Thực hành văn bản tiếng Việt - Nguyễn Hoàn Nguyên (Phần 1)

pdf 123 trang hapham 2120
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Thực hành văn bản tiếng Việt - Nguyễn Hoàn Nguyên (Phần 1)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthuc_hanh_van_ban_tieng_viet_nguyen_hoan_nguyen_phan_1.pdf

Nội dung text: Thực hành văn bản tiếng Việt - Nguyễn Hoàn Nguyên (Phần 1)

  1. NGUYỄN HOÀI NGUYÊN THỰC HÀNH VĂN BẢN TIẾNG VIỆT NGHỆ AN, 2012 MỤC LỤC 1
  2. Chương 1. Khái quát về tiếng Việt và bộ môn Thực hành văn bản tiếng Việt 1. Khái quát về tiếng Việt 1.1. Tiếng Việt và vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt 1.2. Vai trò của tiếng Việt 1.3. Đặc điểm của tiếng Việt 2. Bộ môn Thực hành văn bản tiếng Việt 2.1. Mục đích, yêu cầu 2.2. Các nội dung cơ bản của môn học Chương 2. Thực hành phân tích và tạo lập văn bản 1. Khái quát về văn bản 1.1. Khái niệm và những đặc điểm chính của văn bản 1.2. Đơn vị văn bản và các loại quan hệ trong văn bản 1.3. Phân loại văn bản 2. Thực hành phân tích văn bản khoa học 2.1. Một số vấn đề về phân tích văn bản 2.2. Thực hành phân tích văn bản khoa học 3. Thực hành tạo lập văn bản thông dụng 3.1. Một số vấn đề chung 3.2. Thực hành tạo lập văn bản thông dụng Chương 3. Thực hành phân tích và tạo lập đoạn văn 1. Giản yếu về đoạn văn 1.1. Khái niệm, đặc điểm 1.2. Câu chủ đề của đoạn văn 1.3. Cấu trúc của đoạn văn 1.4. Lập luận trong đoạn văn 2. Thực hành phân tích đoạn văn 2.1. Lưu ý khi phân tích đoạn văn 2.2. Thực hành phân tích đoạn văn 3. Thực hành tạo lập đoạn văn 2
  3. 3.1. Mục đích, yêu cầu viết đoạn văn 3.2. Các bước viết đoạn văn 3.3. Thực hành tách đoạn, chuyển đoạn, liên kết đoạn 3.4. Các loại lỗi của đoạn văn Chương 4. Thực hành viết câu trong văn bản 1. Một số vấn đề chung 1.1. Giản yếu về câu 1.2. Yêu cầu về viết câu trong văn bản 2. Luyện viết câu trong văn bản 2.1. Các thao tác viết câu trong văn bản 2.2. Biến đổi câu trong văn bản 3. Các loại lỗi thường gặp về câu 3.1. Lỗi về cấu tạo ngữ pháp 3.2. Lỗi về quan hệ ngữ nghĩa 3.3. Lỗi về dấu câu 3.4. Lỗi về phong cách Chương 5. Dùng từ và chính tả trong văn bản 1. Dùng từ trong văn bản 1.1. Yêu cầu về dùng từ trong văn bản 1.2. Các thao tác sử dụng từ trong văn bản 1.3. Các loại lỗi dùng từ 2. Chính tả tiếng Việt 2.1. Một số vấn đề chung 2.2. Luyện tập chính tả tiếng Việt 3
  4. LỜI GIỚI THIỆU Hiện nay, trong khung chương trình đào tạo của một số trường đại học, môn Thực hành văn bản tiếng Việt (hay Tiếng Việt thực hành), có thể là một môn bắt buộc, có thể là một môn tự chọn. Dù xây dựng chương trình theo hướng nào, thì có một một thực tế đặt ra: nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt trong giap tiếp và học tập cho sinh viên là một công việc không thể xem nhẹ. Đối với những sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội và nhân văn, tri thức tiếng Việt là một phần quan trọng không chỉ trong quá trình học tập các bộ môn ở trường đại học mà còn là hành trang gắn với nghề nghiệp được đào tạo. Với sinh viên các khoa thuộc khoa học tự nhiên – kỹ thuật – công nghệ, các kĩ năng tiếng Việt cũng không hề xa lạ, bởi tiếp nhận và tạo lập các văn bản khoa học là công việc phải tiến hành thường xuyên. Xuất phát từ thực tế đó, tiến sĩ Nguyễn Hoài Nguyên đã biên soạn giáo trình Thực hành văn bản tiếng Việt. Giáo trình được triển khai trong 5 chương, trình bày theo hướng: đi từ văn bản – đơn vị giao tiếp – đến các đơn vị bộ phận như đoạn văn, câu, từ ngữ, chữ viết và chính tả. Với mỗi chương, tác giả trình bày những vấn đề lí thuyết cơ bản, ngắn gọn, cô đúc và làm sáng tỏ các luận điểm lý thuyết bằng việc phân tích những ngữ liệu cụ thể, phù hợp. Bài tập trên lớp và bài tập về nhà của từng chương là những phần thiết yếu, giúp người học không những củng cố tri thức, mà quan trọng hơn, có thể tự thực hành các kỹ năng, đáp ứng các yêu cầu về sử dụng tiếng Việt. Việc phân bố thời gian học trên lớp (gồm lý thuyết và thực hành) và học ở nhà (ôn tập lý thuyết và làm bài tập) là sự định hướng hết sức cần thiết để người học có kế hoạch thực hiện chương trình, đáp ứng yêu cầu học tập theo học chế tín chỉ. Biên soạn giáo trình này, người viết ít nhiều có sự kế thừa kinh nghiệm của những người đi trước (tác giả của những cuốn Tiếng Việt thực hành từng được in ấn và phát hành thời gian qua). Tuy nhiên, với mục đích và đối tượng được xác định cụ thể, giáo trình này chắc chắn sẽ là học liệu cần thiết cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời là tài liệu tham khảo hữu ích cho những giáo viên dạy thực hành tiếng Việt trong nhà trường. Xin trân trọng giới thiệu cuốn Thực hành văn bản tiếng Việt của tiến sĩ Nguyễn Hoài Nguyên với độc giả. TS. Đặng Lưu Giảng viên bộ môn Ngôn ngữ Khoa Ngữ văn, Trường đại học Vinh 4
  5. Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ TIẾNG VIỆT VÀ BỘ MÔN THỰC HÀNH VĂN BẢN TIẾNG VIỆT 1. KHÁI QUÁT VỀ TIẾNG VIỆT 1.1. Tiếng Việt và vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt Cuộc sống của con người luôn gắn với hoạt động giao tiếp, trong đó, ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất. Thế nhưng, chúng ta chưa hiểu chính xác là đã nắm được ngôn ngữ như thế nào, đã nhận thức thế giới nhờ ngôn ngữ ra sao. Ngôn ngữ đến với mỗi người bình thường, tự nhiên đến mức ít ai tự hỏi ngôn ngữ là gì. Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu âm thanh đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người; đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, lưu trữ và truyền đạt truyền thống lịch sử - văn hóa của một cộng đồng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói đến ngôn ngữ là nói đến các ngôn ngữ cụ thể của các dân tộc với tư cách là phương tiện giao tiếp, chẳng hạn tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, v.v Tiếng Việt là ngôn ngữ của người Việt (còn gọi người Kinh), là tiếng phổ thông của các dân tộc thiểu số và là ngôn ngữ quốc gia Việt Nam. Tiếng Việt của chúng ta giàu và đẹp. Tiếng Việt rất giàu, bởi nó thể hiện đời sống muôn màu, đời sống tư tưởng và tình cảm phong phú của dân tộc ta; bởi nó phản ánh kinh nghiệm đấu tranh xã hội, đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm suốt hàng nghìn năm lịch sử. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp, bởi là thứ tiếng có nhiều nguyên âm và thanh điệu nên rất mềm mại, uyển chuyển, du dương nói mà như hát. Tiếng ta đẹp còn bởi có lớp từ láy, các tổ hợp từ cố định (thành ngữ) thể hiện sự đăng đối, hài hòa, gợi hình, gợi cảm. Tiếng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi cuộc sống của nhân dân ta từ ngàn xưa tới nay là cao quý. Vẻ giàu đẹp của tiếng Việt được khúc xạ trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng nhân dân, trong các thành ngữ, tục ngữ, ca dao, trong các áng văn chương của những nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Chẳng hạn: Hỡi cô tát nước bên đàng// Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi (Ca dao); hay: Long lanh đáy nước in trời// Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng (Nguyễn Du - Truyện Kiều). Tiếng Việt hiện nay, nhìn chung, có thể diễn tả 5
  6. sâu sắc đời sống tư tưởng và tình cảm đẹp đẽ của dân tộc, có khả năng to lớn trong việc truyền đạt tri thức văn hóa và khoa học kĩ thuật. Bởi vậy, tiếng Việt ngày càng có địa vị ngang hàng với các ngôn ngữ phát triển trên thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp (Báo Nhân dân, 9-9-1964). Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là gìn giữ và phát triển vốn từ vựng tiếng Việt, nói và viết đúng ngữ pháp tiếng Việt; giữ gìn bản sắc, tinh hoa phong cách tiếng Việt trong mọi thể văn. Cụ thể, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, trước hết là nói đúng và viết đúng chuẩn mực tiếng Việt về ngữ âm và chính tả, từ vựng, ngữ pháp; sau đó là nói hay, viết hay tiếng Việt trong các phong cách ngôn ngữ khác nhau. Cùng với việc sử dụng là nghiên cứu, xây dựng và phát triển tiếng Việt thành ngôn ngữ văn hóa chuẩn mực. 1.2. Vai trò của tiếng Việt 1.2.1. Đảm nhiệm các chức năng xã hội a. Công cụ trao đổi ý kiến trong đời sống chính trị - xã hội Suốt nghìn năm Bắc thuộc, trong thời kì độc lập và hơn tám mươi năm Pháp xâm lược, tiếng Việt bị chèn ép, luôn lép vế trước tiếng Hán, tiếng Pháp. Tiếng Việt chỉ tồn tại sau lũy tre xanh, chủ yếu dùng để bàn việc làng, ít khi được dùng để bàn việc nước. Nhưng từ Cách mạng tháng Tám, tiếng Việt đã gánh vác đầy đủ chức năng làm công cụ trao đổi ý kiến trong đời sống chính trị - xã hội của cả nước, và chức năng ấy ngày càng được phát huy theo đà cách mạng phát triển, đưa mọi tầng lớp nhân dân bước lên vũ đài chính trị, cổ vũ mọi người tích cực tham gia hai cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. b. Công cụ giáo dục quốc dân Trước năm 1945, tiếng Việt chỉ được dùng vào công việc giáo dục ở ba lớp đầu của cấp tiểu học, còn các lớp tiếp sau phải dùng song ngữ Việt - Pháp. Chính sách ngôn ngữ ấy cùng với các chính sách ngu dân khác hạn chế hoạt động giáo dục, đẩy nhân dân ta vào tình trạng mù chữ. Nhưng liền sau Cách mạng tháng Tám, công việc trước nhất của chính phủ và Hồ Chủ tịch là thanh toán nạn mù chữ, tiến hành sự nghiệp giáo dục ở mọi cấp bằng tiếng Việt. Nhờ vậy, sự nghiệp giáo dục Việt Nam có bước phát triển rất nhanh. Chúng ta đã xóa mù trong một thời gian ngắn; đã dùng tiếng Việt giảng dạy ở mọi cấp học từ phổ thông, đại học và sau đại học. Hiện nay, tiếng Việt có thể truyền đạt được mọi tư tưởng cao sâu, hiện đại trong các ngành khoa học, kĩ thuật và khoa học xã hội nhân văn, trở thành công cụ sắc bén trong sự nghiệp hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà. 6
  7. c. Phục vụ công tác hành chính - pháp luật Chức năng phục vụ công tác hành chính - pháp luật của tiếng Việt cũng được mở rộng gấp nhiều lần so với trước. Tất cả các văn bản pháp quy (hiến pháp, các bộ luật, pháp lệnh, quyết định, nghị định, chỉ thị, thông tư, công văn, báo cáo, v.v.), mọi sự thảo luận, công bố từ Quốc hội, Chính phủ đến hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, từ Trung ương đến địa phương đều được soạn thảo bằng tiếng Việt. d. Tiếng phổ thông cho các dân tộc thiểu số Trước đây, tiếng Việt được các dân tộc thiểu số biết đến nhưng trong phạm vi hẹp. Từ sau năm 1945, Việt Nam là quốc gia gồm 54 dân tộc anh em cùng chung vận mệnh, cùng chung mục tiêu phấn đấu nên sự giao lưu, tiếp xúc giữa các dân tộc ít người với dân tộc Việt (Kinh), giữa các dân tộc ít người với nhau chặt chẽ hơn các thời kì trước. Thêm nữa, chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước hết sức đúng đắn, đó là chính sách bình đẳng và tự nguyện. Do đó, thực tế, các dân tộc ít người vừa sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình, vừa tự nguyện dùng tiếng Việt để giao tiếp. Như vậy, chức năng xã hội của tiếng Việt được mở rộng thêm: làm công cụ giao tiếp của tất cả các dân tộc sống chung trên lãnh thổ Việt Nam. Tiếng Việt có điều kiện ảnh hưởng tới sự phát triển của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. e. Chất liệu của sáng tạo nghệ thuật Trước cách mạng, nền văn học Việt Nam thực sự phát triển song đó là một nền văn học chưa thực sự mang tính dân tộc. Các tác phẩm văn chương vừa được sáng tác bằng chất liệu tiếng Việt (văn học dân gian, các tác phẩm bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, v.v.), vừa bằng ngôn ngữ xa lạ với ngôn ngữ quần chúng (tiếng Hán - Việt, chữ Hán). Sau cách mạng, một nền văn học mới đã hình thành. Nó phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ, khắc họa những hình tượng sâu sắc bằng chất liệu tiếng Việt. Vì thế, tiếng Việt - yếu tố thứ nhất của văn học - đã trở thành một ngôn ngữ toàn năng của một nền văn học đa dạng, phong phú, hiện đại. g. Công cụ truyền thông, xuất bản Dưới chế độ cũ, báo chí truyền thông, xuất bản có phần xa lạ đối với quần chúng nhân dân. Từ sau cách mạng, sự nghiệp báo chí, truyền thông đại chúng và xuất bản bằng tiếng Việt đã phát triển mạnh mẽ. Do đó, tiếng Việt mở rộng thêm chức năng xã hội làm công cụ của công tác thông tin đại chúng, phát triển sự nghiệp báo chí và xuất bản. 1.2.2. Thể hiện nếp nghĩ, tình cảm, tâm hồn dân tộc a. Tiếng Việt thể hiện cách nghĩ, cách cảm của người Việt Nam 7
  8. Suy nghĩ của mỗi người bao giờ cũng xuất phát từ ngôn ngữ, do ngôn ngữ mẹ đẻ quyết định. Tiếng Việt ngày nay có thể biểu đạt đầy đủ các giá trị tinh thần của một dân tộc đã đạt tới trình độ văn hóa tương đối cao, có khả năng ảnh hưởng tới văn hóa của một số dân tộc khác. Tiếng Việt là một ngôn ngữ phát triển hoàn thiện vì nó thỏa mãn mọi nhu cầu giao tiếp xã hội, thể hiện một cách sâu sắc nếp nghĩ, cách cảm, khát vọng của con người Việt Nam. Có thể thấy rõ điều đó trong các sáng tác dân gian như tục ngữ, ca dao, hò vè, v.v. hoặc trong các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Đó chính là lời ăn tiếng nói của nhân dân kết tinh từ bao đời, thể hiện trí tuệ và tâm hồn của người Việt. b. Tiếng Việt chứa đựng văn hóa dân tộc Ngôn ngữ là một thành tố của văn hóa, nhưng đồng thời cũng là địa chỉ của văn hóa. Thực tế, tiếng Việt thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Cuộc sống, lịch sử, kiểu lựa chọn của cộng đồng trong tất cả các lĩnh vực xã hội đều được khúc xạ trong tiếng Việt, qua các bình diện: ngữ âm (giàu nhạc tính), từ vựng (đa dạng, phong phú, mở), ngữ pháp (mềm dẻo, linh hoạt). 1.3. Đặc điểm cơ bản của tiếng Việt 1.3.1. Tiếng Việt là ngôn ngữ âm tiết tính, đa thanh điệu a. Đặc điểm âm tiết tính được thể hiện ở các khía cạnh sau: - Trong dòng âm thanh, các âm tiết được phát âm thành những khúc đoạn riêng rẽ, tách bạch (có đường ranh giới dứt khoát, rõ ràng), không đọc nối như tiếng Nga, tiếng Anh, v.v Còn khi viết, các âm tiết được viết rời (giữa các con chữ ghi âm tiết có khoảng cách đều nhau), không viết liền. So sánh: từ sinh viên, trong tiếng Việt, đọc/ phát âm rời thành hai đoạn âm sinh / viên và viết rời; trong tiếng Anh, cũng hai âm tiết nhưng đọc/ phát âm nối liền, viết liền: student. - Âm tiết tiếng Việt, phần lớn trùng với đơn vị nhỏ nhất mà có nghĩa, tức hình vị; đồng thời, những đơn vị ấy có thể vận dụng độc lập để đặt câu, nghĩa là ranh giới âm tiết, hình vị và từ (đơn tiết) trùng nhau (ví dụ: nhà, xe, ăn, học, tốt, xấu, v.v.). Do vậy, âm tiết, còn gọi là tiếng, vừa có thể là từ nên có tính tự lập. So sánh: tiếng Việt: cậu/bé (hai âm tiết = 2 hình vị); tiếng Anh: boy/s và [bj:z] (2 hình vị, 1 âm tiết). b. Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu, gồm 6 thanh (tiếng Lào có 5 thanh, tiếng Hán 4 thanh, tiếng Miến Điện 3 thanh). Ví dụ: ma, mà, mã, mả, má, mạ. Thanh điệu là đặc trưng độ cao và có tác dụng khu biệt nghĩa cho các âm tiết, góp phần quan trọng làm nên nhạc tính cho tiếng Việt. 8
  9. 1.3.2. Từ tiếng Việt không biến đổi hình thái Nếu ở một số ngôn ngữ như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, từ được sử dụng trong lời nói có sự biến đổi hình thái (hình thức âm thanh) để biểu thị các phạm trù ngữ pháp (giống, số, cách, thời, thể, thức) thì trong tiếng Việt, mỗi từ là một diện mạo cố định, không biển đổi hình thức âm thanh dù là ở dạng từ điển hay trong các câu nói (ngữ cảnh). So sánh, (1) ở dạng độc lập, tiếng Việt: tôi, yêu, cô ấy; tiếng Anh: I, love, she; (2) Ở dạng câu nói, tiếng Việt: Tôi yêu cô ấy// Cô ấy yêu tôi. Còn tiếng Anh: I love her// She loves me. 1.3.3. Đặc trưng về cấu tạo từ, về mặt ngữ pháp Trong tiếng Việt, trật tự, hư từ, ngữ điệu có vai trò hết sức quan trọng thể hiện ý nghĩa ngữ pháp, trong việc tổ chức các đơn vị giao tiếp. a. Trật tự, nghĩa là sự xuất hiện kế tiếp theo thứ tự trước/sau của các yếu tố. So sánh, ở cấp độ từ: quốc vương / vương quốc, hành quân / quân hành, gió trăng / trăng gió, v.v ; ở cấp độ câu: Mẹ thương con / Con thương mẹ, v.v. sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt. b. Hư từ là những từ biểu thị quan hệ ngữ pháp giữa các thực từ. Chẳng hạn: và, hay, hoặc, còn, v.v. (quan hệ đẳng lập); của, ở, bằng, v.v. (quan hệ chính phụ). So sánh: tính cách người lớn/ tính cách của người lớn; hay: sách của thư viện/ sách ở thư viện, v.v c. Ngữ điệu là tổng hòa những sự diễn biến âm thanh (độ dài, độ mạnh, độ cao) nhằm thể hiện và phân biệt các câu nói. Ví dụ: câu nói Tất cả im lặng, nếu xuống giọng ở cuối (độ cao), là câu tường thuật (khi viết dùng dấu chấm); còn nếu nhấn giọng (độ mạnh) sẽ là câu mệnh lệnh (khi viết dùng dấu chấm than). 2. BỘ MÔN THỰC HÀNH VĂN BẢN TIẾNG VIỆT 2.1. Mục đích, yêu cầu 2.1.1. Mục đích Trong trường đại học, bộ môn Thực hành văn bản tiếng Việt hướng đến các mục đích: - Hệ thống hóa các kiến thức cơ bản về tiếng Việt, về lí thuyết tiếp nhận và tạo lập văn bản tiếng Việt. - Giúp người học có khả năng phân tích, lí giải các hiện tượng ngôn ngữ trong sử dụng một cách hệ thống, logíc. - Rèn luyện năng lực sử dụng tiếng Việt, rèn luyện kĩ năng soạn thảo các loại văn bản nhật dụng, các văn bản theo đặc trưng chuyên ngành. - Bồi dưỡng tình cảm quý mến và trân trọng tiếng mẹ đẻ, nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển “thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”. 9
  10. 2.1.2. Yêu cầu - Người học có thái độ học tập đúng đắn, nắm vững mục đích của môn học Thực hành văn bản tiếng Việt để xác định phương pháp học tập phù hợp. - Có ý thức tự giác, nghiêm túc rèn luyện kĩ năng thực hành phân tích và tạo lập văn bản thuộc các phong cách ngôn ngữ; thực hiện đầy đủ các nội dung thảo luận và bài tập thực hành trên lớp và ở nhà. - Chú trọng rèn luyện kĩ năng phân tích và tạo lập các loại văn bản nhật dụng, văn bản chuyên ngành. - Có khả năng phát hiện và sửa chữa các loại lỗi của văn bản. 2.2. Các nội dung cơ bản của môn học Về nội dung của môn học, ngoài những nội dung chính theo chương trình chung (của Bộ giáo dục và đào tạo), giáo trình này, chúng tôi còn chú ý đến những lỗi sử dụng ngôn ngữ mà sinh viên thường hay mắc phải trong việc tiếp nhận và tạo lập văn bản. Ngoài chương 1 trình bày những kiến thức nhập môn, các nội dung chính trình bày trong bốn chương tiếp theo: Chương 2. Thực hành phân tích và tạo lập văn bản, trình bày giản yếu về văn bản (khái niệm, đặc trưng, các loại văn bản); trọng tâm thực hành là kĩ năng phân tích và tạo lập văn bản, (chú trọng văn bản hành chính và văn bản khoa học). Chương 3. Thực hành phân tích và xây dựng đoạn văn, thuyết minh vắn tắt lí thuyết đoạn văn (khái niệm, cấu trúc, câu chủ đề, các loại đoạn văn); tập trung cho việc rèn luyện kĩ năng tổ chức đoạn và liên kết đoạn. Chương 4. Luyện câu trong văn bản, trình bày sơ lược lí thuyết về câu (các loại câu về cấu trúc và mục đích giao tiếp, câu và phát ngôn, biến đổi câu); rèn luyện viết câu trong văn bản, phát hiện lỗi và sửa chữa câu sai. Chương 5. Rèn luyện dùng từ và chính tả, tập trung rèn luyện các thao tác dùng từ (lựa chọn, thay thế); rèn luyện viết đúng chính tả trong văn bản; phát hiện và sửa chữa các lỗi dùng từ và chính tả. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH * Phần thảo luận và thực hành trên lớp 1. Tại sao nói Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ? Nêu vị thế của tiếng Việt trong các ngôn ngữ trên lãnh thổ Việt Nam. 10
  11. 2. Trình bày vai trò của tiếng Việt. Liên hệ việc sử dụng tiếng Việt trong nói/ viết hàng ngày của bản thân. 3. Phân tích các đặc điểm cơ bản của tiếng Việt (có dẫn chứng minh họa). 4. Phân tích và chứng minh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, bảo vệ nó, làm cho nó phát triển ngày càng rộng khắp. 5. Trình bày cách hiểu của anh/ chị về câu: Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. 6. Nêu những câu tục ngữ, ca dao, châm ngôn, những thành ngữ nói về ngôn ngữ và việc sử dụng ngôn ngữ. * Phần tự học ở nhà 1. Nêu nhận thức của anh/ chị về bộ môn Thực hành văn bản tiếng Việt. Những định hướng của anh/ chị khi học bộ môn này. 2. Đọc các văn bản/ đoạn trích sau đây để cảm nhận tiếng Việt giàu đẹp, có bản sắc riêng. a. Đồng đăng có phố Kì Lừa, Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh. Ai lên xứ Lạng cùng anh, Bõ công bác mẹ sinh thành ra em. Tay cầm bầu rượu, nắm nem, Mảng vui quên hết lời em dặn dò (Ca dao) b. KIỀU TIỄN BIỆT THÚC SINH Người lên ngựa, kẻ chia bào Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san Dặm hồng bụi cuốn chinh an Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường! (Nguyễn Du - Truyện Kiều) 11
  12. c. CHIỀU Hồ Dzếnh Trên đường về nhớ đầy Chiều chậm đưa chân ngày Tiếng buồn vang trong mây. Chim rừng quên cất cánh Gió say tình ngây ngây Có phải sầu vạn cổ Chất trong hồn chiều nay Tôi là người lữ khách Màu chiều khó làm khuây Ngỡ lòng mình là rừng Ngỡ hồn mình là mây Nhớ nhà châm điếu thuốc Khói huyền bay trên cây d. TỲ BÀ Bích Khê Nàng ơi! Tay đêm đương giăng mềm Tay đan qua cành muôn tay êm Mây nhung pha màu thu trên trời Sương lam phơi màu thu muôn nơi Vàng sao nằm im trên hoa gầy Tương tư người xưa thôi qua đây 12
  13. Ôi nàng năm xưa quên lời thề Hoa vừa đương hương gây đê mê Cây đàn yêu đương làm bằng thơ Dây đàn yêu đương run trong mơ Hồn về trên môi kêu: em ơi Thuyền hồn không đi lên chơi vơi Tôi qua tim nàng vay du dương Tôi mang lên lầu lên cung thương Ôi tôi bao giờ thôi yêu nàng Tình tang tôi nghe như tình lang Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi Tìm đâu đào nguyên cho xa xôi Đào nguyên trong lòng nàng đây thôi Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu Sao tôi không màng kêu: em yêu Trăng nay không nàng như trăng thiu Đêm nay không nàng như đêm hiu Buồn lưu cây đào xin hơi xuân Buồn sang cây tùng thăm đông quân Ô hay buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông e. CÁT ĐỢI Nguyễn Việt Chiến Cát chiều nay sẫm bên sông Thương con đò ngược mùa đông chưa về 13
  14. Lối mòn bạc cỏ chân đê Chiều mòn rỗng tiếng chim gì kêu đau Sóng đem từ bến sông nào Theo trăng về thức dưới màu mây xưa Tôi hoang vu, cát hoang vu Trăng là người khách qua đò đêm nay Cô đơn xuống một đò đầy Tôi chờ em phía bên này mùa đông Cát còn bay trắng bên sông Người còn đi trắng mùa mong ước này Tôi cầm hạt cát trên tay Đêm không còn ấm như ngày có em Tôi cầm cả chính tôi lên Câu thơ nhặt được phía miền quạnh hiu Câu thơ như cát mỗi chiều Mang theo chút ấm nắng nghèo vào đêm PHẦN HƯỚNG DẪN HỌC TẬP CHƯƠNG 1 1. Tài liệu cần đọc (1) Phan Mậu Cảnh, Hoàng Trọng Canh, Nguyễn Văn Nguyên, Tiếng Việt thực hành, Nxb Nghệ An, 2009, từ trang 7 đến trang 13. (2) Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành, Nxb Giáo dục, H. 1997, từ trang 8 đến trang 21. 2. Nội dung trọng tâm cần nắm - Vai trò và các đặc điểm cơ bản của tiếng Việt. - Mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình môn học 3. Cách tổ chức học - Trên lớp: nghe giảng, thảo luận nhóm các nội dung thảo luận thực hành tại lớp. - Tự học: làm các bài tập ở cuối bài học. 14
  15. Chương 2. THỰC HÀNH PHÂN TÍCH VÀ TẠO LẬP VĂN BẢN 1. KHÁI QUÁT VỀ VĂN BẢN 1.1. Khái niệm và những đặc điểm chính của văn bản 1.1.1. Khái niệm văn bản a. Đơn vị giao tiếp của ngôn ngữ Từ lâu, chúng ta xem câu là đơn vị hoàn chỉnh nhất, đơn vị cuối cùng của ngôn ngữ dùng để giao tiếp. Thực tế không phải như vậy, bởi vì, đơn vị dùng để giao tiếp là văn bản. Khi giao tiếp, người ta tạo ra văn bản và chính các văn bản ấy lại trở thành công cụ chuyển tải các ý tưởng, cảm xúc, làm cho hoạt động giao tiếp được xác lập. Vậy là, có thể nói, văn bản vừa là sản phẩm, vừa là phương tiện của hoạt động giao tiếp. Xét các ví dụ: (1) Đàn cá hồi gặp thác phải nghỉ lại lấy sức để sáng mai vượt sóng. Những đôi vây xòe ra như đôi cánh. Nước tung lên thành những búi trắng như tơ. Mặt trời vừa nhô lên. Suốt đêm, thác réo điên cuồng. Dòng thác óng ánh sáng rực dưới nắng. Suốt đêm đàn cá rậm rịch. Những con cá hồi lấy đà lao vút lên như chim. Đậu “chân” bên kia ngọn thác, chúng chưa kịp chờ cho cơn choáng đi qua, lại hối hả lên đường. Lần lượt, chúng vượt qua thác nước. (2) CÁ HỒI VƯỢT THÁC Đàn cá hồi gặp thác phải nghỉ lại lấy sức để sáng mai vượt sóng. Suốt đêm, thác réo điên cuồng. Nước tung lên thành những búi trắng như tơ. Suốt đêm, đàn cá rậm rịch. Mặt trời vừa nhô lên. Dòng thác óng ánh sáng rực dưới nắng. Tiếng nước xối gầm vang. Những con cá hồi lấy đà lao vút lên như chim. Chúng xé toạc màn mưa bạc trắng. Những đôi vây xòe ra như đôi cánh. Lần lượt, chúng vượt qua thác nước. Đàn cá hồi vượt thác an toàn. Đậu “chân” bên kia ngọn thác, chúng chưa kịp chờ cho cơn choáng đi qua, lại hối hả lên đường. (Nguyễn Phan Hách) 15
  16. Tìm hiểu các ví dụ trên, ta thấy: ở mỗi chuỗi câu đều có nhiều câu; mỗi câu trong đó đều có nghĩa, thể hiện một thông báo nhất định; các câu đều đúng ngữ pháp. Nhưng hai chuỗi câu trên có nhiều điểm khác nhau: ở (1) là chuỗi câu, trong đó, mỗi câu diễn đạt một ý nhưng các ý lan man không tạo nên thông tin hoàn chỉnh; còn ở (2) là chuỗi câu, mỗi câu là một ý nhưng các ý liên quan với nhau, đều hướng đến một nội dung khái quát tạo nên một thông tin trọn vẹn, logic. Còn nữa, ở (1) chưa có hình thức hoàn chỉnh, chỉ là một tập hợp câu đứng cạnh nhau; trong khi đó, ở (2) có hình thức rõ ràng, mạch lạc và hoàn chỉnh: có tiêu đề, có phần mở, phần thân và phần kết. Chuỗi (2) có thể dùng để giao tiếp mà không một điều kiện nào khác. Có thể xem chuỗi (2) là một văn bản. Như vậy, các câu đúng và độ dài không phải là điều kiện quyết định một chuỗi câu nào đó thành văn bản. Văn bản phải là một tập hợp câu kết hợp theo một phương thức nhất định nhằm xác lập một thông tin trọn vẹn. b. Định nghĩa văn bản Hiện tại, khái niệm văn bản được hiểu theo nghĩa rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng, văn bản chỉ sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ ở cả hai hình thức nói và viết; còn theo nghĩa hẹp, văn bản chỉ sản phẩm giao tiếp bằng ngôn ngữ tồn tại ở dạng viết. Liên quan đến văn bản còn có các khái niệm ngôn bản, diễn ngôn, v.v Có thể định nghĩa văn bản như sau: Văn bản là sản phẩm hoàn chỉnh của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, chủ yếu tồn tại ở dạng viết, thường là một tập hợp câu có tính liên kết chặt chẽ, trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức, độc lập trong giao tiếp và có một hướng đích nhất định. 1.1.2. Những đặc điểm chính của văn bản a. Tính trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức Văn bản là một thể thống nhất hoàn chỉnh về nội dung và hình thức. Về nội dung, văn bản là đơn vị lời nói có nội dung thông tin trọn vẹn: làm cho người khác hiểu được một sự việc, một tư tưởng hay một tình cảm nào đó, tức là có tính nhất quán về chủ đề. Về hình thức, văn bản có kết cấu hoàn chỉnh gồm tiêu đề, các phần mở đầu, triển khai và kết thúc; có hàng loạt các dấu hiệu liên kết (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, v.v.) để biểu thị mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau giữa các tạo tố, các thành tố, các phần trong tính chính thể văn bản. b. Tính liên kết chặt chẽ, mạch lạc Liên kết chỉ có ở cấp độ văn bản, là thuộc tính đặc thù của văn bản. Liên kết, đó là mạng lưới các mối quan hệ qua lại giữa các câu, các đoạn, các phần của văn bản. Liên kết văn bản 16
  17. thể hiện ở hai mặt: liên kết nội dung và liên kết hình thức. Liên kết nội dung là mạng lưới liên hệ về logic và ngữ nghĩa giữa các câu, các đoạn, các phần hướng về cùng một chủ đề. Nếu không có liên kết nội dung thì văn bản sẽ mắc lỗi chủ đề, hoặc lỗi logic. Liên kết hình thức là sử dụng các phương thức và phương tiện ngôn ngữ để gắn các câu thành đoạn, các đoạn thành các phần, các phần thành văn bản. Liên kết hình thức là để phục vụ liên kết nội dung. c. Tính hướng đích Mỗi văn bản đều hướng tới một mục đích nhất định. Mục đích của văn bản có thể được bộc lộ một cách trực tiếp (thông tin hiển ngôn), hoặc gián tiếp (thông tin hàm ngôn). Cách bộc lộ trực tiếp và/hoặc gián tiếp chi phối cách tổ chức văn bản (việc chọn và cách thức tổ chức các chất liệu nội dung, việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ). 1.2. Đơn vị của văn bản và các loại quan hệ trong văn bản 1.2.1. Đơn vị của văn bản Không tính đến các văn bản đặc biệt kiểu như Uống nước nhớ nguồn (tục ngữ), Hỡi cô tát nước bên đàng// Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi (ca dao), hoặc các văn bản có độ dài gồm nhiều tập sách, như Những người khốn khổ (tiểu thuyết, 4 tập) v.v. thì văn bản là một cấu trúc gồm các tổ hợp đoạn, mục, chương, phần, trong đó, tổ hợp đoạn có tính thông dụng và định hình nhất. Ở dạng nói, đoạn được gọi là đoạn lời, còn ở dạng viết, đoạn được gọi là đoạn văn. Nhiều nhà nghiên cứu ngữ pháp văn bản cho rằng đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo lập văn bản, vừa phụ thuộc vừa có tính độc lập trong cấu trúc văn bản. 1.2.2. Các loại quan hệ của văn bản a. Quan hệ hướng nội Quan hệ hướng nội là quan hệ trong nội tại văn bản. Đó là quan hệ giữa các câu, các đoạn, các phần, quan hệ giữa các thành tố nội dung chi tiết với các chủ đề bộ phận và giữa các chủ đề bộ phận với chủ đề văn bản. Tìm hiểu ví dụ sau: BIỂN ĐẸP (1) Biển nhiều khi cũng đẹp, một vẻ đẹp nồng nàn, đắm say. Nếu chú ý quan sát, ta sẽ lí giải được vì sao biển đẹp. (2) Buổi sớm nắng sáng, những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào, hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh. Bọt sóng trắng xóa mênh mông. Có buổi sớm nắng mờ, biển bốc hơi nước, không nom thấy núi xa, chỉ một màu trắng đục. Không có thuyền, không có sóng, không có mây, không có sắc biếc của da trời. 17
  18. (3) Có một buổi chiều, gió mùa đông bắc vừa dừng. Biển lặng, đỏ đục, dày như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai đem rắc lên trên. Lại đến một buổi chiều, nắng tàn, mát dịu. Biển xanh veo màu mảnh chai. Những núi xa lam nhạt pha màu trắng sữa. Không có gió mà sóng cứ vỗ đều đều, rì rầm. Những con sóng nhè nhẹ liếm trên bãi cát, bọt sóng màu bưởi đào. (4) Thế đấy, biển rất đẹp, ai cũng thấy thế. Nhưng có một điều ít ai chú ý: vẻ đẹp của biển phần lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên. (Vũ Tú Nam) ta thấy, giữa tiêu đề Biển đẹp với toàn bộ nội dung được thể hiện trong các câu, hoặc giữa các phần mở đầu (đoạn 1), triển khai (các đoạn 2, 3) và phần kết thúc (đoạn 4) đều gắn bó chặt chẽ với nhau. b. Quan hệ hướng ngoại Quan hệ hướng ngoại là quan hệ giữa văn bản với hiện thực được nói tới, với người tạo lập và tiếp nhận văn bản, giữa văn bản với môi trường văn hóa, xã hội, lịch sử, v.v. trong đó văn bản được sản sinh. Xét ví dụ Biển đẹp, ta thấy, những vẻ đẹp của biển mà văn bản miêu tả là phù hợp với thực tế. Vẻ đẹp của biển thì ai cũng có thể nhận ra, nhưng lí giải vì sao biển đẹp thì người đọc có trải nghiệm mới thấy được. 1.3. Phân loại văn bản 1.3.1. Dựa vào hình thức tồn tại, có 2 loại: văn bản dạng nói/ văn bản dạng viết. a. Văn bản dạng nói (văn bản hội thoại) bao gồm các cuộc trò chuyện hàng ngày, đàm phán, thảo luận, giảng bài, phát biểu ý kiến, v.v Đặc điểm ngôn ngữ: tính thông tục của từ ngữ và câu, tính ngắn gọn, tỉnh lược, nói lửng, không liên tục, sử dụng ngữ điệu tự nhiên, sinh động; sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ bổ trợ (cử chỉ điệu bộ, nét mặt, ánh mắt, tư thế cơ thể, v.v.). b. Văn bản dạng viết (văn bản diễn thoại) bao gồm các loại văn bản được viết, in ấn trên các chất liệu có mặt phẳng, trên vi tính, v.v Đặc điểm ngôn ngữ: từ ngữ sách vở, trau chuốt văn vẻ, câu văn thường mở rộng, thường xuyên sử dụng các phương tiện liên kết, v.v 1.3.2. Dựa vào phong cách chức năng, có các loại: văn bản hành chính, văn bản khoa học, văn bản chính luận, văn bản báo chí, văn bản nghệ thuật. a. Văn bản hành chính - Văn bản hành chính là loại văn bản dùng trong các hoạt động tổ chức, quản lí, điều hành xã hội, phục vụ giao tiếp trong lĩnh vực hành chính - công vụ (giữa các cơ quan nhà nước với 18
  19. nhau và giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân, giữa các tổ chức với nhau, và với nhân dân, v.v.) - Các loại văn bản hành chính gồm: văn bản quy phạm pháp luật (hiến pháp, các bộ luật, nghị định, chỉ chị, thông tư, v.v.), văn bản chuyên môn (gắn với các lĩnh vực, các ngành), văn bản hành chính thông thường (đơn từ, biên bản, đề án, hợp đồng, báo cáo, công văn, văn bằng, chứng chỉ, v.v.). - Đặc điểm cơ bản của văn bản hành chính: tính quy phạm, khuôn mẫu; tính chính xác, minh bạch và nghiêm túc; tính hiệu lực cao. - Đặc điểm ngôn ngữ * Về từ ngữ, sử dụng phổ biến các danh từ riêng, các tổ hợp từ chỉ tên riêng (chỉ người, tổ chức, địa danh, tên người gọi theo chức trách trong quan hệ hành chính - công vụ, v.v.); sử dụng thường xuyên các quán ngữ, những từ ngữ thuộc thể thức công vụ; sử dụng phổ biến lớp từ Hán-Việt. Từ ngữ được sử dụng đòi hỏi chính xác, chặt chẽ, đơn nghĩa, trung hòa biểu cảm. * Về cú pháp và diễn đạt, chỉ sử dụng câu tường thuật và câu cầu khiến; có thể sử dụng kết hợp câu đơn và câu phức, dùng câu không đầy đủ thành phần ngữ pháp; có thể có những quy định về chữ viết, cách bố trí văn bản. Văn bản hành chính thường trình bày theo lối diễn dịch, hoặc quy nạp. b. Văn bản khoa học - Văn bản khoa học là những văn bản phản ánh hoạt động trí tuệ, nhận thức, có chức năng chủ yếu là thông báo và chứng minh, dùng trong lĩnh vực hoạt động khoa học. - Các loại văn bản khoa học gồm: các văn bản chuyên sâu (công trình khoa học, chuyên luận, luận án, luận văn, v.v.); các văn bản giáo khoa (giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học, tài liệu tham khảo trong nhà trường, v.v.); các văn bản phổ cập khoa học (bài báo, tài liệu phổ biến, thông báo khoa học, v.v.). - Đặc điểm của văn bản khoa học Văn bản khoa học có tính trừu tượng - khái quát, bởi chức năng của nó là thông báo, chứng minh chân lí, những tính quy luật phát hiện bằng tư duy khoa học. Văn bản khoa học còn có tính chính xác - khách quan và tính logíc nghiêm ngặt (duy lí) vì nó được xây dựng bằng những phán đoán, suy lí chính xác, logíc. - Đặc điểm ngôn ngữ * Về từ ngữ, các từ ngữ có nghĩa chính xác, đơn nghĩa, trung hòa về biểu cảm; sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, những từ công cụ, từ có nghĩa trừu tượng. Từ loại được dùng 19
  20. phổ biến là danh từ (xu hướng định danh hóa các sự kiện, hoạt động, tính chất, v.v.) và đại từ (thường mang ý nghĩa khái quát, dùng chủ yếu ngôi ba và ngôi nhất số nhiều). * Về cú pháp, câu văn có kết cấu chặt chẽ, rõ ràng (có thể dùng cả câu khuyết chủ ngữ hoặc chủ ngữ không xác định); sử dụng chủ yếu câu tường thuật. Loại câu phức hợp, đặc biệt loại câu ghép chính phụ có các cặp quan hệ từ hô ứng (chỉ quan hệ nguyên nhân, nhượng bộ, tăng tiến, v.v.) cũng được sử dụng rộng rãi. * Về kết cấu và diễn đạt, văn bản khoa học thường được xây dựng theo một thể thức nghiêm ngặt (chẳng hạn, một bài báo có các phần: 1/ tính thời sự của vấn đề, 2/ trình bày hệ thống nội dung vấn đề kèm theo phân tích, lí giải, nhận xét, 3/ đưa ra những kết luận (hệ quả của phần thứ hai). Diễn đạt trong văn bản khoa học phải mạch lạc, khúc chiết, logíc. c. Văn bản chính luận - Văn bản chính luận là loại văn bản trình bày, giải thích, đánh giá, bày tỏ thái độ đối với những vấn đề nảy sinh trong đời sống chính trị - xã hội (chiến tranh, hòa bình, lẽ sống, hạnh phúc, lao động, môi trường, v.v.). Văn bản chính luận có chức năng thông tin, tuyên truyền, thuyết phục, đem lại cho người tiếp nhận một cách nhìn, một thái độ. - Các loại văn bản chính luận gồm: các văn bản hiệu triệu (báo cáo chính trị, cương lĩnh của một tổ chức, tuyên ngôn độc lập, lời kêu gọi, v.v.); các văn bản bình giá (bình luận, xã luận trên các phương tiện truyền thông, các ý kiến tham luận đại hội, hội nghị, mít tinh, v.v.). - Đặc điểm của văn bản chính luận Văn bản chính luận có các đặc điểm là tính bình giá công khai (tính khuynh hướng), tính lập luận chặt chẽ (thuyết phục người đọc/người nghe bằng những lí lẽ sắc bén, những dẫn chứng xác thực, sắp xếp bằng một trình tự mạch lạc) và tính biểu cảm (người viết/nói bộc lộ cảm xúc chân thành, sâu sắc qua các cách diễn đạt sinh động, giàu hình ảnh). - Đặc điểm ngôn ngữ * Về từ ngữ, ngoài lớp từ toàn dân, còn dùng phổ biến lớp từ chính trị, lớp từ có tính chất thuật ngữ của các ngành khoa học; có thể sử dụng lớp từ ngữ giàu màu sắc tu từ (từ khẩu ngữ, từ sách vở). * Về cú pháp và diễn đạt, dùng nhiều câu tường thuật và câu cầu khiến (không dùng câu hỏi và câu cảm thán); kết hợp linh hoạt câu ngắn và câu dài (khẳng định, đánh giá dùng câu ngắn, còn trình bày, bàn luận dùng câu dài). Về cách diễn đạt, văn bản chính luận, một mặt, đòi hỏi trình bày vấn đề mạch lạc, logíc, mặt khác, có thể sử dụng các phương tiện biểu cảm (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ tu từ, v.v.), các biện pháp tu từ (lặp cú pháp, sóng đôi, v.v.). 20
  21. d. Văn bản báo chí - Văn bản báo chí là loại văn bản có chức năng cung cấp thông tin thời sự (cung cấp tin tức, phản ánh công luận, thông tin - quảng cáo) và điều chỉnh dư luận xã hội. Như vậy, văn bản báo chí hướng đến giao tiếp lí trí và tác động trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết (ấn phẩm), báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình), báo mạng (trực tuyến). - Đặc điểm nổi bật của văn bản báo chí là tính thời sự (tin giờ chót, tin cuối ngày, bản tin không giờ, nhật báo, v.v.), tính đại chúng (dành cho số đông, dành cho mỗi tầng lớp người, từng lứa tuổi, v.v.), tính hấp dẫn (bắt mắt bằng nhiều hình thức). Ngôn ngữ báo chí cũng hướng đến những đặc điểm này. - Đặc điểm ngôn ngữ báo chí * Về từ ngữ, sử dụng phổ biến các danh từ riêng (chỉ người, địa danh); thường sử dụng lớp từ ngữ có cấu tạo đặc biệt thể hiện cảm xúc, có màu sắc biểu cảm rõ rệt (đứng chân, trừng phạt kinh tế, thời cơ và thách thức, dính líu, tiếp tay, trả đũa, thiện chí hòa bình, v.v.); lớp từ nghề nghiệp (giật tít, săn tin, kênh thông tin, hãng tin, đưa tin, tiết lộ, hãng thông tấn, v.v.). * Về cú pháp và diễn đạt, sử dụng linh hoạt nhiều kiểu câu cho từng kiểu loại văn bản (ví dụ: câu khuyết chủ ngữ cho văn bản tin). Sử dụng co chữ, kiểu chữ, màu sắc, hình nền khác nhau, sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ như tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị để thể hiện thông tin. e. Văn bản nghệ thuật - Văn bản nghệ thuật (văn bản văn chương) là loại văn bản thực hiện chức năng thẩm mĩ thông qua hình tượng văn học nhằm phục vụ cho như cầu nâng cao đời sống tinh thần, bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn của con người. Các loại văn bản nghệ thuật gồm trữ tình (thơ, trường ca), tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết, v.v.), kịch, kí. - Đặc điểm cơ bản của văn bản nghệ thuật: tính hình tượng, tính hàm súc đa nghĩa, tính cá thể, tính biểu cảm và thẩm mĩ. Do vậy, ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật cũng có tính hình tượng, cụ thể, sinh động và mang phong cách cá nhân. - Đặc điểm ngôn ngữ * Về từ ngữ, sử dụng rộng rãi các lớp từ và các biến thể của từ (từ địa phương, từ thông tục, từ nghề nghiệp, biệt ngữ, tiếng lóng), triệt để khai thác tính đa nghĩa của từ, các biện pháp tu từ. * Về cú pháp, sử dụng hết sức linh hoạt các loại, kiểu câu; sử dụng rộng rãi câu đặc biệt, câu bất quy tắc (chệch chuẩn); khai thác tối đa phép biến đổi câu (tách câu, chuyển đổi thành 21
  22. phần câu, v.v.). Cấu trúc câu (cả đoạn văn, văn bản) đều có tính linh hoạt, tất cả hướng đến ý đồ sáng tạo của nhà văn. 1.3.3. Dựa vào mức độ sử dụng Theo mức độ sử dụng ở trong nhà trường, ta thấy có hai loại văn bản được xem là thông dụng: văn bản hành chính và văn bản khoa học. a. Văn bản hành chính Trong nhà trường, loại văn bản hành chính thường dùng là đơn từ, báo cáo, biên bản, thông báo, công văn, hợp đồng, văn bằng, chứng chỉ, v.v b. Văn bản khoa học Văn bản khoa học trong nhà trường gồm các loại: giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, luận văn, khóa luận, các bài thi, kiểm tra, v.v. gắn liền với các lĩnh vực chuyên môn, các ngành khoa học. Chẳng hạn: - Ngành khoa học xã hội, có các văn bản thuộc lĩnh vực xã hội - nhân văn (văn học, lịch sử, chính trị, văn hóa học, v.v.). - Ngành khoa học tự nhiên, có các văn bản khoa học tự nhiên (thuộc các chuyên ngành toán, lí, hóa, sinh học, công nghệ, v.v.). Do mục đích ứng dụng, giáo trình này sẽ trình bày các loại hình văn bản xét theo phong cách chức năng ngôn ngữ và chỉ thực hành phân tích và tạo lập hai loại văn bản: văn bản khoa học và văn bản hành chính. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH MỤC 1 CHƯƠNG 1 * Phần thảo luận và thực hành tại lớp 1. Làm thế nào để phân biệt văn bản với chuỗi câu hỗn độn? 2. Nêu những đặc điểm cơ bản của văn bản. 3. Vì sao đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo thành văn bản? 4. Các loại văn bản hành chính, khoa học, chính luận, báo chí khác với văn bản nghệ thuật ở những điểm nào? Minh họa bằng ví dụ cụ thể. 5. Những loại văn bản nào có tính thông dụng trong giao tiếp và trong lĩnh vực chuyên môn của anh/chị? 6. Đọc các văn bản sau và cho biết chúng thuộc loại văn bản nào, của ngành nào, vì sao? Tại sao các văn bản ấy trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức? 22
  23. a) HOA LAN Cây ai giồng, khi lớn lên thì tôi đã thấy nó phủ lá xuống mái chùa, da nó mốc thếch, cành nó sum suê. Hai cây hoa lan mọc sóng đôi, tỏa thơm khắp làng, có thể thơm lây sang cả hai làng bên. Vì hai làng bên không ai trồng hoa lan. Mùa hè, hoa nở trắng. Mùa nước ngập, nó cũng nở trắng. Ong mật, bướm bay quấn quýt suốt ngày. Bố hay lấy hoa về cho tôi, để ở đĩa trên án thư. Mỗi lần, bố lại dặn: “Cây hoa lan có Thần, có Phật đấy. Các con đừng có trèo lên bẻ cành nó. Thần, Phật quật chết đấy”. Đêm nằm mê, tôi cứ thấy ngòn ngọt như ai cho uống mật ong. Người đến nhà chơi, ai cũng thơm và ai cũng cho tôi hoa: - Anh Khán ơi! Hoa này. - Cháu Khán ơi! Hoa này. - Khán ơi! Hoa này - Hình như họ cũng chẳng có gì mà cho tôi, ngoài hoa ra. Nhưng tôi lại thích hoa đến ngơ ngẩn. Nghiễm nhiên, tôi trở thành người có cái may mắn đặc biệt ấy. Họ tung vào nhà tôi đầy hoa là hoa. Đi đâu, tôi cũng đứng ở đê ngoái nhìn hai cây hoa lan rồi mới đi tiếp. Trong số người cho tôi hoa, tôi nhớ nhất là em Đức. Em Đức là con trai bác Khiếu, là chị cái Thơm. Cả nhà em Đức thân nhà tôi lắm. Bao giờ em Đức cũng thơm, da dẻ trắng hồng, hai cái môi cứ đỏ lên, cái mặt đầy đặn, hai hàm răng trắng bóng đều tắp. Tóc rất dài, nhìn vào là mát. Em kém tôi một tuổi, mười ba, mười bốn. Cứ mỗi trưa, em lấy hoa lan rồi tìm em Bảng tôi, ghé sát vào tai: “Đừng cho ai biết, cầm hoa về cho anh Khán”. Cứ như thế, suốt mấy mùa hè. Ngày tôi đi xa về, hai cây lan xơ xác, làng cũng xơ xác. Bão đã làm nó gẫy cành. Bàn tay độc ác nào lại chặt đi cho trụi. Thân nó lại có cả vết dao chém. Tôi lại đi. Đến đâu có hương hoa lan tôi lại bần thần, ngơ ngác như kẻ mất hồn, xa xăm, man mác (Duy Khán, Tuyển tập, Nxb Hội nhà văn, H.2010) 23
  24. b) TINH THẦN YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN TA Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước. Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng. Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ những cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở địa phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất cho Chính phủ Những cử chỉ cao đẹp đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước. Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất dấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Sự thật, H.1986) c) Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TẠI BẮC CỰC Tuần lễ vừa qua, các khoa học gia thuộc viện Awi (Alfred wegener - Khảo cứu địa cực và đại dương) đã lên tiếng báo động vì không khí trên đỉnh các ngọn núi tại Ni-Alesund bị ô nhiễm ở mức độ cao nhất từ trước đến nay (biểu tượng đã đạt tới màu nâu-cam). Thông thường thì không khí tại các đỉnh núi rất sạch, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt từ hồi đầu tháng 5 nên những luồng khí gọi là aerosol từ khu vực Đông Âu tràn đến, 24
  25. mang theo những vật thể bay bay trong không khí. Các chuyên gia đã đo được 50 microgram aerosol/m3 không khí tại các đỉnh núi, và mức độ ô nhiễm này gần bằng tại một thành phố sầm uất đông đúc. Viện phụ trách ô nhiễm môi trường của Na Uy cũng lên tiếng báo động vì đo được khí ôzôn dày đặc ngay sát mặt đất: 160 microgram/m3 không khí, và mức độ này cũng là cao nhất kể từ 1989, khi Trung tâm đo đạc mức độ ô nhiễm không khí được thành lập tới nay. Tuy các chuyên gia cũng đã đo được những luồng khí aerosol dày đặc tại Bắc Cực những năm vừa qua vào thời điểm mùa xuân, nhưng hiện tượng gọi là “không gian mù mịt” này tại Bắc Cực năm nay đặc biệt có cường độ chưa từng bao giờ cao đến thế, gấp 2,5 lần mức độ đo được vào mùa xuân năm 2000. Aerosol là những vật thể li ti trong không khí, có thể ở dạng chất lỏng hay đặc và là nòng cốt của sự hình thành các đám mây. Những hạt thế này còn có khả năng làm phân tán và thậm chí làm tan biến cả ánh sáng mặt trời, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến khí hậu, thời tiết và môi trường. Andreas Herber thuộc viện Awi (tại Bremerhaven, Đức) tỏ ý lo ngại vì: “Hậu quả là thời tiết sẽ càng ấm hơn nữa. Khuynh hướng nóng này có thể tiếp diễn lâu dài hay không, chưa thể kết luận được vì chúng tôi còn phải tiếp tục đo đạc nhiều lần nữa. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu xuất xứ và thành phần cấu tạo hóa học của aerosol ” (Theo Bích Vân, Khoa học và đời sống) d) BẤT CÔNG Mới đây, có ba người nông dân viết thư cho tác giả “Chuyện làm ăn”, một ở Vĩnh Phú, một ở Thái Bình và một ở Đồng Nai. Thư viết nhiều chuyện, có thư khá dài, làm cho người cầm bút thực sự cảm động vì được tin cậy. Tình cờ làm sao mà cả ba thư đó, bên cạnh nhiều chuyện riêng lại có một chuyện chung. Hình như đó là một thắc mắc chung. Cho nên mới có bài này. Buồn là thấy báo chí đến với người nông dân ít quá nhưng cũng mừng vì thấy bà con đọc kĩ quá! Có ông viết: “Thỉnh thoảng, một tháng mới mượn được một tờ báo, đọc tuốt tuột, từ chữ đầu tới chữ cuối, không sót chữ nào”. Các ông cho rằng, đọc báo kĩ thấy nhiều chuyện vui trên đất nước ta, nhưng cũng có nhiều chuyện gây thắc mắc. Mỗi ông thắc mắc một kiểu, nhưng cả ba ông đều nói chuyện thuế. 25
  26. Các ông đều cho rằng nông dân hiểu nghĩa vụ là phải đóng thuế, ở thôn, ấp các ông thì thuế vụ nào cũng thúc róc, thế tại sao báo lại nêu có nơi thiếu thuế nông nghiệp, vậy nông dân nơi nào thiếu, thiếu bao nhiêu, nếu nông dân không thiếu “thì nó tồn đọng ở đâu, ở kho, cấp nào, ở túi ai?”. “Thuế của nông dân thì các ông đo đạc từng mét, từng công để tính, nhưng thấy báo viết là thuế của người đi buôn lại thất thu tới 40%. Nhưng điều lạ là tại sao các cơ quan Nhà nước cũng nợ thuế Nhà nước, mà nợ nhiều thế, tính tới bạc tỉ thì cơ man nào là tiền. Thế thì thầy giáo, thầy thuốc lương thấp, các cụ về hưu chậm lương là phải”. Có một ông viết thư mắng tác giả, và thách thức: “Bất công như thế mà chẳng lẽ ông nhà báo chịu để các ông thuế bắt nạt chúng tôi hay sao!” Đối với các ông bạn nóng tính này, tôi phải viết thư xin lỗi. Tóm tắt bức thư của các ông để đăng trên báo cũng chứng tỏ: “Tôi đâu có chịu! Nhưng dù sao, tôi vẫn chỉ là nhà báo!” (Hữu Thọ, Nhân dân chủ nhật, số 21, 24/5/1992) e) VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Số 09/1998/QĐ-VPCP Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1998 QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Ban hành Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng chính phủ BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ Căn cứ Nghị định số 50/CP, ngày 06 tháng 8 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ; Trong khi Nhà nước chưa có quy định về chuẩn viết hoa trong tiếng Việt, để bảo đảm có sự thống nhất về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ một cách thuận lợi; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ hành chính Văn phòng Chính phủ. 26
  27. QUYẾT ĐỊNH Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Điều 2. Căn cứ Quyết định này, các Vụ trưởng, Cục trưởng và cán bộ, chuyên viên thuộc Văn phòng chính phủ tổ chức thực hiện đúng quy định. Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày kí. Điều 4. Vụ trưởng Vụ hành chính có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện Quyết định này và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ xem xét việc thay đổi hoặc bổ sung khi cần thiết. KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ PHÓ CHỦ NHIỆM Nơi nhận: -BTCN, các PCN VPCP - Thư kí Thủ tướng và Thư kí Đoàn Mạnh Giao các Phó Thủ tướng Chính phủ - Các Vụ, đơn vị trực thuộc VPCP - Lưu: VT, HC. * Phần tự học ở nhà 1. Từ khái niệm văn bản, hãy xác định chuỗi câu nào dưới đây mang đặc trưng văn bản, chuỗi nào không? Vì sao? a. Trong thời kì hoạt động cách mạng bí mật ở Pắc Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong những điều kiện vật chất vô cùng gian khổ. Bác ở trong hang đá ẩm ướt, lạnh lẽo, giường nằm là những tấm ván hoặc cành cây ghép thô sơ. Hàng ngày, Bác dùng bữa rất đạm bạc, thường khi chỉ có cháo bẹ và rau măng. Chỗ làm việc của Người là bàn đá “chông chênh” đặt cạnh bờ suối. Cuộc sống vật chất thiếu thốn nhưng đời sống tinh thần của Người vô cùng sang quý. b. Đức tính quý báu của người nông dân là cần cù, yêu lao động. Họ thích ca hát, nhảy múa. Họ yêu ruộng đồng, thức khuya dậy sớm tất bật. Lao động là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Họ thật thà như đất. Họ kiên cường bám đất, tối lửa tắt đèn có nhau, sống theo đạo lí “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Họ cũng không bao giờ lùi bước trước khó khăn nhưng trong cuộc sống thì rất bảo thủ. 27
  28. 2. Phân tích các văn bản sau để chứng tỏ: văn bản là một thể hoàn chỉnh, trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức. a) TUYÊN TRUYỀN Anh Tăng, học trò của cụ Khổng là một người đạo đức, được mọi người kính yêu. Một hôm, Tăng đi đốn củi, quá trưa mà chưa về. Một người bà con đến nói với mẹ Tăng: “Nghe nói Tăng phạm tội giết người”. Mẹ Tăng im lặng nói: “Chắc là họ đồn nhảm, con tôi hiền lành lắm, chắc nó không bao giờ giết người”. Lát sau, một người khác lại nói: “Nghe nói Tăng bị bắt rồi”. Bà cụ bắt đầu lo sợ, nhưng vẫn bình tĩnh. Vài phút sau, một người khác lại nói: “Nghe nói Tăng bị giải lên huyện rồi”. Bà cụ Tăng vất cả công việc và chạy cuống cuồng. Không ai hiền lành bằng mẹ anh Tăng. Không ai tin tưởng anh bằng mẹ anh. Thế mà vì người ta đồn qua, kẻ đồn lại, dù không đúng sự thật, mẹ anh Tăng cũng đâm ra lo ngại hoang mang. Ảnh hưởng của tuyên truyền là như thế. b) CÓ GÌ KHÁC BIỆT GIỮA CÂY RÊU VỚI NHỮNG CÂY XANH KHÔNG CÓ HOA KHÁC? Như các cây thuộc họ dương xỉ và hạt trần, rêu là loại thực vật không có hoa. Nhưng chúng có những đặc điểm không lẫn với các nhóm khác: chỉ nhìn qua hình dạng bên ngoài là ta phát hiện được ngay. Rêu rất nhỏ bé, chỉ cao một vài cetimet, mọc ở chỗ ẩm ướt và mọc thành từng đám, không bao giờ mọc từng cây riêng lẻ. Rêu chưa có rễ thật, chưa có mạch dẫn, nước và chất khoáng hòa tan được đưa vào cơ thể bằng cách thấm dần từ tế bào nọ sang tế bào kia. Điều đó giải thích tại sao rêu có kích thước nhỏ bé và phải mọc từng đám ở nơi ẩm ướt. Trong khi đó, các cây dương xỉ hay hạt trần vì có rễ thật và có mạch dẫn nên có thể mọc cao tới hàng mét hay hàng chục mét và có thể mọc cả ở những nơi khô hạn. Túi bào tử của rêu nằm ở ngọn, trên một số cuống dài. Còn túi bào tử của các cây dương xỉ thường nằm ở mặt dưới lá. Cũng có một số cây khác cùng trong nhóm quyết với dương xỉ 28
  29. (như cây thông đất, cây quyến bá) có túi bào tử cũng nằm ở ngọn nhưng ở kẽ một lá nhỏ và nhiều túi tập hợp lại thành bông bào tử. Còn cây hạt trần như thông, túi bào tử không còn nữa, chúng có noãn (tương đương với túi bào tử cái) và túi phấn (tương đương với túi bào tử đực). Ngoài ra, còn một vài điểm khác nhau về cách sinh sản. Tuy nhiên, chỉ với hai điểm trên, nhìn thoáng qua ta cũng phân biệt được rêu với các cây xanh không có hoa khác. (Theo Sinh học 6, Nxb Giáo dục, H.2005) TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH - MỤC 1. CHƯƠNG 2 1. Phan Mậu Cảnh, Hoàng Trọng Canh, Nguyễn Văn Nguyên, Tiếng Việt thực hành, Nxb Nghệ An, 2009, từ trang 14 đến 31. 2. Bùi Minh Toán, Lê A, Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành, Nxb Giáo dục, H. 1997, từ trang 22 đến trang 36. 2. THỰC HÀNH PHÂN TÍCH VĂN BẢN KHOA HỌC 2.1. Một số vấn đề về phân tích văn bản 2.1.1. Kết cấu văn bản a. Khái niệm kết cấu, các loại kết cấu văn bản a1. Khái niệm kết cấu Kết cấu văn bản là cách tổ chức, sắp xếp các yếu tố nội dung và hình thức theo một mô hình nhất định nhằm thể hiện trọn vẹn một chủ đề. a2. Các loại kết cấu - Xét về quy mô, có hai loại kết cấu: kết cấu tổng thể và kết cấu bộ phận. + Kết cấu tổng thể là việc tổ chức, trình bày các thành tố nội dung (chủ đề bộ phận) thành các phần (bố cục) nhằm triển khai chủ đề văn bản. Ví dụ: NHỮNG NGUỒN SUỐI HẸN GIỜ KÌ LẠ (1) Thế giới tự nhiên xung quanh ta có nhiều hiện tượng bí ẩn, kì lạ đòi hỏi phải khám phá, giải thích. Trong nhiều hiện tượng bí ẩn có hiện tượng nguồn suối hẹn giờ rất thú vị. (2) Tại vườn quốc gia lớn nhất nước Mĩ có tên là Yellowstone Nationl (còn gọi là công viên Hoàng Thạch) nằm trên cao nguyên thuộc bang Wyoming, có một nguồn suối nổi tiếng thế 29
  30. giới, gọi là “suối chân thật”, hoặc là nguồn suối hẹn giờ. Cứ đúng 60 phút nó phun một lần, mỗi lần phun nước kéo dài 4 phút rưỡi, giống như là nó báo giờ cho du khách vậy. Nó không bao giờ lỡ hẹn, suốt hơn 400 năm nay nó đều hoạt động theo quy luật như vậy. Cột đá từ khe núi phun cao lên tới 46 mét. Lượng nước mỗi lần phun ra tới hơn 40.000 lít. Cảnh tượng cột nước phun cao tận tầng mây cùng với tiếng réo ầm ầm của nó khiến cho du khách lưu luyến không nỡ rời. (3) Trên bờ hồ Namgơro ở nước Uruguay, Nam Mĩ, cũng có một suối hẹn giờ. Đó là một suối phun ngắt quảng hiếm thấy. Suối này, mỗi ngày phun nước ba lần, vào 7 giờ sáng, 12 giờ trưa và 7 giờ tối. Bởi vì ba lần phun của suối đúng vào ba bữa ăn của cư dân địa phương, ăn sáng 7 giờ, ăn trưa 12 giờ, ăn tối 7 giờ, nên suối đó được gọi là “suối bữa ăn”. Chỉ cần suối phun nước ra là dân chúng biết ngay đã đến giờ ăn. (4) Hiện tượng suối hẹn giờ thật là thú vị nhưng đầy bí ẩn. Điều này đang chờ đợi sự khám phá và lí giải của các nhà khoa học. (266 hiện tượng bí ẩn trên thế giới, Nxb Văn hóa thông tin, 2005) Văn bản trên có bốn đoạn văn: đoạn (1) nêu hiện tượng có những suối hẹn giờ kì lạ trên thế giới, tức là chủ đề của văn bản (phần mở đầu); các đoạn (2) và (3) giới thiệu và miêu tả chi tiết hai suối hẹn giờ ở Mĩ và Uruguay (phần triển khai); đoạn (4) khẳng định suối hẹn giờ là một hiện tượng kì lạ cần được khám phá và giải thích (phần kết). Quan hệ giữa các đoạn, các phần trong văn bản trên gọi là kết cấu tổng thể. + Kết cấu bộ phận là cách tổ chức, sắp xếp các yếu tố nội dung và hình thức trong một bộ phận của văn bản. Thông thường, kết cấu bộ phận cũng là cách tổ chức các yếu tố trong cấu trúc đoạn văn (một thành phần của văn bản). Ở văn bản trên, cách tổ chức nội bộ các đoạn (1), (2), (3), (4) gọi kết cấu bộ phận. Chẳng hạn, đoạn (3) là một bộ phận của văn bản, giới thiệu và miêu tả chi tiết một suối hẹn giờ ở trên bờ hồ Namgơro, ở Uruguay (Nam Mĩ). - Xét về tính chất, có hai loại kết cấu: kết cấu chặt và kết cấu lỏng. + Kết cấu chặt là loại kết cấu theo những thể thức nghiêm ngặt, những khuôn mẫu (mô hình) có tính bắt buộc. Kết cấu chặt có trong các loại văn bản như văn bản hành chính, văn bản khoa học, văn bản chính luận, v.v + Kết cấu lỏng là loại kết cấu linh hoạt về thể thức, không bắt buộc theo khuôn mẫu (mô hình) nhất định. Các văn bản báo chí, văn bản nghệ thuật, v.v. có thể có kết cấu lỏng. - Xét về bố cục, có các loại bố cục: 1 phần, 2 phần, 3 phần, 4 phần, v.v., trong đó, loại bố cục 3 phần là phổ biến nhất. 30
  31. b. Văn bản có bố cục ba phần b1. Phần mở đầu - Nhiệm vụ: giới thiệu nội dung cốt lõi (chủ đề và hướng giải quyết) của văn bản. Tùy từng loại văn bản, phần mở đầu có thể nêu căn cứ, lí lẽ (văn bản hành chính, chính luận); trình bày lí do (văn bản chính luận), nêu vấn đề (văn bản khoa học), nêu hoàn cảnh không gian, thời gian, nhân vật, v.v. (văn bản nghệ thuật). - Vai trò: không chỉ định hướng về nội dung mà còn tạo không khí, giọng điệu, gây hiệu quả tâm lí thẩm mĩ cho người tiếp nhận. Bởi vậy, yêu cầu đối với phần mở đầu là ngắn gọn, đầy đủ, độc đáo, tự nhiên. - Cách viết phần mở đầu, có hai cách: mở trực tiếp và mở gián tiếp. + Cách mở trực tiếp (trực khởi) là đi thẳng vào nội dung cốt lõi (tức chủ đề) của văn bản sẽ được giải quyết ở phần triển khai mà không dẫn dắt, không rào đón. Cách mở trực tiếp thường gặp trong các văn bản khoa học, văn bản hành chính, văn bản chính luận. Ví dụ 1: Văn bản SỰ TRAO ĐỔI CHẤT Ở CÂY XANH được mở đầu theo cách trực tiếp như sau: Đặc điểm chủ yếu của các thực vật xanh là có diệp lục và có khả năng quang hợp. Sự trao đổi chất ở cây xanh là quá trình: Nước + cacbônic → chất hữu cơ + ôxy (Tiếng Việt thực hành, Trường hữu nghị 80, 1996). Ví dụ 2: Văn học nghệ thuật và hiện thực cuộc sống có mối quan hệ gắn bó hết sức chặt chẽ. Điều này sẽ được chứng tỏ qua một số tác phẩm văn học tiêu biểu. Đây là cách mở đầu trực tiếp cho văn bản giải quyết đề bài: Bình luận mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Chứng minh bằng một số tác phẩm. + Cách mở gián tiếp là không trả lời thẳng câu hỏi định viết, định bàn bạc vấn đề gì mà dẫn dắt các ý từ xa đến gần, tức các ý có liên quan đến vấn đề cần giải quyết. Để tạo không khí tự nhiên, hấp dẫn người tiếp nhận, người ta thường mở đầu theo cách gián tiếp. Tùy từng loại văn bản, cách mở gián tiếp có thể có nhiều dạng. Chẳng hạn, đối với đề bài trên, có ba cách mở đầu gián tiếp khác nhau: (1) Có ai đó đã ví sáng tạo nghệ thuật như việc thả diều. Con diều dù có bay bổng bao nhiêu vẫn phải gắn với mặt đất bằng một sợi dây vững chắc. Ý tưởng ấy gợi cho ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Nhìn vào một số tác phẩm văn học lớn chúng ta sẽ thấy rõ mối quan hệ máu thịt này. 31
  32. (2) Thần thoại Hi Lạp còn để lại một câu chuyện đầy cảm động về chàng lực sĩ Ăngtê và đất mẹ. Thần Ăngtê sẽ bất khả chiến bại khi chân chàng gắn chặt vào đất mẹ Gaia. Có thể ví mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống hệt như quan hệ giữa Ăngtê và đất mẹ vậy. Chưa tin ư, bạn cứ giở những tác phảm văn học lớn mà xem. (3) Trong một lần tâm sự với văn nghệ sĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Nghệ thuật phải bắt nguồn từ đời sống, thoát li đời sống nghệ thuật nhất định sẽ khô héo”. Văn học là một loại hình cơ bản của nghệ thuật. Lời tâm sự trên đã trực tiếp khẳng định mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Phân tích một số tác phẩm văn học chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. (Muốn viết được bài văn hay, Nxb Giáo dục, 1995) Trong ba cách mở đầu trên, những câu dẫn dắt ở đầu có khác nhau nhưng đều liên quan gần gũi đến vấn đề cần giải quyết (mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đời sống). Như vậy, về nguyên tắc, có thể có nhiều cách dẫn dắt để đi đến một vấn đề, tức là nhiều cách mở gián tiếp. b2. Phần triển khai - Nhiệm vụ: triển khai chủ đề văn bản thành các chủ đề bộ phận; các chủ đề bộ phận lại được chi tiết hóa thành các nội dung cụ thể (lí lẽ và dẫn chứng); sắp xếp, trình bày các thành tố nội dung (các chủ đề bộ phận, các thành tố nội dung chi tiết) một cách mạch lạc, logíc. Phần triển khai là phần chứa nội dung thông tin chủ yếu (chính) của văn bản nên bao giờ cũng phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức. - Vai trò: làm cho chủ đề văn bản được triển khai một cách đầy đủ, toàn diện, triệt để; kết nối với phần mở đầu và phần kết thúc văn bản để đảm bảo tính chỉnh thể và tính nhất quán của văn bản. Yêu cầu của phần triển khai là phải làm nổi bật chủ đề văn bản, tổ chức các ý theo hệ thống logíc; nội dung phải cụ thể, chi tiết, rõ ràng; lập luận phải chặt chẽ, mạch lạc. - Cách triển khai, có hai cách: + Cách 1. Tách chủ đề thành các chủ đề bộ phận; xác lập và trình bày các ý chi tiết cho từng chủ đề bộ phận. Chẳng hạn, xét văn bản sau: ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH VIỆT NAM Địa hình nước ta rất đa dạng, nhiều kiểu loại địa hình (đồi núi, đồng bằng, bờ biển, thềm lục địa, v.v.) phản ánh lịch sử phát triển địa chất, địa hình lâu dài trong môi trường gió mùa và phong hóa mạnh. 1. Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của cấu trúc địa hình Việt Nam 32
  33. Trên phần đất liền, đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình thấp dưới 1000 m chiếm tới 85%. Núi cao trên 2000 m chỉ chiếm 1%, cao nhất là Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phanxipăng cao 3143 m. Đồi núi nước ta tạo thành một cánh cung lớn hướng ra biển Đông. Đồi núi nước ta chạy dài 1400 km, từ miền Tây Bắc đến miền Đông Nam Bộ. Nhiều vùng núi lan ra sát biển hoặc bị biển nhấn chìm thành các quần đảo như vùng biển Hạ Long (Quảng Ninh) trong vịnh Bắc Bộ. Địa hình đồng bằng chỉ chiếm 1/4 lãnh thổ đất liền và bị đồi núi ngăn cách thành nhiều khu vực, điển hình là dải đồng bằng duyên hải miền Trung nước ta. 2. Địa hình nước ta được Tân kiến tạo nâng lên và tạo thành nhiều bậc kế tiếp nhau Lãnh thổ nước ta đã được tạo lập vững chắc từ sau giai đoạn Cổ kiến tạo. Trải qua hàng chục triệu năm không được nâng lên, các vùng núi hoặc bị ngoại lực bào mòn, phá hủy tạo nên những bề mặt san bằng, thấp và thoải. Đến Tân kiến tạo, vận động tạo núi Himalaya đã làm cho địa hình nước ta nâng cao và phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau: núi đồi, đồng bằng, thềm lục địa, v.v Địa hình thấp dần từ nội địa ra tới biển, trùng với hướng tây bắc - đông nam và được thể hiện rõ qua hướng chảy của các dòng sông lớn. Trong từng bậc địa hình lớn như đồi núi, đồng bằng, bờ biển, còn có các bậc địa hình nhỏ như các bề mặt san bằng, các cao nguyên xếp tầng, các bậc thềm sông, thềm biển v.v. đánh dấu sự nâng lên của địa hình nước ta thời kì Tân kiến tạo. Địa hình nước ta có hai hướng chủ yếu là tây bắc - đông nam và vòng cung, ngoài ra còn có một số hướng khác trong phạm vi hẹp. Cùng với Tân kiến tạo, hoạt động ngoại lực của khí hậu, của dòng nước và của con người là những nhân tố chủ yếu và trực tiếp hình thành địa hình hiện tại của nước ta. Trong môi trường nóng ẩm gió mùa, đất đá bị phong hóa mạnh mẽ. Lượng mưa lớn và tập trung theo mùa đã nhanh chóng xói mòn, cắt xẻ, xâm thực các khối núi lớn. Đặc biệt, hiện tượng nước mưa hòa tan với đá vôi tạo nên những hang động rộng lớn, kì vĩ và rất phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn, các hang động ở vùng vịnh Hạ Long, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, v.v Trên bề mặt địa hình nước ta thường có những rừng cây rậm rạp che phủ. Dưới rừng là lớp đất và vỏ phong hóa dày, vỡ vụn. 33
  34. Các dạng địa hình nhân tạo xuất hiện ngày càng nhiều trên đất nước ta. Đó là các công trình kiến trúc đô thị, các hầm mỏ, hệ thống đường giao thông, hệ thống đê, đập, kênh, rạch, hồ chứa nước, v.v Ta thấy, chủ đề văn bản là đặc điểm địa hình Việt Nam đã được tách ra thành hai chủ đề bộ phận: 1. Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của cấu trúc địa hình Việt Nam, 2. Địa hình Việt Nam được được giai đoạn Tân kiến tạo nâng lên và thành nhiều bậc kế tiếp nhau. Các chủ đề bộ phận tiếp tục được tách ra thành các ý lớn: đồi núi nhiều, thấp; đồi núi hình cánh cung hướng ra biển Đông; giai đoạn tân kiến tạo làm cho địa hình nâng cao, thành nhiều bậc; khí hậu nhiệt đới gió mùa gây phong hóa, v.v + Cách 2, triển khai nội dung theo trình tự khách quan hay trình tự lô gíc của nội dung. Trình bày theo trình tự khách quan có thể: theo trình tự thời gian, theo các quan hệ logíc khách quan (quan hệ nhân quả, quan hệ tôn ti, quan hệ toàn thể - bộ phận, v.v.). Chẳng hạn, xét ví dụ sau đây: KHÔNG NÊN ÉP EM BÉ TẬP ĐI QUÁ SỚM Hầu hết các em bé khi mới sinh ra đều có đôi bàn chân đẹp. Sự săn sóc hợp lí có thể giữ cho đôi chân ấy được mạnh khỏe, không bị đau nhức, dễ coi và hoạt động tốt trong suốt cuộc đời. Lúc mới sinh, hầu hết xương bàn chân đều có một phần sụn mềm dẻo, vì vậy dễ bị méo mó nếu phải chịu đựng sức nặng hoặc bị gò ép. Mới đầu, bàn chân em bé có vẻ bằng phẳng vì có một lớp mỡ ở cạnh phía trong của lòng bàn chân. Tuy nhiên, về sau, do vận động, mu bàn chân cong lên, và lớp mỡ dưới bàn chân mất đi. Bàn chân lớn thêm, hình dáng chuyển đổi cho đến lứa tuổi đôi mươi, phát triển hết mức đến tuổi dậy thì. Trong thời kì phát triển ban đầu, chúng ta có thể làm cho bàn chân em bé bị hư hại. Trẻ sơ sinh cần được để cho quậy chân càng nhiều càng tốt. Đừng để chăn đè nặng lên chân. Các đôi tất ngắn cũng cần được rộng rãi, đủ chỗ cho ngón chân cựa quậy. Sau này, những ngón chân khỏe có thể giúp bàn chân chịu đựng được sự gò bó khi phải mang giày không vừa. Ngón chân cái cần có đủ sức mạnh bấm xuống mặt đất, riêng một mình, không dựa vào các ngón khác. Khi em bé tỏ dấu hiệu muốn tập đi, bàn chân rất dễ bị thương tổn. Trong thời gian này, trẻ em không mang giày vớ càng lâu chừng nào, càng tạo cơ hội cho các ngón chân phát triển. 34
  35. Khoảng ba tuổi, nét bằng phẳng dưới lòng bàn chân mất đi. Cần thường xuyên xem xét đế giày của bé, nếu mòn nhiều ở phía trong, phải nhờ bác sĩ khám nghiệm bàn chân. Trong suốt thời gian dài của sự tăng trưởng bàn chân, phải thường xuyên theo dõi bàn chân có được ngay thẳng hay không, và phải chú ý khi các bé phàn nàn là đau chân. Việc chọn giày cho vừa cỡ chân là điều rất quan trọng. Đừng bao giờ mua giày theo trí tưởng tượng về kích cỡ chân các bé. Nên mua giày lúc các bé có mặt để thử chân. Tuy nhiên, đừng mua giày cho đến khi các bé biết đi. Ngay từ lúc biết đi, cũng nên để các bé đi chân không trong nhà, bàn chân sẽ có dịp phát triển tốt hơn. (Ngọc Anh - báo Sức khỏe) Văn bản trên, chủ đề không nên ép em bé tập đi quá sớm được triển khai thành hai chủ đề bộ phận bằng cách trình bày theo trình tự thời gian: 1. Từ khi mới sinh đến trước ba tuổi; 2. Khoảng ba tuổi trở đi. Các từ ngữ chỉ quan hệ thời gian là lúc mới sinh, mới đầu, thời kì phát triển ban đầu, trẻ sơ sinh, khi em bé tỏ dấu hiệu muốn tập đi, khoảng ba tuổi, v.v b3. Phần kết thúc văn bản - Nhiệm vụ: tổng kết, khái quát nội dung trình bày ở phần triển khai, khẳng định vấn đề đã giải quyết. Tùy theo thể loại văn bản mà cách kết thúc có thể: nêu tình tiết cuối cùng hay kết cục (văn bản nghệ thuật), tóm lược những luận điểm đã giải quyết (văn bản khoa học), nêu các kiến nghị, giải pháp thi hành (văn bản hành chính), nêu các nhận xét, cảm tưởng đối với vấn đề (văn bản báo chí, văn bản chính luận), v.v. - Vai trò: khép lại văn bản, đảm bảo tính hoàn chỉnh của văn bản. Yêu cầu không lan man hay lặp lại cụ thể những gì đã trình bày ở phần triển khai, hoặc lặp lại nguyên văn lời lẽ ở phần mở đầu. Phần kết phải ngắn gọn, súc tích, làm nổi bật giá trị của văn bản, tạo ấn tượng, khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc nơi người tiếp nhận. - Cách kết, có hai cách: kết đóng và kết mở. + Kết đóng là tóm tắt nội dung chính đã trình bày ở phần triển khai, hoặc vừa tóm tắt nội dung chính vừa phát triển (mở rộng thêm), vận dụng (phương hướng, bài học), v.v Chẳng hạn, đây là kết bài của văn bản phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh. Mặc dù được sáng tác cách đây nửa thế kỉ bằng thể thơ tứ tuyệt cổ điển, “Ngắm trăng” vẫn làm rung động chúng ta. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa chất thép với chất tình, giữa người chiến sĩ với người nghệ sĩ trong một con người. Đó không chỉ là một sáng tạo nghệ thuật đáng trân trọng mà còn là một bài học về phong cách sống, về nhân sinh quan. 35
  36. Đây là kết đóng theo lối bình luận, không những khẳng định giá trị của bài thơ (chủ đề) mà còn mở rộng và nâng cao (bài học lẽ sống, nhân sinh quan). - Kết mở là “kết mà không kết”, tức là để mở (bỏ ngỏ) vấn đề. Cách kết mở có ưu thế là độc đáo, hấp dẫn, khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc nơi người đọc. Cố nhiên, kết mở chủ yếu được sử dụng trong văn bản nghệ thuật, và không phải ai cũng thực hiện được. Chẳng hạn, trong bài giới thiệu tập thơ Mưa Thuận Thành của Hoàng Cầm, tác giả Quang Huy viết phần kết như sau: Xin có lời mừng ông nhân dịp được ra mắt một tập thơ mà ông khắc khoải mong chờ lâu đến thế này (Nguồn: Muốn viết được bài văn hay, sđd). Cách kết này chẳng phải tóm tắt vấn đề, cũng chẳng phải phát triển hay liên hệ mở rộng nhưng rất hợp mục đích của người viết và logic của vấn đề mà bài biết đề cập. Lời kết thật gọn, thật giản dị và chân thành nhưng cũng đầy tâm trạng (các từ ngữ: được ra mắt, khắc khoải chờ mong). Người đọc đặt câu hỏi, rồi tự trả lời mà cảm thông “nghiệp dĩ” của Hoàng Cầm và số phận của tập thơ. 2.1.2. Mấy điểm cần chú ý khi phân tích, tiếp nhận văn bản a. Các nhân tố liên quan đến nội dung văn bản - Chủ thể văn bản và đối tượng giao tiếp mà văn bản hướng tới. Như đã biết, văn bản là sản phẩm của một cá nhân nhất định và hướng đến một mục đích nào đó. Văn bản mang dấu ấn cá nhân người viết (chủ thể). Các phương diện như sở thích cá nhân, thói quen nghề nghiệp, trình độ học vấn, phông văn hóa, v.v. ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố nội dung và hình thức văn bản. Do đó, phải có sự hiểu biết thấu đáo người viết là ai mới có thể phân tích, tiếp nhận văn bản một cách chính xác, đầy đủ. Còn nữa, khi phân tích văn bản, cần phải xem xét văn bản hướng tới đối tượng nào, người viết chọn nội dung và hình thức diễn đạt như thế nào để phù hợp với đối tượng giao tiếp đó. - Chú ý đến hoàn cảnh giao tiếp của văn bản, tức là xem xét văn bản ra đời trong bối cảnh lịch sử - xã hội như thế nào? - Loại hình văn bản cũng chi phối nội dung văn bản. Một văn bản bao giờ cũng được viết theo một phong cách chức năng nhất định. Do vậy, nó cũng có những đặc điểm về nội dung và hình thức khác nhau. Cho nên, khi phân tích, lĩnh hội văn bản cần phải xem xét văn bản ấy thuộc loại văn bản nào. b. Đề tài của văn bản 36
  37. Đề tài của văn bản là phạm vi hiện thực được phản ánh trong văn bản ấy. Việc xác định đề tài văn bản chỉ cần đặt và trả lời câu hỏi: văn bản (đang xem xét) viết về vấn đề gì? Xác định đề tài văn bản phải dựa vào tiêu đề văn bản, hệ thống các chủ đề bộ phận và ý các bậc. c. Chủ đề văn bản Chủ đề văn bản chính là đích hướng tới của văn bản, là vấn đề trọng tâm (cốt lõi) mà văn bản đặt ra và tập trung giải quyết. Mỗi loại văn bản khác nhau có cách thể hiện riêng cùng một chủ đề. Chẳng hạn, chủ đề cuộc sống cùng quẫn của người nông dân trước cách mạng, văn bản nghệ thuật (văn học) có cách thể hiện riêng, văn bản khoa học (lịch sử) cũng có cách tiếp cận riêng, v.v Chủ đề trong văn bản nghệ thuật triển khai qua hệ thống hình tượng, còn trong văn bản chính luận, chủ đề lại được thể hiện bằng những luận đề. Vậy nên, việc xác định chủ đề trong mỗi loại hình văn bản theo những cách thức khác nhau. Khi tiếp nhận văn bản ta phải đặc biệt chú ý điều này. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH MỤC 2.1. CHƯƠNG 2 *Phần thảo luận và thực hành trên lớp 1. Kết cấu văn bản là gì? Phân tích một ví dụ minh họa. 2. Trình bày kết cấu tổng thể và kết cấu bộ phận (minh họa bằng những dẫn chứng cụ thể). 3. Nêu cách trình bày nội dung ở phần triển khai (có ví dụ minh họa). 4. Nêu những điểm cần chú ý khi phân tích và tiếp nhận văn bản. 5. Xác định các đoạn văn dưới đây thuộc phần nào trong văn bản, nêu cách thức tổ chức các phần đó. (a) Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực thì vẫn còn mãi với thời gian. Trước khi chết, có lần vua Phổ cầm tay Môda mà nói: “Ta tiêu biểu cho trật tự, người tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến người”. Có lẽ mãi mãi về sau, chúng ta vẫn gặp lại một mùa thu vàng trong tranh của Lêvitan, một mùa thu thôn quê trong thơ Nguyễn Khuyến và một mùa xuân chín trong thơ Hàn Mặc Tử, một mùa xuân tràn đầy sức sống, vui tươi mà không ồn ào, thắm đượm màu sắc mà không sặc sỡ, một mùa xuân duyên dáng rất Việt Nam. (Nguyễn Thị Thu Cúc, học sinh trường PTTH Huế) (b) Căn cứ những tư liệu khảo cổ học hiện có, các nhà khoa học chỉ có thể suy đoán châu Phi là nơi “phát tích” sớm nhất của loài người. Tại sao người hiện đại lại có màu da khác 37
  38. nhau? Các nhà khoa học vì muốn tìm hiểu, nghiên cứu con người hiện đại cùng với sự khác biệt màu da, lại tiến hành nghiên cứu những đề tài vô cùng tận. (266 hiện tượng bí ẩn trên thế giới, Nxb Văn hóa thông tin, 2005) (c) Động Phong Nha đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều nhà khoa học, nhà thám hiểm và khách du lịch trong và ngoài nước. Phong Nha cũng đang được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác để sớm trở thành một địa điểm du lịch, thám hiểm và nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh của đất nước. (Trần Hoàng, Sổ tay địa danh du lịch các tỉnh Trung Trung Bộ) (d) Không phải tình cờ, một trong những tạp chí hàng đầu của Mĩ là “Time Magazin” đã phải thốt lên: “CNN có khả năng biến khán giả truyền hình thành những nhân chứng thường trực của lịch sử ” (Bí quyết thành công của CNN, Tạp chí Nhà báo) 6. Phân tích kết cấu của các văn bản dưới đây: (a) CHUYỆN NỢ NẦN CỦA CÁC DANH NHÂN Nếu bạn chưa phải mắc nợ ai bao giờ thì chẳng có gì đáng nói. Song nếu ngược lại, bạn có thể tự hào rằng bạn là người “cùng hội cùng thuyền” với rất nhiều bậc danh nhân. Xecvantet, tác giả cuốn “Đônkihôtê” trứ danh, chỉ vì nợ nần mà phải ngồi tù. Đại thi hào Puskin mắc nợ nhiều tới mức Sa hoàng phải ra quyết định trích một khoản không nhỏ trong số tiền mà triều đình cấp cho Natalia Nhicolaiepna (vợ Puskin) và các con bà để trả nợ cho ông. Đôxtôiepxki thường nhận cùng một lúc tiền đặt trước cho mấy cuốn tiểu thuyết còn chưa hề được viết chữ nào của ông. Mactuên đã bỏ ra 20 nghìn bảng Anh để chi phí cho vô số những đồ án, sáng chế phi thực tế như là máy điện báo trên biển, trong khi cái đáng đầu tư nhất là điện thoại thì ông lại bỏ qua vì coi đó là thứ vớ vẩn. Kết cục là ông phải đi thỉnh giảng và nói chuyện khắp thế giới để lấy tiền trả nợ. Banzăc thì chẳng bao giờ dám mở cửa mỗi khi có chuông vì chỉ sợ đó là người đến đòi nợ. Nói tóm lại, trên đời này có lẽ chẳng có nhà văn lớn nào lại không phải nợ nần ai. Chẳng cứ gì giới văn nghệ sĩ mà các chính trị gia tầm cỡ cũng có thể mắc nợ như thường. Điển hình là tổng thống Mĩ Grăng, do quá tin người nên đã mắc mưu một số kẻ lừa đảo và cuối cùng phải gánh một món nợ hơn 3 triệu đôla. Ồng phải bán nhà cửa, trang trại và cả những tấm huy chương. Trả xong nợ, ông hoàn toàn trắng tay, và mặc dù bị bệnh ung thư vẫn phải viết hồi kí để lấy tiền duy trì cuộc sống gia đình. Cuốn hồi kí đó đã viết xong trước khi 38
  39. ông mất chỉ đúng ba ngày. Rồi tổng thống Abram Lincôn, sau khi mất còn để lại cho vợ những khoản nợ chồng chất. Để trang trải chúng, bà này đã buộc lòng phải bán không chỉ các món đồ trang sức của mình mà thậm chí cả quần áo của người chồng quá cố. Thế mới hay, chuyện nợ nần đâu chỉ riêng ai! (Nguồn: báoVăn hóa) (b) CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC VIỆT NAM Trên lãnh thổ Việt Nam có tới 54 thành phần dân tộc sinh sống, thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau. Dù thuộc nhóm ngôn ngữ nào, họ đã cùng chung sống, gắn bó mật thiết với nhau về quan hệ kinh tế, văn hóa, đã cùng có chung một lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người Việt (Kinh) chiếm 86% dân số cả nước. Họ sống trên địa bàn không đầy 1/3 diện tích lãnh thổ đất liền của cả nước suốt dọc miền duyên hải từ Móng Cái đến Hà Tiên, từ độ cao 25 mét trở xuống tập trung với mật độ cao ở châu thổ sông Hồng, vùng duyên hải Trung Bộ và châu thổ sông Cửu Long. Ngoài ra, họ còn sinh sống tập trung ở các đô thị vùng núi, trung du và các hải đảo. Ở nông thôn, người Việt cư trú thành làng, thôn, xóm khá dày đặc. Ngoài ruộng canh tác, nhà nào cũng có vườn tược, ao cá, chuồng gia súc và kéo theo nghề tiểu thủ công. Ở thành thị, ngoài việc tham gia các hoạt động trong ngành công nghiệp hiện đại, họ còn tham gia hoạt động dịch vụ, thương mại, v.v Ở ven biển và các hải đảo, người Việt phần lớn hoạt động trong nghề cá, v.v Dù ở nông thôn hay thành thị, ở đồng bằng miền núi hay miền biển, ở Bắc hay Nam, người Việt đều có tiếng nói thống nhất và có trình độ phát triển tương đối cao. Với nền văn hóa lâu đời và sự đóng góp sức mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với các dân tộc khác, người Việt luôn luôn xứng đáng giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển đất nước. Các thành phần dân tộc khác, ngoài người Việt, ở Việt Nam còn có 53 dân tộc khác, với số dân khoảng 8 triệu người, chiếm 11% dân số cả nước. Cũng như người Việt, người Chăm cư trú ở đồng bằng cực Nam Trung Bộ, người Khơme ở Tây Nam Bộ, người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn đa số thành phần dân tộc khác đều cư trú ở vùng núi cao và cao nguyên như người Thái, người Mường, v.v. ở Tây Bắc, người Tày, Nùng, Hmông, ở Đông Bắc, người Êđê, Gia Rai, Ba Na, Mnông, v.v. ở Trường Sơn. Địa bàn sinh sống của họ phần lớn là những vùng đất giàu tiềm năng trồng cây công nghiệp, phát triển nghề rừng, kinh doanh đồng cỏ để chăn nuôi, xây dựng các trạm thủy điện, 39
  40. khai thác khoáng sản và các cảnh quan du lịch, v.v Những địa bàn đó cũng rất quan trọng về mặt an ninh, quốc phòng. Mỗi thành phần dân tộc đều có tiếng nói, phong tục, tập quán sản xuất và nền văn hóa với bản sắc riêng của mình nhưng họ đều sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết phổ thông của cả nước. Tóm lại, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ nhưng tiếng Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chung cho tất cả 54 dân tộc. Chính sự thống nhất trong sử dụng ngôn ngữ duy trì và củng cố tính thống nhất trong một quốc gia đa dân tộc. * Phần tự học ở nhà 1. Nêu ưu điểm và nhược điểm của (phần) mở trực tiếp và mở gián tiếp, (phần) kết đóng và kết mở. 2. Nêu đặc điểm của phần mở đầu, phần triển khai, phần kết thúc của văn bản. 3. Phân tích kết cấu trong các văn bản sau đây: (a) BIỂN VẮNG Trịnh Thanh Sơn Rơi chiều vàng, ngơ ngác sóng Xin đừng dối chi chân trời Anh ngồi một mình lẻ bóng Chén này, biển với mình thôi Một cộng một thành đôi Anh cộng cô đơn thành biển Nắng tắt mà người không đến Anh ngồi rót biển vào chai (b) CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - tự do - Hạnh phúc Số 11/1998/NĐ-CP Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 1998 NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ Ban hành Quy chế làm việc của chính phủ CHÍNH PHỦ 40
  41. Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992; Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ NGHỊ ĐỊNH Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế làm việc của Chính phủ. Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ban hành và thay thế Nghị định số 13/CP ngày 1 tháng 12 năm 1992 ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy chế làm việc cụ thể của cơ quan mình phù hợp với Quy chế này. Điều 3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này ở tất cả các cấp, các ngành và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ. Điều 4. Các thành viên Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này. TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nơi nhận: - Thường vụ Bộ chính trị - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Phan Văn Khải - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ - HĐND, UBND tỉnh 2.2. Thực hành phân tích văn bản khoa học 2.2.1. Tóm tắt văn bản khoa học a. Tóm tắt văn bản Tóm tắt văn bản là thuật lại một cách ngắn gọn nội dung của văn bản gốc theo một mục đích đã định trước. Bởi vậy, văn bản tóm tắt bao giờ cũng ngắn hơn văn bản gốc, nhưng ngắn đến mức nào thì phụ thuộc vào mục đích tóm tắt. Hàng ngày, chúng ta cần phải tóm tắt nhiều loại văn bản theo những mục đích nhất định, nhưng ở đây, chỉ giới hạn trong phạm vi thực hành tóm tắt văn bản khoa học. 41
  42. b. Mục đích, yêu cầu b1. Mục đích của tóm tắt văn bản khoa học - Lưu trữ tài liệu dưới dạng ngắn gọn nhất để sử dụng (trích dẫn) khi cần thiết. - Giới thiệu, trình bày, báo cáo. - Rèn luyện để nâng cao năng lực ngôn ngữ. - Trong nhà trường, tóm tắt vừa hệ thống hóa kiến thức vừa rèn luyện các thao tác tư duy khoa học. b2. Yêu cầu văn bản tóm tắt - Ngắn gọn, cô đọng: ép nén thông tin vào một đơn vị ngôn ngữ hết sức súc tích, ngắn gọn. Văn bản tóm tắt phải ít lời nhiều ý. - Chính xác, trung thực: nội dung nêu trong văn bản tóm tắt phải là nội dung cốt lõi của văn bản gốc. - Phù hợp với mục đích tóm tắt; cần diễn đạt các nội dung tóm tắt theo cách riêng của mình. c. Cách thức tóm tắt văn bản khoa học c1. Quy trình tóm tắt - Đọc kĩ văn bản gốc để xác định nội dung. Khi đọc, cần chú ý tiêu đề, các chương, mục, tiểu mục, các câu chủ đề của các đoạn văn (thể hiện nội dung khái quát). - Phân loại nội dung, lựa chọn các nội dung (ý) để đưa vào văn bản tóm tắt. Từ việc xác định chủ đề và các chủ đề bộ phận của văn bản gốc, xác định ý chính, ý phụ để lựa chọn ý cho văn bản tóm tắt (theo mục đích tóm tắt). - Xây dựng đề cương văn bản tóm tắt. - Viết văn bản tóm tắt. Dùng ngôn ngữ và cách diễn đạt của người tóm tắt. Nên dùng câu đầy đủ thành phần, hoặc câu phức hợp để chứa thông tin tối đa. - Kiểm tra văn bản tóm tắt; dựa vào mục đích yêu cầu mà điều chỉnh lần cuối. c2. Tóm tắt thành đề cương - Phân biệt tóm tắt thành đề cương và xây dựng đề cương văn bản Tóm tắt thành đề cương và xây dựng đề cương là hai quá trình ngược chiều nhau. Nếu như xây dựng đề cương là xác lập cái khung nội dung của văn bản để bước tiếp theo là làm đầy thành văn bản thì tóm tắt thành đề cương là từ văn bản hoàn chỉnh mà tóm lược lại, chỉ giữ lại bộ khung của văn bản. Xây dựng đề cương, người viết phải tự suy nghĩ để lập ý và phát triển ý, còn tóm tắt thành đề cương cần phải tìm hiểu và nắm chắc quá trình lập luận, phát triển ý trong văn bản mà rút ra đề cương cần thiết. 42
  43. Đề cương là bộ khung nội dung của văn bản, là cái cốt phản ánh kết cấu và bố cục của văn bản. - Cách tóm tắt thành đề cương Từ một văn bản cho trước, tiến hành lược bớt các phần, chỉ giữ lại cái khung của nó. Đó là hệ thống các ý lớn, ý nhỏ và có thể là các dẫn chứng quan trọng. Yêu cầu, tóm tắt theo trình tự của văn bản gốc: tiêu đề, mở đầu, triển khai, kết luận. Cụ thể: + Giới thiệu tên văn bản, tác giả, xuất xứ của văn bản gốc. Văn bản khoa học thường có tiêu đề; khi tóm tắt, ta viết giữa dòng, khổ chữ to hơn, kiểu chữ khác để phân biệt với các phần của văn bản. Tiếp theo, ghi tên tác giả và xuất xứ của văn bản. + Phần mở đầu, xác định lí do và mục đích nghiên cứu, tình hình nghiên cứu, đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu, các phương pháp được sử dụng. + Phần triển khai, tóm tắt hệ thống luận điểm, luận cứ theo hệ thống các mục, tiểu mục theo nhiều tầng bậc. Các nội dung tóm tắt diễn đạt bằng các cụm từ, hay câu rút gọn. Trong đề cương tóm tắt, có thể sử dụng các chữ số Ả Rập 1, 2, 3, v.v.; ghép các chữ số Ả Rập theo kiểu 1.1, 1.2, 1.3, v.v.; dùng các chữ cái thường a, b, c, v.v.; dùng các dấu -, +, v.v. để ghi lại hệ thống lập luận của văn bản. Trường hợp văn bản gốc không có hệ thống đề mục thì người tóm tắt tự xác định đề mục nhưng phải phù hợp với nội dung. + Phần kết luận, tóm tắt những kết quả tìm tòi nghiên cứu, những đóng góp nổi bật, những ứng dụng cũng như hướng nghiên cứu tiếp tục của đề tài. Chẳng hạn, tóm tắt thành đề cương văn bản sau đây: CƠ QUAN PHÂN TÍCH THÍNH GIÁC Chúng ta đã học về âm thanh (Vật lí 7) và phân biệt được các âm trầm bổng, to nhỏ khác nhau, phát ra từ nguồn âm, là nhờ cơ quan phân tích thính giác. Cơ quan phân tích thính giác gồm các tế bào thụ cảm thính giác, dây thần kinh thính giác và vùng thính giác ở thùy thái dương. I. Cấu tạo của tai Thành phần cấu tạo của tai gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. - Tai ngoài gồm vành tai có nhiệm vụ hứng sóng âm, ống tai có nhiệm vụ hướng sóng âm. Tai ngoài được giới hạn với tai giữa bởi màng nhĩ (có đường kính khoảng 1cm). - Tai giữa là một khoang xương, trong đó có chuỗi xương tai bao gồm xương búa, xương đe và xương bàn đạp khớp với nhau. Xương búa được gắn vào màng nhĩ, xương bàn đạp áp vào 43
  44. một màng giới hạn tai giữa với tai trong (gọi là màng cửa bầu dục, có diện tích nhỏ hơn màng nhĩ 18-20 lần). Khoang tai giữa thông với hầu nhờ có vòi nhĩ nên bảo đảm áp suất hai bên màng nhĩ được cân bằng. - Tai trong gồm hai bộ phận: + Bộ phận tiền đình và các ống bán khuyên thu nhận các thông tin về vị trí và sự chuyển động của cơ thể trong không gian. + Bộ phận ốc tai thu nhận các kích thích của sóng âm. Ốc tai gồm ốc tai xương, trong có ốc tai màng. Ốc tai màng là một ống màng chạy suốt dọc ốc tai xương và cuốn quanh trụ ốc hai vòng rưỡi, gồm màng tiền đình ở phía trên, màng cơ sở ở phía dưới và màng bên áp sát vào vách xương của ốc tai xương. Màng cơ sở có khoảng 24000 sợi liên kết dài ngắn khác nhau: dài ở đỉnh ốc và ngắn dần khi xuống miệng ốc. Chúng chăng ngang từ trụ ốc sang thành ốc. Trên màng cơ sở có cơ quan coocti, trong đó có các tế bào thụ cảm thính giác. II. Chức năng thu nhận sóng âm Sóng âm từ nguồn âm phát ra và được vành tai hứng lấy, truyền qua ống tai vào làm rung màng nhĩ, rồi truyền qua chuỗi xương tai vào làm rung màng “cửa bầu” và cuối cùng làm chuyển động ngoại dịch rồi nội dịch trong ốc tai màng, làm tác động lên cơ quan coocti. Sự chuyển động ngoại dịch được dễ dàng nhờ có màng của “cửa tròn” (ở gần cửa bầu, thông với khoang tai giữa). Tùy theo sóng âm có tần số cao (âm bổng) hay thấp (âm trầm), mạnh hay yếu mà sẽ làm cho các tế bào thụ cảm thính giác của cơ quan coocti ở vùng này hay vùng khác trên màng cơ sở hưng phấn, truyền về vùng phân tích tương ứng ở trung ương cho ta nhận biết về các âm thanh đó. III. Vệ sinh tai Ráy tai do các tuyến ráy trong thành ống tai tiết ra. Thông thường, ráy tai hơi dính có tác dụng giữ bụi, nên thường phải lau rửa bằng tăm bông, không dùng que nhọn hoặc vật sắc để ngoáy tai hay lấy ráy, có thể làm tổn thương hoặc thủng màng nhĩ. Trẻ em cần được giữ gìn vệ sinh để tránh viêm họng. Viêm họng có thể qua vòi nhĩ dẫn tới viêm khoang tai giữa. Tránh nơi có tiếng ồn hoặc tiếng động mạnh tác động thường xuyên ảnh hưởng tới thần kinh, làm giảm tính đàn hồi của màng nhĩ - nghe không rõ. Nếu tiếng động quá mạnh, tác 44
  45. động bất thường có thể làm rách màng nhĩ và tổn thương các tế bào thụ cảm thính giác dẫn tới điếc. Tóm lại, tai là bộ phận tiếp nhận âm thanh. Tai và các bộ phận của nó hoạt động theo một cơ chế đặc thù giúp ta biết âm thanh đã phát ra. Cần phải thường xuyên giữ vệ sinh cho tai. Sau khi đọc kĩ văn bản gốc, nắm được chủ đề và các chủ đề bộ phận, phân loại ý (nội dung), xác định được các phần (bố cục), ta tiến hành tóm tắt: CƠ QUAN PHÂN TÍCH THÍNH GIÁC Nhóm tác giả: Nguyễn Quang Vinh (Chủ biên), Trần Đăng Cát, Đỗ Mạnh Hùng, Sinh học 8, Nxb Giáo dục, H.2007, tr.162-165. A. Phần mở đầu - Cơ quan phân tích thính giác giúp ta nhận biết âm thanh. - Cơ quan phân tích thính giác có cấu tạo và chức năng B. Phần triển khai I. Cấu tạo của tai 1. Các bộ phận, gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. 1.1. Tai ngoài, gồm: - Vành tai, hứng sóng âm. - Ống tai, hướng sóng âm 1.2. Tai giữa - Là khoang xương có chuỗi xương tai gồm: xương búa, xương đe, xương bàn đạp. - Ngăn cách với tai ngoài bằng màng nhĩ, thông với hầu. 1.3. Tai trong, có hai bộ phận: - Tiền đình và các ống bán khuyên, thu nhận thông tin. - Ốc tai, thu nhận các kích thích của sóng âm. Các bộ phận của ốc tai (ốc tai xương, ốc tai màng) và chức năng của chúng. II. Chức năng thu nhận sóng âm 1. Cách thu nhận âm thanh - Vành tai hứng nguồn âm, qua ống tai, làm rung màng nhĩ, qua chuỗi xương tai, làm chuyển động các bộ phận tai trong. - Hoạt động của các bộ phận tai trong 2. Tần số sóng âm và cơ chế nhận biết âm thanh. III. Vệ sinh tai 45
  46. 1. Xử lí ráy tai 2. Tránh viêm họng ở trẻ nhỏ. 3. Tránh tiếng động, tiếng ồn lớn. C. Phần kết luận - Các bộ phận của tai có chức năng thu nhận âm thanh. - Giữ vệ sinh cho tai. c3. Cách tóm tắt thành văn bản - Tóm tắt thành văn bản một tài liệu khoa học cũng giống như tóm tắt thành đề cương, ta cũng bám sát các phần trong bố cục của văn bản gốc. Phần mở đầu và kết thúc có thể lấy từ các câu chủ đề trong hai phần đó rồi rút gọn hoặc thêm vào một số từ ngữ thích hợp. Nếu các phần đó (trong văn bản gốc) không có câu chủ đề thì phải diễn đạt ý khái quát (tức chủ đề của văn bản gốc) bằng một hoặc vài câu khác. Đối với phần triển khai, nên lần lượt tóm tắt theo các chủ đề bộ phận, các ý lớn nhỏ được thể hiện ở hệ thống các đề mục trong văn bản gốc. Nếu các đoạn văn có câu chủ đề, có thể bám sát các câu chủ đề để tóm tắt các ý. Nếu các đoạn văn không có câu chủ đề, hoặc một vài đoạn mới tạo thành ý đầy đủ, ta phải khái quát ý trong các đoạn thành một câu, hoặc vài câu ngắn gọn. Khi tóm tắt, dùng các phương tiện liên kết để gắn kết các câu chủ đề lấy trong văn bản gốc hoặc câu tự tạo. Lưu ý, có thể ghi lại dàn ý của văn bản gốc rồi mới tiến hành viết văn bản tóm tắt. Cần diễn đạt các nội dung tóm tắt bằng ngôn ngữ của người viết. Có thể nêu bình giá của người tóm tắt về văn bản gốc. - Viết văn bản tóm tắt. - Kiểm tra lại văn bản tóm tắt. Sau đây, ta sẽ tóm tắt văn bản Cơ quan phân tích thính giác. CƠ QUAN PHÂN TÍCH THÍNH GIÁC Nhóm tác giả: Nguyễn Quang Vinh (Chủ biên), Trần Đăng Cát, Đỗ Mạnh Hùng, Sinh học 8, Nxb Giáo dục, H.2007, tr.162-165. Tai là bộ phận tiếp nhận âm thanh. Tai gồm một số bộ phận; mỗi bộ phận thực hiện một chức năng nhất định. Cấu tạo của tai gồm ba thành phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Mỗi thành phần lại có những bộ phận đảm nhiệm các chức năng nhất định. 46
  47. Sóng âm vào tai làm rung màng nhĩ, truyền qua chuỗi xương tai vào tai trong gây sự chuyển động ngoại dịch rồi nội dịch trong ốc tai màng và tác động lên các tế bào thụ cảm thính giác của cơ quan coocti nằm trên màng cơ sở ở vùng tương ứng với tần số và cường độ của sóng âm làm các tế bào này hưng phấn chuyển thành xung thần kinh truyền về vùng thính giác ở thùy thái dương cho ta nhận biết âm thanh đã phát ra. Thường xuyên giữ vệ sinh cho tai, lấy sạch ráy tai. Phải giữ cho trẻ không viêm họng; tránh tiếng động, tiếng ồn lớn. Tóm lại, tai và các bộ phận của nó là cơ quan thu nhận âm thanh. Phải có ý thức giữ vệ sinh cho tai. 2.2.2. Tổng thuật các văn bản khoa học a. Khái niệm tổng thuật Tổng thuật là kĩ năng giới thiệu và trình bày lại những thông tin cơ bản từ một số văn bản gốc cùng chủ đề hoặc cùng có một mối quan hệ nào đó với chủ đề. Các văn bản làm đối tượng tổng thuật có thể của một tác giả, hoặc của nhiều tác giả, cùng một thời điểm hoặc được công bố ở những thời điểm khác nhau. Tổng thuật các văn bản khoa học là công việc thường gặp trong hoạt động khoa học (viết báo cáo khoa học, chuyên luận, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học, làm luận án, luận văn, v.v.). Đặc biệt, trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, việc tổng thuật văn bản là hết sức cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. b. Mục đích và yêu cầu của tổng thuật b1. Mục đích - Tổng thuật là giúp người đọc hình dung một cách khái quát diện mạo của một vấn đề, một khuynh hướng khoa học nào đó (các thành tựu, những khía cạnh chưa giải quyết, đang tranh luận, hướng giải quyết, v.v.). - Tổng thuật có khi nhằm mục đích phân tích, học hỏi, khẳng định hoặc phê phán một hướng nghiên cứu nào đó. b2. Yêu cầu của tổng thuật - Tổng thuật đòi hỏi phải có tính khái quát hóa cao (vì đối tượng của tổng thuật phức tạp, nội dung đa dạng). - Kết hợp sử dụng nhiều thao tác như so sánh đối chiếu, phân tích, tổng hợp, v.v Người viết tổng thuật phải bày tỏ quan điểm của mình (qua bình giá). c. Các bước tổng thuật 47
  48. Về kĩ thuật, quy trình tổng thuật cũng có những bước tương tự như tóm tắt văn bản khoa học. Tuy nhiên, do đối tượng tổng thuật phức tạp (gồm nhiều văn bản, nhiều nội dung) nên việc tổng thuật yêu cầu ở mức độ cao hơn, kĩ thuật phức tạp hơn. Cụ thể, tổng thuật các văn bản khoa học gồm các bước sau: - Xác định bối cảnh ra đời của loạt văn bản là đối tượng tổng thuật. - Đọc kĩ các văn bản, tiến hành phân loại các văn bản theo nội dung của chúng, sắp xếp các văn bản theo trật tự thời gian. Cần làm rõ lịch sử vấn đề của từng đối tượng tổng thuật. - Đối chiếu nội dung giữa các văn bản, xác định chủ đề chung từ các văn bản, khái quát hóa để rút ra các mặt nội dung cơ bản từ các văn bản. Chú ý các nội dung tương đồng và dị biệt giữa các văn bản. - Lần lượt tổng thuật các khía cạnh nội dung đã khái quát hóa. Khi tổng thuật, người viết đánh giá, bày tỏ thái độ của mình đối với từng vấn đề tổng thuật. - Lập đề cương văn bản tổng thuật - Viết văn bản tổng thuật. Dùng ngôn ngữ của người viết để diễn đạt các nội dung tổng thuật. Có thể trích dẫn một số từ ngữ, câu văn trong các văn bản gốc khi thấy thật cần thiết. - Kiểm tra văn bản tổng thuật. d. Cấu trúc văn bản tổng thuật d1. Phần mở đầu, giới thiệu khái quát các tài liệu cần tổng thuật (tác giả, tên tài liệu, thời gian xuất bản). Nếu tổng thuật các tài liệu trong một hội nghị, hội thảo khoa học thì giới thiệu chủ đề hội nghị, hội thảo, thời gian, địa điểm, thành phần. d2. Phần triển khai - Nêu đặc điểm chung của các văn bản (giới thiệu khái quát các tác giả, các văn bản tổng thuật). - Nêu những luận điểm cơ bản được trình bày trong các văn bản, chỉ ra điểm chung, thống nhất và điểm riêng, khác biệt. d3. Phần kết thúc, tóm tắt những ý chung nhất, bao trùm nhất. Nêu kiến nghị, đề xuất của mình. Chẳng hạn, tổng thuật hội thảo khoa học toàn quốc Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam sau 1975. Ngày 18 tháng 11 năm 2011, Trường đại học Vinh, do khoa Ngữ văn chủ trì đã tổ chức hội thảo quốc gia Tiểu thuyết và truyện ngắn Việt nam sau 1975. Hội thảo đã tập hợp được nhiều nhà khoa học, các nhà giáo, các nghiên cứu sinh và học viên cao học từ nhiều địa phương 48
  49. trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, v.v Mục đích của hội thảo là khẳng định những thành tựu, những đóng góp trên cả hai phương diện lí luận và thực tiễn của tiểu thuyết và truyện ngắn trong xu hướng đổi mới văn học hiện nay; vấn đề giảng dạy hai thể loại này trong nhà trường phổ thông và đại học. Sau báo cáo đề dẫn của PGS.TS. Đinh Trí Dũng, Trưởng khoa Ngữ văn, hội thảo đã tiến hành nghị sự tại hội trường. Có 6 báo cáo trong tổng số 50 báo cáo được trình bày tại hội thảo. Qua các báo cáo và phần thảo luận trong hội thảo, có hai vấn đề được hội thảo quan tâm: 1/ Những vấn đề chung về tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam sau 1975; 2/ Những vấn đề về tác giả, tác phẩm. 1. Những vấn đề chung về tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam sau 1975 Các báo cáo gửi đến hội thảo rất phong phú về nội dung, trong đó, có nhiều báo cáo đề cập đến những vấn đề chung, khái quát những thành tựu nổi bật của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 trên hai phương diện lí luận và thực tiễn. Các báo cáo như Truyện ngắn về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay của PGS.TS. Đinh Trí Dũng (Đại học Vinh), Vấn đề thể loại và nghệ thuật xây dựng nhân vật qua một số tiểu thuyết lịch sử sau 1985 về phong trào Tây Sơn của TS. Lê Văn Dương (Đại học Vinh), Một cách nhận diện về sự vận động của tiểu thuyết lịch sử của PGS.TS. Tôn Phương Lan (Viện văn học), v.v. đặt ra những hướng khai thác mới, những cách tiếp cận mới trong tiểu thuyết lịch sử. Một số báo cáo như Tiếp nhận ảnh hưởng để đổi mới sáng tạo của PGS.TS. Phan Huy Dũng (Đại học Vinh), Sự vận động của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 qua những cách tân về hình thức của TS. Hỏa Diệu Thúy (Đại học Hồng Đức), Trong tấm gương thể loại nhỏ của GCV. Bùi Việt Thắng (Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) v.v. đặt vấn đề đổi mới quan niệm về con người, những cách tân nghệ thuật, sáng tạo trong “kĩ thuật viết”. Còn các báo cáo như Người ta sinh ra không là đàn bà, người ta trở thành đàn bà của Nguyễn Mạnh Hà (Huyện ủy Thạch Hà, Hà Tĩnh), Vấn đề thiện ác trước yêu cầu đổi mới văn học trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 của TS. Nguyễn Văn Kha (Viện khoa học xã hội Nam Bộ), v.v. nêu rõ cảm hứng về thân phận con người, vấn đề thiện ác, vấn đề nữ quyền, v.v Bài báo Dạy đọc-hiểu truyện ngắn sau 1975 trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông của TS. Đặng Lưu (Đại học Vinh) là những định hướng phương pháp dạy học truyện ngắn Việt Nam sau 1975 ở nhà trường phổ thông. Tuy đã gặp nhau trên nhiều điểm, nhưng để làm rõ hơn diện mạo, đặc điểm, quy luật vận động, những cách tân về nội dung và hình thức của hai thể loại này sau 1975 thì vẫn còn nhiều điều phải bàn tiếp. Một số vấn đề cần có sự bàn bạc trao đổi thêm như khuynh hướng, các thể 49
  50. tài, các xu hướng sáng tác mới, những vấn đề về nghệ thuật trần thuật, giọng điệu, ngôn từ, v.v Có những vấn đề thực tiễn mà hội thảo chưa đặt ra như văn học mạng, blog, hình thức khẩu văn, v.v 2. Những vấn đề về tác giả, tác phẩm Trong 50 báo cáo, có đến hơn nửa đi sâu khảo sát, đánh giá các hiện tượng văn học cụ thể. Các báo cáo như “Chấn thương” trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp của TS. Lê Thanh Nga (Đại học Vinh), Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Lê Minh Khuê của TS. Lê Hồ Quang (Đại học Vinh), “Gia đình bé mọn” dưới góc nhìn thể loại của TS. Lê Tú Anh (Đại học Hồng Đức), v.v. ghi nhận những tìm tòi, cách tân về nội dung và hình thức của các tác giả. Có nhiều báo cáo, chẳng hạn: Độc thoại nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ của TS. Lê Sao Chi (Đại học Vinh), Sự kết hợp bất thường các từ ngữ trong truyện ngắn Bảo Ninh của TS. Trịnh Thị Mai (Đại học Vinh), Phương ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư của TS. Nguyễn Hoài Nguyên (Đại học Vinh), v.v. đi sâu tìm hiểu những vấn đề ngôn ngữ tiểu thuyết và truyện ngắn như thủ pháp dòng ý thức, ngôn ngữ độc thoại nội tâm, hiện tượng chệch chuẩn, vấn đề từ ngữ địa phương trong tác phẩm, v.v Vấn đề “kĩ thuật viết” của các tác giả cũng được một số nhà nghiên cứu quan tâm, chẳng hạn: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong tiểu thuyết “Thân phận tình yêu” của Bảo Ninh của ThS. Hoàng Thị Tâm (Đại học Hồng Đức), Mấy suy nghĩ về cái cá biệt trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu của Nguyễn Hoài An (Trường chuyên Phan Bội Châu), v.v Văn học Việt Nam sau 1975, trong đó có tiểu thuyết và truyện ngắn là một bức tranh phong phú, đa dạng, và có không ít những phức tạp trong lí luận và thực tiễn sáng tác. Do đó, việc nghiên cứu, đánh giá những thành công và hạn chế của từng nhà văn, từng tác phẩm cụ thể quả là công việc mà một hội thảo không thể giải quyết nổi. Về lí luận sáng tác của hai thể loại này từ 1975 tới nay, câu chuyện lại càng phức tạp. Hội thảo chỉ là một tiếng nói làm rõ thêm một vài phương diện trong bức tranh phong phú và đa dạng đó. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP THỰC HÀNH MỤC 2.2. CHƯƠNG 2 *Phần thảo luận, thực hành tại lớp 1. Tóm tắt văn bản là gì? Nêu mục đích và yêu cầu của tóm tắt văn bản khoa học. 2. Thảo luận quy trình tóm tắt văn bản khoa học. 50
  51. 3. Nêu các dạng tóm tắt văn bản khoa học. Nêu những điểm giống nhau và khác nhau giữa các dạng tóm tắt. 4. Tổng thuật là gì? Nêu mục đích và yêu cầu của tổng thuật các văn bản khoa học. 5. Nêu các bước tổng thuật các văn bản khoa học. 6. Phân biệt tóm tắt và tổng thuật tài liệu khoa học. 7. Tóm tắt các văn bản dưới đây dưới dạng đề cương và dạng văn bản. a) HOÀNG TUỆ, NHÀ KHOA HỌC TÀI NĂNG, KHÍ PHÁCH, TÂM HUYẾT Trong ngành ngôn ngữ học ở nước ta, Hoàng Tuệ là nhà khoa học tài năng, một trí thức có bản lĩnh, một con người có tâm huyết. Ông hiểu biết tinh tế về tiếng Việt, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề về ngữ pháp, ngữ âm, chuẩn tiếng Việt. Ông xây dựng bộ môn xã hội - ngôn ngữ học ở nước ta. Ông góp phần quyết định xây dựng nền móng khoa học cho việc nghiên cứu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực nào, Hoàng Tuệ cũng có những kiến giải riêng của mình, những công trình nghiên cứu sâu. Hoàng Tuệ là một trí thức có bản lĩnh. Tư tưởng của ông không gò bó. Ông đọc nhiều, tiếp thu nhiều, nhạy cảm với cái mới, nhưng có sự độc lập suy nghĩ, tự mình suy nghĩ, suy ngẫm. Lối tư duy giáo điều, xơ cứng xa lạ với Hoàng Tuệ. Cũng xa lạ với Hoàng Tuệ cái thói quen nghĩ theo, nói dựa; ông thường có nhận định, ý kiến riêng của mình, thẳng thắn phát biểu một cách có trách nhiệm, và không chỉ trong khoa học. Những ý kiến đó lắm khi độc đáo, và không ít khi ngang tàng. Chính vì vậy mà nhiều người thích ông, nhưng cũng có người không hiểu hết ông. Hoàng Tuệ là con người có tâm huyết. Ông thường xuyên quan tâm đến những vấn đề lớn của ngành, của đất nước, nên có nhiều trăn trở. Ông ủng hộ mọi sự cố gắng, hoan nghênh mọi sự tiến bộ. Ông là một người trung thực. Với đồng nghiệp, với cán bộ trẻ, ông sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ, không hề có sự đố kị, kèn cựa hoặc vùi dập. Là một nhà khoa học, Hoàng Tuệ đã cống hiến hết mình cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Ông được bạn bè và giới ngôn ngữ học Việt Nam kính trọng và tin tưởng. (Dựa theo Hoàng Phê, Ngôn ngữ, 1999, số 5) 51