộc sống đau khổ của nhân dân vì thiên tai, dịch bệnh, vì chiến tranh, loạn lạc. Nguyễn Dữ như than khóc cho cuộc sống thê thảm của muôn dân trong thời buổi nhiễu nhương, tăm tối “sống chẳng gặp thời chết không phải số. Đói không có thứ gì cấp dưỡng, lui không có chỗ nào tựa nương. Trong gò xương trắng rầu rĩ cỏ rêu, trên đống cát vàng lạnh lùng sương gió” (Chuyện tướng Dạ Xoa). Thời bấy giờ, khắp nơi từ các tỉnh xứ Bắc cho đến nơi xa xôi như Nghệ An thảy đều “binh lửa rối ren, đường sá hiểm trở” (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu). Tình trạng vì chiến tranh, dịch bệnh, đói kém mà nhân dân “chết chóc nhiều, những oan hồn không chỗ tựa nương thường họp lại thành từng đàn lũ” cũng được đề cập đến trong Chuyện tướng Dạ Xoa. Sự suy vi của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ khiến xã hội càng thêm loạn lạc, nạn trộm cướp trắng trợn, lưu manh quấy nhiễu, hoành hành trở nên phổ biến. Trong các truyện, hình ảnh đám vua quan, quyền thần, tướng tá tham bạo, xa hoa như là những khắc họa sắc nét khiến cho bức tranh chung về thời đại càng thêm sống động. Người tiều phu - nhân vật ẩn sĩ - trong Chuyện đối đáp của người tiều phu núi Nưa lên án nhà vua là kẻ “thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức (1) Lịch sử văn học Việt Nam. Tập 1. Nhà xuất bản khoa học xã hội. Hà Nội 1980. Trang 272. (2) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. Sách đã dẫn. Trang 242 Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  11. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 32 - dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai, phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn, hình phạt có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dâng lời ngay thì phải chết, kẻ nói điều nịnh thì được thưởng ”. Nhân vật Trụ Quốc trong Chuyện nàng Túy Tiêu được khắc họa như là một con người cực kỳ nham hiểm, thâm độc và tàn ác. Trụ quốc “làm quan đến ngôi thượng công, quyền cao lộc hậu, việc khoản đãi khách khứa mỗi ngày tốn phí đến hàng chuông thóc”, hắn có “uy thế rất lớn, các tòa, các sở đều tránh kẻ quyền hào, gác bút không dám xét xử” nhưng kẻ quyền thần này lại đi cướp vợ của một thư sinh lương thiện. Thực chất tham quan ô lại của Trụ quốc còn được Nguyễn Dữ vạch rõ “chỉ là đồ yếu hèn mà làm đến bậc Vệ Hoắc, kêu xin chạy chọt, lúc nào ở cửa cũng rộn rịp những người ra vào, vàng bạc châu báu trong nhà chồng chất đầy rẫy. Trừ ra gặp phải hỏa tai, của cải trong nhà ấy không biết có cách nào tiêu mòn đi được”. Sự kèn cựa, tranh chấp, hãm hại lẫn nhau trong hàng ngũ quan lại là một tình trạng phổ biến lúc bấy giờ. Tệ lậu, sự suy đốn này của chế độ phong kiến cũng ít nhiều được Nguyễn Dữ đề cập rải rác trong các truyện. Từ Đạt làm quan tại Đông Quan (tức Thăng Long) chỉ vì “tính nói thẳng mà bị người ta ghen ghét, không để ở lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến cử đến chốn hùng phiên, bề trong thực dồn đuổi vào chổ tử địa” (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu). Thời buổi loạn lạc khiến nảy sinh những vị tướng quân không chỉ “giỏi chiến trận” mà còn tham bạo, dữ tợn, bất nhân. Chuyện Lý tướng quân khắc họa sắc nét hình ảnh một tên tướng khét tiếng dưới cái tên Lý Hữu Nhân. Khi đã ngoi lên quyền vị vững chắc, tên tướng này không chỉ làm những việc trái phép mà còn “dựa lũ trộm cướp như lòng ruột, coi người nho sĩ như cừu thù, thích sắc đẹp, ham tiền tài, tham lam không chán, lại tậu ruộng vườn, dựng nhiều nhà cửa, khai đào đồng nội để làm ao, dồn đuổi xóm giềng cho rộng đất”. Khi thầy tướng số chỉ trích, khuyên bảo phục thiện để nhẹ bớt tội lỗi, tên tướng này đã không nghe theo còn cãi lại một cách ngang ngược. Theo hắn “có ai lại vì lo cái vạ sau này chưa chắc đã có, mà vứt bỏ những cái công cuộc sắp thành làm hì hục trong mấy năm bao giờ”. Thế rồi từ đó “hắn càng làm những sự dâm cuồng, chém giết không kiêng dè gì cả”. Thật là một con người tham bạo, thực dụng đến trắng trợn. Nhân vật Lý tướng quân quả là một sáng tạo văn học phản ánh thời đại một cách sắc nét của nhà văn Nguyễn Dữ. Ý thức phản ánh và phê phán tình trạng hủ bại, tha hóa của tầng lớp quan lại đương thời của Nguyễn Dữ còn được thể hiện rõ nét trong Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào. Tư cách không mấy tốt đẹp của một loạt những “ông mỗ” (quyền thần) được nhà văn liệt kê “ông mỗ ở ngôi trọng thần mà tham lam không chán, ông mỗ làm chức sư tư mà mô phạm không tả, ông mỗ coi lễ mà nhiều thiếu thốn, ông mỗ chăn dân mà bị tai hại, ông mỗ chấm văn mà lấy đỗ thiên vị, ông mỗ trị ngục mà buộc tội oan uổng; lại còn những lúc thường bàn nói thì mồm mép, bẻo lẻo, đến lúc trù tính, quyết định kế lớn của quốc gia thì mờ mịt như ngồi trong đám mây mù, thậm chí không noi theo danh, không xét theo thực ”. Sự phê phán tệ lậu của chế độ phong kiến của Nguyễn Dữ khiến chúng ta ít nhiều hiểu vì sao ông bất mãn với thời thế, từ quan chọn cuộc sống ẩn dật. Sự phê phán của ông ở mức độ nào đó cũng phản ánh cả sự bế tắc, bất lực của một phân số sĩ phu đương Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  12. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 33 - thời trước sự suy vi của chế độ. Thể hiện bằng tác phẩm văn học nên tư tưởng, thái độ của Nguyễn Dữ không những tác động mạnh mẽ đến đương thời mà còn dư âm sâu sắc cho độc giả những thế kỷ sau. Đặt trong tương quan với các tác phẩm có nội dung tư tưởng phê phán sự nhiễu nhương của xã hội đương thời, Chuyện đối đáùp của người tiều phu núi Nưa như một sự ký gửi tâm sự của tác giả. Nhân vật người tiều phu - ẩn sĩ được hiểu là hình bóng của chính Nguyễn Dữ. Sống âm thầm trong một cái am ở núi Nưa “cưỡi mây lách gió”, tránh gặp người đời, ẩn sĩ chỉ “Thích ngủ”, “Thích cờ” (tên hai bài thơ đề trên vách am), nhưng thực ra lại là con người thông tuệ, có quan điểm, chính kiến riêng khó người lay chuyển. Ta có thể hiểu cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa thuyết khách Trương Công (quan hầu vua Hán Thương) và người ẩn sĩ như là sự tỏ bày nguyên nhân và thái độ bất hợp tác của Nguyễn Dữ đối với triều chính đương thời. Trương Công thuyết phục ẩn sĩ bằng những lý lẽ chí tình: “Nay phu tử lấy tấm thân vàng ngọc ôm một bọc kinh luân, ngoài vòng danh lợi, vùi lấp tiếng tăm trong đám ngư tiều, dấu tài trí trạch, náu mình chốn rừng suối, vang tiếng đến cửu trùng, đốt nón lá, xé áo tơi, nay chính là đến lúc rồi đó”. Rồi lại lay chuyển ẩn sĩ bằng việc ca ngợi tài năng, đức độ của “đấng thánh nhân” đang trị vì đất nước, nhưng ẩn sĩ vẫn kiên quyết chối từ cộng tác với lý do: “Ta tuy thân không bước đến thị thành, mình không vào đến cung đình, nhưng vẫn thường được nghe tiếng ông vua bây giờ là người như thế nào. Ông ta thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai ”. Người ẩn sĩ thà “múc khe mà uống, bới núi mà ăn”, không chịu ra làm quan hùa theo những kẻ “miệng lưỡi bẻo lẻo, đã đắm mình vào trong cái triều đình trọc loạn, lại còn toan kéo người khác để cùng đắm với mình”. Cương quyết hơn, ẩn sĩ còn đề thơ tiên đoán sự sụp đổ của những kẻ đương quyền tham bạo. Tư tưởng ẩn dật, lánh đời của Nguyễn Dữ còn được ít nhiều thể hiện trong các truyện khác như Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang. Tuy nhiên, thái độ, cách thức ẩn dật của Nguyễn Dữ chứa nhiều uẩn khúc, mâu thuẫn. Với Nguyễn Dữ và văn chương của ông: “Nếu như ẩn dật là một thái độ tiêu cực, là biểu hiện của sự bất lực, là trốn đời để vui thú lâm tuyền, ngao du sơn thủy thì sự phủ nhận kẻ đương quyền và khẳng định phẩm tiết của kẻ sĩ không ham danh lợi, không chịu luồn cúi, lại ít hoặc nhiều có mặt tích cực. Cho nên nếu như chấp nhận con đường ẩn dật là chấp nhận một sự thất bại đối với lý tưởng hành đạo của nhà nho thì dẫu sao Nguyễn Dữ vẫn không vì vậy mà quên đời” (1). Với con người vốn nặng lòng với đời là Nguyễn Dữ thì “ở ẩn chẳng qua là bất đắc dĩ, và khi đã bất đắc dĩ chọn con đường lánh đục về trong đó, hình như Nguyễn Dữ vẫn coi vị trí của mình là ở giữa cuộc đời” (2). * * * (1) , (2) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa cuối thế kỷ XVIII. Sách đã dẫn. Trang 256, 257 Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  13. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 34 - Đóng góp mới của Nguyễn Dữ ở Truyền kỳ mạn lục phải kể đến những truyện viết về đề tài tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và phận người phụ nữ. Với motip quen thuộc của văn học thời đại người lấy tiên, Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên mô tả mối tình kỳ lạ, thơ mộng giữa một kẻ sĩ hào hoa đã treo ấn từ quan với một nàng tiên mang nặng tình đời. Hai tác phẩm Chuyện Lệ Nương và Chuyện nàng Túy Tiêu thể hiện những mối tình sắt son, chung thủy của những đôi trai gái yêu nhau. Đó là những mối tình đẹp đẽ, gắn bó, lành mạnh, rất hợp với tình cảm, tâm lý của dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề tình yêu trong Truyền kỳ mạn lục trở nên phức tạp hơn với những truyện khác như Chuyện cây gạo, Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây, Chuyện nghiệp oan của nàng Đào Thị. Quả thật, Nguyễn Dữ đã tỏ ra “táo bạo” và “phóng túng” khi mô tả mối tình của anh chàng học trò trọ học ở kinh sư Hà Nhân với hai nàng Đào, Liễu (Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây) và mối tình giữa chàng lái buôn đẹp trai đất Bắc Hà Trình Trung Ngộ với nàng Nhị Khanh trẻ tuổi, yểu điệu (Chuyện cây gạo). Sự si mê, đắm đuối của tình yêu trai gái bất chấp cả giới luật còn được thể hiện ở quan hệ yêu đương giữa nhân vật sư bác Vô Kỷ và nàng Đào Thị ở Chuyện nghiệp oan của nàng Đào Thị. Đều đang độ xuân thì, trai thì hào hoa, gái thì tình tứ, các cặp trai gái yêu nhau đều được nhà văn thể hiện rất nên thơ, lãng mạn. Đặc biệt, đó hầu như đều là những mối tình tự do, kỳ ngộ, rất ly kỳ, ma quái. Ngay từ lần làm quen, gặp gỡ ban đầu, sau đôi ba lời qua lại, nàng Nhị Khanh (Chuyện cây gạo) đã nói những lời khơi gợi: “Nghĩ đời người ta, thực chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”. Truyện viết tiếp: “Hai người bèn đưa nhau xuống thuyền. Người con gái sẽ bảo chàng rằng: Thân tàn một mảnh, cách với chết cũng chẳng bao xa. Ngày tháng quạnh hiu, không người săn sóc. Nay dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa. Bèn cùng nhau ân ái hết sức thoả mãn”. Hơn thế nữa, cao hứng sau cuộc ái ân, Nhị Khanh còn triết lý: “Người ta sinh ở đời, cốt được thỏa chí, chứ văn chương thời có làm gì, chẳng qua rời cũng một nấm đất vàng là hết chuyện. Đời trước những người hay chữ như Ban Cơ, Sái Nữ nay còn gì nữa đâu. Sao bằng ngay trước mắt, tìm thú vui say, để khỏi phụ mất một thời xuân tươi tốt”. Với Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây, tình yêu, quan hệ ân ái chóng vánh giữa Hà Nhân và hai người con gái Đào, Liễu được nhà văn mô tả: “Sinh rủ rê hai ả đến chơi chỗ trọ của mình, chuyện trò đằm thắm. Chàng lả lơi cợt ghẹo, hai ả thẹn thò nói rằng: “Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉ e tình hoa run rẩy, tơ liễu điên cuồng, oán lục thẹn hồng, làm giảm thú phong lưu đi mất”. Sinh nói: “Thì hãy thử thôi, tôi chẳng dám đem chuyện mây mưa làm “khó dễ” hai nàng”. Rồi tắt đèn đi nằm. Tựa ngọc kề vàng, gối vừa xô đã khoát sóng hoa đào nghiêng ngả”. Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  14. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 35 - Rõ ràng ở mức độ nào đó, Nguyễn Dữ đã có sự đồng tình với những mối tình mà ông đã dựng nên và mô tả. “Nguyễn Dữ có phần thông cảm với khát vọng hạnh phúc chính đáng khi miêu tả những cặp trai gái công nhiên yêu nhau, đi lại, giao thiệp, hẹn hò, thề thốt với nhau; khi thể hiện nỗi buồn thương, mong nhớ của những cặp tình nhân phải xa cách nhau” (1) Sự phức tạp trong việc đề cập đến vấn đề tình yêu của Nguyễn Dữ xuất phát từ chính những lời bình về ý nghĩa nội dung của ông đối với các truyện. Gần như trái ngược với sự thông cảm, đồng tình của ông đối với những mối tình được thể hiện qua sự mô tả, Nguyễn Dữ tỏ ra rất khe khắt (theo quan điểm Nho gia) đối với chính các nhân vật của ông. Tác giả chê Hà Nhân là chàng trai trẻ lòng “có nhiều vật dục” nên “giống nguyệt quái hoa yêu” “mới thừa cơ quyến rũ”. Ông đòi hỏi: “Kẻ sĩ gánh cặp đến học ở Trường An, tưởng nên chăm chỉ về học nghiệp, tuy không dám mong đến được chỗ vô dục nhưng giá gắng tiến được đến chỗ quả dục thì tốt lắm”. Trong những lời bình không mấy thuyết phục, khá là rối rắm ở cuối Chuyện cây gạo, Nguyễn Dữ gọi anh chàng phú thương đa tình Trang Ngộ là “kẻ thất phu đa dục”, “gã lái buôn không có tri thức” vì mối tình của anh ta với nàng Nhị Khanh. Ta cứ tạm cho rằng, lời bình của Nguyễn Dữ ở cuối Chuyện cây gạo, Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây là sự diễn giải ý đồ nghệ thuật của ông. Bởi qua truyện, nhân vật hai nàng Đào, Liễu và Nhị Khanh đều không phải người mà là ma quái huyễn hoặc hiện hình là những cô gái đẹp, quyến rũ. Nguyễn Dữ muốn mượn mối tình si mê, cuồng phóng giữa người (Nam giới) và ma (Nữ giới) để ngụ ý cảnh giới, giáo dục các đấng nam nhi rèn chí? Điều này rất có thể vì Nguyễn Dữ là một nhà Nho, dù viết truyền kỳ nhưng có lẽ mục đích giáo huấn trong văn chương của ông vẫn là điều mà ông không muốn từ bỏ. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên không hợp lý với trường hợp Chuyện nàng Túy Tiêu. Nếu như ngòi bút của Nguyễn Dữ không quá bí hiểm thì chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng đây là một câu chuyện kể về một mối tình thắm thiết, thủy chung của đôi trai tài, gái sắc và cuộc đấu tranh bền bỉ của họ chống lại tên quyền thần dâm đãng, nham hiểm. Ngược lại những điều mà ông đã thể hiện, Nguyễn Dữ trong lời bình phê phán “Dư Nhuận Chi là một người ngu” vì đã yêu “một người con gái bất chính”. Quả là có sự “mâu thuẫn” giữa tác phẩm với lời bình của tác giả. Sự mâu thuẫn đó là thông điệp cho biết rằng sự tiếp nhận của độc giả hiện đại là “không khớp” với ý đồ nghệ thuật thật sự của tác giả, quan trọng hơn cần đặt ra vấn đề nên hiểu truyện của Nguyễn Dữ như thế nào? Việc nghiên cứu Nguyễn Dữ và Truyền kỳ mạn lục vẫn còn là vần đề cần có sự đầu tư suy nghĩ. Là một áng văn tự sự nổi bật của thế kỷ XVI, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã kế thừa và phát huy những ưu thế cũng như thành tựu của văn học dân tộc ở cả hai bộ phận bác học và dân gian. Tác phẩm thể hiện một văn bút chính luận uyển chuyển của nhà Nho Nguyễn Dữ ở các truyện như: Câu chuyện ở đền Hạng Vương, Chuyện đối đáp của người tiều phu núi Nưa, Chuyện Phạm Tử (1) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. Sách đã dẫn. Trang 260 Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  15. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 36 - Hư lên chơi thiên tào, Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang. Tâm tư, suy nghĩ trước thời thế, những quan điểm về đạo đức, lý tưởng chính trị xã hội của nhà văn được thể hiện một cách tự nhiên, nhuần nhị và được lồng trong các câu chuyện với những nhân vật nửa hiện thực nửa hư cấu. Đó có thể coi là cách thức truyện ký hóa, hình tượng hóa thể văn chính luận vốn nặng tính chất lập luận, lý trí, một thể văn rất quen thuộc của nhà Nho. Vừa tự sự (kể chuyện) vừa luận thuyết, hay luận thuyết bằng những thiên truyện (dù còn đơn sơ về kết cấu, tình tiết, nhân vật ), đó là một sáng tạo của nhà văn Nguyễn Dữ. Những đóng góp của Nguyễn Dữ cho sự phát triển của văn xuôi tự sự bộc lộ rõ hơn ở nhóm truyện có tình tiết phong phú, nhân vật được khắc hoạ như là những con người với cuộc đời, số phận riêng trong xã hội đương thời. Đó là các truyện như: Chuyện Lệ Nương, Chuyện nàng Tuý Tiêu, Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây, Chuyện cây gạo, Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Chuyện Lý tướng quân. Từ các nhân vật tướng tá, đại thần, quốc công như Lý Hữu Chi, Trụ quốc họ Thân đến các nhân vật nghĩa phụ, tiết phụ như Nhị Khanh, Vũ Nương; nhân vật nho sĩ, ẩn sĩ, học trò, lái buôn.v v., Nguyễn Dữ đều tạo tác nên những nét tính cách riêng. Có thể thấy, lần đầu tiên trong văn học Đại Việt có một tập truyện đã khắc họa được một thế giới nhân vật phong phú; vừa mang tính chất hiện thực lích sử vừa đầy chất hư cấu sống động. Là một tập truyện truyền kỳ, nghệ thuật phóng tác của nhà văn thể hiện sự vận dụng vững vàng phương pháp viết truyện truyền kỳ đã từng được khẳng định trong văn học Trung Quốc, sơ khởi trong văn học các tác gia Đại Việt, đặc biệt là kinh nghiệm kể chuyện ma quái, huyễn hoặc của dân gian. Những tác phẩm đặc sắc nhất của Truyền kỳ mạn lục xét kỹ chính là kết quả sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai nguồn văn học ấy. Sự chặt chẽ, chỉn chu trong kết cấu các truyện kết nối hài hòa, tự nhiên với những chi tiết li kỳ mang đậm màu sắc dân gian khiến các truyện thêm phần hấp dẫn, thi vị. Các sự việc mang tính ma quái thường được mô tả là diễn ra trong những không gian vắng vẻ nơi “thôn xa đồng vắng”, trong “cái chùa hoang”; với những âm thanh rùng rợn “tiếng khóc nức nở từ xa rồi gần”, với những hình ảnh “bóng đèn thấp thoáng” trong đêm đen.v v. Về ngôn ngữ, xét riêng phần chủ yếu là văn xuôi tự sự, lời văn Nguyễn Dữ được đánh giá là “cô đọng, súc tích, chặt chẽ; coi trọng nhịp điệu, âm thanh, làm cho câu văn thường cân xứng, đối lập một cách hài hòa. Nguyễn Dữ sử dụng nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, ám dụ, tỉ dụ, biến hóa lời văn theo ý diễn tả và thay đổi giọng điệu, ngôn ngữ theo tính cách nhân vật. Cho nên lời văn thường sinh động, hấp dẫn, tươi đẹp” (1). Đạt đến mức “thiên cổ kỳ văn”, ngôn ngữ Truyền kỳ mạn lục là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công xuất sắc của tác phẩm. (1) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII Sách đã dẫn. Trang 272 Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  16. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 37 - TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Dữ. Truyền kỳ mạn lục. Nhà xuất bản Văn học. Hà Nội 1971 2. Khuyết danh. Thiên nam ngữ lục. Nhà xuất bản Văn hóa. Hà Nội 1958 3. Đặng Thai Mai. Trên đường học tập và nghiên cứu. Tập 1, 2, 3. Nhà xuất bản văn học. Hà nội 1960, 1969, 1973. 4. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân. Văn học cổ Việt Nam. Tập 1, 2 (thế kỷ X đến thế kỷ XVII. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội 1964. 5. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương. Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. Nhà xuất bản Đại học và trung học chuyên nghiệp. Hà Nội 1979. 6. Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 6 và 7. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Hà Nội 1997. Phan Thị Hồng Khoa Ngữ văn
  17. Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII - 1 - Mục Lục Phần thứ 1. KHÁI QUÁT 1 I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ TÌNH HÌNH VĂN HỌC 1 1. Bối cảnh lịch sử 1 2. Tình hình văn học 2 Phần thứ 2. CÁC TÁC GIA TIÊU BIỂU 10 I. NGUYỄN BỈNH KHIÊM (1491 - 1585) 10 II. PHÙNG KHẮC KHOAN (1528 - 1613) 22 III. NGUYỄN DỮ (?-?) VỚI TRUYỀN KỲ MẠN LỤC 30