Văn học Nga - Phùng Hoài Ngọc (Phần 1)
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Văn học Nga - Phùng Hoài Ngọc (Phần 1)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- van_hoc_nga_phung_hoai_ngoc_phan_1.pdf
Nội dung text: Văn học Nga - Phùng Hoài Ngọc (Phần 1)
- Khoa Sư Phạm Văn Học Nga Tác giả: Phùng Hoài Ngọc
- LỜI NÓI ĐẦU Chương trình này bao gồm hai phần: Văn học Nga thế kỷ XIX và Văn học Nga Xô Viết thế kỷ XX. Hai thế kỷ văn học là hai thời kỳ phát triển liên tiếp, mỗi thời kỳ đều có vị trí lớn lao trong nền văn học chung của nhân loại. Văn học dân gian Nga đã có quá trình phát triển hàng chục thế kỷ, là cả một kho tàng văn học đậm đà tính dân tộc mà chúng ta chưa khai thác được nhiều. Văn học phong kiến Nga với tư tưởng cổ điển chủ nghĩa đã phản ánh tư tưởng chính thống của nền quân chủ Đại Nga - một quốc gia lớn ở Đông Âu. Bước vào thế kỷ XIX, văn học lãng mạn Nga đột ngột xuất hiện, tiến nhanh tới đỉnh cao rồi lại chuyển ngay sang trào lưu hiện thực chủ nghĩa với những tác giả, tác phẩm xuất sắc, khiến Tây Âu vốn tự hào về những thành tựu rực rỡ của văn học lãng mạn và hiện thực cũng phải kinh ngạc và thán phục. Văn học Nga có phong cách riêng biệt, khác lạ. Đặc biệt , tư tưởng dân chủ bộc lộ trong văn học mạnh mẽ đến mức tạo ra nhu cầu đòi hỏi tư tưởng xã hội chủ nghĩa như một qui luật tất yếu. Vì lẽ đó, Lênin đã coi tác phẩm của L.Tonxtôi là " tấm gương phản chiếu cách mạng Nga ". Đó là đóng góp quan trọng của văn học Nga vào nền văn học thế giới. Những tác phẩm của Puskin, Lermontov, L.Tonxtôi, Dotstoievski, Chekhov đã trở thành tác phẩm cổ điển cùng với thành tựu lý luận, phê bình của Bielinski, Tsernysevski còn gây ảnh hưởng sâu sắc đến cả thế kỷ sau. Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại do Đảng của Lênin lãnh đạo đã hỗ trợ cho một nền văn học mới mẻ ra đời và tồn tại hơn nửa thế kỷ. Thực ra, nếu kể cả những năm chuẩn bị và giai đoạn thoái trào - những năm 80 ,90 - thì nền văn học Xô Viết đã chiếm lĩnh gần suốt thế kỷ XX với ảnh hưởng rộng rãi toàn thế giới. Đáng chú ý là văn học Xô Viết vẫn tiếp nối tinh hoa truyền thống văn học Nga. Hai đại diện ưu tú: nhà văn M.Gorki và M. Solokhov đã đạt đến đỉnh cao của văn học thế giới thế kỷ XX. Mặc dù văn học Xô Viết lâm vào tình trạng khủng hoảng từ một thập kỷ nay, giới nghiên cứu phê bình vẫn có hai khuynh hướng trái ngược nhau khi bàn về giá trị và số phận của nó.Với quan điểm văn nghệ mác-xit chân chính, chúng tôi tin rằng Văn Học Xô Viết là một bước tiến hóa cao trong tiến trình ý thức văn học của nhân loại. Có thể nói rằng Văn học Xô Viết còn đang ở giai đoạn lãng mạn - giai đoạn non trẻ của nó. Nó đang đi tiếp con đường lịch sử có tính đặc thù của mình. ĐẠI HỌC AN GIANG NĂM 2005 Phùng Hoài Ngọc
- Phần I: VĂN HỌC NGA THẾ KỶ XIX Chương 1: KHÁI QUÁT Văn học hiện thực Nga, thế kỷ XIX là một trong những nền văn học phong phú và tiên tiến của nhân loại, đạt những thành tựu rực rỡ nhất trong lịch sử phát triển nghệ thuật thế giới cho tới bây giờ. Văn học hiện thực Nga ra đời trong cuộc đấu tranh lâu dài, gay gắt của nhân dân Nga chống lại chế độ nông nô chuyên chế tàn bạo và phản động của Nga hoàng. Những thành tựu lớn đặc biệt sau thế kỷ XIX đã khiến các nhà nghiên cứu Phương Tây phải gọi nó là “một phép lạ”. Macxim Gorki gọi đó là “hiện tượng kỳ diệu“ của văn học Châu Âu. Thế giới ngạc nhiên trước vẻ đẹp và sức mạnh vươn lên cuộc sống mau chóng với những thiên tài chói lọi. Lênin nhận xét: “Tầm quan trọng thế giới mà hiện nay văn học Nga đã giành được chính là do văn học Nga mang trong mình những tư tưởng tiên tiến của thời đại: Tư tưởng dân chủ và xã hội chủ nghĩa, tinh thần nhân đạo cao cả và lòng nhiệt thành”. Nhân dân Nga tự hào về văn đàn lớn lao của mình bao gồm các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế giới như Puskin, Lermontov, Gogol, Gonsarov, Dostoievski, Turgeniev, Niercrasov, Sekhov, và Liev Tolstoi cùng với các nhà phê bình và mỹ học dân chủ lỗi lạc như Gersen, Bielinski, Sernưsevski, Dobroliubov. Văn học Nga thế kỷ này chuyển tiếp nhanh chóng từ chủ nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện thực, phản ánh rõ nét và kịp thời những biến động xã hội và theo kịp xu hướng tư tưởng chính trị. Sự hình thành dân tộc, ngôn ngữ và văn học Nga Có một đại chủng là Slave sống quanh vùng Đông châu Âu, sau dần dần chia ra ba nhóm dân tộc là Đông Slave, Tây Slave và Nam Slave. Nhóm Tây Slave gồm hai tộc Balan và Tiệp khắc (nay là cộng hào Séc và Slovakia) Nhóm Nam Slave gồm Bulgari, Nam Tư và một số tộc nhỏ hơn. Nhóm Đông Slave đến đầu thế kỉ X hình thành ra nước Nga cổ. Nước này quần tụ ba dân tộc: Nga, Ucraina và Bielorusia (còn gọi Đại Nga, Tiểu Nga và Bạch Nga). Thủ đô cổ nhất là Kiev (nay là thủ đô của nước Cộng hoà Ucraina).
- Cuối thế kỉ X, một công tước trong triều đình Nga đã cho du nhập đạo Cơ Đốc giáo và công nhận là quốc giáo. Nước Nga bắt đầu giao lưu với các dân tộc khác trên thế giới và văn chương nghệ thuật bắt đầu phát triển. Văn chương chuyên viết biên niên sử, chưa có văn chương hình tượng. Văn chương viết về các danh nhân, nhà truyền đạo, giáo huấn, truyện chiến đấu, du lịch cũng bắt đầu nhen nhóm. Văn học dân gian phát triển. Nước Nga cổ chưa có giấy nên người ta viết trên da thú vải vóc mãi đến thế kỉ XIV mới có giấy. Thế kỉ XV, XVI máy in xuất hiện. Trong thời kì đó in ấn được một tác phẩm quan trọng: “Truyện về đạo quân Igor” (viết từ thế kỉ XII nhưng đến cuối thế kỉ XIII mới được biết đến) nhưng không xác định được tác giả. Những lời kêu gọi thống nhất đất nước để chống lại quân xâm lược Mông Cổ của những công tước Nga trải qua 240 năm. Nước Nga còn bị xâm lăng bởi người Đức, Thuỵ Điển Nước Nga phải chống ngoại xâm qua nhiều năm dài. Văn học Nga cổ vì thế chậm phát triển. Đến năm 1450, ách áp bức của Mông Cổ tan rã ở khắp nước Nga cổ. Đến thế kỉ XIV-XV ngôn ngữ Nga đã hình thành, Dân tộc Nga định cư ở giữa hai con sông Volga và Moskva. Sang thế kỉ XVI, nước Nga hình thành một quốc gia riêng biệt có nhiều dân tộc. Chế độ phong kiến trung ương tập quyền lấy Moskva làm thủ đô cho đến nay. Trong thế kỉ XVII có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra. Nhiều cuộc xâm lăng của Hà Lan, Thuỵ Điển, Litva. Văn học thời kì này dần dần thoát ly khỏi tôn giáo, gần với đời sống, đậm tính thế tục, hài hước châm biếm Do chiến tranh nên nhìn chung văn học phát triển chậm. Cuối thế kỉ XVII đầu XVIII, vua Piotr đệ Nhất (còn gọi là Pierre đại đế) tức thời đưa nước Nga thoát khỏi lạc hậu bằng những cuộc cải cách thiết thực toàn diện: quân sự, chính trị, kinh tế và giáo dục Chính nhà vua là người rất tiến bộ,có ý thức dân chủ, thường đi các nước châu Âu để học tập kinh nghiệm. Ông có sai lầm là thiên vị giai cấp quí tộc khiến nhân dân lao khổ thiệt thòi. Ông có công đầu xây dựng thành phố Saint Petersburg. Giữa thế kỉ XVIII vua Piotr qua đời. Ngước Nga so với thế kỉ trước đã phát triển nhiều mặt và đạt nhiều thành tựu ; Về văn học, chủ nghĩa cổ điển Nga ra đời. Lomonosov (1711-1765) là người đại diện của trào lưu này. Ông am hiểu nhiều lĩnh vực cả khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn, viết cả sách ngữ pháp, thay đổi luật thơ, viết lí luận nghệ thuật (argue), làm thơ viết văn. Ông là người mở ra bước ngoặt cho nền văn học dân tộc và ngôn ngữ văn chương dân gian đại chúng Nga khiến văn chương đi sâu vào nhân dân. Ông nhiệt tình ca ngợi tiếng Nga:” Trong tiếng Nga có bao nhiêu cái hàm ý quan trọng của tiếng Tây ban nha, cái dịu ngọt của tiếng Ý, cái rắn rỏi của tiếng Đức, cái sinh động của tiếng Pháp. Hơn thế nữa, còn bao hàm cả sự xúc tích và mạnh mẽ của tiếng Hi Lạp và tiếng Latin ”. Năm 1755 Trường đại học tổng hợp Moskva thành lập, mang tên Lomonosov. Ở thế kỉ này còn có nhà văn Radisev (1749-1802) với tác phẩm nổi tiếng “Cuộc du lịch từ Petersburg đến Moskva” miêu tả cuộc sống của những người dân lao
- động nghèo khổ đồng thời tố cáo chế độ Nga hoàng. Vì thế ông bị đày đi nơi xa, sau ông tự tử bằng thuốc độc. Ông được xem là nhà văn cách mạng đầu tiên. Những tác phẩm của các nhà văn cổ điển chủ nghiã nhằm đề cao tinh thần yêu nước công dân, cổ vũ cho những tiến bộ của vua Piotr I chống lại sự trì trệ lạc hậu. Chủ nghĩa cổ điển tồn tại 30 năm (1730-1760) đã góp phần phát triển nền văn học Nga những giai đoạn sau. Nửa sau thế kỉ XVIII, mặc dù chủ nghiã cổ điển vẫn còn tồn tại nhưng một khuynh hướng nghệ thuật mới ra đời - chủ nghĩa tình cảm. Sự ra đời của chủ nghĩa tình cảm gắn với cây bút tiêu biểu của nhà văn kiêm nhà sử học Karamzin (1766-1826), ông viết một truyện ngắn nổi tiếng đương thời “Cô Lisa đáng thương“, nhà văn chú ý đến thế giới nội tâm của nhân vật và cảm xúc với thiên nhiên. Tiếp theo là sự xuất hiện của chủ nghĩa lãng mạn với Jiukovski, Puskin và cuôí cùng là chủ nghĩa hiện thực của Puskin, Dostoievski, Tolstoi, Shekhov Ðánh giá văn học Nga thế kỉ XIX, một nhà văn hoá người Đức so sánh “ Văn học Nga thế kỉ XVIII như cô nữ sinh không thuộc bài so với văn học Tây Âu. Nhung đến thế kỉ XIX nền văn học Nga bắc chiếc cầu nối liền Phương Tây và nước Nga đã cho trên đó xuất hiện không phải một nữ sinh mà là một bà giáo ”. Khi bàn về văn học Nga thế kỉ XIX, M. Gorki nhận định: “Trong lịch sử phát triển của nền văn học Châu Âu, nền văn học trẻ của chúng ta là một hiện tượng kỳ lạ một khí thế mạnh mẽ, một tốc độ thần kì trong một ánh hào quang rực rỡ của tài năng Ở châu Âu không có ai sáng tác được những cuốn sách lớn được cả thế giới hâm mộ như thế, không có ai sáng tạo được cái đẹp thần diệu như vậy trong những hoàn cảnh gian nan không sao tả xiết . Không nơi nào đông đảo những nhà văn tuẫn đạo như ở nước ta ” Văn học Nga thế kỉ XIX ra đời cùng với sự phồn thịnh chung của cả nền văn hoá Nga, đó là sự xuất hiện hàng loạt thiên tài toán học như Kovalevskaia, Lobasevski, nhà hoá học Mendeleev, nhạc sĩ Tsaikovski, Glinka, hoạ sĩ Repin Nhà văn Nga hầu hết xuất thân quí tộc giàu có, trình độ học vấn cao, biết nhiều ngoại ngữ và tinh thông âm nhạc hội hoạ, triết học Họ đều biết kế thừa những tác phẩm nổi tiếng thế giới cùng với văn học truyền thống Nga. Họ phải đấu tranh gay gắt chống lại những trào lưu, ý thức hệ lạc hậu phản động để cho chủ nghĩa hiện thực thắng lợi và trở thành phương pháp sáng tác chủ yếu của văn học Nga thế kỉ này. Văn học Nga thế kỉ XIX ra đời cùng với sự phồn thịnh chung của cả nền văn hoá Nga, đó là sự xuất hiện hàng loạt thiên tài toán học như Kovalevskaia, Lobasevski, nhà hoá học Mendeleev, nhạc sĩ Tsaikovski, Glinka, hoạ sĩ Repin Nhà văn Nga hầu hết xuất thân quí tộc giàu có, trình độ học vấn cao, biết nhiều ngoại ngữ và tinh thông âm nhạc hội hoạ, triết học Họ đều biết kế thừa những tác phẩm nổi tiếng thế giới cùng với văn học truyền thống Nga. Họ phải đấu tranh gay gắt chống lại những trào lưu, ý thức hệ lạc hậu phản động để cho chủ nghĩa hiện thực thắng lợi và trở thành phương pháp sáng tác chủ yếu của văn học Nga thế kỉ này.
- Nguyên nhân và sự phát triển rực rỡ của văn học Nga Trước hết là sự bừng tỉnh ý thức dân tộc Nga sau cuộc chiến tranh yêu nước đánh bại đội quân hùng mạnh của Napoleon đệ nhất năm 1812. Nhà văn Nga đã tự hào chính đáng về sức mạnh dân tộc và nhân dân Nga - đây là một nguồn cảm hứng lớn lao bất tận cho sáng tác. Sau chiến thắng vĩ đại mà đời sống nhân dân chẳng được nâng cao, trái lại còn tệ hại hơn trước. Phần lớn nông nô lại rơi xuống tình trạng nghèo khổ hơn trước. Chế độ cai trị của Nga hoàng còn khắc nghiệt hơn nữa trở nên nguyên nhân gây bức xúc trong tâm trí nhà văn. Hệ tư tưởng cách mạng dân chủ Nga sớm hình thành, nay có dịp phát triển mạnh hơn và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển văn học, nhất là sau cuộc Cách mạng 14 tháng Chạp năm 1825. Đó là ba nhân tố chủ yếu hợp thành động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của văn học Nga. Nguyên nhân đáng chú ý khác là sự phát triển của ngôn ngữ Nga và nhu cầu phát triển của những trào lưu văn học khác nhau với phương pháp tối ưu là chủ nghiã hiện thực. Văn học Nga chứa đựng những tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại trong bất cứ nhà văn nào, tác phẩm nào của thế kỉ XIX, đó là khát vọng tự do, tinh thần nhân đạo cao cả và lòng yêu nước nhiệt thành. Nhà văn Nga bao giờ cũng gắn liền với những biến cố lớn của thời đại, họ thường bị nhiều bi kịch: bị treo cổ, tù đày như Dostoievski, bị giết hại như Puskin, nghèo túng như bIelinski, Shekhov, bị khủng hoảng như Gogol, Lermontov, bị nhà thờ nguyền rủa như Tolstoi Bielinski nhận xét rằng “ xã hội Nga đã nhìn nhận nhà văn Nga là những lãnh tụ duy nhất, người bảo vệ, người cứu mình khỏi bóng đen chế độ chuyên chế, chính giáo và chính thống phong kiến “. Nhà văn Maxim Gorki nhận xét rằng “ Mỗi nhà văn Nga đều có cá tính thật sự và rõ nét, đều chung một ý hướng là cảm nhận cho ra tương lai của đất nước, vận mệnh của nhân dân, vai trò của họ trên thế giới Với tư cách là một con người, một cá nhân, nhà văn Nga đến bây giờ vẫn sáng ngời trong hào quang của một tình yêu toàn vẹn và tha thiết đối với văn học, đối với người dân nhọc nhằn trong lao động, đối với mãnh đất Nga buồn bã của mình. Đó là một chinế sĩ trung thực, dám chết vì chân lý, dũng sĩ trong lao động và là đứa trẻ trong quan hệ với những con người, tâm hồn trong như giọt lệ và sáng như ngôi sao trên vòm trời tê tái của nước Nga Trái tim nhà văn Nga là quả chuông của tình thương, và tiếng ngân nga mạnh mẽ có tâm hồn của nó vang dội đến từng trái tim còn nóng máu trên đất nước này”. Bên cạnh sáng tác, phát triển một nền lý luận phê bình chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng cách mạng dân chủ, dưới sự dẫn dắt của Bielinski (1811-
- 1889), sau đó là Dobroliubov (1816-1861), Tsernysevski (1828-1889) có ảnh hưởng tích cực đến sáng tác. Văn học Nga đặc biệt giàu tính chiến đấu, đậm tính nhân dân. Nhà văn Nga đều lên tiếng chống chế độ nông nô, bênh vực lớp “con người bé nhỏ” và thân phận người phụ nữ trong xã hội. Maxim Gorki nói “ Nền văn học này đã chỉ cho Phương Tây thấy một điều kì lạ trước kia chưa từng biết: những người phụ nữ Nga, chỉ có nền văn học ấy mới biết cách nói về con người với tình yêu vô biên dịu dàng, thắm thiết của một người mẹ ”. Ba giai đoạn văn học Nga thế kỉ XIX Tình hình xã hội Châu Âu cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là thời kỳ tan rã của chế độ phong kiến trước sức mạnh tấn công của cách mạng tư sản. Lúc này nước Nga vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, chủ nghĩa tư bản Nga mới bắt đầu phát triển. Năm 1810 mới có 6,5% dân số sống ở thành thị. Alexandre làm vua từ 1800 đến 1825 run sợ trước ảnh hưởng của Cách mạng Pháp nên tạm đeo lên chiếc mặt nạ “tự do chủ nghĩa” y ban hành chính sách cải cách về nông dân (cấm bán người không kèm theo ruộng đất), về giáo dục, văn hóa. Cuộc chiến tranh ái quốc 1812 chống Pháp xâm lược đã thức dân tộc và tinh thần cách mạng của nhân dân Nga. Chính nhân dân Nga đã đánh tan hơn 60 vạn quân Napoleon xâm lược, giải phóng đất nước và một phần Châu Âu. Theo đà, dân chúng phản ứng với ách cai trị của Nga Hoàng, thúc đẩy làn sóng đấu tranh của nông nô dâng cao. Alexandre sợ hãi vội vứt bỏ mặt nạ tự do chủ nghĩa, lộ nguyên hình là tên chuyên chế. Y cấu kết với Áo và Phổ lập ra “liên minh thần thánh” để chống lại ảnh hưởng của cách mạng tư sản Pháp. Một số quí tộc tiến bộ Nga đã lập ra các tổ chức cách mạng bí mật. Thừa lúc Alexandre vừa chết Nicola I lên thay, họ đã tổ chức một số đơn vị quân đội tiến hành cuộc khởi nghĩa ngày 14 tháng chạp năm 1825 ở Petersburg nhằm ngày lễ đăng quang của Alexandre I. Khởi nghĩa thất bại vì thiếu sự ủng hộ của nhân dân. Cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử xã hội Nga và văn học Nga. Nicolai I mở đầu triều đại của mình (1825-1855) bằng hành động khủng bố tàn nhẫn những người tham gia khởi nghĩa Tháng Chạp. Y là kẻ ưa chuộng bạo lực, ra sức củng cố nhà nước chuyên chế. Năm 1842 y tuyên bố ruộng đất là quyền sở hữu vĩnh viễn của địa chủ. Y thiết lập bộ máy cảnh sát, mật thám mạnh mẽ, bóp nghẹt tự do ngôn luận và theo dõi nghiêm ngặt hệ thống giáo
- dục. Nicolai I lo rằng Paris “cái ổ hoạt động xấu xa sẽ gieo rắc chất độc ra khắp Châu Âu”. Tuy thế, những cuộc đấu tranh của nông nô vẫn xảy ra liên tục. Về mặt đối ngoại, Nicolai trở thành tên sen đầm quốc tế. Y giúp Pháp đàn áp cuộc cách mạng 1848 ở Paris, lại đưa 14 ngàn quân đi dập tắt cuộc cách mạng 1848 ở Hungary ; gây chiến tranh mở rộng lãnh thổ ở miền Nam nước Nga. Nước Nga thất bại. Nicolai I chết năm 1855 đã chấm dứt một giai đoạn lịch sử Nga đen tối. Sự phát triển tư tưởng xã hội Thông qua hệ thống giáo dục, Nga Hoàng truyền bá tinh thần thời đại “chế độ chuyên chế, chính giáo và tính nhân dân”. “Tính nhân dân “ nghĩa là giữ lại những gì bảo thủ lạc hậu nhất trong nhân dân Nga. Trí thức Nga không tỏ ra tin tưởng vào tuyên ngôn của Nga hoàng. Lúc này, tư tưởng của những người tháng chạp là tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại. Tuy họ còn chưa thống nhất với nhau về mục tiêu đấu tranh (quân chủ lập hiến hay cộng hòa?), về đường lối đấu tranh (ôn hòa hay bạo động), nhưng họ đều nhất trí phải lật đổ chế độ nông nô chuyên chế. Lênin viết “những nhân vật ưu tú nhất của giai cấp quí tộc đã góp sức thức tỉnh nhân dân”. Nhiều nhóm văn học, triết học xuất hiện ở Trường Đại học Moskva. Đó là các nhóm Stankievich, Gersen và Ogariov chuyên nghiên cứu triết học (chủ nghĩa xã hội không tưởng). Nhóm văn học Bielinski, nhóm Lermontov. Các nhóm đều bàn tới các vấn đề thời sự chính trị xã hội. Ảnh hưởng cách mạng Pháp và cao trào đấu tranh của nhân dân Nga đã đặt ra cho những người quí tộc tiến bộ Nga câu hỏi “nước Nga đang cần gì ? ", nước Nga sẽ đi đến đâu và đi con đường nào?”. Câu hỏi đó chi phối cả thời đại văn học và nghệ thuật Có 2 khuynh hướng lựa chọn vận mệnh của nước Nga: • Phái sùng Slave cho rằng nước Nga nên đi theo con đường Đông Phương đặc sắc của mình. Họ hướng về nước Nga cổ xưa và truyền bá tư tưởng thỏa hiệp giữa ngai vàng và nhân dân. • Phái sùng Tây Phương cho rằng nước Nga cần đi theo con đường chung của Châu Âu. Họ chủ trương tự do cải lương chủ nghĩa, coi nhà nước quân chủ lập hiến là lý tưởng. Ban đầu cả hai phái đều có thiện chí thay đổi chế độ nông nô. Nhưng cả hai phái đều mắc sai lầm cơ bản. Phái Slave thì bảo thủ, phái sùng Tây Phương thì mất gốc. Các nhà dân chủ cách mạng như Gershen và Bielinski vươn cao hơn cả hai phái trên. Họ đi tới chủ nghĩa duy vật biện chứng và dừng bước trước chủ nghĩa duy vật lịch sử (Lênin).
- Nhóm văn học Petrasevski nổi lên giữa 1845-1848 (trong đó có Dostoievski ) tuyên truyền chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Nga hoàng kết tội nhiều người trong các nhóm, một số bị đày đến vùng Siberia xa xôi. Tình hình văn học Đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa cổ điển vẫn còn thoi thóp ở nước Nga. Chủ nghĩa tình cảm vẫn còn tồn tại cùng nhóm nhà thơ Karamzin. Sau Cách mạng Tháng Chạp 1825, nảy sinh khuynh hướng lãng mạn. Nhà thơ Jiukovski đã phát hiện chủ nghĩa lãng mạn cho văn học Nga. Bất mãn xã hội đương thời, thức tỉnh ý thức dân tộc, trước hết Giukovski viết theo hướng lãng mạn bảo thủ với các thể loại oán ca và ballad. Thơ ông buồn man mác, nghĩ về cái chết và lòng sùng đạo. Bielinski đã viết “không có Giukovski có lẽ chúng ta không có Puskin”. Năm 1820, sự xuất hiện bản trường ca “Ruslan và Lutmila” của Puskin đã giáng một đòn mạnh mẽ vào chủ nghĩa cổ điển và mở đường cho chủ nghĩa lãng mạn. Một nhóm nhà thơ xoay quanh Puskin và sáng tác theo xu hướng lãng mạn chủ nghĩa. Cùng lúc đó diễn ra cuộc đấu tranh về ngôn ngữ nhằm hoàn thiện tiếng Nga ra khỏi mọi tạp nhiễu lân cận và phương Tây. Nhà thơ Puskin đã làm tròn sứ mệnh vinh quang là đánh dấu sự hoàn thiện ngôn ngữ Nga trong thơ. Thơ ông trong sáng, giản dị và chính xác, sinh động và đẹp đẽ như tiếng Nga hiện đại. Chủ nghĩa lãng mạn Nga ngày càng phát triển, hướng tới xu hướng lãng mạn cách mạng. Thơ ngụ ngôn, thơ trữ tình và kịch thơ đều phát triển. Tác phẩm truyện bằng thơ “Evgeni Onegin” của Puskin được coi là mở đầu cho chủ nghĩa hiện thực Nga. Bielinski gọi đó là “cuốn bách khoa toàn thư về đời sống Nga”. Puskin đã miêu tả chân thật các nhân vật điển hình của giới thanh niên quí tộc trong các mối quan hệ xã hội phức tạp ở thành thi và nông thôn Nga. Với cuốn tiểu thuyết “Người anh hùng của thời đại chúng ta”(1840) (có thể dịch: nhân vật chính của thời đại ta), Lermontov đã cắm cái mốc mới trên đường thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực (phê phán). Lermontov vừa là nhà thơ lãng mạn cũng là nhà văn hiện thực ưu tú của giai đoạn này. Nhà văn Gogol với các tác phẩm “Quan thanh tra”, Những linh hồn chết”, “ Truyện Peterburg” đã đánh dấu sự toàn thắng của chủ nghĩa hiện thực Nga. Hàng loạt cây bút trẻ như Dostoievski, Turgeniev, Gonsarov nổi lên. Đặc điểm chủ yếu của giai đoạn này là sự chuyển mình từ chủ nghĩa lãng mạn trẻ trung sang chủ nghĩa hiện thực. Văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết ngày càng chiếm ưu thế. Nhiều vở kịch lịch sử hiện thực xuất hiện như “Borit Gordunov” của Puskin, “Vũ hội trá hình” của Lermentov và “Quan thanh tra” của Gogol
- Giai đoạn II Tình hình xã hội Mâu thuẫn cơ bản từ 1862-1904 là mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và giai cấp quí tộc cấu kết với giai cấp tư sản mới bám lấy tàn tích phong kiến. Vai trò lãnh đạo cách mạng chuyển từ tầng lớp quí tộc tiến bộ ở giai đoạn trước sang tay những người cách mạng dân chủ đứng đầu là nhà phê bình văn học Sernusevski. Do sự đấu tranh quyết liệt của quần chúng, nhà nước buộc phải tiến hành cuộc cải cách 1861. Alexandre II kế tục Nicolai I phải công bố bản tuyên ngôn hủy bỏ chế độ nông nô chuyên chế. Đây là cuộc cải cách nửa vời bịp bợm. Những người dân chủ cách mạng công kích tính giả dối của cải cách. Nông dân tiếp tục nổi dậy. Nga Hoàng ra tay đàn áp. Báo chí bị đóng cửa, nhiều người bị bắt. Những năm 70, xu hướng tư tưởng dân túy và nhiều tư trào khác dần dần bị Nga hoàng và chủ nghĩa tư bản dẹp bỏ, đặc biệt là đầu những năm 80. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân bắt đầu lớn mạnh với các “Liên minh công nhân miền Bắc, Liên minh công nhân miền Nam”. Nạn đói xảy ra mấy năm liền. Nhà dân túy cách mạng Grineviski ám sát Nga hoàng Alexandre II ngày 1.03.1881. Chính quyền trả thù bằng khủng bố và tuyên bố duy trì chế độ nông nô chuyên chế. Giới trí thức bị khủng bố. Các tổ chức dân túy tan rã. Đây là thời kỳ đen tối nhất của cách mạng Nga. Nhưng phong trào đấu tranh của của giai cấp công nhân vẫn nổ ra liên tục. Nhóm Plekhanov tiếp tục lưu vong ra nước ngoài, tiếp thu chủ nghĩa Marx. Trở về lập nhóm “giải phóng lao động” và “Liên minh xã hội dân chủ Nga” (1886). Sự phát triển tư tưởng xã hội Nga Hệ thống tư tưởng tiên tiến nhất thời kỳ này thuộc về nhóm cách mạng dân chủ với Gersen và Sernứevski. Nhiều tờ báo, tạp chí là cơ quan ngôn luận của họ. Chủ nghĩa dân túy ngày càng tỏ ra tiêu cực. Những năm 80, nảy sinh “thuyết việc nhỏ”, “thuyết Tolstoi” phát triển. Nhà văn Tolstoi dần dần lâm vào khủng hoảng tư tưởng với thuyết “bất bạo động” tuy vẫn phê phán quyết liệt chính quyền Nga hoàng. Tình hình văn học Văn học hiện thực Nga chuyển biến mạnh. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, lý luận phê bình sôi nổi, đề cao khuynh hướng sáng tác của nhà văn Gogol. Xoay quanh tờ báo quan trọng “ Người cùng thời”, các nhà văn hoạt động mạnh mẽ. Văn xuôi Turgeniev, Sernysevski, và Dostoievski chiếm vị trí hàng đầu. Đặc biệt, Dostoievski với nhiều tác phẩm xuất sắc nhưng về tư tưởng vẫn còn rất mâu thuẫn trong tình trạng dò dẫm, tìm đường.
- Liev Tolstoi cây đại thụ trong rừng văn học Nga nửa sau thế kỷ XIX sôi động. Hơn 60 năm làm văn, ông cống hiến một gia tài văn học khổng lồ, nổi bật là 3 bộ tiểu thuyết vĩ đại “Chiến tranh và hòa bình” (1863-1869), “Anna Karenina” (1873-1877) và “Phục sinh” (1889-1899). Tác phẩm của ông phản ánh chân thực xã hội Nga suốt thế kỷ, đặc biệt nửa sau. Theo Lênin, đó là “Tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Những năm 80, xuất hiện thêm nhiều cây bút trẻ có tài, đặc biệt là nhà văn Anton Pavlovich Sekhov, nhà văn hiện thực lớn cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực với hàng trăm truyện ngắn đặc sắc. Thơ ca vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sau thời kỳ 60-70 với thi sĩ lớn nhất là Nierkrasov. Tâm trạng u buồn bế tắc của giới trí thức Nga tràn ngập thi ca. Dòng thơ cách mạng khoxen kẽén của những tù nhân chính trị cũng hòa vào dòng thơ chung. Xuất hiện dòng thơ ca suy đồi xen kẽ thơ cách mạng. Nền kịch nói Nga khá hùng hậu cũng là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa hiện thực Nga thế kỷ này. Giai đoạn III - Văn học Nga những năm 90 (giai đoạn cuối) Lúc này nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phát triển khá nhanh chóng, giai cấp tư sản thỏa hiệp với nhà nước nông nô chuyên chế. Giai cấp vô sản đã lớn mạnh nhanh chóng. Giai cấp nông dân bị phân hóa mạnh do ảnh hưởng rộng khắp của chủ nghĩa tư bản. Nông dân bỏ làng quê đi lang thang, vất vưởng ở các đô thị. Chủ nghĩa Marx truyền bá vào Nga từ ít năm trước đã có ảnh hưởng khá rộng. Lênin hoạt động ở Petesburg, liên kết các nhóm mac-xit ở thủ đô, lập ra “liên minh đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”. Liên minh phải đấu tranh chống chủ nghĩa dân túy tự do lúc này thù địch với chủ nghĩa Marx. Công lao lịch sử của V. Lênin là đập tan trào lưu tư tưởng dân túy bảo thủ và bọn mac-xit giả hiệu, phản động. Lênin chuẩn bị thành lập đảng mac-xit chân chính vào đầu thế kỷ sau. Đây cũng là thời kỳ đấu tranh gay gắt trong văn học nghệ thuật. Nổi lên “con chim báo bão” của giai cấp vô sản: nhà văn trẻ Marxim Gorki, và một số nhà văn khác. Đó là những kiệt tác đầu tiên của Gorki: Makar Tsudar, Bài ca chim ưng (1895), Truyền thuyết về Đanko (trích trong truyện Bà lão Izecghin) và Bài ca chim báo bão (1901)
- Chương 2: NHÀ THƠ PUSKIN (1799-1837) Puskin - mùa xuân của nền văn học Nga Lịch sử văn học Nga dường như đã trao cho Alexandre Xergeievich Puskin nhiệm vụ làm người tổng kết sự phát triển của toàn bộ nền văn học Nga trải qua 8 thế kỷ văn học viết (XI-XVIII) kể cả văn học dân gian và mở đường cho văn học Nga thế kỷ XIX tiến tới đỉnh cao huy hoàng của thời đại. Trong cuộc đời ngắn ngủi, khoảng 20 năm trời, nhà thơ Puskin đã có nhiều cống hiến xuất sắc: Thơ trữ tình, trường ca, truyện ngắn, truyện cổ tích, tiểu thuyết, kịch, bút ký, chính luận (báo chí). Puskin chính là người tạo ra cho văn học Nga có tầm vóc thế giới và bồi dưỡng nền ngôn ngữ Nga giàu đẹp. Tài năng đa dạng ở Puskin phát triển với tốc độ phi thường, đẩy nền văn học Nga theo kịp cỗ xe lịch sử thế giới. Hai mươi mốt tuổi (1820), Puskin đã dẫn đầu chủ nghĩa lãng mạn Nga (mau chóng bỏ qua chủ nghĩa cổ điển). Hai mươi sáu tuổi (1825) nhà thơ lại dẫn đầu chủ nghĩa hiện thực Nga. Năm 38 tuổi (1837), Puskin đột ngột giã từ cuộc sống sau một cuộc đấu súng do một âm mưu đen tối và bỉ ổi của chế độ Nga hoàng nhằm chống lại thiên tài văn học Nga. Những người cùng thời đã sớm hiểu tài năng và tư tưởng của đại thi hào Nga, đã cùng với ông và kế tiếp ông đưa chủ nghĩa hiện thực Nga lên tầm cao mới thế giới, hoàn thành sứ mệnh của văn học đối với cách mạng Nga. A.X. Puskin sinh ngày 6.6.1799 trong một gia đình quí tộc giàu sang ở Moskva (Mockva). Thời thơ ấu, cậu bé có đủ điều kiện để ăn học thành tài nhưng ông đã không trở thành một viên đại thần hay nhà thơ cung đình. Trải qua hai đời vua, Puskin trọn vẹn là nhà thơ nhân dân. Cha của Puskin là một thi sĩ ham mê văn học và sân khấu, đã từng làm thơ bằng tiếng Pháp. Chú ruột cũng là một nhà thơ có tiếng thời đó. Nhiều nhà thơ, nhà văn lớn là bạn bè của gia đình thường tới nhà thảo luận các vấn đề văn học. Mới 10 tuổi, cậu bé đã đọc nhiều tác phẩm văn học Nga và Tây Âu, thuộc lòng nhiều thơ tiếng Pháp và tiếp xúc với văn học dân gian Nga qua bà vú và người nô bộc. Năm 1811, Puskin vào học trường Licée (trung học quí tộc, do người Pháp xây dựng), ở đây ông được tiếp xúc với tư tưởng tự do của thầy giáo và các bạn. Năm sau chứng kiến thắng lợi của nhân dân Nga đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Napoleon, Puskin càng tự hào về đất nước và dân tộc Nga. Nhà thơ bắt đầu sáng tác thơ trữ tình, trong đó có nhiều bài vượt qua đề tài nhà trường, vươn ra xã hội với nhiệt tình tự do, tổ quốc và chống chế độ độc tài.
- Giai đoạn này, sáng tác của ông có nội dung phong phú nhưng nghệ thuật còn non, đang đi theo ảnh hưởng của các nhà thơ lớn đàn anh. Tuy vậy, ở Puskin có những dấu hiệu đi xa hơn tiền bối. Thời kỳ sống và làm việc ở Peterburg (1817-1820) Năm 1817, Puskin tốt nghiệp trường Lít-xê, được bổ nhiệm vào cơ quan Bộ Ngoại giao. Cuộc sống mới khiến ông ngày càng chán ghét xã hội thượng lưu là nơi anh nghĩ “Khôn tức là im lặng một cách nô lệ”, “nơi tất cả đều ngu ngốc một giuộc”. Giai đoạn này Nga hoang tỏ ra phản động hơn trước. Khủng bố khởi nghĩa nông dân, cấu kết với nước ngoài để đánh thuê. Đây cũng là lúc những người quí tộc tiên bộ Nga bắt tay lãnh đạo cách mạng. Puskin liên hệ mật thiết với các nhà hoạt động cách mạng và trí thức tiến bộ. Ông viết những bài thơ với chủ đề xã hội lớn lao. Năm 1820, tác phẩm lớn có giá trị là trường ca cổ tích “Ruslan và Lutmila”. Tác phẩm này đưa ông lên ngang hàng các nhà thơ lớn đương thời. Thời kỳ đi đày ở phương Nam (1820-1824) Năm 1820, Puskin bị Nga hoàng Alexandre 2 đày xuống miền Nam vì bài thơ tràn ngập tinh thần tự do và phản đối chế độ nông nô chuyên chế. Ở miền Nam, các tổ chức cách mạng bí mật đang hoạt động mạnh. Puskin tiếp tục sáng tác thơ. Với bài thơ “Vầng thái dương đã lặn” coi như sự bứt phá khỏi chủ nghĩa cổ điển và mở đầu cho chủ nghĩa lãng mạn. Trào lưu lãng mạn cách mạng trong văn học đang hình thành mãnh liệt. Lúc này nhà thơ tiếp xúc rộng rãi và sâu sắc với cuộc sống nhiều màu vẻ của nông thôn và thành thị phương Nam khiến cho tính lịch sử, tính nhân dân và chất liệu hiện thực càng rõ rệt trong các sáng tác sau này. Puskin bắt đầu thẻ hiện một phương pháp mới: phương pháp hiện thực với tiểu thuyết bằng thơ “Evgeni Oneghin” (Từ 1823). Thời kỳ bị quản chế ở phương Bắc (1824-1826) Từ phương Nam trở về, Puskin buộc phải sống ở trại ấp của cha ở xã Mikhailovkoie, sống xa bạn bè, ông chỉ gần gũi với vú nuôi Arina. Ông mở rộng tiêp xúc với dân chúng trong vùng, tham gia sinh hoạt văn nghệ giải trí ở địa phương và ghi chép văn học dân gian. Nhờ thế, Puskin vượt qua được cơn khủng hoảng tư tưởng trầm trọng. Từ 1825, sáng tác của Puskin chuyển qua giai đoạn mới, quan trọng, bỏ hẳn chủ nghĩa lãng mạn, đi sâu vào phương pháp hiện thực. Ông tiếp tục viết phần tiếp theo của tiểu thuyết “Evgeni Onegin”. Tiếp đó là vở bi kịch lịch sử “Borit Gôdunôp”. Sau cuộc khởi nghĩa Tháng Chạp 1825
- Trong khi Puskin vẫn sống cô đơn ở ấp trại thì cuộc chính biến nổ ra ở Peterbourg ngày 14.12.1825. Cuộc nổi dậy bị dập tắt nhanh chóng. Bọn phản động khủng bố mạnh mẽ. Cách mạng thoái trào. Puskin cảm thấy bàng hoàng, thất vọng. Hàng loạt bài thơ bâng khoăn giữa nổi đau buồn và lòng tin tưởng vào cuộc sống. Cuối cùng lý tưởng đã chiến thắng. Ông viết tiếp Evgeni Onegin: và nhiều tác phẩm khác như một số truyện ngăn trong đó có chuyện “Con đầm pích”. Những năm cuối cùng (1830-1837) Lúc này, sau cách mạng 1830 ở Paris, phong trào cách mạng ở các nước Tây Âu lại được phục hồi. Ở Nga, các cuộc bạo động của nông dân lại lan tràn khắp nước. Cuối năm 1828, Puskin trở lại Moskva, quen một tiểu thư quí tộc xinh đẹp trong một cuộc vũ hội. Đó là Natalya Gonsarova. Mấy tháng sau, Puskin cầu hôn. Hai năm sau nhà gái mới nhận lời chính thức vì họ do dự: chàng rể tương lai là một nhà thơ “có vấn đề chính trị” và cũng không giàu sang lắm. Lễ cưới diễn ra ngày 18.02.1831. Những tháng hạnh phúc trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô. Sáng tác các tác phẩm lớn: Người con gái viên đại uý (tiểu thuyết lịch sử), Dubrovski, Kỵ sĩ đồng, Những bi kịch nhỏ, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Ngoài ra còn nhiều bài phê bình, chính luận sắc bén khác. Thơ trữ tình của PUSKIN Puskin viết nhiều thể loại thơ khác nhau nhưng trước hết là thơ, từ 15 tuổi đã có thơ đăng báo cho tới năm cuối của cuộc đời. Puskin có viết truyện và kịch nhưng đó là nhà thơ viết chuyện, dựng kịch. Thủy chung của ông vẫn là thơ. Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi, thi hào Puskin đã để lại cho đới sau hơn 800 bài thơ trữ tình có giá trị. Thi sĩ hiểu rất rõ giá trị của bài thơ của mình. Trong một bài thơ cuối đời, Puskin dự đoán: Tôi sẽ mãi mãi được nhân dân yêu mến Vì thơ tôi gợi cảm tình trong sáng Ca ngợi tự do trong thế giới bạo tàn (Đài kỷ niệm - 1836) Làm thơ là tự nguyện, Puskin hứa hẹn từ buổi ban đầu con đường thơ ca yêu nước, yêu tự do, con đường cách mạng. Mượn chuyện nhà tiên tri xưa đi truyền lời thượng đế, nhà thơ viết bài thơ "Nhà tiên tri" để tuyên truyền lý tưởng, thức tỉnh nhân dân: "Năm châu bốn biển đi liền / mà đem lời nói đốt tim muôn người". Giai cấp thống trị muốn xóa bỏ hình tượng nhà thơ nhân dân ra khởi phát từ "nhà tiên tri" bằng nhà tù hoặc danh lợi" nhưng chúng đã bất lực. Nhà thơ Ba
- Lan Adam Mickievich đã cảnh cáo "kẻ nào nhằm các bậc tiên tri mà ném đá thì hãy coi chừng" trong bài thơ ông gởi "Các bạn bè tôi ở nước Nga" (1837). Hồi ấy, Puskin làm thơ theo phong cách dân gian, truyền miệng, dân chúng thuộc thơ ông nhưng chẳng bết gì về tác giả. Đôi lúc nhà thơ cảm thấy thất vọng, bất lực vì thấy "Lũ người gieo giống tự do trên đồng vắng" cứ gieo mãi, uổng công lắng nghe mãi mà không thấy âm vang đáp lại. "Riêng tiếng người không ai buồn vọng lại số phận người cũng thế, hỡi thi nhân" Khi cuộc cách mạng dân chủ Nga (1816-1825) bị dập tắt: "Riêng mình tôi, người xướng ca diệu huyền được dông tố ném lên bờ thoát chết tôi lại hát bài ca thuở trước ." Quá trình Puskin làm thơ cũng là quá trình tìm tòi khẳng định cụ thể và dứt khoát chức năng nghệ sĩ và vai trò xã hội tích cực của thơ ca. "Tiếng nhộn nhịp ngoài xa kia cuộc sống đang gọi tôi lòng khoắt khoải bồi hồi ( ) Tôi muốn sống để nghĩ suy và đau khổ Chao ôi giá tiếng thơ tôi rung động được lòng người ( .) Sao Chúa chẳng cho tôi tài hùng biện để làm nên dông tố!" Là nhà thơ lãng mạn nhưng Puskin coi cuộc sống bình thường xung quanh là đối tượng của thơ. Cuộc sống Nga, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga đi vào thơ Puskin với mọi dáng vẻ, âm điệu và màu sắc. Trong thơ Puskin có hoa hồng, chim họa mi, có túp lều, đống rạ, tấm lưới dân chày, thơm hương lúa mì, cũng có cả "lá thư tình bị đốt cháy" và những thứ rất Nga như cỗ xe tam mã, hàng cây sồi, một điệu dân ca. Puskin mở rộng đôi cánh cửa thơ để cho những thứ mộc mạc quen thuộc hàng ngày tuôn chảy mà không làm tầm thường thơ: Puskin không phân chia thơ văn thành hai đẳng cấp: Thơ (cao đẹp) và văn xuôi (tầm thường). Trong thơ Puskin có văn, trong truyện có chất thơ. Đó là thơ "siêu thể loại", không còn bị ràng buộc bởi những thứ vô hình, mơ hồ, ước lệ Cuộc sống bình thường nhưng phải là cuộc sống của nhân dân: " Từ bỏ chốn thượng lưu bệnh hoạn những cuộc vui chơi xa hoa, chè chén Trở về đây với tiếng lá hàng sồi Với ruộng đồng bằng lặng thảnh thơi"
- Sống ở đó với dân chúng, nhà thơ nhìn cuộc sống bằng con mắt của nhân dân. Cuộc sống làng quê bình dị là nguồn thơ phong phú đối với nhà thơ nào biết đắm mình trong đó. "Xuyên qua những làn sương gợn sóng Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua Buồn vải ánh vàng lai láng Lên cánh đồng buồn dăng xa. Trên đường mùa đông vắng vẻ Cỗ xe tam mã băng đi Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ Đều đều khoắc khoải lòng quê ( .) (Con đường mùa đông) Puskin say mê những bài dân ca Nga vui tươi, yêu đời. Có con chim sơn tước Sống lặng lẽ ngoài khơi Có cô gái sớm mai Ra ngoài trời gánh nước Có khi nghe buồn tẻ tiếng nhạc ngựa đường dài, mênh mang cùng ánh trăng đêm: Hát, nghe những khúc hát Giải nổi buồn trong đêm Ôi xiết bao thân thiết Những lời ca ngang tàng Hát đi bác xà ích Ta sẽ chăm chú nghe Trăng liềm soi tịch mịch Buồn tênh gió thoảng xa Hát đi: "trăng, trăng đẹp Sao trăng lại cứ nhòa ?" (Tuyết nhấp nhô như sóng)
- Nhà thơ nghe thấy mọi tiếng cuộc đời: tiếng chim, tiếng suối, tiếng rừng, tiếng gió và cả tiếng chửi rủa, tiếng xích xiềng, tiếng đạn réo. Đáp lại chúng, nhà thơ làm tiếng vọng, đem tâm hồn mình vọng lại. Đó là lý tưởng thẩm mỹ Puskin. Puskin nghĩ và nói về tình yêu như về một nguyên lý trong sáng, đẹp đẽ có khả năng thức tỉnh, tái tao con người, tiếp sức sống và sức mạnh cho con người. Soi vào tình yêu ấy, con người càng thêm đẹp. Ngợi ca tình yêu cao đẹp là cách Puskin phủ định thói giả dối, kênh kiệu, vụ lợi, ích kỷ của người đời. Nhà thơ tách cô Tachyana ra khỏi đám tiểu thư tỉnh lẻ và tiểu thư Moskva như là đưa tâm hồn phụ nữ Nga tốt đẹp trong sạch mà tỏa sáng trong những số phận con người thừa u ám trong tiểu thuyết thơ "Evgeni Onegin" vậy. Puskin viết những bài thơ tình yêu rất dễ thương cho những người đang yêu. Hay nghe một chàng trai đã yêu, vẫn còn yêu nhưng biết chia sẻ nổi thất vọng của nàng và cầu cho nàng gặp được tình yêu xứng đáng. Tôi yêu em đến nay chừng có thể Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai Nhưng không để em bận lòng thêm nữa Bởi hồn em đã gợn bóng u hoài * Tôi yêu em âm thầm không hi vọng Lúc rụt rè, khi hậm hực nổi ghen Tôi yêu em, yêu chân thành đầm thắm Cầu cho em một người tình như tôi đã yêu em. (Tôi yêu em) Rất nhiều bài thơ tình của Puskin đã được các thế hệ nhạc sĩ nổi tiếng của Nga như Glinka, Tsaikovski, Rakmanhikov chọn để phổ nhạc vẫn còn vang động như những "khúc dân ca mới" làm nên sự bất tử của thơ ca Puskin. Trong hơn 30 năm qua, Puskin được nghiên cứu và và giới thiệu nhiều ở Việt Nam. Truyện ngắn, tiểu thuyết đã được dịch và đưa vào sách văn phổ thông, vở kịch Evgeni Onegin chuyển thành vở opera đã được Nhà hát kịch Hà Nội đưa lên sân khấu thủ đô rất sớm. Còn thơ Puskin - người ca sĩ của tự do cũng được yêu quí, trân trọng ở nước ta. Những bạn chưa thể đọc thơ Puskin bằng tiếng Nga có thể đọc thơ dịch do các nhà thơ Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh Dịch ngôn ngữ thơ của Puskin rất khó bởi vì nó giản dị, đẹp đẽ và dễ mất mát, hao hụt khi chuyển ngữ. Tiểu thuyết "Evgeni Onegin"
- Khởi công viết từ 1823 và hoàn thành 1831. Đăng báo dần dần từng chương từ 1825 đến 1833 thì xuất bản toàn bộ. Tiểu thuyết bằng thơ này là một trong những kiệt tác bậc nhất của văn học Nga và thế giới. Với tác phẩm này Puskin mở con đường mới chưa từng có cho văn học Nga: CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC. Đây là kiểu mẫu đầu tiên vượt qua chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa lãng mạn ở nước Nga. Cốt truyện giản dị trải ra qua 8 chương: Chương I. Nỗi buồn chán Chương II. Nhà thơ Chương III. Tiểu thư Chương IV. Làng quê Chương V. Ngày lễ thánh Chương VI. Cuộc quyết đấu Chương VII. Moskva Chương VIII. Quý tộc thượng lưu Onegin là một thanh niên quý tộc thông minh, có học thức, hào hoa, là một kiểu mẫu thượng lưu ở Peterburg. Sau nhiều năm phí hoài tuổi trẻ trong các phòng trà, nhà hát, tiếp tân, khiêu vũ, tiệc tùng, anh bắt đầu buồn chán “nỗi buồn chán của người Nga”. Anh đóng cửa ngồi nhà viết văn, đọc sách nhưng rồi cũng không xóa được căn bệnh buồn chán nặng nề ấy. Cha và chú qua đời, anh về quê thừa kế gia tài, quản lý trại ấp, sống cho khuây khỏa. Nhưng chỉ được vài ngày sau anh lại buồn chán như xưa . Cùng quê, có anh bạn Lenski đang đắm đuối trong bản tình ca cùng cô Olga xinh đẹp, hồn nhiên, bạn láng giềng từ nhỏ. Onegin và Lenski kết bạn với nhau . Tachyana, chị của Olga, một tiểu thư nông thôn không đẹp như cô em nhưng tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ, mơ màng tư lự và giản dị. Tachyana yêu Onegin ngay trong buổi đầu gặp gỡ. Cô viết thư tỏ tình gửi ngay cho Oneghin. Xúc động vì tấm lòng chân thành của cô nhưng Oneghin lại từ chối tình yêu vì lo rằng cuộc sống sẽ mất “yên tĩnh và tự do”. Thực ra anh chưa yêu vì còn ở trong tình trạng khủng hoảng tư tưởng. Do sự bực bội với Lenski, anh tìm cách trả thù bạn theo kiểu quí tộc. Anh giả vờ ve vãn Olga, chọc tức Lenski. Đúng vào ngày lễ thánh của Tachyana, xảy ra xung đột giữa Lenski và Onêgin. Vì thói sĩ diện qúi tộc, Onegin đã nhận lời thách đấu súng và anh đã giết bạn. Đau buồn và hối hận, Onegin rời làng quê ra đi du ngoạn lang thang suốt mấy năm trời. Olga mau chóng quên lãng người yêu xấu số Lenski, nhận lời một viên sĩ quan và cùng chồng đi theo đơn vị.
- Tachyana cảm thấy bị xúc phạm và đau khổ, sống âm thầm lẻ loi, từ chối mọi đám mối mai. Mùa đông nước Nga, hai mẹ con chuyển về sống ở Moskva. Trong xã hội thượng lưu có một viên tướng xin cầu hôn nàng. Vì thương nể mẹ, Tachyana nhận lời. Đến ngày Onegin trở lại Peterburg thì Tachyana đã là một phu nhân sang trọng và đức hạnh trong giới quí tộc thủ đô. Với Onegin, tình yêu sống dậy mãnh liệt trong tâm hồn, anh viết thư cho Tachyana. Anh trở nên si tình đến mức ốm đau và không thể chờ hồi âm, anh tìm đến gặp Tachyana. Tachyana thú nhận vẫn còn yêu anh nhưng băn khoăn có nên bỏ cả lầu son gác tía để cùng anh trở lại làng quê giản dị ngày xưa. Cô cảm động vì tình yêu say đắm của anh, nhưng cuối cùng cô quyết định từ chối và trở lại trung thành với chồng. Tachyana bỏ đi, Onegin đứng đó sững sờ và chồng của nàng bước vào tiếp khách. Tác phẩm dừng lại ở cảnh đó. Người đọc có thể dự đoán hướng đi tiếp của nhân vật Onegin. GỢI Ý PHÂN TÍCH CÁC NHÂN VẬT CHÍNH NHÂN VẬT EVGENI ONEGIN Trên cái nền bức tranh cuộc sống hiện thực Nga trải rộng từ thành thị tới nông thôn là nhân vật chính Evgeni Onegin, một quí tộc trẻ tuổi. Đây là nhân vật phức tạp và mâu thuẫn, do đó cũng là nhân vật sinh động. Không phải là nhân vật tích cực, cũng không hẳn là nhân vật phản diện. Mâu thuẫn trong tích cách Onegin là do địa vị xã hội và nền giáo dục mà anh nhận được. Anh không phải lo làm việc kiếm sống nhờ gia tài thừa kế kếch sù. Chán ngán kinh đô Petersburg, anh về trại ấp ở nông thôn không phải để tu chí làm ăn, mà để giải sầu. Anh thay đổi trại ấp bằng cách giảm tô nhẹ cho dân, cũng chỉ là giải trí tiêu khiển mà thôi. Về giáo dục, mẹ anh mất sớm, cha không chú ý đào tạo mà anh cho mấy gia sư ngoại quốc dốt nát dạy dỗ. Anh chỉ tiếp thu một sự giáo dục què quặt mà thôi. Anh vốn là con người ích kỷ, chỉ biết minh, không chú ý đến người khác, vô tình gây đau khổ cho họ. Việc từ chối mối tình đầu của Tachyana và giết Lenski cũng chẳng phải là ác ý của Onegin. Nhà phê bình Bielinski nhận xét “Onegin là con người ích kỷ nhưng không phải kẻ ích kỷ tự mãn, mà là kẻ ích kỷ bình thường”. Thật vậy, trong tâm hồn Onegin vẫn có những mầm mống tốt. Anh là người thông minh và tỏ rõ thái độ phủ nhận thực tế xã hội. Anh có cố gắng bồi dưỡng kiến thức bằng cách tìm đọc sách văn học, triết học, lịch sử, y học, nông học, . Anh đã tranh cãi với Lenski, một người trí thức học ở nước ngoài về, về các vấn đề chính trị, lịch sử, triết học. Đôi khi anh tỏ ra cao thượng chân thật với bạn bè và tình yêu dưới cái vẻ bề ngoài lạnh lùng, trịch thượng.
- Anh không đủ can đảm dứt bỏ cuộc sống thượng lưu và tiếp tục phí hoài tuổi trẻ. Chỉ vì nông nổi, nhỏ nhen anh đã gây ra cái chết bi thảm cho bạn, gây tổn thương sâu sắc cho Tachyana, người con gái trong trắng vốn yêu anh tha thiết. Nhân vật Onegin là tổng hợp người những nết điển hình của một tầng lớp thanh niên quí tộc đương thời. Những người sống nhờ vào sức lao động của nông dân, lại chưa có được học vấn hoàn thiện nhưng sẵn thông minh, còn có lương tâm và tình nghĩa. Anh không phải là thành viên trong số những nhà cách mạng quí tộc, cũng không thuộc bọn quí tộc đông đảo chỉ biết hưởng thụ và an tâm với cuộc sống vô vị ăn bám. Anh bất mãn với chế độ nhưng chỉ biết đau buồn, chán ngán. Tính cách Onegin có phát triển, đặc biệt là từ sau cuộc đấu súng. Sau mấy năm đi du lịch trở về, anh đã hiểu rộng hơn về nhân dân và đất nước, và thức dậy mối tình với Tachyana. Nhưng khi bị từ chối, anh vỡ mộng yêu đương. Rồi anh sẽ đi đâu? Người đọc có thể dự đoán: anh sẽ tham gia cuộc khởi nghĩa tháng chạp? Hoặc anh cũng có thể vẫn tiếp tục là con người thừa ?. Evgeni Onegin đúng là hình tượng “con người thừa” đứng đầu danh sách trong văn học Nga. NHÂN VẬT TACHYANA Nàng không đẹp lắm nhưng hấp dẫn. Tâm hồn cao thượng thông minh và giản dị. Ngay cái tên “Tatiana” rất bình dân trong tiếng Nga. Cuộc sống của cô gần gũi với nhân dân và thiên nhiên nước Nga. Nhưng cũng là cô gái hay buồn, sống cô đơn, trầm mặc. Cô hay đọc tiểu thuyết tình cảm. Nàng yêu cái cuộc sống trong sách có ý nghĩa và phong phú hơn cái thực tế vô vị xung quanh. Nàng không biết rằng cái ấy là do nhà văn theo chủ nghĩa tình cảm viết ra . Do đó vừa mới gặp Onegin nàng đã yêu ngay từ phút đầu tiên vì anh chàng chẳng giống ai quen biết xung quanh. Vì thiếu kinh nghiệm, cô tin rằng anh là người lý tưởng, đúng tiêu chuẩn. Cô viết thư cho anh, đó là hành động táo bạo của con người nồng nhiệt yêu đương. Thư gởi xong, nàng tin thế nào anh cũng đáp lời, nhưng : Ngày ngày qua, cũng chẳng có tin gì Nàng xanh xao như chiếc bóng sầu bi Lời chối từ của anh khiến nàng bất ngờ. Hóa ra anh chẳng giống con người lý tưởng trong tiểu thuyết. Nhưng nàng vẫn chưa thôi yêu anh . Càng về sau, nàng càng khó hiểu anh, đặc biệt sau vụ đấu súng với Lenski, anh bỏ đi, Olga lấy chồng Đọc tiểu thuyết lãng mạn, Tachyana lại lầm tưởng rằng anh là một nhân vật chán đời: nghĩa là anh sống theo sách vở. Nàng thất vọng.
- Theo mẹ về Moskva, nàng chẳng vui. Mẹ muốn gả chồng, nàng chỉ phản kháng lúc đầu Sau thương mẹ năn nỉ khóc lóc, nàng đồng ý lấy viên tướng cao tuổi và từ đó an phận. Cuộc gặp lại Onegin ở Peterburg ba năm sau, nghe chàng tỏ tình, nàng không tin ở lòng chân thành của anh. Đến khi gặp anh tới nhà riêng thăm nàng, nàng mới hiểu anh đã đau khổ nhiều. Nàng tin rằng anh không phải là con người tầm thường. Tachyana nghĩ rằng bây giờ nàng có thể sống hạnh phúc với Onegin nhưng rồi suy nghĩ kỹ, nàng buộc lòng từ chối anh. Bởi vì bản chất của Tachyana là sự cao quý của tâm hồn và tính trách nhiệm. Nàng nghĩ tới vai trò của người vợ đoan chính, nàng không thể nuốt lời hứa hôn nhân. Đấy là một nét bản chất Nga, “tâm hồn Nga” truyền thống chân chính. Tachyana là một phụ nữ có tâm hồn mạnh me õ. Những người vợ của các chiến sĩ Tháng Chạp tự nguyện theo chồng đi đày ở Xiberia xa xôi chia sẻ với chồng mọi nỗi gian khổ, cũng có tâm hồn “Tachyana” như thế. SỐ PHẬN NGẮN NGỦI CỦA LENSKI Anh là một nhân vật lãng mạn khá phổ biến thời đó. chưa đầy 20 tuổi, là nhà thơ trữ tình có tài, anh có những quan điểm xã hội khá tiến bộ, mơ ước nhân dân được t ự do. Cũng giống như Ônegin, anh xa rời nhân dân mặc dù có học vấn cao hơn Onegin vì được đào tạo ở nước ngoài. Anh chưa có cơ hội hiểu sâu sắc đất nước và nhân dân mình. Anh có niềm tin vào tình bạn, tình yêu. Nhưng khi bất bình trong cuộc sống, anh dễ buồn nản, đau khổ, chỉ biết viết những bài thơ bi đát, hoặc thiếu suy nghĩ mà hành động liều lĩnh. Ngày sinh nhật (lễ thánh) của Tachyana, thấy Onegin ve vãn Olga, anh vội kết luận Olga là lừa dối anh. Anh căm giận nàng. Khi biết Olga vẫn yêu mình thì anh lại trút tức giận vào ông bạn Onegin “trụy lạc” và thách đấu súng. Rõ ràng, Lenski là mẫu người lãng mạn thời đại, chỉ hành đông mà không hiểu rõ thực tế, chỉ tin vào tình cảm mà bồng bột, nóng vội trong hành động. Nhà thơ Puskin tỏ thái độ yêu thương thông cảm khi miêu tả Lenski, vì đó là con người nồng nhiệt ngây thơ và trong sạch về tâm hồn, có khát vọng và khả năng trở thành nhà thơ có tài. Giả sử còn sống, nếu anh ta không tìm ra lối thoát thì cũng trở nên một kẻ tầm thường. Ngoài ba nhân vật chính, Puskin còn miêu tả cả một giới quí tộc Nga, các đại biểu quí tộc nông thôn và giới thượng lưu thành thị với thái độ phê phán, mỉa mai. Nhà thơ miêu tả cuộc sống của những người dân bình thường với tấm lòng cảm thông sâu sắc nỗi đau khổ, nhọc nhằn của họ. Những bức tranh phong cảnh nông thôn Nga với và thiên nhiên phong phú, đẹp đẽ với bốn mùa xuân hạ thu đông. Nhà thơ yêu quí mùa
- xuân ở nông thôn, mùa hè thấp thoáng qua mau. Thu về trên cánh rừng u buồn trút lá vàng xào xạc, sương vuông mờ, chim trời kêu thê lương. Và mùa đông nhà thơ say mê, mùa tâm hồn rung động khát khao . Đúng như nhận xét của nhà phê bình Bielinski, cuốn tiểu thuyết Evgeni Onegin là “ bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Nga”. Đó chính là mẫu mực đầu tiên của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Nga thế kỷ 20. Tiểu thuyết "Người con gái viên đại úy" Dựa vào sự kiện lịch sử: Cuộc khởi nghĩa nông dân của lãnh tụ Pugatsov xảy ra 1773 -1775 từng làm rung chuyển nước Nga. Viết cuốn sách văn xuôi 14 chương này, Puskin muốn “hỏi” quá khứ để tìm “lời giải đáp” cho hiện tại và tương lai. Với tính khoa học của một sử gia, Puskin đã đi thực tế 4 tháng đến những nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa để quan sát, ghi chép. Gặp gỡ, tiếp xúc những người già lão từng chứng kiến tận mắt. Người dân ở đó tỏ ra quyến luyến và có những ấn tượng tốt đẹp với người anh hùng Emelien Pugatsov. Một số nhân vật có thật: Pugatsov: lãnh tụ khởi nghĩa, gốc là người lính codắc cựu binh Ecaterina: nữ hoàng Nga. Một vài viên tướng triều đình và phía quân khởi nghĩa. Phần lớn nhân vật là hư cấu, họ đóng giả nhân vật chính nhưng thật ra họ là tuyến nhân vật phụ của tiểu thuyết. Thiếu úy Grinov: sĩ quan trẻ, người kể chuyện. Ivan Cuzomich: đạy úy, đồn trưởng Belogor (biên phòng). Bà đồn trưởng Vaxilixa. Con gái đồn trưởng: Marya Ivanovna (gọi tắt là Masa). Chuẩn úy Svabrin: sĩ quan đồn Belogor. Lão bộc Xavelich: người nhà của Grinov Tóm tắt cốt truyện Grinov là chàng trai con nhà quí tộc ở tỉnh Xim biêc. Đến tuổi trưởng thành, theo lệnh cha, một cựu sĩ quan Nga bảo hoàng, chàng nhập ngũ ở thành phố Orenburg giáp vùng biên giới xa xôi, có lão bộc Xavelich đi theo phục vụ. Cuộc sống doanh trại. Chơi bi-a thua, quen viên sĩ quan Durin, được giới thiệu về nhận công tác ở đồn biên phòng Belogor. Dọc đường bị lạc trong bão tuyết may
- gặp một người Codăc đánh xe ngựa đưa đường đến quán trọ. Chàng tặng cho bác đánh xe ngựa chiếc áo da thỏ đắt tiền để tạ ơn. Về tới đồn biên phòng Belogor, cách xa thành phố Orenburg, vợ chồng ông bà đồn trưởng đại úy và cô con gái Masa đón tiếp chàng ân cần. Kết bạn với Svabrin vốn là sĩ quan cận vệ bị trục xuất ra biên giới. Do một chuyện bất hòa, Grinov và Svarbin đấu kiếm. Grinov bị thương, Masa tận tình chăm sóc cho anh. Hai người yêu nhau, Svarbin ghen tức. Grinov viết thư về quê xin phép cha cho kết hôn với Masa, nhưng không được gia đình chấp thuận. Masa biết cha chàng chê gia đình nàng nghèo hèn nên mặc cảm, cố ý xa lánh Grinov, sống cô đơn buồn phiền. Biến cố lớn xảy ra: quân khởi nghĩa của Pugatsovv đánh tới đồn Belogor. Binh sĩ chuẩn bị chống trả theo lệnh của cấp trên ở Orenbua. Tình hình dân chúng hoảng sợ. Mẹ con Masa đi ẩn trốn ở nhà bà cố đạo. Trận đánh đồn của Pugatsovv. Đồn Belogor bị thất bại. Các sĩ quan bị bắt chờ ngày xét xử. Ông bà đồn trưởng trung thành với Nữ hoàng, không chịu khuất phục, bị quân khởi nghĩa treo co å. Svarbin lập tức đầu hàng, xin gia nhập quân khởi nghĩa. Grinov sắp sửa bị treo cổ, lão bộc Xavelich van xin Pugatsov. Pugatsov nhìn kỹ, nhận ra Grinov và ra lệnh tha. Dân chúng và binh lính đều theo lãnh tụ khởi nghĩa, chống lại triều đình. Grinov được tự do. Chàng lo lắng đi tìm Masa, được biết Masa đang ngã bệnh nằm trong buồng nhà bà cố đạo. Những người lãnh đạo khởi nghĩa cũng đang ở nhà bà ta, chưa biết cô Masa đang ẩn náo bên trong, bà cố đạo giới thiệu đó là cô cháu gái đang nằm bệnh. Grinov không nở bỏ đi. Pugatsov cho lính gọi chàng tới nhà bà cố đạo. Nơi ấy đang tiệc tùng bề bộn, các tướng khởi nghĩa say rượu, hát dân ca những bài nguyền rủa Nga hoàng, điệu nhạc dữ dội và buồn thảm. Pugatsov giữ riêng Grinov ở lại nói chuyện. Chàng nhận ra Pugatsov chính là bác đánh xe ngựa năm trước đã đưa đường cho chàng. Vì ơn nghĩa cũ, ông ta tha chết cho chàng sĩ quan trẻ, yêu cầu Grinov đi theo quân khởi nghĩa. Chàng khôn khéo và cương quyết chối từ "vì bổn phận và danh dự của sĩ quan quí tộc". Chàng tránh thủ tâm lý khảng khái và bộc trực của Pugatsov và đã thuyết phục được y cho chàng trở về với triều đình. Pugatsov kinh ngạc nhưng với tính cách anh hùng mã thượng đồng ý cho chàng tùy ý "thôi cũng được, đã giết thì giết, đã tha thì tha, ngươi hãy đi khắp bốn phương trời". Hôm sau, Grinov đến chào từ biệt lãnh tụ nghĩa quân. Svarbin đã được Pugatsov bổ nhiệm làm đồn trưởng Belogor. Grinov lo lắng cho Masa, Pugatsov tặng chàng một cỗ xe ngựa và một ít tiền để làm lộ phí trở về quê. Trở về thành Orenburg, gặp viên thiếu tướng chỉ huy, chàng báo tình hình quân khởi nghĩa và đồn Belogor. Chàng nhận xét là quân đội Pugatsov không biết cách tổ chức, trình độ kém, chàng xin cử quân đội đi đanh dẹp quân phiến loạn. Bọn chỉ huy hèn nhát, bỏ mặc đồn Belogor, chỉ lo giữ thành chờ Pugatsov. Quân khởi nghĩa kéo tới bao vây Orenburg. Đánh nhau dằng dai. Chàng chuẩn úy Grinov nhận được thư tay của Masa gởi tới. Nàng đang ở trong tay Svarbin, bị hắn ép buộc làm vợ, nhưng Masa cáo bệnh, hoãn binh. Bức thư đau khổ và thiết tha hy vọng trông chờ của Masa làm chàng cực kỳ xúc động. Chàng nài nỉ viên tướng cấp cho chàng một đại đội đi chiếm lại đồn Belogor và cứu con gái viên
- đồn trưởng. Bị từ chối phũ phàng, chàng và lão bộc Xavelich phi ngựa về đồn Belogor cách đó 40 dặm. Rơi vào tay quân khởi nghĩa, gặp lại Pugatsov. Chàng trình bày lý do quay lại cứu Masa khỏi bị ức hiếp. Pugatsov vốn hào hiệp, nổi giận kéo quân đi hỏi tội Svarbin. Ông xỉ măng hắn đã cưỡng ép một cô gái mồ côi. Chàng lo lắng Svarbin sẽ tố giác Masa. Quả vậy, nghe nói đó là con gái viên đồn trưởng, Pugatsovv nổi giận. Chàng năn nỉ, khơi gợi làng hào hiệp và độ lượng của viên lãnh tụ nông dân. Chàng lại được Pugatsovv tha thứ. Hôm sau, chàng sĩ quan trẻ chia tay với Pugatsov theo lối giản dị như hai người bạn. Chia tay ông bà cố đạo, rồi cùng Masa và lão bộc lên đường về quê. Masa và lão bộc về quê chàng ở Xiembiec. Grinov theo đơn vị đi đánh quân Pugatsov. Cuộc chiến tranh kết thúc, Grinov chuẩn bị về phép thăm gia đình và Masa, có lệnh triều đình bắt giữ chàng. Đó là do Svarbin tố giác chàng là quân do thám của bọn phiến loạn và được quân Pugatsov ưu đãi. Chàng bị kết tội phản bội triều đình, săp sửa bị đi đày ở Siberia. Gia đình chàng kinh hoàng, đau khổ. Masa đi Peterburg tìm gặp bằng được Nữ hoàng Ecaterina đệ nhị để minh oan cho chàng. Grinov được tha. Vào ngày xử tử lãnh tụ Pugatsov, chàng sĩ quan quí tộc trẻ Grinov cũng đến dự. Pugatsov nhận ra chàng và gật đầu chào vĩnh biệt. Ít lâu sau, đám cưới của chàng và Masa kết thúc tiểu thuyết này. PHÂN TÍCH MỘT SỐ NHÂN VẬT CHÍNH Grinov là người kể chuyện, cũng là nhân vật chính. Anh thuộc loại thiếu niên quí tộc vô tư được giáo dục "đúng cách" nghĩa là, giống như Onegin, anh cũng được một gia sư dốt nát người Pháp dạy dỗ. Chàng là người nhẹ dạ, vô tư, chỉ ước ao cuộc sống vui tươi của một sĩ quan cận vệ ở kinh đô. Bố Grinov đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cá tính của anh. Ông là trung tá về hưu, địa chủ có uy quyền, rất nguyên tắc, khuyên dạy con trai theo chủ nghĩa quí tộc, nghĩa vụ quân đội là cao cả và vô tư không mưu cầu danh vọng. Do đó ông quyết định cho con đi phục vụ ở biên giới xa xôi chứ không ở kinh đô. Grinov tiếp thu cả hai mặt tốt-xấu của cha. Anh thực hiện lời dặn dò "không xin thêm công việc, cũng không từ chối nhiệm vụ". Cuộc gặp gỡ bác đánh xe ngựa Pugatsov trong đêm bão tuyết, lòng thương người, hào phóng của anh tặng bác ta chiếc áo da thỏ coi như một chi tiết quan trọng dẫn đến mối quan hệ đặc biệt của hai nhân vật chính này. Trong cuộc chạm trán với quân khởi nghĩa, anh là sĩ quan dũng cảm, trung thành với lời thề quí tộc. Anh nhận xét nghiêm túc về quân khởi nghĩa Pugatsov rằng họ không phải là "bọn cướp", họ có những nét nghiêm túc và trách nhiệm. Vì danh dự quí tộc, anh không thể đi theo họ. Trong mọi hoàn cảnh, anh vẫn là người thật thà, trọng danh dự, dũng cảm và có tình yêu trung thực, sâu sắc. Nhưng anh vẫn là người con của giai cấp quí tộc với các định kiến của nó. Nhưng sau
- cuộc khởi nghĩa của Pugatsov, anh phải nhận thức khác đi.Trong tương lai có thể anh thoát ra khỏi đời sống “con người thừa”, hướng về những người quí tộc tiến bộ, ưu tú. Chuẩn úy Svarbin là hình ảnh tương phản gay gắt của Grinov. Hắn là đại diện quí tộc mới, sẵn sàng vứt bỏ mọi truyền thống, danh dự vì những âm mưu vụ lợi cá nhân, nếu cần sẵn sàng thoán đoạt quyền lợi và phản bội tất cả. Masa yêu Grinov với mối tình trong sáng, nồng nhiệt, có đôi chút mặc cảm xuất thân từ gia đình bình dân. Nàng khiêm tốn nhưng cương nghị, trải qua thảm kịch gia đình và sự áp bức của kẻ xấu mà không gục ngã. Tuy thế, chủ đề chính của tiểu thuyết vẫn là vấn đềø nông dân khởi nghĩa, và lãnh tụ Pugatsov thực sự là nhân vật chính. Nhân vật chính này được vẽ lên một cách sinh động, hoàn chỉnh đến độ tuyệt diệu. Cái nhìn của nhà văn thật công bằng, trung thực và không giấu lòng cảm phục. Puskin không tô vẽ và không bôi xấu nhân vật lịch sử này. Đây là nét đặc sắc của chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi bản lĩnh vững vàng của nhà văn. Pugatsov xuất hiện với vai trò "người dẫn đường" cho chàng sĩ quan quí tộc trẻ dưới các dáng vẻ: Kẻ cướp. Gã nông phu. Căm thù sâu sắc giai cấp quí tộc cầm quyền. Thô lỗ, cương trực và bộc trực, giản dị. Đặc biệt, hào hiệp trả ơn người bạn cũ đã tặng mình chiếc áo lạnh và một cốc rượu. Tôn trọng Grinov mặc dù anh không tán thành cuộc khởi nghĩa. Bênh vực người yếu đuối (Masa). Nhược điểm lớn: thiếu học vấn, thiếu ý thức cảnh giác, bệnh khoe khoang, tự mãn . Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng Pugatsov vẫn là người anh hùng dân tộc được dân chúng quí mến, trân trọng. Nhà thơ Puskin cũng vạch ra nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa đó chính là chế độ nông nô chuyên chế áp bức bóc lột dân chúng với những chính sách tàn bạo của nó. Cuộc khởi nghĩa chưa có cương lĩnh chính trị rõ ràng, nhưng đó là ước mơ khát vọng vùng dậy của nhân dân Nga. Cùng với tiểu thuyết thơ Evgeni Onegin, đây cũng là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Nga cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Đồng thời, Grinov là một "con người thừa" kế tiếp Onegin, sẽ đi những bước dài hơn. Hình tượng nhân vật "con người thừa" lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Nga: Evgeni Onegin. Đây là đóng góp nghệ thuật lớn lao của Puskin chẳng những cho nền văn học Nga mà còn được văn học thế giới thừa nhận không thua kém các nhân vật "vỡ mộng" trong văn học Pháp của Honore De Balzac, Stendhale .
- Puskin là một nhà thơ tình yêu điển hình của thơ ca Nga. Thơ trữ tình của Puskin khá nhiều, bao gồm đầy đủ cảm xúc của một nhà thơ dân tộc, một nhà thơ của tình yêu đôi lứa và nhà thơ lãng mạn cách mạng. Giới thiệu đọc thêm: Truyện ngắn “Con đầm pich” Tiểu thuyết “Dubrovski” Kịch “Người khách đá” (Don Juan đến Petersburg) Chương 3: L.N. TOLSTOI VÀ BA BỘ TIỂU THUYẾT Cuộc đời và sự nghiệp Liev Nicolaievich Tolstoi (1828-1910) là một trong những đại biểu lớn nhất và xuất săc nhất của văn học hiện thực Nga và thế giới thế kỷ XIX. Qua gần 60 năm hoạt động văn học không mệt mỏi, ông đã để lại một di sản văn học đồ sộ và quí báo gồm: 3 bộ tiểu thuyết lớn, hàng chục truyện vừa, hàng trăm truyện ngắn và một số vở kịch, nhiều bài văn chính luận và thư từ, nhật ký (Toàn tập Tolstoi gồm 90 quyển). L. Tolstoi sinh ngày 9.9.1828 trong một gia đình quí tộc trại ấp ở làng Iaxnaia Poliana. Lên 2 tuổi, mồ côi mẹ, lên chín tuổi, mồ coi cha, anh em Tolstoi sống với bà cô ruột. Năm 16 tuổi, Tolstoi thi vào Trường Đại học Kazan. Ban đầu học Khoa Triết học ban Đông phương học, theo học ngoại ngữ Arập-Thổ Nhĩ Kỳ. Sau chuyển sang ban Pháp lý. Mùa xuân 1847. Tolstoi bỏ học trở về trại ấp Poliana nhận gia tài, điền trang và nông nô theo luật thừa kế. Tolstoi tích cực lo cải thiện đời sống cho nông nô và tá điền. Trong thời gian này, ông vẫn bền bỉ tiếp tục trao dồi học vấn. Bốn năm sau, Tolstoi đi du lịch vùng Kapkaz sống gần những người Kozak. Ít lâu sau, ông xin nhập ngũ. Tolstoi ưa đọc sách của các nhà văn Rouseau, Schiller, Dickens, Puskin, Gogol. Tác phẩm đầu tay Thời thơ ấu đăng báo đã giành ngay được cảm tình của độc giả. Nhà văn trẻ phấn khởi viết tiếp Thời niên thiếu (1854) và Thời thành niên (1857). Bộ ba tác phẩm tự thuật này miêu tả quá trình trưởng thành của một lớp thanh niên quí tộc sớm biết suy nghĩ nghiêm túc về cuộc sống. Nhà phê bình văn học Tsecnưxepski viết bài khen ngợi và tiên đoán triển vọng rực rỡ của tài năng Tolstoi. Kế đó, ông viết truyện Sevastopon diễn tả lại cuộc chiến đấu của thành phố anh hùng chống trả quân đội Anh và Pháp xâm lược. Truyện toát lên lòng khâm phục "sự vĩ đại thầm lặng, không ý thức và tinh thần cứng cỏi" của người lính Nga. Có thể nói tác phẩm đó là khúc dạo đầu cho bản hùng ca chiến tranh và hòa bình sau này. Cuối năm 1855, Tolstoi trở về Petersburg. Vì còn nặng tư tưởng quí tộc, ông ít gần gũi với những người dân chủ cách mạng. Ông đề ra một số tư tưởng
- cải cánh xã hội để giải phóng nông nô ở trại ấp của mình. Triệu tập nông nô để hợp bàn nhưng không thành. Tiếp tục viết truyện ngắn. Cuối năm 1856, Tolstoi giải ngũ. Rồi ra nước ngoài, đi thăm Pháp, Thụy Sĩ, Ý Đức. Ông miêu tả lại những ấn tượng nặng nề khi quan sát thấy thái độ tàn nhẫn, lạnh lùng của trật tự tư sản đối với nghệ thuật, nghệ sĩ và con người (Bút ký Luyxener). Giữa năm 1857 Tolstoi trở về Nga, viết các truyện ngắn phê phán lối sống quí tộc, xa hoa, đề cao thiên nhiên và và bảo vệ đời sống gai đình, gia trưởng. Lăn mình váo các hoạt động giáo dục phổ thông. Năm 1860, ông lại ra nước ngoài thăm người anh và quan sát nền giáo dục phương Tây, gặp gỡ các nhà giáo dục, nhà văn như Dickens (Anh), Prudon và nhà cách mạng Nga lưu vong Ghec-xen. Trở về nước, Tolstoi thất vọng với bản tuyên ngôn cải cách của Nga Hoàng. Ông nhận làm thẩm phán tòa án ở tỉnh Tula. Do luôn luôn bảo vệ quyền lợi của nông dân, ông bị bọn địa chủ quí tộc căm ghét. Ông viết:"người ta muốn đánh tôi và lôi tôi ra tòa". Năm 1862, ông phải giải nhiệm. Tolstoi lại lăn mình vào ngành giáo dục, mở trường, xuất bản tạp chí giáo dục, viết sách cho trẻ em học. Những quan niệm giáo dục của Tolstoi còn có những mâu thuẫn, chưa nhất quán. Ông phê phán kịch liệt văn minh tư sản và dường như muốn phủ định toàn bộ văn minh nhân loại nói chung. Nhà văn lên án tư bản chủ nghĩa là đúng đắn song lại rơi vào bảo thủ. Điều đáng nói là nhà văn hết lòng yêu trẻ và am hiểu sâu sắc thế giới tâm hồn phong phú, tế nhị của trẻ em. Cuốn tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" viết từ năm 1863 - 1869 đã làm cho tên tuổi của Tolstoi rạng rỡ khắp nước Nga và thế giới, khiến ông trở thành "con sư tử của văn học Nga". Từ 1873-1877, ông viết xong cuốn tiểu thuyết "Anna Karenina" nêu lên nhiều vấn đề xã hội cấp bách. Những năm 1880, ông viết những bài chính luận phê phán hệ tư tưởng quí tộc với tất cả cảm xúc chán ghét. Nhà văn kịch liệt phê phán toàn bộ trật tự nhà nước, giáo hội, xã hội và kinh tế đương thời dựa trên sự nô dịch quần chúng, giả nhân, giả nghĩa suốt từ trên xuống dưới. Năm 1881, Tolstoi gởi thư cho vua Nga Alexandre III yêu cầu đừng hành hình những người giết nhà vua Alexandre II. Thư không tới tay nhà vua. Tháng 10.1881, gia đình Tolstoi chuyển về ở hẳn thủ đô Moskva. Nhà văn đã già nhưng rất khỏe, tự nguyện sống kham khổ và ham lao động chân tay, cưỡi ngựa và đi bộ xa. Ông tiếp tục viết truyện và kịch miêu tả cảnh khổ của nông dân, truyền bá học thuyết "Thuyết tu thiện, bất bạo động". Năm 1891, chống lại ý kiến vợ, Tolstoi từ bỏ bản quyền văn học của những tác phẩm viết sau năm 1881 (vì 2 lý do: mâu thuẫn tư tưởng và vì nhuận bút quá nhiều !).ông còn tích cực đi cứu đói ở ba tỉnh. Tác phẩm vĩ đại nhất những năm 90 là tiểu thuyết "Phục sinh" (1889- 1899). Đây là bản án đanh thép tố cáo chế độ nông nô chuyên chế và giáo hội Nga là kẻ đẩy quần chúng vào cảnh khốn cùng. Giáo hội Nga tuyên bố khai trừ nhà văn vào năm 1901, và mỗi năm, các nhà thờ ở Nga dành một ngày chủ nhật để nguyền rủa bá tước Tolstoi là "tên dị giáo và phản chúa". Lênin viết: "Giáo hội
- đã khai trừ Tolstoi. Càng tốt, công tích đó sẽ được ghi khi nhân dân Nga thanh toán xong bọn quan lại khoác áo thầy tu, bọn sen đầm nhân danh chúa Jesus". Mặc dù phản đối cả bạo lực phản cách mạng và bạo lực cách mạng, Tolstoi viết bài luận chiến đăng báo phản đối các cuộc hành hình những người cách mạng. Bọn thống trị hoảng sợ trước uy danh lừng lẫy của nhà văn lão thành Tostoi, có kẻ khuyên Nga Hoàng Alexandre III truy tố ông. Y nói "Trẫm không có ý định biến ông ta thành đấng tử vì đạo rồi trẫm phải hứng lấy sự bất bình của dân chúng". Trước ngày lễ mừng thọ Tolstoi 80 tuổi (1908) chính quyền có ý tạo nên bầu không khí tẻ nhạt, ngăn cản quần chúng bày tỏ tình cảm nồng nhiệt với nhà văn. Lúc đó, chính Lê nin đã viết bài báo nổi tiếng "L.Tolstoi, tấm gương phản chiếu cách mạng Nga" phân tích sự nghiệp sáng tác vĩ đại của nhà văn. Trong những năm cuối đời, Tolstoi lâm vào tình trạng khủng lý tưởng g. Mộng ước của ông là xóa bỏ chế độ tư hữu ruộng đất, xóa bỏ mọi bất công và thực hiện lý tưởng tự do nguyên thủy, về con người chí thiện mà ông đã truyền bá suốt đời mình, rút cuộc vẫn chưa thực hiện được. Nhật ký của Tolstoi ghi ngày 10.6.1907 có đoạn " Càng ngày tôi càng cảm thấy đau đớn hầu như về thể xác vì sự bất bình đẳng, cảnh giàu sang thừa thãi bên cạnh cảnh nghèo hèn, thế mà tôi lại không giảm nhẹ được sự bất công đó. Đấy là bi kịch thầm kín của đời tôi". Sự bất hòa giữa ông với vợ con lại làm cho bi kịch đó thêm nặng nề. Từ lâu, Tolstoi đã có ý định rời bỏ "tổ ấm quí tộc" và xã hội thượng lưu. Rạng sáng ngày 28.10.1910, Tolstoi cùng bác sĩ riêng bỏ nhà ra đi. Dọc đường ông bị cảm lạnh, phải ghé lại nghỉ ở nhà ga Astapovo (ngày nay mang tên ga Tolstoi). Đến ngày 7.11.1910, Tolstoi hấp hối và qua đời tại nhà ga hẻo lánh đó. Bà vợ đến kịp, quỳ xin ông tha lỗi, nhưng đã muộn rồi. Cả nước Nga và châu Âu thương tiếc nhà đại văn hào. Lê nin viết bài văn điếu "L.N.Tolstoi". Nhà văn M.Gorki viết "trong đời mình, chưa bao giờ tôi khóc thảm thiết, tuyệt vọng, cay đắng như vậy". Di hài Tolstoi được đưa về chôn cất ở trại ấp Poliana quê nhà, giữa hàng cây trên bờ nơi chôn giấu cây "gậy xanh thần kỳ" mà ông từng miêu tả trong những trang sách bất hủ của mình dành cho trẻ em. Tiểu thuyết "ANNA KARENINA" (1873-1877) Các nhân vật chính: Anna - phụ nữ quí tộc vợ của Karenin Karenin Alexei Alexandorovich - bá tước, viên chức cao cấp, hơn Anna 20 tuổi. Vronski - bá tước sĩ quan, người yêu của Anna Levin Konstantin Dmitrich - một quí tộc Kitti (Katia) - nữ hầu tước, sau là vợ của Levin. Anna mồ côi cha mẹ, sống với bà cô ruột. Nàng trẻ đẹp, giàu sức sống, bị ép lấy Karenin, một bá tước giữ chức vụ cao ở triều đình, một kẻ tâm hồn cằn cõi, chỉ lo tính toán danh lợi và tỏ ra đạo đức giả. Anna khát khao yêu đương và một tình yêu chân chính. Gặp gỡ Vronski, một sĩ quan trẻ, đẹp trai, nồng nhiệ. Mở ra một tình yêu đầu tiên thực sự với Anna mặc dù nàng đã có con trai Serioja (với Karenin). Vấn
- đề ly dị chồng. Karenin chỉ muốn vợ giữ kín tai tiếng, mặc cho nàng ngoại tình. Bỏ đi theo Vronski, nhớ con trai trở về Peterburg. Cuộc tình mới nặng nề, ngày càng suy thoái. Mẹ anh muốn anh cưới công nương Sorokina. Vronski mải mê với công danh, lỡ hẹn về tham dự sinh nhật đứa con của nàng. Anna ra đón ở nhà ga. Nàng tuyệt vọng, hoảng loạn, đưa chân vào bánh xe lửa và chết bi thảm. Vronski hối hận, bỏ ra đi. Bạn của họ là Levin, quí tộc trại ấp, gắn bó và chia sẻ với nông nô, nông dân.Chàng khinh ghét quí tộc và văn minh thành thị. Sau mối tình đầu thất bại, chàng yêu Kitti tiểu thơ ngây thơ trong trắng, hiền hậu. Bản tình ca của họ thật đẹp, tưng phản với Anna và Karenin. Levin luôn luôn tìm tòi giải pháp xã hội với "chân lý nông dân". Chàng cũng căm ghét bọn tư sản, con buôn đang dần dần lũng đoạn nền chính trị. Theo đuổi giải pháp cải lương "thỏa hiệp giữa địa chủ tư sản và nông dân" để tránh xung đột bạo lực. Thất bại, suýt tự tử. Cuối cùng chỉ còn an phận trong tổ ấm gia đình. Hai chủ đề của tiểu thuyết: Số phận của người phụ nữ. Vấn đề hôn nhân, hạnh phúc và gia đình Anna là một phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Tế nhị, cởi mở, thông minh và hiểu biết rộng về văn chương. Nét nổi bật là thái độ thành thực, căm ghét sự giả dối, đặc biệt ghét thói đạo đức giả của giới thượng lưu quí tộc. Nàng mạnh bạo đòi lại quyền sống hạnh phúc của mình. Tình yêu chân chính đến với Anna thì đồng thời nó tạo ra nguy cơ mất đứa con trai yêu quí. Tình yêu của Anna - Vronski là sự thách thức của xã hội thượng lưu, cái xã hội ấy dùng mọi quyền lực để đè bẹp một tâm hồn "nổi loạn". Pháp luật, tôn giáo, đạo đức, dư luận. Pháp luật đe dọa cướp đi đứa con của kẻ ngoại tình bị bắt quả tang. Tôn giáo uy hiếp tinh thần của Anna."Cuộc đời chúng ta do Chúa gắn bó. Chỉ có tội ác mới cắt đứt quan hệ đó, mà tội ác như vậy sẽ bị trừng phạt nặng nề ” (lời răn đe của Karenin). Xã hội thượng lưu. Bản chất của họ là ích kỷ, giả dối. Họ ruồng rẫy đôi bạn tình đến nỗi họ phải chọn lối ra đi. Vronski yêu nàng tha thiết nhưng chưa đủ sức vượt qua lề thói thượng lưu cũ kỹ. Về độ cao tinh thần, anh ta thấp hơn Anna. Cái chết của nàng trở thành bi kịch xã hội, không chỉ là bi kịch cá nhân. Nhà văn không trách móc Vronski - nhân vật “con người thừa”, ông chỉ vạch ra nguyên nhân xã hội của bi kịch đó. Nhà văn nghiêm khắc xét đoán Anna nhưng vẫn tỏ rõ mối cảm thông sâu sắc với người phụ nữ tài sắc, đứa con tinh thần của nhà văn. Levin - nhân vật quí tộc tiến bộ điển hình Sống nội tâm, nhút nhát, chuẩn mực. Coi trọng và say đắm, sôi nổi trong tình yêu Thất vọng nhận thấy giai cấp quí tộc suy thoái, lo lắng trước cảnh chế độ nông nô tan rã. Suy nghĩ nghiêm túc về giải pháp hòa hợp. Bất bạo động. Không bằng lòng an phận với một gia đình hạnh phúc, bình an. Anh kiên trì tìm tòi, thể nghiệm để thực hiện "chân lý nông dân". Bi quan cao độ, suýt tự tử. Nhân vật Levin là hình ảnh tự biểu hiện của nhà văn. Tiểu thuyết sử thi "Chiến tranh và hòa bình"
- “Sáng tác của bá tước Liev Tolstoi” 1. Ca ngợi chiến tranh yêu nước của nhân dân Nga. Phê phán chiến tranh phi nghĩa của các giai cấp thống trị Nga, Pháp., Áo 2. Vĩ nhân và quần chúng nhân dân. 3. Chân dung những con người ưu tú của thời đại - trên đường đI tìm chân lý cuộc sống. Quan niệm về người phụ nữ đạo đức. truyền thống Nga 4. Nghệ thuật tiểu thuyết sử thi (tiểu thuyết anh hùng ca). 5. Tolxtoi "tấm gương phản chiếu cách mạng Nga" - ý kiến Lênin. Bối cảnh Có 2 cuộc chiến tranh diễn ra trên hai mặt trận: - Trận Liên minh Nga - Áo chống Pháp trên đất Áo (1805-1807) - Trận kháng chiến chống quân Napoleon trên đất Nga. (1812) Cuộc sống hậu phương hoà bình và sau chiến tranh diễn ra chủ yếu ở hai thành phố Moskva và Petersburg. Các nhân vật chính Nhân vật hư cấu: Bốn gia đình quí tộc là trung tâm của các diễn biến. + Gia đình công tước Bonkonski gồm 4 người. + Gia đình lão bá tước Pierre Bezukhov nhận lại đứa con hoang Pierre. + Gia đình lão công tước Vasili Curaghin, và con gái Êlen,và hai con trai Ippôlit và Anatôn. + Gia đình vợ chồng bá tước Rostov 5 ngưòi con: con trai là Nikolai, hai cô lớn có chồng sĩ quan, Natasa và trai út Petrusa (Petia), cháu gái Sonya Nhân vật lịch sử: Kutuzov - Tổng tư lệnh quân Nga, Napoleon - hoàng đế Pháp, Nga hoàng Alexander I. + Người lính nông dân: Platon Carataev. + Nhiều người bạn của 4 gia đình và nhiều sĩ quan, lính. Tổng số: khoảng 559 nhân vật, trong đó có 200 người xuất thân bình dân. Tóm tắt cốt truyện Bố cục của tiểu thuyết đồ sộ này dàn trải và đan chéo giữa 4 gia đình trung tâm. Ở đây chúng ta CHỈ theo dõi quá trình hoạt động của 2 nhân vật chính: Andrey và Pierre cùng với nhân vật nữ là Natasa Tập I Chương mở đầu Cảnh đám tiệc ở một nhà đại quí tộc cung đình. Các nhân vật chính đều xuất hiện lướt qua Công tước Andrey Boncolski, con trai của đại tướng tổng tư lệnh đã về hưu, bấy giờ là một quí tộc trại ấp ở tỉnh lẻ. Andrey có tâm hồn trong sáng, trí tuệ phong phú, yêu nước, có khát vọng và ước mơ cao đẹp. Chàng không thích các phòng khách, tiệc tùng, vũ hội trong xã hội thượng lưu, không yêu người vợ đẹp, dịu hiền Lisa. Nhập ngũ, tham gia cuộc chiến tranh 1805 trong liên minh Nga, áo chống xâm lược Napoleon trên đất áo. Chàng hăng say chiến đấu để thực hiện "giấc mộng Tu - lông", mộng trở thành một "Napoleon thứ nhì" của
- châu Âu, để từ đó có điều kiện cải tạo xã hội Nga. Liên minh Nga - Áo thất bại. Giấc mộng Toulon tan tành. Tập II Từ chiến trường Austerlite, Andrey hiểu rõ những mặt xấu xa của hàng ngũ sĩ quan quí tộc. Bị thương nặng được trở về quê với nỗi thất vọng chán chường. Đúng lúc ấy, Lisa vợ chàng sinh con trai và chết ngay sau khi đẻ xong. Chàng hối hận (vì đã ra trận) càng thêm suy sụp. Giải khuân với chủ trương cải cách trại ấp, giảm nhẹ tô tức cho nông nôn. Tình cờ gặp gỡ tiểu thư Natasa duyên dáng, ngây thơ, yêu đời. Anh mến yêu nàng và yêu cuộc sống trở lại. Trở lại kinh đô, hoạt động chính trị với hy vọng cải cách quân đội, đính hôn với Natasa. Chàng ra nước ngoài chữa bệnh, ở nhà Natasa bị Anatôn quyến rũ. Andrey trở về, đau khổ giày vò. Vừa lúc quân đội Pháp do Napoleon cầm đấu tấn công xâm chiếm nước Nga. Tập III và IV Cuộc chiến tranhxâm lược của Napoeion Bonaparte làm sôi sục cả nước Nga. Andrey hăng hái nhập ngũ kháchẳn với lần sang viễn chinh nước Áo. Gặp bạn cũ Pierre, chàng công tước trí thức, nhút nhát và hay suy nghĩ về con đường cải cách nước Nga. Pierre đã cố gắng giữ lại Natasa khỏi trượt sâu vào sự quyến rũ tội lỗi của tên Anatôn đàng điếm (em vợ Andrew, cố ý trả thù những người tốt, Pierre lang thang ra trận sau khi một mình ám sát hụt Napoleon khi đội quân Pháp chiếm thành phố Moskva. Các gia đình quí tộc đI sơ tán. Natasa hết lòng giúp đỡ binh lính và thương bệnh binh, cùng với Marya em gái Andrey. Trước đó, Pierre vì ngây thơ đã bị lão công tước Vasili đưa vào bẫy để ép anh cưới tiểu thư Êlen con gái ông ta, với mục đích chiếm gia tài thừa kế khổng lồ của chàng. Sau cuộc hôn nhân bất hạnh, bế tắc, chàng đoạn tuyệt với Êlen và giới quí tộc đồi trụy, ích kỷ. Trong trận đánh ác liệt ở chiến trường Bôrôđinnô, Pierre chứng kiến tinh thần nhân dân Nga, Pierre hăng hái phục vụ chiến đấu. Bị bắt làm tù binh, trốn thoát. Sau khi kết thúc chiến tranh chống Pháp, tham gia "hội kín" - tiền thân của cuộc khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Chạp (1825) chống lại chế độ Nga Hoàng ( ) Andrey bị thương nặng, được gia đình Natasa nuôi dưỡng săn sóc. Gặp lại em gái Marya biết tin cha đã chết Marya yêu Nikolai (em trai Natasa) và từ bỏ lối sống độc thân khổ hạnh. Andrey thư thứ cho Natasa, nhưng chàng đã tắt thở trong vòng tay của hai người thân, bỏ lại con trai nhỏ. Em trai út của Natasa cũng hy sinh anh dũng. Pierre và Natasa kết hôn, xây dựng một cuộc sống mới. Chàng ham mê hoạt động cách mạng bí mật. Natasa đảm đang nội trợ, say mê gia đình. Marya lấy gã Nikolas (anh trai Natasa) Chương trữ tình ngoại đề, nhà văn trực tiếp bàn luận về lịch sử. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM Chủ đề 1: Cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân Nga. Nhà văn miêu tả 2 cuộc chiến tranh giúp cho người đọc so sánh tính chất phi nghĩa và chính nghĩa. Cuộc chiến giữa Liên minh Nga - Áo chống Pháp trên đất Áo (1805 - 1807). Người lính Nga thua trận vì sương mù trên đất Áo và vì làn sương mù chiến tranh không mục đích, phi nghĩa bao phủ họ. Hàng ngũ sĩ quan hèn nhát,
- ích kỷ. Vua Anlexander I quan liêu và tham vọng bất chính. Đại tướng tư lệnh Cutudốp biết trước sẽ thua, không hăng hái ra quân. Ông biết đây chỉ là trận đánh của ba ông hoàng đế châu Âu. Cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân Nga chống lại 60 vạn quân Napoleon tràn sang. Toàn dân vùng dậy. Nhân dân tản cư bỏ lại vườn không nhà trống, kinh đô Moskva bỏ ngỏ. Chiến trường Bôrôdinô là trận đánh quyết định. Nơi đây tập trung mọi lực lượng quân đội và du kích, dân binh. Bọn xâm lược không thể chống lại cả một dân tộc ngoan cường. Ngoài việc miêu tả cụ thể và chính xác diễn biến các trận đánh, nhà văn còn viết nhiều trang chính luận sảng khoái. Tuy thế, nhà văn ọôc lộ những quan điểm triết học sai lầm về chiến tranh . Ông cho rằng sự thắng bại là do đức Chúa Trời giữ phần quyết định chủ yếu. Chủ đề 2 - Vĩ nhân và quần chúng - Vĩ nhân chính nghĩa, giản dị: đại tướng Nga Kutuzov - Vĩ nhân tên hề của lịch sử : hoàng đế Napoleon - Nga hoàng Alexander I rất mờ nhạt. Trong việc miêu tả Kutuzov, nhà văn bộc lộ mâu thuẫn. Nhà văn lẫn lộn giữa ba yếu tố quyết định thắng lợi: 1. Lãnh tụ sáng suốt 2. Nhân dân quật cường 3. Chủ nghĩa định mệnh lịch sử: Chúa Trời quyết định, yếu tố nào giữ phần quyết định chiến thắng của nhân dân Nga ? Dù chưa giải đáp thỏa đáng, nhà văn đã miêu tả Kutuzov là hiện thân của chính nghĩa và lòng nhân đạo. Là đại diện xứng đáng của nhân dân. Về sau, Kutuzov không tán thành Nga hoàng đưa quân ra nước ngoài nên bị thất sủng (ruồng bỏ). Trái lại Napoleon hiện ra như một tên hề kiêu ngạo tự đắc, kẻ giả dối và nhẫn tâm, tên đao phủ của các dân tộc châu Âu Y không còn là thần tượng của thanh niên quí tộc châu Âu, đã hiện ra một con người "nhỏ bé, vô nghĩa và tầm thường". Chủ đề 3: Những ngươi ưu tú của thời đại trên đường đi tìm chân lý cuộc sống Andrey Bonconski và Pierre Bezukhov vốn là hình ảnh những "con người thừa" của xã hội quí tộc Cuộc chiến tranh nhân dân năm 1812 giúp học thoát ra, lấy lại niềm tin và xác định được lẽ sống đúng đắn. Họ đã tìm ra chỗ đứng xứng đáng trong lòng dân tộc. Phần lớn các nhân vật quí tộc chỉ biết lo thân, mưu cầu danh lợi cho gia đình. Chính họ, mà tối cao là vua Nga Alexander là " những người thừa" trong cuộc kháng chiến toàn dân. Sau khi tan vỡ "giấc mộng Toulon", Andrey gạt bỏ Napoleon ra khỏi tâm hồn mình. Lý tưởng bây giờ là xả thân vì tổ quốc và nhân dân Nga. Bất chấp mọi gian khổ hy sinh, Andrey trở thành bạn chiến đấu của đại tướng Kutuzov. Khi tử thương, chàng tha thứ cho Natasa và đã hiểu nàng, lúc hấp hối, chàng còn minh mẫn, sa vào tư tưởng thần bí và cải lương "hãy thương yêu đồng loại, thương yêu kẻ thù của mình. Thương yêu tất cả - thương yêu Thượng đế trong tất cả những sự thể hiện của người". Bạn anh, Pierre vẫn tin rằng nếu Andrey còn sống, anh ấy sẽ đi đúng con đường danh dự - chiến đấu chống cường quyền áp bức ở Nga.
- Bá tước trẻ Pierre từng đi du học nước ngoài về, là người nhạy cảm, chân thực nhưng xa rời nhân dân và cuộc sống (có thể so sánh phần nào với Lenski trong tiểu thuyết Evgeni Onegin của Puskine). Cũng giống như Andrey, Pierre băn khoăn tìm lẽ sống chân chính, anh đã kiên quyết thoát ra khỏi cuộc hôn nhân giả dối ích kỷ đồi trụy của xã hội quí tộc, lao vào cuộc kháng chiến. Có thể nói, Pierre đã « phát hiện » được nhân dân lao động mà trước đây anh hoàn toàn xa lạ với họ. Anh đã từng lầm tưởng Napoleon là vĩ nhân, đã "hiểu được cách mạng", thậm chí "vươn cao hơn cách mạng". Anh đã gan dạ giắt dao, súng đi tìm giết Napoleon những không thành. Những ngày ở nhà giam cùng với bác nông dân Platon Carataev khiến anh hiểu và cảm thông với nông dân, đặc biệt sau đó anh đi lang thang « xem » các trận đánh ở chiến trường Borodino. Cuộc tình muộn màng của Pierre và Natasa như là sự tất yếu trong cuộc đổi đời của Pierre. Anh tiếp tục tìm tòi con đường chống áp bức của chế độ Nga hoàng. Chắc hẳn sau đó 8 năm, anh sẽ là một trong "những người Tháng Chạp" nổi dậy (1812) dù cách mạng tư sản này chưa thành công. Denisov, sĩ quan xuất thân bình dân, chỉ huy du kích, vốn là đồng đội của bá tước tre Nikolas Rostov (anh trai Natasa). Ông cũng ủng hộ con đường mới mẻ của Pierre (trái lại, Nikolas phản đối con đường gây chính biến của Pierre và đe rằng nếu có chính biến, anh sẽ trung thành tuyệt đối với Nga hoàng, sẽ chém không kiêng nể bất kỳ ai Anh ta thuộc loại quí tộc bình thường "không suy nghĩ, không băn khoăn lý tưởng", loại người quí tộc đông đúc đương thời. Chủ đề 4: Bốn nhân vật phụ nữ và quan niệm của Tolstoi về đạo đức phụ nữ: Tiểu thư Êlen (Helène, con gái công tước Vasili Curaghin) là người phụ nữ đẹp, quí phái, lạnh lùng thiếu tâm hồn Ngụp lặn trong thế giới thượng lưu, cô ta trở thành kẻ trụy lạc và nhẫn tâm,không có con Pierre hối hận về cuộc hôn nhân bồng bột ngây ngô với Êlen và đã quyết tình đoạn tuyệt. Lisa Maynen là vợ Andrey Bonconski, người đàn bà có duyên nhất Peterburg. Tâm hồn nàng nghèo nàn, ham thích những cái tầm thường nhạt nhẽo của giới quí tộc đàng điếm như kiểu Hippôlit (em trai của Êlen). Và nàng không thể sống mà thiếu cái không khí thượng lưu quí tộc ấy. Bất hòa giữa hai vợ chồng về lối sống. Andrey chán nản, không muốn hòa hợp. Dù sao nàng cũng chẳng phải kiêu phụ nữ quí tộc sa đoạ. Andrey theo đuổi "giấc mộng Toulon". Khi vợ chết, Andrey mới hối hận vì đã không sớm giải quyết bất hòa với Lise Maynen theo một phương án tốt và tích cực hơn. Chàng tuyệt vọng, may nhờ gặp gỡ Natasa mà từ đó cuộc sống của anh chuyển hướng Natasa Rostova không đẹp lắm nhưng có duyên, sinh động và đặc biệt có vẻ đẹp tâm hồn, tràn trề sức sống. Nàng sống trong một gia đình quí tộc trung bình, hòa thuận gồm toàn những người tốt đẹp giản dị, nhân hậu. Cha nàng, lão bá tước hiếu khách, hồn hậu, thật thà, mẫu người hiếm hoi ở chốn kinh thành. Là tiểu thư quí tộc nhưng Natasa đậm tính nết thôn nữ, khiêu vũ dân gian và hát dân ca say mê. Gặp gỡ Andrey trong một vũ hội ở cung đình. Hai người đều cảm động và nhanh chóng dẫn đến một tình yêu. Theo cách miêu tả của nhà văn, hầu như hễ nhân vật nào tiếp xúc với Natasa thì họ đều bộc lộ một phần tâm hồn và bản lĩnh của họ. Natasa nhạy cảm, đặc biệt cảm xúc trước thiên nhiên làng quê, yêu quí người dân lao động. Cô sống bằng tình cảm hơn là lý trí. Bởi thế, thói nông nổi
- bồng bột đã dẫn cô đến sai lầm đáng tiếc với gã công tử Anatole (em trai của Êlen). Sức mạnh, sức sống của Natasa cũng bao gồm ngay cả nhược điểm kể trên. Cuộc chiến tranh chống Pháp (1812) đã phát huy hết những phẩm chất cao đẹp của Natasa. Nàng thúc giục gia đình đóng góp tất cả cho kháng chiến, tận tâm chăm sóc binh lính bị thương và tình cờ gặp lại Andrey khi anh bị tử thương Nàng chỉ biết tận tình chăm sóc anh để chuộc lỗi lầm. Cuộc tình kế tiếp của Natasa với Pierre đưa nàng tới một cuộc sống gia đình ổn định, hạnh phúc với 4 đứa con. Nàng mau chóng yên phận với vai trò người vợ, người mẹ truyền thống Nga. Trái với Natasa hồn nhiên tràn đầy sinh lực là cô Maria (em gái của Andrey). Cô gái sùng đạo, khắc khổ và nhẫn nhục với đôi mắt to và sáng, lặng lẽ phục vụ cha, phục vụ anh và cháu. Tâm hồn nàng vươn tới cái vô cùng, vĩnh viễn và chí thiện Cuộc gặp gỡ Natasa -Marya đã gây ảnh hưởng lẫn nhau. Natasa trở nên sâu sắc hơn, còn Marya sẽ yêu cuộc sống thực tiễn hơn. Hai tính cách đó phối hợp lại tạo ra mẫu người phụ nữ lý tưởng và đạo đức theo quan niệm của nhà văn: "hy sinh, phục tùng và tin yêu cuộc sống với những lạc thú của nó". Có thể thấy nhân vật Sonya có nét tương đồng với Maria về đức hi sinh nhẫn nhục chịu đựng. Tiểu thuyết "Phục sinh" Tác phẩm vĩ đại cuối đời nhà văn. Bản án gay gắt nhất đối với chế độ chuyên chế Nga Hoàng. Cốt truyện Maxlova, vốn là con hoang của một người hầu phòng, mẹ mất từ bé. Được hai bà cô của chàng sinh viên quí tộc Nekhliudov (nuôi dưỡng. Vừa là con nuôi, vừa là người giúp việc trại ấp). Mùa nghỉ hè, chàng sinh viên Nekhliudov về thăm 2 bà cô, gặp Maxlova, cô gái 16 tuổi đang dậy thì, duyên dáng, tràn trề sức sống. Trở thành đôi bạn tâm tình thân thiết. Ba năm sau, chàng sĩ quan Nekhliudov sắp đi xa, ghé về thăm hai bà cô. Không còn là cậu sinh viên trong trắng mơ mộng trước đây, chàng nửa quyến rũ nửa như cưỡng dâm cô thiếu nữ Maxlova. Bỏ lại 100 rúp, anh ta ra đi. Hai bà cô đuổi cô gái mang thai vào nơi gió bụi. Con chết, nàng sa vào nhà chứa gái. Bảy năm trời sa đọa, Maxlova nghiện rượu, thuốc và bệnh tật Xảy ra vụ đầu độc một gã phú thương, nàng bị tố giác và ra tòa. Bất ngờ gặp lại Nekhliudov ngồi ghế thẩm phán. Mặc dù không thể xác định nàng là thủ phạm, nàng vẫn bị kết án 4 năm khổ sai đày đi Siberia. Nhận ra người tình đáng thương ngày xưa, Nekhliudov cho rằng tình cảnh đau khổ và tội lỗi của nàng chính là do mình gây ra; ăn năn hối hận, tìm cách chuộc tội. Chàng quyết tâm tìm mọi cách xin ân xá cho Maxlova. Chàng hứa với Maxlova sẽ cưới nàng để chuộc lại lỗi lầm xưa. Nekhliudov nhìn rõ chế độ nhà tù và tòa án bất nhân, tàn nhẫn và nhìn thẳng vào sự sa đọa của mình. Quyết tâm " phục sinh ", tự cải tạo. Có cơ hội hiểu rõ số phận bất hạnh của bao nhiêu người bình dân trong xã hội. Đặc biệt
- chàng tiếp xúc với những người tù chính trị và cảm phục họ là những con người kỳ diệu, người con ưu tú của thời đại. Maxlova sống gần gũi với những người ưu tú ấy, được họ giáo dục và có sự thông cảm sâu sắc. Nàng từ chối lời cầu hôn của Nekhliudov vì biết rằng đó chỉ là sự chuộc tội, không còn là tình yêu đẹp đẽ chân chính. Nhưng nàng cũng nghe lời khuyên của anh, quyết tâm bỏ nghiện ngập, để "phục sinh" theo một con đường mới. Tiểu thuyết là một bức tranh toàn diện, qui mô và hoàn chỉnh về xã hội Nga, là bản án cực kỳ mạnh mẽ và quyết liệt. Nhược điểm: nhà văn đưa ra những giải pháp sai lầm đối với xã hội Nga Hoàng, thực ra đó là sự bế tắc. Nhân vật Nekhliudov cuối cùng không thiết tha đấu tranh nữa, chàng chìm đắm vào lối sống của tín đồ " thuyết tu thiện" làm vị cha chung của một quí tộc - nông dân. và "thuyết việc nhỏ ". Đặc sắc nghệ thuật của L. Tolstoi 1. Tiểu thuyết sử thi: « Chiến tranh và hoà bình » là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố: tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa và sử thi Theo nhà văn, "hình thức châu Âu" của tiểu thuyết không thể thích hợp với nội dung ông định viết. Hình thức tiểu thuyết lịch sử "Ivanhoe " của nhà văn Anh thiên tài Walter Scott chỉ coi bối cảnh lịch sử như cái nền của cốt truyện. Còn Tolstoi coi lịch sử như đối tượng miêu tả. Ông miêu tả các biến cố lịch sử quyện chặt với nhân vật. Trận đánh Bôrôdinô được miêu tả không chỉ là cái nền mà cũng là điểm đỉnh của cốt truyện quyết định số phận hầu hết các nhân vật chính. "Chiến tranh và hòa bình" cũng khác với anh hùng ca cổ đại. Nói cách khác, tiểu thuyết hiện đại chính là anh hùng ca (sử thi) của xã hội hiện đại. Nó cũng là tiểu thuyết tình. Nó bao gồm nhiều tiểu thuyết hoặc nhiều truyện ngắn được đan kết thật hấp dẫn. Nhà văn L.N.Tolstoi cũng nhận xét đó là một "bản Illiade thứ hai". Các nhà văn Tây Âu hết lời thán phục coi đó là "cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất trong các tiểu thuyết đã có". Ở trang đầu, tác giả không xác định rõ thể lọai, ông chỉ ghi "Sáng tác của bá tước L.N.Tolstoi". Dù sao, "Chiến tranh và hòa bình" trước hết là một cuốn tiểu thuyết theo ý nghĩa thông thường. 2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Thi pháp nhân vật cụ thể của Chiến tranh và hoà bình đã tuân theo chủ nghĩa hiện thực. Tức là xây dựng nhân vật điển hình phát triển trong hoàn cảnh điển hình. Đặc biệt, kết cấu tác phẩm liên quan chặt chẽ với nghệ thuật miêu tả nhân vật: Chọn nhân vật làm cái xương sống của tác phẩm, chia nhân vật thành hai tuyến lớn đối lập nhau, Kutuzov và Napoleon. Quí tộc kinh thành và quí tộc trại ấp. Công tước Bonconski và công tước Vasili kuraghin chiến tranh ở Áo và chiến tranh ở Nga. Nguyên tắc tương phản đó cũng áp dụng để miêu tả các cặp nhân vật. Andrey và Pierre. Natasa và Marya để làm bật vẻ riêng sinh động. Và nổi lên với tựa đề "chiến tranh" và "hòa bình". Có một tư tưởng xuyên suốt, xâu chuỗi hai bình diện đó là "tư tưởng nhân vật" và con đường chân lý của những con người ưu tú của thời đại.
- 3. Phép biện chứng của tâm hồn: Đó là tài năng tả người dựa trên phương pháp tâm lý. Nhà văn có khả năng khám phá tâm hồn của nhiều loại người. Từ đó dẫn đến khả năng cá tính hóa nhân vật. Không chỉ miêu tả nội dung lời nói mà quan trong là "cách nói" của nhân vật. Natasa hiện ra với tâm hồn.thiếu nữ hồn nhiên hay chạy nhảy, "chạy suốt cả tác phẩm. 4 lần khiêu vũ chỉ là cho tiết nhỏ thế mà đủ dựng lên cả trạng thái tâm hồn và diễn biến số phận nàng Miêu tả thiên nhiên rất chu đáo, thiên nhiên chẳng phải chỉ là cái nền của các nhân vật hoạt động mà còn là một "nhân vật" đặc biệt. Trong mắt Andrey, bầu trời Áo khác hẳn bầu trời Nga. Cây sồi mùa đông và cây sồi mùa xuân có tác động mạnh đến Andrey Đó là những cảnh thiên nhiên giàu chất thơ và đầy sức sống nước Nga. 4. Tolstoi - tấm gương phản chiếu cách mạng Nga: Đó là nhận xét của lãnh tụ V.I.Lênin. Tác phẩm " Chiến tranh và hòa bình" đã phản ánh một cách cực kỳ rõ rệt xã hội Nga trước cách mạng. Nhưng tư tưởng và tâm trạng đã hình thành trong hàng triệu nông dân Nga với cách mạng tư sản Nga. Tolstoi miêu tả được biển cả nhân dân sôi sục nhu cầu cách mạng, đòi giải phóng. Bảy năm sau khi đại văn hào Tolstoi mất, quê ông được giải phóng nhờ cuộc cách mạng do Lênin và Đảng cộng sản lãnh đạo. Bộ tiểu thuyết vĩ đại này đã được cả thế giới đánh giá như một đỉnh cao hàng đầu chưa từng có. ảnh hưởng của bộ tiểu thuyết tràn khắp thế giới văn học, ảnh hưởng về tư tưởng, về nghệ thuật và về tư duy tiểu thuyết. Nhà báo trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc hồi đầu thế kỷ này đã đọc L.N.Tolstoi và hăm hở viết văn, coi Tolstoi như « người thầy lớn » - không chỉ trong việc viết văn mà còn ở tầm nhìn thế giới. Đọc thêm (1821-1881) Dostoievski sinh ở Moskva, cha là bác sĩ quân y, ông nội thuộc gia đình quí tộc phá sản, làm linh mục ở một tỉnh nhỏ. Tính cách độc đoán khắc nghiệt của bố khiến thời trai trẻ của nhà văn chẳng được vui vẻ thoải mái. Mẹ xuất thân từ một gia đình thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ, bà hiền hậu thông minh có tâm hồn phong phú, say mê đọc tiểu thuyết. Bà sinh nhiều con và bà qua đời lúc Dostoievski 16 tuổi khiến nhà văn phải mang nặng suy nghĩ đau khổ. Gia đình nhà văn giữ truyền thống tập tục cổ và nghi thức tôn giáo. Từ nhỏ ông thích đi ngắm những công trình kiến trúc ở cung điện Kremli và nhà thờ. Kinh Thánh có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn nhà văn sau này. Những năm trung học, Dostoievski sống trong kí túc xá, đọc nhiều tác phẩm văn học Nga và nước ngoài, từ Puskin, Gogol, Lermontov đến Hugo, Balzac, Shiller Sau khi mẹ mất, anh vào Học viện kĩ thuật quân sự ở thủ đô theo lệnh của bố mặc dầu anh thích học khoa Văn ở Moskva. Tốt nghiệp, anh làm kĩ sư bản đồ chưa đầy một năm thì chán nản, bỏ nghề. Thôi việc năm 1844,
- Dostoievski bắt tay vào nghề viết văn với bản dịch xuất sắc tiểu thuyết Eugenie Grandet của Balzac ra tiếng Nga. Năm sau, Dostoievski viết xong tác phẩm nổi tiếng Những kẻ đáng thương hại (1845). Cuốn tiểu thuyết bằng thư này đã đưa nhà văn vào vị trí vững vàng trên văn đàn Nước Nga. Tiểu thuyết Những kẻ đáng thương hại kể về mối tình trong nghèo túng của một công chức nhỏ Maca Devuskin với cô gái nghèo bệnh tật Varenca. Một truyện tình bi thảm, hai người yêu nhau thắm thiết. Mối tình đựợc thể hiện qua những bức thư qua lại đầm đìa nước mắt và cuối cùng họ đành phải xa nhau. Vì muốn thoát khỏi bệnh tật và nghèo đói, Varenca đành chọn kết hôn với Bưcốp- một gã tư sản địa chủ cao tuổi, giàu có chỉ biết quí tiền bạc và say mê hưởng lạc. Đọc tác phẩm này, nhà phê bình Bielinski sung sướng khen ngợi:”Anh sẽ trở thành một nhà văn vĩ đại”. Từ đó Dostoievski say mê vững bước trong nghề viết văn và chịu ảnh hưởng sâu sắc khuynh hướng tiến bộ của nhà phê bình dân chủ cách mạng Bielinski. Mùa xuân 1846, Dostoievski kết thân với nhóm văn học cách mạng Petrasevski, ông viết truyện Những đêm trắng (1848). Tháng 4 năm 1849 ông bị bắt tống giam vì “đã đọc bức thư cấm” của Bielinski gửi nhà văn Gogol trong nhóm cách mạng mang danh “Tháng Mười Một 1849” và bị kết án tử hình vì tội truyền bá bức thư “tội lỗi” đó. Nhưng khi Dostoievski đứng trước mũi súng tử hình trên quảng trường thì nhà vua thay tội chết bằng tội lưu đày khổ sai biệt xứ bốn năm, sau đó lại buộc vào làm lính phục vụ quân đội không thời hạn. Trò chơi độc ác của vua Nga Nikolai I càng làm tăng thêm bệnh thần kinh của nhà văn, cùng mười năm tù đày ở Xiberia sống trong thiếu thốn, lao động cực nhọc, o ép tinh thần khiến sức khoẻ ông tàn tạ, tư tưởng dao động, mất lòng tin vào cuộc sống và con người. Ông bảo rằng đó là những năm “bị chôn sống và bó trong quan tài”. Ông viết được cuốn Bút ký từ ngôi nhà chết (1854-1859). Sách gồm ba phần: Phần I nói về đời sống và tập quán nhà tù, miêu tả từ quần áo, ăn uống, tắm giặt, bệnh xá, rượu chè, cờ bạc gông cùm và cảnh vật xung quanh. Phần II Những chân dung của người tù khổ sai, đời sống và tâm lí của họ, trong đó có những người tâm hồn sâu sắc vàphong phú kì diệu Phần III là những mẩu chuyện quá khứ của người tù với những tội lỗi, say mê và hận thù giữa một thế giới đắm chìm trong nô lệ và ngu dốt. Cuốn sách đã gây xúc động cho nhiều người khiến họ hiểu được cảnh sống bi thảm của nhân dân dưới chế độ Nga hoàng. Năm 1859, ông được trở về Petersburg và bị quản thúc suốt đời. Dostoievski tiếp tục viết tiểu thuyết Những người bị lăng mạ và bị xỉ nhục (1861). Năm 1862 nhà văn đi Pháp, sang Anh rồi Thuỵ sĩ và Ý. Sau những ngày sống ỏ châu Âu, ông lại viết Ghi chép mùa đông về những ấn tượng mùa hè (1863) bóc trần những căn bệnh thối tha của chủ nghĩa tư bản, lên án giai cấp tư sản với thế lực đồng tiền chà đạp khẩu hiệu “Tự do bình đẳng bác ái” của Cách mạng tư sản Pháp trước đây. Nạn thất nghiệp, nghèo đói, mãi dâm của công nhân ở Paris, London và những thành phố lớn Tây Âu diễn ra bên cạnh cảnh sống giàu sang của người tư sản ngạo nghễ đắc thắng. Nhà văn không giấu lòng căm giận của mình và nỗi thất vọng trước sự phát triển của nền công nghiệp tư bản cùng với nền văn minh giả dối. Mặt khác ông cũng miêu tả công nhân như những người vô đạo đức, rượu chè và bất lực.
- Ông còn viết tiếp cuốn sách Bút ký dưới căn hầm (1863-64) bộc lộ tâm tư sâu kín của mình, lần đầu tiên ông phê phán “chủ nghĩa xã hội không tưởng” do Petrasevski đề xướng, chỉ trích tư tưởng cách mạng dân chủ của Bielinski và Tsernysevski - những thần tượng mà ông từng sùng bái hồi trai trẻ, trước khi đi tù. Ông nhiệt tình ca ngợi “chủ nghĩa cá nhân cực đoan”, đặt bản thân mình lên trên hết, ca ngợi thói vô đạo đức kiểu “người hùng”, cho rằng sống trên đời mọi việc đều có thể làm, bất cần luật lệ nào. Viết xong cuốn Tội ác và trừng phạt (1865-66), ông lại viết Gã cờ bạc (1866), Chàng ngốc (1867-68), Lũ quỉ ám (1871-72). Lũ quỉ ám là “tác phẩm thiên tài nhất và độc ác nhất trong vô số những hành động bôi nhọ phong trào cách mạng những năm 70” của nhà văn. Sau đó ông lại viết Gã thanh niên mới lớn (1874-75) lên án chủ nghĩa tư bản và những tai hoạ của nó trên đường phát triển. Những cảnh con người tha hoá, lộn xộn nhốn nháo chạy theo đồng tiền, lợi nhuận và quyền lực đã ngự trị xã hội, tác động sâu sắc đến người lớn và cả trẻ em - đó là chủ đề nổi bật của tiểu thuyết. Nhà văn rơi vào tình trạng tự mâu thuẫn: vừa muốn nước Nga tránh khỏi tai hoạ của chủ nghĩa tư bản lại vừa chỉ trích những tư tưởng cách mạng đúng đắn! Cuốn tiểu thuyết dang dở Anh em nhà Caramazov (1879-80) lại là cuốn tiểu thuyết nổi bật hơn hết, thể hiện đầy đủ tài năng trí tuệ và thế giới quan của nhà văn trước khi qua đời (1881). Mặc dầu có nhiều sai lầm về quan điểm chính trị, triết học và nhân sinh, Dostoievski vẫn là “nhà văn thiên tài biết phân tích những căn bệnh của xã hội thời ôn”, là “một thiên tài không thể phủ nhận được, với sức biểu hiện như vậy thì chỉ có Shakespeare mới có thể đặt ngang hàng” - đó là nhận xét của nhà văn Maxim Gorki. (theo Từ điển văn học - tập I. Nhà xuất bản khoa học xã hội Hà Nội 1983) Chương 4: ANTON SEKHOV Đại biểu ưu tú cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực Nga Anton Pavlovich Sekhov, đại biểu xuất sắc cuối cùng của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga, nhà cách tân thiên tài về truyện ngắn và kịch nói. Tác phẩm của ông lên án nghiêm khắc chế độ xã hội bất công, thói cường bạo và sự sa đọa của giai cấp chấp chính, sự bất lực của giới trí thức. Nhà văn cũng biểu lộ lòng thông cảm sâu sắc, trân trọng những người nghèo khổ, tình yêu thắm thiết và niềm tin vô bờ bến vào nhân dân lao động Nga. Tiểu sử A.P.Sekhov sinh ngày 29.1.1860 trong một gia đình tiểu thương, tiểu tư sản. Ông nội vốn là nông nô, đến năm 1841 chuộc lại được tự do. Cha Sekhov có ít nhiều năng khiếu nghệ thuật, tuy hiểu giá trị của học vấn nhưng áp dụng lối giáo
- dục gia trưởng, nghiêm khắc trong gia đình khiến cho thời thơ ấu của con cái không có chút niềm vui. Lên 7 tuổi, Sekhov đi học trường phổ thông. Chưa kịp tốt nghiệp trung học thì gia đình anh bị phá sản phải chạy về Moskva để trốn nợ. Một mình Sekhov ở lại học quê nhà, cô độc và nghèo nàn, đi dạy học tư để giúp gia đình trong 3 năm. Đến năm 1879, tốt nghiệp trung học, anh đi Moskva vào học Y Khoa trường đại học Moskva. Từ những năm 80, với bút danh “Antosa Sekhonte”, Sekhov bắt đầu nổi tiếng về viết truyện ngắn. Năm 1884, đúng lúc tốt nghiệp đại học, Sekhov đã xuất bản tập truyện đầu tiên. Năm 1886 tập thứ 2, năm 1887 tập thứ 3: Tập truyện này được Viện hàn lâm khoa học Nga tặng giải thưởng Puskin. Từ sau khi tốt nghiệp đại học (1884), Sekhov làm bác sĩ ở một thành phố nhỏ ngoại ô Moskva. Cuộc sống thầy thuốc ở tỉnh nhỏ và đồng quê đã giúp nhà văn tìm hiểu sâu đời sống dân chúng. Nhà văn - Bác sĩ ngày càng khao khát tham gia hoạt động chính trị, cải cách và đấu tranh xã hội. Năm 1890, Sekhov tới hòn đảo Xakhalin nơi chính quyền Nga Hoàng đày ải tù khổ sai. Chuyến đi gian khổ khắp làng mạc tiếp xúc một vạn tù khổ sai đi thống kê dân số cư dân ở đảo. Trở về, ra nước ngoài (Ý, Pháp, Áo, du lịch một tháng rưỡi. Trở về Nga, bắt đầu viết cuốn "Đảo Xakhalin" mô tả cái địa ngục trần gian để tờ báo chính quyền Nga. Sekhov cho in truyện vừa "Phòng số 6" đánh dấu bước ngoặt sáng tác của nhà văn. Những năm đầu 90, nhà văn đi tham gia cứu đói ở một số nơi, quyên tiền, xuất tiền riêng và đi chữa bệnh cho dân nghèo. Mua một trại ấp sống cùng gia đình. Ở nơi đây, cách thủ đô 60km, Sekhov viết nhiều tác phẩm nổi tiếng như vở kịch "Chim Hải Âu", "Cậu Vania" Nhà hát nghệ thuật Moskva hiểu được nghệ thuật cách tân thiên tài của Sekhov về kịch nói và đã trình diễn thành công những vở kịch của ông. Năm 1899, Sekhov bị bệnh phổi trầm trọng, năm 1900, nhà hát Moskva về tận nhà ông diễn vở "Cậu Vania" và "Chim hải âu". Năm 1901 nhà văn kết hôn với Olga Kniperer nữ diễn viên có tài của nhà hát. Sekhov còn giao tiếp với L.Tolstoi và M.Gorki vào thời gian này và được hai ông rất yêu mến, khâm phục. Vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh Puskin, Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga đã bầu L.Tolstoi, Sekhov và Korolenco làm viện sĩ danh dự. Ít lâu sau, để phản đối việc Nga hoàng Nicolai II bác bỏ đề nghị của viện hàn lâm bầu Maxim Gorki làm viện sĩ, Sekhov và Korolenco đã tuyên bố từ bỏ danh hiệu viện sĩ. Bệnh tình của Sekhov ngày càng nặng khiến ông phải sang Đức dưỡng sức. Ngày 2 tháng 7 năm 1904 nhà văn Sekhov từ trần. Thi hài được đưa về Moskva. Quan tài được khiêng qua thành phố 4 giờ liền. Dân chúng đi dự đám tang rất đông, Chính phủ Nga Hoàng sợ biểu tình chính trị, cho cảnh sát giám sát nghiêm ngặt. Tác phẩm văn học + Những truyện ngắn đấu tiên: truyện hài hước. + Những truyện phản ánh mặt đen tối của cuộc sống. - Cuộc sống tầm thường và những con người ti tiện, nạn nhân của xã hội đó là những "con người bé nhỏ". - Bộ máy quản lý nhà nước, cảnh sát quan liêu thiếu lương tâm.
- - Phong cách trữ tình xen lẫn hiện thực "nhỏ nhặt". - Nhân vật người nghèo khổ, nỗi đau buồn triền miên, mòn mỏi (có thể so sánh với nhân vật sống mòn của Nam Cao). + Truyện vừa "Đồng cỏ" đậm nét trữ tình và tượng trưng. Một em bé và đồng cỏ như một sinh vật hùng vĩ đẹp đẽ tiềm tàng sức sống buồn chán vì thiếu anh hùng tương xứng với đồng cỏ - nước Nga. Cảnh nghèo đói, bất công, tài năng bị hủy hoại. + Truyện ngắn "Một câu chuyện buồn chán" nói về một nhà khoa học nổi tiếng xa rời cuộc sống, thú nhận sự bất lực, sống không mục đích, chắn nản. Câu chuyện ký thác tâm sự của chính nhà văn. (Sau đó, Sekhov đi tới đảo Xakhalin, chuyển hướng sáng tác). Mấy đặc điểm nghệ thuật truyện Sekhov Sekhov đã viết tới vài trăm truyện ngắn và một số truyện vừa, tất cả đều đạt kỹ xảo tuyệt vời. - Kết cấu đơn giản nhưng ngôn ngữ ngắn gọn, trao chuốt chứa đựng nội dung xã hội phong phú, rộng rãi khắp nước Nga. - Lựa chọn tài liệu sống để làm nguyên mẫu cho sáng tạo. - Ngôn ngữ và hành động nhân vật tự biểu lộ (ngôn ngữ tác giả giấu kín). - Tận dụng và phát huy "chi tiết nghệ thuật" có nghĩa toát lên chủ đề. - Đối thoại giữ vai trò quan trọng, có kịch tính. - Miêu tả thiên nhiên được coi trọng để ngụ ý cảm xúc nhân vật. - Nhà văn chủ trương miêu tả cuộc sống một cách chân thực. Giọng điệu văn chậm rãi bình thản, tránh lối thuyết giáo khô khan. Kết luận về SEKHOV Trong cảnh hoàng hôn ảm đạm của nước Nga cuối thế kỷ XIX, "một con người rất Nga" (lời Tolstoi) thông minh, trong sạch, nhà nghệ thuật kỳ tài là Anton Pavlovich Sekhov đã dũng cảm đứng lên trên đám người xám xịt bất lực nhàn nhã kia và ném vào mặt chính quyền chuyên chế những lời phản kháng căm hờn và vững lòng tin tưởng tương lai tươi sáng của đất nước Nga. Cùng với Tolstoi, Sekhov đã đạt tới đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga. Chính đại văn hào Tolstoi đã gọi ông là "một nghệ sĩ vô song, một nghệ sĩ của cuộc sống Nga một Puskin trong văn xuôi và kịch". Đặc biệt Sekhov rất hiện đại trong truyện ngắn và kịch nói, có ảnh hưởng rộng rãi chẳng những ở các nước Đông Âu và trên toàn thế giới. Hai vở kịch và đặc sắc nghệ thuật viết kịch của Sekhov Sekhov viết kịch không nhiều, khoảng 10 vở gồm cả hài kịch và bi kịch. Ba vở xuất sắc hơn cả là "Chim hải âu, Cậu Vania và Vườn anh đào " Chim hải âu (1896)