Nghiên cứu về quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam – Một số vấn đề phương pháp luận
Bạn đang xem tài liệu "Nghiên cứu về quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam – Một số vấn đề phương pháp luận", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- nghien_cuu_ve_qua_trinh_hien_dai_hoa_van_hoc_viet_nam_mot_so.pdf
Nội dung text: Nghiên cứu về quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam – Một số vấn đề phương pháp luận
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 NGHIÊN CỨU VỀ QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA VĂN HỌC VIỆT NAM – MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN A PROCESS MODERNIZE OF VIETNAMESE LITERATURE – SOME PROBLEMS OF METHODOLOGY NGUYỄN PHONG NAM Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Văn học hiện đại và quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam là vấn đề được đề cập rất nhiều trong các công trình nghiên cứu từ giữa thế kỷ XX đến nay. Tuy nhiên quan điểm của các tác giả về hiện tượng này rất khác nhau. Nguyên nhân của sự khác biệt này được bắt nguồn từ phương pháp luận nghiên cứu văn học và vấn đề phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam. Bài viết này đi sâu phân tích một số quan niệm về văn học hiện đại và hiện đại hóa văn học, từ đó đề xuất một phương pháp nghiên cứu riêng cho đối tượng này: phương pháp loại hình, dưới quan điểm tích hợp. ABSTRACT In the research about Vietnamese literature (from middle XX century to present), problem modern literature and process modernize of Vietnamese literature is very impotant. However, the point of view of researchers are different from each other. The reason of this difference is the methodology of literary research and the chronological division in the Vietnamese literary history. This article is to analyse some conceptions about modern literature and modernize of Vietnamese literature. Then, suggesting a new research methodology for them: methodology of typology and accumulative position. Trong các công trình nghiên cứu, khảo luận về văn học Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, vấn đề văn học hiện đại và hiện đại hóa văn học thường xuyên được đề cập. Đối với bộ môn lịch sử văn học, đây là những khái niệm có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó liên quan tới việc nhận diện lịch sử, đánh giá thành tựu, khái quát quy luật phát triển của văn học dân tộc. Thế nhưng xung quanh vấn đề này, ý kiến của các nhà nghiên cứu lại hết sức khác nhau. Những cuộc tranh luận, bàn thảo về khái niệm văn học hiện đại là gì? diễn tiến của quá trình hiện đại hóa văn học ra sao? mốc thời gian cụ thể vào thời điểm nào? là những điều đã được đặt ra từ những năm bốn mươi của thế kỷ trước và kéo dài cho đến nay. Thực tế thì trong một số giáo trình hiện hành, quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thường được nói một cách chung chung là vào khoảng đầu thế kỷ XX. Một lối diễn đạt mơ hồ như vậy có vẻ dung hòa được nhiều quan điểm khác xa nhau song kỳ thực lại gây khó khăn cho người học. Đấy là chưa kể xét về thực chất, giá trị (thông tin) 111
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 khoa học của nó rất ít. Rút cuộc, sinh viên sẽ rất hoang mang trước các cột mốc năm tháng khác nhau được trình bày trong tài liệu: quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc có thể (muộn nhất) là năm 1932, cũng có thể là năm 1930, hoặc nữa 1925, và lùi dần cho đến năm 1858, thậm chí cả trước đó nữa. Theo chúng tôi, sự khác biệt trong kiến giải của các nhà nghiên cứu về văn học hiện đại và hiện đại hóa văn học vốn có gốc gác từ những vấn đề có tính chất phương pháp luận về phân kỳ văn học. Khái niệm lịch sử văn học (hiện hành), trên một phương diện nào đó, thực chất là những cách nhìn về các sự kiện, hiện tượng (văn học) mang tính cá nhân của nhà nghiên cứu. Xuất phát từ những quan niệm khác nhau về lịch sử văn học, các tác giả đã t ạo lập ra những quá trình văn học không giống nhau. Chính vì thế, để có một câu trả lời thỏa đáng về vấn đề văn học hiện đại và hiện đại hóa văn học thì điểm mấu chốt là phải thay đổi về quan niệm, về phương pháp. Vấn đề cốt tử ở đây chính là phương pháp nhận thức. Nhưng trước hết (và quan trọng hơn cả), là cần bàn kỹ nội hàm của các khái niệm văn học hiện đại và hiện đại hóa văn học (một “cặp đôi” liên quan mật thiết với nhau). Thực ra thì cũng đã có nhiều tên gọi khác được dùng trong các công trình nghiên cứu suốt nửa thế kỷ qua để chỉ cái đối tượng chúng ta đang bàn, chẳng hạn: “văn học mới”, “văn học (văn chương) quốc ngữ”, hoặc hẹp hơn như “văn xuôi quốc ngữ”, “văn xuôi mới”, “thơ Mới” Tuy vậy, văn học hiện đại vẫn là cách gọi phổ biến nhất. Vả chăng, bản thân thuật ngữ văn học hiện đại cũng đã bao hàm trong đó khá đầy đủ các tính chất, đặc điểm: mới về nội dung tư tưởng và thi pháp, ký chép bằng chữ quốc ngữ, gồm cả mọi loại thể thơ, văn xuôi . Tất nhiên khái niệm này không liên quan gì đến “chủ nghĩa hiện đại” với tư cách một trường phái, một trào lưu, một “kiểu” văn học (modernism of literature), với hệ thống lý thuyết riêng và những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của nó. Đây là văn học Việt Nam thời hiện đại, thứ văn học đã được hiện đại hóa (modernize). Thuật ngữ “văn học hiện đại”, quả đúng như Vũ Ngọc Phan thừa nhận, “mới nghe tưởng như có một nghĩa tuyệt đối, nhưng thật ra nó chỉ có một nghĩa tương đối thôi; tương đối theo với sự rộng hẹp mà người ta dùng nó”(1). Sở dĩ như vậy vì đây là một hiện tượng văn học rất phức tạp mà muốn hình dung một cách đầy đủ thì cần phải tiếp cận ở nhiều góc độ, cấp độ khác nhau. Với nhiều người, khái niệm văn học hiện đại được hiểu là một thời kỳ văn học (period of literature), một khái niệm thuộc về văn học sử. Khi tiếp cận đối tượng trên bình diện thời gian, (tức là nhìn nó dưới nhãn quan phân tích các thành tố của một quá trình), nó sẽ hiện lên với tư cách một quãng trong tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc, được tiếp nối sau thời kỳ văn học trung đại (hoặc cận đại). Cái “quãng văn học” đó sẽ được phân định bằng những dấu hiệu mang tính quy ước để chia tách “dòng chảy văn học” thành một “đơn vị” độc lập. Tuy nhiên đây mới chỉ là một phía, một phương diện của đối tượng được hiện lên qua cách nhìn (hay là nhãn quan - position) lịch sử văn học. Và kết quả là khi nhận thức đối tượng theo hướng này, nhà nghiên cứu 112
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 sẽ vướng vào một trở ngại không dễ thoát ra: văn học hiện đại Việt Nam bắt đầu từ lúc nào (?). Thực tế đã chứng minh mọi cách phân kỳ văn học đã có đều chứa đựng những bất cập. Nói đúng hơn, ranh giới đánh dấu thời điểm bắt đầu của văn học hiện đại Việt Nam cho đến bây giờ vẫn là câu hỏi khó, không thể hy vọng có được câu trả lời dứt khoát, chính xác như đã trình bày ở trên. Một số người khác lại coi văn học hiện đại là một loại hình văn học (typology of literature). Trong trường hợp này, nó được phân biệt về quan niệm nghệ thuật, về phương thức tiếp nhận, về dạng thức tồn tại trong thế đối lập với những loại hình văn học khác, chẳng hạn như văn học trung đại, văn học dân gian, văn học tôn giáo “Văn học hiện đại” theo đó, sẽ là dạng văn học được viết ra trong tư cách một sản phẩm văn hóa được sản xuất ra (là hàng hóa chứ không phải là thứ quà tặng, trò chơi); nó là thứ văn học dùng để đọc (dành cho người biết đọc, có trình độ học vấn nhất định chứ không phải dùng để kể, ngâm); nó được ký chép bằng thứ văn tự hiện đại (chứ không phải chữ Hán – Nôm), là sản phẩm công nghiệp (in máy chứ không truyền khẩu, không chép tay) Cách hiểu này cho phép ta b ỏ qua một sự phân định máy móc về thời điểm nhưng cũng sẽ gây ra những trở ngại khi chúng ta muốn tìm hiểu về quá trình vận động của văn học dân tộc. Cũng có một cách hiểu khác nữa chẳng hạn, văn học hiện đại được dùng để chỉ một đối tượng xác định, cụ thể: những hiện tượng văn học đạt đến một trình độ, “chất lượng” cao hơn so với “chuẩn mực” chung; tức là loại văn chương được “Âu hóa”, được mô phỏng theo lối Phương Tây. Quan niệm này chú trọng tới tính chất, đặc điểm của những sản phẩm nghệ thuật ngôn từ. Nhưng khi xác định như vậy, sẽ nảy sinh một số vướng mắc không dễ biện luận. Bởi cái gọi là “hiện đại”, “mới” trong văn chương vốn rất khó xác định, rất khó so sánh (mới so với cái gì? tới mức độ nào? ). Thực ra, nếu đem văn học quốc ngữ để so với văn học Hán - Nôm thì phải gọi là “khác” chứ không phải “mới” hay “cũ”, là “tiến bộ” hay “lạc hậu”. Dựa trên thời điểm xuất hiện, không thể nói tác phẩm của một nhà Nho đầu thế kỷ XX là mới hơn tác phẩm của một nhà văn quốc ngữ cách trước đó ngót nửa thế kỷ được(2). Đây là các hiện tượng thuộc những loại hình văn học khác nhau cho nên không thể so sánh về tính chất, đặc điểm như những hiện tượng cùng loại. Do đó, cách hiểu “văn học hiện đại” theo nghĩa hẹp rõ ràng có những bất cập khó lòng hóa giải. Văn học hiện đại Việt Nam bắt đầu từ lúc nào? Từ cái khó của việc xác định nội hàm thuật ngữ “văn học hiện đại” dẫn đến cái khó tiếp theo là phác thảo lộ trình vận động của loại hình văn học này. Các nhà nghiên cứu từ trước đến nay đã đưa ra rất nhiều lược đồ khác nhau; và có thể nói hầu như mọi phương án đều xảy ra tình trạng tự mâu thuẫn giữa tiêu chí (có tính lý tưởng, do mình đặt ra) và thao tác sắp xếp các hiện tượng văn học cụ thể. Chính điều này đã khiến cho diện mạo lịch sử văn học Việt Nam trở nên rất khó hình dung. Khá nhiều nhà nghiên cứu chọn mốc 1920 làm điểm khởi đầu của văn học hiện đại. Tuy nhiên, cách lý giải cho sự lựa chọn này lại rất khác nhau. Vũ Ngọc Phan chẳng 113
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 hạn, trong Nhà văn hiện đại, mặc dù nhắc đến Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và những tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ của ông ở ngay trang đầu tiên, thế nhưng ông lại coi học giả họ Trương chỉ là người khởi xướng một xu hướng, một thời đại văn học chứ không phải là một tác giả hiện đại (!). Văn học hiện đại theo nhà nghiên cứu , phải là những cuốn xuất hiện từ những năm hai mươi trở đi. Đồng quan điểm với Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm (trong Việt Nam văn học sử yếu) cũng cho rằng “văn xuôi mới” không thể sớm hơn cái mốc này được(3). Cũng giống như hai tác giả vừa nêu trên, Nguyễn Đăng Mạnh cũng lấy thời điểm 1920 làm mốc cho lộ trình phát triển của văn học hiện đại. Tiêu đề tuyển tập Văn học Việt Nam 1920 -1945 phần nào cho thấy thái độ của ông dứt khoát hơn trong việc nêu tiêu chí và chọn thời điểm. Trong bài tổng quan ở đầu sách, ông đã lý g iải rất công phu về những cơ sở lý luận và thực tế làm chỗ dựa cho cách phân chia của mình. Tuy thế, khi đi vào tuyển lựa, khảo cứu các hiện tượng cụ thể, cái mốc phân định lại được nới rộng ra “những năm hai mươi”(4). Phạm Thế Ngũ thì cho rằng văn xuôi quốc ngữ được bắt đầu từ 1862, thế nhưng cái hiện tượng văn học cụ thể đánh dấu thời đại mới thì lại là Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật); nghĩa là phải từ 1925 trở đi. Trong lúc đó, Nguyễn Văn Xuân lại cả quyết, văn học mới, văn học hiện đại bắt đầu từ 1928. Đến Trần Đình Hượu thì cái mốc của văn học hiện đại lại là 1930; trước đó chỉ mới có “dấu hiệu” chứ chưa có văn học hiện đại thực sự. Như vậy là có thể thấy trong thực tế nghiên cứu từ trước tới nay, khi xem xét quá trình sinh thành, phát triển của văn học quốc ngữ, đã có một số mốc thời gian được lựa chọn làm điểm bắt đầu của văn học hiện đại: 1862, 1865, 1900, 1920, 1928, 1930, 1932. Vấn đề đặt ra là, tại sao lại có sự khác biệt đến thế trong cách nhìn nhận của các nhà nghiên cứu về một hiện tượng vốn rất rõ ràng (các sự kiện, các tác giả, tác phẩm văn học)? Một cách đặt vấn đề khác: những cái mốc thời gian vừa nêu có quan hệ thế nào đối với sự vận động của văn học dân t ộc(?). Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn từng trường hợp. Trước hết, chúng tôi muốn nhắc đến một thời điểm có vẻ ít liên quan đến văn học: cuộc chiến tranh Việt - Pháp bắt đầu từ năm 1858. Tác động ghê gớm của sự kiện lịch sử này đối với đời sống văn hóa, văn học Việt Nam là chuyện hiển nhiên, không cần bàn cãi. Thế nhưng trên thực tế thì hầu như không thấy có học giả nào coi đây là điểm khởi đầu của văn học hiện đại (mặc dù trong quá trình nghiên cứu, ai cũng ít nhiều đề cập tình hình đất nước thời điểm này). Rõ ràng là do không có một sự kiện văn học nào đáng lưu ý cho nên năm này đã không thể nào được tính đến như một cột mốc văn học sử. Nhưng nếu giữ một quan niệm như thế, nghĩa là việc phân kỳ chỉ hướng đến các sự kiện văn học, lấy đó làm cơ sở để xây dựng lược đồ thì trong dãy các thời điểm vừa nêu còn có nhiều mốc khác cũng trong tình trạng tương tự. Điểm mốc 1862 chẳng hạn, cũng như vậy. Xét về phương diện lịch sử, đây là 114
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 một thời điểm quan trọng. Nhưng đối với đời sống văn học thì không có gì đặc biệt. Việc xuất hiện thư mục về Việt Nam, Bibliographie Annamite trong năm này do A. de Bellecombe thực hiện, hoặc việc vận hành nhà in đầu tiên ở Sai gon (nhà in Impériale năm 1862) , thực ra cũng không có nhiều ý nghĩa. Hoặc giả năm 1900: Trong năm chuyển tiếp và khởi đầu thế kỷ này không có điều gì đặc biệt tác động đến đời sống văn học. Một số sự kiện văn hóa, giáo dục có liên quan ít nhiều đến văn học quốc ngữ như Đông Kinh nghĩa thục (1907), Duy tân (1906- 1908) xem ra đều muộn hơn cái mốc cụ thể này. Năm 1930 cũng là điểm mốc lịch sử quan trọng: sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Chính đảng này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với sự vận động của văn học Việt Nam hiện đại, nhưng đó là về sau chứ không phải ở ngay thời điểm cụ thể này. Cần lưu ý một điều, trong suốt một chặng dài từ năm 1858 cho đến 1930 văn học quốc ngữ vẫn vận hành theo cái lộ trình riêng của nó. Thậm chí trước đó nữa, những tiền đề của một nền văn học quốc ngữ cũng đã được hình thành (rõ nhất là qua mảng văn chương công giáo bằng chữ quốc ngữ). Không thể nói là hoàn cảnh lịch sử không liên quan gì đến con đường đi của văn học quốc ngữ, nhưng sự tác động đó là gì, ảnh hưởng ra sao thì quả là rất khó để có thể trình bày một cách rõ ràng, cụ thể. Chính vì thế mà những cái mốc 1858, 1862, 1900, 1920, 1930 khi hiện diện trên chặng đường lịch sử văn học vừa có phần hợp lý lại vừa không hợp lý. Nếu xét riêng về các hoạt động văn học, trong các năm 1865, 1928, 1932 quả là có nhiều sự kiện văn hóa - văn học diễn ra. Cũng vì thế mà xu hướng lấy các mốc này làm ranh giới cho văn học hiện đại xem ra cũng được chú ý hơn. Năm 1865, 1928 gắn với sự ra đời của hai tờ báo có ảnh hưởng lớn đến văn học là Gia Định báo (1865) và Phụ nữ tân văn (1928); năm 1932 là sự nở rộ của Phong trào Thơ Mới. Tờ Gia Định báo trong thời kỳ Trương Vĩnh Ký làm chủ bút quả là một bệ đỡ quan trọng cho văn xuôi quốc ngữ buổi đầu. Trong vai trò một người gây dựng phong trào, ông đã làm tất cả những gì có thể để cho văn xuôi quốc ngữ có điều kiện phát triển: tự viết bài, cổ động cộng tác viên, tổ chức thi viết Nhiều tác phẩm được công bố trên tờ báo công này đã để lại dấu ấn cho độc giả; nó góp phần tạo nên “sự kiện” trong đời sống văn học. Tờ Phụ nữ tân văn ra đời hơn sáu thập niên sau đó cũng có vai trò quan trọng trong việc quảng bá các sáng tác văn chương bằng quốc ngữ (trước khi được in thành sách). Tuy nhiên, dù có gây ảnh hưởng thế nào thì bản thân những sự kiện này cũng là những “yếu tố khách quan” đối với văn học; nó không thuộc về văn học. Do đó các mốc 1865, 1928 về thực chất cũng không hợp lý hơn những mốc khác. Riêng đối với mốc 1932, có vẻ như nó liên quan đến sự kiện văn học nhiều hơn cả (gắn với phong trào Thơ Mới). Nhưng cũng chỉ đối với thơ, các thể loại khác lại không phù hợp trong mốc thời gian này. 115
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 Rõ ràng là dù lựa chọn tiêu chí nào làm mốc thì kết quả thu được cũng đều chứa đựng những điều bất hợp lý. Dù có đẩy thời gian lên những năm ba mươi (thế kỷ XX) hay lùi về những năm sáu mươi của thế kỷ XIX thì cũng không thể nào tìm thấy một “lát cắt lịch sử” đủ thuyết phục về quá trình hiện đại hóa văn học. Lý do chủ yếu, theo chúng tôi là do tình trạng thiếu nhất quán trong quan niệm phân kỳ văn học. Sự cứng nhắc (và cả đơn giản hóa) trong nhận thức về quá trình lịch sử đã dẫn đến những thao tác (phân kỳ) t ưởng là rạch ròi nhưng thực chất lại làm mọi thứ trở nên khó hiểu hơn. Lịch sử văn học Việt Nam lâu nay thường được phân chia thành hai thời kỳ: văn học trung đại (từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX) và văn học hiện đại (từ đầu thế kỷ XX trở đi). Trên cái nền thời gian này, văn học hiện đại (như kết quả của quá trình hiện đại hóa văn học) được hình thành ở chặng gối tiếp hai thời đại văn chương. Thực ra diễn tiến của lịch sử văn học không bao giờ xảy ra một cách lớp lang, rành mạch như vậy cả. Trong khoảng thời gian từ nửa cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX văn học Việt Nam có một quá trình chuyển hóa rất mạnh mẽ để bước sang phạm trù hiện đại, nhưng sự vận động này được diễn ra dưới dạng “phi tuyến tính”; nghĩa là chúng không theo trình tự xa gần, sau trước (theo các thế hệ nhà văn) mà tích tụ ngay trong từng cá thể, từng trường hợp. Sự đổi mới của văn học Việt Nam giai đoạn này diễn ra theo một cách thức rất độc đáo. Trước tiên, loại hình văn học truyền thống (văn học nhà nho) có sự điều chỉnh khá rõ cả trên phương diện tư tưởng, quan niệm nghệ thuật lẫn hình thức thể hiện. Nguyên nhân của sự điều chỉnh này không gì khác là hiệu ứng từ cuộc chiến tranh chống xâm lược, chống đầu hàng của dân tộc và mục tiêu chính là để thích ứng với đòi hỏi của cuộc sống, của thời đại. Tất nhiên sự thay đổi này không tạo ra một cú sốc, một bước nhảy vọt tức thì nào. Trước và sau mốc thời gian năm 1858, văn học không có những sự kiện, hiện tượng đột biến; phải chú ý quan sát kỹ mới có thể nhận ra những dấu hiệu đổi thay trong văn học thời bấy giờ. Đây là thời gian diễn ra quá trình tích lũy dần dần các yếu tố mới mẻ nhằm hướng tới những biến đổi quan trọng và cơ bản về sau. Những điều chỉnh chủ yếu của loại hình văn chương nhà nho diễn ra trước hết nằm ở hệ thống đề tài, chủ đề. Tính chất qui phạm vốn là điểm đặc trưng của nó đã có những thay đổi đáng kể. Song song với sự tự điều chỉnh của văn học cũ, bắt đầu xuất hiện những yếu tố của một nền văn học mới, văn học quốc ngữ. Một thế hệ nhà văn mới hình thành, ra tay thực hiện sứ mạng lịch sử của mình. Bước chuẩn bị cho những đột phá, những cuộc cách mạng văn chương thực sự sẽ diễn ra trong một tương lai gần đã được khởi động ngay từ giữa thế kỷ XIX. Sự hình thành thời đại mới của văn học Việt Nam gắn chặt với sự ra đời và hoàn thiện chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ, một thành tựu văn hóa lớn của dân tộc, vốn xuất hiện từ trước đó khá lâu. Ngay từ thế kỷ XVI, với mục đích tìm kiếm phương tiện ngôn ngữ để chuyển tải kinh sách đạo Thiên Chúa sang Việt ngữ, các nhà truyền giáo Phương Tây đã khởi sự việc chế tác ra thứ chữ lấy tự dạng Latinh làm mẫu này. Quá trình thử nghiệm kéo dài với sự tham gia của rất nhiều người Phương Tây (trong đó vai trò của 116
- TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 5(28).2008 A. de Rhodes rất quan trọng) và các trí thức người Việt đã đạt kết quả mĩ mãn. Ch ữ quốc ngữ là một hệ thống chữ viết hiện đại, tiện lợi, nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, thoạt đầu thứ chữ này đã không nhận được sự chào đón của cộng đồng, đặc biệt là giới trí thức Nho học. Phạm vi sử dụng của nó chủ yếu hạn chế trong khu vực nhà thờ, trong một bộ phận giáo dân và chỉ dùng vào việc truyền bá Thiên Chúa giáo. Nhưng đến những năm sáu mươi, khi người Pháp đã xác lập được vị thế của mình ở Việt Nam thì mọi việc hoàn toàn thay đổi. Chữ quốc ngữ được khuyến khích sử dụng, được đưa vào dạy trong nhà trường, được dùng trong giao dịch hành chính, dân sự Thậm chí, ở xứ Nam kì, vùngđ ất thuộc địa của thực dân Pháp, chính quyền còn mạnh tay can thiệp bằng những sắc luật bắt buộc và ban bố những chính sách khuyến khích quyền lợi cụ thể đối với người biết chữ quốc ngữ. Kết quả, thứ chữ mới này đã đi vào đời sống, trở nên phổ biến, thông dụng. Đây là điều kiện thuận lợi cho nền văn học mới hình thành và phát triển. Như vậy, quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam không đơn thuần là sự tập hợp một số điều kiện, một số yếu tố cụ thể nào đó mà nó được sinh thành bởi nhiều nguyên nhân có cả yếu tố khách quan, có cả yếu tố chủ quan; vừa là kết quả có tính tất yếu lại vừa có cả những điều ngẫu nhiên, tình cờ. Sự hình thành nên văn học hiện đại từ quá trình hiện đại hóa không phụ thuộc hẳn vào sự kiện nào mà là cả một quá trình tích tụ, chuyển hóa, cạnh tranh mà thành. Chính điều này này tạo nên một đặc điểm riêng của lịch sử văn học Việt Nam và do đó, muốn phác thảo diện mạo của văn học Việt Nam hiện đại, cần một cách tiếp cận khác, với quan điểm tích hợp uyển chuyển hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Vũ Ngọc Phan (1942), Nhà văn hiện đại, Tân Dân xuất bản, Hà Nội. [2] Có thể so sánh trường hợp Tam nguyên Yên Đổ (1835-1909) một trong những tác gia tiêu biểu của văn học trung đạ i, với một người đồng thời là Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tác giả của những sáng tác bằng văn xuôi quốc ngữ ra đời giữa thế kỷ XIX để thấy rõ sự khác biệt này. [3] Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục xuất bản, Saigon. [4] Nguyễn Đăng Mạnh (1982), Văn học Việt Nam 1920 -1945, NXB Văn học. 117