Vai trò của nhân viên xã hội trong tiến trình giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hội nhập cuộc sống

pdf 5 trang hapham 3040
Bạn đang xem tài liệu "Vai trò của nhân viên xã hội trong tiến trình giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hội nhập cuộc sống", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfvai_tro_cua_nhan_vien_xa_hoi_trong_tien_trinh_giup_tre_em_co.pdf

Nội dung text: Vai trò của nhân viên xã hội trong tiến trình giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hội nhập cuộc sống

  1. Kỷ yếu Hội thảo ngày CTXH thế giới 2009 - "Nhân viên xã hội - Tác nhân của sự thay đổi" VAI TRÒ CỦA NHÂN VIÊN XÃ HỘI TRONG TIẾN TRÌNH GIÚP TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN HỘI NHẬP CUỘC SỐNG Điển cứu: Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở TP. Hồ Chí Minh TS. Vũ Nhi Công Giảng viên Khoa XHH Trường ĐHXH-NV ĐHQGTPHCM 1/ Tình hình kinh tế - xã hội: Từ năm 1987, Việt Nam chuyển từ cơ chế hành chánh quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, đồng thời thực hiện chính sách mở cửa để phát triển nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh mặt tích cực là thúc đẩy kinh tế phát triển, cũng có những điểm tiêu cực phát sinh. Sự phân cực giàu – nghèo đang diễn ra ở thành thị cũng như ở nông thôn. Từ một nền cơ chế kinh tế cũ chuyển sang nền kinh tế mới, vấn đề này đang tác động đến quan điểm sống của gia đình, cộng đồng dân cư và trẻ em. Phần lớn hệ thống gia đình Việt Nam không theo kịp đà phát triển quá nhanh của xã hội. Ngành giáo dục chưa có sự chuẩn bị kịp thời cho xu thế tòan cầu hóa, chưa soạn kịp những chương trình giảng dạy mang tính hội nhập quốc tế. Cho đến những năm 1990, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển, đời sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên quá trình này cũng làm nảy sinh không ít những mặt tiêu cực, những tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều thanh thiếu niên sa vào con đường hư hỏng, sống phóng túng, trụy lạc; số cặp vợ chồng ly dị, ly thân ngày càng nhiều; số thanh thiếu niên có thai sớm và nạo thai ngày càng gia tăng, cộng đồng nảy sinh nhiều sự cạnh tranh và suy giảm tinh thần đoàn kết - tương trợ trong cuộc sống. Đa số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống trong những gia đình tan vỡ, gia đình bất hòa, thực trạng này đẩy trẻ em vào trạng thái khủng hoảng tâm lý. Tính cố kết cộng đồng, mối liên hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng như các quan hệ họ hàng, quan hệ dòng tộc bị xói mòn và biến mất. 2/ Vai trò của nhân viên xã hội: Đại học Đồng Tháp 3
  2. Kỷ yếu Hội thảo ngày CTXH thế giới 2009 - "Nhân viên xã hội - Tác nhân của sự thay đổi" Nhân viên xã hội có nhiệm vụ giúp những cá nhân, nhóm và cộng đồng nhận ra vấn đề, giải quyết các vấn đề khó khăn thân chủ đang gặp phải; can thiệp hoặc làm công tác biện hộ trong tiến trình tổ chức hoạt động xã hội. Những hoạt động chữa trị, ngăn ngừa và phát triển nhằm mục đích giúp thân chủ hội nhập vào cuộc sống bình thường của gia đình và cộng đồng. Tạo điều kiện cho thân chủ tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp tăng năng lực cho cá nhân, cho nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn hội nhập cuộc sống. Hiện nay, nhân viên xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh giữ một vai trò rất quan trọng. Họ là những người giúp cho trẻ em nghèo, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, trẻ đường phố, trẻ nghiện hút, trẻ di dân, trẻ lao động sớm, trẻ tự kỷ, trẻ bị lạm dụng tình dục v.v giúp phục hồi về thể lý, tâm lý cho trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh những kiến thức, kỹ năng của ngành công tác xã hội khoa học, nhân viên xã hội đã phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam như: “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”; hoặc sự tương thân tương ái trong lúc nghèo khổ: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; tinh thần giúp đỡ lẫn nhau: “lá lành đùm lá rách”; hỗ trợ nhau về tinh thần, chia sẻ với nhau về vật chất trong những lúc “tắt lửa tối đèn”. Trong quá trình làm việc với nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở TP. Hồ Chí Minh, có nhiều nhân viên xã hội đến với công việc từ tấm lòng yêu thương, làm việc từ thiện, muốn giúp đỡ người khác. Phỏng vấn hơn 100 giáo dục viên, thì hầu hết anh em đến với công việc vì yêu thích, làm lâu năm anh em có nhiều kinh nghiệm, vừa làm vừa học những khóa ngắn hạn, một số anh em cũng đã tốt nghiệp đại học ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý, tham vấn tâm lý và một số ngành liên quan. Để giải quyết những vấn đề xã hội này, hiện vẫn còn nhiều những hoạt động mang tính từ thiện. Những hoạt động từ thiện chỉ nhằm giải quyết những vấn đề trước mắt. Thiếu kiến thức, kỹ năng trong hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp sẽ dẫn đến cách giải quyết vấn đề không tận gốc. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, đôi khi cũng cần kết hợp giữa công tác từ thiện với các hoạt động xã hội chuyên nghiệp. Trong tiến trình thực hiện các hoạt động xã hội, nhân viên xã hội còn có nhiệm vụ tổ chức đào tạo và huấn luyện, giải quyết các vấn đề bất trắc khi làm việc chung với nhau, Đại học Đồng Tháp 4
  3. Kỷ yếu Hội thảo ngày CTXH thế giới 2009 - "Nhân viên xã hội - Tác nhân của sự thay đổi" quản lý công việc có sự tham gia của mỗi thành viên. Bên cạnh đó nhân viên xã hội cũng ý thức về việc làm của mình, cư xử công bằng và nhân ái trong cuộc sống. 3/ Những khó khăn trong các hoạt động xã hội hiện nay: Khi làm việc với nhóm trẻ có hòan cảnh khó khăn, nhân viên xã hội thường phải đối diện với “vấn đề cha mẹ không có trách nhiệm với con cái của họ”; “cha mẹ buông xuôi và không có khả năng giáo dục con cái”; hoặc bản thân nhân viên xã hội chưa vận dụng được kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề, chưa hiểu tâm lý, chưa biết cách ứng xử đúng mức khi làm việc với thân chủ, với người dân và với phía đối tác. Anh Nguyễn Công Ánh góp ý kiến: “ Hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh có những dự án đang giúp cho khoảng 5.000 trẻ em có chỗ ăn, chỗ ở, chỗ đi học, và giúp cho khoảng 20.000 trẻ em nghèo trong cộng đồng dân cư. Nhưng đây chỉ là những vấn đề trước mắt. Chúng ta cần có những hoạt động bền vững, giải quyết được tận gốc vấn đề. Chính vì vậy cần có sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và cần có sự hợp tác của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Nhiều nhân viên xã hội mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm làm việc; có những người thiếu chuyên môn về công tác tham vấn, chưa biết cách làm việc với gia đình và cộng đồng”. Tuy nhiên, nhân viên xã hội đã chịu khó đi sâu vào từng hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ. Các em sống trong những gia đình cha mẹ nghèo về vật chất, và thường là những gia đình “bị đổ vỡ” – gia đình không hạnh phúc. Có những em sống trong gia đình không quá khó khăn về mặt kinh tế, nhưng lại gặp những người cha, người mẹ vô trách nhiệm. Có những bậc cha mẹ chạy theo nhu cầu riêng của họ mà quên đi con cái của mình. Họ không quan tâm, họ không yêu thương và cũng chẳng chăm sóc con cái của họ. Khi tiếp cận với gia đình trẻ, thường các bậc cha mẹ “hay mắng chửi con cái”; thậm chí họ còn “xỉ vả đứa trẻ ngay trong bữa ăn”. 4/ Vai trò của nhân viên xã hội trong công tác xã hội với gia đình: Nhân viên xã hội không thể làm việc thay cho cha mẹ, nhưng cần phải biết cách làm việc với gia đình trẻ. Trẻ em cần sự quan tâm, yêu thương của cha me. Cha mẹ là Đại học Đồng Tháp 5
  4. Kỷ yếu Hội thảo ngày CTXH thế giới 2009 - "Nhân viên xã hội - Tác nhân của sự thay đổi" người trẻ tin tưởng nhất, thương yêu nhất. Gia đình là nơi nương tựa cho đứa trẻ. Cha mẹ là người định hướng cho các em. Một người mẹ đã tâm sự: “Bây giờ cháu cũng 17 tuổi rồi. Cháu có thể đi làm và tự kiếm tiền nuôi thân. Tôi đã có gia đình mới. Bây giờ cháu có thể tự giải quyết mọi vấn đề. Thật sự tôi cũng chẳng có thời gian tâm sự với cháu, thỉnh thoảng tôi có cho cháu chút tiền để cháu bớt đi sự tủi thân”. Cha mẹ nào cũng thương con. Đây là câu nói từ ngàn xưa ở Việt Nam. Thật sự có những người cha, người mẹ rất thương con. Nhưng cũng có những trường hợp người cha “cảm thấy bất lực” trong cuộc sống. Lúc này ông chỉ biết “khuyên con”, ông đã tâm sự: “ Bây giờ cháu cũng 15 tuổi rồi. Cuộc sống đường phố đã dạy cho cháu biết cách xoay xở để sống. Bây giờ tôi không có khả năng giúp cháu về kinh tế. Tôi chỉ giúp cháu lời khuyên. Tôi cũng nói với cháu "hoàn cảnh cha như vầy rồi, còn con, con ráng sống cho đàng hoàng ”. Người bố này cũng chỉ biết khuyên con một cách chung chung. Còn đối với đứa trẻ nó cảm thấy hụt hẫng trong cuộc sống, cảm thấy thiếu sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ. 5/ Kinh nghiệm khi làm việc với trẻ em: Để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhóm trẻ đối tượng, chúng ta phải gần gũi, thân thiện, chân thành và lắng nghe. Khi “tiếp cận” được với nhóm trẻ này, nhân viên xã hội sẽ hiểu hoàn cảnh của các em, nhóm bạn và gia đình của chúng. Quá trình tiếp cận cũng là tiến trình giúp đỡ trẻ em. Nhân viên xã hội có đủ khả năng để làm công tác tham vấn, làm công tác biện hộ vì quyền lợi cho trẻ em. Công việc tiếp cận giúp nhân viên xã hội có thông tin kịp thời, giúp trẻ tránh được sự ngược đãi, bị đe dọa, bị lạm dụng tình dục hoặc bị dụ dỗ vào các tệ nạn xã hội. Một nhân viên xã hội đã cho biết kinh nghiệm trong công tác tiếp cận trẻ và công tác vãng gia: “ Một hôm tôi đến thăm một nhóm trẻ trong cộng đồng nghèo. Tôi nhìn thấy một bé gái đứng khóc. Khi đến hỏi chuyện tôi mới biết em tên H, 14 tuổi. Em bị mẹ ghẻ đánh dữ tợn. Bà buộc em phải đi làm và đưa tiền về bà mới cho ăn. Bà đã buộc em Đại học Đồng Tháp 6
  5. Kỷ yếu Hội thảo ngày CTXH thế giới 2009 - "Nhân viên xã hội - Tác nhân của sự thay đổi" phải nghỉ học. Em cũng chẳng biết làm gì để kiếm tiền đưa về cho gia đình. Bà chửi mắng em suốt ngày. Cuối cùng H đã bỏ nhà và ra đường phố để kiếm sống. Tôi đã đến làm quen và nói chuyện với em, sau đó hỏi ý kiến em và đến thăm gia đình. Gia đình đã đón tiếp tôi rất ân cần. Người mẹ đã kể lể cho tôi nghe đủ thứ khó khăn của bà. Trước khi ra về, bà có nói với tôi: “Tôi cám ơn cô đã đến thăm gia đình. Tôi sẽ cho cháu đi học lại”. Kết luận: Thật vậy, khi tiếp cận với nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhân viên xã hội phải tích cực giúp đỡ, hoặc tham vấn cho các em trên đường phố, đồng thời giúp các em nâng cao nhận thức về những vấn đề xã hội đang diễn ra trong khu vực, nơi các em sinh sống và làm việc. Việc tham vấn cho trẻ trong cộng đồng nghèo, trên đường phố, trong gia đình là điều rất khẩn cấp hiện nay. Bên cạnh việc tham vấn cần tổ chức những hoạt động về giáo dục, sinh hoạt, học nghề hoặc tổ chức các buổi thảo luận chuyên đề, các buổi huấn luyện, tham quan, hoặc trại huấn luyện ngoài trời v.v Thông qua các hoạt động xã hội sẽ giúp cho trẻ được trưởng thành và tự tin hơn trong cuộc sống. Nhiều em sau khi học chữ, học xong nghề đã trở về sống với gia đình. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy nhiều em đã trưởng thành, có việc làm, sống tự lập ngoài xã hội và nhiều em đang hiện diện ở đây với chúng ta trong bầu khí thân thương này. Đại học Đồng Tháp 7