Dấu tích thành Cổ Phú ốc ở Thừa Thiên Huế

pdf 9 trang hapham 2050
Bạn đang xem tài liệu "Dấu tích thành Cổ Phú ốc ở Thừa Thiên Huế", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfdau_tich_thanh_co_phu_oc_o_thua_thien_hue.pdf

Nội dung text: Dấu tích thành Cổ Phú ốc ở Thừa Thiên Huế

  1. 28 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 DẤU TÍCH THÀNH CỔ PHÚ ỐC Ở THỪA THIÊN HUẾ Nguyễn Văn Quảng* 1. Mở đầu Trong phần lớn các công trình nghiên cứu về văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế của các học giả nước ngoài và Việt Nam trước đây không một công trình nào đề cập đến sự hiện diện của thành Phú Ốc, cũng có thể gọi là thành Lai Thành, thành Cửa Thiềng hay thành Chiêm Thành (theo quan niệm dân gian). Trong một vài công trình nghiên cứu ở Việt Nam sau năm 1975, thành Phú Ốc (với tên gọi Cửa Thiềng) được nhắc đến như một đối tượng gián tiếp có liên quan đến các di tích Champa lân cận nằm trong khu vực tọa lạc của thành. Chẳn hạn, khi đề cập đến phế tích Champa Cồn Tháp (thuộc địa phận khu vực 1, thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà), Lê Đình Phụng và Nguyễn Xuân Hoa có nhắc đến một vài thông tin ngắn ngủi về tòa thành này: “Nhiều địa danh ở đây mang tên Lỗ Vàng, Lỗ Bạc, Cửa Thiềng, Cửa Tàu cùng những truyền thuyết liên quan đến tháp đổ (di tích Cồn Tháp - NVQ nhấn mạnh). Khi nghiên cứu di tích này, có ý kiến cho rằng phế tích liên quan đến một tòa thành cổ ở đây, nay dấu vết còn mờ nhạt với tên gọi thành Cửa Thiềng lưu lại trong dã sử” (Lê Đình Phụng-Nguyễn Xuân Hoa, 2007: 68). Gần đây, hai tác giả Nguyễn Phước Bảo Đàn và Nguyễn Thăng Long có một thông báo ngắn với tiêu đề “Thành Cửa Thiềng ở Thừa Thiên Huế” trong Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2015. Trên cơ sở khảo sát thực địa, hai tác giả bước đầu đã cung cấp một vài thông tin về vị trí, quy mô, cấu trúc của tòa thành này. Theo đó, “thành tọa lạc trên khu vực giáp ranh giữa thôn Lai Thành, xã Hương Vân, huyện Hương Trà và tổ dân phố 1, thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, có dạng hình vuông, các lũy thành được đắp bằng đất, theo đúng phương vị đông - tây - nam - bắc với chiều dài chừng 1,0-1,2km, rộng từ 2,0-2,5m, độ cao từ 0,7-1,6m” (Nguyễn Phước Bảo Đàn, Nguyễn Thăng Long, 2015). Đây được xem là những thông tin đầu tiên mô tả về tòa thành này, tuy nhiên, có lẽ do chưa dành nhiều thời gian khảo sát nên thông tin chưa đầy đủ, thậm chí sai khác với thực địa. Trong bài viết này, chúng tôi dùng cụm từ “thành Phú Ốc” thay cho tên gọi thành Cửa Thiềng xuất hiện trước đó trong một số bài nghiên cứu, bởi lẽ Phú Ốc là tên một làng cổ, xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, là nơi mà đa phần diện tích của tòa thành này tọa lạc. Trong khi đó, Cửa Thiềng chỉ là một địa danh nhỏ trong làng Phú Ốc, liên quan đến cửa phía đông của tòa thành (Cửa Thiềng(1) = Cửa Thành), chính vì thế xét về quy mô địa danh và quy cách đặt tên cho di tích khảo cổ thì không thể lấy cụm từ Cửa Thiềng để gọi tên cho tòa thành này, còn cụm từ Lai Thành là tên của một làng tiếp giáp với làng Phú Ốc ở phía tây, một phần diện tích của thành này ở trên địa phận của làng Lai Thành.(2) * Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế.
  2. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 29 2. Vị trí, quy mô cấu trúc và kỹ thuật xây dựng lũy thành Căn cứ vào những chỉ dẫn của các học giả đi trước, cuối năm 2015 đầu 2016, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực địa nhằm xác định đầy đủ, chính xác hơn về vị trí, quy mô, cấu trúc và kỹ thuật xây dựng thành Phú Ốc. Chúng tôi đã tiến hành đo vẽ toàn bộ cấu trúc lũy thành, đồng thời kết hợp với bản đồ vệ tinh (Google Earth) để xác định vị trí của thành trong mối quan hệ với các di tích Champa khác (Ảnh 1). Trong thời gian khảo sát, căn cứ vào những vị trí mà người dân đào phá lũy thành, chúng tôi đã nạo sạch lớp đất bên ngoài để nghiên cứu cấu trúc lũy đất, xác định kỹ thuật xây đắp lũy thành. Kết quả khảo sát của chúng tôi như sau. Ảnh 1: Thành Phú Ốc và các di tích Champa lân cận qua bản đồ vệ tinh của Google Earth. Về vị trí tọa lạc, thành Phú Ốc được xây dựng ở vùng đất giáp ranh thuộc địa phận làng Lai Thành (xã Hương Vân, thị xã Hương Trà) và làng Phú Ốc (nay là khu vực 1, thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà). Thành nằm cách Sông Bồ khoảng 800m về phía nam trên một cồn cát cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng từ 1-1,5m. Cồn cát này kéo dài từ mép nam Sông Bồ ở phía bắc đến tận khu vực phía nam xã Hương Chữ (thị xã Hương Trà), nhìn trên bản đồ vệ tinh, vùng đất này như một dải lụa trắng bên dòng Sông Bồ xanh biếc. Vì địa hình như vậy nên ở phía bắc và phía nam của tòa thành này thuộc địa hình cồn cát, phù hợp với việc trồng hoa màu (sắn, lạc), ở phía đông và tây của tòa thành là địa hình thấp trũng, hiện nay được sử dụng để canh tác lúa nước. Cũng như thành Hóa Châu, thành Phú Ốc gắn với Sông Bồ nhưng thuộc khu vực trung lưu của con sông này, còn thành Hóa Châu ở khu vực hạ lưu, giáp với ngã ba Sình (nơi hợp lưu giữa Sông Hương và Sông Bồ), “khóa chặt lấy thủy khẩu” trên dòng Hương Giang. So với thành Lồi ở thành phố Huế, cả thành Phú Ốc và thành Lồi đều ở phía nam của sông, tọa lạc ở khu vực trung lưu và khoảng cách từ thành đến
  3. 30 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 biển theo đường chim bay tương đương nhau (khoảng 20km). Điều này gợi ý về tính tương đồng trong vị trí, vai trò và chủ nhân của hai tòa thành. Về quy mô và cấu trúc, thành Phú Ốc chỉ có một vòng thành, dạng hình chữ nhật, các lũy thành chạy theo đúng hướng đông-tây, nam- Bản vẽ 1: Cấu trúc thành Phú Ốc. bắc (Bản vẽ 1). - Lũy phía tây có chiều dài 508m, chiều rộng nhất khoảng 8,7m, cao từ 1-1,6m, lũy thành không còn nguyên vẹn, phần lớn bị san bạt để lấy đất xây nhà, trồng hoa màu, con đường bê tông liên xóm hiện nay cơ bản nằm trên lũy thành. Dọc đường đi vẫn còn thấy tồn tại một số ụ đất sét màu vàng, phía trên mọc những bụi tre gai được xem là dấu vết còn lại khá rõ của lũy thành. Phía ngoài lũy thành là cồn đất thoai thoải, chạy về phía đồng ruộng ở phía tây tạo nên sự vững chãi cho lũy thành, nhất là trong mùa mưa lũ. Phía trên lũy thành, trong phạm vi vườn bà Nguyễn Thị Gái có một ngôi miếu xóm được xây dựng năm 1992 để thờ thổ thần (Ảnh 2). - Lũy thành phía nam bắt góc với lũy thành phía tây ở góc tây nam, trong khu vực nhà ông Lê Phước Đảnh (làng Lai Thành, xã Hương Vân), có chiều dài Ảnh 2: Hiện trạng lũy thành phía tây. Ảnh 3: Hiện trạng lũy thành phía nam.
  4. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 31 660m, rộng 8m, cao khoảng 1,9m. Nhìn chung, lũy thành phía nam còn tương đối nguyên vẹn, một số đoạn ở phía tây và phía đông bị phá hủy nhiều do hoạt động canh tác, làm nhà ở và đường giao thông nông thôn. Phía ngoài lũy thành là khu vực trồng hoa màu (Ảnh 3). - Lũy thành phía đông bắt góc với lũy thành phía nam ở góc đông nam trong khu vực nhà ông Trịnh Đoàn (khu vực 1, thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà). Chiều dài của lũy thành khoảng 600m, rộng còn lại khoảng 9m, cao khoảng 1,8m, ở khu vực phía nam của lũy thành còn tương đối nguyên vẹn nên vẫn còn thấy bờ lũy, phần còn lại bị san bằng để làm nhà ở, trồng hoa màu, cây ăn quả và tre gai. Phía đông bắc, ngoài lũy thành là vùng thấp trũng, hiện nay được sử dụng trồng lúa là chủ yếu, còn phía đông nam là khu vực cồn đất trồng hoa màu. Ở góc đông bắc, trong phạm vi nhà ông Phạm Khúc (khu vực 1, thị trấn Tứ Hạ) là khu đất thấp trũng, một số vị trí vẫn còn đọng nước, được xem là dấu vết của cửa nước, người dân gọi khu vực này là Cửa Thiềng (Thiềng = Thành, Cửa Thiềng = Cửa Thành). Bên trong thành có hai hào nước, hào thứ nhất bắt nguồn từ phía tây bắc chảy về phía đông, hào thứ hai bắt nguồn từ khu vực nhà ông Trịnh Đoàn (phía đông nam), ôm sát mặt trong chân thành phía đông, chạy về phía đông bắc hợp lưu với con hào thứ nhất tại khu vực Cửa Thiềng và cùng chảy ra khu vực ruộng Nếp, qua cống Ngà Voi, đổ về Sông Bồ. Đối chiếu với địa hình khu vực thành và cấu trúc của hai dòng chảy, chúng tôi cho rằng, hai con hào này chủ yếu có chức năng thoát nước từ trong thành ra ngoài, chứ không có chức năng quân sự hay giao thông đường thủy. Tính chất thủy hệ này được xem là tương đồng với thành Lồi (thành phố Huế) nhưng khác biệt với thành Hóa Châu. Theo ông Phạm Khúc, sau năm 1975, khi lên đây sinh sống ông vẫn còn thấy hai cồn mô đắp bằng đất cao ở hai bên cửa nước, sau đó hai cồn mô này bị san bạt để lấy đất canh tác, làm nhà, đắp mộ. Khả năng hai cồn mô này liên quan đến cửa thành phía đông. Đối diện với khu vực cửa thành, năm 1988, đã phát hiện 2 mộ chum nằm trong hai bờ của một con mương thủy lợi, thuộc văn hóa Sa Huỳnh (gọi là di tích Cửa Thiềng) (Lê Duy Sơn, Ảnh 4: Dấu vết còn lại của lũy thành phía đông. 1988: 50-51) (Ảnh 4). - Lũy thành phía bắc bắt góc với lũy thành phía đông ở góc đông bắc tại vườn nhà ông Phạm Khúc, với lũy thành phía tây trong khu vực nhà ông Lê Danh (làng Lai Thành, xã Hương Vân). Chiều dài của lũy thành đo được 660m, rộng khoảng 10m, cao khoảng 1m-1,5m. Lũy thành còn tương đối nguyên vẹn, trừ phần phía tây bị san bạt nhiều để làm nhà ở. Vì phía bắc của lũy thành là di tích tháp Champa Cồn Tháp (cách lũy thành khoảng 300m), xa hơn là Sông
  5. 32 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 Bồ (cách lũy thành khoảng 800m) nên chúng tôi cho rằng, hướng bắc là hướng chính của thành (Ảnh 5). Với kích thước này, thành Phú Ốc có quy mô nhỏ hơn thành Hóa Châu nhưng lớn hơn thành Lồi. Và nếu như thành Lồi được xây dựng trên cơ sở tận dụng vùng đồi Long Thọ, Sông Hương (phía bắc), Khe Đá (phía đông) và khe Long Thọ (phía tây); thành Hóa Châu tận dụng triệt để địa hình sông nước (Sông Bồ, Sông Hương, sông Thành Ảnh 5: Hiện trạng lũy thành phía bắc. Trung, sông Tiền Thành), đầm phá bao quanh để đắp lũy, tạo nên sự hiểm trở thì dường như tính tận dụng địa hình tự nhiên để tạo nên sự kiên cố, hiểm trở của thành Phú Ốc không lớn như hai tòa thành nói trên. Tòa thành này được đắp trên vùng đất bằng phẳng, xung quanh không có hào nước, hai hào nước ở bên trong thành chủ yếu có chức năng thoát nước chứ hầu như không có chức năng quân sự hoặc di chuyển thuyền bè. Phía bắc và phía đông của thành được bao bọc bởi Sông Bồ như là rào chắn tự nhiên từ khoảng cách xa. Các lũy thành được đắp theo đúng hướng đông - tây, nam - bắc cũng là một điểm khác biệt của tòa thành này. Về kỹ thuật xây dựng, các lũy thành được đắp bằng đất sét pha cát, màu vàng, thuần, kết hợp với đất đồi Laterite (người dân ở khu vực này gọi là đất sỏi) được đầm chặt. Ở một số vị trí của lũy phía nam, chúng tôi phát hiện một số tảng đá gan gà với nhiều kích cỡ khác nhau được xếp dọc ở mép ngoài của lũy, dùng để gia cố móng trước khi đắp đất lên trên. Trong quá trình canh tác, người dân cũng phát hiện các tảng đá ong với nhiều kích cỡ khác nhau trong các lũy thành. Chúng tôi cho rằng, các tảng đá ong này nằm lẫn trong lớp đất đồi Laterite trong quá trình khai thác để đắp thành chứ không phải được gia cố thêm trong quá trình xây thành, tuy nhiên nó đã góp phần làm cho lũy thành thêm kiên cố. Nguồn nguyên liệu đất sét pha cát có thể được khai thác ở khu vực gần đó, còn đất đồi Laterite có thể được khai thác ở vùng đồi núi phía tây. Dựa vào vị trí người dân đào phá lũy để lấy đất xây nhà và canh tác hoa màu, chúng tôi đã tiến hành làm sạch một mặt cắt dọc ở lũy phía nam để nghiên cứu cấu trúc lũy thành, kết quả cho thấy lũy thành được đắp theo thứ tự từ trên xuống dưới với các lớp đất như sau (Bản vẽ 2 và Ảnh 6): - Trên cùng (lớp 1) là lớp đất sét màu vàng đậm, thuần, không có hiện vật. - Lớp giữa (lớp 2) là lớp đất đồi Laterite, màu nâu đỏ, lẫn nhiều đá nhỏ, độ kết lớn, không thấy hiện vật. Điều đáng chú ý là lớp đất này không được đắp cho toàn bộ lũy, mà chỉ đắp từ phần giữa lũy trở ra ngoài. Kỹ thuật này sẽ giúp mép ngoài của lũy được vững chắc hơn. - Dưới cùng (lớp 3) là lớp đất sét pha cát, màu vàng nhạt, thuần, lẫn một ít than củi, không có hiện vật, được đắp xuôi về phía chân lũy. Loại đất này
  6. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 33 Bản vẽ 2: Cấu trúc lũy thành phía nam. cũng được dùng để đắp từ phần giữa lũy trở vào trong. Chúng tôi cho rằng, lớp 1 và lớp 3 được sử dụng cùng một loại đất để đắp lũy nhưng do tiếp xúc trực tiếp với nước mưa nên màu sắc đất lớp 1 có phần đậm hơn. Với kết cấu mặt cắt như vậy, chúng ta thấy rằng, đầu tiên người xưa sẽ đắp lớp 3 trước (bao gồm cả phần đất từ giữa lũy Ảnh 6: Mặt cắt lũy thành phía nam. trở vào trong), phía dưới lớp này, ở một số vị trí có xếp một lớp đá gan gà theo chiều dọc của lũy, sau đó đắp lớp 2 và cuối cùng là dùng đất sét vàng thuần giống với lớp 3 đổ phủ lên toàn bộ mặt lũy tạo nên lớp 1. Kỹ thuật này hoàn toàn khác với thành Hóa Châu và thành Lồi.(3) Kỹ thuật kè đá dưới chân lũy trước khi đổ đất lên trên ở thành Phú Ốc có thể bắt gặp ở nhiều thành lũy Champa khác ở khu vực Bình Trị Thiên như Cao Lao Hạ (Quảng Bình), Thuận Châu (Quảng Trị), Hóa Châu (Thừa Thiên Huế). 3. Nhận xét sơ bộ Dựa vào kết quả khảo sát thực địa và trên cơ sở so sánh với các tòa thành Champa khác ở khu vực Bình-Trị-Thiên, bước đầu chúng tôi đưa ra một số nhận xét sau: Thành Phú Ốc tọa lạc ở phía nam, thuộc khu vực trung lưu Sông Bồ, trên một dãi đất cao, thuộc địa hình chuyển tiếp từ trung du xuống đồng bằng. Quy mô của thành tương đối lớn, gồm một vòng thành duy nhất, được xây dựng khá chỉn chu theo đúng hướng đông - tây, nam - bắc. Căn cứ vào vị trí, cấu trúc và kỹ thuật xây dựng lũy thành chúng tôi cho rằng, thành Phú Ốc mang đậm đặc trưng của thành cổ Champa, kỹ thuật đắp
  7. 34 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 lũy ở đây khác hoàn toàn với các thành lũy ở Bắc Bộ như thành Cổ Loa, Luy Lâu, Hoa Lư Mặc dù vậy, ở thành Phú Ốc chúng ta vẫn thấy một số điểm khác biệt trong sự đối sánh với các tòa thành Champa khác ở khu vực miền Trung, đó là các lũy thành được xây dựng theo đúng trục bắc - nam, đông - tây, xung quanh lũy thành không có hào nước bao bọc như thường gặp ở một số lũy thành, thay vào đó, hào nước được đào ở khu vực bên trong thành với chức năng chủ yếu là thoát nước. Kỹ thuật xây đắp thành Phú Ốc cũng được xem là riêng biệt, độc đáo chưa từng gặp ở bất cứ tòa thành nào (thể hiện qua mặt cắt lũy nam). Nhiều tòa thành Champa được đắp bằng đất nhưng phần lớn là đắp theo lớp, thứ tự từ dưới lên, còn thành Phú Ốc có sự phân biệt loại đất ở nửa thành bên trong và bên ngoài (nửa bên trong là đất sét pha cát, nửa bên ngoài là đất đồi laterite (đất sỏi), bên trong các lớp đất không xen lẫn gạch vụn, đá cuội Điều đáng chú ý là xung quanh thành Phú Ốc còn có sự hiện diện của nhiều đền tháp Champa, đó là phế tích Cồn Tháp (cách lũy thành phía bắc 300m, thuộc khu vực 3, thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà), Liễu Cốc (cách lũy thành phía đông khoảng 3km về phía đông nam, thuộc xóm Tháp, làng Liễu Cốc Hạ, xã Hương Văn, thị xã Hương Trà), phế tích Cồn Đuồi Ruôi (cách thành khoảng 1,5km, thuộc làng An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền). Điều này đã góp phần khẳng định chủ nhân của thành Phú Ốc là cư dân Champa. Các di tích đền tháp này, mà trực tiếp là di tích Cồn Tháp, được xem là nơi thực hành tôn giáo tín ngưỡng cho các tầng lớp cư dân, nhất là các quan lại, quý tộc của trung tâm chính trị - quân sự - kinh tế là thành Phú Ốc (Ảnh 1). Việc phát hiện di tích văn hóa Sa Huỳnh Cửa Thiềng gần vị trí tọa lạc của thành cho thấy con đường phát triển lịch sử, văn hóa mang tính kế thừa từ Sa Huỳnh lên Champa (hiện tượng này chúng ta có thể bắt gặp với nhiều tòa thành Champa khác ở miền Trung: Hóa Châu (Thừa Thiên Huế), Trà Kiệu (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi), Thành Cha (Bình Định) Trong thời gian nghiên cứu thành, chúng tôi tập trung khảo sát bề mặt và quan sát mặt cắt lũy nhưng không tìm thấy một hiện vật nào thuộc thời kỳ Champa, đó là một điều đáng tiếc, đa phần hiện vật ở đây là các loại đồ sành, gốm sứ thuộc thế kỷ 17 trở về sau. Chính vì vậy, với tư liệu hiện có chúng tôi chưa thể đưa ra một khoảng niên đại nào liên quan đến tòa thành này. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, niên đại của tòa thành có thể liên quan chặt chẽ với các đền tháp Champa xung quanh thành. Vì vậy, muốn có được những kết luận mang tính khoa học về tòa thành này, nhất thiết phải tiến hành khai quật khảo cổ học trong phạm vi thành cũng như các di tích liên quan. Khi đề cập đến vai trò của thành lũy, trong đó có thành lũy Champa, chúng ta thường xem nó là trung tâm của nhiều chức năng khác nhau: quân sự - chính trị - văn hóa - kinh tế của một vùng hoặc cả nước (đối với kinh đô), trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Tuy nhiên, tùy vào không gian, thời gian khác nhau mà có những tính chất sẽ vượt trội hơn so với các tính chất còn lại, điều này có thể thấy rõ ở thành Hóa Châu (xem thêm: Nguyễn Văn Quảng, 2015: 38-61). Đối với thành Phú Ốc, căn cứ vào vị trí, quy mô có thể thấy nó mang đầy đủ các chức năng chung của một thành lũy Champa, là trung tâm chính trị
  8. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 35 - quân sự - văn hóa - kinh tế của vùng/miền/tiểu vương quốc (có thể là châu Ulik trong bia ký Mỹ Sơn hay châu Lý/Rí trong sử Việt) trong thời gian tồn tại của nó (?), trong đó chúng tôi cho rằng, vai trò kiểm soát con đường trao đổi kinh tế đông-tây/xuôi-ngược dọc Sông Bồ của tòa thành này là hết sức quan trọng. Bởi lẽ, tòa thành trấn giữ ở vùng trung lưu Sông Bồ, nằm gần sông, mà phía đông của sông này kết nối với cửa Tư Hiền qua Sông Hương, phía tây là vùng núi cao, địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số, mà sử liệu triều Nguyễn gọi là các Sách của người Man, với nhiều nguồn lâm thổ sản quý giá như trầm hương, mật ong, vỏ cây chay, mây Những mặt hàng này rất được các thương nhân ưa thích và có thể đổi lấy các sản phẩm mà người miền núi không có như chiêng, ché, công cụ lao động bằng sắt, muối, nồi đồng Khi đi tìm hiểu về sự trao đổi, buôn bán giữa miền ngược và miền xuôi ở A Lưới, chúng tôi được biết là trong thời kỳ chống Pháp và đầu thời kỳ chống Mỹ (trước 1965), một số người Tà Ôi vẫn còn đi bộ về khu vực An Lỗ để trao đổi buôn bán với người miền xuôi.(4) Qua điều tra thực địa ở khu vực thành Phú Ốc, chúng tôi cũng được biết trước năm 1975, người dân tộc thiểu số ở phía tây Thừa Thiên Huế vẫn còn xuống chợ Bồ Điền (hiện nay là vị trí của trường Mầm non Phong An 2, làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, phía bắc Sông Bồ, đối diện với thành Phú Ốc) để trao đổi buôn bán.(5) Đáng chú ý, sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn có đề cập đến một chi tiết rất quan trọng về sự tồn tại của nguồn Sơn Bồ, bên Sông Bồ, ở phía bắc huyện Hương Trà, trước kia có đặt sở tuần bộ ở bến Rau để thu thuế, phía hữu của nguồn này là địa bàn cư trú của sách A Chất người Man dưới (Quốc Sử Quán triều Nguyễn, 2006: 201-202).Mặt dù, những thông tin này xuất hiện sau thời kỳ Champa nhưng chúng tôi cho rằng, về cách thức trao đổi, buôn bán miền ngược - miền xuôi trong thời kỳ Champa vẫn có những điểm tương đồng với giai đoạn sau này. Việc nhà Nguyễn đặt tuần bộ để thu thuế buôn bán trao đổi giữa miền ngược và miền xuôi trên Sông Bồ (hoặc Sông Hương với sở Tuần bộ ở Thủy Bằng) cho thấy tầm quan trọng của hoạt động buôn bán này. Chính vì vậy, sự xuất hiện thành Phú Ốc (hay thành Lồi) là nhằm thực hiện chức năng kiểm soát kinh tế thương mại ven sông hay là trung tâm quản lý một cấp độ trao đổi dọc trục lộ Sông Bồ. N V Q CHÚ THÍCH (1) Theo người dân địa phương, Thiềng ở đây tức là thành, chứ hoàn toàn không liên quan gì đến tàu thuyền. (2) Theo các văn bản Hán Nôm, làng Lai Thành được thành lập vào khoảng thế kỷ 17 với tên gọi đầu tiên là Vu Lai thượng xã, đến thời Thiệu Trị nguyên niên (1841) đổi thành Lai Thành. Từ Lai có thể xuất phát từ làng gốc Vu Lai (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay) của cư dân trong làng, còn từ Thành mang ý nghĩa là thành đạt chứ không liên quan đến tòa thành cổ Champa. Lai Thành có nghĩa là đến nơi thành tựu, lại chỗ thành đạt – phản ảnh một ước nguyện thành đạt của bao thế hệ cư dân địa phương dày công tạo lập (Quy ước văn hóa làng Lai Thành, 1999:1). (3) Đối với thành Hóa Châu (qua mặt cắt lũy thành Nội): lớp dưới cùng là lớp đất màu đen, kế đến là lớp đá gan gà (30-50cm) xếp ngang theo chiều rộng của lũy, trên cùng là lớp đất sét màu vàng (xem thêm: Nishimura Masanari và Nguyễn Văn Quảng, 2013: 9-28). Còn lũy thành Lồi về cơ bản là được đắp hoàn toàn bằng đất đồi Laterite, lẫn ít gạch vụn ở giữa,
  9. 36 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127) . 2016 hai bên xây tường gạch cách mặt bằng 40-50cm để giữ lũy đất, dưới lớp đất đồi là một lớp đất sét mỏng. Kỹ thuật xây lũy thành Lồi tương đồng với thành Trà Kiệu (Quảng Nam) (xem thêm: Nguyễn Hồng Kiên, Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Hữu Mạnh, 2014: 693-696). (4) Tài liệu phỏng vấn ông Quỳnh Hoàng, 91 tuổi, xã A Ngo, huyện A Lưới, tháng 4 năm 2015. (5) Theo ông Nguyễn Lỵ, 80 tuổi, làng Phú Ốc, thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (ngày 21/01/2016). TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Phước Bảo Đàn, Nguyễn Thăng Long (2015), “Thành Cửa Thiềng ở Thừa Thiên Huế”, Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2015, tài liệu chưa xuất bản. 2. Nguyễn Hồng Kiên, Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Hữu Mạnh (2014), “Một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật xây đắp lũy thành ở thành Lồi”, Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2014, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 692-695. 3. Nishimura Masanari và Nguyễn Văn Quảng (2013), “Nhận xét mới về thành Hóa Châu qua nghiên cứu khảo cổ học”, tạp chí Khảo cổ học, số 4/2013 (184), tr. 9-28. 4. Lê Đình Phụng-Nguyễn Xuân Hoa (2007), Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội. 5. Nguyễn Văn Quảng (2015), “Vai trò của thành Hóa Châu (Thừa Thiên Huế) trong lịch sử Champa và Đại Việt: tiếp cận qua những kết quả nghiên cứu khảo cổ học”, tạp chí Khảo cổ học, số 5 (197), tr. 38-61. 6. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 1 (tái bản lần 2), Viện Sử học phiên dịch và chú giải, Nxb Thuận Hóa, Huế. 7. Lê Duy Sơn (1988), “Phát hiện thêm một di tích mộ chum ở Bình-Trị-Thiên”, Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1988, Viện Khảo cổ học xuất bản, tr. 50-51. TÓM TẮT Trong phần lớn các công trình nghiên cứu về văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế của các học giả nước ngoài và Việt Nam trước đây không một công trình nào đề cập đến sự hiện diện của thành Phú Ốc hay cũng có thể gọi là thành Lai Thành, thành Cửa Thiềng hay thành Chiêm Thành (theo quan niệm dân gian). Trong một vài công trình nghiên cứu ở Việt Nam sau năm 1975, thành Phú Ốc (với tên gọi Cửa Thiềng) được nhắc đến như một đối tượng gián tiếp có liên quan đến các di tích Champa lâncận nằm trong khu vực tọa lạc của thành, tuy nhiên thông tin đề cập chưa đầy đủ, thậm chí sai khácvới thực địa. Trên cơ sở nghiên cứu thực địa, sử dụng chủ yếu các phương pháp khảo cổ học, bài viết sẽ đề cập đến vị trí, quy mô, cấu trúc, kỹ thuật xây dựng và đánh giá bước đầu vai trò của thành Phú Ốc trong bối cảnh không gian và thời gian của văn hóa Champa ở khu vựcThừa Thiên Huế. Nghiên cứu này sẽ góp phần bổ sung nhận thức về một tòa thành cổ Champa ở Thừa Thiên Huế mà lâu nay hầu như không được đề cập khi nghiên cứu về văn hóa Champa trên vùng đất này. ABSTRACT VESTIGES OF PHÚ ỐC FORTRESS IN THỪA THIÊN HUẾ So far, there has not been any research on Champa culture in Thừa Thiên Huế by domestic and foreign scholars referring to the presence of Phú Ốc fortress, also known as Lai Thành, Cửa Thiềng or Cham fortress (named by the folks). In several research projects in Vietnam after 1975, the Phú Ốc fortress (commonly called Cửa Thiềng) was mentioned as an indirect subject related to neighboring Cham relics within the area of the fortress; however, the information about it is inadequate, even different from what was discovered in the field. Based on field research and archaeological methods, the article mentions the location, size, structure and construction technique of Phú Ốc fortress; and then carrying out initial assessment of its role in space-time context of Cham culture in the area of Thừa Thiên Huế. The study will contribute to the understanding on an ancient Cham fortress in Huế, which has been barely mentioned in the study of Cham culture in this land.