Hiện trạng và giải pháp khai thác các điểm du lịch tự nhiên ở tỉnh Ninh Bình

pdf 8 trang hapham 2710
Bạn đang xem tài liệu "Hiện trạng và giải pháp khai thác các điểm du lịch tự nhiên ở tỉnh Ninh Bình", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfhien_trang_va_giai_phap_khai_thac_cac_diem_du_lich_tu_nhien.pdf

Nội dung text: Hiện trạng và giải pháp khai thác các điểm du lịch tự nhiên ở tỉnh Ninh Bình

  1. HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC CÁC ĐIỂM DU LỊCH TỰ NHIÊN Ở TỈNH NINH BÌNH DƯƠNG THỊ HUYỀN - BÙI THỊ THU Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế Tóm tắt: Với rất nhiều tiềm năng và lợi thế mà thiên nhiên ban tặng song việc khai thác các điểm tự nhiên của Ninh Bình chưa thực sự có hiệu quả. Dựa trên cơ sở phân tích thành tựu và hạn chế của việc khai thác các điểm du lịch tự nhiên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch Ninh Bình một cách bền vững. 1. MỞ ĐẦU Du lịch là ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt. Sự phát triển du lịch của địa phương có mối quan hệ mật thiết với tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn [4]. Tài nguyên du lịch tự nhiên tỉnh Ninh Bình rất đa dạng và phong phú tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch. Mặc dù quá trình khai thác đã đạt được những hiệu quả nhất định, việc khai thác các tài nguyên vẫn chỉ là khai thác tự nhiên, chưa tạo ra được các sản phẩm du lịch độc đáo, cơ sở hạ tầng thấp kém, công tác tuyên truyền quảng bá còn hạn chế. Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm khai thác hợp lý các điểm du lịch tự nhiên là vấn đề không thể thiếu trong phát triển du lịch, từ đó có các giải pháp khai thác các điểm du lịch tự nhiên của tỉnh một cách hiệu quả hơn góp phần mang lại giá trị kinh tế - xã hội từ hoạt động du lịch. 2. HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC CÁC ĐIỂM DU LỊCH TỰ NHIÊN Ở NINH BÌNH 2.1. Hiện trạng khai thác các điểm du lịch tự nhiên Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng cách Hà Nội 93 km, phía Bắc giáp Hà Nam, phía Tây giáp Hòa Bình, Thanh Hóa, phía Đông giáp Nam Định, phía Nam giáp biển Đông. Đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Bình xây dựng các tuyến du lịch, đặc biệt là nối với các tuyến du lịch Bắc - Nam, rất hiệu quả [6]. Với diện tích tự nhiên 1.420 km2, tỉnh Ninh Bình có 18 km bờ biển, 10.400 ha rừng tự nhiên và 20.000 ha diện tích núi đá vôi. Tự nhiên đa dạng phong phú với sông, hồ, hang động, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, sân golf, suối nước nóng kết hợp với các giá trị văn hóa lịch sử vốn có của mảnh đất cố đô này đã giúp cho Ninh Bình trở thành một địa danh du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam [7]. Các điểm du lịch tự nhiên tiêu biểu của Ninh Bình bao gồm: - Vườn Quốc gia Cúc Phương với diện tích rừng nguyên sinh vào khoảng 22.000 ha. Đây là rừng quốc gia đầu tiên của Việt Nam có nhiều động-thực vật quý hiếm, với: 225 động vật có xương sống, 124 loài chim, 64 loài thú, 36 loài bò sát, 17 Tạp chí Khoa học và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Huế ISSN 1859-1612, Số 01(13)/2010: tr. 85-92
  2. 86 DƯƠNG THỊ HUYỀN - BÙI THỊ THU loài lưỡng thể và một số loài cá, chưa kể đến côn trùng và nhiều loài khác. Ngoài ra, còn có cây chò ngàn năm tuổi, động Người Xưa, động Trăng Khuyết, động Thanh Minh - Khu du lịch sinh thái Tràng An với hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử gắn với kinh thành xưa của cố đô Hoa Lư. Tràng An hiện nay đang được các nhà khoa học lập hồ sơ đề cử UNESCO công nhận là di sản thế giới. Điều đó cho thấy đây là khu du lịch rất tiềm năng của tỉnh. - Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động đã được tặng chữ “Nam thiên đệ nhị động” với các điểm du lịch như Tam Cốc, đền Thái Vị, chùa Bích Động, động Tiên, chùa Linh Cốc - Khu Bảo tồn thiên nhiên Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây có 457 loài thực vật bậc cao, trong đó có 8 loài ghi trong sách Đỏ Việt Nam (kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, bách bộ ), 39 loài động vật và nhiều loại côn trùng quý hiếm khác. Vùng ven biển Kim Sơn cũng được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng. - Ngoài ra còn có các điểm du lịch tự nhiên khác như: Suối nước nóng Kênh Gà, động Vân Trình, động Mã Tiên, núi Ngọc Mỹ Nhân, núi Non Nước, sông Hoàng Long, hồ Đồng Thái, hồ Kỳ Lân, sân golf Yên Thắng 54 lỗ hiện đại và lớn nhất Việt Nam Sự đa dạng của các điểm du lịch tự nhiên được thể hiện qua hình 1. Hình 1. Sơ đồ phân bố các điểm du lịch tự nhiên ở tỉnh Ninh Bình
  3. HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC CÁC ĐIỂM DU LỊCH TỰ NHIÊN Ở NINH BÌNH 87 Hiện trạng khai thác các điểm du lịch tự nhiên đã đạt nhiều thành tựu, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục. a. Thành tựu Trong những năm qua hoạt động du lịch của tỉnh nói chung và các điểm du lịch tự nhiên nói riêng có những chuyển biến nhất định cả về chất và lượng, cụ thể là cả lượt khách và doanh thu đều tăng lên rõ rệt. * Về lượt khách Số lượt khách đến Ninh Bình và các điểm du lịch tự nhiên không ngừng tăng lên, chứng tỏ du lịch Ninh Bình đang phát triển mạnh và khả năng thu hút du khách rất lớn, được thể hiện ở bảng 1. Bảng 1. Số lượt khách đến Ninh Bình và các điểm du lịch tự nhiên (đơn vị tính: lượt người) Cúc Tam Cốc - Kênh Gà- Năm Ninh Bình Vân Long Tràng An Phương Bích Động Vân Trình 2005 1.021.236 78.322 258.620 66.250 - 7.757 2006 1.186.988 132.650 260.730 78.200 - 8.885 2007 1.518.559 140.376 263.789 42.250 30.400 9.759 2008 1.900.888 102.908 334.224 43.085 51.125 10.377 (Nguồn: Sở du lịch Ninh - Số liệu tính toán của Viện NCPT Du lịch) Hoạt động du lịch của tỉnh từ năm 2005-2008 đã có nhiều thay đổi, với nhiều dự án phát triển du lịch cùng với những sản phẩm hấp dẫn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách. Vì vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình chiếm tỉ lệ rất lớn, khoảng 30% trong tổng số lượt khách của Tỉnh (năm 2008). Kết quả trên cho thấy du lịch Ninh Bình đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Ninh Bình đã biết nắm bắt thế mạnh về tài nguyên của mình để khai thác và phát triển. Tại các điểm du lịch tự nhiên, số lượt khách đến cũng gia tăng lên đáng kể. Điển hình như ở Cúc Phương từ năm 2005 đến 2008 số lượt khách tăng 24.586 lượt. Tại điểm du lịch Tam Cốc - Bích Động, số lượt khách tăng lên tương ứng là 75.604 lượt. Đối với Vân Long, số lượt khách có sự biến động: năm 2006 tăng 11.950 lượt khách so với năm 2005 nhưng đến năm 2007 lại giảm 35.950 lượt so với năm 2006 do do các hãng lữ hành thay đổi lịch trình của các tour du lịch để nhằm tạo ra sự mới mẻ góp phần thu hút khách đến với các điểm du lịch khác của Ninh Bình, đến năm 2008, số lượt khách lại tăng thêm 835 lượt so với năm trước. So với tổng số khách đến Ninh Bình thì lượng khách du lịch đến các điểm du lịch tự nhiên chiếm khoảng 35%. Cụ thể như vào năm 2008, lượng khách du lịch đến Cúc Phương chiếm 5,4%, Tam Cốc - Bích Động: 17,6%, Vân Long: 2,3%, Tràng An: 2,7% và Kênh Gà - Vân Trình là 0,5%. Ở một số điểm du lịch tự nhiên khác như hồ Yên
  4. 88 DƯƠNG THỊ HUYỀN - BÙI THỊ THU Thắng, khu du lịch hồ Đồng Thái , lượng khách đến chiếm tỉ lệ thấp và chưa được thống kê đầy đủ. * Về doanh thu Doanh thu du lịch của Tỉnh nói chung và của từng điểm du lịch tự nhiên nói riêng qua các năm đều tăng lên tương ứng với sự tăng lên của số lượt du khách được thể hiện qua bảng 2 [7]. Bảng 2. Doanh thu du lịch của tỉnh Ninh Bình và một số điểm du lịch tự nhiên (Đơn vị tính: triệu đồng) Cúc Tam Cốc - Kênh Gà- Năm Ninh Bình Vân Long Tràng An Phương Bích Động Vân Trình 2005 63.180 1.940 14.900 1.200 - 3.500 2006 87.997 2.500 14.100 2.300 - 4.400 2007 109.012 2.573 10.713 1.449 10.200 5.100 2008 162.100 3.122 14.052 1.471 11.230 7.500 (Nguồn: Sở du lịch Ninh Bình - Số liệu tính toán của Viện NCPT Du lịch) Từ năm 2005 đến năm 2008, tổng doanh thu du lịch tăng 98.920 triệu đồng. Vào năm 2008, doanh thu của các điểm du lịch tự nhiên chiếm khoảng 32%, trong đó tại Cúc Phương chiếm 1,9%, Tam Cốc - Bích Động: 8,7%, khu du lịch sinh thái Vân Long: 0,9%, Tràng An: 6,9% và Kênh Gà - Vân Trình: 4,6%. Doanh thu tại các điểm du lịch tự nhiên khác do mới khai thác hoặc mới đưa vào hoạt động nên số liệu thống kê chưa đầy đủ như hồ Yên Thắng, động Hoa Lư * Về cơ sở hạ tầng - cơ sở vật chất kỹ thuật Tại các điểm du lịch, cơ sở hạ tầng về cơ bản đã được xây dựng và đang từng bước hoàn thiện. Ở các điểm du lịch Tam Cốc - Bích Động và khu du lịch sinh thái Tràng An, số lượng thuyền đưa đón khách tham quan trong các hang động tăng lên không ngừng về cả số lượng và chất lượng. Hàng ngàn chiếc thuyền được đóng để phục vụ khách du lịch, đặc biệt là vào mùa cao điểm. Tại trung tâm vườn quốc gia Cúc Phương đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. Ưu thế lớn nhất của các điểm tài nguyên tự nhiên là không hạn chế đối tượng và thành phần khách, khác với một số loại hình du lịch khác là đối tượng khách có chọn lọc, điển hình như du lịch công vụ với đối tượng khách là các thương gia, tầng lớp trí thức, nhà khoa học. Những yêu cầu về chất lượng phục vụ cũng như sản phẩm dịch vụ không quá khắt khe và cao cấp. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách. Sản phẩm có thể cao cấp và bình dân. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tổ chức và kinh doanh du lịch có thể bán sản phẩm của mình một cách dễ dàng. Các loại hình du lịch được khai thác từ các điểm du lịch tự nhiên cũng rất đa dạng như: Du lịch biển, du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch cuối tuần, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học
  5. HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC CÁC ĐIỂM DU LỊCH TỰ NHIÊN Ở NINH BÌNH 89 Nhìn chung, việc khai thác các điểm du lịch tự nhiên của tỉnh Ninh Bình nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định như giới thiệu, quảng bá đượ c hình ảnh của quê hương, đất nước và con người địa phương đến đông đảo bạn bè quốc tế trong và ngoài nước. Ngoài ra, khách du lịch đến làm tăng doanh thu cho du lịch của Tỉnh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là người dân địa phương tại các điểm du lịch. Các điểm du lịch tự nhiên được khai thác đã làm cho môi trường, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật của địa phương được cải thiện rõ rệt, đồng thời góp phần cải tạo tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, kết hợp tuyên truyền và lưu giữ những bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. b. Hạn chế Quá trình khai thác các điểm du lịch tự nhiên ở Ninh Bình vẫn còn những hạn chế như sau: - Lượng khách đến các điểm du lịch tự nhiên vẫn còn ít hơn nhiều so với các điểm du lịch nhân văn nên tỷ lệ phần trăm doanh thu tại các điểm du lịch tự nhiên rất khiêm tốn. Điều đó cho thấy việc khai thác và phát triển du lịch tại các điểm du lịch tự nhiên vẫn còn rất hạn chế. - Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đa dạng hóa được các loại hình du lịch. - Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên ở các điểm du lịch tự nhiên còn hạn chế. - Việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật kinh doanh du lịch đã được chú ý, song vì việc khai thác ở các điểm du lịch tự nhiên còn mang tính mùa vụ nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. - Vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh tại các khu, điểm du lịch tự nhiên mặc dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng hiện tượng ăn xin, chèo kéo khách, xin tiền bồi dưỡng vẫn còn xảy ra và chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, cần có những giải pháp thích hợp để đưa du lịch Ninh Bình thật sự đi vào chuyên nghiệp và có những bước phát triển vững chắc trong tương lai. 2.2. Một số giải pháp để khai thác hợp lý các điểm du lịch tự nhiên 2.2.1. Xây dựng chiến lược quảng bá cho các điểm du lịch tự nhiên Quảng bá các điểm du lịch tự nhiên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các đài truyền hình lớn, xây dựng các bảng quảng cáo ở các địa điểm công cộng đông dân cư; phát hành các bưu ảnh, băng đĩa, các tập gấp, brochure về các điểm du lịch tự nhiên. Lập website cho các điểm du lịch tự nhiên và đặc biệt là ở những điểm có khả năng thu hút khách lớn như Cúc Phương, Tràng An, Vân Long với những hình ảnh đẹp, nội dung phong phú cùng với các dịch vụ du lịch đi kèm để gây sự chú ý, tò mò của khách. Xây dựng chiến lược quảng bá cụ thể cho từng tháng, từng năm và đặc biệt là vào mùa du lịch. Bên cạnh đó, vào thời kỳ không đúng mùa du lịch phải có chiến lược quảng cáo
  6. 90 DƯƠNG THỊ HUYỀN - BÙI THỊ THU riêng như các chương trình khuyến mãi, giảm giá, có các dịch vụ giá rẻ nhằm thu hút khách, ngay cả những khách có thu nhập thấp, để họ có cơ hội đi du lịch. Thực hiện chiến lược quảng bá dây chuyền bằng cách chuyên nghiệp hóa đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, chuyên đón tiếp các đoàn du lịch và thuyết minh các sản phẩm du lịch đặc thù tại điểm du lịch tự nhiên. Mục đích là giúp khách cảm thụ hết được nét độc đáo về sản phẩm du lịch [7]. Khuyến mãi bưu phẩm lưu niệm giới thiệu về các sản phẩm mới sắp ra đờ i. Từ đó khách du lịch sẽ giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp người thân về những gì họ cảm thụ được. 2.2.2. Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch Kết hợp các điểm du lịch tự nhiên với các di tích lịch sử-văn hóa, các công trình kiến trúc cổ và lễ hội truyền thống của địa phương để tạo ra các sản phẩm, tuyến du lịch đa dạng, độc đáo. Tránh sự nhàm chán và đơn điệu của các sản phẩm du lịch tự nhiên. Xây dựng các loại hình du lịch phù hợp với từng khu, điểm du lịch tự nhiên trên địa bàn Tỉnh như tham quan danh thắng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, mạo hiểm, cuối tuần Xây dựng các tour du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái kết hợp với các khu vui chơi giải trí để thu hút khách với các trò chơi nâng cao khả năng hiểu biết, các trò mạo hiểm, kích thích trí tò mò và lòng ham học hỏi, đặc biệt là đối với giới trẻ. 2.2.3. Xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng - cơ sở vật chất kỹ thuật * Cơ sở hạ tầng Ưu tiên phát triển, nâng cấp các tuyến đường nối các điểm du lịch đặc biệt hấp dẫn. Đặc biệt là phát triển đường bộ tại các tuyến, điểm du lịch. Ngoài giao thông vận tải, phải chú trọng đáp ứng nguồn điện, nước, mạng lưới thông tin liên lạc. Đặc biệt là phải hoàn thiện và đổi mới trong công nghệ xử lý nguồn nước thải và có hệ thống thoát nước tốt. * Cơ sở vật chất kỹ thuật Đẩy mạnh tiến độ xây dựng khu du lịch như khu du lịch sinh thái Tràng An, quy hoạch khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Xây dựng các khách sạn lớn quy mô 4, 5 sao. Đầu tư hoàn thiện các khu du lịch, điểm du lịch tự nhiên có tính đặc thù, có khả năng cạnh tranh cao. Cần có các dịch vụ du lịch và các khu vui chơi giải trí đa dạng phong phú hơn để tăng thời gian lưu trú khi du khách đến. Xúc tiến các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án có đầu tư nước ngoài đã được Tỉnh chấp thuận tại các điểm du lịch tự nhiên. 2.2.4. Giải pháp về tổ chức quản lý Trước hết phải có sự phối hợp chặt chẽ trong nội bộ ngành du lịch.
  7. HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP KHAI THÁC CÁC ĐIỂM DU LỊCH TỰ NHIÊN Ở NINH BÌNH 91 Xây dựng bộ máy quản lý tinh giản, gọn nhẹ nhưng có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cao, rõ ràng. Tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên và hiện trạng khai thác tại các điểm du lịch tự nhiên trên địa bàn từng huyện, xã. Cần phải xử lý nghiêm đối với những trường hợp giả vờ tàn tật, nghèo khổ đến các điểm du lịch tự nhiên ăn xin và đeo bám khách. Trao tiền thưởng cho những ai bắt được những trường hợp như trên để từ đó hạn chế và chấm dứt dần tình trạng này. Phải có quy định cụ thể đối với các đối tượng tư nhân kinh doanh các dịch vụ du lịch về giá cả, về các mặt hàng được phép kinh doanh và các hình thức quảng bá phải văn minh lịch sự, tránh tình trạng chèo kéo khách và bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho khách. 2.2.5. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo ở nước ngoài và trong nước với cơ chế phù hợp như nâng bậc lương, hệ số phụ cấp, thưởng nóng để động viên kịp thời [7]. Thường xuyên cử cán bộ đi nghiên cứu thị trường, học tập về các mô hình thành công trong và ngoài nước như về tổ chức lữ hành, tour, tuyến, về tổ chức quảng bá, kinh doanh tại các điểm du lịch. Sử dụng và đãi ngộ nhân tài thỏa đáng; thuê một số chuyên gia nước ngoài làm du lịch để tạo ra những đột phá mới. Trong sử dụng nguồn nhân lực, cần lấy hiệu quả công việc làm thước đo chất lượng lao động và làm cơ sở để xét thưởng, nâng lương. 3. KẾT LUẬN Khai thác và phát triển các điểm du lịch tự nhiên trên thế giới và ở Việt Nam đều đã được thực hiện từ lâu với giá trị mà nó mang lại về kinh tế và môi trường cao hơn so với các hoạt động du lịch khác. Với tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú và đa dạng của mình, Ninh Bình có đủ điều kiện để phát triển các hoạt động du lịch gắn với thiên nhiên. Trong những năm qua, việc khai thác các điểm du lịch tự nhiên của tỉnh chiếm khoảng 35% trong tổng lượt khách và khoảng 32% doanh thu du lịch chung của tỉnh. Để khai thác tốt hơn các điểm du lịch tự nhiên Ninh Bình cần phải thực hiện các giải pháp về quảng bá; phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch; xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng - cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực
  8. 92 DƯƠNG THỊ HUYỀN - BÙI THỊ THU TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Huy Bá (chủ biên) (2006). Du lịch sinh thái. NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội. [2] Lê Văn Thăng (chủ biên) (2008). Du lịch và môi trường. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [3] Nguyễn Minh Tuệ (2000). Địa lý du lịch. NXB TP Hồ Chí Minh. [4] Phạm Trung Lương (chủ biên) (2002). Du lịch sinh thái những vấn đề lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Sở du lịch Ninh Bình (2007). Non nước Ninh Bình. Ninh Bình. [6] UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Thương Mại - Du lịch Ninh Bình (2005). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2010. Ninh Bình. [7] Viện Kiến trúc Nhiệt đới - Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội (2005). Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình 2007-2010 và đến 2015. Hà Nội. Title: ACTUALITIES AND SOLUTIONS TO EXPLOIT NATURAL TOURIST DESTINATIONS AT NINH BINH PROVINCE Abstract: In spite of potentialities and advantages that nature has awarded to Ninh Binh, its exploitation hasn’t been effective. Basd on the analysis of achievements and restrictions of exploiting natural tourist destinations, the authors put forward some solutions to develop sustainably Ninh Binh tourism. DƯƠNG THỊ HUYỀN Học viên Cao học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. ĐT: 01686.998790. Email: duongthihuyen85@gmail.com. ThS. BÙI THỊ THU Khoa Địa lý - Địa chất, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. ĐT: 0914.173484. Email: lapthuhue@gmail.com.