Việt Nam môi trường và cuộc sống - Biển Việt Nam giàu và đẹp

pdf 15 trang hapham 1780
Bạn đang xem tài liệu "Việt Nam môi trường và cuộc sống - Biển Việt Nam giàu và đẹp", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfviet_nam_moi_truong_va_cuoc_song_bien_viet_nam_giau_va_dep.pdf

Nội dung text: Việt Nam môi trường và cuộc sống - Biển Việt Nam giàu và đẹp

  1. Việt Nam môi trường và cuộc sống Biển Việt Nam giàu và đẹp Không có biển, cuộc sống chúng ta hôm nay có thể không tồn tại. Bởi lẽ, biển có nhiều chức năng quan trọng liên quan tới sự sống của con người, biển hoạt động với tư cách là một "cỗ máy điều hòa nhiệt độ" khổng lồ, có tác dụng điều chỉnh cân bằng các cực trị nhiệt độ thịnh hành trên đất liền và làm dịu các ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết khí hậu đối với vùng đất liền như mưa bão, lũ lụt, khô hạn, Môi trường sống của các loài Đến nay, trong vùng biển nước ta đã phát hiện được chừng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Chúng thuộc về 9 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau, trong đó ba vùng biển: Móng Cái - Đồ Sơn, Hải Vân - Đại Lãnh và Đại Lãnh - Vũng Tàu có mức đa dạng sinh học cao hơn các vùng còn lại. Trong tổng loài được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá, trong đó trên 100 loài cá kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Các hệ sinh thái biển và ven biển có các giá trị cực kỳ quan trọng, như: điều chỉnh khí hậu và điều hòa dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa; là nơi cư trú, sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật không chỉ ở ngay vùng bờ, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa, trong đó có nhiều loài đặc hải sản. Các hệ sinh thái có năng suất sinh học cao, như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, vùng triều cửa sông, đầm phá và vùng nước trồi thường phân bố tập trung ở vùng bờ và quyết định hầu như toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển và đại dương phía ngoài. Khoản lợi nhuận thuần có thể thu được từ các
  2. Việt Nam môi trường và cuộc sống hệ sinh thái biển và ven biển của Việt Nam sơ bộ ước tính là 60 - 80 triệu USD/năm, tức là khoảng 56 - 100USD/năm cho một hộ gia đình cư dân sống ở các huyện ven biển (ADB: Báo cáo hàng năm, 1999). Khung III.2. MỘT LỐI TƯ DUY VỀ BIỂN "Như ai cũng biết, sự sống vốn xuất hiện đầu tiên từ biển, rồi mới tiến dần lên đất liền. Nhưng khi sự sống đã phát triển đến trình độ con người, thì nó đã đi xa biển, Lại còn điều này nữa: có lẽ một trong những "chỗ yếu" rất đáng chú ý của dân tộc ta là chúng ta rất sợ biển; đất nước quay mặt ra biển, có đến mấy nghìn cây số bờ biển, mà suốt lịch sử chúng ta có bao giờ dám đi ra biển xa, biển lớn, ra đại dương đâu, chỉ quanh quẩn ven bờ, khư khư bám chặt lấy đất liền" . Nguồn: Nguyên Ngọc, Chuyện Ông già trên núi Hòn Nghệ, Sài Gòn Tiếp thị, 2003 Rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển Rạn san hô được ví như "rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển". Theo C. Wilkinson (2002), rạn san hô chỉ chiếm 0,25 diện tích đáy đại dương thế giới, nhưng đã cung cấp khoảng 93.000 loài động thực vật biển đã được xác định và là chỗ dựa cho khoảng 500 triệu người trên toàn cầu có nhu cầu sử dụng hàng hoá và dịch vụ từ các rạn san hô (ước khoảng 375 tỷ USD).
  3. Việt Nam môi trường và cuộc sống Khung III.3. KHU BẢO TỒN BIỂN HÒN MUN Khu Bảo tồn biển được xem là công cụ hữu hiệu để bảo tồn đa dạng sinh học biển và quản lý nghề cá. Khu Bảo tồn biển Hòn Mun (Khánh Hòa) được xây dựng đầu tiên ở nước ta, căn cứ theo quy hoạch hệ thống Khu Bảo tồn biển Việt Nam với sự giúp đỡ của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), DANIDA và IUCN. Đây là một trong ba khu bảo tồn biển được các tổ chức trên chọn làm thí điểm trên thế giới. Khu Bảo tồn biển này rộng 16.000ha, gồm 9 hòn đảo trong vịnh Nha Trang. Có 5.300 người sống trong phạm vi và 300.000 người sống ở lân cận Khu Bảo tồn biển này. Rạn san hô ở đây được xem là hệ sinh thái quan trọng nhất và được cấu thành từ trên 340 loài san hô cứng trong tổng số 800 loài của thế giới. Độ phủ của rạn san hô này thuộc loại cao (khoảng 70%) và được xem là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao nhất ở vùng bờ Việt Nam . Ngoài ra, còn có 4 loài cỏ biển, 3 loài thực vật ngập mặn, 124 loài thân mềm, 46 loài giun nhiều tơ, 69 loài giáp xác, 27 loài da gai và 196 loài cá san hô. Hàng năm khoảng trên 300.000 du khách đã đến hưởng ngoạn ở Khu Bảo tồn biển Hòn Mun này. Nguồn: Chu Tiến Vĩnh và những người khác, 2003 Ảnh III.1. Rạn san hô - công viên của Vương quốc Thủy tề Trong vùng biển Việt Nam có khoảng 1.122km2 rạn san hô với khoảng 310 loài san hô đá và phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam, nhưng tập trung ở khu vực ven bờ miền Trung, vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Tài liệu đến năm 2001 cho
  4. Việt Nam môi trường và cuộc sống thấy, khoảng 20% rạn có độ phủ san hô sống ở mức nghèo (độ phủ 0-25%), 60% thuộc loại thấp (26-50%), 17% còn tốt (51-75%) và chỉ 3% rất tốt (>75%). Sống gắn bó với các vùng rạn san hô là trên 2.000 loài sinh vật đáy và cá, trong đó có khoảng trên 400 loài cá rạn san hô và nhiều đặc hải sản. Đây là nguồn lợi sinh vật rất quý có thể khai thác hạn định để phục vụ mục đích phát triển của con người. Các vùng rạn san hô còn có tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác và nuôi trồng hải sản trên biển. Ngoài ra, ai đã một lần xem Chương trình VKT trên truyền hình thấy cảnh lặn ngắm xem rạn san hô - "Công viên của Vương quốc Thủy tề" với muôn màu sặc sỡ, đẹp đến mê hồn của thế giới sinh vật rạn, thì hẳn không bao giờ quên. Cánh rừng ngập mặn ven biển Rừng ngập mặn (ngoài miền Bắc gọi là rừng sú vẹt) phân bố trải trên 8% tổng chiều dài đường bờ biển thế giới và chiếm khoảng 181.000km2 vùng ven biển các nước nhiệt đới. Ảnh III.2. Một mảng rừng ngập mặn Cà Mau Trước năm 1943, rừng ngập mặn phân bố ở ven biển nước ta với khoảng trên 400.000ha (miền Nam 250.000ha). Sau năm 1987, còn lại 252.500ha, tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long (191.800ha), vùng cửa sông ven biển miền Bắc (46.400ha) và ở miền Trung khoảng 14.300ha. Sống dưới tán thảm thực vật ngập mặn là khoảng 1.600 loài sinh vật, trong đó có nhiều thủy đặc sản chỉ sống gắn bó với rừng ngập mặn. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn cung cấp các vật liệu hóa phẩm dùng làm thuốc nhuộm, lie làm mũ, sơn ta, bản thân rừng ngập mặn là bức tường tự nhiên bảo vệ bờ biển khỏi xói lở và là bộ lọc tự nhiên các chất ô nhiễm nguồn
  5. Việt Nam môi trường và cuộc sống lục địa do sông mang ra; là nơi cư trú và ươm nuôi các ấu trùng của các loài thủy hải sản. Giá trị kinh tế thu được từ cá và gỗ rừng ngập mặn chừng 6.000USD/ha.năm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sản lượng khai thác thuỷ sản trong rừng ngập mặn tỷ lệ thuận với độ phủ của thảm thực vật ngập mặn. Vì thế, còn rừng ngập mặn thì còn tôm cá, còn chỗ dựa sinh kế của cộng đồng ven biển, đặc biệt cộng đồng nghèo. Đồng cỏ dưới đáy biển Ảnh III.3. Thảm cỏ biển Việt Nam Các thực vật thuỷ sinh bậc cao (Hydrophytes), nhóm có hoa (Anthophyta) thích nghi sống ngập nước biển với mật độ muối cao, chịu được lực tác động của sóng gió, thuỷ triều và có khả năng thụ phấn trong nước. Chúng có thể sống đến độ sâu 60m và ở các khu vực đáy mềm phát triển phong phú tạo thành các thảm cỏ biển. Đến nay, toàn thế giới phát hiện được khoảng 58 loài cỏ biển phân bố trên diện tích khoảng 600.000km2, trong đó 40% số loài tìm thấy ở vùng biển Đông. Ở Việt Nam , các thảm cỏ biển phân bố từ Bắc vào Nam và ven các đảo, ở độ sâu từ 0 - 20m. Nơi vùng biển đáy mềm thường có thảm cỏ biển dầy và tươi tốt như vùng ven đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Trường Sa và một số cửa sông miền Trung. Đây cũng là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao và đóng góp quan trọng về mặt
  6. Việt Nam môi trường và cuộc sống cung cấp thức ăn và nguồn giống hải sản cho vùng biển, đặc biệt rùa biển, thú biển và cá biển. Cứ 1m2 cỏ biển sản sinh ra 10 lít ôxy hòa tan/ngày, cho nên đây là nơi thuận lợi cho sinh sản, ươm nuôi giống hải sản và là những bãi hải sản quan trọng ven bờ. Nghiên cứu ở Địa Trung Hải cho thấy, nếu bảo vệ tốt cỏ biển thì cứ 400m2 sẽ là nơi cung cấp khoảng 2.000 tấn cá và hải sản khác một năm. Tổng số loài cư trú trong cỏ biển thường cao hơn vùng biển bên ngoài khoảng 2 - 8 lần. Bản thân cỏ biển là nguyên liệu sử dụng trong đời sống hàng ngày như vật liệu bao gói, thảm đệm, làm phân bón, Dây xích sinh thái quan trọng Do nằm trong đới chuyển tiếp giữa lục địa và biển, nên ba hệ sinh thái tiêu biểu cho biển nhiệt đới: rừng ngập mặn, rạn san hô và cỏ biển có quan hệ mật thiết và tương hỗ cho nhau, tạo ra những "dây xích sinh thái" quan trọng trong biển và vùng ven bờ, mà một mắt xích trong số chúng bị tác động sẽ ảnh hưởng đến các mắt xích còn lại. Trên thực tế, ít ai nghĩ đến việc phá rừng ngập mặn trên vùng triều ven biển lại có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi sinh vật trong rạn san hô và cỏ biển ở dưới biển sâu hơn. Mất các hệ sinh thái này, biển nước ta có nguy cơ sẽ trở thành "thủy mạc", không còn tôm cá nữa. Đó cũng là thông điệp mà các nhà môi trường và bảo tồn thiên nhiên nước ta đã đệ trình Quốc hội vào năm 2000. Theo Botkin và Keller (2000), trong biển có các chuỗi thức ăn gồm nhiều loài và nhiều bậc dinh dưỡng hơn các hệ sinh thái trên cạn. Mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn này là thực vật biển và thực vật phù du. Theo tháp thức ăn trong biển thì để có 1kg cá lớn cần 10kg cá tôm nhỏ, cần 100kg động vật phù du và phải có 1.000kg thực vật phù du làm thức ăn.
  7. Việt Nam môi trường và cuộc sống Khung III.4. TAM GIÁC VÀNG Ở vùng biển Tây - Nam, ba hòn đảo Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối tạo ra một tam giác vàng vì đây được coi là "mỏ tôm" của Việt Nam. Hàng năm mỏ tôm này cung cấp khoảng 7 - 8 tỷ con tôm giống cho vùng biển Bạc Liêu - Cà Mau. Ngoài ra, nơi đây còn rất nhiều mực, chúng bâu đen rạn san hô, một ghe có thể câu vài tiếng đồng hồ đã thu vài tấn mực. Hòn Khoai còn là "giao vĩ cá đường" và là nơi từng tạo ra huyền thoại của nghề cá. Cứ vào tháng 2 - 3 âm lịch hàng trăm ngàn con cá đường từ tít tắp mù khơi kéo về thực hiện công việc duy trì nòi giống, quẫy xôn xao một vùng biển rộng hàng km2. Ngư dân gọi đó là ngày "hội cá đường". Dân địa phương lập tức tung hô gọi nhau đến để tận hưởng lộc biển. Lúc ấy hàng trăm chiếc tầu quây đến đánh bắt, tiếng hò reo vang dậy một vùng biển. Thế nhưng, thực trạng cung cách đánh cá ở đây hằn sâu tập quán làm ăn nhỏ, đánh bắt ven bờ xuất phát từ cách nghĩ của bao thế hệ "chim trời cá nước ai bắt được nấy ăn", đã làm đổ vỡ những khát vọng về biển. Vì tuyến ven bờ chính là nơi sinh sản, là chiếc nôi của tôm cá biển, thế mà khoảng 200 chiếc tầu thuyền đánh cá loại nhỏ làm nghề đẩy te (đã bị luật cấm) giương hai gọng lưới mắt nhỏ ra hai bên như "chiếc tầu bay" thi nhau sục sạo dưới lòng biển. Liệu có con cá nào thoát được? Nguồn: Bộ Thủy sản, Đề tài 0801-85 và Nhóm tác giả biên soạn khảo sát, 2003 Điều kiện sinh thái biển khác hoàn toàn trên đất liền, như: Càng xuống sâu áp suất cột nước càng tăng.
  8. Việt Nam môi trường và cuộc sống Nước biển là dung môi hoà tan các chất khí, các hợp chất vô cơ và một phần hữu cơ, nên một số tính chất lý hoá của nó cũng khác nhau theo 3 chiều không gian. Nước biển bốc hơi khi nhiệt độ tăng, cho nên nó là yếu tố sinh thái giới hạn của sinh vật biển. Sinh vật biển phân bố theo tầng nước. Trên đất liền, hoạt động canh tác có thể đến độ sâu 50cm đối với cây có củ, còn ở biển có thể nuôi trồng đến độ sâu 50m theo tầng nước. Cơ sở tài nguyên thiên nhiên nói trên đã cung cấp cho vùng biển đặc quyền kinh tế của nước ta nguồn lợi hải sản quan trọng. Khoảng 13 bãi cá chính, phân bố khắp vùng biển, trong đó vùng biển phía Nam có ý nghĩa quan trọng hơn. Theo tính toán sơ bộ, trữ lượng cá biển nước ta vào khoảng 4,2 triệu tấn với khả năng khai thác 1,6 triệu tấn; khoảng 0,058 triệu tấn tôm biển, khả năng khai thác khoảng 0,029 triệu tấn và 0,123 triệu tấn mực với khả năng khai thác 0,050 triệu tấn. Biển Đông thuộc hai ngư trường nhiều tôm nhất thế giới là Tây Bắc và giữa Tây Thái Bình Dương, nơi chiếm 53% sản lượng tôm khai thác hiện nay. Trong 10 nước dẫn đầu về khai thác tôm thì Việt Nam đứng thứ 7 (sản lượng khoảng 50.000 - 80.000 tấn) sau Trung Quốc, Inđônêxia, Ấn Độ, Canađa, Mỹ và Thái Lan. Tôm ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở vịnh Bắc Bộ và biển Tây Nam Bộ. Khung III.5. NGUỒN LỢI TRỜI CHO Vùng triều cửa sông Bạch Đằng là môi trường sống thuận lợi cho hàng chục loài nhuyễn thể do ở đây hội tụ đủ ba điều kiện: nguồn thức ăn phong phú trong rừng
  9. Việt Nam môi trường và cuộc sống ngập mặn; các bãi triều rộng rãi; các núi đá vôi và rạn san hô cung cấp canxi cho nước để các loài nhuyễn thể tạo ra vỏ cứng. Hàng ngày, thủy triều lên, đưa các loài nhuyễn thể non vào vùng triều, tại đó mỗi loài tìm ra nơi ở của mình: bám vào đá, khoan lỗ trong cát, vùi mình dưới bùn, Chúng lớn rất nhanh và bị bắt cũng rất nhanh. Sản lượng khi nhiều, khi ít nhưng chưa có loài nào suy giảm đến mất hẳn. Các bãi triều đảo Tuần Châu, đảo Đầu Bê là nơi cư trú của sò huyết, sò lông. Bãi triều từ Quảng Yên đến Đồ Sơn là vùng của ngao, ngó, đặc biệt con ngán chỉ gặp ở Quảng Yên; vẹm xanh, vẹm nâu gặp ở Hòn Dấu, Đồ Sơn, Cát Bà; tu hài mất giống đã lâu, mấy năm nay xuất hiện lại ở Cát Bà. Riêng các loài ốc thì cực kỳ đa dạng và loài nào cũng ngon: ốc mỡ Cát Bà vỏ mịn và dẹt, không có hoa văn; ốc mỡ Đồ Sơn vỏ tròn hơn, hoa văn chấm xanh, xám, nâu, hồng sặc sỡ; ốc đỏ môi rất giống ốc đĩa nhưng có gờ ngang, còn ốc đĩa gờ chạy dọc, cũng ăn rong rêu kẽ đá, quanh năm có ở Cát Bà; ốc mút ưa bãi biển cát và có rất nhiều loại: ốc mút giấy, ốc mút đá, ốc mút dạ, ốc ngọc có vảy miệng xù xì như viên ngọc, ốc gai và điệp thường xuất hiện vào những tháng mùa xuân. Trên các bãi biển đá cứng, mỗi ngày có hàng trăm phụ nữ đi gỡ thịt hàu về nấu canh chua, mỗi ngày mỗi người kiếm được khoảng 1kg. Đó là các loài hàu nhỏ, chỉ nhỉnh hơn hến chút ít. Nhiều người cho rằng hàu Quảng Yên ngon hơn hàu Đồ Sơn. Bám vào các xác tàu đắm dưới 4- 5 sải nước còn có những loài hàu "đại", to hơn bàn tay người lớn, thịt trắng và ngọt. Các nhà khoa học Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng ước tính nguồn lợi hiện nay mỗi năm ở vùng cửa sông Bạch Đằng là: tu hài khoảng 4,5 tấn; sò lông 3.000 tấn; ngao 5.000 tấn; ngó 1.000 tấn; sò huyết 2.000 tấn. Vùng khai thác tùy nơi, rộng từ 150 ha đến 4.000ha và có nhiều loài được khai thác rải rác quanh năm. Bảo vệ môi trường vùng cửa sông Bạch Đằng, rõ ràng không chỉ nhằm bảo vệ các nguồn lợi hải sản, mà còn góp phần đảm bảo cuộc sống cho hàng chục ngàn dân
  10. Việt Nam môi trường và cuộc sống lao động nghèo mà nguồn sống dựa rất nhiều vào nghề cào ngao, bắt ốc trên bãi triều, và hơn thế, là bảo vệ những nét độc đáo của văn hóa ẩm thực vùng đất cảng có cả ngàn năm lịch sử. Nguồn: Nhóm tác giả biên soạn tập hợp từ các kết quả nghiên cứu của Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng, 2003 Biển và vùng ven bờ là đối tượng khai thác của nhiều ngành kinh tế và cộng đồng ven biển nước ta, nhưng trước hết đây là nơi cung cấp đa dạng sinh học, cơ sở tài nguyên cực kỳ quan trọng đối với thủy sản, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia có tiềm năng phát triển thủy sản vững mạnh. Thời gian qua, khoảng 80% lượng thủy sản khai thác đã được cung cấp từ vùng biển ven bờ và đã đáp ứng khoảng gần 40% lượng prôtêin cho người dân. Năm 2002, khai thác ven bờ đạt khoảng 1.434.800 tấn; đã góp phần đưa ngành thủy sản nước ta đạt mức kim ngạnh xuất khẩu 2 tỷ USD, đứng vị trí thứ ba cả nước. Kho nguyên liệu khoáng Ngoài tài nguyên sinh vật, biển nước ta, cũng như phần đáy và lòng đất dưới nó tiềm chứa một nguồn tài nguyên khoáng sản to lớn. Đáng kể là dầu khí ở thềm lục địa, vật liệu xây dựng ở vùng biển nông ven bờ, sa khoáng ven biển và các hóa phẩm từ nước biển (trước hết là muối biển). Dầu khí:
  11. Việt Nam môi trường và cuộc sống Dầu mỏ và khí đốt là hai "chị em sinh đôi" và phần nhiều bắt gặp ở lòng đất dưới đáy thềm lục địa. Trên thực tế, dầu mỏ là dạng tài nguyên không tái tạo, nghĩa là dùng bao nhiêu sẽ giảm sút bấy nhiêu. Đến nay, đã xác định được 7 bồn trầm tích có triển vọng chứa dầu khí ở thềm lục địa nước ta: bồn sông Hồng, Hoàng Sa, Trường Sa, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu và bồn Khánh Hòa. Dầu khí đã được khai thác ở khu vực thềm lục địa phía Nam nước ta. Sản lượng dầu thô khai thác ở Việt Nam hàng năm tăng 30%. Năm 1994, sản lượng khai thác đạt 7 triệu tấn và giá trị xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD. Đến năm 2001, sản lượng khai thác đạt 17,01 triệu tấn dầu thô, đạt giá trị xuất khẩu 3,139 tỷ USD; thu gom và đưa vào bờ 1,72 tỷ m3 khí đồng hành cung ứng cho các Nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa và nhà máy biến thế Dinh Cố. Mức tăng trưởng như vậy đã đưa ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và luôn đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Cùng với việc khai thác dầu, hàng năm phải đốt bỏ gần 1 tỷ m3 khí đồng hành, bằng số nhiên liệu cung cấp cho một nhà máy điện tuabin khí có công suất 300 MW. Để tận dụng nguồn khí này, Chính phủ đã cho xây dựng một Nhà máy Điện khí Bà Rịa và đưa vào hoạt động năm 1996. Nhà máy Lọc dầu đầu tiên cũng đang được khẩn trương xây dựng ở Dung Quất (Quảng Ngãi). Đến nay, hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 6 mỏ: Bạch Hổ, Đại Hùng, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, và PM3 (Bunga Kekwa). Ngành dầu khí nước ta đã đạt mốc khai thác 100 triệu tấn dầu thô vào ngày 13-2-2001, và tổng sản lượng khai thác năm 2003 đạt: 17,6 triệu tấn dầu và hơn 3 tỷ m3 khí. Sa khoáng ven biển: Sa khoáng biển - ven biển là loại hình mỏ có chứa chủ yếu các khoáng vật nặng (tỷ trọng >2,85g/cm3), thành tạo ở vùng bờ biển, trong các bãi cát biển, các doi cát hoặc sườn bờ cát. Nó thường là các "tinh khoáng nặng" ở dạng bở rời, được sàng lọc từ các vật liệu vụn có kích thước và tỷ trọng khác nhau. Theo tuổi địa chất
  12. Việt Nam môi trường và cuộc sống người ta phân biệt: sa khoáng hiện đại (đang thành tạo) và sa khoáng cổ (hình thành ở các khu bờ biển cổ và bị chôn vùi dưới lớp trầm tích đáy biển). Ở Việt Nam , dọc ven biển đã phát hiện được các sa khoáng khoáng vật nặng của các nguyên tố hiếm quý titan, ziacôn và xeri. Đó là các sa khoáng Bình Ngọc (trữ lượng 67.679 tấn) và Tiên Yên (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Cồn Đen (Thái Bình), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Vĩnh Mỹ (Thừa Thiên - Huế), Cam Ranh (Khánh Hòa), Bãi Sau (Bà Rịa-Vũng Tàu). Các sa khoáng Bình Ngọc, Vĩnh Mỹ, Cam Ranh đã được khai thác từ thời Pháp thuộc, còn hiện nay Ôxtrâylia giúp ta khai thác sa khoáng Kỳ Anh. Sản lượng khai thác inmênit từ các sa khoáng ven biển cả nước là 220.000 tấn/năm và ziacôn 1.500 tấn/năm. Ngoài ra, ở mọi nơi trong cát bãi biển đều bắt gặp các khoáng vật nặng nói trên với hàm lượng khá, nhưng quy mô tập trung chưa đủ lớn để tạo mỏ, mà chỉ hình thành các điểm quặng. Vật liệu xây dựng: Vật liệu xây dựng ở biển bao gồm các thành tạo bở rời: cát, cuội sỏi, đá vôi, vỏ sò ốc phân bố chủ yếu ở các vùng ven biển, ven đảo, đáy các vũng vịnh và trong trầm tích thềm lục địa. Trong số vật liệu xây dựng, phổ biến nhất vẫn là cát ven biển. Chúng cấu thành các doi cát, bãi cát biển, sườn bờ ngầm, nhiều vùng cát ở đáy biển. Chúng thường giàu thạch anh, ít tạp chất, nhưng thuộc loại cát mặn, nên việc sử dụng chúng vẫn có nhiều hạn chế và mang tính địa phương. Khai thác vật liệu xây dựng ở vùng ven biển chỉ nên tiến hành trong trường hợp có nhu cầu cấp thiết và phải có kế hoạch bảo vệ bờ biển chống xói lở. Gần đây, đã phát hiện một số mỏ cát dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng chừng trên 100 tỷ tấn. Cát thủy tinh nổi tiếng là mỏ Vân Hải (trữ lượng 7 tỷ tấn), Vĩnh Thực (20.000 tấn) và một dải cát thạch anh ngầm dưới đáy biển Quảng Ninh (gần 9 tỷ tấn). Đá vôi
  13. Việt Nam môi trường và cuộc sống phân bố tập trung trên các đảo thuộc khu vực ven bờ tây - bắc vịnh Bắc Bộ, nhưng chỉ khai thác ở một số mỏ ven biển. Một số vật liệu vụn vỏ sinh vật cacbônát tích tụ thành mỏ quy mô nhỏ ở vịnh Diễn Châu (Nghệ An) và đầm Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế). Các rạn san hô cổ ở Khánh Hòa cũng bị khai thác để nung vôi. Các mỏ khoáng sản khác: Có trên 100 mỏ và điểm quặng được ghi nhận ở ven biển Việt Nam . Đáng kể là các mỏ than ven biển Quảng Ninh, sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Khai thác các mỏ này đang đặt ra các vấn đề môi trường như chất thải mỏ, bụi và xói lở bờ biển. Các tiềm năng phát triển khác Tiềm năng phát triển du lịch biển, cảng - hàng hải rất lớn; tiềm năng năng lượng biển (năng lượng sóng, gió biển ) còn chưa được đánh giá cụ thể. Tiềm năng phát triển du lịch: Nước ta có lợi thế phát triển du lịch biển do có vùng biển rộng, bờ biển dài, nhiều đảo, khí hậu nhiệt đới gió mùa, bãi biển đẹp, giàu đa dạng sinh học, nhiều phong cảnh đẹp và di tích lịch sử ven biển. Năm 1994, vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; năm 2003 vịnh Nha Trang được công nhận là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới và 15 khu bảo tồn biển đang được quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt; hai thành phố ven biển là Huế và Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngoài ra, các khu di sản thế giới: Di tích Mỹ Sơn và động Phong Nha đều nằm ở vùng ven biển. Tất cả, không chỉ để duy trì nguồn lợi đa dạng sinh học cho vùng biển, mà còn là tài nguyên để phát triển thành những cụm du lịch liên hoàn và du lịch sinh thái biển trong tương lai.
  14. Việt Nam môi trường và cuộc sống Dọc ven biển nước ta đã xác định được khoảng 126 bãi cát biển có thể chứa khoảng vài chục đến vài trăm ngàn người, trong đó có khoảng 20 bãi cát biển đạt tiêu chuẩn quốc tế, dài khoảng 16km. Đấy là chưa kể đến hàng trăm bãi biển nhỏ, đẹp, nằm ven các vụng, vũng tĩnh lặng, ven các đảo hoang thuộc quần đảo tây - bắc vịnh Bắc Bộ, quần đảo Cát Bà, Cù Lao Chàm, cụm đảo Hòn Mun, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc. Tuy sức chứa khách không lớn, nhưng rất thích hợp với loại hình du lịch picnic, du ngoạn của các nhóm nhỏ du khách yêu thiên nhiên. Nhiều khu vực ven biển nước ta có các bãi biển khá bằng phẳng, nước biển trong, sóng gió vừa phải, không có chỗ nước xoáy, không có sinh vật gây hại. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên biển - đảo, hang động ngầm, cảnh quan ngầm của các rạn san hô với phong cảnh thiên nhiên và các giá trị văn hóa - xã hội vùng ven biển, đã tạo cho du lịch biển Việt Nam nhiều lợi thế phát triển so với du lịch trên đất liền. Đó là tiềm năng phát triển du lịch 3S (Sun - Mặt trời, Sea - Biển, Sand - Cát) - một lợi thế của khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam . Các giá trị vốn có nói trên rất thích hợp cho việc phát triển các cụm hoặc khu du lịch tập trung với các loại hình đa dạng, như: du lịch sinh thái, khoa học, lặn ngầm, tắm biển, thể thao giải trí, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, mạo hiểm, du ngoạn. Du lịch lặn đã bắt đầu phát triển ở Nha Trang dựa trên cơ sở khai thác các giá trị dịch vụ của rạn san hô. Theo NOAA (2002) chi phí hàng năm cho 45 triệu khách du lịch vùng rạn san hô của Mỹ là 17,5 tỷ USD. Một số khu vực ven biển nước ta có thể quy hoạch thành các trung tâm du lịch biển lớn, như khu vực Móng Cái - Vân Đồn (Quảng Ninh); Hạ Long - Cát Bà - Đồ Sơn (Quảng Ninh - Hải Phòng); Sầm Sơn - Cửa Lò; Huế - Đà Nẵng; Tuy Hoà - Nha Trang; Vũng Tàu - Côn Đảo và Hà Tiên - Phú Quốc. Số khách du lịch đến Việt Nam năm 2000 khoảng trên 3 triệu lượt với mức doanh thu khoảng trên 600 triệu USD, trong đó du lịch biển thu hút gần 80% lượng khách đến Việt Nam. Đến năm 2010, du lịch cũng được xác định là ngành kinh tế
  15. Việt Nam môi trường và cuộc sống ưu tiên trong chiến lược phát triển đất nước với dự báo: 7 - 7,5 triệu lượt khách đến và doanh thu 2 tỷ USD. Nước ta chủ trương tăng cường du lịch biển, du lịch sinh thái với phương châm: "sạch môi trường, đẹp văn hoá, hiện đại, dân tộc và độc đáo". Tiềm năng phát triển cảng - hàng hải: Ảnh III.5. Không bến đậu, chất thải từ con thuyền này sẽ phải đi đâu? Mặt biển và đại dương mênh mông, cũng như vùng biển thềm lục địa là các tuyến giao thông thủy lý tưởng cho các hoạt động của con người. Ở Việt Nam, cứ 20km bờ biển có một cửa sông lớn, các vũng vịnh ven bờ chiếm khoảng 60% đường bờ biển, trong đó có 12 vũng vịnh lớn. Đó là những tiền đề quan trọng đối với phát triển cảng và hàng hải ở Việt Nam . Đến nay, nước ta có khoảng 104 cảng, bến lớn nhỏ, bao gồm các cảng nằm ở vùng cửa sông, trong đó có 8 cảng tổng hợp quan trọng thuộc các địa bàn: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu và Sài Gòn với tổng năng lực bốc xếp trên 10 triệu tấn/năm. Đẩy mạnh phát triển cảng - hàng hải bền vững là hướng đi phù hợp với một quốc gia biển và sẽ là một trong bốn trụ cột của chiến lược phát triển kinh tế biển trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong hoạt động hàng hải cũng xảy ra khá nhiều rủi ro, trên thế giới khoảng 6,5% các tàu chở dầu bị đắm, cứ 1,5 ngày thì có 6.000 tấn dầu do đắm và khoảng 90% ô nhiễm trên biển liên quan tới các hoạt động do tàu gây ra (sự cố tràn dầu, đắm tàu).